Vòng tròn ơn gọi

Quang X Nguyen

Vòng tròn ơn gọi


1. Từ Đức Trọng Dalat, con trai gọi điện thoại về cho tôi:

- Mẹ ơi ! con muốn xin mẹ một quyết định. Con muốn đi tu. Vậy mẹ muốn con đi tu hay ở nhà đi làm giúp mẹ ?

Thật là bất ngờ, một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng và dự liệu của tôi vì tất cả họ hàng bên ngoại ai cũng mong đám cưới của con vào thời gian gần nhất có thể, vậy mà...

Rất nhanh, tôi trả lời con không cần suy nghĩ :
- Con à ! Tất cả cuộc đời mẹ đều là những hồng ân, mà con là hồng ân lớn nhất Chúa ban cho mẹ. Chẳng lẽ mẹ dành con với Chúa? Con cứ đi tu theo ý muốn của con.
- Nhưng nếu con đi, bố mẹ sống bằng cách nào?

- Mẹ có lương hưu dù không nhiều. Bố còn đi làm. Trước mắt sống được, sau này khi bố nghỉ làm, nhà mình còn một phòng trống trên lầu, cho mướn thì cũng đủ trang trải dù không dư giả, con không phải lo. Mà sao quyết định bất ngờ vậy con?
- Con đã dự định cách đây ba năm rồi mẹ, nhưng đến bây giờ con mới nói.


Chấm dứt cuộc điện thoại, những cảm xúc trong tôi chợt vỡ òa...

Đúng là ngày xưa khi con còn nhỏ, tôi có hướng con theo ơn gọi dâng mình, nhưng lúc nào nó cũng giãy lên như đỉa phải vôi, lắc đầu nguầy nguậy. Gặp các soeur dòng Mân Côi, soeur bảo nó đi tu thì nó trả lời: "Con trần tục lắm soeur ơi, không đi được đâu". Gặp cha Việt ở Vĩnh Long, lúc cha đến nó chào đàng hoàng tử tế, nhưng đến khi cha về, gọi xuống chào thì nó từ trên lầu hét vọng xuống: "Con đang ở trong t.o.i.l.l.e.t. mẹ ơi !" 
Đợi cha đi rồi, tôi gằn giọng: "Quang, xuống đây mẹ bảo. Sao con bất lịch sự quá vậy, có cần phải la lớn cái chữ toillet không hả? Mẹ không chịu nổi cái bất lịch sự của con nghe chưa?" Nó trả lời tôi : "Con không muốn xuống vì con sợ mẹ bắt con đi tu. Con nói rồi nha, mẹ mà bắt con đi, con sẽ xách theo cái búa, vô đó con đập tường con ra".

Trời ơi là trời, cái thằng con một của tôi.

Vậy mà, khi tất cả đã chìm vào quá khứ.
Tôi cũng đã quên từ lâu lắm những ước mơ ngày xưa mình gởi vào con.

Nhưng dù sao, trước mắt cần có thời gian dành cho ơn gọi và gia đình. Con trai tôi trở về Saigon, để lại dang dở những đứa trẻ vùng cao nguyên đang rất vui và hào hứng với những giờ học tiếng Anh. Con ở sàn homestay với hai vợ chồng giáo viên người dân tộc Tày đã về hưu, anh chị cũng chừng tuổi vợ chồng tôi. Anh bị tai biến ngồi xe lăn vài năm nay, những lúc bọn trẻ học và đùa giỡn vui nhộn làm anh vui, quên đi phần nào bệnh tật của mình. Chị gọi điện cho tôi mong muốn nó sẽ lập nghiệp trên vùng đất ấy và ở cùng với anh chị. Tôi cảm nhận niềm vui khi nghe người khác nói về con như thế.

Những bài tóan về tiền bạc hơn thiệt bắt đầu xuất hiện trong đầu tôi. Nghỉ hưu sáu năm, sáu năm con trở thành cây gậy cho mẹ khi tuổi già đến và sức khỏe từ từ ra đi, dù không bệnh tật gì nhưng ngày mai lấy gì bảo đảm??

Từ nay mỗi tháng không còn nhận được khoản tiền con đưa, tính tôi không tằn tiện, không hoang phí, nhưng thoải mái rộng rãi mỗi khi có thể, bây giờ phải cân đong đo đếm. Gặp lại đồng nghiệp hồi trước, hầu hết không cùng tôn giáo, hỏi thăm nhau về con cái, hỏi tới con mình, tôi trả lời đi tu. Đi tu ở đây đồng nghĩa với việc chọn con đường không giống ai. Mà từ hồi nào đến giờ trong mắt mọi người, con trai tôi là một thanh niên gần như tốt nhất về hạnh kiểm lẫn việc làm. Một câu trả lời mà chính tôi không muốn, cũng không mong đợi. Thêm nữa, không có con trai bên cạnh, tôi mất chỗ dựa tinh thần. Hai mẹ con hiểu nhau, nói ít hiểu nhiều, tôi không nặng gánh tâm tư những khi phiền muộn...

Nặng nề hơn nhiều, ông xã tôi đã sốc toàn tập. Tính tôi lo xa nhưng lo từng khoảng thời gian gần gần, có kết quả rồi mới tính tiếp nữa, còn chồng tôi thì đã mơ đến đám cưới con trai mời bao nhiêu bàn, đặt may đồ veston ở đâu cho đẹp, hôm đó lên sân khấu phát biểu cái gì? Mai mốt chiều chiều dẫn cháu nội ra công viên chơi, dạy cháu học toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khi cháu lớn thì hướng dẫn cháu chọn nghề v.v và v.v...Mỗi khi nghe chồng nói, tôi chỉ cười cười: sao mà nghĩ xa thế anh?
- Xa cái gì, tính bây giờ là vừa rồi em ơi!

Chỉ một câu nói của con, những ước mơ của anh bỗng chốc vỡ vụn, anh lo tuổi già không tiền, khi đau bệnh không người chăm sóc.

Anh lo con năm nay đã 29 tuổi, đi năm bảy năm không xong lại về, dang dở cuộc đời, công ăn việc làm chẳng ra làm sao. Không khí trong gia đình bỗng trở nên ngột ngạt, nặng nề quá đỗi, nhiều ngày anh nằm lì không chịu dậy, Tôi dỗ dành phân tích nhưng anh đâu có chịu nghe, không thèm nói, không thèm cười, anh bảo từ giờ trở đi không bao giờ anh cười nữa. 
Tất cả mọi áp lực đè nặng trên tôi, anh đâu biết vợ anh chỉ là một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác. Tôi chỉ có mình nó, nó đi rồi, tôi sẽ nhớ con nhiều, mỗi khi nghĩ đến con không còn bên cạnh mình là tôi khóc suốt, khóc bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối, nhưng thường là nửa đêm về sáng khi bất chợt tỉnh giấc. Tôi giấu con, giấu chồng những giọt nước mắt của mình, tôi muốn con đi trọn con đường nó đã chọn. Nhưng trong tình huống này sự chịu đựng sẽ làm tôi chết dần trong mòn mỏi, tôi nói với con:
- Con à! Con nên nói chuyện với bố nhiều hơn, cứ thế này, khi con đi rồi mẹ chịu không nổi đâu, mẹ chết sớm mất thôi.
- Dạ. Mẹ để con suy nghĩ.

Con đã trao đổi với bố mẹ về tất cả định hướng trong tương lai cho gia đình và bản thân nó.
Một kết thúc tương đối tốt ngay buổi sáng hôm sau.

Thế mà trước khi con đi, anh lại bực mình. Trong anh toàn những ý nghĩ tiêu cực, anh bảo nó tự ý đi thì lên nhà dòng một mình, một hai tháng là trở về nhà ngay thôi, chẳng cần đưa đón làm chi cho mệt. Con thì quen tính tự lập nên xác định sẽ xách vali đi một mình, chỉ hai chặng xe bus là tới nơi. Tôi im lặng chìm vào ít phút ngủ ngắn ngủi buổi trưa, thương con quá.

Nhưng khi tỉnh dậy thì mọi việc thay đổi một cách tôi không dám nghĩ đến. Anh nói để anh chở con lên nhà dòng, anh sẽ vào gặp cha để gởi con.

Chúa ơi ! Một thái độ hết sức tích cực và tốt đẹp từ nơi anh, cứ y như Chúa sắp xếp dùm tôi vậy. Con cám ơn Chúa.

2. Trong những nỗi buồn lo...

Tôi bắt đầu nghĩ miên man về cuộc đời của Mẹ Maria, tôi thấy cuộc đời tôi trở nên giống Mẹ nhiều hơn. Ngày xưa Mẹ chỉ có một người con duy nhất là Chúa Giêsu, Mẹ yêu Chúa vô cùng. Khi thánh Giuse già yếu và mất đi, chàng thanh niên thợ mộc Giêsu trở thành điểm tựa cho Mẹ về tinh thần lẫn vật chất. Rồi cũng đến ngày Chúa ra đi rao giảng tin mừng nước trời, lúc Chúa đi chắc hẳn Mẹ cũng buồn lắm. Không biết từ bao giờ tôi yêu những bước chân của Chúa trên đường, ba năm trần gian in mòn dấu chân của Chúa, Chúa thương dân chúng như đoàn chiên không người chăm sóc, bước chân Chúa đến đâu hồng ân chữa lành đến đấy. Tôi yêu bước chân của Chúa bao nhiêu thì tôi cũng yêu quí Mẹ về sự khiêm nhường bấy nhiêu, Mẹ luôn giữ những điều xảy đến cho Mẹ và suy niệm trong lòng.

Tôi cũng xin cho tôi được biết đón nhận những vui buồn, cô đơn khắc khoải trong cuộc đời này như một hồng ân để suy niệm trong lòng như Mẹ.


3. 

Những lời an ủi và chia sẻ của vài người bạn thân không kéo tôi ra được tâm tư nặng nề, dù vẫn biết rằng ơn gọi đi tu là một hồng ân đặc biệt của tình yêu Chúa dành riêng ban tặng, không phải muốn mà được, người ta có năm mười người con sao Chúa không gọi, phải chi tôi có hai đứa con, tôi sẽ không rơi vào trạng thái như bây giờ...

Mỗi tháng tôi vẫn đưa má đi khám bệnh định kỳ ở một bệnh viện gần nhà.
Tôi đến trước, em tôi chở má đến sau.

Bệnh viện buổi chiều vắng vẻ, nắng thật gắt, một mình ngồi chờ má trong yên tĩnh, vẫn trong dòng suy nghĩ miên man, ký ức ngày xưa trong tôi bỗng nhiên trở về thật rõ nét.

"........ Má tôi về làm vợ khi mới 17 tuổi. Bố hơn má 10 tuổi. Ba năm trời má tôi không có bầu, ai chỉ nhà thờ nào linh bố má tôi cũng đều đến khấn cho có con. Bố má hứa nếu có con thì đứa đầu tiên sẽ dâng nó cho Chúa. Thế là tôi ra đời trong sự vui mừng của ông bà, cha mẹ. Hồi nhỏ tôi xinh xắn, học giỏi, được thầy cô cưng nên là niềm hãnh diện của bố má tôi trong suốt nhiều năm liền.
.
Giữ đúng lời hứa, năm học lớp tám, mười ba tuổi, tôi được vào dòng Mến thánh giá ở Dalat. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi nhất quỉ, nhì ma... tôi quậy ghê luôn. Tôi luôn dẫn đầu về những trò nghịch ngầm và lỗi kỷ luật như trốn học, trốn giờ đọc kinh chiều, ăn vụng bất kể giờ giấc, trốn việc bổn phận chung... Tôi đã từng bị phạt quì ở cột cờ sân trường, quì ở giờ cơm trưa nhưng tính nào tật nấy không chừa, khi bị phạt tôi chỉ quê ít ngày xong rồi đâu lại vào đấy, hình như từ nhẹ nhàng đến hình phạt chẳng xi - nhê gì với cái lì đòn của tôi. Vì vậy sau ba năm lòng kiên trì của các soeur cũng phải dừng lại. Tôi bị đuổi về gia đình. Đó là mùa hè 1973.

Bố không cho tôi ở nhà. Bố bắt tôi đi tiếp. Bố dẫn tôi lên Mai Khôi nhờ Dì Nhã xin với chị Lâm. Buổi gặp chị Lâm diễn ra nhanh chóng. Chị hỏi tôi sao không tiếp tục ở Dalat? Tôi thành thật trả lời chị rằng cuối năm soeur phụ trách gọi tôi lên thông báo năm sau không được lên học nữa. Đã không muốn đi thì chả cần nói dối làm gì, thế nhưng chị đã nhận tôi. Tôi nghĩ có lẽ một phần do nể nang Dì Nhã, một phần nhìn bộ dạng tôi, chắc không bao giờ chị nghĩ rằng tôi đã quậy đến thế !!!

Cám ơn chị đã cho tôi một cơ hội. Những tháng ngày ở môi trường mới Mai Khôi, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Để tránh thời gian "rảnh rỗi sinh nông nổi" tôi xin chị cho tôi làm thêm việc, việc gì cũng được chứ ngồi học suốt tôi chịu không nổi.

Tôi được như ý nguyện. Lúc đó chị là Hiệu trưởng trường Mai Khôi, giám đốc đệ tử. Chị phân công cho tôi buổi sáng làm văn phòng với chị giáo Đoan. Trưa về ăn cơm, chiều ra lớp học. Tôi vẫn luôn cố gắng làm tròn công việc mới của mình, dù có những lần sai sót nhưng tôi vẫn luôn nhận được sự hiền từ và bao dung...

Sau ngày 30/4/1975.

Tôi và một số chị được gọi về nhà dòng để vào nhà tập, đặc cách chỉ ở nhà thử một tháng. Chúng tôi đến Phước Lộc. Xếp sách vở bút mực của 12 năm đèn sách lại, chúng tôi cày cuốc để có hạt cơm mỗi ngày. Phước Lộc khô cằn, mùa nắng đất nứt nẻ tang hoác, cuốc vào đất như cuốc vào đá, dội lại đau cả tay. Ngày ba bữa chỉ có cơm độn khoai lang, khoai mì. Thế nhưng chị em đã sống với nhau bằng tất cả chân tình, tôi rất thích bảng tự nguyện nhận công việc, ai cũng muốn dành việc nặng để làm, vui vẻ ăn khoai để nhường cơm cho bạn...."

Một lần về thăm gia đình, bố thất nghiệp, chỉ có mình má đi làm, công việc vệ sinh quét dọn đường phố thật nặng nề so với dáng người của má. Mười đứa em nheo nhóc. Tôi đã rời bỏ tất cả để trở về nhà, bố giận tôi mấy năm trời vì đã không hỏi ý bố mà tự một mình quyết định.

Tôi lập gia đình khá trễ vì chỉ muốn ở vậy phụ má nuôi mấy đứa em còn nhỏ.

Vợ chồng tôi kế hoạch chỉ một con để thoát cảnh nghèo, nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy mình nợ Chúa một lời hứa, lời hứa dâng mình tận hiến. Tôi sẽ thực hiện bằng cách khi có cháu nội, tôi sẽ nói con dâu tôi sinh hai đứa, một đứa tôi sẽ cho theo Thi, thằng nhóc sinh viên ở nhà tôi năm nào hiện đang ở thỉnh viện dòng Phanxicô ................"

Nghĩ đến đây, quá khứ chợt khép lại, tôi đã nhìn ra chân lý của vấn đề làm tôi nặng nề gần một tháng rưỡi nay từ khi biết quyết định của con trai. Tôi thấy mình quá ích kỷ, tôi chủ động bảo toàn cuộc sống của tôi và tôi chỉ dành cho Chúa phần ngọn, phần thặng dư mà tôi có được. 
Không, Chúa là một vị thần hay ghen, Chúa có quyền lấy những gì thuộc về Chúa. Ngày xưa, vì gia đình, tôi đã quyết đinh không do dự là rời bỏ ơn gọi dâng mình. Thì hôm nay, con trai tôi đã từ bỏ gia đình một cách dứt khoát để bước đi theo tiếng gọi sâu thẳm của tâm hồn. Chúa muốn tôi trả lại cho Chúa những gì tôi đã vay, đã hứa. Tại sao tôi ích kỷ? Tại sao tôi lại buồn và nặng nề đến thế? Chúa không bao giờ thua ai lòng quảng đại, tôi đã từng nói câu này với chính tôi, với bạn bè tôi, với nhiều người nhưng tại sao khi thực hiện tôi lại quá suy tính, đắn đo hơn thiệt?

Công bằng mà nói, con trai tôi ngoan, đặc biệt rất thương mẹ, dù lớn chồng ngồng nhưng bên mẹ nó hệt như một đứa con nít. Quý là cô bạn nhỏ giữ xe chung với tôi thường hay nói : sao mà con chị tình cảm quá đi thôi, mỗi lần nó kêu mẹ mẹ là miệng nó cười cười, ánh mắt nhìn chị thật dễ thương.
Khải Tú hỏi :
- Quang ơi! Khi đi em có luyến tiếc điều gì không ?
- Em không luyến tiếc điều gì hết, em chỉ nhớ mẹ thôi.
- Đi tu cực lắm nha em, phải hi sinh nhiều thứ...
- Hi sinh lớn nhất của em là để bố mẹ lại phía sau, ngoài ra những cái khác đều là nhỏ...

Những lúc nghe như vậy, tôi vui trong lòng, thầm cám ơn Chúa đã cho mình một món quà vô giá.

Lạy Chúa của con.
Hôm nay. Chúa muốn con trao lại món quà vô giá mà Chúa đã cho con.
Vâng, con đã chẳng có món quà gì lớn hơn nữa.
Con xin lỗi Chúa thật nhiều. Hãy tha thứ cho con.
Con đã đem hồng ân tuyệt vời Chúa dành cho gia đình con so sánh với những tầm thường trần thế.


Con không đủ niềm tin, sự cậy trông để phó thác đường đời của gia đình con cho Chúa.
Nếu Chúa đã gọi, xin Chúa cho nó được trở nên giống Chúa.
Xin Chúa hãy chọn nó như một khí cụ bình an trong tay Chúa. Chúa dùng thế nào là tùy Chúa.
Đường đời dài hay ngắn. Mạnh khỏe hay yếu đau của tuổi già, con xin phó thác gia đình con trong bàn tay quan phòng và quyền năng của Chúa, trong sự can thiệp đầy yêu thương của Mẹ Maria như tiệc cưới Canaan ngày xưa...


Con trai của Mẹ !
Ba giờ chiều, trong khi bố và Lê chuẩn bị xe ngoài sân, mẹ ôm con, hai mẹ con đứng trước bàn thờ, mẹ gởi con cho Chúa và Mẹ Maria, một vài giây ngắn ngủi, mẹ nhìn khuôn mặt của con thiện lương hệt như một thầy dòng. Nhớ mẹ thì hãy cố gắng sống đạo đức, thánh thiện nha con.

Có một điều gì linh thiêng, mẹ tin thế, khi con vào dòng ngày 4/9, đúng ngày ông ngoại mất. Ngày xưa ông ngoại tha thiết muốn Mẹ đi tu, nhưng mẹ đã không cho ngoại giữ tròn lời hứa của ngoại, thì hôm nay con đi thế cho mẹ, chắc ở bên Chúa, ngoại đang mĩm cười hài lòng.

Vậy nha con. Tương lai còn dài lắm. Hãy để bàn tay con trong bàn tay quan phòng của Chúa.
Hãy cứ tin và bước đi trong bình an.

Trước đây mỗi buổi sáng, khi đi làm con thường ôm mẹ và nói : Mẹ ơi ! Con đi làm nha. Và bao giờ cũng là câu trả lời : XIN CHÚA CHÚC LÀNH CHO CON.
Bây giờ, dù không có con bên cạnh, nhưng mẹ sẽ vẫn dành câu nói ấy cho con.
Có Chúa chúc lành và gìn giữ, thì không có gì TUYỆT VỜI hơn, con trai ạ.

(Viết tặng con, ngày con bước những bước chân đầu tiên trong cuộc đời mới.
Thương con thật nhiều)

Thúy Nga
http://thuyngapm.blogspot.com/2018/09/vong-tron-on-goi.html