Để trả lời những câu hỏi: “Chuyện của thằng cùi mà cứ lặp đi lặp lại hoài”? Những sáng tác của Hàn Mạc Tử (HMT) ra đời từ rất lâu trước khi ông bị bệnh phong cùi (leprosy)? Không có người cùi nào là thi sỹ hữu danh thứ hai sau HMT? Trong các tác phẩm, HMT không bao giờ nói về bệnh tật của mình.
Về tiêu đề: “Hàn Mặc Tử, Viên Kim Cương Chói Ngời Trong Dòng Chảy Thi Ca Công Giáo Việt Nam”, tôi xin mạn phép đính chính: “Hàn Mặc Tử, Viên Kim Cương Chói Ngời Trong Dòng Chảy Thi Ca Việt Nam”. Vì sao?
- HMT là một “maestro” (bậc thầy) về ngôn ngữ Việt (bác học lẫn dân gian), về thi pháp Việt Hán. Ông rất giỏi về thơ Đường và thơ Cổ Phong, đã cho ra đời những bài thơ “độc” về các thể loại đó lúc còn tuổi thanh niên.
- HMT là một nghệ sỹ đã chơi được những cung bậc cao nhất của thơ tình. Người ta nói những nhà thơ tình VN đứng cạnh HMT trở thành những “đứa bé tập nói”, như thế đó! Chế Lan Viên sinh thời đã từng nói với Xuân Diệu : nếu sau này người đời quên anh, quên tôi thì người ta vẫn còn nhớ HMT.
- HMT là “thi sỹ đồng trinh" của tình ca: say đắm nhất, thánh thiện nhất, trong trẻo nhất.
Hậu bối chúng ta có gì có thể đem so sánh với HMT, Nguyễn Du? Chúng ta tự hào vì mình làm thơ tình post lên mạng không nhận tiền nhuận bút giống như các vị!
- Ông Đồ Thơ
Hàn Mặc Tử, Viên Kim Cương Chói Ngời
Trong Dòng Chảy Thi Ca Công Giáo Việt Nam
“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi được... Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 27 & 33)
Đức Giêsu đã nói những lời trên với đám đông đang đi theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy, Ngài đã khẳng định một cách rõ ràng, không úp mở, một tiêu chuẩn, một sự chọn lựa rõ rệt cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài, muốn bước theo con đường cứu độ.
Hàn Mạc Tử, một con người tài hoa, một thanh niên Việt Nam đang trong lứa tuổi tràn đầy sung mãn về sinh lực, công danh, sự nghiệp và tình yêu, đã mau mắn lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trước nghịch cảnh của cuộc đời và sẵn sàng bẻ quặt đời mình theo một lộ trình mới.
Một con đường mà chàng đã xác tín đó là lộ trình mà Thiên Chúa mời gọi và cùng đồng hành với chàng, niềm xác tín này được thể hiện rất rõ rệt trong các tuyển tập thơ mà chàng đã để lại.
Đêm 19/11/2010 vừa qua, để tưởng niệm và tôn vinh chàng thi sĩ tài hoa vắn số Hàn Mạc Tử. Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành - Giám Tỉnh DCCT, Nhà Thơ Lê Đình Bảng cùng một số anh em văn nghệ sĩ thiện chí đã tổ chức Một Đêm Tưởng Niệm 70 năm ngày mất của Thi Sĩ Hàn Mạc Tử, tại Hội Trường Thánh An Phong, Nhà Sách Đức Mẹ, số 38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Sài Gòn.
Sài Gòn chiều nay, một cơn mưa tầm tã kéo dài, những con đường dẫn đến Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại số 38 Kỳ Đồng bị ngập nước đến nửa bánh xe. Chưa bao giờ Sài Gòn mưa và ngập lụt như thế. Đã đến giờ khai mạc mà mới có vài chục người đến, làm cho BTC lo lắng liệu số người mời tham dự có đến được không, tiếc cho một chương trình chuẩn bị quá chu đáo và phần ăn nhẹ cũng chuẩn bị đến vài trăm. Tuy buồn nhưng mọi sự xin phó dâng lên Chúa tất cả. Tạ ơn Chúa, mọi người dần dần kéo đến, có gần 300 người tham dự. Những tâm hồn yêu mến thơ văn và con người Hàn Mạc Tử đã vượt mọi trở ngại về thời tiết để đến đây cùng hòa chung với nhau những tâm tình, lời kinh, câu ca tiếng hát để tưởng nhớ đến Nhà Thơ tài hoa đoản mệnh này.
Trước tiên là phần dâng hương tưởng niệm, Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành trong phẩm phục và 2 linh mục khác trang trọng dâng hương tưởng niệm trước di ảnh của Hàn Mạc Tử trong một bầu khí lắng đọng, bầu khí càng trở nên linh thiêng hơn khi những giọng ca của các thầy Dự Tập DCCT cất lên với bài “Trầm Hương”, đã đưa tâm hồn những người tham dự hướng về Thiên Chúa trong tâm tình tri ân Ngài đã ban cho Việt Nam một Thi Nhân tuyệt hảo.
Tiếp theo là thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, tức Nhà Thơ Hàn Mạc Tử, trong thánh lễ linh mục chủ tế chia sẻ:
Người nghệ sĩ là người không thể vô cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc sống. người nghệ sĩ là người khám phá ra những tiềm ẩn của Thiên Chúa trong từng tạo vật, trong từng biến cố của cuộc đời mình, là người nhìn ra vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi cuộc sống trên trần gian này. Từ đó, với nguồn cảm hứng phát xuất từ Thiên Chúa họ sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để ca tụng, ngợi khen và đi vào mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Nghệ thuật bắt nguồn từ Thiên Chúa làm cho chúng ta nên đẹp hơn, càng ngày là cho chúng ta nên giống Chúa hơn. Lời Chúa hôm nay công bố rằng: “Phúc cho ai nghèo khó vì nước trời là của họ” thì HMT là đối tượng của lời chúc phúc đó, gia đình nghèo quá tha thiết có tiền để một lần đi La vang, để uống thuốc mà không được. Lời chúc phúc ngày hôm nay dành cho một người hiền lành, cho người chấp nhận đau khổ, thì HMT cũng đã nhận được lời chúc phúc đó. “Phúc cho ai sầu khổ họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”, không biết những ngày cuối đời của HMT ra sao, nhưng chắc chắn trong trại phong Qui hòa chỉ còn các nữ tu chăm sóc ông, trong sầu khổ của những ngày cuối đời HMT chỉ bám víu vào Thiên Chúa chỉ cầu nguyện và lần chuỗi mân côi.
Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió,
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…
“Phúc ai khát khao có lòng công chính họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”, HMT khao khát lời Chúa, sống lời Chúa, đã nói với các nữ tu “con khát khao có ai đó cho con một cuốn kinh thánh”. Kinh thánh là điều mà HMT đã khao khát hơn mọi thứ khác trong thời gian chịu đau khổ. “Phúc ai có tâm hồn trong sạch thì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”, Trong thơ HMT ta thấy tâm hồn HMT trong đến mức nào, sạch đến mức nào.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng hai hàng lệ
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm
(Thánh Nữ Đồng Trinh)
Lời Chúa hôm nay, Tám mối phúc thật, đủ cho ta thấy HMT là con người đã thừa hưởng những mối phúc này. Tạ ơn Chúa, HMT đã sống với niềm vui của con người được Chúa thương, niềm vui của một con người khám phá ra tình thương của Thiên Chúa, niềm vui của con người vỗ về Chúa, bây giờ không còn đau khổ nữa, không còn đau đớn thể xác nữa, HMT bây giờ đang ở bên Chúa. Chúng ta cùng hòa chung niềm vui của HMT, chúng ta tạ ơn Chúa bằng thánh lễ tạ ơn này, cầu nguyện cho HMT, cho Giáo Hội Công Giáo chúng ta , cho nền Nghệ Thuật Văn Học Công Giáo Việt Nam của chúng ta.
Sau Thánh lễ là phần Văn Nghệ để tưởng nhớ về HMT. Nhà thơ Lê Đình Bảng giới thiệu chương trình bằng một tâm tình chia sẻ của một người trong BTC, nói lên ý nghĩa và mục đích của buổi tưởng niệm này, rất mong mọi người nhận biết con người HMT và am hiểu những tác phẩm của Thi Nhân. Ngoài tính nghệ thuật nó còn chứa đựng cả một niềm tin và tình yêu của con người với Thiên Chúa. Nhà thơ Lê Đình Bảng cũng nói lên nỗi bức xúc, trước khi tổ chức buổi Lễ Tưởng Niệm này, ông cũng đã trình bày và mời gọi một số bậc vị vọng tham gia, cùng đồng hành với ông. Nhưng đã nhận được một câu trả lời thật phũ phàng: “Chuyện của thằng cùi mà cứ lập đi lập lại hoài”. Thật tê tái và sượng sùng, nhưng Nhà thơ Lê Đình Bảng tuy sức khỏe dạo này đã sút kém, sau cơn đột quỵ hồi tháng 9 vừa qua, nhưng rất bình tĩnh và quyết tâm thực hiện, để tri ân các bậc tiền nhân và riêng HMT.
Vâng đúng là chuyện của thằng cùi, nhưng thằng cùi đã làm nên một huyền thoại, đã mở cho hậu thế một hướng đi, một lộ trình độc đáo giúp cho con người tiến gần Thiên Chúa hơn.
Như Linh mục Phan Phát Huồn, trong tác phẩm VIỆT NAM GIÁO SỬ, nhận định rằng:
“Hàn Mạc Tử bằng thi thơ của mình muốn nói lên điều mà ông TIN, điều mà các nhà thần học đã tốn biết bao nhiêu mực, bao nhiêu giấy từ thế kỷ này qua thế kỷ khác nói về sự kiện lịch sử Chúa xuống thế làm người, về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng của Trinh Nữ Maria.”
Như Linh mục Nhà thơ Trăng Thập Tự nhận xét:
“HMT không chỉ là một nhà thơ lỗi lạc mà lắm đau thương nhưng còn là một Kitô hữu trẻ đã tiến xa trên đường nên thánh.”
“Tiến vào cảm nhận tâm linh, các tầng lớp ý nghĩa có thể chồng chéo lên nhau… Một đàng nhà thơ có thể thấy mình là thụ tạo mọn hèn nhưng lại được tiến dâng lên làm bạn lòng của Ngôi Lời Thiên Chúa (x. 2Cr 11,2)… Một đàng khác, nhà thơ lại có thể dùng chuyện tình yêu đôi lứa của mình để diễn tả cuộc tình của Thiên Chúa đối với nhân loại. Câu chuyện Quần Tiên Hội có thể là phiên bản Diễm Ca riêng của nhà thơ…Làm sao quan niệm được Thánh Kinh lại viết như thế nếu chưa một lần hiểu rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và là nguồn mạch của mọi tình yêu trong lịch sử.” (Hàn Mạc Tử - Người Kitô hữu trẻ trên lối vào nội tâm, Lm TTT)
Tiếp theo là phần trình bày của Cao Huy Hoàng và Mặc Trầm Cung với chủ đề: “Hàn Mạc Tử - Con Người Của Nỗi Đau – Niềm Tin Và Tình Yêu” do Mặc Trầm Cung soạn thảo và tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau viết về HMT. (Lúc đầu tôi (MTC) được BTC giao cho nhiệm vụ soạn một bài viết được trình chiếu qua SlideShow với chủ đề: Hàn Mạc Tử - Con Người và Sự Nghiệp, nhưng do câu nói của ai đó đã nói: “Chuyện của thằng cùi mà cứ lập đi lập lại hoài”, lòng tôi cũng cảm thấy tái tê, nhưng không phiền trách, vì họ không hiểu và sau một đêm suy nghĩ tôi quyết định chuyển đề tài. Trong ngày họp mặt với BTC, tôi trình bày với cha Giám tỉnh và Thầy Lê Đình Bảng ý tưởng chuyển đề tài này, tôi nói: “Vì họ chưa hiểu nên chưa yêu mến HMT và chưa thấy giá trị tâm linh trong thơ HMT, bổn phận của chúng ta là giới thiệu cho họ hiểu chứ không nên buồn trách họ”, và đã được sự thuận tình đồng ý của cha Giám tỉnh và Thầy Lê Đình Bảng cho chuyển đề tài.)
Trong SlideShow chúng tôi trình bày và giới thiệu đến mọi người về HMT, một con người can đảm đầy dũng khí, nhưng rất khiêm tốn và quảng đại đón nhận thánh ý Chúa gởi đến cho cuộc đời mình. Tiếng “Xin Vâng” ngọt ngào mà chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Trí đã đáp lại lời Thiên Chúa.
“Mặc dầu cuộc sống của HMT trên dương thế rất ngắn ngủi, nhưng thưở sanh tiền Hàn Mạc Tử đã phải đối đầu và tôi luyện mình trong nỗi đau khổ cực điểm, nhưng với niềm tin của một người Kitô hữu, HMT đã đón nhận những đau khổ đó trong một niềm tin yêu, phó thác và cậy trông. Trong đau khổ Hàn Mạc Tử đã tìm cho đời mình một hướng đi, một con đường đi vào thế giới của Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Người ta nói rằng: “Nếu ngày đó Nguyễn Trọng Trí không có căn bệnh phong cùi thì chúng ta chưa chắc đã có một Hàn Mạc Tử hôm nay”.
Vâng có lẽ là thế, Ki-tô-giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng lại hữu hạn trước Thượng đế huyền nhiệm, vô hạn. Hàn Mạc Tử đã an vui trong đau thương trong một hoàn cảnh mà thể xác lẫn tinh thần rơi vào nỗi cùng cực làm cho chúng ta phải rùng mình. Là một tín hữu, nhờ sức mạnh của niềm tin, HMT luôn luôn là một nghệ sĩ tinh tế đồng thời cũng là một tín hữu lo lắng trong việc phát triển đức tin.
Trong Hàn Mạc Tử có sự giao hoà giữa thi ca - đức tin sung mãn và một tâm hồn niềm nở, tạo ra một nguồn thơ hết sức phong phú, sâu xa. Trong tinh thần Phúc Âm, Hàn Mạc Tử đã sống trọn vẹn đau thương của kiếp người.
Trước hết, HMT đón nhận nó vì đó là phương tiện mà chính Con Thiên Chúa đã đi qua và dùng nó để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho cuộc sống vinh hiển mai sau. HMT đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và tham gia vào cuộc chơi xướng họa, “Trò Chơi Thập Tự”, HMT đã nhập cuộc chơi bằng cả thân xác, khối óc, con tim và cả linh hồn mình, bằng cả con người trọn vẹn và tham gia cuộc chơi cho đến tận cùng. (Xin xem Hàn Mạc Tử, Con Người Của Nỗi Đau, Niềm Tin Và Tình Yêu - MTC tổng hợp).
Đêm nay Ca sĩ Khắc Dũng cũng thật bồi hồi, xúc động khi thể hiện ca khúc Tình Quê, Nhạc Phan Bá Chức, phổ thơ Hàn Mạc Tử,
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu dạt
Lang thang trên đồi quê
Gió ơi sao ngưng lại
Lau thưa quên thở dài
Anh chừng như ngây dại
Nước trôi vẫn trôi hoài
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lóng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dầu ai bên liễu bờ
Dầu ai dưới bóng lê
Với ngày xanh hờ hững
Ra đi ôi quên về
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề
Với chất giọng của một ca sĩ chuyên nghiệp, trầm ấm, khỏe khoắn đầy nam tính, Khắc Dũng đã đưa mọi người vào một khung trời tình yêu đầy thơ mộng mà âm nhạc và lời thơ đã hòa quyện thật tinh tế trong tác phẩm Tình Quê.
Đêm nay mọi người tưởng nhớ HMT và thưởng thức thơ của Thi Nhân qua âm nhạc và đêm nay đúng là một bữa tiệc âm nhạc thật thịnh soạn do sự luyện tập thật công phu của Ban Hợp Xướng Trùng Dương với 4 trích đoạn hợp xướng trong các trường ca được trình bày đêm nay cũng chưa thỏa cơn khát của khán giả, nếu có kéo dài suốt đêm khán giả cũng sẵn sàng ngồi lại để thưởng thức, khi kết thúc mọi người thỏa mãn thốt lên “thật tuyệt vời”.
Bốn trích đoạn hợp xướng mà của BHX Trùng Dương trình bày:
1. Ra Đời – (Hàn Mạc Tử - Hải linh)
2. Ave Maria - (Hàn Mạc Tử - Hải linh)
3. Phượng Trì - (Hàn Mạc Tử - Hải linh & Cát Minh)
4. Đây Chuỗi Ngọc - (Hàn Mạc Tử - Hải linh & Cát Minh)
Theo chương trình của BTC thì BHX Trùng Dương chỉ hát có 2 bài: “ Ra Đời và Ave Maria”, nhưng trước sự mong mỏi của khán giả và tính chất trang trọng và cao trào của Đêm Tưởng Niệm, BHX Trùng Dương đã nhiệt tình làm thỏa nỗi lòng khao khát ấy thêm 2 tác phẩm: “Phượng Trì và Đây Chuỗi Ngọc”. Chính sự khao khát và cao trào đó đã đem lại cho Đêm Tưởng Niệm một ý nghĩa thâm sâu, mới thấy những người tham dự hôm nay yêu mến con người và thơ của HMT biết bao.
Những tấm lòng khao khát ấy còn thể hiện nơi nỗi thao thức của những vị học giả đầy tâm huyết đã viết lên những bài khảo luận về Hàn Mạc Tử được gói ghém trong tuyển tập Như Hương Trầm Bay Lên, như tác giả: Phạm Đình Khiêm, Võ Long Tê, Lê Văn Lân, Xuân Ly Băng, Bùi Tuân, Phạm Xuân Tuyển, Đặng Tiến, Lê Đình Bảng, v...v..... . Hôm nay Nhà Thơ Lê Đình Bảng giới thiệu đến mọi người, trong tuyển tập này là những dấu tích về cuộc đời, sự nghiệp, niềm tin và tình yêu của Hàn Mạc Tử đối với Thiên Chúa và thơ văn.
Trong Đêm Tưởng Niệm hôm nay, có phần giao lưu với các khán giả yêu mến thơ văn Hàn Mạc Tử, đặc biệt có một vị khách Việt kiều, anh là một người ngoại giáo, nhưng từ bé cho đến trưởng thành anh lại được học và tiếp thu kiến thức từ các ngôi trường Công giáo. Hiện nay anh là một Kiến Trúc Sư với những kiến thức quí báu mà anh học hỏi từ các nước tiên tiến như Australia và Mỹ. Nay trở về Việt Nam anh cũng muốn đóng góp phần mình trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, là người rất yêu mến thơ Hàn Mạc Tử, nghe nói về đêm nay anh đã đến tham dự. Đó là Kiến Trúc Sư Đỗ Viết Quý, anh chia sẻ:
“Là một người ngoại giáo, nhưng tôi tin có Chúa ngự trên cao. Tôi cũng đã từng tìm hiểu kinh thánh và lịch sử Giáo hội Công giáo, tôi rất ấn tượng về cái chết của Chúa GiêSu KiTô trên thập giá, tôi nghĩ rằng Thượng đế không tạo ra điều gì mà không có lý do. Cho dù đó là đau khổ thì vẫn có một giá trị của nó đàng sau đau khổ ấy. Tôi rất cảm phục người Công giáo ở ba điểm đó là: Đức tin vững mạnh, tinh thần bác ái, yêu thương, đặc biệt đồi với người nghèo và nhẫn nhục, chịu đựng trước những đau khổ của cuộc đời. Vì thế, tôi nghĩ rằng: Nếu không có niềm tin Kitô giáo thì Hàn Mạc Tử không sáng tác ra được những áng thơ tuyệt vời như vậy.”
Nhà thơ Lê Đình Bảng nhận xét phần chia sẻ của anh Quý, tưởng chừng anh là một người đạo gốc, đạo dòng mà thậm chí còn hơn cả gốc, hơn cả dòng.
Kính thưa anh Đỗ Viết Quý. Là người ngoại giáo nhưng anh tin có Chúa ngự trên cao, anh tin có một Thiên Chúa làm chủ muôn loài, thì anh chính là người có đạo rồi đấy, chỉ còn điều là anh chưa được lãnh Bí Tích Thánh Tẩy để có đủ tư cách pháp nhân trở thành người Công giáo. Chính niềm tin vào một Đấng Tối Cao ở trong anh mới là giá trị đích thực, chứ không phải nơi hình thức là người đã được “Rửa Tội” hay không. Trong thực tế có nhiều người, đã được “Rửa Tội”, có đủ tư cách pháp nhân là người Công giáo, nhưng trong tâm hồn họ Thiên Chúa có thực là Đấng ngự trên cao hay không? Có thực là Đấng mà họ dành cho một vị trí cao nhất trong tâm hồn họ hay không? Hay có một cái gì đó vẫn cao hơn Đấng mà họ tuyên xưng ...
Để trở thành một Kitô hữu chính danh là ta phải Tin – Yêu và phải sống với những gì mình tin yêu và luôn mở lòng trước những lời mời gọi của Thiên Chúa. Những điều ấy chúng ta tìm thấy nơi chính cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Hàn Mạc Tử.
Từ bỏ ý riêng mình, đón nhận thánh ý Chúa, chấp nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời để ý Cha nên trọn, hăng hái tham gia vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa còn dang dở nơi trần gian, là đặc tính, là dấu chỉ của người tin có Chúa ngự trên cao. Ngày xưa, Đức Maria và Thánh Giuse cũng đã “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa, bước đi trong chương trình cứu độ của Ngài trong âm thầm, như những cung trầm lặng lẽ giữa cuộc đời đem niềm vui cứu độ đến cho nhân gian. Là Đấng đầy ơn phúc hơn tất cả người phụ nữ, nhưng cuộc đời của Đức Maria đầy dẫy những bước đau khổ gian truân mà đỉnh điểm là đứng dưới chân thập giá.
Hơn 2000 năm qua, Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi con người chúng ta tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài, có biết bao con người, nam thanh, nữ tú đã can đảm đáp lại tiếng gọi đó, theo cách thức và hoàn cảnh của mình, trong đó có Hàn Mạc Tử. Cũng như bao con người vĩ đại khác, điểm độc đáo phi thường là đau khổ không dìm họ sâu xuống bùn đen mà càng ngày đưa họ càng lên cao gần Thiên Chúa.
Ở Hàn Mạc Tử, thể xác đau đớn ê chề nhưng linh hồn thì thăng hoa trong sáng nhờ đôi cánh của tôn giáo được chắp vào trí tưởng của thi nhân. Thơ và các bài viết của Hàn Mặc Tử luôn là những nguồn thơ sâu sắc, lấy cảm hứng về thi liệu từ Kinh thánh và những bài kinh nguyện để xây dựng tứ thơ của mình. Chính trong khoái lạc của đau khổ dưới sự thúc đầy của ân sủng HMT đã hòa quyện tâm tình vào nhiệm cục của Thiên Chúa, nhờ đó gợi cảm hứng cho thi nhân sáng tác nhiều tác phẩm đậm chất linh thiêng.
Đọc thơ của Hàn Mạc Tử, ta thấy tràn ngập ánh sáng, đưa ta vào một vùng trời đầy hoa thơm cỏ lạ, vào một thế giới đầy tiếng nhạc, lời kinh, đưa ta từ thế giới hữu hạn đến vô hạn, đưa ta trở về nguyên thủy và hướng ta đến cùng đích của cuộc đời, đưa ta đến đến tận nguồn suối tình yêu của Chân – Thiện – Mỹ, điều mà cả nhân loại và chính ta đang ước mơ và tìm kiếm.
Hàn Mạc Tử thật sự là viên kim cương chiếu tỏa trong dòng thơ Kitô giáo Việt nam
Cuộc sống này thật đẹp và vô cùng cao quý, sự sống của ta được Thiên Chúa yêu thương ban tặng và ta chỉ sống có một lần trên cõi đời này. Hãy biết đón nhận và quảng đại để cuộc sống đời mình đem lại những ý nghĩa tốt đẹp như Đấng ngự trên cao mong muốn. Cách tốt nhất để không đi lạc hướng là hãy phó thác đời mình trong sự quan phòng của Đấng ngự trên cao như cục đất sét trong tay người thợ gốm.
Càng chiêm ngắm cuộc sống này, chiêm ngắm thế giới này, ta càng đắm chìm trong biển tình yêu bao la của Thiên Chúa, không có ngôn ngữ nào, giấy mực nào có thể diễn tả hết được những ân huệ cao vời đó. Ta cũng hãy khiêm tốn như HMT để cảm nhận và đi vào không gian huyền nhiệm của Thiên Chúa.
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu”.
AP. Mặc Trầm Cung tường trình.
( Nguyễn Sĩ Hạnh chuyển)
https://tvqn.info/index.php/la-san-vi-nhan/ngay-xua-binh-loi/43-linh-tinh/dao-va-doi/592-han-mac-tu-vien-km-cuong-choi-ngoi-trong-dong-chay-thi-ca-viet-nam