Thầy giáo, thầy tu, thầy thuốc

Quang X Nguyen

THẦY GIÁO, THẦY TU, THẦY THUỐC


Nhân Ngày Thầy Thuốc 27 tháng 2, xin kính gửi đến các Thầy Thuốc chân chính một bài viết về Thầy Thuốc. Tác giả cáo lỗi đã quá bận bịu, không viết được bài mới, mà chỉ tìm lại được một bài cũ viết từ năm 2005 cũng vào dịp này...

Nhiều người vẫn bảo trong xã hội Việt Nam, có 3 giới được trân trọng gọi bằng “Thầy”: Thầy Giáo, Thầy Tu và Thầy Thuốc. Tại sao vậy ? Xin thưa ai cũng có thể trả lời ngay được rằng: vì đó là những nghề cao quý, chuyên dạy người, giúp người và cứu người. “Thầy” cũng còn được hiểu là cha, là bố của ta, là đấng sinh thành cho ta làm người.



Về “Thầy Tu”, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có thể hồi nhớ lại trong đời mình ít là một vị Giám Mục, Linh Mục, hay Tu Sĩ nào đó đúng nghĩa là thầy và là cha, là mẹ của chúng ta. Còn bản thân tôi bây giờ được người ta kính cẩn gọi là “cha”, được các bạn trẻ sinh viên quý mến kêu “bố ơi”, thú thật nhiều khi thấy hổ thẹn vì còn nhiều bất xứng lắm. Cứ phải cố gắng noi gương các “cha” của mình mà sống, mà ứng xử cho đàng hoàng hơn.


Về “Thầy Giáo”, tôi từng là giáo viên vỏn vẹn có 5 năm khi mới hai mươi mấy tuổi đời, lại không dạy học trò mà chỉ thỉnh thoảng bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên, sau này đi Thanh Niên Xung Phong, tôi có được thêm vỏn vẹn 6 tháng làm hiệu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa của Tổng Đội 1 ở xã Tà Nung của người dân tộc K'Hor. Do vậy chưa bao giờ tôi dám nhận mình là thầy giáo đúng nghĩa.

May mắn là tôi đã có được những thầy cô giáo mà tôi mang ơn dạy dỗ như trời bể, đến mức có thể gọi là người cha, là người mẹ thứ hai, không sinh, không dưỡng nhưng lại giúp tôi nên người. Tôi nhớ mãi ngày mình khấn trọn trong DCCT, mẹ tôi vừa qua đời hơn một tháng trước, ngay sau Lễ, soeur Tô Thị Anh, Dòng Đức Bà – cô giáo đã dạy tôi môn Tâm Lý Gặp Gỡ Chiều Sâu – nhỏ nhẹ bảo: “Anh Uy ơi, tôi xin tặng cho anh một nụ hôn thay cho má của anh nghen!” Và cô đã ôm chầm lấy tôi, xiết chặt. Vẻ bên ngoài thì hơi Tây một chút, nhưng tình cảm gửi gấm bên trong thì đúng là một vòng tay ấm áp của một người mẹ.

Còn với người “Thầy Thuốc”, tôi đã 2 lần được đại phẫu: năm 1979 khi sắp vỡ tung khúc ruột thừa viêm to, tôi còn nhớ tên ân nhân cứu sống mình là bác sĩ Bảo, bệnh viện Sàigòn; và năm 2001 mổ lấy một khối u tròn như quả banh pingpong trong ruột tại một bệnh viện hiện đại quận 16 Paris, tiếc là tôi đã vô tình đến nỗi quên không tìm gặp cũng không nhớ được tên vị giáo sư bác sĩ người Pháp đã cứu mình kịp thời khỏi tai họa ung thư.


Vậy đó, Thầy Giáo thì rèn đúc nên tâm hồn mình, Thầy Tu thì hướng dẫn tâm linh cho mình sống cho phải đạo, còn Thầy Thuốc thì chăm sóc và cứu chữa mình để mình được tiếp tục sống. Chúng ta mang ơn các Thầy mà lại không bị các Thầy đòi phải trả ơn, nếu mình có muốn trả ơn thì chỉ có cách sống nết na hơn, tốt lành hơn mà thôi. Các Thầy tuyệt vời của chúng ta chẳng mong gì điều gì khác.

Ừ nhỉ, chưa ai nghĩ đến chuyện trong năm chọn ra một ngày của “Thầy Tu”, xã hội chúng ta chỉ mới có Ngày “Thầy Giáo” 20 tháng 11 và Ngày “Thầy Thuốc” 27 tháng 2 hôm nay. Tôi cứ băn khoăn mãi không biết sẽ viết gì đây nhân Ngày đặc biệt này, may quá lại gặp được bác sĩ Hoàng Đức Quyền, trước đây hơn mười năm khi còn là sinh viên đã từng sinh hoạt ở DCCT. Tôi ngỏ ý xin anh viết một chút gì đó về nghề “Thầy Thuốc”, anh kêu bận quá, tôi nài nỉ thêm mà không chắc sẽ nhận được gì, không ngờ cuối cùng tôi nhận được qua E-Mail lời tâm sự dưới đây.


“...Sáng nay, vì đến tua trực, tôi vào Phòng Sanh và một sản phụ trẻ tuổi đã làm tôi chú ý. Hình như tôi đã gặp em ở đâu đó. Thôi đúng rồi, cách đây hai năm, tôi biết em khi em còn đang học lớp 11. Chúng tôi đã nhận ra nhau, em nhờ tôi giúp đỡ vì không có người quen nào. Tôi đã động viên em, hướng dẫn những điều cần thiết. Cuộc “vượt cạn” của em tưởng chừng diễn tiến bình thường, nào ngờ... kết cục thì... chỉ cứu được con trai của em, còn em thì các bác sĩ phải bó tay vì “băng huyết do nhau cài răng lược”.

Em chỉ là một trong nhiều sản phụ gặp trục trặc trong lúc vượt cạn. Nhiều sản phụ phải cắt tử cung vĩnh viễn không mang thai được nữa; hoặc băng huyết nặng sau sanh, nhiễm trùng hậu sản, sức khỏe giảm sút rất nhiều sau khi sinh con... Tôi đã cảm nghiệm thật sâu sắc về sự hy sinh mất mát của người mẹ khi phải “mang nặng, đẻ đau” một đứa con. Những cảm xúc đó đã đánh động tôi viết thành một bài thơ, tạm gọi như vậy, vì thực ra hồi còn đi học Phổ Thông, tôi luôn bị điểm kém môn Văn.

CẢM XÚC

Kính tặng các Bà Mẹ,



Đặc biệt Người Mẹ yêu quý của con...

Em nhìn tôi, đôi mắt đen tròn ngơ ngác,

Sao quen quá đôi mắt này đã gặp.

Mới năm nào còn cô bé ngây thơ,

Mà giờ đây, Em đã là Sản Phụ.



Tiền chuyển dạ, em nhìn tôi nhờ vả.

Môi em cười, miệng em nói líu lo.

Ôi vui quá em trở thành người mẹ,

Đau khổ nào bằng hạnh phúc này không?

Chuyển dạ rồi, những cơn đau vật vã,


Em mím môi, tay bấu chặt thành bàn.

Ai hiểu em lúc này em nhỉ,

Những cơn đau xé thịt da người.



Vì kiệt sức đôi mắt em đờ đẫn.

Bỗng vọng lại một tiếng khóc... oe... oe...

Miệng thều thào, toàn thân em ngất lịm,

Mặt nhợt nhạt, vầng trán đẫm mồ hôi...



Một vùng đỏ thẫm và em đã ngã gục.

Tôi thót người, bất lực nhìn theo,

Chiếc băng ca lướt nhanh vào phòng mổ.

Ôi thương quá tấm thân gầy chịu đựng,

Để được con, em chết cả đời người!



Bàng hoàng nhìn em, tôi nghĩ về Mẹ,

Một đàn con, bấy nhiêu lần sinh nở,

Gánh nặng lo toan của ăn cái mặc.

Đau khổ quá nhiều, Mẹ tần tảo sớm

hôm...



Cảm ơn Mẹ đã cho con cuộc sống,

Mẹ ơi Mẹ ! hãy sống mãi bên con!

Bs. HOÀNG ĐỨC QUYỀN


Đọc xong, tôi đã xúc động thật sự. Ước gì xã hội bây giờ có được nhiều nhiều những bác sĩ vừa có Tài, lại vừa có cái Tâm như thế đối với cha mẹ, đối với học trò, đối với đồng nghiệp, và nhất là đối với bệnh nhân, để bớt dần đi những... “con sâu màu trắng làm rầu nồi canh”...


Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
2005