Trải nghiệm sau ngót 5 năm đọc sách

Quang X Nguyen

Chỉ còn vài ngày nữa là mỗ tôi kỉ niệm tròn 5 năm, ngày đánh dấu bước thay đổi ngoạn mục trong cuộc đời.

Năm năm trải nghiệm đèn sách là 5 năm của biết bao dấu ấn buồn vui lẫn lộn. Nhưng đúc rút lại, mình cũng đã trưởng thành lên nhiều, bớt ngu hơn, trầm tư hơn, suy nghiệm mỗi ngày và nhận thấy cuộc sống thật đáng trân quý biết bao.


Đúc rút từ việc đọc sách, tôi thấy có mấy cái lợi muốn chia sẻ với các Quý hiền hữu:

1 – Tăng vốn tri thức: 

Nguồn tri thức trong sách có thể nói là vô cùng tận. Đây là một kho tàng kiến thức khổng lồ được các bậc thầy nhân loại đi trước đúc rút lại và viết thành sách. Càng thâm nhập càng thấy thú vị, và càng thấy mình phải đọc sách nhiều hơn nữa, để bớt ngu và bớt bị nhồi sọ hơn, giống như triết gia Socrates đã từng tuyên thuyết: “Tôi biết rằng tôi chẳng biết gì cả”. Nhiều chương trình trên TV và báo chí hiện nay ở nước ta không còn hấp dẫn tôi nữa vì nhiều kênh giải trí quá, phần lớn là phục vụ thị hiếu bình dân. Tôi đã từ bỏ không để TV trong phòng làm việc để tránh bị ô nhiễm bởi thông tin độc hại.

2 – Tăng khả năng tập trung: 

Khi đã bập vào cuốn sách hay rồi là không dứt ra được. Đọc liền mạch luôn, đôi khi trễ cả giờ ăn, giờ ngủ, bị người thương nhắc nhở hoài. Càng đọc càng thấy sáng láng, không đau đầu, mỏi mắt.

3 – Giảm nguy cơ bị mắc chứng run tay, run chân (Parkinson) và mất trí nhớ (Alzheimer): 

Nếu mà đọc nhiều, thường xuyên, não bộ được tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Các neuron thần kinh liên kết lại với nhau tạo thành một hình mạng nhện khổng lồ, chằng chịt nhưng lại hoạt động vô cùng tinh vi, hiệu quả. Mọi động tác cử động của các giác quan (ngũ quan) đều được não bộ xử lý chính xác và nhuần nhuyễn. Tập thiền quán niệm hơi thở, thiền định (Niệm – Định – Tuệ) và đọc sách khoảng 30 phút mỗi ngày là những liệu pháp y học cực kỳ hiệu quả đối với não bộ: Máu huyết lưu thông và trí não minh mẫn.

4 – Gặp được nhiều quý thiện tri thức: 

Bản thân sách vừa là bạn vừa là thầy nhưng vì nội dung cuốn sách nọ lại liên đới đến cuốn sách kia nên đã đọc hết cuốn này rồi là phải tìm tiếp cuốn khác để đọc. Trong quá trình săn lùng, tìm kiếm sách, tôi bắt gặp khá nhiều người giống với sở thích của mình, thậm chí còn gặp cả các bậc chân tu, bậc cao nhân thạc đức nữa. Thế là tăng thêm được môi trường thiện lành. Thi thoảng lại được mời đi tham dự các buổi hội thảo khoa học, những chuyến điền dã thăm thú các vùng miền của quê hương…Từ đó thấy yêu đất nước mình lắm lắm.
.

5 – Khiến trái tim rộng mở hơn (trưởng dưỡng lối sống vị tha, nhân bản): 

“Văn dĩ tải đạo” là câu đúc rút của người xưa. Thực tình là vậy, đọc nhiều cuốn sách văn học cảm động không cầm được nước mắt, lòng trắc ẩn đã chọn được mảnh đất tâm tơi xốp nên được dịp nảy nở. Đạo Bụt ghi nhận đó là những chủng tử Bụt. Mình hiểu mình hơn, hiểu thế giới xung quanh hơn và thấy mình quá may mắn khi có mặt ở thế gian này. Bụng bảo dạ là phải sống cho tử tế và đàng hoàng hơn, biết cảm thông hơn với những nỗi khổ niềm đau của đồng loại. Trước kia còn tinh tướng, vớ vẩn. Nay thì chịu rồi. Chẳng tranh thiệt hơn làm gì vì biết chết có mang đi được đâu. Càng ngẫm câu: “Cuộc đời như nước chảy hoa trôi; Lợi danh như bóng mây chìm nổi” càng thấy thấm thía biết bao.

6 – Tăng vốn từ vựng: 

Như trước đây, học xong đại học là đi làm. Cuộc sống bộn bề lôi cuốn thì dăm ba chữ nghĩa đem trả lại nhà trường và thầy cô bằng hết. Lạ thay, từ khi đọc sách tôi lại thích thú với những con chữ cóp nhặt được từ những trang sách mà mình đã đọc, như người thư ký ấy, phải tốc ký ngay. Ban đầu thì ghi nó vào cuốn sổ tay, thi thoảng mở ra đọc lại cho nhớ. Dần dần nó ăn vào đầu mình (vùng tiềm thức) lúc nào không hay. Thế rồi muốn viết một cái gì đó hay hay. Thực ra thì tôi viết cực dở nhưng động cơ từ bên trong thôi thúc mỗi ngày nên tập viết dần dần và giờ thì thấy mình viết đỡ dở hơi hơn rồi. Vẫn bị sai lỗi chính tả nhiều lắm và được một vài bậc cao nhân nhắc nhở thường xuyên, nhưng tôi tự tin lắm. Đặt bút là viết, từ viết linh tinh đến viết có chủ đề, dần dà viết có nội dung. Đằng sau mỗi bài viết, tôi đều mong muốn truyền tải một thông điệp nào đó về cuộc sống, về tình người và về những điều minh triết thiêng liêng. Ý mình thì thiện đấy nhưng chẳng biết mọi người có đồng cảm không. Thôi thì thị phi mặc lòng. Cần phải cầm bút thì cầm thôi. Thú vị mà!

7 – Tăng khả năng phân tích và tư duy mạch lạc hơn: 

Phần này đúng hơn là kết quả của các phần trên cộng lại vì não bộ thông thoáng, khỏe mạnh, dồi dào năng lượng, lại gia tăng vốn từ vựng mỗi ngày, cảm xúc thì tích cực hơn, yêu đời và yêu cuộc sống này hơn thì đương nhiên phần phân tích tình huống, tư duy sẽ rõ ràng và mạch lạc hơn. Có cảm giác là khả năng tập trung khá cao nên phản ứng lại mọi tình huống nhanh lẹ hơn. Nhưng nội dung thì có sự khác biệt với ngày xưa. Trước thì có thể vùng vằng, cãi bừa hoặc làm liều, thiếu cơ sở khoa học. Nay thì điềm tĩnh hơn, phân tích thiệt hơn, cố gắng “không tranh cái mà thiên hạ đang tranh” nhưng lại “tranh cái mà thiên hạ không tranh được”. Phần này bí mật.

8 – Biết trân trọng các khoảng lặng trong tâm hồn: 

Phần này hợp với tư duy triết học của Phật giáo hơn, nhất là với những ai ưa thiền định. Đọc sách “Nội điển” – Đạo Bụt luôn đem lại cho tôi một hứng thú khó tả. Cảm giác an lạc, thảnh thơi cứ quyến luyến mình mãi, thích lắm ý. Những câu kinh kệ, những cuộc luận đàm giữa Bụt và các vị tỳ kheo trong kinh sách cứ gieo vào lòng tôi sự biết ơn và tri ân với những người đã ngã xuống cho Tổ quốc đi lên, phần này cần phải được khám phá, khai mở. Đọc sách cho tôi được cái Định và đã đến lúc tôi phải tiến vào phần Tuệ - phần cao nhất của một người tu hành. Theo cảm nhận cá nhân, không có một thứ hạnh phúc nào viên mãn hơn trạng thái an lạc từ trong tâm, bình an! Đây thực chất là một sự chuyển hóa nội tâm về căn bản. Tôi đang bắt đầu nhìn đời qua lăng kính của một kẻ đang bước vào cửa KHÔNG.


Còn một vài tác dụng phụ từ việc đọc sách nữa như đọc để giải trí, giảm căng thẳng, cải thiện cảm xúc…, soi lại thì cũng đâu đó nằm ở trong 8 lợi ích mà tôi đã nêu bên trên thôi.

Sẽ có nhiều người trong số hơn 90% dân số ở nước Việt Nam ta mà lỡ đọc được bài viết này thì lập tức phàn nàn, kháng cự và lập luận ngay: Không lo làm lo ăn lại cứ ngồi đấy mà thơ với chả thẩn, sách với chả vở, vớ vẩn. Tóm lại không có thời gian.

Đành rằng lý do bao giờ cũng to hơn lý trấu. Nhưng chúng ta không quá bận như chúng ta tưởng đâu. Phần lớn xã hội ta đang bị mắc vào những chứng bệnh trì hoãn, bệnh ngồi lê đôi mách, bệnh trà chanh chém gió, bệnh bù khú quán xá, bệnh điện thoại, TV, bệnh ngủ vùi, chát chít, chơi games online…mà đáng lẽ ra nên dành từ 30 – 60 phút mỗi ngày đọc sách để tăng trưởng giá trị của mình lên, thúc đẩy một xã hội học tập, xã hội tri thức, xã hội nhân văn.

Có ít nhất 3 quãng thời gian trong ngày chúng ta có thể đọc sách:
1 – Lúc đi vệ sinh cá nhân
2 – Lúc chờ đợi, gặp khoảng trống giữa 2 việc
3 – Trước lúc đi ngủ

Nếu không tin, mọi người cứ thử làm theo gợi ý của tôi xem, chắc chắn sau 5 năm, lại chẳng có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu cuốn sách mới được ra đời, làm thay đổi cuộc sống cũng nên. Đừng chần chừ nữa! Cầm và đọc sách thôi nào!

Chúc cho bữa tiệc sách của các Quý hiền hữu luôn mang đậm hương vị Việt! 

Đinh Hồng Cường