Các Giám mục Công Giáo được bổ nhiệm như thế nào?
Bài viết tuần vừa qua liên quan tới những tin đồn về việc bổ nhiệm Giám mục tại Việt Nam đã được nhiều người đón nhận và còn muốn biết thêm chi tiết tiến trình bổ nhiệm một giám mục thường diễn ra như thế nào? Để giúp người Công Giáo Việt Nam hiểu rõ hơn, chúng tôi xin tóm lược như sau:
Quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm các giám mục thuộc về Đức Đức Giáo Hoàng, và Ngài được tự do lựa chọn bất cứ ai mà ngài chọn. Nhưng vấn đề là Làm thế nào để Đức Giáo Hoàng biết chọn ai? Đây là vấn nạn quan trọng cần được làm sáng tỏ.
Quá trình lựa chọn các ứng cử viên cho việc bổ nhiệm giám mục thường bắt đầu ở cấp giáo phận và được thực hiện thông qua một loạt các cuộc tham vấn trước khi tên ứng viên giám mục được đệ trình tới Roma. Đó là một quá trình bị ràng buộc bởi tính bảo mật nghiêm ngặt và liên quan đến một số nhân vật đóng vai trò quan trọng: Người có ảnh hưởng nhất là vị Sứ thần Tòa Thánh, Thánh Bộ các Giám mục, Bộ Truyền Giáo và chính Đức Đức Giáo Hoàng. Đây có thể là một quá trình tốn thời gian, thường mất tám tháng hoặc hơn để hoàn thành. Mặc dù có sự phân biệt giữa việc bổ nhiệm đầu tiên một linh mục làm giám mục và rồi sau đó một giám mục chuyển đến một giáo phận khác, hoặc bổ nhiệm giám mục thành Tổng giám mục, những tiến trình cơ bản theo một quy trình vẫn giống nhau.
Những nhân vật có vai trò chính yếu:
Sứ thần Tòa Thánh là Đại diện của Đức Giáo Hoàng cho cả chính phủ và với Hàng Giáo phẩm của quốc gia nơi vị đó được chỉ đinh; Sứ thần là người quan trọng trong việc quyết định tên những ứng viên giám mục nào được đề nghị lên cho Thánh Bộ các Giám mục để cứu xét cho việc bổ nhiệm giám mục có thể.
Giám Mục Phụ Tá (Auxiliary Bishop) là Giám mục được bổ nhiệm để hỗ trợ và làm phụ tá cho Giám mục chính tòa của giáo phận. Dù ở là phụ tá ở giáo phận hay tổng giáo phận, chức danh ngài là giám mục.
Giám mục phó (Coadjutor) là giám mục cũng được bổ nhiệm vào một giáo phận hoặc tổng giáo phận để hỗ trợ giám mục chính tòa giáo phận. Nhưng không giống như một Giám Mục Phụ Tá, Giám mục phó có quyền kế vị, nghĩa là ngài tự động trở thành giám mục chính tòa mới khi giám mục giáo phận nghỉ hưu hoặc qua đời. Theo giáo luật, ngài cũng là tổng đại diện của giáo phận. Nếu giáo phận là một tổng giáo phận, thì ngài được gọi là tổng giám mục phó thay vì giám mục phó. Trong những năm gần đây, một số các giáo phận hoặc tổng giáo phận lớn hơn đã yêu cầu và nhận được một giám mục phó trong năm cuối cùng của trước khi các ngài nghỉ hưu, mục đích là để các ngài làm quen với người kế nhiệm của mình trước khi giám mục mới tiếp quản việc điều hành (tổng) giáo phận. Điều này giảm thiểu những khó khăn mà vị tân giám mục có thể gặp phải và làm quen với nhu cầu giáo phận và loại bỏ hoàn toàn khả năng giáo phận bị bỏ trống sau khi nghỉ hưu của giám mục cũ.
Bộ các Giám Mục là một bộ phận của Giáo triều Roma, đứng đầu là một Hồng Y. Người đứng đầu hiện tại là Hồng Y Marc Ouellet, người Canada. Trong số các trách nhiệm của Bộ là kiểm duyệt tất cả các khía cạnh liên quan tới việc bổ nhiệm các giám mục; hỗ trợ các giám mục trong việc thực hiện đúng các chức năng mục vụ của họ; sắp xếp các chuyến thăm “ad limina” (chuyến thăm thường xuyên đến Roma của các giám mục cứ năm năm một lần); và thiết lập các Hội đồng Giám mục các quốc gia và xem xét các nghị định của họ theo đúng yêu cầu của giáo luật. Thành viên của Bộ gồm có khoảng 35 Hồng Y và tổng giám mục từ khắp nơi trên thế giới.
Giám mục chính tòa giáo phận là người đứng đầu pháp lý và đại diện của một giáo phận.
Giáo tỉnh là lãnh thổ bao gồm một tổng giáo phận, thường là đô thị lớn, và thường gồm nhiều giáo phận. Giáo luật nêu ra những nghĩa vụ và thẩm quyền hạn chế nhất định mà tổng giám mục có quyền hạn liên quan đến các giáo phận trong giáo tỉnh của mình. Việt Nam hiện có 3 giáo tình là: Hà Nội, Huế và Saigon.
Terna là tiếng latinh có nghĩa là danh sách gồm 3 ứng viên được đề cử làm giám mục. Tiến trình đi đến kết quả này qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đề nghị của Giám mục chính tòa
Mỗi giám mục có thể đệ trình lên tổng giám mục của tỉnh mình tên của các linh mục mà ngài nghĩ sẽ có thể làm giám mục tốt. Trước cuộc họp giáo tỉnh thường kỳ (thường là hàng năm), vị tổng giám mục phân phát cho tất cả các giám mục thuộc giám tỉnh tên và lý lịch của các linh mục đã được đệ trình cho ngài. Sau một cuộc thảo luận giữa các giám mục tại cuộc họp của giáo tỉnh, một cuộc bỏ phiếu được đưa ra để đề xuất tên những vị có phiếu cao nhất. Số lượng tên trong danh sách giáo tỉnh này có thể thay đổi. Cuộc kiểm phiếu, cùng với biên bản cuộc họp, sau đó được tổng giám mục chuyển đến Đức TGM Tòa Sứ thần hay tại Việt Nam thì hiện này là Vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh. Danh sách này cũng được đệ trình lên Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Giai đoạn 2: Sứ thần Tòa Thánh
Khi nhận được danh sách đệ trình vị Sứ thần (hay Đại Diện Vatican) sẽ duyệt xét lại danh sách những tên ứng viên và Ngài có thể dùng nhiều cách khác nhau để điều tra các vị ứng viên này. Sau đó Ngài mới quyết định nộp danh sách 3 vị ứng viên cho một tòa trống ngôi lên Bộ các Giám Mục. (Trường hợp các quốc gia còn thuộc vùng truyền giáo thì sẽ gửi lên Bộ Truyền Giáo hay còn gọi là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc (Congregatio pro Gentium Evangelisatione) Tổng trưởng hiện nay là Hồng Y Fernando Filoni. Sau đó bộ này sẽ phối với Bộ Giám mục để đúc kết danh sách cuối cùng). Theo như vậy, vai trò của Sứ thần Tòa Thánh đóng vai trò quyết định trong quá trình tuyển chọn. Ngài không chỉ thu thập các dữ kiện và thông tin về các ứng cử viên tiềm năng, mà còn diễn giải thông tin đó cho Bộ Giám mục. Dĩ nhiên các khuyến nghị và bảo đảm của các Sứ thần Tòa Thánh có một trọng lượng đáng giá; tuy nhiên điều quan trọng cần nhớ là vai trò "người gác cổng" vị Sứ thân không có nghĩa là các đề nghị của Ngài luôn được Tòa Thánh tuân theo.
Cuộc điều tra cho vị thế một Giám mục Giáo phận diễn ra như thế nào?
Sau khi nhận được danh sách các ứng cử viên được chuyển tới từ một Giáo tỉnh, Sứ thần Tòa Thánh tiến hành cuộc điều tra của riêng mình về sự phù hợp của các ứng cử viên.
Sứ Thần Tòa Thánh sẽ gửi văn thư xin một báo cáo từ Giám mục hiện tại hoặc Giám quản của giáo phận về các điều kiện và nhu cầu của giáo phận đó. Nếu việc bổ nhiệm là thay thế cho một giám mục giáo phận hoặc tổng giám mục sắp nghỉ hưu, việc xem xét sẽ bao gồm các khuyến nghị và đề nghị của giám mục đương nhiệm. Một cuộc tham vấn rộng rãi trong giáo phận được khuyến khích liên quan đến nhu cầu của giáo phận ra sao, tuy nhiên không bao gồm tên của các ứng cử viên.
Bản báo cáo của Giám mục cũng bao gồm tên của các cá nhân trong giáo phận mà vị Sứ Thần muốn biết để có thể tham khảo ý kiến và cách liên hệ với các vị này.
Các giám mục trước đây của giáo phận cũng được hỏi ý kiến.
Các Giám mục của Giáo tỉnh được tham khảo ý kiến
Chủ tịch và phó chủ tịch của Hội đồng Giám Mục quốc gia được tư vấn.
Nếu là một Tòa Tổng giám mục trống ngội thì các vị tổng giám mục khác tại quốc gia đó có thể được tư vấn.
Tại thời điểm này, Sứ thân Tòa Thánh thu hẹp danh sách của mình và một bảng câu hỏi được gửi đến cho từ 20 tới 30 người quen biết rõ vị ứng viên đó đề lấy ý kiến của họ.
Sứ thần Tòa Thánh sau đó xem xét tất cả các tài liệu được thu thập, và rồi ngài chuẩn bị một báo cáo (khoảng 20 trang). Ba ứng cử viên được liệt kê theo thứ tự abc (gọi là “terna” với ghi chú ưu tiên của vị Sứ thân. Tất cả các tài liệu sau đó được chuyển đến Bộ Giám mục ở Roma và Bộ Truyền giáo.
Cuộc điều tra cho vị thế một Giám Mục Phụ Tá diễn ra như thế nào?
Trước hết vị Giám mục chính tòa giáo phận phải biện minh Sứ thần Tòa thánh tại sao mình cần có một Giám Mục Phụ Tá. Tiến trình này sẽ dễ dáng nếu như ngài xin thay thế cho một Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu hoặc đã qua đời.
Giám mục chính tòa giáo phận cũng cần chuẩn bị terna, hoặc danh sách ba ứng cử viên cho chức vị Giám Mục Phụ Tá và chuyển đến Sứ thần tòa thánh.
Sứ thần Tòa thánh sau đó tiến hành cuộc điều tra riêng của mình về các linh mục trên terna của giám mục giáo phận, rồi gửi tên đến Roma với một bản báo cáo và các đề nghị của riêng mình.
Quá trình này trung bình có thể mất từ hai đến sáu tháng.
Giai đoạn 3: Bộ Giám Mục trại Giáo triều
Khi tất cả các tài liệu từ Sứ thần đã hoàn thành và theo thứ tự, và được Tổng trưởng Bộ chấp thuận, quá trình sẽ tiến tới. Nếu việc bổ nhiệm liên quan đến một giám mục được thăng chức Tổng giám mục hoặc thuyên chuyển, vấn đề có thể được quyết định bởi Hồng Y tổng trưởng và nhân viên. Tuy nhiên, nếu việc bổ nhiệm liên quan một linh mục được làm giám mục, thì toàn Bộ Giám mục họp chung và quyết định.
Một vị Hồng Y trong Bộ Giám Mục được chọn làm người có trách nhiệm tóm tắt tài liệu và lập báo cáo cho Bộ Giám Mục đầy đủ, Bộ thường họp hai lần một tháng vào ngày thứ năm. Sau khi nghe báo cáo của vị Hồng Y nêu trên, Bộ thảo luận về việc bổ nhiệm và sau đó bỏ phiếu. Bộ có thể làm theo đề nghị của Sứ thần Tòa thánh, chọn một trong số các ứng cử viên trên terna 3 tên ứng viên, hoặc thậm chí cũng có thể yêu cầu một terna khác được chuẩn bị.
Giai đoạn 4: Đức Giáo Hoàng quyết định
Tại một buổi tiếp xúc riêng với Đức Đức Giáo Hoàng, thường là vào Thứ Bảy, Bộ Giám mục trình bày các khuyến nghị của Bộ cho Đức Giáo Hoàng. Vài ngày sau, Đức Giáo Hoàng thông báo cho Bộ về quyết định của mình. Sau đó, Bộ thông báo cho Sứ thần Tòa thánh, tiếp đến vị này người lần lượt liên lạc với ứng viên và hỏi liệu ứng viên được bổ nhiệm có chấp nhận không. Nếu câu trả lời là "có", Vatican sẽ được thông báo và tiếp theo ấn định ngày giờ cho việc loan báo chính thức từ Vatican, từ Tòa Sứ thần và tại Giáo phận nới có bổ nhiệm.
Thông thường tiến trình nêu trên kéo dài từ 6 đến 8 tháng, và đôi khi lâu hơn nữa kể từ khi một giáo phận trở nên trống tò cho đến khi một giám mục mới được bổ nhiệm.
Tham khảo Tài liệu từ Vatican và Hội đồng GMHK
LM John Trần Công Nghị