Phải chăng Thiên Chúa là con voi màu xanh lơ? - 10 chặng đường trên hành trình đến với đức tin Kitô giáo

Quang X Nguyen

bản pdf



(…) Không kể đến nhiều nét dị biệt trong các trường hợp cá nhân, chúng tôi có thể trình bày một diễn trình tiêu biểu bao gồm mười bước. Đừng chỉ gói vấn đề lại trong bạn hoặc trong Chúa thôi, chúng tôi muốn gửi đến bạn 10 chặng đường kinh nghiệm mà chúng tôi thấy nhiều người đã trải qua trên hành trình đến với đức tin kitô giáo. Một trong những người bạn ấy của chúng ta tên là Dave.

* Chặng đường thứ nhất

Đầu tiên, hoàn toàn vì óc thực dụng, Dave không tin Chúa. Chúa có lẽ có, mà cũng có lẽ không. Điều đó không thực sự quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, có lẽ Người là một trong nhiều chúa, nhiều thần khác. Vả chăng, nếu Người hiện hữu thì Người cũng ở ngoài cuộc, không dính dáng gì đến cái đà vận động của vạn vật. Người là một năng lực vũ trụ đúng hơn là một Thiên Chúa có ngôi vị. Mặc dù có thể trong thâm tâm Dave chấp nhận rằng có Chúa, anh vẫn cảm thấy điều ấy không có chi quan trọng cả. Nó tựa như cuộc tranh luận nổ lên khi có một anh chàng nào đó bên Phi châu kể rằng mình trông thấy một con voi màu xanh lơ. Một con voi xanh lơ, có thật không nhỉ? Có thể có. Có thể chuyện phịa. Mà dẫu có hay không thì có chi quan trọng? Thiên Chúa cũng vậy, Người có thể là một con voi màu xanh lơ ở đâu đó xa xăm và không can hệ đến bất cứ ai hay bất cứ sự gì hết.


Còn đối với tha nhân, trong chặng đường thứ nhất này Dave có nhiều thái độ khác nhau. Một đàng, anh cũng có một số bạn hữu mà anh cảm nhận những mối quan hệ tốt lành, thích thú. Rồi anh tự hỏi: Như vậy không đủ sao? Sao mình không an phận bấy nhiêu mà cứ mải miết kiếm tìm Thiên Chúa ở đâu tít tắp? Đàng khác, trong khi ở giữa đám đông bạn bè, anh vẫn cảm nghiệm một nỗi cô đơn thật da diết. Anh thuộc một tầng lớp thượng lưu trong xã hội, giao du với nhóm này nhóm nọ, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với thiên hạ. Anh có vô số người thân kẻ quen ở gia đình, chòm xóm, ở trường, ở sở. Anh biết mọi người, nhưng vẫn thực sự không biết ai. Mọi người biết anh, nhưng thực sự vẫn không ai biết anh. Quen biết hời hợt, có! Tình bạn đích thực – một quan hệ thâm sâu ngã vị với một ai đó, không! Được vây quanh bởi lớp lớp người, anh vẫn hoàn toàn cô quạnh, lẻ loi.

Ở chặng đường thứ nhất này, xem ra anh bất mãn với chính bản thân anh nữa. Anh nghĩ về mình hoàn toàn tiêu cực. Quả là có không ít người dằn vặt đay nghiến chính mình khi nhận ra những khuyết điểm trong tính cách của mình. Nhưng sự dằn vặt của Dave còn kinh khủng hơn nhiều. Có lẽ anh không bận tâm mấy đến bộ mặt của chính mình mà anh thấy qua gương. Đôi lúc điều mà anh bận tâm và bực bội là chính sự hiện diện của bản thân mình.

Thái độ của Dave đối với tôn giáo càng tiêu cực hơn nữa. Tôn giáo là cái dành cho mấy bà già tội nghiệp. Tôn giáo có nhiệm vụ giữ mấy bà ấy trong nhà, khỏi ra đường để khỏi làm chật chội thêm phố phường. Tôn giáo là chuyện đời xưa, đầy dị đoan mê tín. Nó quá “đát” rồi; nó không có chỗ trong thế giới hiện đại. Nó là một lối làm ăn, một phương thế kiếm tiền. Tôn giáo là cái dành cho những kẻ mất tiền, mất tình. Nếu bạn phải điêu đứng với cuộc sống, hãy tìm đến tôn giáo mà tị nạn, tôn giáo là sự cứu giúp lớn lao ở trên mây xanh.

Dave cảm thấy sự tự do của anh bị đe dọa nếu anh lân la đến gần nhà thờ. Anh đã biết thế nào là bị câu thúc trong những nhóm này, đoàn thể nọ; và anh chắc chắn rằng điều đó lại sẽ xảy ra. Sự áp chế bao giờ cũng được thực hiện với một găng tay nhung; mọi sự sẽ êm ái vô cùng và người ta không cần phải kêu ré lên. Nhưng bên trong chiếc găng tay nhung ấy là một quả đấm bằng sắt. Tự thâm tâm mình, anh cảm thấy một sự thúc đẩy vừa êm dịu vừa mãnh liệt bắt mình trở nên một kitô hữu.

* Chặng đường thứ hai

Dave bắt đầu tìm kiếm. Anh vẫn chưa nắm hiểu được đâu là đầu mối ý nghĩa cuộc đời, và anh đang dò dẫm để hiểu. Cuộc tìm kiếm của anh có thể mặc lấy nhiều dạng vẻ khác nhau. Có thể anh ý thức mình đang kiếm tìm Thiên Chúa. Cũng có thể anh đang cố xuyên phá ngục tù của cái tôi để đi đến với người khác và kiếm tìm tình bạn, tình yêu. Hoặc giả cũng có thể anh chỉ đang cố tìm gặp chính mình. Dù hình thức nào đi nữa, bước từ chặng một sang chặng hai này là một bước tiến đáng kể lắm rồi. Bước tiến này có thể có hay không có kịch tính, nhưng đó quả là một bước lớn của Dave, một bước xem chừng dài nhất.

* Chặng đường thứ ba

Ở chặng đường thứ ba này, Dave ý thức rằng có một Đấng nào đó cao hơn (“Thiên Chúa” chăng, nếu bạn muốn gọi thế). Anh hiểu rằng anh cần phải gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Anh bắt đầu nhận ra rằng việc tìm hiểu chính mình, tìm hiểu người khác và tìm hiểu Thiên Chúa có đan kết mật thiết với nhau một cách nào đó… anh không thể gặp thấy cái này mà không gặp thấy hai cái kia. Trí óc anh nhìn nhận như vậy, song anh không làm gì cụ thể cả. Trăm phần trăm lý thuyết, không có phần trăm nào hành động. Anh nhận ra rằng trong tư cách là một cá nhân, mình có giá trị nào đó; song anh vẫn cảm thấy đó là những giá trị “tàu bay giấy” suông thôi. Anh hiểu anh cần đến tha nhân, nhưng anh không cất bước đi đến với họ. Anh cảm nhận mình cần Thiên Chúa, nhưng anh không lên đường đi gặp Người.

* Chặng đường thứ tư

Bây giờ thì Dave chuyển lý thuyết thành hành động. Anh thoát qua khỏi những ù lì ban đầu và thực sự nỗ lực để gặp gỡ Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Đây là một sự đột phá, và nhờ đó mọi tiềm năng được khai mở. Vì bây giờ anh không duy chỉ nghĩ và nói, anh đang thực sự hành động. Song nỗ lực của anh phần lớn chỉ đưa vào kiến thức và năng lực của chính anh thôi. Anh cảm thấy rằng nếu cần phải xảy ra một điều gì đó thì chính anh là kẻ phải làm cho nó xảy ra. Anh phải tìm gặp chính anh, anh phải tìm ra một con đường để gặp gỡ người khác, anh phải khám phá ra Thiên Chúa – dù Người ẩn nấp ở đâu đi nữa – và chính anh phải lôi Người ra ánh sáng.

* Chặng đường thứ năm

Cuối cùng, đến cái lúc mà Dave nhận ra rằng anh không thể một mình giải quyết hết bằng ấy việc. Loay hoay rồi loay hoay mãi, dần dần anh hiểu ra – bằng kinh nghiệm thực tế chứ không bằng lý thuyết – rằng anh cần có sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

Nhận thức ấy đến với Dave theo con đường thông thường của nó – tức xuyên qua lời đáp trả đối với mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Bây giờ thì anh đọc Thánh Kinh – không phải như đọc một tác phẩm văn chương hay đạo đức, cũng không phải như một tuyển tập các danh ngôn được người ta thu lượm ghi chép 2000 năm trước – nhưng anh đọc Thánh Kinh như đọc chính Lời Thiên Chúa nói với anh để giúp anh tìm ra nguồn cội ý nghĩa cuộc đời. Có thể anh đọc nhưng không hiểu gì về Thánh Kinh cả. Lúc này có thể tất cả còn rối tung đối với anh. Có thể mỗi lần đọc là một lần anh nhức đầu. Điều đó không có gì quan trọng. Cái quan trọng là chính thái độ căn bản của anh, và sự kiện thực tế rằng anh không còn cô đơn nữa.

* Chặng đường thứ sáu

Rồi tới một lúc Dave chợt hiểu ra, một sự giác ngộ lớn lao, một cuộc bứt phá thực sự. Thường thì người ta nghĩ rằng nếu bạn muốn giác ngộ thì bạn phải lên núi và trầm tư mặc tưởng khoảng vài chục năm, như một nhà ẩn sĩ. Nhưng giác ngộ của Dave ở đây có thể xảy đến bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào – trong một nhà máy, hay tại trạm xe buýt, khi bạn đang bách bộ hay khi bạn đang học bài. Với Dave, sự giác ngộ xảy đến vào một ngày nọ khi anh đang ngồi dưới một bóng cây lớn và đang trầm tư. Anh tự nhủ chính mình, như chưa bao giờ, rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một giữa chúng ta. Và anh thốt lên: “Mình đã tìm kiếm nhận thức này bấy lâu nay, đến bây giờ mình mới biết đó là một ân huệ. Mình đã miệt mài tìm hiểu, song mọi khả năng tâm linh của mình đã không đủ sức đạt tới được nhận thức ấy”.

Đột nhiên Dave hiểu rằng Thiên Chúa không phải là một cái gì đó mơ hồ trên chín tầng mây. Anh ngạc nhiên tự nhủ: "Để gặp gỡ tôi, Thiên Chúa đã thực hiện bước nhảy kỳ diệu nhất – Người đã trở nên một giữa loài người. Giờ đây tôi đã hiểu ra phải làm sao để hiểu Thiên Chúa – tôi chỉ cần nhìn ngắm chính bản thân mình. Tôi mệt ư? Đức Kitô cũng đã từng mệt mỏi. Tôi cô đơn? Chính Đức Kitô cũng đã cô đơn. Tôi đau đớn? Người cũng đã từng đau đớn. Tôi muốn được yêu? Người cũng thế. Có những lúc tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi? Đức Kitô cũng bị bỏ rơi. Tôi muốn yêu thương? Người cũng khao khát yêu thương như vậy.

* Chặng đường thứ bảy

Đến chặng thứ bảy này, Dave không xem bí tích phép rửa chỉ như một nghi thức, một định chế có tính truyền thống và do đó nên trân trọng. Đối với Dave, phép rửa không còn chỉ là “việc phải làm”, mà đó là điều anh muốn làm. Đó là cuộc gặp gỡ Đức Kitô và người khác. Qua bí tích này, anh đón nhận tặng phẩm của Thiên Chúa là sự sống mới và anh tự nguyện đi vào trong giao ước với Đức Kitô trong Giáo Hội của Người. Anh dấn mình tin tưởng vào Đức Kitô, sống theo những giá trị của Người, và tìm kiếm ơn cứu độ của Người cùng với những anh chị em khác là những người – cũng như anh – đã đón nhận ơn giao hảo với Đức Kitô và tình yêu của Người.

* Chặng đường thứ tám

Giờ đây, Dave đi vào trong kinh nghiệm sống kitô giáo. Là một thành phần trong một cộng đoàn nỗ lực sống triệt để chức phận Kitô hữu, Dave thực hành phụng tự và cầu nguyện. Anh vẫn tiếp tục tìm tòi học hỏi. Các anh chị em Kitô hữu khác nâng đỡ anh vào những lúc buồn phiền khó khăn; và khi họ cần anh thì – đến lượt mình anh cũng mau mắn giúp đỡ. Dĩ nhiên, cũng có những thực tế bất như ý. Anh nhận ra con người vẫn còn sự yếu đuối của con người, vẫn còn sai lầm. Người ta không sống trọn ý tưởng của Đức Kitô. Anh vốn trung thực, nên anh cũng nhận ra các sai sót lầm lạc ấy nơi chính mình nữa. Và qua những thăng trầm đó, anh cảm nghiệm được thế nào là một cuộc sống Kitô hữu – đó không phải là một thảm hoa hồng, nhưng là một lối đi đầy sỏi đá dẫn người ta đến những khả năng kỳ điệu.

* Chặng đường thứ chín

Rồi Dave bắt đầu khám phá những khả năng to lớn của cuộc gặp gỡ Kitô giáo ở mức độ sung mãn. Mọi năng lực được khai thông. Anh bất chợt nhận ra nơi chính mình có một tiềm năng dũng cảm và thương xót đến không ngờ. Thói quen hướng về mình trước đây nay nhường chỗ cho cái nhìn về thiện ích của người khác, và những vành đai của cuộc sống anh được đẩy ra xa. Mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân được đào sâu và được bồi đắp phong phú xuyên qua tình yêu trao và nhận một cách tự do tự nguyện. Việc cầu nguyện không còn là cái gì trói buộc do bổn phận nữa mà trở nên chính nguồn cung cấp nghị lực. Anh không còn nhìn sự đau khổ một cách bi quan, mà như một phương thế để lớn lên và cứng cát hơn. Anh bắt đầu thấu hiểu điều mà Thánh Phaolô đã nói: “…bây giờ không phải là tôi sống nữa; nhưng là chính Đức Kitô đang sống trong tôi”. Bằng kinh nghiệm thực tế anh đang hiểu dần sự thật trong những lời nói của Đức Giêsu: “…ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm gặp lại được sự sống “.

* Chặng đường thứ mười

Đối với Dave – cũng như đối với tất cả chúng ta – cuộc tiến hóa đạt đến chung cục và trọn vẹn với sự trở lại của Đức Kitô, với sự phục sinh của thân xác, với sự chuyển hóa của toàn thể vũ trụ thành Nước Trời, với sự đột phá khuôn khổ thời gian. Bấy giờ sự sống thực sự bắt đầu. Tất cả những lời hứa kỳ diệu của Đức Kitô trở thành hiện thực. Sẽ có một trời mới đất mới, chính Thiên Chúa sẽ sống với dân Người và lau khô mọi giòng lệ của họ.

Đấy là mười chặng hành trình mà bạn sẽ dấn thân vào nếu bạn muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên. khi bạn xem qua 10 chặng đường ấy, cũng cần có một vài lưu ý:

Đừng quên rằng Thiên Chúa có thể làm việc bằng vô vàn cách thế khác nhau.

Đừng nghĩ rằng cuộc hành trình 10 chặng ấy là một tiến trình có tính máy móc, nghiêm ngặt.

Không ai có thể đi qua 10 bước ấy duy chỉ bằng cách đọc nó trong sách vở. Bạn đã đọc nó, điều đó không có nghĩa rằng bạn đã đi qua nó.

Hãy ý thức đặc tính của cuộc hành trình tâm linh này. Có người bảo: “Một mình tôi đang xoay xở hết tất cả. Tôi không cần ai cả. Bằng cách này cách khác, mỗi ngày tôi đang trở nên tốt hơn”. Người ấy đã quên mất rằng vấn đề của chúng ta ở đây là gặp gỡ. Phải có hai người mới nhảy tango được, phải có hai người mới làm nên một tình bạn, phải có hai người mới có thể cưới nhau, phải có hai người mới có thể có cái gọi là gặp gỡ.

Đừng căn cứ vào bảng kê 10 chặng đường ấy để so sánh bạn với người khác. Bởi điều ấy có thể khiến bạn nghĩ mình đang tốt hơn thiên hạ, và bạn có thể là kẻ giả hình đấy. Trong giòng lịch sử, Giáo Hội đã loay hoay nhiều mà không hề bày vẽ thêm gì nhiều hơn những bước đó.

Bảng liệt kê 10 chặng đường nói trên không phải là một cái gì có tính độc nhất bao quát. Nó nhằm giúp cho những ai khởi đi từ bước đầu tiên, cung cấp cho họ một cái nhìn toàn cảnh.

***

Đừng quên rằng chúng ta đã có nhắc sơ qua trường hợp những người được nhận phép rửa từ bé và đã lớn lên trong Giáo Hội mà không hề bận tâm gì về vấn đề tại sao mình lại ở đây và mình đang đi đâu. Họ là những người đang cố gắng bước qua các chặng 7, 8, và 9 dù chưa từng đi qua các bước từ 1 đến 6. (…) Có cách nào không, cho bạn quay hướng máy bay trở về phi đạo cũ để tự mình quyết định lấy cuộc xuất phát của mình? Chúng tôi nghĩ rằng có. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp bạn đi các bước từ 1 đến 6.

Vậy thì ta phải làm sao đây?

Trước khi trả lời câu hỏi ấy, ta cần làm rõ một vài qui tắc căn bản. Nếu trong khi bạn đang bước cuộc hành trình này, bạn nhận được niềm xác tín rằng Thiên Chúa quả là thật và quả là quan trọng – thì bạn sẽ muốn quan hệ với Người. Nếu không thế, mọi sự sẽ chỉ là vu vơ và không đưa bạn đến được đâu cả.

Các mối quan hệ diễn tiến như thế nào? Chúng diễn biến một cách song phương, hai chiều. Chúng tôi viết tập sách này là viết trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng thực hữu và rất quan trọng – và chúng tôi xác tín rằng Người vốn vẫn đang quan hệ với bạn trong tình yêu thương và sự chăm sóc ân cần. Nhưng điều ấy có thể không hiển nhiên đối với bạn; thật vậy, chính sự hiện hữu mập mờ và khả nghi của Thiên Chúa có thể là cái thúc đẩy bạn tiếp tục lật tới những trang sách này.

Thử lấy một ví dụ, chẳng hạn mối quan hệ giữa bé gái Karen mới sinh và cha mẹ của em. Là một trẻ sơ sinh, Karen không thực sự yêu thương cha mẹ của nó. Nếu nó có nghĩ gì thì đấy là nghĩ về chính nó. Có thể nói dường như thế giới xung quanh hiện hữu là để phục vụ nó. Nhưng cha mẹ Karen thì đã tận tình yêu thương Karen ngay tự đầu tiên. Họ không được Karen yêu thương đáp lại, sự kiện đó không hề làm họ nhụt chí. Họ hiểu rằng dần dần đứa trẻ sẽ nhận biết và yêu thương họ. Và như vậy, mối tương quan vốn được bắt đầu một chiều dần dần chuyển thành hai chiều. Chỉ có thể có một quan hệ yêu thương đầy đủ khi đó là một tình yêu có qua có lại với nhau.

Mối quan hệ giữa Karen và Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Ngay tự đầu tiên, Thiên Chúa đã cảm nhận rất rõ về cô bé. Và xem ra bé karen không hề đáp lại tình yêu ấy lúc đầu. Thật vậy thậm chí Karen không hề nghĩ về Thiên Chúa. Karen không biết Thiên Chúa và không thấy cần phải biết Thiên Chúa. Mà vô tri thì bất mộ, làm sao người ta yêu thương được cái mà họ không biết. Nhưng Thiên Chúa cũng không nhụt chí. Người vẫn yêu thương Karen dẫu rằng đó chỉ là mối quan hệ một chiều. Người hi vọng rằng dần dần Karen sẽ nhận biết Người và nhờ đó sẽ yêu mến Người. Chỉ đến khi mối quan hệ này chuyển thành song phương, thành một mối quan hệ trao và nhận, thì mọi sự mới có thể bắt đầu và cuộc sống mới trở nên ý vị.

Các đôi trai gái thường đâu có bắt đầu yêu nhau vào cùng một lúc. Chàng yêu nàng trước và biểu lộ tình yêu ấy cho nàng, hoặc ngược lại. Khi biểu lộ như vậy, người nầy hi vọng rằng người kia sẽ đến lúc đáp lại mối tình của mình. Mối quan hệ với Thiên Chúa cũng thế, cần qua một thời gian tình yêu mới triển nở trọn vẹn.

Bất cứ một quan hệ bạn hữu nào cũng vậy. Khi tình bạn trở thành hai chiều qua lại thì mọi điều lý thú bắt đầu xảy ra; người ta không còn loay hoay đơn độc nữa, nhưng mối quan hệ hỗ tương thực sự bắt đầu.

Còn một lưu ý cuối cùng nữa:

Trước khi bạn cất bước vào cuộc hành trình này, bạn cần xác quyết một điều – đó là bạn hoàn toàn tự do. Bạn đi xa đến đâu, bạn ngừng ở đâu, và thậm chí bạn có đi hay không – tất:cả là do bạn tự quyết định.

Tôn giáo, tự căn bản, là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân. Mà sự gặp gỡ đích thực chỉ có thể dựa trên nền tảng yêu thương. Thế nhưng người ta không thể yêu thương được trừ phi họ có đầy đủ tự do.

Nếu bạn sợ rằng bạn sắp sửa bị dụ dỗ và bị xỏ mũi, thì bạn sẽ chẳng đi được đến đâu cả đâu. Đó là lý do tại sao chúng tôi, khi viết tập sách này, tự buộc mình phải tuyệt đối tôn trọng sự tự do của bạn. Đơn giản chỉ vì nếu chúng tôi không tôn trọng sự tự do của bạn thì điều đó có nghĩa là chúng tôi đang phá hoại chính điều mà chúng tôi hi vọng sẽ xảy ra.

Xem ra xung quanh chúng ta không ít người cảm thấy mình bị tôn giáo ràng buộc, câu thúc. Họ không biết rằng thực tế cái câu thúc họ không phải là tôn giáo mà là một cái khác. Vấn đề nằm ở chỗ họ cảm thấy họ bị câu thúc. Bởi đó mà chúng tôi muốn quay trở lại để làm lại cuộc khởi hành.

Tuy nhiên, nếu tôn giáo là cuộc gặp gỡ – thì những ai cất bước từ đầu phải làm nhiều chuyện chứ không chỉ đơn thuần là đọc sách vở suông. Và nếu trên đường đi, cuộc gặp gỡ không xảy ra thì quyển sách này đáng quăng qua cửa sổ. Vì thế ngay cả khi chúng tôi rất ý thức việc tôn trọng tự do của bạn thì chúng tôi cũng tha thiết khuyên bạn hãy cố gắng ra khỏi con người mình và mở rộng lòng ra để đón nhận kinh nghiệm gặp gỡ.

Bạn biết đó, tại một số nơi trên thế giới các cuộc hôn nhân được xây dựng với sự giúp đỡ của một người môi giới (ông mai bà mai). Người môi giới này đưa dẫn đôi trai gái lại với nhau, nói cho chàng biết cái hay cái đẹp của nàng – và ngược lại. Nhưng không có người môi giới nào có thể làm cho đôi trai gái phải lòng nhau. Chuyện phải lòng nhau là chuyện của chính chàng và nàng. Cũng vậy, chúng tôi có thể dẫn bạn đến với Thiên Chúa và với người khác, nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó là tùy ở bạn chứ không tùy ở chúng tôi. Nếu người ta không tự do quyết định gặp gỡ nhau thì chẳng có thể hứa hẹn điều gì xảy ra cả. Chỉ có thể kỳ vọng một sự gì đó khi mà bạn chọn Thiên Chúa và Thiên Chúa chọn bạn, khi mà bạn chọn người khác và người khác chọn bạn. Còn chúng tôi, như những ông bà mai của các cuộc hôn nhân, chúng tôi chỉ làm trung gian giới thiệu để rồi hi vọng sự việc sẽ diễn ra một cách tốt đẹp nhất.

(…)

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA LÀ CON VOI MÀU XANH LƠ?

(Trích từ “Bước quyết định để gặp Chúa trong đời”; James DiGiacomo, SJ và John Walsh, MM; Lm Giuse Lê Công Đức dịch)