Bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo

Quang X Nguyen


BẢO TỒN VĂN HÓA VẬT THỂ CÔNG GIÁO - BÀI 1

LTS: Trong những ngày này, dư luận đang nóng từ chuyện Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, đến việc trùng tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Đây không phải lần đầu tiên dư luận xã hội quan tâm về vấn đề bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo. Cách đây hai năm, khi hình ảnh nhà thờ Trà Cổ bị đập phá xây mới, dư luận cũng đã rất quan tâm. Trong dòng sự kiện, ĐỒNG HÀNH xin đăng lại chuyên đề đề BẢO TỒN VĂN HÓA VẬT THỂ CÔNG GIÁO để quý độc giả có cái nhìn đa chiều hơn.

-------------

Hình ảnh ngôi nhà thờ Trà Cổ (Giáo phận Hải Phòng) bị đập phá gần đây lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Cho dù lý do đập đi xây nhà thờ mới là chính đáng và không còn giải pháp nào thay thế thì những người quan tâm đến di sản Công giáo cũng không khỏi ngậm ngùi, xót xa khi nghĩ đến cảnh những ngôi nhà thờ cổ kính, những đồ thờ tự hàng trăm năm tuổi đang dần biết mất…

Những nhà thờ cổ có khá nhiều ở ngoài Bắc thuộc các giáo phận như Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng... Chúng mang dấu ấn lịch sử và giá trị nghệ thuật không thể chối cãi. Nhưng tiếc thay, một số trong những nhà thờ đó đang có nguy cơ bị biến mất.


BỘI NGHĨA VỚI TỔ TIÊN
Cách đây mấy chục năm, khi chiến tranh kết thúc chưa được bao lâu, đã có người nhìn thấy nguy cơ này trong bài viết Một tình trạng đáng báo động. Mức báo động ở chỗ nhiều nhà thờ cổ có giá trị lịch sử và kiến trúc bị tháo gỡ, phá đổ để xây nhà thờ mới. Người ta muốn xây vĩ đại hơn, hoành tráng hơn cho “nở mặt nở mày” với thiên hạ. Nếu là nhà thờ lâu năm bị xuống cấp, hư hại nhiều không còn dùng được nữa thì phá đi xây lại là hợp lý. Đằng này có những nhà thờ cũ, còn dùng được nhưng người ta vẫn cứ phá đi để xây cái mới. Việc phá đi xây mới đó bất kể hình dáng bên ngoài và nghệ thuật bên trong – nơi là một công trình chạm trổ sơn son thếp vàng, dấu vết huy hoàng của một thời kỳ kiến trúc tôn giáo thông dụng ở Việt Nam. Những nhà thờ như vậy, thiết tưởng chỉ cần cơi nới, gia cố, tân trang để bảo tồn nghệ thuật kiến trúc và ý nghĩa tôn giáo là được, nhưng nhiều nơi theo trào lưu thời đại cứ muốn “được mới nới cũ”. Ở đây, cần lưu tâm đến ý thức về giá trị lịch sử của công trình hơn những gì khác.

Những công trình ấy là công sức của biết bao vị tiền bối, đã gầy dựng nên cho các thế hệ mai sau. Vì thế, để tưởng nhớ và ghi ơn tiền nhân, những người ở thế hệ sau không nên vội xóa bỏ mà hóa thành bội nghĩa với tổ tiên. Đó là lý do khiến thế hệ sau cần phải hết mực đắn đo thận trọng trong việc đập bỏ cái cũ để xây cái mới. Nhiều người đã tỏ ra rất bức xúc và hối tiếc, khi thấy nhiều nhà thờ cổ ở nơi này nơi khác ngoài Bắc bị phá đi để xây những cơ sở mới.

Đành rằng phải xây cất để mở mang cho hợp với xu hướng thời đại, nhưng thiết nghĩ, quan trọng hơn là làm sao duy trì được cảm quan đối với nghệ thuật và lòng hiếu nghĩa đối với tiền nhân.

CẦN HỎI XEM XÂY ĐỂ LÀM GÌ?

Không phải hễ có tiền hay kiếm được tiền là xây mà cần hỏi xem tại sao xây, xây để làm gì, có cần thiết không. Đồng thời cần đánh giá, việc xây đó liệu có gây bất lợi cho những người nghèo, người không phải là Công giáo hay không. Thậm chí cần xét tới mục đích có phải xây chỉ để khoe mẽ và lấy tiếng khen hay không.

Nhận thức được giá trị kiến trúc của nơi thờ phượng, tác giả Nguyễn Hồng Dương trong cuốn Nhà thờ Công giáo Việt Nam (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 2003) đã có những lời lẽ như sau:
“Sự hiện diện của các cơ sở thờ tự Công Giáo đã làm cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đa dạng. Qua những ngôi nhà thờ này, chúng ta không chỉ biết về một loại hình kiến trúc cơ sở thờ tự Công Giáo mà còn biết được sự tài ba khéo léo của ông cha ta, bởi hầu hết các thánh đường đều thấm đượm công sức, nhiều khi cả xương máu của người Việt.

Nhà thờ Công Giáo mang phong cách Á Đông là thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Đó là những di sản lịch sử văn hóa quí giá của cha ông ta cần được trân trọng gìn giữ.

Nơi nhà thờ Công Giáo còn lưu giữ những tranh ảnh, tượng về Chúa, về Đức Maria, về các thánh, lưu giữ những điêu khắc trên các chất liệu khác nhau do ông cha ta tác tạo. Những nhà nghiên cứu về nghệ thuật tranh tượng, điêu khắc Việt Nam không thể không nghiên cứu nó”.

Những lời lẽ trên đây là một sự xác quyết về giá trị kiến trúc của nhà thờ Công giáo, đặc biệt những nhà thờ cổ có giá trị nghệ thuật cao và lịch sử lâu đời. Những lời này đáng cho người Công giáo lưu tâm để tỏ lòng trân trọng đối với các nhà thờ cổ.
------------
Ảnh: Nhà thờ Trà Cổ được xây dựng từ những năm 1880, có hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi. Hình ảnh cổ kính uy nghiêm này từ nay chỉ còn trong ký ức. Ảnh tư liệu

LM AN-RÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP



BẢO TỒN VĂN HÓA VẬT THỂ CÔNG GIÁO - BÀI 2:

Cha sau “giải tỏa” công trình của cha trước


--------------
Các linh mục khi về nhận xứ chỉ chăm chăm nghĩ tới cái mới to hơn, hoành tráng hơn mà vô tình lãng quên những giá trị văn hóa lịch sử của tiền nhân.
---------------

Có một ngôi nhà gỗ trong quần thể nhà thờ, nhà nguyện và nhà xứ của Giáo xứ A. ở Phan Rang, cách đây vài tháng đã được nhà văn ĐD mua và đưa về Sài Gòn. Anh rất vui, tự hào vì đã “lưu giữ” được một phần báu vật được chế tác hoàn toàn bằng gỗ quí, lại có tuổi đời trên 160 năm. Đẹp là vậy, cổ là vậy nhưng anh chỉ phải bỏ ra 45 triệu đồng và hơn 30 triệu đồng cho việc vận chuyển, tái dựng.
Anh ĐD là người ngoại đạo. Nên có thể ngôi nhà này sẽ trở thành gia cư hoặc được sử dụng vào mục đích khác phục vụ kinh doanh chẳng hạn. Đâu có ai có thể can thiệp, dù bây giờ lắm người tiếc ngẩn ngơ vì mất đi một công trình lưu niên của Giáo hội.

CHA ĐI, TƯỢNG... LƯU LẠC

Tuy không lâu đời bằng ngôi nhà vừa nói, chỉ có tuổi thọ hơn chục năm, nhưng chắc chắn là thánh thiêng, đó là chiếc bàn thờ đá của một giáo xứ ở quận 3, Sài Gòn. Bàn thờ được làm bằng đá xanh nguyên thủy, chân đế kết nối bởi 12 phiến tượng trưng cho 12 tông đồ, 12 chi tộc dân Israel. Mặt bàn thờ là nguyên phiến dầy gần 20 cm, chạm nổi khuôn mặt Đức Giê-su. Công trình điêu khắc chạm trổ được thực hiện bởi một nhà điêu khắc nổi tiếng với nhiều công trình đạo, đời khắp nơi. Đây cũng là một biểu tượng độc đáo, tự hào của giáo xứ. Cùng với bàn thờ đá là các tượng Chúa Phục sinh, thánh Giuse, Đức Mẹ kích thước như người thực, 14 chặng đường thánh giá mà mỗi chặng là duy nhất khuôn mặt Chúa Giê-su được làm bằng gỗ pơmu…

Ấy thế mà tất cả chỉ tồn tại dưới thời linh mục quản xứ lúc đó. Chỉ mấy tháng sau, khi ngài được sai đi nơi khác, tất cả đã bắt đầu hành trình lưu lạc. Thoạt đầu, bàn thờ được khiêng ra đặt ngoài trời, với việc dỡ bỏ một số phiến chân bệ. Sau đó nghe cha sở mới thông báo là đã mang cho một nhà nguyện hay một giáo xứ nào khác mà tới nay chẳng ai biết cụ thể. Nhưng mới đây nhất, có nguồn tin khẳng định chắc chắn là bàn thờ này đã được “phân sáp” mang từng phiến, từng phần và vất bỏ ngoài những cánh đồng, nghĩa trang đang giải tỏa. Riêng các tượng và chặng đàng thánh giá chất trong kho, thỉnh thoảng được dùng làm quà tặng cho ai đó, như một vị trong Hội đồng Mục vụ cho hay.

Kiến trúc sư Ng., một giáo hữu của xứ đạo này sau nhiều năm học ở nước ngoài về đã bức xúc trước sự mất mát những công trình thánh của giáo xứ. Theo anh, những công trình này vừa có ý nghĩa Kinh Thánh, thần học, vừa có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, mang tầm thời đại. Ngôi nhà thờ mới xây dựng lại non chục năm lại đây tuy có vẻ bên ngoài sang trọng, đẹp đẽ, nhưng mất hết các bản sắc đặc trưng. Bàn thờ cũng chân gỗ, mặt bằng đá granit màu cưa xẻ nhẵn bóng, tượng thạch cao, đàng thánh giá tuy bằng gỗ nhưng nét điêu khắc chạm trổ nhìn qua là biết được sản xuất đại trà.

Đáng chú ý là bàn thờ bằng gỗ mới này chỉ sau khi cha C. đi, cha H. về vài tháng lại được thay thế bằng bàn thờ gỗ khác. Đây có lẽ chỉ vì ý riêng, vì muốn thể hiện “cái tôi”, chưa nói đến trình độ nhận thức về văn hóa, nhất là văn hóa nhà đạo... như nhận định của không ít giáo dân.

CẦN TRÁNH CHẠY THEO MỐT

KTS Ng. nói: “Không phải bên nước ngoài người ta không có tiền để phá, xây, xây rồi lại phá như ở nước ta mà người ta trân trọng, nâng niu từng di sản của cha ông. Ở nhiều nhà thờ mấy trăm năm tuổi đã đành, mà ngay ở các nhà thờ non trẻ khác cũng thế. Nhà Thờ Reims (phía Bắc nước Pháp) chẳng hạn, có đến hàng trăm bức tượng đá bên trong, bên ngoài trải qua bao đời giám mục, bao đời cha sở rồi nhưng không ai dám đụng đến. Người ta có thể bổ sung, như các chặng đường thánh giá bằng những bức tranh của các họa sĩ đương đại, thể hiện những cách suy niệm khác của con người trước thế giới hôm nay, chứ không đục bỏ, dỡ bỏ những bức tượng cũ…”.

Chuyện nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh, thuộc Giáo phận Hải Phòng) vừa mới bị đập bỏ lại đáng suy nghĩ. Nguyên nhân rõ ràng - đã được linh mục chánh xứ xác nhận là do giáo xứ phá đi để xây dựng nhà thờ mới. Biết bao nhiêu người trong đạo, ngoài đời đều tiếc nuối, cảm thấy mất mát nhiều. Đây không phải là trường hợp duy nhất, cá biệt ở một vùng địa đầu đất nước.

Có thể kể ra rất nhiều trường hợp giáo xứ, giáo họ miền Bắc. Sau những năm chiến tranh và khi đất nước mở cửa có những thông thoáng nhất định cho sinh hoạt tôn giáo, nhiều nơi đã nỗ lực tái thiết hay xây dựng nhà thờ mới. Có nơi đã đập bỏ không thương tiếc ngôi nhà thờ cũ, có tuổi đời hàng trăm năm với lý do nhỏ bé, lỗi thời. Thay vào đó là khung kho thép tiền chế, lợp tôn, chỉ có tường bao che xây gạch, có mặt tiền hay tháp chuông hoành tráng, lòe loẹt. Bên trong gian cung thánh với bức trướng gỗ sơn son thếp vàng, bàn thờ, nhà tạm, tượng các thánh quan thầy bao đời cha ông tác tạo sơn son thếp vàng đều bị tháo dỡ, bị thay thế. Thậm chí có nơi còn xây cung thánh mới bằng gạch men đủ màu nhìn thật rẻ tiền.

Ở miền Trung và miền Nam cũng không ngoại lệ. Đối với những nhà thờ được xây dựng nhanh sau năm 1954 để đáp ứng nhu cầu thờ phượng của giáo dân di cư, ít có dấu ấn xa xăm của tiền nhân và giá trị kiến trúc, nghệ thuật thì việc phá đi làm lại là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có những nhà thờ cổ kính, tương đối còn vững chãi cũng bị phá đi, xây mới. Nó cho thấy, các linh mục khi về quản nhiệm chỉ vì chăm chăm nghĩ tới cái mới to đẹp hơn mà vô tình hay cố ý lãng quên giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất có thể coi là một trong chiếc nôi của Giáo hội Việt Nam.

PHẠM HÙNG NGHỊ


Box:
CÙNG NHAU GIỮ MÃI BỀN LÂU
Cũng còn may mắn là nhiều nhà thờ, quần thể nhà thờ cổ, lâu năm của Giáo hội Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, ít ra là về dáng dấp kiến trúc, như các Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Hàm Long, Nhà thờ đá Phát Diệm, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế... Một số nhà thờ chính tòa các giáo phận Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên… Một số quần thể ở Làng Sông (Bình Định), Tu viện Saint Paul, các Tòa giám mục Hà Nội, Huế, TP.HCM...
Tổng Giáo phận Sài Gòn đang nỗ lực trong việc trùng tu, sửa chữa Nhà thờ Đức Bà. Đây không chỉ là Nhà thờ chính tòa của giáo phận mà còn là một trong bốn Vương cung Thánh đường của Giáo hội Việt Nam, là một dấu ấn của thành phố Sài Gòn. Nơi đây đang ấp ủ cả một phần, một chương lớn của lịch sử phát triển Giáo hội Việt Nam. Cần lắm những đóng góp vật chất, năng lực chuyên môn về kỹ thuật, biện pháp thi công của mọi thành phần Dân Chúa, mọi người, ở mọi giáo phận miền Nam, nếu không muốn nói là của Giáo hội Việt Nam.


BẢO TỒN VĂN HÓA VẬT THỂ CÔNG GIÁO

 BÀI 3: ĐỪNG KHOANH TAY NHÌN CỔ VẬT NHÀ THỜ... CHẢY MÁU!



------------
Thật đau lòng khi những món đồ cổ cả trăm năm tuổi ở nhiều giáo xứ rơi vào tay dân buôn đồ cổ. Các đấng bản quyền thì bận rộn nhiều việc quá nên chưa chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa. Còn các cha xứ thì có phần xem nhẹ.
-------------

1.
Nhiều nhà thờ ngoài Bắc có bàn thờ, nhà tạm, mặt nhật, các bức tượng, kiệu rước đều do các nghệ nhân chạm trổ, sơn son thếp vàng rất đẹp. Thế nhưng sau này những đồ thờ tự này dần bị thay thế hết. Giáo dân ngày nay chạy theo mốt, thích tượng làm bằng thạch cao, men, nhôm, hoặc composite rồi sơn lòe loẹt lên. Họ thích xi măng, đá rửa, gạch men Trung Quốc… Còn tượng gỗ, tòa chầu, bàn thờ sơn son thếp vàng bỏ đi hết…

Xuất phát từ những thị hiếu như trên, dân buôn đồ cổ họ gom hết. Những đồ đó nhà thờ bán ra rất rẻ, nhưng dân buôn đồ cổ thu lại và bán ra rất đắt. Trước đây có người đưa bức chạm bằng gỗ, trên có viết chữ Latin thếp vàng. Nhà thờ nào đó ngoài Bắc thanh lý chỉ vài trăm nghìn đồng.Nhưng khi chuộc lại, tôi phải bỏ ra cả ngàn đô la Mỹ. Sau này tôi đã tặng lại cho nhà truyền thống GP Hải Phòng. Đức cha Hải Phòng ngài cũng rất chú trọng vấn đề bảo tồn nên tôi tặng để ngài lưu giữ. Chính vì quý mến sự quan tâm đến văn hóa của Đức cha nên tôi cũng tặng mấy cái tủ áo lễ cổ mà tôi tình cờ mua được. Những chiếc tủ này nếu tôi không mua thì sợ chúng sẽ biết mất, nhưng mua lại thì cái nào giá cũng gần chục triệu đồng. Mua thì không có tiền, mà không mua thì rất đau xót khi nhìn thấy những đồ cổ của nhà thờ bị chảy máu.

Ngoài ra, trước đây tôi còn sưu tập được một chiếc kiệu kỳ an (kiệu Thánh Thể) cổ. Chiếc kiệu đã hơn 100 tuổi mà còn lành lặn nguyên xi. Theo tôi tìm hiểu thì chiếc kiệu bốn người khiêng này gốc gác ở vùng Hải Hậu, Bùi Chu. Lúc bấy giờ tôi mua hết 33 triệu đồng. Mặc dù tôi đã ra tay “cứu” kiệu khỏi tay giới buôn đồ cổ, thế nhưng quá trình trưng bày thì kiệu lại “bị” chuyển hết nơi này tới nơi khác, từ Ủy ban Văn hóa - Hội đồng Giám mục tới Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Kiệu bây giờ đang ở đâu, thực tình tôi cũng không được biết. Đồ vật mình khổ công “cứu” mà cuối cùng cũng bị hư hao dần, thất lạc thì nói gì những đồ cổ khác!

Lại kể chuyện, cách đây chừng hai năm, tôi mua bộ hai Thiên Thần cầm giá nến cao 3 m bằng gỗ nguyên khối chạm trổ tinh xảo. Bộ hai Thiên Thần cầm giá nến này một xứ đạo nào đó ở Hải Hậu, Bùi Chu bỏ đi, dân buôn đồ cổ mua lại. Họ đem tới chỗ tôi, tôi phải chuộc lại với giá 70 triệu đồng. Nhìn đường nét của hai bức tượng này tôi đoán có thể tác giả điêu khắc là ông Phó Gia.

Phải nói thẳng, lỗi để thất lạc những vật phẩm thờ tự, lỗ hổng trong việc bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo chính là ở các đấng chủ chăn đã lơ là không coi trọng các giá trị văn hóa. Quyền quyết định những thay đổi này nằm ở tầng lớp linh mục là chủ yếu, chứ ở trên các Đức Giám mục không chủ trương như thế.

2.
Nhà truyền thống là nơi bảo tồn văn hóa phi vật thể Công giáo của Giáo phận. Thế nhưng hiện nay rất ít giáo phận, giáo xứ có nhà truyền thống. Tổng Giáo phận Sài Gòn cũng thành lập nhà truyền thống, nhưng hầu như không phát huy được bao nhiêu. Việc quy hoạch phòng truyền thống thiếu tính ổn định, cứ chuyển qua chuyển lại, sửa chữa… Do vậy, các vật phẩm bảo quản không được tốt. Lúc Tổng Giáo phận mới thành lập phòng truyền thống, có tổ chức trưng bày bộ sưu tập đèn Ánh sáng muôn dân của tôi bao gồm 1.000 chiếc đèn. Khách Tây, Tàu rất thích vào xem bộ đèn. Sau này, phòng truyền thống lại được trưng dụng ngăn ra làm văn phòng. Thế là bộ đèn cái thì bể, cái thì lăn lóc. Tôi phải thu hồi lại, đóng thùng cất vào kho.

Vấn đề sưu tập và bảo tồn sách cổ cũng ít được quan tâm. Trước đây có cha Nguyễn Hưng (đã qua đời) quan tâm đến các thư tịch cổ. Ngài cất công đi ra Bắc, sang tận Pháp sưu tầm những cuốn sách Hán Nôm cổ. Hiện nay bộ sách này đang được lưu tại phòng truyền thống Tổng Giáo phận. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là kho sách đến giờ vẫn chưa có người tìm hiểu khai thác.

Gần đây có một chuyện bị vuột mất mà tôi rất tiếc. Đó là việc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đồng ý hiến toàn bộ kho tư liệu nghiên cứu của ông lại cho Tổng Giáo phận. Tôi có mặt trong buổi ký kết cùng với Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, cha Tổng đại diện Huỳnh Công Minh. Điều kiện mà cụ Nguyễn Đình Đầu đưa ra là xin có một phòng để lưu trữ và khai thác làm việc. Cuối cùng không biết do đâu, kho tài liệu này vuột mất.

3.
Trong vụ phá nhà thờ Trà Cổ ở Quảng Ninh, tôi có hỏi Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, ngài nói nhà thờ gốc bằng gỗ lâu lắm rồi, chịu lực bằng những cột lim. Hồi chiến tranh biên giới đã hư hỏng nặng và từng sửa lại. Bây giờ chỉ còn cây tháp là vững chắc một chút. Nguyên ngôi nhà thờ nhìn dáng bên ngoài như vậy nhưng bên trong đã xuống cấp. Ngày xưa xây bằng vữa, vôi chứ không phải là xi măng cốt sắt… Đức cha cho biết đã đến lúc cần phải xây lại rồi. Giáo dân trong xứ cũng đồng lòng với cha xứ việc xây mới, nới rộng ra.

Thôi thì riêng nhà thờ Trà Cổ dù tiếc cũng đành phải vậy. Không phải Đức cha, cha xứ không quan tâm chuyện bảo tồn mà các ngài đã cố hết sức nhưng không còn cách nào khác là phải đập để xây mới. Thế nhưng còn nhiều ngôi nhà thờ khác gắn với lịch sử khi cha ông lập làng, lập xứ. Do vậy, theo tôi nếu có điều kiện thì nên giữ lại ngôi nhà thờ cũ, xây ngôi nhà thờ mới trong khuôn viên thì quá tốt.

Tôi còn nhớ một kinh nghiệm về tu sửa nhà thờ vào khoảng những năm 1960. Khi ấy gia đình tôi làm việc tại sở cao su Vườn Ngô (Trảng Bom, Đồng Nai). Trong sở cao su có ngôi nhà thờ Vườn Ngô do Pháp xây và họ cũng chính là chủ đồn điền. Khi ấy, cha già Phúc muốn nới rộng hai cánh đầu thánh giá ra. Cha mới bắt tay sửa thì vị chủ đồn điền biết và họ can thiệp liền. Họ đề nghị để họ mời kỹ sư bên Pháp sang. Họ nghiên cứu tham khảo ý muốn của bên nhà thờ như thế nào rồi đưa ra phương án thiết kế mở rộng, chứ không cho cha xứ mở rộng tùy tiện. Yêu cầu của họ là tính toán mở rộng phải phù hợp với thiết kế cũ cũng như đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật. Điều này khác hoàn toàn với người Việt Nam mình, cứ thích mở rộng là đập và chắp vá!

Tôi đã từng về thăm nhà thờ Ninh Cường, Giáo phận Bùi Chu. Ninh Cường là ngôi nhà thờ rất lớn. Có thể nói về thiết kế, về tính dân tộc chỉ sau nhà thờ Phát Diệm. Dàn gỗ, cột kèo không thể chê được. Những chiếc đấu bằng đá ở chân cột nhà thờ cao cỡ 1 m. Bộ cột thì sơn son rất đẹp. Trước nhà thờ còn có cả cái hồ rất hợp phong thủy. Tuy nhiên, sau này nhà thờ cũng qua các đợt sửa chữa, kiến trúc trở nên chắp vá, chỉ có bộ giữa thì còn giữ được tương đối. Đầu thì giống Trung Quốc, đuôi Liên Xô (giống kiến trúc nhà thờ Chính Thống giáo). Cái này là tôi nghe giáo dân nhận xét thế.
Nhà thờ thứ hai mà việc sửa chữa khiến tôi ngạc nhiên và buồn đó là nhà thờ Domaine De Marie ở Đà Lạt. Về thiết kế tổng quan thì vẫn còn y nguyên. Thế nhưng cung thánh thì đã sửa lại hết, nhìn không còn phù hợp với tổng thể.

Đó là hai ví dụ cho thấy việc các giáo xứ tự sửa mà không tham khảo các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư có kinh nghiệm. Còn nhiều nơi khác cũng đang làm kiểu này.


(Nguồn: Tạp chí ĐỒNG HÀNH số 8)

Box:
Khi cổ vật cất tiếng nói truyền giáoNhững hiện vật văn hóa là những dấu chứng rất tuyệt vời, có thể dùng để truyền giáo. Có một thầy Dòng Chúa Cứu Thế ở bên Trung Quốc âm thầm học hành, làm việc. Thầy ấy sang Việt Nam, nghe, biết tôi có nhiều đồ cổ nên tới xem. Thầy nài nỉ tôi để lại cho mấy bức tượng cổ. Tôi hỏi mua lại làm gì. Thầy cho biết: “Bên đó không được truyền giáo. Công việc của chúng con thường tiếp xúc với các sinh viên. Chúng con có một phòng trưng bày nho nhỏ, người Trung Hoa rất thích cổ vật vì vậy sinh viên tới xem rất đông”. Thầy cho biết rằng trong khi trưng bày cổ vật thì cũng trưng bày ảnh tượng cổ, kết hợp hướng dẫn thuyết minh cho sinh viên. Qua hoạt động này cũng đã truyền giáo rất hiệu quả. Trong hoàn cảnh khó khăn thì đây là phương thức truyền giáo hiệu quả: Truyền giáo bằng cổ vật.