Ngôn ngữ là “phương tiện” truyền tải ý tưởng. Trước đây, giới chuyên môn đã đúc kết: Tỉ lệ sinh tử của từ ngữ là 2% từ vựng (vốn từ, quỹ từ) trong một thế kỷ, nghĩa là ta không hiểu được 2% từ ngữ cách đây 100 năm vì nó đã “chết”, hoặc những người sống trước ta 100 năm có sống lại thì cũng không hiểu được 2% từ ngữ thời ta, vì nó mới “sinh”. Hình như “phương tiện” này luôn được cải tiến, khác gì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là “Bốn chấm không – 4.0”) đang diễn ra trong xã hội, nên tỉ lệ sinh tử của từ ngữ ngày nay có lẽ còn cao hơn!
Đọc lại “Mân Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca” của tác giả Phạm Trạch Thiện, viết bằng chữ nôm, thời thịnh Hán - Việt, ta nên đặt mình vào thời đó mới có thể hiểu thấu.
Cha ông ta dạy: “Khẩu tụng tâm suy – Miệng đọc lòng suy”, nhất là tránh được câu Chúa dùng ngôn sứ Isaia mà trách yêu: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Tháng Mân Côi 2018 đã về, theo những ý kiến khuyến khích đáng trân trọng, truyền thông hạt Quần Phương & câu lạc bộ Chữ Tâm dành thời gian sưu tầm đây đó, kể cả trong các cuộc đàm thoại… rồi tạm viết ra ý nghĩa các từ ngữ và điển tích trong bản văn cổ kính này. Hy vọng phần nào đem lại lợi ích cho chính bản thân cũng như những ai “Đi tìm chân lý thật tình say sưa” (2).
STT | NGUYÊN NGỮ | HIỂU KHÁI QUÁT |
01 | Rosa Rosarium | Tiếng Latinh là hoa hồng. Rosarium là vườn (hoa) hồng. Khi viết hoa, tiếng Việt xưa dịch là: Môi Quý, Môi Khôi, Mân Côi, Văn Côi. Nay thống nhất là MÂN CÔI (3) |
02 | Bởi ông thánh Đaminh | Dominique (Pháp), Dominicus (Latinh), Domenico (Bồ Đào Nha), được Việt hóa là Du-minh-gô. Nguyên bản chữ nôm “Thánh Du-minh”. Nay thịnh hành Đa-minh là Sáng tỏ. |
03 | Tràng châu | Tràng Hạt quý báu |
04 | Ruộng Y-ghê | Y-ghê nghĩa là Giáo Hội, phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha Iglesia, bắt nguồn từ tiếng Latinh Ecclesia, có gốc từ tiếng Hy Lạp |
05 | Tư mộ | Cảm mến tri ân |
06 | Mộc bản, thủy nguyên giai hữu tự. | Cây có cội, nước có nguồn, chữ là như vậy. |
07 | Đức cơ phúc chỉ khởi vô do | Đức là nền của phúc căn do là như thế. |
08 | Kìa hà Lạc thấy còn cảm thán, Nọ cam đường thi tán tam chương.(4) | Thầy Phêrô Vũ Tùng Thiện (Chủng viện Mẫu Tâm) kể điển tích: Xưa, bên Trung Quốc, có sông Lạc được vua Vũ đào để chống lụt chống hạn cho dân, mà còn được ca tụng, tôn vinh, Cam đường là cây bàng. Nơi ông Thiệu Bá thường ngồi dưới gốc có bóng mát để phân xử, giải hòa cho dân, mà 3 chương thi ca được sáng tác ra để khen ngợi. Huống hồ vườn thiêng Thánh Mẫu mở mang .v.v |
09 | Tự sinh nhi tử, tử nhi sinh | Từ khi Chúa giáng sinh đến tử nạn, và từ khi tử nạn đến Phục Sinh. |
10 | Thủ tiết băng sương | Vượt qua mọi gian nan thử thách, để sống công chính |
11 | Giữ vẹn đạo thần hôn | Thần là sáng sớm; hôn là chiều hôm. Người con nào mà sáng viếng tối thăm cha mẹ, thì thật là chí hiếu. Nếu đổi: “Con về thảo hiếu đến khi khôn” thì oan cho Chúa quá, lại lỗi công bằng với tác giả! |
12 | Mạo gai | Mạo = Mũ. Mạo gai là mũ gai |
13 | Đanh đóng chân tay | Thầy Đaminh Ngô Đình Yêm dạy môn sử CVMT kể: Tiếng Việt, vốn là đinh. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, vì húy kỵ nên quốc dân phải đọc trệch đi là đanh. Nay, HĐGMVN, trong các sách của mình như: Kinh Thánh, sách Lễ, sách bài đọc, kinh Phụng Vụ, Giáo Lý và bản tin Hiệp Thông … đều dùng đinh (5) |
14 | Vườn Giệt | Giethsemani (Latinh), còn gọi là vườn Cây Dầu |
15 | Dêu Cha | Latinh, Deus = Thiên Chúa. Nhiều nơi đã đổi: Bên hữu Ngôi Cha tòa Chúa ngự. |
16 | Giảng đạo mầu | Mầu (Hán Việt) = Mầu nhiệm, phép mầu; khác với Màu (Thuần Việt) = Màu sắc, như màu xanh màu đỏ. |
17 | Nhất đán phi thường | Đán = Buổi sớm. Bắt đầu bước sang đời sau |
18 | Ngợi hát khong khen | Khong = Khoanh tay. Nhiều nơi và nhiều sách đọc và in sai là không khen, thì thật là phản nghĩa! |
19 | Thưởng ngoạn | Chiêm ngưỡng “mãn nhãn” |
20 | Thái linh chi giả chư kỳ bản | Tự căn nguyên vốn là linh diệu (có bản in sai tư kỳ bản!) |
21 | Chước lễ toàn giả thám kỳ nguyên | Làm của lễ để mà dâng tiến. |
22 | Thanh ư linh hựu quang mang khải | Hư không linh diệu soi xán lạn |
23 | Hồng bạch huyền hoa phúc úc khai | Đỏ trắng hoa thiêng mở phúc lành |
24 | Ngoạn hứng chỉn | Xem thật là hứng thú (6) |
Chú thích:
1) Ngày 16.10.2002, Trong tông thư “Kinh Mân Côi”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban hành thêm năm mầu nhiệm Sáng.
2) Thánh thi, Kinh Sáng, thứ ba tuần III.
3) ĐGM Đ. Hồ Ngọc Cẩn, trong “Đaminh Bán Nguyệt” và Ban Từ Vựng - HĐGMVN, trong “Từ điển Công Giáo, 2016”.
4) Cách giải thích theo mặt chữ (triết tự): Hà lạc nghĩa là “Dòng sông vui”; ý nói chìm đắm trong dòng siêu nhiên sung mãn, mà cảm hứng viết nên ba phần (tam chương) của kinh Mân Côi – Theo Lương Đình Bảng, SĐD, Tr. 132. Hiểu theo cách nào cũng tốt.
5) Hiện nay UB Phụng tự, ở lời nguyện kinh Truyền Tin thêm chữ Con: Thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết. Bớt chữ vì trong cụm từ tử vì đạo, nay chỉ dùng Tử đạo mà thôi. Trong kinh Tin Kính đổi chữ đồng bản tính thành đồng bản thể: Đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
Đinh Bộ Lĩnh (924-979), vua sáng lập triều Đinh quê ở Hoa Lư, Châu Đại Hoàng (Nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), con của Đinh Công Trứ. Khi còn nhỏ hay bày thế trận cờ bông lau. Năm 967, ông lên ngôi hoàng đế, còn gọi là Đinh Tiên Hoàng (Theo từ điền bách khoa tập I, trang 812).
6) Câu này và một số câu khác, là ý kiến của nhà thơ Lê Đình Bảng: “Ở thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam” – 2009.
Do mạc khải phụng thờ Tạo Hóa
Tự lương tâm tôn kính tiền nhân
Phaolô Phạm Gia Thoan
Kim Thành, tháng 10.2018
CLB Chữ Tâm
Nguồn: http://gpbuichu.org/news/Me-Maria/tim-hieu-thap-ngu-su-thi-ca-7901.html