Phỏng Vấn Lm Trần Sĩ Tín
40 năm lăn lóc với người sắc tộc
_____________________________________________
*Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam do các Cha Canada thành lập từ năm 1925. Vào những năm 1960, tôi thấy các Cha Canada chuyển quyền lãnh đạo Tỉnh Dòng cho các Cha Việt Nam, còn các ngài lại kéo nhau đi sống với những người Thượng trong giáo điểm Phi-Yàng gần Đà Lạt, trong đó có những Cha Giáo đã từng dạy tôi như Cha Thomas Côté, Cha Louis Roy, Cha Jean-Marie Labonté, Cha Sylvère Drouin. . .
Các ngài luôn luôn chọn những người nghèo hơn cả, bị bỏ rơi hơn cả và đến ở cùng họ. Điều này làm tôi chú ý và hấp dẫn tôi. Chúa Yêsu cũng luôn chọn lựa như thế. Thánh Anphonsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, cũng đã chọn lựa như thế. Trong Học Viện, các Cha cho chúng tôi thử nghiệm nhiều môi trường. Tôi đã từng với Mã Kim Tòng học tiếng Hoa để sống với người Hoa (một môi trường cả tỉ người), rồi lại muốn đi theo các gánh hát hay làm phu bến tàu. . .
Nhưng điều làm tôi quyết định sống với người Thượng, đó là một hôm, tại Đà Lạt, tôi nghe Thầy Bôna nói chuyện với mấy người Koho. Tôi chẳng hiểu gì, nhưng nghe sao hay quá. . . thế là tôi quyết định vào học tiếng Koho trong Dà-Mpao (Suối Mơ) nơi các Cha Canada đang hoạt động.
2.Thưa cha, tại sao lại gọi là sứ vụ Jarai mà không gọi là Êđê hay Banar.....?
*Tôi đã gặp Cha Antôn Vương Đình Tài và Thầy Lêônard Hồ Văn Quân cũng thuộc giáo điểm Phi-Yàng. Bối cảnh lúc đó là sau Tết Mậu Thân. Chiến trận xẩy ra ở khắp nơi. Các làng Koho thuộc Giáo Điểm Phi-Yang phải dồn về Phi-Yàng, Rơlơm, Dà-Mpao. Kể cả các làng của các Cha Thừa Sai Ba Lê. Số thừa sai tập trung đông. Địa bàn thu hẹp. Trong một lần tĩnh tâm tháng, Cha Tài xin Bề Trên cho Cha, cùng với Thầy Lêônard Quân, hai Phó Tế mới ra trường là Trần Sĩ Tín và Nguyễn Đức Mầu, đi tìm lập một giáo điểm khác. Được sự đồng ý và ủng hộ của Bề Trên, Cha Tài và tôi lên đường đi tìm địa điểm. “Đi tìm” có nghĩa là chưa biết đi về đâu.
Sau Tết 1969, Cha Tài đưa tôi ghé thăm Giáo Điểm người Chăm gần Phan-Rang, rồi lên Ban Mê Thuôt, trú tại Dòng Biển Đức, vì Cha Tài có quen biết các Cha Dòng Biển Đức. Chúng tôi có đi vào vài làng Rađê gần đó. Thấy tiếng của họ rất khác tiếng Koho. Cha Tài còn có những người thân quen trong các điểm di cư gốc Vinh chung quanh Ban Mê Thuôt. Họ khuyến khích Cha Tài lập Giáo Điểm cho người Rađê, họ sẽ yểm trợ. Cha Tài và tôi vào trình Đức Cha Mai, lúc đó là Giám Mục GP Ban Mê Thuột. Nhưng Đức Cha Mai không mặn mà với chúng tôi lắm. DCCT lúc đó vốn mang tiếng là cấp tiến, không được cảm tình các đấng bậc. Ngài chỉ cho chúng tôi tới Đồng Xoài là nơi không có đường tới. Muốn tới đó phải đi nhờ trực thăng Mỹ. Như thế rất nguy hiểm trong lúc chiến tranh đang hồi khốc liệt. Chúng tôi rời vùng Êđê đi tiếp lên phía Pleiku.
Con đường 14 lúc đó còn lởm chờm đất đá, vắng tanh, thỉnh thoảng lại có cờ “giải phóng miền Nam” treo đây đó. Rợn mình! Xe 2 ngựa (2 chevaux) của chúng tôi rẽ vào phía Cheoreo Phú Bổn, nơi có ông bạn cùng lớp với Cha Tài, là Lm Phaolô Vũ Văn Thiện đang phục vụ người Jrai, kế thừa Lm Jacques Dournes. Lm Vũ Văn Thiện vốn là Lm DCCT, nhưng ngài chuyển qua Tiểu Đệ, rồi trở về làm Lm triều với Đức Cha Paul Seitz, là dưỡng phụ của ngài từ hồi nhỏ. Tại Cheoreo, chúng biết và bắt đầu tiếp xúc với người Jrai. Chúng tôi lên Kontum gặp Đức Cha Paul Seitz, và Đức Cha hoan hỷ đón nhận chúng tôi. Chúng tôi không hề biết rằng từ năm 1953, ngài đã viết thư mời DCCT VN cho người lên làm việc trong Giáo Phận Kontum. Ngài tha thiết đến nỗi ba năm sau, 1956, ngài lặp lại lời mời (xin coi phần phụ lục đính kèm*). Mãi cho tới năm 2001, chúng tôi mới biết đến 2 lá thư đó. Điều này chứng tỏ sứ vụ của chúng tôi lúc đó phải là sứ vụ Jrai, chứ không phải là sứ vụ Êđê hay là một sứ vụ nào khác.
3. Xin cha cho biết, ý nghĩa của việc truyền giáo như thế nào?
*Ngay từ đầu chúng tôi đã không muốn dùng hai tiếng “truyền giáo”. Cũng theo cùng một chiều hướng với Hội Thánh đổi danh xưng “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin – Congregatio de propaganda fide” thành “Thánh Bộ Phúc Âm Hóa hay Loan Báo Tin Mừng – Congregatio de Evangelisatione”. Nhóm Pleikly lúc ban đầu chỉ dám xưng mình là Nhóm Ra Đi (Xuất Hành liên tục). Ra đi khỏi một lối tu nào đó, khỏi một cơ cấu nào đó (kể cả một Hội Thánh cơ cấu nào đó) để tìm Chúa. Suốt đời tìm Chúa. “Đây là dòng dõi của những kẻ kiếm tìm Người” (Tv 23). Tìm Chúa ở một địa chỉ mà Chúa Yêsu đã gợi ý: Nơi những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả.
Đối với chúng tôi lúc này, ở đây là người dân tộc thiểu số. Phương châm của chúng tôi là: Tầm Đạo = Tu Đạo = Truyền Đạo: Tầm Đạo tức là Tu Đạo. Tu Đạo tức là Truyền Đạo. Truyền Đạo cũng là Tầm Đạo.. Chúng tôi đi tìm Chúa nơi anh chị em Jrai. Cùng anh chị em Jrai, chúng tôi đi tìm Chúa, cùng anh chị em Jrai khám phá và gặp được Emmanuel Thiên-Chúa-Ở-Cùng. Ngài đang ở cùng dân của Ngài. Ngài đã có đó trước khi chúng tôi đến. Ngài đang chờ chúng tôi. Như vậy Truyền Giáo không còn chỉ là nói. Gần 20 năm chúng tôi không nói. Cũng chưa bằng Yêsu hơn 30 năm ở Nazareth không hề thuyết giảng. Ngài sống với dân, với Đức Mẹ và Thánh Giuse, học với dân, với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Chúng tôi cũng học với dân, đón nhận Tin Mừng từ nơi họ. Chúng tôi rất tâm đắc với một công thức mới của Truyền Giáo: Evangelizari a pauperibus – được người nghèo loan báo Tin Mừng.
4.Với gần 40 năm chung sống với người Jarai. Xin cha cho biết một vài nét đặc thù trong cách biểu lộ niềm tin của người Jarai ?
*Nét đặc thù đầu tiên là họ được Chúa dạy nghe Chúa và nói với Chúa, nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Người Jrai trở lại trong một hoàn cảnh họ không có gì khác ngoài cuốn Kinh Thánh Tân Ước (không có sách giáo lý, không có kinh kệ). Sự thiếu thốn này lại là sự giầu có của họ. Họ học Đạo và sống Đạo hoàn toàn dựa trên Lời Chúa. Điều này còn phù hợp với nếp sống ngàn đời của họ. Văn hóa của họ là văn hóa lỗ tai, văn hóa truyền khẩu, không phải văn hóa chữ viết. Lỗ tai (măng tơngia) là rất quan trọng. Trong cuộc sống người ta khuyên nhau nên sống bằng “lỗ tai”, chứ đừng sống theo “quả tim” (hơdip tui măng-tơngia, anam hơdip tui hơtai boh ôh).
Người ta nghe, nhớ, biết điều, khôn ngoan, hiểu biết, lanh lợi, tài giỏi. đều bằng “lỗ tai”, “quả tim” là nơi chất chứa và xuất phát những tâm tình tiêu cực như nóng giận, thù hằn, ghen ghét, xảo trá.Bởi đó cho nên, khoảng độ một tháng sau khi lọt lòng mẹ, cô bé hay cậu bé Jrai được làm nghi thức bhet tơngia (nghi thức mở tai): bà đỡ nhai gừng thổi qua ống chỉ vào lỗ tai và cầu cho tai bên trái nhớ công nhớ việc, cho tai bên phải nhớ rẫy nhớ nương, cho tai bên trái nhớ quay bông dệt chỉ, cho tai bên phải nhớ lời ông bà cha mẹ dạy dỗ. Lòng tin của họ là do bởi nghe: Fides ex auditu. Mà nghe tích cực là có đáp trả. Cho nên bạn sẽ nghe họ cầu nguyện tự phát và lớn tiếng.
Mỗi khi được kêu gọi: Chúng ta hãy cầu nguyện – Oremus – là họ râm ran cầu nguyện. Vả lại họ phải tích cực tham gia một cách nào đó, bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng việc làm. Ngày xưa trong một lễ tế của họ, mọi người đều có công việc của mình, và mọi người đều có phần của mình, không ai bị quên lãng. Trong lễ tế mới, chúng tôi cũng cố gắng để mọi người tham gia một cách tích cực nhất. Kể cả việc loan báo Tin Mừng, mỗi người đều cảm thấy có nhiệm vụ được trao phó. Chúng tôi tích cực khai thác và phát triển cái tính cách nghe của họ: nghe Chúa và nghe nhau – nói với Chúa và nói với nhau.
5.Được biết cha đã dịch Kinh Thánh ra tiếng Jarai. Xin cha cho biết việc dịch Kinh Thánh thực hiện đến đâu rồi và có những khó khăn nào?
*Thực ra thì chúng tôi vẫn tiến hành chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Jrai như trong tiến trình hình thành Kinh Thánh trong Hội Thánh: Những đoạn nào cần trước thì chúng ta dịch trước. Thường là theo nhu cầu phụng vụ. Chúng tôi đã có một bản dịch Tân Ước đầy đủ. Còn vấn đề dịch lại, thì chúng tôi mới bắt đầu. Công việc bị chậm trễ vì chúng tôi còn phải lo nhiều việc mục vụ quá. Khó khăn là bây giờ chúng tôi không dịch theo một bản dịch như trước kia (bản dịch cũ, chúng tôi dựa theo bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn) mà cố gắng bám vào bản gốc. Mà chúng tôi thì không phải là chuyên viên. Tuy nhiên chúng tôi cũng có những thuận lợi là có anh em đọc được tiếng Hy-lạp, có anh em đọc được tiếng La-tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh. Và chúng tôi có cả một đội ngũ những anh em Jrai vừa quen với Lời Chúa từ lâu năm, vừa nắm vững tiếng Jrai để bản dịch xuôi chảy và dễ hiểu đối với người Jrai.
6.Công lao của các cha MEP tại Tây Nguyên như thế nào. Thưa cha?
*Các Cha thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê đã có mặt tại Kontum từ những năm 1848 và cùng với các thừa sai Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng Giáo Phận Kontum (trước đây bao gồm cả Giáo Phận Đàlat), cách riêng Hội Yao-Phu là những người Thượng phục vụ các giáo đoàn người Thượng, Dòng Ảnh Phép Lạ cho các nữ tu người Thượng, Dòng Nữ Vương Hòa Bình cho các nữ tu người Kinh. Riêng đối với người Jrai, có những nghiên cứu xã hội và ngôn ngữ của Cha Jacques Dournes vốn đem lại lợi ích rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
7. Xin cha cho biết ơn gọi linh mục và thừa tác viên trong cộng đoàn Jarai ra sao?
*Hiện tại đã có những chủng sinh, những nữ tu người bản địa. Tuy nhiên điều băn khuăn của chúng tôi là tìm ra được một đường hướng đào tạo phù hợp cho ơn gọi người bản địa. Hiện tại việc đào tạo này vẫn theo nét văn hóa chung chung, lệ thuộc vào văn hóa Việt. Thừa sai chúng tôi không trực tiếp làm công việc đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ. Chúng tôi chỉ nhận thấy rằng việc đào tạo linh mục và tu sĩ ở VN vẫn còn mang nặng tính cách trí thức mà thiếu về văn hóa (nhất là văn hóa bản địa) và thiếu về tâm linh.
8.Trong thời gian ở Học Viện DCCT, cha là một thành viên của ban Alleluia – Vào Đời – ảnh hưởng của âm nhạc như thế nào trong vấn đề rao giảng cho Tây Nguyên.
*Tôi không nhận tôi là một nhạc sĩ. Nhưng trong nhóm thừa sai Jrai, chỉ có tôi có một chút vốn liếng về nhạc lý thừa hưởng từ thời làm ca trưởng của Cha Hoàng Diệp. Cũng như trong các lãnh vực khác, tôi bị bó buộc phải viết các bản thánh ca cho cộng đồng công giáo Jrai. Dĩ nhiên âm nhạc rất quan trọng công cuộc loan báo Tin Mừng cũng như trong phụng vụ, nhất là trong môi trường Tây Nguyên vốn là môi trường của những giai điệu độc đáo. Những bài hát hiếm hoi mà tôi viết ra theo giai điệu Tây Nguyên lan tràn rất nhanh trong các buôn làng.
9.Cha có dự án về văn hóa – nói chung – và về âm nhạc của người Jarai – nói riêng không?
*Dân tộc Tây Nguyên là dân tộc ca hát. Trước đây ai cũng biết hát dân ca. Mà hát dân ca tự phát. Chúng tôi đã khuyến khích người Jrai sáng tác những bài thánh ca, và đã có những bài thánh ca rất tốt. Hiện tại chúng tôi qui tụ khoảng 15 người, xin Cha Minh Kông, một nhạc sư của giáo phận Kontum, hướng dẫn để anh em biết làm những bài thánh ca theo giai điệu Tây Nguyên, đồng thời ghi lại được những điệu dân ca Tây Nguyên. Về văn hóa, chúng tôi có một nhóm lớn tuổi hơn đang biên soạn một cuốn tự điển tiếng Jrai kèm theo những câu ca dao, tục ngữ để mỗi từ có được một ngữ cảnh.
10.Trong tương lai, xin cha cho biết hướng phát triển của cộng đoàn Jarai như thế nào?
*Chúng tôi ao ước và cố gắng sao cho cộng đoàn Jrai trở thành một cộng đoàn đức tin và văn hóa. Đây là sức mạnh tổng hợp đã được phú cho họ không những làm cho họ cứu được bản thân cùng với môi trường văn hóa của họ, mà còn là sức mạnh nội tại làm cho họ phát triển bền vững về mọi mặt.
Vũ Nhuận ghi nhanh.
http://www.giadinhanphong.com/duc-in-altum/duc-in-altum-so-66