VÔ CẢM
---//---
(suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường niên năm C)
(suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường niên năm C)
Có một bà mẹ trẻ, bế theo đứa bé đến cổng nhà Dòng than thở nghèo khổ và xin cho tiền xe về miền trung. Thấy chị ta đáng thương, lại có con thơ, nên một cha quản lý đã cho chị số tiền về xe và còn cho thêm đồ ăn cũng như sữa cho chị và cháu bé. Thế nhưng xui cho chị ta, ngay chiều ngày hôm đó cha quản lý lại chạy qua xứ khác để dâng lễ, nào ngờ cha thấy chị ta cũng đang xin tiền cha xứ bên đó và cũng với câu chuyện xin đủ tiền xe về quê. Đến lúc này cha mới biết mình bị lợi dụng lòng tốt, bị lừa đảo.
Vâng thưa cộng đoàn! Những chuyện như thế xảy ra rất nhiều và các cha thường khuyên phải cẩn thận để không bị lừa như thế nữa.
Thật vậy, trong đời sống thường ngày, rất nhiều người trong chúng ta bị lợi dụng lòng tốt. Vì thế, chúng ta thường chọn phương án làm như không nghe, không thấy những hoàn cảnh khó khăn mỗi khi ra đường. Chính vì thế, chẳng biết khi nào mà con người trở nên vô cảm với nhau.
Có ba nguyên nhân chính khiến con người ngày càng vô cảm:
1. Nguyên nhân thứ nhất là SỰ GIAN DỐI
Bài đọc 1 trích sách Amos trình bày về việc con người gian manh lọc lừa để lợi cho bản thân. Và với những thành quả đạt được đó, người ta bắt đầu ăn chơi phè phỡn: “chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng…” (Am 6, 4)
Lối sống đó, ngày nay chúng ta thấy nhan nhản trong đời sống thường ngày. Đặc biệt là trong xã hội của chúng ta. Mọi người tìm đủ mọi cách để thu tích và làm giàu cho mình, bất chấp có gây thiệt hại cho người khác hay không. Chính vì bị đồng tiền chi phối mà đã từ lâu dường như sự thật không còn nữa. Thay vào đó là sự dối trá và lọc lừa. Chẳng cần biết hậu quả gây ra cho người khác ra sao, chỉ cần lừa được là giỏi. Cái não trạng gian dối, lọc lừa ấy ngày ngày trình chiếu trên tivi thông qua các gameshow như Người Bí Ấn, hoặc Nhanh Như Chớp… Để rồi bản thân chúng ta, con cháu chúng ta xem và cuối cùng chúng ta ảnh hưởng sự gian dối đó mà không biết.
Hậu quả của sự gian dối là mọi người sẽ đa nghi, và từ đa nghi người ta sẽ chọn cách thờ ơ và làm ngơ trước những thực trạng của ai đó, của hàng xóm, của giáo xứ, của xã hội... để không trở thành nạn nhân bị lợi dụng lòng tốt.
2. Nguyên nhân thứ hai gây ra não trạng vô cảm là do con người ta có xu hướng AN PHẬN THỦ THƯỜNG.
Người phú hộ giàu có trong Tin Mừng có tội gì không? Có lẽ là không. Nếu như tài sản ông ta có được là do tài khéo léo, làm ăn cách chân chính. Ông ta giàu lên là chuyện bình thường. Nên nhớ trong não trạng Do thái, người giàu có và nhiều con cái là người được Chúa chúc phúc. Tuy vậy, ông có não trạng an phận thủ thường. Nghĩa là chỉ biết hưởng thụ những gì mình có mà không đói hoài đến người ăn xin ghẻ lở ngày ngày trước cổng nhà ông ta. Chính sự an phận trong thế giới của mình mà ông nhà giàu đã vô cảm đến nổi bị che mắt để ông không nhận ra người thân cận ngay trước cổng nhà mình.
Ngày nay rất nhiều người trong chúng ta cũng sống như thế. Nhiều gia đình, tuy các thành viên sống gần nhau, bên cạnh nhau cũng chẳng biết nhau. Trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái nhiều khi cũng vô cảm đến nổi không nhận ra những khó khăn của nhau. Chồng đi làm về chỉ biết đưa tiền cho vợ, còn lại chẳng bao giờ quan tâm vợ muốn gì, cần gì, cảm xúc ra sao. Vợ thì cũng không hiểu được những tâm tư của chồng, suốt ngày đa nghi ngờ vực, ghen tuông, hoặc không đồng ý thì chửi rủa xỉ nhục. Con cái chỉ biết hưởng thụ, bắt cha mẹ cung phụng thứ này thứ kia mà không bao giờ quan tâm đến cha mẹ phải vất vả như thế nào? Sức khỏe, bệnh tật ra sao?
Đấy, từ trong gia đình mà chúng ta còn vô cảm với nhau như thế thì làm gì chúng ta biết được những khó khăn của tha nhân sống chung quanh, của giáo khu, giáo xứ, hay lớn hơn là của toàn xã hội.
3. Nguyên nhân thứ ba gây ra sự vô cảm là người ta SỢ LIÊN LỤY
Rất nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm làm ơn mắc oán, ra tay cứu người lại còn bị hại. Đi đường thấy ông chồng đang đánh vợ, một người vào can người chồng, nào ngờ bị người vợ đánh lại, cuối cùng cả hai vợ chồng lao vào đánh tới tấp người can ngăn. Hoặc đi trên đường thấy tai nạn, mình giúp nạn nhân, đưa đi cấp cứu, nào ngờ công an bắt điều tra, gia đình của nạn nhân vì xót con nên kiện tụng lung tung…
Đấy, làm ơn mắc oán là như thế. Thôi thì làm ngơ cho rồi. Và chính khi làm ngơ như thế chúng ta để cho sự vô cảm ngự trị.
Như vậy, vô cảm, hiểu nôm na là không có cảm xúc. Mà cảm xúc là thứ thúc đẩy ta hành động, vì thế vô cảm cũng có nghĩa là chúng ta không còn hành động. Điều này ngược lại với giáo lý và giới răn Yêu Thương của Chúa. Chúa Giê-su nhìn đấy đám đông chạnh lòng thương – Vì chạnh lòng thương nên Chúa hành động hóa bánh ra nhiều. Chúa thấy con trai bà góa thành Naim chết – Chúa chạnh lòng thương và làm cho con bà sống lại. Hoặc người cha thấy đứa con hoang đàng từ đàng xa – ông chạnh lòng thương chạy lại ôm con, hôn lấy hôn để rồi làm tiệc ăn mừng…
Vâng! Chính vì chúng ta không có cảm xúc, nên không động lòng thương, và vì thế sẽ không có hành động giúp đỡ tha nhân như Chúa đã làm cho chúng ta. Và Chúa đã nói rồi: “Ai xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương!” (Mt 5,5)
Tin mừng hôm nay cũng nói rất rõ: Người nhà già đã chết và bị xuống âm phủ chịu cực hình. Lý do là vì: “Con ơi hãy nhớ lại, suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.” (Lc 16,25). Vậy nếu muốn được Thiên Chúa xót thương tha thứ và đưa chúng ta về quê trời, thì chúng ta cũng hãy biết xót thương nhau.
Xin được kết thúc bài chia sẻ này với một câu chuyện mà chính con là người trong cuộc. Ở giáo xứ chúng ta, trước kia có một cụ già được người ta chú ý bởi bà có vẻ ngoài khác thường. Bà thường xuyên đi lễ trễ. Đợi đến khi cha ra rồi bà mới lụ khụ bước vào. Lúc nào cũng thế, trên tay cầm một cây gậy bằng tầm vông dài quá đầu người, cái áo khoác bà bạc màu chùm lên đầu, choàng quanh đầu là một tràng chuỗi Mân Côi.
Khi đó con còn làm thầy xứ. Gần tết, con ra sân nhà thờ phụ với mấy bạn Huynh trưởng chuẩn bị Hội chợ Xuân, thấy bà đang ngồi khóc. Con động lòng lại hỏi. Bà vừa khóc vừa xin: “thầy có ít tiền cho bà để về quê.” Tự nhiên bao nhiêu lời cảnh báo của các cha trỗi dậy, con trả lời như cái máy đã được thu âm sẵn: “Con không có tiền, bà vào xin cha quản lý nhé!” Rồi con bỏ lại bà ngồi đó, tiếp tục phụ giúp công việc chuẩn bị cho hội chợ Xuân.
29 Tết. Con bận rộn trang trí phòng khách. Tất bật với công việc, tranh thủ làm xong cho sớm, đang quét dọn, con ngước lên, thấy bà già hôm nọ chống gậy từ xa đi tới. Nghĩ bụng chắc và tới xin xỏ gì rồi, vào lấy tiền cho bà chút ít, chắc bà đến để xin tiền về quê, tại bữa trước quên chưa cho bà.
Vừa thấy con, chưa để con nói bà đã lên tiếng, giọng run run:
- Con có chút ít quà biếu các cha ăn tết!
- Dạ! con cám ơn bà, con đang dở tay, bà mang vô phòng khách dùm con nhé.
Rồi con lại tiếp tục công việc. Quên mất bà cụ, quên luôn việc vào phòng lấy tiền để biếu bà.
Chiều tối 29 tết. Con vào phòng khách, thấy một túi ni lông màu đen để trên bàn. Chợt nhớ đến bà cụ. Mở túi ra xem, chỉ có một hộp Vina Café đã bị bóc, 4 cây xúc xích. Lúc đó con nhìn gói quà mà chết lặng. Lòng bỗng ân hận vì đã không giúp gì cho bà cụ. Trước giờ, cứ hay nghĩ mình hay cho người này người kia, giờ cầm món quà của bà cụ trên tay, mới thấy tất cả những gì con đã làm bấy lâu chỉ là rơm là rác so với món quà của bà cụ. Món quà tuy nhỏ bé tầm thường, nhưng đó là tất cả những gì bà có để biếu các cha, các thầy.
Sau đó con tự nhủ để qua năm, khi bà cụ quay lại con sẽ biếu bà ít tiền. Không phải để làm bác ái mà cám ơn bà đã dạy cho con một bài học về sự quan tâm đến người khác. Tuy vậy, Tết đã qua, lại một mùa Xuân mới đã đến, con đã trở thành linh mục…nhưng kể từ chiều 29 tết năm đó, con không bao giờ còn gặp bà cụ nữa.
Vâng thưa cộng đoàn! Đừng vì ai đó làm ta mất lòng tin, để rồi ta nghi ngờ tất cả mọi người, để rồi vô cảm trước nỗi đau của anh chị em. Hãy rộng lòng xót thương nhau, vì đó là điều đẹp ý Chúa và cũng vì biết xót thương nhau nên Chúa cũng sẽ thương xót chúng ta. Amen