Nâng lên hàng khanh tướng?

Quang X Nguyen

NÂNG LÊN HÀNG KHANH TƯỚNG?


Những ngày tháng 6 và tháng 7 hằng năm, các Giáo Phận và các Dòng Nam Tu thường có Lễ trao Thánh Chức Linh Mục. Xin chép lại một bài viết cũ 15 năm trước, bởi vẫn còn đây đó, người ta cứ ngỡ làm Linh Mục là… làm khanh làm tướng !

Chỉ cách nhau mấy ngày, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) chúng tôi vừa có tin vui lại vừa nhận tin buồn. Búp măng trẻ Phaolô Nguyễn Đình Thi được chịu chức Linh Mục tại Buôn Ma Thuột ngày 3 tháng 6, còn cây tre đại thụ Giuse Vũ Ngọc Bích nằm xuống tại Hà Nội ngày 8 tháng 6. Mà thật ra cha già đã nằm một chỗ từ lâu lắm rồi, mắt mù loà, chân tay lập cập, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm, đến Lễ lớn lại gượng dậy ngồi xe lăn ra Nhà Thờ, có khi còn dõng dạc chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn.

Nhiều Giáo Dân một thời khó khăn vẫn trung thành với Chúa, với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà, trung thành cả với cha, ngồi ở dưới nhìn lên, thấy cha là rớm nước mắt nhớ lại bao nỗi đắng cay gian khổ. May quá, tre già măng mọc, Dòng chúng tôi không phải lo chuyện… tuyệt tự !
Đang khi ở Hà Nội cử hành tang lễ trọng thể cho cha già thì ở Sàigòn, anh em Học Viện ôn tập các bài Thánh Ca cho ngày Lễ Mở Tay cho cha trẻ tại Giáo Xứ Kỳ Đồng. Ngồi làm việc ở tầng dưới, tôi nghe vọng từ Nhà Nguyện xuống tiếng các thầy trầm bổng: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng…” Giật mình, sao lại… khanh tướng cơ chứ ? Theo vốn liếng Hán Việt chút đỉnh của mình, tôi hiểu: khanh là quan văn, tướng là quan võ. Thế ra làm Linh Mục là làm quan làm tướng trong triều đình sao ? Đã có quan thì có dân, quan cai trị dân, chuyện hợp lý thôi ! Nhưng so chiếu với Linh Mục và Giáo Dân thì không ổn rồi.


Có lần, về dự Lễ phong chức tại một Giáo Phận nọ, đang khi đoàn chủ tế đứng chờ để xuất phát ra Lễ đài, loa phóng thanh vang dội tiếng ca đoàn hợp xướng, cũng… “nâng con lên hàng khanh tướng”. Một cha nổi tiếng nghịch ở Sàigòn nói to, ít là các cha đứng gần đều nghe rõ: “Từ Bastos, Chúa nâng con lên hàng… Ba Số !” Có mấy cha khúc khích cười. Có cha chưa kịp hiểu còn thắc mắc: “Ba Số là thế nào ?” Cha kia tận tình giải thích: “Ừ thì khi còn làm thầy chỉ đủ tiền hút thuốc lá Bastos, còn khi làm cha rồi thì tha hồ mà…”

Chuyện tiếu lâm này tôi nghe đã nhiều lần, nhưng tôi không cười được, bởi nó mỉa mai châm biếm đến mức thấy nhoi nhói trong lòng… Cũng vì bản thân tôi có tật hút thuốc lá bỏ mãi chưa được, dù chỉ là Bastos. Có lần cha già Trần Hữu Thanh, một cây đại thụ khác của DCCT, gần 90, hiện cũng ngồi xe lăn ở Hà Nội, bảo tôi: “Chú cứ tưởng tượng, tớ bỏ được thuốc lá, tính ra mỗi tháng dôi tiền ra lo học bổng được cho 5 đứa bé nhà quê đi học !”

Vậy rõ ràng đâu thể nào là khanh là tướng ở đây ! Cuộc đời tận tuỵ khó nghèo của cha già Vũ Ngọc Bích đâu có một nét nhỏ nào là của một ông quan bệ vệ oai phong ? Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, cha đã ngược xuôi đi giảng khắp nơi, lại đang ở chỗ “thanh cao” mà tự nguyện ra Bắc mà gánh lấy “phong trần”, cả một thời gian dài như thể bị giam lỏng, tai mắt chung quanh để ý đến từng lời ăn tiếng nói. Đến lúc tuổi cao sức yếu phải nằm một chỗ, vẫn cứ bảo đàn con mắc cho cái loa nho nhỏ từ Nhà Thờ vào tận giường để lúc nào cũng có thể hiệp thông với từng bài giảng, câu kinh, tiếng hát của cộng đoàn. Lại vẫn cứ tận tuỵ ân cần linh hướng khuyên bảo cho người thân sơ, cho khách gần xa, còn sẵn sàng làm cha giải tội cho cả các Đức Cha, cho cả Đức Hồng Y…

Hoá ra đã có một tấm gương Linh Mục chói sáng rực rỡ cho mọi Linh Mục soi chung: Người là Giêsu, Thầy Cả Thượng Phẩm, Tư Tế đời đời.

Quan ở đời thì dân đen phải cơm bưng nước rót, quỵ luỵ chầu chực, đem dâng đem nạp toàn thứ quý hiếm, còn Người thì làm ngược lại: mấy năm liền tất tả đi chỗ này đi chỗ kia, vừa giảng dạy, vừa chữa lành các bệnh nhân, đặc biệt đối với người nghèo khó bị bỏ rơi; đến khi phải chia tay, lại quỳ xuống ân cần rửa chân cho các đồ đệ của mình, trân trọng thết đãi họ một bữa đại tiệc mà các món ăn là chính Mình và Máu cực Thánh của Người; cuối cùng, chết thay tất cả trên Thập Giá khốn khổ, khơi nguồn Ơn Cứu Độ thành một trận mưa dịu mát từ cạnh sườn Người cho toàn nhân loại…

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 12.6.2004