Bài này tôi đã đăng như một Note cách đây 3 năm, hôm nay xin post lại, vì nhiều nguời vẫn thắc mắc điểm này.
Một ghi chú về HÃY ĐỂ KẺ CHẾT CHÔN KẺ CHẾT
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng : "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?" 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng : "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." 58 Người trả lời : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
59 Đức Giê-su nói với một người khác : "Anh hãy theo tôi !" Người ấy thưa : "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." 60 Đức Giê-su bảo : "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
61 Một người khác nữa lại nói : "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." 62 Đức Giê-su bảo : "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."
Bài Phúc Âm Chúa nhật 13 C hôm nay kể lại câu chuyện một người được Chúa Giêsu mời gọi, "Hãy đi theo tôi!" Khi anh ta trả lời, "Xin Thầy cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã", thì Chúa lài phán cho một câu xanh rờn là, "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ; còn anh, hãy đi loan báo Triều đại của Thiên Chúa." (Let the dead bury their own dead; but as for you, go and proclaim the Kingdom of God.)
Yêu cầu của anh thanh niên này rất hợp tình hợp lý chứ không có gì quá đáng, và vì thế lời đáp của Chúa xem ra có vẻ quá cứng cỏi nếu không muốn nói là khắc nghiệt và phản lại tình cảm hiếu đễ gia đình tự nhiên của con người. Dù cho chấp nhận theo Đức Tin rằng chữ HIẾU (hay tình cảm gia đình nói chung) chỉ là tương đối, phải xuống hàng thứ yếu trước Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối - thì ta cũng có thể thắc mắc (đặc biệt trong tâm cảm của người Á Đông nặng ảnh hưởng đạo Nho) là 'có cần phải cạn tàu ráo máng đến như thế không?' !
Tuy nhiên, câu này sẽ dễ chấp nhận hơn nếu được hiểu trong bối cảnh lễ nghi tang tế thời Chúa Giêsu. Người Do thái tại Palestine thế kỷ thứ 1, nhất là trong giới thượng lưu ở Jerusalem, thường chôn người chết đến HAI lần chứ không phải một (a primary and a secondary burial)! Đầu tiên, họ chôn người chết ngay trong cùng ngày (Đến bây giờ, luật đạo Hồi - vốn xuất phát cũng từ vùng này - bắt phải chôn kẻ chết trong vòng 24h đồng hồ.) Trong những ngày sau đó, bạn bè thân hữu nghe tin mới đến viếng (do phương tiện thông tin và giao thông còn rất thô sơ), và các thành viên gia đình phải ở nhà để đón tiếp. (Như câu chuyện Lazarô trong Phúc Âm Gioan chương 11 - khi Chúa đến nhà thì ông đã chôn được 4 ngày, và có nhiều người Do thái đến thăm còn ở đó!) Cho nên khi anh thanh niên gặp và nói chuyện với Chúa ở bên ngoài như vậy - cả thời gian và không gian cho thấy không phải cha anh vừa mới chết chưa kịp chôn được. Việc chôn cất anh đề cập là chôn cất lần hai.
Lần chôn thứ 2 (secondary burial) này xảy ra sau MỘT NĂM và nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, nó chấm dứt thời kỳ tang chế (giống như ngày Mãn tang sau 3 năm ở Tàu và Ta xưa); thứ hai, nó là 1 nghi lễ biểu trưng việc đưa người chết về nơi cư ngụ mới vĩnh viễn ở thế giới bên kia.
Sau 1 năm, thân xác đã rữa, chỉ còn xương cốt được thu tập lại. Theo truyền thống có được nhắc đến trong Cựu ước, người Do thái trước thời ảnh hưởng Hy lạp gom hài cốt gia đình vào một nơi chung (a communal familial depository.) Nhưng dưới thời ảnh hưởng Hy La (khoảng thế kỷ III đến thế kỷ I trước Công nguyên) họ không làm thế nữa, mà bắt đầu để hài cốt người chết vào hộp hay hòm (ossuary) riêng theo cá nhân. Với giới thượng lưu (là giới đón nhận ảnh hưởng Hy La tích cực nhất), việc chôn cất lần 2 này là dịp "khẳng định đẳng cấp" và danh phận 'quý phái' của họ.
Người thanh niên xin về chôn cha lần 2 này phần chắc là thuộc 1 nhà 'giàu có' như thế (cũng giống như người nhiều của cải trong câu chuyện khác ở Luca 18.) Và như vậy, lời của Chúa với anh không có nghĩa là một sự phi bác tình cảm gia đình, nhưng là một yêu cầu rũ bỏ cái liên hệ "con ông cháu cha" hay cái tư thế đặc quyền (privileged status) anh có trong xã hội. Bởi vì chỉ khi đó, anh mới ĐƯỢC TỰ DO để trở thành MÔN ĐỆ của Người.
P.S.: Trình bày về Two Burials ở đây, tôi dựa trên bài "Reading the Bible in the NEW Christianity: A Contextual Biblical Hermeneutics" của cha Nguyễn văn Thanh, SVD - in trong sách WORLD CHRISTIANITY: PERSPECTIVES AND INSIGHTS, edit. Jonathan Y. Tan & Anh Q. Tran .
6/2016