Bốn mươi năm - một dòng lệ

Quang X Nguyen

BỐN MƯƠI LĂM - MỘT DÒNG LỆ

(Câu chuyện về phép lạ của Đức Mẹ La Vang!)


LTS: Bà Lê Tín Hương hiện ở California, là nhạc sĩ, cũng là nhà văn, qua cha cố Trọng đang nghỉ hưu tại Orange County, California, gởi cho chúng tôi câu chuyện về Ơn Lạ của Mẹ Lavang ban cho gia đình bà cách đây 40 năm. Xin mời bạn đọc theo dõi. "Về bên Mẹ Lavang" chân thành cám ơn tác giả.

Gia đình Cô ta là Phật Tử thuần thành. Cô kể lại như sau:

Tôi rời nhà lúc sáu giờ sáng Chủ Nhật. Lái xe trong cơn mưa tầm tã, trên con đường dài vẫn còn mù mờ tối của một buổi sáng mùa đông lạnh, đối với tôi là một việc làm gần như rất hiếm hoi.

Ngày cuối tuần, nhất là những sáng trời mưa, tôi vẫn có cái thú rúc trong chăn và nằm nướng. Cây đàn Tây Ban Cầm được gác sẵn bên góc đường để tôi có thể với tay kéo lên bất cứ lúc nào, và ngồi dậy tựa lưng vào thành giường nhã hứng... Những dòng nhạc về mưa, về thân phận lúc đó lại có cơ hội tiếng thăng tiếng trầm đến với cuộc đời...


Riêng sáng hôm nay, lòng tôi nao nao mong đợi. Tôi thức dậy sớm. Sau một chút trang điểm nhẹ nhàng, tôi chọn cho tôi chiếc áo màu trắng, khoác ngoài chiếc áo ấm màu đen và sẵn sàng chờ giờ ra xe. Trời chưa thấy sáng và giờ đi hãy còn sớm. Tôi bâng khuâng ngồi nhìn ra khung cửa, mưa vẫn còn nặng hạt, dấu chỉ báo hiệu cho một cơn mưa có thể kéo dài đến chiều...

Liên tưởng đến buổi Thánh Lễ Ðại Trào mà tôi sẽ tham dự sáng nay, khai mạc năm Toàn Xá 200 năm Ðức Mẹ Lavang và kỷ niệm 10 năm phong thánh, 117 vị anh hùng Tử Ðạo Việt Nam. Tôi bỗng thấy lòng lâng lâng xúc động. Ngoài sự cảm phục về tấm gương sáng ngời tình yêu và tuyên xưng đức tin của các Thánh Tử Ðạo, thì mỗi khi nhắc đến Mẹ Lavang, là gợi lại trong tôi hồi tưởng về một khung trời thơ ấu xa xưa với biến cố trọng đại đã đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày mưa gió như hôm nay...

Năm 1958, ba tôi làm việc tại bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng, ông vẫn cùng các bác sĩ đi thanh tra các bệnh viện nhỏ ở các vùng lân cận. Hôm ấy, ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.

Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy trời mưa lạnh. Những cơn mưa mà những ai đã từng ở Huế chắc chắn không thể nào quên được. Mưa tầm tã, rả rích kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tưởng chừng như vô tận. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Chiếc xe chở ông cùng ba vị bác sĩ và một nhân viên bệnh viện đã đón ông ở ngoài cổng. Ba tôi mặc vào người chiếc áo jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vàng ra xe.

Bước xuống mấy bậc thềm ông gặp ngay cha Luận đang bước vào. Cha Cao Văn Luận cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất gần gũi và thương yêu gia đình tôi. Một trong những mong mỏi của Ngài là được thấy gia đình tôi theo Ðạo.

Tuy rất kính và quý mến cha, nhưng điều đó với ba mẹ tôi là một trở ngại lớn, không thể nào thực hiện được. Cả hai bên nội ngoại tôi không ai có Ðạo. Mẹ tôi đồng thời lại là một Phật Tử. Bà đã quy y, pháp danh Nguyên Khai. Bà cũng đã từng xây chùa cho làng ngoại tôi tại Huế. Mẹ tôi là một người đàn bà có học. Như đa số những bà mẹ Việt Nam khác rất hiền lành và nhẫn nhục. Cả cuộc đời hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngưỡng thì lại rất cương quyết, chẳng thể nào lay chuyển được. Ba tôi biết thế nên ông rất tôn trọng mẹ tôi mặc dầu ông rất kính mến cha Luận.

Cha Luận gặp ba tôi, Ngài bắt tay rất vui vẻ, Ngài đưa cho ba tôi một tấm ảnh và bảo: "Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Tôi kính cho ông một tượng ảnh của Mẹ Lavang. Ðức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng. Ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện."

Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của chiếc áo da. "Con phải đi ngay, cha à, mọi người đang đợi con ở ngoài kia." Vừa nói, ba tôi vừa chào từ giã cha, rồi ra xe.

Tôi nhìn theo chiếc xe chở ba tôi khuất dần, khuất dần sau màn mưa dày đặc...

Buổi chiều trong khi người nhà chuẩn bị bữa cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện "những kẻ khốn cùng" (les misérables) của văn hào Victor Hugo thì chúng tôi nhận được hung tín. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa đã bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị và chìm xuống sông. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình ra ngay hiện trường để nhận xác đồng thời để tẩm liệm tại chỗ cho thân nhân...

Trước biến cố bất ngờ đó, mẹ tôi như người bị sét đánh. Bà run rẩy, sững sờ ôm lấy tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ lúc ấy... (giờ đây sau biết bao lần chứng kiến những chia ly, tử biệt, tôi mới ngậm ngùi thấm thía được niềm đau đớn của những nỗi đợi chờ tuyệt vọng), chỉ biết là đã nhìn thấy mẹ đầm đìa nước mắt và cả chúng tôi nữa...

Ngoài kia dòng lệ của đất trời vẫn hững hờ rơi...

Mẹ tôi và chị em tôi theo chiếc xe của bệnh viện ra Quảng Trị nhận xác cha. Ðến nơi, tại một trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba vị bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên. Còn thi hài của ba tôi thì chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được ba tôi, nhưng mọi người xác định là ông cũng cùng một số phận với những người đã tử nạn; nhất là ông đã chìm sâu dưới lòng nước quá lâu. Mẹ tôi mặt mày bạc nhược tái xanh, mắt đỏ hoe vì khóc, đứng ở một góc phòng chờ đợi...

Thân nhân của các nạn nhân đều đã tới, tiếng kêu gào khóc kể nghe rất não lòng. Tôi vừa buồn vừa sợ, mơ hồ cảm thấy một khúc quành nào đó thật ngặt nghèo đang chờ đợi gia đình tôi.

Em tôi vì còn nhỏ, có lẽ chưa hiểu lắm, nép trong lòng mẹ ngơ ngác nhìn quanh: "Ba đâu, ba đâu mẹ!" Mẹ tôi chưa kịp dỗ dành em thì bỗng có tiếng người la lớn:

"Ðây rồi, vớt được xác sau cùng rồi!"

Là ba đó, mẹ tôi chạy nhào tới.
Phải rồi, người ta đang khiêng ba tôi vào, đặt ba tôi nằm trên chiếc băng ca.

Lại có tiếng người la lên: "Trời ơi! Ông ta hình như chưa chết. Còn thở. Hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp nhân tạo ngay đi!"

Và ba tôi quả còn sống thật! Mẹ tôi quỳ xuống lạy trời, lạy đất. Cám ơn Trời Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt một lần nữa tuôn dầm dề trên má mẹ, nhưng lần này là những giòng nước mắt hạnh phúc không ngờ...

Chúng tôi quỳ chung quanh chiếc băng ca nơi ba tôi đang nằm.

Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng nói thật yếu ớt, câu nói đầu tiên mà tôi không bao giờ quên được: "Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà, Ðức Mẹ Lavang đã cứu ba."

Nói xong, ông đưa tay vào trong túi áo da, lục lọi kiếm tìm và, sau đó, ông rút ra tấm ảnh Ðức Mẹ Lavang. Tấm tượng ảnh mà cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Tấm ảnh đã ướt sũng và đậm màu vì thấm nước, nhưng hình Ðức Mẹ với chiếc áo choàng xanh vẫn còn in rõ nét.

Ba tôi nói tiếp: "Ðây chính Bà này đã cứu ba, Bà đã lôi ba, lúc ấy đang mắc kẹt trong xe, ra khỏi cửa xe. Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói Ta là Ðức Mẹ Lavang, Ta đến cứu con."

Tôi chợt nghĩ lại, nếu ngày hôm đó, ba tôi không vội vàng ra đi, và có thời giờ để tiếp chuyện với cha Luận. Có lẽ bức tượng ảnh Ðức Mẹ Lavang đã bị quên trong một ngăn kéo nào đó cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi.

Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em đã rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị linh mục thân thiết của gia đình tôi, cha Cao Văn Luận, cha Ngô Văn Trọng lúc bấy giờ là cha Chánh Xứ họ đạo Phanxicô, hay còn gọi là Nhà Thờ nhà nước, nơi mà gia đình tôi cư ngụ, và cha Vũ Minh Nghiễm, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã dày công dạy giáo lý cho chúng tôi. Cả ba vị linh mục này đã dâng Thánh Lễ và ban phép rửa tội cho chúng tôi.

Theo lời xin của ba tôi, để cảm tạ ơn thánh của Ðức Mẹ, lễ rửa tội được tổ chức tại Thánh Ðường Ðức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vô cùng vui mừng hân hoan, và tin tưởng lần chuỗi mân côi cảm tạ ơn Ðức Mẹ mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt bà là một tín đồ sốt sắng, sùng kính Ðức Mẹ tuyệt đối. Ðây là những hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ rõ sau thời gian gia đình chịu phép rửa tội: Mẹ tôi đã chịu đựng nhiều lời ra, tiếng vào của họ hàng và những người quen biết. Họ cho rằng gia đình tôi theo đạo là để mưu cầu cho một quyền lợi nào đó. Về phần chúng tôi, khi đến trường, cũng nghe những lời đàm tiếu của bạn bè. Mỗi lần than vãn với mẹ thì mẹ lại khuyên răn chúng tôi: "Ba là cột trụ và là nguồn sống của gia đình chúng ta. Vì thế, dầu có chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn, cũng phải chấp nhận để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Ðức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta."

Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cũng là một biến cố trong lịch sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90. Ông vẫn còn kính tấm tượng ảnh năm xưa đã cứu ông trên bàn thờ. Tấm ảnh Ðức Mẹ ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông đều đọc kinh lần hạt cảm tạ Ðức Mẹ.

Câu chuyện mầu nhiệm này đã được chúng tôi thường xuyên kể lại cho con cháu nghe, như là một câu chuyện thần thoại, nhưng có thật. Xẩy đến từ một trong những phép lạ của Ðức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.

Ngày đại lễ hôm nay trời cũng mưa. Tôi lái xe trong cơn mưa như trút nước, lòng hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm Tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi, có Tình Yêu bao la rộng mở của Ðức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên mười...

Tôi lắng nghe những lời huấn từ của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Bằng giọng nói rõ ràng trầm ấm, Ngài nhắc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Qua biết bao nhiêu thăng trầm gian khổ có máu, có nước mắt và ngày nay đã được thăng hoa với 117 Vị Thánh Tử Ðạo. Gia đình ngài cũng đã theo Chúa cách đây 300 năm, với những thử thách cùng với nhiều ân sủng của Chúa, của Ðức Mẹ, đặc biệt là Mẹ Lavang. Ngài cũng kể lại những phép lạ mà Ðức Mẹ đã ban, trong đó có phép lạ chữa lành bệnh cho cha cố Trọng, cha Linh Hướng của gia đình tôi.

Tôi tự cảm thấy gia đình mình may mắn, đã được hưởng một ân sủng quá đặc biệt đến từ Tình Yêu bao la không bờ bến của Ðức Mẹ.

Trong cái lạnh của mùa Ðông, lòng tôi bỗng nhiên ấm cúng. Tôi thấy tâm hồn như nở hoa. Ðóa hoa Yêu Thương trong vườn hoa rực rỡ của niềm Tin. Tôi hy vọng sẽ mãi mãi là đóa hoa đầy hương sắc, không bao giờ héo rũ úa tàn. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ, cúi đầu để che giấu dòng lệ cảm xúc đang âm thầm rơi. Dòng lệ của hơn bốn mươi năm trước kể từ khi gia đình tôi được ơn lạ của Ðức Mẹ Lavang, trải qua biết bao sóng gió, bể dâu... Có lúc đã ngưng đọng, có lúc tưởng chừng bị lãng quên, hôm nay lại từng giọt chảy dài... Những giọt lệ vui mừng. Những giọt lệ bồi hồi nhắc nhở tôi niềm hạnh phúc được nương náu trong Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa, của Mẹ Maria.

California, Chúa Nhật, ngày 22 tháng 2 năm 1998

Lê Tín Hương