Truyện ngắn: Tình Mẹ

Quang X Nguyen



Bà lão người bên thôn Thượng, lấy chồng từ năm mười tám rồi theo chồng đến đây. Thời còn con gái, ai cũng khen bà đẹp. Một vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ miền thôn dã. Với đôi mắt đen và sáng long lanh, đã một thời khiến cho nhiều trai làng phải say bà như điếu đổ. Người ta nói: con gái có Đạo thường có đôi mắt đẹp và thánh thiện như Đức Mẹ Đồng Trinh.



“…Bên kia sông Đuống

Mẹ già quẩy gánh hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu…”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

***



Chuông chiếc đồng hồ côn đã điểm năm tiếng. Từ chiều tới giờ, bà lão cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên; hết đi ra lại đi vào. Bà đang mong đứa con gái của bà trên Hà Nội về. Trong nhà, bà lão đã dọn sẵn mâm cơm, gọi là có tí chút để khoản đãi đứa con gái của bà; thôi thì chẳng mấy khi nó về thăm nhà.

Quái lạ, đã cuối thu mà sao hôm nay trời lại nực thế không biết! Nghĩ vậy, bà lão quyết định không ngồi trong nhà nữa mà mang chiếc ghế tre cùng với chiếc quạt nan ra ngồi ngoài sân, phía dưới dàn mướp…

***

Bà lão người bên thôn Thượng, lấy chồng từ năm mười tám rồi theo chồng đến đây. Thời còn con gái, ai cũng khen bà đẹp. Một vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ miền thôn dã. Với đôi mắt đen và sáng long lanh, đã một thời khiến cho nhiều trai làng phải say bà như điếu đổ. Người ta nói: con gái có Đạo thường có đôi mắt đẹp và thánh thiện như Đức Mẹ Đồng Trinh.

Một năm sau ngày cưới, bà cho ra đời đứa con trai đầu lòng. Cuộc sống vợ chồng những năm đầu thật hạnh phúc. Đúng cảnh: chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa. Cuộc sống gia đình đang đầm ấm yên vui, đột nhiên, chồng bà vĩnh viễn lìa bỏ mẹ con bà ra đi vì một căn bệnh quái ác. Năm ấy đứa con trai của bà mới được đâu bốn hay năm tuổi gì đó. Bà nén nỗi đau trong lòng và quyết định ở vậy một mình nuôi con. Sau khi mãn tang chồng, đã mấy lần bà tính đưa con về bên ngoại để làm ăn sinh sống, nhưng rồi nghĩ lại: Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng, bà lại thôi. Những năm tháng đó cuộc sống của hai mẹ con bà thật vất vả. Nhưng bù lại, bà có đứa con bên mình như một sự động viên khích lệ duy nhất trong cuộc đời.

Khi đứa con trai bà đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước gặp cơn binh biến. Thế là bà đành nén nuốt dòng nước mắt vào trong, tiễn đứa con lên đường nhập ngũ. Hôm chia tay, bà luôn động viên con cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ và hẹn ngày trở về, nhưng trong thâm tâm mách bảo, dường như đây là lần cuối cùng mẹ con gặp nhau…

Rồi một hôm, bà nhận được lá thư từ chiến trường gửi về, bà háo hức chờ đợi… Nhưng khi phong thư được bóc ra, đất trời bỗng nhiên quay cuồng trước mặt bà, hai chân bà khuỵu xuống. Trên tay bà lúc này là Giấy Báo tử đứa con trai yêu quý. Thế là điều mà bà lo sợ nhất bấy lâu nay, giờ đây đã trở thành sự thực…

Suốt đêm hôm ấy, và mấy ngày hôm sau nữa bà không ăn uống gì cả. Cuộc sống lúc này đối với bà còn ý nghĩa gì nữa đâu!? Trước đây, trong nỗi cơ cùng của cuộc đời, bà vẫn gượng dậy để sống vì đứa con. Thế mà bây giờ…!?

Bà lên cơn sốt miên man, lúc tỉnh, lúc mê. Họ hàng và bà con lối xóm đến động viên an ủi bà, nhưng nỗi đau của bà chẳng nguôi ngoai được là bao. Đối với bà, đau khổ và sự dữ là điều mà bà luôn luôn phải hứng chịu trong suốt mấy mươi năm của cuộc đời. Mà bà đã làm gì nên tội?…Những lúc như thế, nhìn lên cây thập giá, bà chỉ thấy Chúa lặng im, với vòng gai nhọn trên đầu, Ngài chẳng nói lời nào… Nhưng có lẽ, chỉ trong mầu nhiệm thập giá, bà mới lờ mờ hiểu được phần nào ý nghĩa của sự khổ đau. Thế là, một lần nữa, bà lại cố gắng gượng dậy, để tiếp tục sống những tháng ngày còn lại.

Từ ngày đứa con trai qua đời, bà trở nên trầm hẳn, ít xuất hiện ở chốn đông người. Bà chỉ còn tìm thấy niềm vui trong công việc chăm sóc thửa vườn và chăn nuôi mấy con gà, con vịt. Những lúc rảnh, bà thường lui tới động viên những người đau yếu, già cả trong khu xóm.

Thời gian trôi đi, nỗi đau của bà cũng vơi dần theo năm tháng. Thế rồi vào một đêm dông bão, bà nghe có tiếng gõ cửa. Bà nghĩ bụng - Quái lạ, đêm hôm mưa gió thế này, ai lại gõ cửa nhà mình thế nhỉ?

Tiếng gõ mỗi lúc một dồn dập khiến bà phải cố gượng dậy ra mở cửa xem sao. Khi cánh cửa vừa mở, những cơn gió đem theo nước mưa lùa vào làm lạnh toát cả người. Bà đột nhiên rùng mình. Trước mặt bà là một cô gái chừng độ mười tám đôi mươi, bụng mang bầu. Thân mình cô gái đang run lên bần bật. Trên khuôn mặt non nớt của cô gái lúc này đã tái đi có lẽ vì đói và lạnh. Thoáng qua, bà đã hiểu ngay cơ sự. Ái ngại cho hoàn cảnh của người con gái trẻ, bà cố lén một tiếng thở dài.

-Xin cô làm ơn làm phúc cho cháu trọ nhờ một đêm. Chỉ một đêm nay thôi, rồi sáng mai cháu sẽ đi sớm – giọng cô gái thỏ thẻ nói trong nước mắt.

Giữa lúc mưa to gió lớn, đàn bà con gái bụng mang dạ chửa thế này biết đi đâu bây giờ?! – bà đắn đo.

- Thôi, cháu cứ vào trong này đã kẻo mưa ướt hết rồi kia kìa. – Bà nói như thể để phá đi sự yên lặng.

Cô gái ngượng nghịu bước vào nhà. Hành trang của cô chẳng có gì ngoài một bọc quần áo nhỏ, một chiếc nón đã cũ và chiếc áo tơi mưa.

- Chắc là sắp sinh rồi phải không cháu? - Bà hỏi.

Cô gái không nói gì mà chỉ khẽ gật đầu. Dưới ánh đèn dầu, bây giờ bà mới có dịp quan sát kỹ cô gái. Với gương mặt trái xoan, vầng trán cao, đôi mắt đen lánh và cặp chân mày rậm - phải nói rằng cô ta khá đẹp.

-Vì sao lại đến nông nỗi này hả cháu ?

Nghe bà hỏi, cô gái vội òa lên khóc nức nở. Rồi trong tiếng nghẹn ngào, cô gái kể lại: Cô là người làng Hạ, do nhẹ dạ, nên đã bị một tay họ Sở lừa. Xong chuyện, hắn ta phủi tay, quất ngựa truy phong. Nhìn cái thai trong bụng cứ lớn lên từng ngày, cô gái chỉ còn biết ngậm ngùi nuốt nỗi cay đắng, tủi hổ. Gia đình hắt hủi, bạn bè xa lánh, dân làng tẩy chay. Mấy lần định trầm mình hoặc tìm cách giải quyết cái thai trong bụng, nhưng lương tâm cô không cho phép. Chính vì vậy mà cô phải cố gắng sống để có thể nuôi đứa trẻ trong bụng cho tới ngày nó chào đời…

-Thôi thì cơ sự đã đến nước như thế này, có khóc cũng chẳng giải quyết được gì - bà đến bên cô gái yên ủi - chi bằng… cứ ở đây với cô, có gì dùng nấy, đợi cho tới ngày đứa bé chào đời, rồi mình tính tiếp.

-Cô ơi! cô đúng là vị cứu tinh của đời cháu. Trọn kiếp này, hai mẹ con cháu chỉ biết khấu đầu, ngàn lần, vạn lần đội ơn cô - Cô gái gạt ròng lệ rối rít cảm ơn.

Ngoài trời, có tiếng cành cây gẫy, bụi tre trước ngõ cứ vặn mình răng rắc. Gió vẫn rít lên từng đợt. Đúng vào cái đêm dông bão ấy, cô gái trở dạ sinh con - một đứa bé gái. Thế là bà đành phải trở thành bà đỡ bất đắc dĩ. Bên ngọn đèn dầu leo lét, hai người phụ nữ - một già một trẻ đang cưu mang một mầm sống mới. Tiếng khóc của đứa trẻ làm cho bầu khí của ngôi nhà dường như ấm lại, xua đi cái vẻ ảm đạm của một đêm mưa bão.

Nhưng cô gái, phần vì đã quá mệt mỏi sau một quãng đường xa trong trời mưa lạnh, phần vì thể trạng yếu gầy, cô đã qua đời ngay sau khi sinh đứa trẻ được vài giờ đồng hồ, trong lúc trên đôi môi còn nở một nụ cười đầy mãn nguyện…

Phải nói rằng, từ ngày đứa con trai hy sinh ngoài chiến trường, bà không nghĩ rằng bà còn có thể sống và sống có ích cho cuộc đời nữa. Thế nhưng, qua những biến cố bà gặp phải, bà mới hiểu ra một điều rằng: Con người dẫu có dừng bước thì dòng đời vẫn cứ trôi đi. Đau khổ và tình yêu là điều mà con người vẫn gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đón nhận những nó với thái độ như thế nào lại còn tùy thuộc vào mỗi người…Cũng như lúc này đây, đứa bé này đang cần đến tình yêu và sự che trở của bà, bà không thể không ra tay cứu giúp. Thôi thì… có đứa trẻ bên cạnh, gian nhà của bà cũng bớt đi vẻ lạnh lẽo, cô quạnh. Nghĩ thế, bà vội ôm đứa bé vào lòng. Nơi khuôn mặt khắc khổ của bà, hai hàng nước mắt cứ trào ra…

***

Câu chuyện tưởng như mới xảy ra hôm nào, thế mà nay đã được hơn hai mươi năm rồi. Đứa bé gái ngày ấy, bây giờ đã là một sinh viên đại học sắp ra trường. Mọi năm, cứ đến ngày lễ các linh hồn là cô con gái, dù có bận đến mấy, cũng cố tìm cách về từ chiều hôm trước. Sau Thánh lễ ban sáng ở nhà thờ, bao giờ hai mẹ con cũng cùng nhau ra vườn thánh để thắp hương và đọc kinh cho những người thân đã qua đời. Đối với nó, bà vừa là mẹ, vừa là ân nhân, vừa là vị cứu tinh. Nhưng bà chẳng bao giờ nghĩ thế, trái lại, chỉ biết dành trọn tình yêu thương và vun đắp cho đứa con gái tội nghiệp.

Bây giờ đã là sáu giờ ba mươi chiều, mà vẫn chẳng thấy bóng dáng đứa con gái đâu cả. Nó vẫn chưa về. Mâm cơm đã nguội.

Vậy là có lẽ nó sẽ không về rồi… Chắc nó còn bận học. – bà tự nhủ.

Độ này, bà cảm thấy trong người cứ khang khác thế nào ấy. Khắp toàn thân ê ẩm, nhức xương, nhức cốt. Mình già rồi! Chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa – bà nghĩ. Giả như lúc này có đứa con ở bên cạnh thì hay biết mấy! Điều mà bà cần bây giờ là tình cảm, là sự yên ủi của đứa con. Người ta bảo: trẻ cậy cha, già cậy con mà. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, chứ bà không hề trách đứa con gái.

Nhìn lên bàn thờ Chúa, từ trên thánh giá, Ngài vẫn đang nhìn bà với ánh mắt trìu mến và đầy cảm thông. Phút chốc, lòng bà như ấm lại. Bà biết chắc một điều là bà không hề cô đơn…

Trời đã nhá nhem tối. Ngoài kia, ánh trăng non đã bắt đầu nhú lên khỏi cây gạo ở đầu làng. Lúc này, trong vườn thánh vẫn còn thấy lố nhố bóng dáng người ra viếng nghĩa trang và thắp hương cầu nguyện cho người thân. Bà lão chợt nhớ tới chồng, nhớ tới người con trai đã hy sinh và cả người phụ nữ bất hạnh nữa.

Ngày mai là lễ Cầu cho các linh hồn rồi - vừa lẩm bẩm một mình, bà vừa chống gậy đi về phía ngôi thánh đường.


Hà Nội, tháng Các Linh hồn - 2006