Trái Tim Chết và Trái Tim Phục Sinh
Xin gởi tặng Père Phạm Minh Tâm đã đặt cho con một câu hỏi về sự chết để suy gẫm. Ðây là lần đầu tiên con mới được thật sự suy gẫm về sự chết.
Các em lớp 10 giáo lý phản ứng inh ỏi sau khi tôi tuyên bố chương trình mà mỗi em phải làm là “Make a Difference in One Person's Life” để làm ích lợi cho người, cho đời. Tôi chỉ là một cô giáo trẻ, ước mong muốn dạy các em yêu thương với con tim không những bằng lý thuyết nhưng bằng hành động. Trong năm học tôi sẽ dẫn các em đi thăm những người già yếu trong viện dưỡng lão, các em nhỏ bệnh tật trong nhà thương, phát cơm cho những người vô gia cư, v.v. Tuy các em phản ứng rất nhiều, tôi vẫn xếp đặt chương trình để tiến tới để cả lớp có thể thực hiện một tháng một lần.
Tôi dẫn các em đi thăm viện dưỡng lão một thứ Bảy kia. Cho tới khi lên xe bắt đầu đi, tôi vẫn phải nghe những tiếng phàn nàn của các em như “I don't want to go” (Cô, em không muốn đi) và “Do I have to go?” (Cô ơi, em có phải đi không?) Ðương nhiên câu trả lời của tôi là “phải” đi, nếu không sẽ được điểm “0”. Tôi biết rằng sự “bắt buộc” học sinh tôi yêu thương, cảm thông những người già yếu, tàn tật, là chuyện không hay, nhưng tôi phải đành chịu để các em có dịp chứng kiến những sự cô đơn và khốn khó của người khác. Và tôi hy vọng sau khi các em có dịp chứng kiến những cảnh các em chưa từng thấy sẽ làm các em mở rộng con tim.
Thú thật, tôi cũng chưa từng đến viện dưỡng lão bao giờ. Cùng với các em, đây là lần đầu tiên tôi đến để chứng kiến môi trường ra sao, cuộc sống những người già như thế nào. Tôi đã từng nghe người ta diễn tả sự đơn độc của những người già, nhưng lần này chính mắt tôi thấy được cuộc sống thực tế của họ.
Trước khi bước vô cánh cửa viện, tôi nhắc các em không được cười chế nhạo hay tỏ thái độ ghê tởm với người già. Có người hướng dẫn viên dẫn tôi và các em đi chung quanh để làm quen với các cụ già và với khung cảnh của nhà viện. Vừa bước đi theo người hướng dẫn, vừa quan sát những ông bà già ngồi trên xe lăn rải rác trong hành lang, tôi vừa ân hận mang đôi guốc thật cao làm cho hành lang trong khung mặt yên tịnh vang tiếng lạch cạch của tôi. Và tôi cảm thấy ngại ngùng và sai lầm khi nhận ra mình mặc quần áo quá sang trọng đối với môi trường này như không phải mình đến để giúp mà đến biểu diễn thời trang.
Có những cụ còn sức thì ngồi trên xe lăn ngồi ở ngoài hành lang, còn những cụ khác thì nằm ở trên giường. Có cụ thì không còn chân vì chắc bị tiểu đường nên bị bác sĩ cắt cụt. Khi tôi tới hỏi thăm một cụ bà, nụ cười tươi của bà làm cho tim tôi mềm ra. Tôi hỏi bà tên gì, nhưng lặp đi lặp lại bà cũng không hiểu tôi. Bà cứ ghé tai vào tôi như tỏ ra bà không nghe rõ, nhưng nói sao bà cũng không hiểu. Dù vậy, trên miệng bà có nụ cười thật vui, như bà rất vui mừng có người đến thăm. Tôi phải đi chỗ khác để làm quen với khu vực của nhà viện, nên bắt tay bà để chào ra đi. Bà gật đầu, cười, nhưng có vẻ không muốn cho tôi đi.
Tôi đi chung quanh. Tâm hồn thấy nặng trĩu vì chứng kiến những người già yếu gần sắp về trời. Tôi tự hỏi, “Một ngày kia tôi cũng sẽ giống như họ hay sao? Chẳng lẽ thân xác tôi đang còn đầy sức sống nhưng một ngày sẽ bị tàn héo?” Tôi cảm thấy cuộc sống sao phũ phàng. Về nhà tôi bắt đầu suy gẫm về sự chết.
Ai sẽ phải chết? Câu này quá dễ trả lời, vì dĩ nhiên ai cũng phải chết. Nhưng không ai tự nhiên thích đau khổ và muốn chết, nên luôn luôn trốn tránh khổ đau và cái chết của mình.
Trong cuốn sách Tuổi Trẻ & Ơn Gọi của Lm. JBM. Trần Anh Thư, có một bài nhạc viết lên câu truyện sau đây:
Một hôm kia tôi chạy trốn loài người.
Một hôm kia tôi chạy trốn nhọc lao.
Một hôm kia tôi chạy trốn khổ đau,
và một hôm kia, tôi chạy trốn Tình Yêu.
Và khi tôi đang chạy trốn
thì tôi gặp Ðức Kitô vác thánh giá đi ngược chiều.
Nên tôi dừng lại, tôi hỏi Ngài: “Lạy Thầy, Thầy đi đâu?”
Rồi Ngài nhìn tôi bằng tia nhìn trách móc, nhưng mến thương chan hòa:
“Ta đi tìm loài người, Ta đi vào cuộc đời,
vì mọi người để chịu chết một lần nữa, một lần nữa, con ơi!”
Tôi đang tìm cách để chạy trốn loài người, còn Chúa lại đi tìm. Tôi chạy trốn khổ đau, thánh giá và cái chết của tôi, nhưng Chúa lại đi vào cuộc đời để vác thánh giá và để chịu chết.
Con người sợ đau khổ vì đau khổ dằn vặt con người. Chết không sợ, nhưng sợ những đau khổ phải chịu dẫn đến cái chết. Chịu đau khổ là phải chịu chết; nghĩ đến chết là nghĩ đến đau khổ phải chịu. Chính vì vậy, nghĩ đến chết là sợ vì không ai muốn chịu đau khổ.
Khi Chúa Giêsu nghĩ đến cái chết của mình thì Ngài đổ mồ hôi máu vì sợ những thương khó Ngài phải chịu dẫn đến cái chết đau đớn của Ngài. Ngài cảm thấy “hãi hùng xao xuyến” và nói, “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14:33-34). Ngài còn khẩn cầu Chúa Cha, “Xin cho con khỏi uống chén này” (Mc 14:36).
Nhưng nếu Chúa Giêsu chỉ nghĩ đến cái chết và những đau khổ Ngài phải chịu, thì chắc chắn Ngài sẽ không chịu chết.
Chúa Giêsu chịu chết vì Ngài biết Ngài sẽ phục sinh trong vinh quang. Chúa thấy cái chết của Chúa có giá trị. Chúa thấy máu của Chúa đổ ra cho loài người để họ được tha tội và để đem tất cả linh hồn sống lại với Ngài về với Chúa Cha. Chúa có con mắt bằng tim nhìn thấy được phục sinh sau những hy sinh, sau cây thánh giá, sau cái chết!
Vì vậy Ngài mới dám chịu chết.
Phục sinh là hy vọng của sự chết. Nếu con người thấy phục sinh thì sẽ dám chết, dám chịu đau khổ.
Chúa đã chết nhưng đã Phục Sinh! Thân Thể Chúa hoàn toàn sống lại. Ðây là tin mừng cho loài người và nhất là Tôi thấy rằng con người phải chịu khổ đau, phải chịu mục nát, chết đi, rồi mới có sống lại.
Thánh Phaolô nói rằng thân thể chúng ta như hạt giống, phải chết mới được sống, vì khi “gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ” và “gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cor 15:36, 42-44).
Ðầy hy vọng cho những khổ đau! Vì khi tập luyện con mắt của trái tim để nhìn thấy phục sinh và để thấy một thân thể sáng láng của chúng ta đời sau như Chúa đã thấy thì mọi đau khổ, mọi mục nát trong thân thể hiện tại cũng sẽ chịu được.
Chúa Giêsu cho chúng ta hy vọng của phục sinh và niềm tin có sự chết và sống lại vì chính Ngài chết đi và sống lại. Phải chịu chết mới có phục sinh. Nếu Chúa không chịu chết, thì Ngài cũng không sống lại, và loài người không có sức sống mới.
Nếu tôi biết tôi sẽ sống lại với Chúa đời sau, thì tôi còn sợ gì vác thánh giá đời này? Tôi còn sợ gì thân xác này mục nát trên thế gian này?
Thánh Phaolô nói rằng quê hương của chúng ta ở trên trời (Phil 3:20), có nghĩa là quốc tịch thật sự của chúng ta là Quốc Tịch Trời.
Tôi còn sợ chi những đau khổ trên thế gian? Tôi còn trốn tránh gì nếu biết rằng khi tôi chết đi tôi sẽ sống lại trong Thần Khí mới?
Khi thấy Phục Sinh, cuối cùng tôi trở thành nhân vật trong bài hát cũng can đảm chịu vác thánh giá, vác cái chết của tôi, và rồi hát lên:
Sau phút giây ngỡ ngàng, thấy tấm thân phũ phàng, tôi vội ôm mặt khóc, vì biết tôi lầm đàng. Sau khi nghe tiếng Ngài, tôi lắng nghe tiếng lòng, ôm chầm cây thập giá, xin chết thay cho Ngài! Ôi Giêsu, xin Ngài đừng chết hơn một lần!
Sông Thanh
http://vietcatholic.net/News/Html/17507.htm