Tác giả EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
LỜI GIỚI THIỆU
Nhà tư tưởng người Pháp Blaise Pascal cho rằng “cái tôi là cái đáng ghét”. Phải chăng cái tôi đáng ghét, vì nó là “cái tôi tối”, “cái tôi tồi” hay còn tệ hơn nữa là “cái tôi tội”? Nhưng dù nó tối, nó tồi, nó tội hay nó tốt thì cái tôi vẫn là nó, vẫn luôn là nó, vì nó là một tiểu vũ trụ huyền bí; vâng, mỗi người trong chúng ta là một tiểu vũ trụ độc đáo, lập hữu và duy nhất. Mà đã là vũ trụ với những tính chất đặc thù như thế, thì ta chỉ có thể bảo vệ, làm đẹp và hoàn mỹ nó, hay ngược lại, ta cũng có thể làm cho nó xấu đi hoặc huỷ hoại nó, nhưng ta không thể tráo đổi hay lẫn lộn nó với một tiểu vũ trụ khác được.
Nếu “cái tôi” của ta, nếu bản thân mỗi người chúng ta là một tiểu vũ trụ huyền bí như thế, sâu xa như thế, gần sát kề bên mà lại muôn trùng xa cách như thế, liệu ta có thể hiểu hết được chính mình hay chưa! Nếu thành thật với chính mình, ta phải trả lời là chưa.
Hiểu được chính mình, khám phá ra được bản thân mình là một điều khả thi, nhưng đồng thời cũng là một điều rất khó, không dễ dàng chút nào. Cái khó, cái rào cản nhiêu khê nhất ở đây mà ta cần phải vượt qua để biết, để hiểu được chính mình, đó là chính mình ta. Không gì khó khăn hơn cho bằng ta vừa là chủ thể nhận thức vừa là đối tượng được nhận thức cho chính ta, hay như trong một trận chiến mà chính ta vừa là chiến sĩ vừa là kẻ thù của chính ta. Vì thế, Lão Tử đã nhận định rất chí lý: “Biết người là khôn (trí), biết mình là sáng”.
Được gọi là “sáng”, vì nhìn thấy được chân tâm và khá phá ra được vọng tâm, nhờ thế ta mới tìm gặp được Đạo, mới tìm gặp được Chân Lý Tối Hậu, vì Đạo ở trong ta như Mạnh Tử từng khẳng định: “Đạo tại nhĩ nhi cầu như viễn, sự tại dị nhi cầu chư nan” (Đạo ở gần sao lại đi tìm xa, sự việc dễ sao lại tự gây cho nó khó khăn phức tạp ra).
Nhận chân được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc nhận thức một cách rõ ràng về mình như thế, đại triết gia Socrate đã khuyên các môn sinh cũng như những người đồng thời của ông: “Hãy tự biết chính mình”. Vì theo ông, tự biết mình, tức nhìn lại mình, trở về với mình, tìm hiểu và tái khám
phá ra mình, chứ không để mình bị lầm lạc. Chính cái tội, cái ác là hậu quả tất yếu của sự u minh, của sự thiếu hiểu biết.
Socrate cho rằng “hãy tự biết chính mình” là nguyên lý chỉ đạo của đời sống đạo đức của con người trên bước đường tìm về “cái thiện”, là cái dẫn ta tới cuộc sống hạnh phúc.
Cùng với sự nhận định sâu xa và đúng đắn của các bậc hiền nhân minh triết về “cái tôi” như thế, tác giả tập sách nhỏ này - “Bạn hãy là chính mình” - cũng muốn bày tỏ niềm xác tín của mình về chân lý làm người nền tảng ấy - “hãy tự biết chính mình” - bằng những suy tư mang nặng sắc thái cá nhân
và bằng những phân tích tâm lý thực tiễn.
Đọc qua tập sách, độc giả sẽ nhận thấy rõ được khuynh hướng tâm lý mà tác giả trình bày trong suốt tập sách thuộc loại tâm lý thực hành với những sự kiện, dữ kiện và những lý chứng cụ thể mang tính chất hiện sinh, tác giả không đặt nặng hay đi sâu vào các vấn đề dưới góc độ những nguyên tắc tâm
lý thuần lý, nghĩa là tác giả không khai triển các vấn đề một cách thuần lý thuyết. Trong một bối cảnh như thế, rất có thể độc giả sẽ ghi nhận được rằng ý tưởng trong một vài tiểu mục nào đó xem ra có vẻ rời rạc, đứng lẻ loi, độc lập, chứ không tương quan chặt chẽ với nhau.
Nhưng nếu nhìn tác phẩm dưới khía cạnh tổng thể thì công trình phân tích và mổ xẻ tâm lý thực nghiệm đầy công phu “Bạn hãy là chính mình” này là một liên hoàn vững chãi, có thể giúp cho bạn đọc khám phá ra được bản chất đích thực của con người mình, hầu nhờ thế bạn có thể sống đúng với con người thực của mình, có thể hiện thực được con người mình, nghĩa là bạn có thể thực sự là chính mình, dù cho bản chất đích thực ấy của con người bạn ra sao hay đang đứng trong phạm trù nào đi nữa. Tất cả đều không quan trọng. Chỉ một điều quan trọng là “cái tôi” đích thực của bạn, là con người hiện sinh của bạn, để bạn đầy xác tín chấp nhận nó như một cái chi hoàn toàn đặc thù và bất khả hoán của riêng mình bạn. Và từ đó, bạn chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất: Bạn hãy là chính mình, trong mọi hoàn cảnh và trong mọi tình huống của cuộc hiện sinh của bạn.
Đặc biệt, cái nhìn hiện sinh của tác giả trên những sự kiện cụ thể của kiếp nhân sinh đã giúp ta có được những nhận định chính xác và đúng đắn về chính mình cũng như về tha nhân, coi ta và người, coi bản thân và tha nhân luôn được liên kết chặt chẽ với nhau bằng một sợi dây bền vững là tình yêu (G. Marcel), đến nỗi không thể có ta mà lại không có tha nhân hay ngược lại (K. Jaspers), chứ không coi tha nhân là “đao phủ”, là “hoả ngục” (J-P. Sartre) của ta nữa.
Điều độc đáo ở đây là khi cần thiết và thuận lợi, tác giả đã luôn khéo léo chèn vào các sự kiện hay tình huống hiện sinh của con người những tư tưởng tôn giáo, hay nói đúng hơn, những xác tín Kitô giáo của mình, khiến cho các sự kiện hay tình huống hiện sinh ấy đượm nét luân lý cao siêu, thanh thoát và khả tín.
Trở lại nội dung tác phẩm “Bạn hãy là chính mình”, chắc hẳn thoạt mới nhìn qua, người ta sẽ có cảm tưởng hai cụmtừ “bạn hãy là chính mình” và “hãy tự biết chính mình” nói lên hai quan niệm sống khác nhau. Nhưng tự bản chất, cả hai cụm từ ấy biểu lộ hai góc nhìn của một thực tại duy nhất, hay nói cách khác, là hai bước diễn tiến tâm lý của một hành động nhận thức duy nhất: Sự nhận biết chính mình!
Một khi người ta biết và hiểu rõ được mình là ai và như thế nào: Một tiểu vũ trụ huyền bí, lập hữu, độc đáo và bất khả hoán,v.v. thì người ta không còn sự lựa chọn hợp lý nào khác ngoài thái độ tự chấp nhận chính mình một cách đầy xác tín, nghĩa là trong mọi tình huống người ta phải luôn là chính mình.
Từ chỗ biết chấp nhận chính mình, biết là chính mình, người ta mới biết khám phá ra chính mình hiện sinh một cách thực tiễn và đầy đủ hơn, kể từ tuổi thơ cho tới giây phút hiện tại với tất cả những trải nghiệm buồn hay vui, tích cực hay tiêu cực, chứ không ảo tưởng về mình, dù trong phương diện
nào, hầu tránh không để cho mình trở thành nạn nhân của chính mình qua những quan niệm và thái độ quá khích hay bất cập, tự tôn hay tự ti mặc cảm. Trái lại, thái độ biết mình sẽ giúp cho ta biết chấp nhận chính mình, biết “hoa giải” với chính mình và sau cùng là biết hiệp thông trọn vẹn với chính mình, hay nói cách khác, là chính mình thực sự.
Một khi ta đã biết chấp nhận mình và hiệp thông trọn vẹn với chính mình, ta mới có thể chấp nhận và hiệp thông tốt với tha nhân, và nhất là ta mới có thể tiếp cận được với Thiên Chúa và yêu mến Người, vì giới luật “mến Chúa yêu người” là một thực tại bất khả phân li. Điều đó muốn nói rằng ta đã tái tạo đời mình trong ánh sáng Đức Kitô, hay nói đúng hơn, ta hãy là chính mình trong Đức Kitô.
Như vậy một điều kỳ diệu đã xảy ra: Từ “Bạn hãy là chính mình” trở thành “Bạn hãy là chính mình trong Đức Kitô”, vì chỉ trong Đức Kitô ta mới có thể tìm gặp được ơn cứu rỗi (Iréné thành Lyon), còn ngoài Đức Kitô không hề có sự cứu thoát.
Kính chúc tất cả quí độc giả tìm gặp được nhiều ý tưởng tích cực, hữu ích và thư giãn khi lật đọc nội dung những trang viết đầy suy tư và thuyết phục sau đây.
Lm JB. Nguyễn Hữu Thy O.Cist.
TẢI EBOOK