Bài học của một linh mục trẻ

Quang X Nguyen

Bài học của một linh mục trẻ

Phim "Giáo hoàng trẻ"


VRNs ( 19.12.2013) – Sài Gòn- Có một câu nói rất ý nghĩa : « Việc học không bao giờ được coi là đủ, vì nó như dòng nước trên nguồn chảy mãi ra biển khơi…. Muốn học thì phải có trường, và không ngôi trường nào đầy đủ, sinh động, chân chính và cay đắng hơn ngôi trường này: Trường Đời… ». Ở góc độ truyền giáo, một cha giáo của tôi khẳng định : « Luôn có những bài học đắt giá dành cho những nhà truyền giáo từ chính những con người họ tiếp cận. Hay nói cách khác, nhà truyền giáo được sự tác động trở lại, hay được truyền giáo trở lại, từ chính những người mà họ phục vụ. » Tôi rất tâm đắc với những nhận định này vì đó là thực tế mà tôi cảm nhận.

Nếu luôn có đó một sự tác động hỗ tương trong mọi tương quan, thì với tư cách là người linh mục, tôi đón nhận quá nhiều bài học phục vụ từ chính những người dân tại giáo xứ. Tôi không muốn nêu tên cụ thể những con người được nói đến ở đây, bởi lẽ, trong mắt tôi, họ đã quá nổi tiếng trong lĩnh vực của họ.

* * *


Người đầu tiên dạy cho tôi sự hy sinh phục vụ là một cụ ông vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, ít nói hay cười và làm rất nhiều, mà lại làm toàn chuyện « độc ». Con cái cụ đã lập gia đình hết, trong nhà chỉ còn hai ông bà già, thành ra cụ có nhiều thời gian cho việc phục vụ của mình. Không giữ bất kỳ chức vụ gì trong giáo xứ nhưng cái cụ làm được cho giáo xứ thì, với tôi, quá nhiều. Điều quý giá ở nơi cụ là những việc cụ làm thường âm thầm ít người biết đến, và một khi đã quyết thì làm cho đến cùng, không nản chí, không buông xuôi. Mỗi khi có những công trình xây dựng nhà tình thương hay giúp đỡ một gia đình nghèo nào đó (cả người Kinh và người dân tộc), cụ nhiệt thành không những bỏ công của của cá nhân mà còn khuyến khích con cái hy sinh giúp sức. Thậm chí có trường hợp gia đình nghèo neo đơn cần có chỗ trú thân, chính cụ lên kế hoạch vận động con cái cháu chắt của cụ. Cụ còn đi thuyết phục tôi và mọi người tham gia để gia đình đó có được cái nhà tươm tất. Tôi may mắn được gặp và cộng tác với cụ, đặc biệt trong việc xây dựng nhà tình thương cho bà con sắc tộc Êđê. Có một vài công trình chính cụ nhận phần xây cất. Quá tuyệt vời !

Sự chín chắn, từng trải của tuổi già, tấm lòng đại lượng của một kitô hữu, lòng nhiệt huyết cùng với sự khiêm tốn của một giáo dân như cụ quả thật đã có sức ảnh hưởng lớn trên tôi.

* * *

Nếu ai đến Châu Sơn mà muốn trải nghiệm cái nghèo về đủ mọi phương diện, hãy đến với những người mà tôi sắp kể đây. Và tôi nghĩ, một khi đã chứng kiến, tôi không tin là có một ai đó còn dám than thân trách phận với Chúa rằng sao để cho con nghèo, bởi đơn giản, không còn ai nghèo hơn những người này.

Những người tôi nói đến là một người mẹ chịu nhiều đau khổ để nuôi nấng người con gái hơn nửa thế kỷ bệnh tật nằm một chỗ trên giường bệnh. Suốt hơn năm mươi ba năm cứ âm thầm, cặm cụi như thế. Thời điểm tôi ở đó, người mẹ không còn đi lễ được vì sức yếu, nên tôi vẫn thường đến cho cụ rước lễ. Có những lúc bà cụ tâm sự : « Cha à, bây giờ con cứ mong cho nó chết trước con, chứ nếu con chết trước, không biết nó sẽ sống thế nào nữa. » Nhiều lúc cho cụ rước lễ, vào trong nhà mùi xú uế bốc lên nồng nặc, chịu không thấu. Người con gái thì vẫn nằm đó, hồn nhiên vô tư, cười cười nói nói mà không biết mình nói gì. Hai mảnh đời, hai thân phận cứ quấn chặt vào nhau mà sống. Một người thì ý thức được cái nghèo tận cùng của phận người, cái khắc nghiệt của cơm áo gạo tiền, cái quay quắt của bệnh tật, và vì thế, sống trong sự dày vò của nỗi khổ tâm. Còn người kia thì vô tư không chút mảy may nghĩ đến cái bất hạnh nhất có thể xảy đến : một ngày kia người mẹ có thể mất đi. Bởi không ai có thể (hay dám) hình dung cô sẽ thế nào khi không có mẹ.[1] 
Dù vẫn có những người xung quanh như con cái, dâu rể lo lắng đấy, rồi thỉnh thoảng cũng có những hội đoàn, nhóm này nhóm kia thương tình ghé thăm giúp đỡ chút quà mọn. Nhưng tất cả chỉ là sự trợ giúp tương đối nào đó thôi, làm sao cất khỏi họ gánh nặng của thân phận khắc nghiệt ? Đó thực sự là người nghèo về mọi phương diện, nghèo nhất, nghèo cùng cực ! Nhìn về quá khứ là hơn năm mươi ba năm chôn chân một chỗ, cái ăn cái mặc cứ phải cậy nhờ vào người khác mà không thể tự lo cho mình. Quá khứ là sống chung với bệnh tật, với mùi xú uế mà không có cách nào để thoát ra. Còn hiện tại ? Thưa là nụ cười ngây ngô hồn nhiên của người con gái hơn năm mươi ba tuổi đầu, suốt ngày không thoát ra khỏi được cái giường của riêng mình. Hiện tại là khuôn mặt đầy nếp nhăn với cặp mắt u buồn của người mẹ già, là sự cam chịu đầy tức tưởi trước nghịch cảnh. Thế còn tương lai? Tôi nhớ lại câu nói đau đớn của cụ già, xem ra nghịch lý, nhưng là một nghịch lý hoàn toàn logich với tâm hồn của người mẹ : « … Con muốn nó chết trước con … ».

Đứng trước hai người phụ nữ ấy, tôi bỗng thấy mình quá đầy đủ, quá sung sướng. Tôi cảm thấy những khó khăn trở ngại mà mình gặp phải thật ra đâu là gì so với những gì mà hai người phụ nữ ấy đang gánh lấy. Đứng trước họ, chợt nhận ra mình đã quá hoang phí về mọi thứ được ban : tiền bạc, thời gian, cơ hội, tương quan con người …. Phải duyệt xét cuộc sống để sống tốt hơn trong sự khó nghèo, phải trân trọng với tất cả những gì được ban để sống cho xứng đáng. Cuộc đời của hai người phụ nữ nghèo ấy thực sự đã để lại cho tôi quá nhiều bài học !

* * *

Bài học thứ ba tôi học được là tính tự lập và vượt khó từ một cô bé. Qua đến nước Pháp, bài học này trở nên quý giá vô cùng khi mà tôi phải tự xoay xở hết mọi chuyện trong cuộc sống của mình. Có lẽ phải mở ngoặc để giải thích một chút. Ở Việt Nam, người giáo dân thương mến các cha và sẵn sàng giúp đỡ cho các « đấng ». Nhiều người sẵn sàng đi mua máy móc, vật dụng, quần áo … cho các ngài. Nhiều người giáo dân có chuyên môn trong lĩnh vực của mình như tin học, điện gia dụng, giấy tờ hành chính … sẵn sàng giúp các cha miễn phí (vì giúp các đấng ai nỡ lòng lấy tiền). Đến một lúc, cha chỉ biết việc đạo, còn đụng đến việc đời thì cha hơi lúng túng. Qua đến Pháp, tất cả đều phải tự lập, phải tự xoay sở tất tần tật. Cũng phải mất một thời gian làm quen với chuyện đó. Nhưng may mắn đã có một chút kinh nghiệm nhờ học được từ môi trường Châu Sơn nên không bị điêu đứng.

Ngày đầu tiên tôi gặp cô bé mà tôi học hỏi ấy là trong buổi phát quà cho các em học sinh giỏi của giáo xứ trong dịp đầu năm học. Cô gái ấy bị khuyết tật nặng toàn thân dẫn đến tình trạng từ cách đi đứng đến nói năng diễn tả rất khó khăn. Theo như tôi được biết, ngoài bố mẹ của cô bé thì những người khác phải rất khó khăn mới có thể hiểu được điều cô bé nói. Nhưng như người ta thường nói, Thượng Đế rất công bằng, người lấy của người ta cái này thì sẽ ban lại cho cái khác để cuộc sống được quân bình. Cô bé khuyết tật ấy rất thông minh sáng dạ và viết lách thuộc hàng xuất sắc. Học giáo lý luôn luôn có bằng khen và phần thưởng. Nghe đâu cô bé có lúc cũng đã đoạt giải học sinh giỏi văn của thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng có một điều đặc biệt hơn, cô bé luôn tìm cách để sống tự lập, cố gắng giới hạn ở mức thấp nhất sự làm phiền người khác. Nghe mẹ cô kể : bé luôn luôn tự mình lo việc vệ sinh cá nhân, súc miệng đánh răng, di chuyển trong nhà … và nhiều việc khác. Chỉ những khi đi xa như đến trường học hay đến nhà thờ, thì mới phải để bố chở đi.

Cách đây bốn năm, bất hạnh ập đến khi người thân yêu gần gũi nhất của cô bé là ông bố đột ngột qua đời ở tuổi còn rất trẻ. Chỗ dựa lớn nhất bỗng dưng bị cái chết cướp đi. Hụt hẫng và trống rỗng ! Đau khổ và cay đắng ! Chúa lại thinh lặng đến mức lạnh lùng trong biến cố đau thương. Mọi người nghẹn ngào nhìn cô bé khóc đến nỗi không còn sức mà khóc, không còn nước mắt mà tuôn. Gánh nặng cuộc đời trở nên trĩu nặng hơn trên đôi vai gầy.

Nhưng nỗi đau như con thú dữ đã không đủ sức quật ngã con người đầy nghị lực ấy. Cô gượng dậy trên sự mất mát, can đảm đối diện với bất hạnh và từng bước chế ngự nó. Nghe đâu vài tháng sau khi bố mất, cô bé quyết xin mẹ vào Sài Gòn theo học một khoá tin học và chụp ảnh. Rồi từ từ cũng thành nghề. Lâu lâu hỏi thăm tin tức lại thấy tình hình cô bé sáng sủa hơn. Cô đã có thể phụ mẹ bán xăng, bàng hàng tạp hoá, có lúc cũng mở nghề làm thiệp đám cưới. Có người thương giúp cho cái máy photocopy, cũng mở dịch vụ photo giấy tờ cho học sinh của ngôi trường gần đó. Một ngày kia tôi đến thăm cô và gia đình. Thật bất ngờ, cô còn làm thêm cả nghề chụp ảnh thẻ lấy ngay. Tôi thắc mắc làm sao chụp ảnh với đôi tay lúc nào cũng run lẩy bẩy thế. Cô cười : « Cha cứ thử. Con chụp cho cha. » Rồi cô chụp thật. Không những làm được, mà còn làm rất đẹp là đàng khác. Thật là đáng khâm phục !

Cô bé không đầu hàng số phận. Luôn luôn có ở đó ý chí vươn lên, tìm kiếm mọi cơ hội và nắm bắt nó. Đúng hơn cô tìm cách tạo cơ hội cho mình. Cái cô đạt được về phương diện vật chất, qua các công việc cô làm, có lẽ không là gì so với những người khác, nhưng giá trị cuộc đời cô thì thật là đáng để học hỏi : đó là một hình mẫu về ý chí tự lập và tinh thần vượt khó, vượt qua số phận để vươn lên và tồn tại. Cuộc đời cô thực sự là một bài học đắt giá cho tôi.

*************

Những người thầy của tôi trong « trường học Châu Sơn » là những con người bình dị như thế đấy. Dĩ nhiên còn rất nhiều những con người khác nữa mà vì giới hạn bài viết tôi không thể kể ra. Những bài học ấy tôi vẫn cứ phải nghiền ngẫm và áp dụng từng ngày. Tạ Ơn Chúa.