LẼ NÀO ANH LÀ NGƯỜI KHIẾM THỊ?
Người ta vẫn thường hay nói rằng : “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” , vậy có phải chăng khi không còn đôi mắt thì cửa sổ tâm hồn bị khép lại ? Và điều này không hoàn toàn đúng đối với trường hợp của anh Trần bá Thiện, người đàn ông có nghị lực phi thường, đã làm nên những việc không tưởng dù trước mắt anh chỉ toàn một màu đen.
Cách đây hơn ba thập kỷ, năm 1978 Trần Bá Thiện lúc ấy là một sinh viên hiền lành , chăm chỉ vừa chạm chân vào cánh cửa giảng đường để chuẩn bị hành trang cho ngày mai . Chính vào thời điểm ấy, một tai nạn nổ mìn thương tâm đã cướp đi đôi mắt, chôn vùi tương lai của chàng sinh viên trường thống kê chưa tròn đôi mươi...19 tuổi, cái tuổi không quá lớn để nhận thức trọn vẹn về buồn, vui, sướng, khổ của một kiếp người, nhưng cũng không quá nhỏ để anh hiểu ra sự nghiệt ngã của số phận. Xa rồi những con số, tạm biệt ngành học mà anh yêu thích, còn đâu thời sinh viên đong đầy ước mơ, hoài bão! Đành gác lại những trang thơ chưa kịp kết vần, anh lảo đảo bước đi và đau đớn chấp nhận, những năm tháng còn lại của đời mình chỉ là bóng tối mà thôi!
Tôi viết những dòng chữ này bằng sự cảm thông sâu sắc, và dòng lệ tuôn dài trên khóe mắt, bởi tôi cũng như anh, đến với bóng tối sau những tháng năm học tập và làm việc trong ánh sáng... Dường như ở cái cùng cực của sự đau đớn, tạo hóa đã cho anh một sức mạnh phi thường để đứng lên đương đầu với định mệnh, qua tìm hiểu, anh nhận ra rằng: người mù vẫn có thể vươn lên khẳng định mình bằng việc chơi thuần thục một loại nhạc cụ.
Sau một thời gian dài chìm trong vô vọng với những đêm ròng đếm đủ mười hai tiếng thời gian, chàng thanh niên hơn 20 ngày ấy quyết tâm đứng lên từ đống đổ nát của số phận, anh xác định hướng đi mới của đời mình là luyện tập và chơi thật tốt ghita cổ điển. Có lẽ tạo hóa muốn thử thách anh lần nữa, khi tai nạn thương tâm năm nào buộc anh từ bỏ ước mơ giảng đường, thì cũng chính tai nạn ấy để lại vết sẹo trên ngón cái, bàn tay phải, điều đó gây trở ngại lớn trong việc luyện tập nhạc cụ mà anh yêu thích. Song, trải qua những khó khăn về mặt tinh thần, vật chất và hơn cả là sự hạn chế sức khỏe, Trần Bá Thiện đã trở thành một nghệ sỹ ghita cổ điển chuyên nghiệp.
Chợt, tôi nhận ra trong anh dường như không có chỗ cho sự lùi bước, bởi luyện tập ghita cổ điển là cả một quá trình , đòi hỏi sự khéo léo, và tính kiên nhẫn vượt trội. Tuy nhiên, cuộc sống cơm áo gạo tiền buộc anh phải ngậm ngùi rẽ sang hướng khác, đành nói lời chia tay với môn nghệ thuật mà anh yêu thích trên bước đường mưu sinh!. Phải bắt đầu từ đâu để nói về một Trần Bá Thiện với những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng người khuyết tật.
Trước hết, cho phép tôi khắc họa chân dung Trần Bá Thiện như một hiệp sĩ trong lĩnh vực tin học đặc biệt của người khiếm thị. Nhờ có phần mềm NDC, và đặc biệt là bộ đọc tiếng Việt dành cho người mù của trung tâm Sao Mai, mà anh đã góp phần tạo dựng để hôm nay tôi diễm phúc ngồi đây, viết những dòng chữ này bằng máy tính thực tế, trước khi bộ đọc tiếng Việt của Sao Mai ra đời, máy tính đối với người mù mẫn còn là một khái niệm xa xỉ, bởi người mù phải sử dụng một chuỗi những chương trình đặc thù, và hoàn toàn bị cô lập với công nghệ thông tin của người sáng. Vì vậy, có thể nói đây là chương trình quan trọng và thiết thực hàng đầu dành cho người mù, hay nói khác hơn anh đã góp một bàn tay nhằm tạo ra những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực máy tính dành cho cộng đồng khiếm thị, dìu dắt chúng tôi những bước đi đầu tiên trên con đường đến gần với công nghệ thông tin.
Người mù, đó là tâm hồn ngập tràn những ước mơ bị áp đặt trong một cơ thể không trọn vẹn, hơn ai hết anh hiểu , thông cảm cho nỗi thiệt thòi của các bạn đồng tật, với vai trò là Phó giám đốc của trung tâm tin học vì người mù Sao Mai, Trần Bá Thiện không ngừng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo nhiều chương trình đặc biệt dành cho người khiếm thị. Có lẽ với anh, được sống, cống hiến và đem lại niềm vui tinh thần cho người khuyết tật là động lực giúp anh quên đi khiếm khuyết của bản thân.
Thời gian mới lạc vào thế giới của bóng tối, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng : mình vẫn còn cơ hội sử dụng máy tính, và tiếp cận công nghệ thông tin. Nhưng anh đã cho tôi niềm tin để cố gắng, bởi với anh, người mù không những lướt web, trao đổi mọi thứ qua mạng, mà còn có thể lập trình web như anh đã từng làm ... Bút mực nào ghi hết lời tri ân của người mù chúng tôi với những đóng góp từ anh , bởi với chúng tôi, máy tính là món ăn tinh thần không thể thiếu trong chuỗi những sinh hoạt hàng ngày.
Nếu dừng lại ở đây thì quả thật ảnh hưởng của Trần Bá Thiện chỉ gói gọn trong cộng đồng khiếm thị. Song, mặc dù là một người mù đúng nghĩa, trước mắt anh thật sự chỉ là bóng tối, nhưng bằng vốn tiếng Anh lưu loát, cùng kỹ năng tin học vượt bậc, anh là gương mặt quen thuộc, xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn cả trong và ngoài nước mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người yếu thế trong xã hội. Báo Tuoitreonline ngày 25 tháng 7 năm 2009 đã đăng bài viết “Đừng khoét sâu thêm nỗi đau của chúng tôi” là ví dụ cụ thể để khắc họa một Trần Bá Thiện can đảm, đầy bản lĩnh, trong quá trình đấu tranh chống sự kỳ thị người khuyết tật.
Năm tháng qua đi, chàng thanh niên đôi tám ngày nào mãi lay hoay với vòng quay của số phận, chợt anh nhận ra mình đã ở tứ tuần. Nỗi khát khao đời thường về mái ấm gia đình không quá viễn vông cho một người khiếm thị, bởi xét cho cùng anh cũng là người bằng xương, bằng thịt mà thôi! Và rồi như sắp đặt của tạo hóa, đám cưới đã diễn ra cuối năm 2000 giữa một cô gái khỏe mạnh, nết na, sánh duyên cùng chú rể mù. Và niềm hạnh phúc ấy dường như tăng gấp bội khi anh được lên chức cha khoảng 2 năm sau đó. Con gái anh, cháu bé kháu khỉnh, dễ thương không chỉ là hiện thân của một tình yêu đẹp, đậm tính nhân văn, mà còn là sự đền đáp xứng đáng với những nổ lực không mệt mỏi của anh.
Khi mưa thuận, gió hòa bên vợ hiền, con xinh, người đàn ông ngoài 40 lại quyết tâm thực hiện tiếp giấc mơ giảng đường ngày nào. năm 2009, anh vinh dự nhận tấm bằng cử nhân loại khá khoa Xã hội học, trường đại học KH-XH và NV, TP.HCM. Đầu tiên, xin cho tôi được chia sẻ cùng anh những trở ngại và tốn kém trong suốt bốn năm đại học. Chi phí sách vở cho người mù cao hơn người sáng rất nhiều, rồi thì tiền xe đi lại, và chưa kể đến những vất vả do thiếu tài liệu tham khảo, lao đao vì những kỳ thi đặc biệt bởi anh là sinh viên khiếm thị hiếm hoi của khóa học năm ấy. Nhưng có lẻ bấy nhiêu khó khăn không chiến thắng nổi niền tin, nghị lực mãnh liệt trong anh, và hơn hết là nguồn động viên vô bờ bến từ đứa con gái bé bỏng, dễ thương.
Có lẽ chính sự bù đắp công bằng này, mà anh mạnh dạn tham gia khóa đào tạo từ xa cho học vị thạc sĩ của trường Đại học America University môn chính sách quốc tế dành cho người khuyết tật. Điều không khỏi khiến tôi khâm phục và thắc mắc rằng : một người khiếm thị thì làm sao có thể tiếp thu kiến thức chỉ với chiếc máy tính, trong khi người giảng ở tận bên kia bán cầu, và ngôn ngữ truyền đạt toàn bộ là tiếng Anh ?
Có lẽ chính sự bù đắp công bằng này, mà anh mạnh dạn tham gia khóa đào tạo từ xa cho học vị thạc sĩ của trường Đại học America University môn chính sách quốc tế dành cho người khuyết tật. Điều không khỏi khiến tôi khâm phục và thắc mắc rằng : một người khiếm thị thì làm sao có thể tiếp thu kiến thức chỉ với chiếc máy tính, trong khi người giảng ở tận bên kia bán cầu, và ngôn ngữ truyền đạt toàn bộ là tiếng Anh ?
Tất cả những gì anh làm, cho đi và nhận lại, tôi dường như không nghĩ anh là người khiếm thị. Song, sự thật vẫn là sự thật, trước mắt anh toàn bóng đêm lạnh lùng! Khi dừng lại những sinh hoạt bận rộn của cuộc sống đời thường, phải chăng trong sâu thẳm tâm hồn người đàn ông tràn đầy nghị lực này cũng mang một nỗi khát khao tưởng chừng như đơn giản, rằng tạo hóa ơi! Cho anh thêm sức mạnh để ngăn lại những giọt nước mắt tủi phận khi nghe con gái ngây thơ hỏi “ba ơi! bao giờ thì ba hết mù, hở ba?”
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang thay đổi và phát triển từng ngày, ở đó có một Trần Bá Thiện mang đầy hoài bão, và mong muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình góp phần xây dựng đời sống tinh thần của cộng đồng khuyết tật ngày một tốt hơn. Gặp lại anh trong vai trò giảng viên môn tin học đặc biệt thuộc trường đại học Văn Lang, thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp cùng tổ chức CRS của chính phủ Hoa Kỳ, anh vẫn tươi cười dí dỏm “ Khi nào còn thở thì lúc đó còn cố gắng” Mong cho anh đạt được những ước mơ cao đẹp, và cầu chúc gia đình nhỏ của anh luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Trần Bá Thiện ơi! Cám ơn anh đã chung tay đem ánh sáng tin học đến cho người mù.! Cám ơn anh đã góp một giọt nắng hồng xua tan bóng đêm lạnh lùng đang vây quanh những mảnh đời bất hạnh!
Bài thơ “NGƯỜI KHIẾM THỊ” dưới đây tôi viết tặng anh , tặng cho chính mình và đó cũng là lời nói từ con tim với những bạn đồng tật :
Số phận đẩy đưa anh thành người khiếm thị
Cảm nhận cuộc đời chỉ bằng bốn giác quan
Dòng đời trăm ngã rẽ thênh thang
Lên dốc cao, vì không thấy lối bằng
Hoa hồng đẹp cả về hương lẫn sắc
Nhưng với anh , hoa đẹp chỉ bằng hương
Anh nghe được từng giọng nói thân thương
Của cha mẹ, anh chị em, bè bạn
Anh đâu hay tóc cha bạc dần theo năm tháng
Chỉ đếm được nếp nhăn trên vầng trán của cha
Vai mẹ gầy, vất vả, anh nào có nhận ra
Chỉ sờ được lưng áo đẫm mồ hôi của mẹ
Đắng, cay, mặn, ngọt, chua và chát
Lục vị cuộc sống , anh nếm đủ người ơi!
Đời anh như thuyền giữa biển khơi
Nhưng thuyền đâu vì sóng mà chơi vơi giữa dòng
Đường anh đi thiếu vắng sắc hoa hồng
Nhưng vẫn sống, vẫn cười, và ước mơ!
Nguồn: http://sacmauhyvong.com/bai-viet/173/le-nao-anh-la-nguoi-khiem-thi/modules.php?name=Files&file=rss
Giúp người mù lướt web
Gần đây, giới truyền thông nhắc nhiều đến Trần Bá Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai với sản phẩm "Trình duyệt web dành cho người mù" (Sao Mai browser).
Nhiều người xem anh như một chuyên viên tin học nhưng anh Thiện đính chính: "Tôi cũng là người ứng dụng như mọi người. Sự khác biệt nếu có chỉ ở chỗ tôi bị mù nên hướng sự quan tâm của mình vào các chương trình dành cho người mù".
Năm 1998, anh Thiện tham gia vào một nhóm hợp tác với công ty Scitec xây dựng phần mềm Nguyễn Đình Chiểu (NDC). Đây là một trình soạn thảo văn bản, tương tự chương trình Microsoft Word nhưng có khả năng đọc màn hình. Các thao tác của người sử dụng được chuyển thành tiếng nói theo nhiều chế độ: đọc từng chữ, từng từ hay từng câu. Ngoài ra, còn có thể chuyển văn bản từ chữ thường sang chữ nổi để in bằng máy in chữ nổi. Nhờ phần mềm miễn phí này mà người khiếm thị ở Việt Nam có thể tiếp cận với tin học. Trước đó, trên thế giới đã có phần mềm Jaws, nhưng chỉ người khiếm thị nào giỏi ngoại ngữ mới dùng được.
Tháng 8/2003, anh Thiện cùng với một người bạn là thạc sĩ Nguyễn Tiến Hiệp - Việt kiều Pháp, làm phần mềm Vì người mù Việt Nam (VMV). Phần mềm này có một số chương trình ứng dụng dành cho người khiếm thị như: Máy tính điện tử, Đồng hồ điện tử, Lịch âm dương, Xplayer (giúp nghe nhạc), Thông tin hệ thống, Quản lý tập tin... và một số tài liệu hướng dẫn việc học tin học, sử dụng máy tính, sách, truyện... VMV cũng là phần mềm miễn phí, bổ sung thêm nhiều ứng dụng vào danh sách các ứng dụng CNTT dành cho người khiếm thị.
Năm 2003, Trung tâm Sao Mai tham gia chương trình “Ngày sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Dự án “Thiết kế trình duyệt Web cho người khiếm thị” của Sao Mai được tài trợ 10.000USD. Anh Thiện cùng các đồng sự đến từng cơ sở của người khiếm thị, khảo sát yêu cầu rồi “đặt” công ty Scitec thực hiện. Chương trình có thể giúp người khiếm thị “xem” các trang Web tiếng Việt và tiếng Anh bằng âm thanh. Khi mở trang Web, trình duyệt sẽ đọc các thông tin trên các mục cơ bản như trang Web có bao nhiêu cột, tiêu đề, các khung, biểu mẫu, đường link... Những phần nào được hiển thị dưới dạng văn bản thì trình duyệt có thể đọc nội dung. Đến nay, trình duyệt Web này đã hoàn tất về cơ bản, đang chạy thử nghiệm. Nhờ vậy, người khiếm thị có thể lướt Web. Nhóm thực hiện sẽ thêm một số tính năng nữa như thay đổi tốc độ đọc (nhanh hay chậm).
Nhiều tháng qua, Trung tâm Sao Mai và Công ty Scitec còn tiến hành nâng cấp trình soạn thảo văn bản NDC 3.7 để nó có thể chạy trên Win XP. Trong lần nâng cấp này, trung tâm sẽ làm bộ đọc mới thay cho bộ cũ do Scitec thực hiện từ đầu thập niên 1990, với mục tiêu có thể thay đổi tốc độ, tần số đọc, đặc biệt là có thể xài trực tiếp trên các phần mềm khác của Windows. Từ trước đến nay, muốn đọc văn bản ở chương trình nào, người khiếm thị phải cắt, dán chúng vào NDC.
Hai chương trình đang trong quá trình hoàn thiện này cũng sẽ đựơc cung cấp miễn phí.
Nhiều người thắc mắc, một người tự cho là chưa rành về tin học, lại bị mù như anh Thiện thì tham gia làm phần mềm như thế nào? Anh bảo, người mù chưa thể lập trình được, mình chỉ tham gia vận động kinh phí, nhân lực, thu thập yêu cầu của người dùng và kiểm tra chất lượng bằng cách dùng thử... rồi góp ý.
Trung tâm Sao Mai do anh Thiện làm phó giám đốc có chức năng nghiên cứu các ứng dụng, sản xuất sản phẩm và đào tạo tin học phục vụ người mù. Từ nơi này, nhiều dự án, hội thảo về CNTT cho người khiếm thị đã ra đời (như dự án đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị mà e - CHÍP đã giới thiệu trên số 48).
Ngày “Bảo vệ và chăm sóc người tàn tật Việt Nam” (18/4) năm nay, người ta thấy anh Thiện xuất hiện nhiều trên truyền hình, báo chí, các diễn đàn. Nhận thức xã hội về khả năng tiếp cận CNTT của người khiếm thị chưa đầy đủ. Anh muốn nói thay bạn bè đồng cảnh về những thiệt thòi của người khiếm thị. Cụ thể nhất là việc người khiếm thị đã có trình duyệt Web thích ứng cho mình. Nhưng cách thiết kế các Website hiện nay chưa tạo điều kiện hỗ trợ để người khiếm thị có thể tiếp cận chúng một cách thuận lợi.
Tâm sự của anh Thiện cũng là ý nguyện của người khiếm thị đã được gửi đến nhiều nơi: “Người khiếm thị cũng là một bộ phận trong cộng đồng. Chúng tôi mong muốn và có quyền được nắm bắt thông tin từ một trong những kênh quan trọng như Internet. Trước tiên là ở các Website thông tin công cộng. Đây là vấn đề tương đối mất thời gian, nhưng chúng tôi mong được tạo cơ hội để có thể tự mình vượt các rào cản”.
Năm nay 46 tuổi, Trần Bá Thiện bị mù đã 26 năm. Điều khiến anh hối hận sau khi không còn nhìn thấy ánh sáng là lúc còn lành lặn, đã không giúp gì đựơc cho ai, nhất là người tàn tật. Trong số những người khiếm thị ở Việt Nam, anh Thiện may mắn hơn nhiều người khi có vợ hiền, con xinh, sớm được tiếp cận với tin học (1998), được học đại học (đang là sinh viên khoa xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM). Lúc này, anh Thiện xem nỗ lực “chia sẻ” là cách để tự giúp mình, giúp người.
NHỮNG KIẾN NGHỊ MÀ TRẦN BÁ THIỆN THA THIẾT MONG ĐƯỢC CÁC NHÀ THIẾT KẾ WEB QUAN TÂM:
Đừng sử dụng văn bản được tạo ra từ việc quét bằng máy scanner
Đừng dùng nhiều bảng mã chữ khác nhau, sẽ khiến cho trình duyệt không hiểu
Nhạc nền (background) khá thú vị với bạn đọc sáng mắt, nhưng là trở ngại đối với người khiếm thị vì họ phải nghe cùng lúc nhiều loại âm thanh khác nhau. Cho nên, việc nhúng nhạc như vậy hãy là một tùy chọn chứ đừng mặc định.
Nguyễn Mỹ
Việt Báo (Theo_VietNamNet )
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giup-nguoi-mu-luot-web/20261372/157/