SÁNG TÁC CHO LỨA TUỔI NHỎ
Các tác giả cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ 2019 chụp ảnh lưu niệm tại mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử |
Tuần trước, tôi có cuộc trò chuyện với Lm.Trăng Thập Tự xung quanh vấn đề sáng tác cho thiếu nhi. Trong câu chuyện, ông lộ chút băn khoăn khi BTC cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ” lần này chưa kêu gọi được tác phẩm dành cho lứa tuổi nhỏ. Ông mong muốn thời gian tới đây, Tập san Mục Đồng sẽ nhận được sự cộng tác của nhiều tác giả với tinh thần chú trọng hơn tới sáng tác cho các độc giả nhí. Là người nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi, tôi ủng hộ mong ước này của Lm. Trăng Thập Tự.
Bài viết này của tôi được thực hiện theo đề nghị của Lm. Trăng Thập Tự. Qua nội dung trình bày, chúng tôi hi vọng sẽ đem tới cho quý vị một vài thông tin hữu ích về vấn đề sáng tác cho lứa tuổi nhỏ, góp phần phát triển chuyên mục “Văn học thiếu nhi” của Tập san Mục Đồng.
1. Viết cho lứa tuổi nhỏ là một công việc đầy khó khăn
1.1. “Lứa tuổi nhỏ” mà chúng tôi nói tới ở đây bao gồm các độc giả thuộc độ tuổi mầm non và tiểu học, tức từ 0 đến 11 tuổi.
Theo quan điểm hiện hành, văn học thiếu nhi gồm có ba bộ phận, tương ứng với ba lứa tuổi cụ thể là nhà trẻ - mẫu giáo, nhi đồng và thiếu niên (1). Sự phân lập thành những bộ phận như thế cho thấy tính đa dạng và phức tạp của bộ phận văn học thiếu nhi; là một dấu chỉ khu biệt giữa văn học thiếu nhi với văn học người lớn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhà văn Võ Quảng, là do “ở những năm đầu tiên của đời người luôn luôn có sự đổi thay nhanh về thể xác, về trí óc, về tâm hồn. Khoảng cách tháng năm giữa các thiếu nhi rất gần, nhưng khoảng cách về sinh lý tâm lý lại rất xa nhau” (2). Điều này khiến cho “thế giới bên trong của mỗi lứa tuổi mỗi khác” (3) , dẫn đến “tùy mỗi lứa tuổi, cách chọn đề tài, cách đặt chủ đề và xây dựng hình tượng thơ có khác nhau” (4). Như vậy, “vấn đề lứa tuổi chi phối nội dung câu chuyện, chi phối mọi hình tượng văn học, chi phối cả cách dùng chữ đặt câu” (5) mà mỗi người viết cần phải quán triệt một cách đầy đủ.
1.2. Đội ngũ sáng tác văn học cho thiếu nhi bao bồm cả người lớn lẫn thiếu nhi, trong đó các cây bút người lớn giữ vai trò chủ đạo. Khi viết cho trẻ em, các cây bút người lớn thường gặp không ít khó khăn vì phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu và nhiều mối quan hệ khác nhau. Cụ thể, đó là mối quan hệ giữa viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi, giữa yêu cầu về giáo dục và giải trí, giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ, giữa yêu cầu vừa tầm và trên tầm… Văn hào Nga Lev Tonstoi, tác giả của nhiều tập sách viết cho trẻ em như Kiến và Bồ Câu, Hai anh em và vàng…, từng phát biểu rằng: “Viết cho các em, đó quả là một công việc cực nhọc” (6). Ở Việt Nam, khá nhiều nhà văn cũng có những phát biểu tương tự (7). Tóm lại, cái khó của công việc sáng tác cho thiếu nhi xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, chủ quan và khách quan, điều kiện bên ngoài và điều kiện bên trong văn học (8)…
Bên cạnh những trở ngại chung nói trên, sáng tác cho lứa tuổi nhỏ còn có thêm một số khó khăn khác, liên quan đến các mặt lí trí, tình cảm, tư duy, ngôn ngữ, năng lực tiếp nhận văn chương… Nhìn chung, với các em, mọi thứ đều đang ở bước đầu, sơ giản, sơ khai. Và, bản thân người viết tuy đã đi qua thời thơ ấu nhưng không dễ đặt mình vào vị trí của các độc giả nhí để tỉ tê trò chuyện, truyền dạy một bài học nào đấy qua một bài thơ, truyện ngắn vài mươi chữ hoặc vài ba trăm chữ. Thêm nữa, “trẻ em có lí luận và trí quan sát riêng”(Thạch Lam), bắt buộc người viết không thể xem thường rồi muốn viết thế nào cũng được. Những khó khăn như vậy khiến nhiều người không mặn mà với việc viết cho các em.
2. Viết gì và viết thế nào cho các em ở lứa tuổi nhỏ
Dựa vào thực tiễn nền văn học Việt Nam và thế giới, chúng tôi tạm đưa ra câu trả lời như sau:
2.1. Về đề tài và nội dung cảm hứng
- Thực ra, không có quy định nào về cái nên viết và không nên viết cho trẻ em (9);
- Tuy vậy, xuất phát từ đặc trưng tâm lí lứa tuổi và chức năng của văn học, các nhà văn viết cho trẻ em thường có những ưu tiên như sau:
+ Thứ nhất, viết nhằm giúp các em hiểu biết/mở rộng hiểu biết về thế giới loài vật, đồ vật, cỏ cây và những gì gần gũi, quen thuộc. Ưu tiên này nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, khám phá (hiếu kỳ) của trẻ em. Ở đây, chúng ta có thể tham khảo thơ Phạm Hổ, Quang Huy, Xuân Quỳnh, văn Phong Thu, Trần Hoài Dương… Tùy mục đích và quan niệm mỗi tác giả mà nội dung tác phẩm có thể là lời giải thích (Mùa đông nắng ở đâu?), hoặc mô tả một sự vật, hiện tượng nào đó (Vịt, Nước,…);
+ Thứ hai, viết nhằm mục đích giáo dục tâm hồn trẻ thơ. Công bằng mà nói, tác dụng giáo dục của văn học đối với trẻ em diễn ra rất đa dạng (thẩm mỹ, ứng xử, giao tiếp, ngôn ngữ…), song mục đích cao cả nhất của văn học thiếu nhi là giáo dục tâm hồn. Như đã biết, trẻ em vốn hiếu thiện, giàu lòng trắc ẩn, vì thế, người viết cho thiếu nhi cần tìm cách làm nảy sinh nguồn tình cảm tốt đẹp này. Ở đây, những câu chuyện cổ tích, đồng thoại với các nhân vật nghèo khổ, bất hạnh dễ có tác động mạnh vào tâm hồn các em, đưa đến những xúc động và nhận thức tích cực. Ví dụ: Chuyện về hai mẹ con Vượn (L. Tonstoi) (10), Cáo, Thỏ và Gà Trống (A. Tonstoi), Dế Mèn bênh vực kẻ yếu (Tô Hoài)…
+ Thứ ba, “cái xấu, cái ác có được nói đến nhưng mức độ”: Lựa chọn ưu tiên của nhà văn trong trường hợp này là thiên về phản ánh, cảm nhận cuộc sống ở phương diện tích cực. Đó là vì mục đích nhân văn, là mong muốn gầy dựng cho các em một cái nhìn tươi sáng, tin yêu về cuộc sống.
Ví dụ: An Dương Vương xây thành Ốc (Nguyễn Huy Tưởng), Nàng tiên nhỏ thành Ốc (Phạm Hổ), Rùa con đi chợ (Mai Văn Hai), Hai ông cháu và túp lều dột nát (Phạm Hổ), Chữ A và chữ E (Nguyên Hương; kiểu kết thúc có hậu của truyện cổ tích…
2.2. Về hình thức nghệ thuật
a) Về dung lượng tác phẩm: Nhỏ, gọn
b) Về thể loại: Thơ, Thơ viết theo thi pháp đồng dao, Truyện cổ tích hiện đại, Truyện cổ viết lại, Truyện đồng thoại, Truyện phiêu lưu, Truyện tranh, kịch…
c) Về yếu tố thi pháp: Các yếu tố kỳ ảo, yếu tố khoa trương, cái hài, yếu tố tưởng tượng (mộng tưởng)… có tác dụng gia tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm văn học trẻ em.
d) Về hình tượng: Trẻ em rất hứng thú với các nhân vật là loài vật, đồ vật, cỏ cây được nhân hóa (vật ngã đồng nhất), nhân vật phi thường…
e) Về ngôn ngữ: Văn học thiếu nhi đề cao sử dụng loại ngôn ngữ trong sáng, rõ nghĩa, tránh từ ngữ dung tục, câu văn dài dòng phức tạp…
g) Về phương thức biểu đạt: Kết hợp kể, tả và biểu cảm – trong đó chú trọng phương thức kể, vì trẻ em vốn thích động, không ưa miêu tả hay biểu cảm dài dòng.
h) Chấp nhận đơn nghĩa: Trong nhiều trường hợp, thơ văn viết cho các em có thể “dừng lại” ở một nghĩa duy nhất, kiểu như: “Con vỏi, con voi/Cái vòi đi trước/Hai chân trước đi trước/Hai chân sau đi sau…”, hay: “Mẹ, mẹ ơi cô bảo/Cháu ơi chơi với bạn/Cãi nhau là không vui/Cái miệng nó xinh thế/Chỉ nói điều hay thôi”(Phạm Hổ)…
3. Chúng ta cần làm gì khi trước khi cầm bút viết cho lứa tuổi nhỏ?
Ngoài việc chính là tìm kiếm đề tài, nhân vật, ngôn ngữ…, chúng tôi nghĩ, các tác giả cần dành thời gian tham khảo ý kiến các nhà văn đi trước, một số công trình nghiên cứu cũng như tuyển tập thơ văn dành riêng cho lứa tuổi mầm non, nhi đồng. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm rất có giá trị tham khảo tốt về mặt sáng tác:
a) Bài báo và sách nghiên cứu: Bước tiến mới trong sáng tác cho nhi đồng (Định Hải, bài báo); Truyện đồng thoại viết cho nhi đồng (Định Hải, bài báo); Truyện viết cho nhi đồng (Tô Hoài, bài báo); Truyện khoa học cho nhi đồng (Viết Linh, bài báo); Truyện cổ tích với trẻ em (Tăng Kim Ngân, bài báo); Văn chương nhi đồng (Nguyễn Hữu Quyền, bài báo); Truyện thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non (Lã Thị Bắc Lý, sách); Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (Lê Nhật Ký, sách)…
b) Tuyển tập văn học: Chuyện hoa chuyện quả (Phạm Hổ); Cổ tích mới (Nguyên Hương); Bài học tốt (Võ Quảng); Truyện ngắn dành cho lứa tuổi nhi đồng (Phong Thu, sách); Xóm bờ giậu (Trần Đức Tiến, sách); Thơ truyện cho bé (Nhiều tác giả)…
Chúng tôi cho rằng, việc đọc tác phẩm của người khác luôn đem lại tác dụng tốt cho người sáng tác (khơi nguồn cảm hứng, tránh trùng lặp, tạo lối đi riêng…).
* * *
Tóm lại, sáng tác cho các em ở lứa tuổi nhỏ là một công việc nhiều khó khăn nhưng hết sức ý nghĩa. Bởi vì, bằng chính tác phẩm, chúng ta đã tham gia ngay từ đầu việc giúp các em hình thành, phát triển nhân cách tốt đẹp – đúng như Võ Quảng từng viết: “Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính đó là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại” (11) .
1. Xin xem trang http://www.nxbkimdong.com.vn
2. Võ Quảng, Chung quanh vấn đề sáng tác văn thơ cho thiếu nhi, 1971.
3. Võ Quảng, Làm thơ cho các em, 1968.
4. Võ Quảng, Làm thơ cho các em, 1968.
5. Võ Quảng, Chung quanh vấn đề sáng tác văn thơ cho thiếu nhi, 1971.
6. Dẫn theo Văn Hồng, Nửa thế kỉ một con đường, 2012.
7. Đơn cử:
- “Muốn viết hay cho trẻ con tâm hồn ta phải trong. Càng già, tâm hồn lại càng phải trong. Có thế mới chơi với trẻ con được”(Nguyễn Đình Thi);
- “Sáng tạo nghệ thuật là công việc rất khó rồi. Nhưng viết cho trẻ con có đến hai lần khó. Phải rất hiểu trẻ con, nhưng cũng lại phải rất hiểu người lớn”(Huy Cận).
8. Hệ quả là, nhiều tác phẩm đã được tạo ra không như mong ước ban đầu: Hai đứa trẻ, Chú Ếch con, Hai anh em gà con, Mèo con…
9. Xin xem Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1982.
10. Đọc thêm Võ Đức Thọ, Chuyện kể tiếp về hai mẹ con Vượn.
11. Võ Quảng, Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi, 1983.