Một vài kỷ niệm sống động về Đức Hồng y FX Nguyễn văn Thuận

Quang X Nguyen

Như tựa đề bài viết nầy, tôi chỉ mong ghi lại một vài ký ức về Linh Mục PX. Nguyễn Văn Thuận luôn sinh động trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Những ngày tháng có nêu lên trong bài có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chắc chắn sự việc đã xảy ra, nhất là đã thực sự chi phối những bước đi của đời tôi.

Khi đề nghị tôi góp nhặt những bài nói chuyện của ngài tại Strasbourg năm 1998 để thực hiện cuốn “Niềm vui sống đạo”, Ðức Tổng Giám Mục PX. Nguyễn Văn Thuận điện thoại nhắc tôi thế nầy: “Trúc nhớ đề ở đầu sách câu nầy của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II như lời gởi gắm riêng của cha cho người trẻ Việt Nam: Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh”.

Hôm nay, khi ngồi viết lại một vài kỷ niệm gặp gỡ Linh Mục PX. Nguyễn Văn Thuận trong đời mình, tôi thâm tín việc nầy: một người thánh, một cuộc đời đáng gọi là thánh khi ta nghĩ đến người ấy thì tự nhiên ta muốn mình trở nên tốt hơn. Và đó là kinh nghiệm của tôi khi tưởng nhớ về vị Linh Mục nầy.




1. LINH MỤC GIÁO SƯ TIỂU CHỦNG VIỆN PHÚ XUÂN VÀ CHA LINH HƯỚNG

Tôi vào Tiểu Chủng Viện Phú Xuân khóa 1959. Khóa tôi 53 người, tôi mang số 53 vì năm ấy tôi được miễn thi vào Chủng Viện, lý do là vào lúc tổ chức thi tuyển, thì tôi bị bịnh thương hàn. Có thể nói khóa của tôi là khóa cuối theo “chế độ cũ của Chủng Viện”. Chế độ cũ không có nghĩa là xấu, nhưng sau năm ấy ( tức là từ khóa 1960 ) nhân sự điều hành và giảng huấn cũng như sinh hoạt chung của Tiểu Chủng Viện thay đổi, một sự thay đổi mà Linh Mục Nguyễn Văn Thuận đóng một vai trò có tính cách quyết định.

Linh Mục Thuận đổi đến Tiểu Chủng Viện Phú Xuân thay cho Linh Mục Nghĩa vào đầu niên khóa 1960-1961. Ngài xuất hiện ra trước mắt tôi lúc đó như một hình ảnh gầy, cao, thẳng, đi nhanh, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ và hay cười. Phòng ngủ của ngài nằm đầu mút tầng lầu cánh trái Tiểu Chủng Viện.

Tôi nhớ dường như năm ấy ngài không làm gì nổi bật trong Tiểu Chủng Viện ngoài một sự hiện diện vui vẻ, trẻ trung, một thái độ tôn trọng các Linh Mục, hoặc là thầy ngài ngày trước hoặc là lớp đàn anh của ngài. Ngài dạy lớp tôi môn Pháp văn; và riêng cá nhân tôi, tôi là một trong những chủng sinh chọn ngài làm cha Linh Hướng.

Nếu còn có một tình cảm nào còn lưu lại trong những lớp Pháp văn ấy của ngài, thì đó là một tình cảm an bình, thoải mái trong những ngày tu trì. Mỗi giáo sư đều có một cái gì tích cực để lại trong cuộc sống chúng tôi, và điểm tích cực nơi vị Linh Mục trẻ nầy là trao cho tôi niềm vui khi học: không một giờ nào của ngài mà chúng tôi không có dịp để nghe chuyện vui và những điều lạc quan trong các câu truyện ngài kể.

Riêng về cuộc sống thiêng liêng mà tôi tiếp cận được nơi Linh Mục Linh Hướng nầy, thì đó là thái độ cung kính, nghiêm trang khi ngài thi hành các tác vụ thiêng liêng của một Linh Mục. Ðây là yếu tố gây nên chấn động lớn lao hơn cả trong cuộc sống tôn giáo của tôi, khi được sống gần gũi với ngài.

2. CHA BỀ TRÊN THUẬN

Ðối với tôi, tên gọi và hình ảnh nầy luôn sống động trong ký ức của mình.

Qua đến niên khóa 1961-1962, Lm. Thuận được Ðức Tổng Giám Mục Huế đặt làm Bề Trên Tiểu Chủng Viện. Khi chúng tôi tưụ trường thì các giáo sư lớn tuổi được đi nhận các nhiệm sở trong các Họ Đạo, chỉ còn lại Lm. Giacôbê Lê Văn Mẫn, những Linh Mục trẻ ( Lm. Giuse Nguyễn Như Tự, Phêrô Ðoàn Quang Hàm, Philipphê Trần Văn Hoài, Stêphanô Nguyễn Như Thể, J.B. Etcharren ), các thầy giúp xứ ( Hồ Văn Quý, Nguyễn Văn Hội, Trần Văn Tuyên ) tuần tự được đưa vào dạy Chủng Viện.

Niên khóa nầy, cha Bề Trên Thuận lu bu đủ việc: canh tân cuộc sống Tiểu Chủng Viện, xếp đặt làm sao để hai phần nhân lực của Chủng Viện bị phân làm đôi luôn liên lạc được với Bề Trên, và việc quan trọng là khởi công xây Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, mà sơ đồ xây dựng và tài chánh do ngài đảm trách vận động phần chính yếu. Năm ấy cha Bề Trên mới có 33 tuổi !

3. MỘT TÀI NĂNG TỔ CHỨC CÔNG VIỆC HIẾM CÓ

Có người Chúa cho tài tổ chức nhân sự, đào tạo, giáo dục, kẻ khác là tài giao tế, vận động tài chánh, có người là tài xây cất cơ sở… Còn Linh Mục Thuận dường như Chúa nhân tăng ơn của Ngài: Trong một năm một Linh Mục 33 tuổi có thể vừa đặt lại nền móng đào tạo chủng sinh cho kịp những đòi hỏi canh tân của Giáo Hội trong mùa chuẩn bị Công Ðồng Vaticanô II, vừa đi đây đi đó ở khắp nơi trên thế giới để vận động tài chánh xây cơ sở Hoan Thiện, vừa đốc suất theo dõi tiến trình xây cất. Tài năng đó quý giá thật, nhưng đối với tôi, quan trọng hơn hết là trong những ngày tháng đa đoan như thế, tác phong một Linh Mục, một giáo sư, một Bề Trên Chủng Viện không vì hoàn cảnh nầy khác mà đi vào tình trạng được xem là “có thể chuẩn chước”.

4. MỘT NHÀ GIÁO DỤC

Vào mùa mưa, tiểu chủng sinh lại chơi bi. Có chú chơi qua chơi về ăn được cả từng vài trăm viên bi. Tôi cũng không nhớ có phải phòng bán đồ trong Chủng Viện ( do Lm. Giacôbê Mẫn phụ trách ) bán ra hay không, nhưng hiện tượng lạ là vào mùa ấy là bi tràn ngập trong Chủng Viện.

Năm đầu cha Thuận làm Bề Trên, lớp tôi là lớp lớn nhất trong các lớp nhỏ ở lại với ngài ở Phú Xuân, nên tôi cảm thấy như mình có trách nhiệm và hơi bực vì các chú nhỏ đem bi vào nhà ăn, nhà ngủ, đôi lúc cả trong Nhà Thờ…; không những khó chịu vì tiếng động của bi mà thôi mà vì mấy chú còn nói chuyện bất cứ lúc nào với nhau về bi. Tôi hỏi cha Bề Trên: sao cha không phạt ? Ngài cười và nói nhỏ với tôi: “Ðể xem, một tuần nữa thôi chẳng có ma nào chơi bi nữa đâu. Chuyện gì nhỏ và không quan trọng đừng quá lưu ý mà làm cho lời nhắc nhở việc lớn phải nhàm đi, không ai nghe !”

Tính tôi lè phè: vào lớp hay vào Nhà Thờ đợt cuối cùng và thường trễ giờ đó là tôi. Có lẽ ngài đã chịu đựng tôi cũng khá lâu, nhưng cho đến năm tôi học lớp 4è thì tôi mới được chia việc “chấp lệnh”, tức là đánh chuông. Tôi cũng không lưu ý tại sao lại được giao việc nầy. Nhưng hai sự kiện sau đây làm tôi suy nghĩ. Có lần tối thứ bảy có chiếu phim; sáng chủ nhật đáng lý 5 giờ 45 phải đánh chuông thức dậy. Tôi ngủ mê chẳng nghe đồng hồ báo thức. Ðến 5 giờ 55 chuông lại rung đánh thức mọi người, tôi giật mình chạy xuống cột chuông thì thấy cha Bề Trên đã đứng đấy. Ngài cười nói với tôi: “Con ngủ ngon quá sức !”

Ðến cuối năm, tôi cũng không hiểu tại sao các bạn trong lớp tôi giao cho tôi đóng kịch. Tôi có tật hễ đứng dậy phát biểu là chảy mồ hôi tay, chân run lên và đầu óc choáng váng. Thế nhưng sau lần làm kịch nầy, tôi thấy những hiện tượng bịnh hoạn ấy bớt dần. Và hôm nay, quá năm mươi tuổi đầu, khi nhớ lại những việc đã qua thì mới hiểu được rằng, việc chọn mình làm “chấp lệnh”, đốc suất mình đóng kịch thì ra tất cả các quyết định là cử chỉ của nhà giáo dục ân cần xây dựng một cách nhẹ nhàng nhân cách con người mình.

Ai ở Tiểu Chủng Viện Phú Xuân hoặc Hoan Thiên hẳn còn nhớ là không mấy khi thấy cha Bề Trên gặp ai hoặc giải quyết, khuyên răn điều gì sau giờ ngủ trưa. Tò mò, tôi hỏi ngài về việc nầy. Ðây là câu trả lời: “Mình ngủ dậy trưa hay cáu lắm, làm sao mà giúp ai được việc gì cho nên”.

Nếu ai tò mò thì thấy tuần nào cũng thấy cha Bề Trên Thuận đi lượt một vòng các nhà cầu ở các tầng lầu. Một lần vô tình tôi gặp ngài đang đi dọc các nhà cầu cạnh nhà bếp và nhà chơi; có lẽ thấy tôi ngạc nhiên, nên ngài gọi tôi đến gần và nói: “Nhà cầu mà sạch sẽ, thì người ta không nhác đi cầu; và như vậy các chú sẽ thoải mái đỡ bịnh, học hành khỏi gián đoạn, và tính tình vui vẻ”.

Về tóc tai, ăn mặc, cha Thuận không se sua, nhưng luôn luôn chỉnh tề, sạch sẽ. Và không phải chỉ có một vài ngày trong tuần, hay vào dịp nầy dịp khác. Nhưng ngay khi đi nghỉ hè thoải mái chung với chúng tôi, chúng tôi cũng thấy cung cách nghiêm túc của ngài trong cách ăn mặc. Ngài thường nhắc lại cho mỗi chúng tôi: “Mình ăn mặc chỉnh tề là biểu lộ đức bái ái của Chúa, là tỏ lòng kính trọng người khác. Hãy nghĩ rằng nếu người ta chớp bóng quay phim lại cách ăn mặc của mình, nếu mình không xấu hổ gì là tốt.”

Năm 1965, lớp chúng tôi là lớp lớn nhất trong Chủng Viện. Không những mỗi đứa chúng tôi được trao trách nhiệm ( cứ hai người coi một lớp ) làm giám thị các lớp nhỏ, nhưng cả lớp còn được ngài đề nghị tổ chức một cuộc triển lãm về diễn tiến công đồng Vaticanô II cho cả Giáo Phận Huế đến xem. Làm sao một công việc như thế lại trao cho một nhóm chưa đầy mười thanh niên tuổi từ 17 đến 20 ? Nhưng chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp công việc tổ chức triển lãm nầy trong nhà khách Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện. Và thành công hơn cả là lòng tự tin, ý thức trách nhiệm và tinh thần cộng tác huynh đệ mà cha Bề Trên Thuận đã vun trồng nơi chúng tôi.

Trước đây, sau khi có việc “hô điểm” cuối mỗi kỳ họp các cha, và sau khi vào gặp cha Bề Trên để nghe “tin dữ”, chú nào bị “đuổi” ra khỏi Chủng Viện thì thấy đời mình như “cùi hủi” rồi; một sự thất bại ê chề trong cuộc đời; cha mẹ sẽ buồn; bạn bè e ngại đứng xa xa mà nhìn làm như phút chốc mình trở thành kẻ “tội lỗi”. Chú ấy phải dọn đồ đi về ngay; nếu nhà xa hay trở ngại chưa đi về được, thì ra nhà khách ở…

Nhưng từ ngày cha Bề Trên Thuận làm Bề Trên, cựu chủng sinh như được cha Bề Trên thương riêng, có lúc làm cho kẻ ở lại phải nêu thành câu hỏi. Ngài hay nói câu tiếng Pháp vào dịp nầy. Ði tu “c’est une chance”, mà ra đời “c’est une autre chance”. Mỗi người ra đi được đối xử một cách “trân trọng” khác nhau, nhưng không ai rời khỏi Chủng Viện trong thời Bề Trên Thuận mà mang một mặc cảm tiêu cực nào.

5. MỘT NHÀ CANH TÂN

Từ ngoài nhà khách Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện nhìn suốt đến cuối hành lang đầu nhà học, người ta nhận ra bức tượng đen bằng ximăng thật lớn của Thánh Bosco. Hình ảnh ấy không những nhắc nhở một lối giáo dục mới, nhưng là lời mời gọi những Linh Mục tương lai nên thực thi mục vụ trong tinh thần dấn thân phục vụ làm đầy tớ, ưu tiên cho những người nghèo.

Chiếc áo bên ngoài và tinh thần phục vụ: Những thay đổi tuần tự nơi cách ăn mặc của chủng sinh: nay được mang giầy; đồ học sinh thường thay cho chiếc áo dài đen quần trắng; nón nỉ “Hướng Đạo” thay dần kiểu nón cối; học chung với học sinh các trường bên ngoài…

Người chủng sinh dưới thời cha Bề Trên Thuận bên ngoài là một “con người học sinh” như bao nhiêu người khác. Là một người thích hoạt động đoàn thể Hướng Đạo, ngài cho các lớp được tổ chức sinh hoạt tương tự như những đoàn thể thanh niên khác (khóa chúng tôi vào năm 5è là khóa đầu tiên được sinh hoạt như thế trong Chủng Viện, năm đầu của thời Linh Mục Thuận làm Bề Trên ( 1961-1962 ). Sau nầy, có lớp còn được đi dự các khóa Hướng Đạo bên ngoài; và ngay trong Chủng Viện có tổ chức cơ sở Hướng Đạo.

Việc tiếp nhận người vào Chủng Viện không nhất thiết bị ràng buộc theo mẫu mực tuyển vào từ nhỏ; thời Bề Trên Thuận, những người gọi là “tu muộn” ( kỳ thực chẳng muộn gì, nhưng không theo tiến trình cổ điển ), nghĩa là bất kỳ vào tuổi nào cũng có thể được tiếp nhận vào Chủng Viện. Con số nầy càng ngày càng tăng, cộng thêm một số những người đã tu xuất trở lại tu làm Linh Mục. Những Linh Mục theo lối đào tạo như thế chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số những Linh Mục được đào tạo theo kiểu cổ điển.

Vào năm 1966, một năm trước khi ngài nhận chức Giám Mục, có lần ngài nói với lớp chúng tôi: “Cha có dự án xây rộng thêm bên ngoài nhà khách các chú để mở một xưởng nghề. Các chú mình tương lai phải học một nghề nghiệp để sinh sống, vì xã hội đang biến đổi, Giáo Hội cần Linh Mục có lối sống khác hơn phong cách sống xưa nay”. Ðây là một trong những dự án mà ngài đã chia sẻ với chúng tôi và ngài chưa bắt tay thực hiện được vì hoàn cảnh.

Nói tóm, Bề Trên Nguyễn Văn Thuận đã đồng hành với giáo huấn Vaticanô II để đưa kitô giáo vào trong cuộc sống con người cụ thể theo tinh thần canh tân của hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng.


6. QUAN TRỌNG HƠN CẢ: CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN

Từ ngày Lm. Thuận làm Bề Trên, không sáng nào, không tối nào, chủng sinh không thấy Bề Trên của mình ở mút đầu ghế bên trái cửa đi vào của Nhà Nguyện. Ngài quỳ thẳng người ở đấy trước khi chúng tôi đến Nhà Nguyện mỗi sáng, đích thân hướng dẫn nguyện gẩm, dâng Thánh Lễ buổi sáng mỗi ngày. Nếu tôi nói với bạn là trong suốt 6 năm tôi được ở dưới sự hướng dẫn của ngài, nhưng chưa một lần tôi thấy có một cử chỉ nhỏ nào sơ suất khi ngài dâng Thánh Lễ hay trong lúc đọc kinh, nguyện gẫm…, chắc bạn thấy thường thôi; nhưng qua kinh nghiệm riêng của tôi về cuộc sống tôn giáo, tôi thấy đây là dấu chỉ đích thực của một cuộc sống nội tâm sâu dày và kiên trì hiếm có.

Vào một dịp lễ trọng, một vị Linh Mục trong Chủng Viện, trong lúc ngây ngất đã hát câu cuối lễ “Ite Misa est” thành “Ite eleison”, mọi người tham dự Thánh Lễ không nín cười được và không ai có thể hát trả lời. Tôi quay nhìn lui cha Bề Trên, khuôn mặt ngài vẫn nghiêm trang. Chỉ một mình ngài cất tiếng hát “Deo gratias” với tất cả lòng cung kính như mọi khi.

Tất cả thư từ ngài gửi cho tôi khi tôi còn tu hay tôi đã xuất tu, ngài luôn nói câu cuối cùng nhắn nhủ: “Chúng ta phó thác mọi sự cho Mẹ Maria của chúng ta”. Ngài tha thiết sùng kính Mẹ, và đặt ngay tượng Mẹ ở giữa trung tâm các tòa nhà Chủng Viện.

Có lúc tôi hỏi về ý nghĩa kiến trúc Chủng Viện Hoan Thiện và đặc biệt về Nhà Nguyện tròn và có hồ nước chung quanh. Ngài giải thích rằng: Nhà Thờ là nơi gặp gỡ Chúa, và gặp gỡ người anh em, nhưng không phải gặp gỡ ào ào theo kiểu thế gian. Những lối xây cất chùa chiền trong văn hóa của dân tộc mình nhắc mình nhớ là phải “bước qua bên kia bờ” để có thể cầu nguyện. Ðầu óc tôi cứ vướng vấp về những lời nầy: cầu nguyện quá dễ, mà không dễ chút nào !

MỘT VÀI KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

– Hè năm 1967, tôi dự định xuất tu, không còn ở trong Giáo Hoàng Học Viện Ðà Lạt. Ngài vừa nhận chức Giám Mục và đến thăm Ðại Học và Giáo Hoàng Học Viện Ðà Lạt. Ngài kêu riêng tôi để gặp ngài tại Ðại Học. Tôi chỉ nhớ một câu ngài nhắn tôi khi tôi trao đổi với ngài về quyết định của tôi. Ngài nói: “Tu cũng tốt mà về cũng là một ơn gọi riêng. Nhưng con nhớ điều nầy trong đời mình: điều tệ hại trong cuộc đời không phải phạm tội, nhưng là mất đi ý thức tội lỗi”.

– Năm 1975, tôi bị ở trong trại “cải tạo”. Vợ tôi ở nhà một mình với cháu nhỏ mới sinh được mấy tháng. Ngài đang gặp khó khăn trăm bề khi mới nhận chức Tổng Giám Mục Phó ở Sàigòn. Nhưng ngài đã nhớ đến tôi như đã nhớ đến trăm ngàn đứa học trò khác của ngài, và nhờ người đem đến cho vợ con tôi 30.000 đồng để mua gạo.

– Ðầu tháng 9 năm 1998, trước khi đến Strasbourg để nói chuyện với người trẻ Việt Nam tại Âu Châu, ngài nhờ cha Vincent Dollmann, dạy ở Ðại Chủng Viện Strasbourg, tìm xem còn có ai trong gia đình của vị Linh Mục trước đây làm cha xứ Phủ Cam, Huế, và đã rửa tội cho ngài. Vị Linh Mục nầy người gốc Alsace, Pháp ( mà Strasbourg là thủ phủ ). Cha Dollmann tìm khắp các nơi và không còn ai có tên ấy trong vùng. Nhưng khi hỏi đến quê của Linh Mục nầy, thì người ta tìm được một bà gọi vị Linh Mục ấy là ông cậu. Bà nầy là phu nhân của ông xã trưởng.

Trong buổi nói chuyện với giới trẻ, ngài nhắc đi nhắc lại ơn được làm Kitô hữu qua phép rửa tội của ngài 70 năm về trước; và cho rằng không có một lễ mừng nào vui hơn lễ thất tuần nầy của ngài, vì ngài có dịp đến cám ơn vị Linh Mục Chúa dùng để ban phép rửa cho ngài; cám ơn những bước chân anh hùng, máu đào tử đạo của các vị truyền giáo cho Việt nam. Và cũng vào dịp nầy ngài đã viết ra 10 sứ điệp Ðức Mẹ La Vang và loan báo với giới trẻ Việt nam về việc ngài đang tiến hành công việc sáng lập Cộng Ðoàn La Vang.

– Tháng 9 năm 1998, Tổng Giám Mục Thuận được Phong trào Focolare mời đến Quốc Hội Âu Châu để dự lễ gắn huy chương của cơ quan nầy cho bà Chiara Lubich. Ngài đem theo cha Lê Phú Hải và tôi đến thăm vị đại diện Toà Thánh bên cạnh Quốc Hội Âu châu và tham dự lễ gắn huy chương vị sáng lập Phong Trào Focolare, một người bạn thân của ngài.

Khi chúng tôi đưa ngài ra nhà gare sân bay Entzheim, ngài chỉ chiếc nhẫn Giám Mục thật lớn có vẻ quý giá mang ở ngón tay, và hỏi Sr. Nguyễn Thị Hường, cha Lê Phú Hải, cô Lâm Phương Mai và vợ chồng chúng tôi: “Ðoán xem cha mua bao nhiêu ?” Không ai trả lời liền, nhưng nghĩ bụng chắc cũng trên nghìn mỹ kim. Ngài không thấy ai trả lời liền nói: “Mới đây cha có dịp đi Israel, thấy người ta bán ngoài lề đường, cha mua nó một mỹ kim, rồi nhờ người khắc trong nhẫn chữ “Nada” ( hư không, lời của thánh Têrêsa Avila ). Ngó cũng được và là kỷ niệm quý !”

THAY LỜI KẾT

“Nada !”, hư vô trở về hư vô với bao chức vụ có tơ vương màu sắc trần thế.

Nhưng nếu nhớ đến Linh Mục PX. Nguyễn Văn Thuận để giúp nhau nên thánh, thì trên Thiên Đàng hẳn người anh Phanxicô Xaviê ấy cũng đồng ý và mỉm cưới với anh chị em còn lại của chúng ta.

NGUYỄN ÐĂNG TRÚC, Strasbourg, Pháp, 2003
Cựu chủng sinh Phú Xuân và Hoan Thiện Huế, Khóa 1959


Nguyễn Đăng Trúc
Sinh năm 1947 tại làng Hòa Lạc, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Cử nhân thần học công giáo tại đại học Strasbourg, Pháp
Tiến sĩ triết học tại đại học Paul Verlaine, Metz, Pháp

Trước 1975 :

- Hiệu trưởng Trường trung học Văn-Tứ, tân Bình, Cam-Ranh

- Dạy triết học tại phân khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật, đại học Minh-Đức

- Tổng thư ký phân khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật, đại học Minh-Đức

- Tổng thư ký tập san Minh Đức

Sau 1975 :

- Điều hợp viên Phong Trào Giáo Dân VN Hài Ngoại

- Trách nhiệm văn phòng tông đồ giáo dân của Office de Coordination de l’Apostolat de la Diaspora Vietnamienne (Rome)

- Hội trưởng hội văn hóa « Trung Tâm Nguyễn-Trường-Tộ »

- Chủ nhiệm tập san Liên Lạc, Định Hướng và Định Hướng tùng thư

- Dạy triết học tại phân khoa thần học công giáo tại đại học Strasbourg, Pháp


Sách đã xuất bản:


- Nhớ Nguồn

- Văn Hiến : nến tảng của minh triết

- Tiếp cận tư tưởng Việt-nam : tư tưởng Việt-nam và vấn đề triết học

- Tiếp cận tư tưởng Việt-nam : tư tưởng Nguyễn-Du trong Đoạn Trường Tân Thanh

- Bài giảng trên núi

- Trong Đức Kitô, giáo hội cầu nguyên : lạy Cha chúng tôi



- Le conflit entre le soi et la vérité - le problème du sens de l’humanité chez les Anciens Grecs

- Bouddha, un contemporain des Anciens Grecs

- Sens de l’humanité de l’homme dans le Prométhée enchaînéd’Eschyle