Lòng thương xót

Quang X Nguyen
Lòng thương xót hiểu được hai nghĩa: của Thiên Chúa đối với chúng ta và của chúng ta đối với nhau.

Lòng thương xót là cụm từ rút ra từ Tông Huấn Vultus misericordiae ban hành ngày 11.4.2015 và ấn định ngày 8.12.2015 làm ngày khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường cho toàn Hội Thánh. Hội Thánh được kêu mời học hỏi suy nghĩ cầu nguyện để cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và thực thi lòng thương xót ấy cho mọi người.



Cụm từ lòng thương xót dịch từ hai tiếng la tinh : miseri và cor ; miseri là thương xót, cor là tấm lòng (cordia, số nhiều) mở rộng ra đối với những người nghèo khổ đáng thương về tinh thần cũng như vật chất. Lòng thương xót hệ tại việc có trái tim biết rúng động trước các nỗi khổ đau của con người.

Phần chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta phải hiểu và sống lòng thương xót đó như thế nào. Điều này không có gì khó, vì ở đời ai cũng hiểu thương xót là gì rồi.

Thương và thương xót khác nhau. Thương là thích ai và yêu nguòi đó. Còn thương xót có nghĩa là vừa thương vừa xót. Thương gắn liền với trái tim, còn xót gắn liền với lòng dạ hay ruột gan. Ta thương ai, vì thấy người ấy dễ thương, ngoại hình hấp dẫn, có tài, có tiền v.v… nên trái tim ta cảm kích. Còn thương xót ai là vì thấy người ấy đáng thương, bởi nghèo nàn hoặc ốm đau bệnh tật, hay gặp tai ương hoạn nạn, buồn phiền, đau khổ nên ta xúc động.


1. Chúa thương chúng ta. 

Chúng ta là những người tội lỗi đã bất trung với lời cam kết khi chịu phép Gìm (Rửa Tội). Chúng ta xúc phạm đến Chúa khi không tuân giữ các diều răn của Người. Chúng ta ngã thua các cơn cám dỗ, khi không quyết liệt chống trả và để mình sống trong cảnh mù mit về đạo nghĩa. Đó là tình trạng đáng thương của chúng ta.

Chúng ta mang gánh nặng nề vì những thói hư tật xấu, và không làm những điều tốt muốn làm, không có khả năng vươn lên khi thấy mình yếu đuối, khi thất vọng không thể sống trong đường ngay nẻo chính, hoặc khi thấy mình trì trệ không tiến bộ gì trên đường đạo đức v.v… ấy là không kể những nỗi vất vả khó khăn trong cuộc sống. Dù vậy, Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Biểu hiện rõ rệt nhất là Chúa cho chúng ta được làm con cái của Người trong Hội Thánh.

Ơn phúc này, nhiều người có đạo ít nghĩ tới hay không nhận ra. Nhưng đó lại chính là chỉ dấu chứng tỏ tình thương của Chúa. Biết bao người sống vật vờ, vô vọng, không có một niềm tin nào hết, trong khi chúng ta có đạo, được đón nhận đức tin, biết tại sao mình sống và chết rồi đi về đâu. Nhờ có đức tin, chúng ta có thể đương đầu được với nhiều nỗi oan khiên, bất công và tàn ác là điều khiến cho nhiều kẻ yếm thế muốn hủy hoại dời mình cho khỏi khổ.

Nhưng người có đạo như chúng ta thì vẫn còn niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Chí Công, thưởng người lành, phạt kẻ dữ vào thời Người ấn định. Tại sao chúng ta là người mà lại là người có đạo để đón nhận được sức mạnh tinh thần của đức tin, hầu chịu đựng đươc các nghịch cảnh và cuối cùng nhờ ơn Chúa vượt qua được tất cả, nếu không phải là được Chúa thương. Ngoài ra, chúng ta còn có niềm hy vọng lớn lao là được sống muôn đời

Sự sống muôn đời trên thiên quốc là mục đích tối hậu của mọi người Công Giáo. Chúng ta đi đạo, giữ các điều răn của Chúa để được sống muôn đời trong Nước Thiên Chúa. Đó là một biểu hiện mạnh mẽ về lòng thương xót của Chúa. Chúa có thương mới dành cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc muôn đời như thế.

Cuối cùng là các ơn lành Chúa ban. Ai trong chúng ta cũng nhận được những ơn lành của Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau về tinh thần cũng như vật chất. Bằng chứng là những lễ tạ ơn vì những ơn lành đã nhận được. Trong các thánh vịnh, có một câu chứng tỏ điều này là :

“Hãy tạ ơn Chúa vì Người nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 83,6)

Nhưng bên cạnh những biểu hiện về tình thương lại có những sự dữ. Sự lành và sự giữ giao nhau. Tình thương của Chúa thi dã rõ như nói trên, còn sự dữ thì sao ? Tình thương và sự dữ có đi đôi được vói nhau không ? Chắc là không rồi. Vây phải hiểu thế nào về sự dữ bên cạnh sự lành. Chúa giầu tình thương mà sao lại để cho sự dữ hoành hành ghê gớm như thế ? Liệu có thể giải quyết được sự trái ngược này hay không ? Làm sao sự lành và sự dữ hòa hợp với nhau được ? Tình thương là sự lành, còn tai ương, hoan nạn, nghèo khổ, bệnh tật là sự dữ. Hai thứ đó không thể đi đôi với nhau, huống hồ là tương nhượng. Có cái này thì không thể có cái kia, hay có chăng là có cả hai cùng một lúc nơi một người, như nghèo khổ mà vẫn khỏe mạnh hay giầu sang mà bệnh tật. Có cả hai cùng một lúc, nhưng vẫn thấy bất an. Nỗi bất an làm cho lo buồn và khổ sở, và như vậy không thể nói là có đươc sự lành hoàn toàn. Do đấy vẫn khổ. Và khổ bị coi là sự dữ.

Đó là điều hiển nhiên theo sự cảm nhận chung của nhiều người. Từ bao đời nay, loài ngưòi vẫn tìm cách tránh khổ. Giáo lý Công Giáo dạy rằng sự dữ là bởi tội mà ra. Có tội nên mới có sự dữ. Nay muốn tránh sự dữ thì phải triệt tội. Nhưng có những trường hợp triệt tội rồi mà sự dữ vẫn còn ở nơi những con người nhân đức, như ông Gióp trong Cưu Ước hay rõ rệt và hùng hồn hơn cả là nơi chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Người không có tội mà lại mang án phạt của tội là những sự đau khổ trong cuộc Thương Khó và cuối cùng là cái chết trên thập giá. Thế nghĩa là thế nào ? Thưa chính là vì sự dữ. Mà sự dữ là một mầu nhiệm. Đã là mầu nhiệm thì bản chất là khó hiểu hay không hiểu được. Chúng ta biết có sự dữ và nó hoành hành khắp nơi. Ta muốn tránh xa và loại trừ nó, nhưng không được. Vậy phải làm sao ? Thưa phải chấp nhận rằng không có cách nào để giải nghĩa cho thấu đáo về sự đau khổ và sự dữ trên thế gian này. Chúng ta cứ nhìn vào cuộc đời của Chúa Cứu Thế, Con Một của Chúa Cha. Tại sao Người Con ấy lại phải gánh chịu biết bao nhiêu đau khổ và cuối cùng bị đóng đinh trên thập tự hình như một tên tử tội, trong khi Người đã van xin Chúa Cha nếu có thể được cho mình khỏi phải uống chén đắng này : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con, Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện mà là ý Cha”. (Lc 22, 42)

Thật là mầu nhiệm trên mọi mầu nhiệm. Chúng ta chỉ giải quyết được sự dữ một phần nào nhờ dựa vào đức tin. Chúng ta tin rằng vì tội mà có sự dữ. Trước khi bất tuân lệnh Chúa, ông bà nguyên tổ được sống trong Vườn Địa Đàng, nơi không có sự dữ mà chỉ có sự lành. Chỉ khi bất tuân lệnh rồi, ông bà mới phải lãnh án phạt và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Chính Đức Ki-tô Giê-su đã xuống trần tình nguyện chịu khổ, để gánh tội cho thiên hạ và nhờ đó, cứu chuộc loài người. Đấng vô tội đã phải chịu tội do ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, để dạy cho loài người một bài học về giá trị thanh luyện và đền tội của những sự đau khổ, nếu người ta vui lòng chấp nhận để đền tội mình và tội những người khác, vì tội cũng như phúc có một chiều kích xã hội trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nghĩa là tội của người này gây họa cho người khác và phúc của người này cũng mang lại điều lành cho người kia.

Tại sao Đức Giê-su lại tự nguyện chọn cho mình những sự đau khổ tuyệt độ và cái chết thảm thương như thế ? Đó là vì loài người và để cúu rỗi chúng ta. Ở đời không có sự cao cả nào mà không phải hy sinh. Mà hy sinh thì phải trả giá. Tất cả những sự hy sinh của Đức Ki-tô là cái giá cao quí mà Người đã bỏ ra để cứu chuộc chúng ta.

Dù làm người mà phải cực phải khổ như nhiều người trong chúng ta, nhưng lại có niềm hy vọng lớn lao được ở trong Nước Thiên Chúa khi nhắm mắt lìa đời, thì còn hơn là cỏ cây gỗ đá, tuy không phải khổ, nhưng không có được cuộc đời mai hậu tràn trề hạnh phúc như chúng ta. Ở đây chúng ta nên nhớ lại số phận ông nhà giàu và người cùng khổ La-gia-rô. Ở đời thì La-gia-rô khốn khổ, nhưng sau khi chết rồi thì số phận đôi bên hoàn toàn đảo ngược. (Lc 16, 25-26)

2. Tại sao có tai ương hoạn nạn

Có những người vấn nạn rằng Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và đầy lòng trắc ẩn mà sao lại để cho xảy ra tai ương hoạn nạn như cháy rừng, động đất. lụt lội, sóng thần. dịch hach, hạn hán, nghèo khổ v.v… Thưa Thiên Chúa không để cho xảy ra, hay có chăng là để trừng phạt như đã trừng phạt loài người trong cơn lụt Đại Hồng Thủy, nhưng sau đó, Người đã dựng cầu vồng lên và hứa sẽ không trừng phạt như thế nữa : “Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.” (St 9,15)

Tuy vậy, vẫn xẩy ra tai ương hoạn nạn, nhưng đó một phần là do sự vận hành của các yếu tố thiên nhiên, một phần do hành dộng của con người. Thiên Chúa tôn trọng trật tự thiên nhiên do Người đã đựng nên, còn loài người lại hành động xâm phạm đến sự hài hòa của môi trường tự nhiên, như phá rừng, làm ô nhiễm bầu khí quyển bằng chất thải của các nhà máy, khiến cho khí hậu thay đổi. Nếu phá rừng thì lụt lội xẩy ra, nếu không hạn chế khí thải thì khí hậu biến đổi, bầu khí quyển nóng lên, mực nước biển dâng cao. Còn chiến tranh bạo lực là do lòng ham hố, ích kỷ, trục lợi, tàn bạo của nước này đối với nước kia hay người này đối với người khác.

Vì thế, không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa được, vì ban đầu Người dựng nên mọi sự đều tốt lành, như có lời chép chép trong sách Sáng Thế : “Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St 1,12)

Tóm lại, sự dữ là có thật và lan tràn trên mặt đất. Không thể dựa vào lý luận thông thường của loài người mà giải quyết được, nhưng phải căn cứ vào những lý lẽ siêu nhiên. Lý lẽ này chỉ có nơi những người tin. Người tin thì cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa một cách vững vàng như thánh Phao-lô nói : “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không trông trông thấy” (Hr 11,1) Và tin cũng là hoàn toàn xác tín mà không cần phải thấu cảm thấy gì cả trong những điều Chúa nói, chỉ bởi vì Người, Đấng không đánh lừa ai và không ai đánh lừa nổi.

Vậy, về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể dưa vào câu : “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn” trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca chương 1, câu 78 và toàn chương 1 trong sách Tin Mừng này, qua hai bài thánh ca hết sức đặc biệt vẫn đươc đọc hàng ngày trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Hai bài thánh ca đó thu tóm tất cả lòng thương xót của Chúa đối với Đức Mẹ Ma-ri-a và dân của Người là chúng ta. Ngoài ra là các lời rải rác trong Kinh Thánh về lòng thương xót này.

Muốn thấm nhuần và xác tín về lòng thương xót của Chúa, chúng ta cần năng đọc và suy gẫm những lời trong hai bài thánh ca và những câu thánh vịnh như “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 83,6) hay “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương cả ngàn đời” (Tv 29,5).

Vì thế, chúng ta hãy tin vào lòng thương xót của Chúa và sẵn sàng đón nhận lòng thương xót ấy qua mọi tình huống của cuộc đời. Tin tưởng ở lòng thương xót, nhưng cũng phải bày tỏ ra bên ngoài bằng lòng yêu mến Chúa và thương xót đối với tha nhân.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
23/Jul/2019