BIỂN DẬY SÓNG
Hừng đông ló rạng cuốn làn sương mỏng yếu ớt lên không trung. Gió từ biển khơi tắm gội dải đất quê còn ngái ngủ. Mấy chú hải âu thức giấc gọi bầy râm ran. Mặt biển tựa tấm gương lớn lấp lánh ánh bình minh. Tuấn lạc trôi về miền thương nhớ, anh quên đi những nhọc nhằn nơi trốn hoa lệ, anh thả hồn theo dòng nước mát lạnh và để khối cát mịn màng ôm chặt lấy đôi chân! Bức tranh quê hương tuyệt đẹp mà hiếm khi Tuấn được ngắm nhìn! Mảnh đất này chôn dấu bao ký ức vui buồn. Tuấn bồi hồi nhớ về bà nội.
Tuấn sống với bà nội từ nhỏ. Mọi sự anh có được từ tay nội: tình thương, đức tin, niềm hi vọng lòng trắc ẩn vị tha, sự kiên nhẫn,… nội đã hun đúc cho anh. Nội anh luôn dặn dò: “Dù thế nào, cháu vẫn phải luôn nhớ đến Chúa. Cháu sẽ gặp khó khăn, sẽ gặp đau khổ, hay vui buồn... nhưng hãy gọi Người một câu, một câu thôi nghe chưa cháu”. Tuấn luôn khắc ghi nỗi vất vả của bà, nên cố gắng vươn lên, mặc dù sóng đời xô đẩy ngả nghiêng, nhưng tình cảm của anh dành cho nội luôn thiêng liêng và da diết!
Bố Tuấn ra đi đột ngột trong một lần ra khơi! Kỷ niệm còn lại về người cha lam lũ với biển khơi là di ảnh trắng đen loang lổ và câu chuyện của nội kể lại! Anh không có ký ức về người đã sinh ra mình và chưa hề được một lần gọi cha trong đời, nhưng trong thâm tâm Tuấn tự hào và cám ơn cha đã cho anh vào đời. Tuấn đã nhiều lần hỏi bà nội về cha mẹ mình! Nhưng bà nội thường tránh câu hỏi đắng lòng và nói: “Sau này con lớn, con sẽ biết và hiểu tất cả”. Nội đã giữ lời hứa khi kể lại mọi điều đã xảy đến cho cha mẹ anh. Đó cũng là những ngày cuối cùng anh được nghe và nhìn thấy nội trên cõi trần!
***
Minh và Nga gặp nhau trong tình cảnh éo le. Nga bị ép duyên. Gia đình chị theo cách mạng tôn sùng Đảng cộng sản, nhưng rất mê tín! Vì tin lời thầy bói phán, Nga bị ép phải lấy một người không yêu, uất hận cô muốn tìm cái chết để giải thoát! Nhưng kế hoạch của Nga thất bại vì sự xuất hiện của Minh. Sau khi cứu được Nga từ dưới nước lên, Minh trao cô cho gia đình chị và được gia đình nhận là con kết nghĩa!
Từ dạo ấy, mỗi khi không đi biển, Minh thường lui tới với gia đình Nga, hai nhà khá thân thiết, nhưng để Nga yêu và lấy Minh làm chồng lại là một câu chuyện khác. Một dịp đi thăm gia đình Nga, Minh chứng kiến cô bị người thanh niên trước đây được gia đình ép duyên đánh ngoài đường. Lần thứ hai, Minh cứu Nga. Từ đó, Nga yêu Minh và quyết tâm lấy anh làm chồng, mặc dù bố cô không mấy ưng thuận, vì không muốn cô lấy người Công giáo, một phần vì thành kiến, một phần vì gia đình cách mạng...
Sau bao sóng gió, cuối cùng họ cũng đến được với nhau. Minh thương vợ và chịu khó lao động. Nga dù là một tân tòng, nhưng rất đạo đức, có lòng tin mạnh mẽ, nên vợ chồng thuận hòa yêu thương nhau, được mẹ chồng thương mến! Bà dặn dò chỉ bảo cách nhẹ nhàng ân cần, bà coi con dâu như con đẻ. Bà dạy giáo lý cách kiên nhẫn cho con dâu bằng chính đời sống đạo gương mẫu của mình. Vợ chồng Nga khó khăn mới có được Tuấn, đứa con duy nhất sau năm năm cưới nhau! Tuấn là ‘bảo bối’ của họ. Nhưng rồi, “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, Minh gặp nạn trên biển và không trở về! Nga đau khổ kêu gào thống thiết khi con trai mới được năm tháng tuổi! Bà nội cũng ngã quỵ! Chưa dừng lại ở đó, giông tố tiếp tục nổi lên trong đêm đen nơi xóm chài nghèo nàn! Mẹ của Tuấn lặng lẽ bỏ đi sau ba năm khóc cạn nước mắt và chịu tang chồng. Chị Nga ra đi bất ngờ làm ngỡ ngàng mọi người, nhất là mẹ chồng cô, bà đau lòng nuôi cháu và chịu lời đàm tiếu, “cảnh mẹ chồng nàng dâu”. Thiên hạ vẫn độc miệng, mặc dù họ là người có đức tin, đoán non đoán già, ồn ào lời ra tiếng vào. Nga ra đi, để lại bao nỗi đau cho thể xác và tâm hồn bà.
Cuộc đời bà Hồng gặp nhiều trắc trở, vì thế, bà cảm thông với con dâu và các hoàn cảnh khác tương tự. Gia đình chỉ có hai chị em gái. Thuở thiếu thời, bà xinh đẹp, nết na và nếu Chúa muốn bà đã trở thành một nữ tu. Ngày đó, sau khi trốn gia đình để đi tu, bà đã ẩn mình trong một hội dòng. Tuy nhiên, trước khi vĩnh khấn, bà xin phép về thăm gia đình. Mười năm không liên lạc với gia đình vì nhiều lý do nên cha mẹ mất mà không hay biết, em gái lại lâm trọng bệnh (động kinh)! Bà vô cùng đau khổ nên không còn can đảm và động lực để quay lại với đời sống tu trì nữa! Bà xin rút lời khấn tạm trở về nuôi em thay cha mẹ, như là để báo hiếu đền tội! Ba năm sau, cô em gái yêu đáng thương cũng bỏ lại bà ra đi mãi mãi. Bà xin quay về Nhà dòng, nhưng không được đón nhận. Xót xa thay cho cuộc đời dâng hiến dở dang!
Nhận thấy hoàn cảnh éo le của bà, cha Cố [1] đã tạo điều kiện để bà dạy giáo lý và tập hát cho các ca đoàn trong giáo xứ. Bà vui vẻ chấp nhận và phục vụ cách nhiệt tình nên được nhiều người thương mến giúp đỡ. Cũng trong khoảng thời gian ấy, bà gặp ông Bắc, ông là người giúp việc cho cha Cố. Ông Bắc và bà có hoàn cảnh gần giống nhau ‘gãy gánh giữa đường’! Thân sinh của ông trước đây bị coi là địa chủ, bị đem ra đấu tố hồi cải cách ruộng đất! Thật ra, gia đình ông cũng chỉ là nông dân biết tiết kiệm và chịu khó lao động như nhiều gia đình xưa! Bố mẹ gặp oan khiên, gia đình li tán, họ hàng chạy loạn, tha phương... Ông được cha Cố cưu mang. Ước ao trở thành linh mục, ông thi ba lần mới đậu chủng viện, nhưng không được đi học vì ‘lý lịch đen’! Ông tiếp tục đi theo cha Cố, nay ở xứ này mai đi xứ khác... cho đến khi ông được gặp bà Hồng. Họ cưới nhau khi đã bước qua tuổi tứ tuần! Và có được hai người con, bố của Tuấn và cô Thắm. Nhưng cô Thắm đau bệnh và mất khi được năm tuổi.
Câu chuyện của gia đình luôn vang vảng bên tai khiến Tuấn trăn trở khôn nguôi. Anh nhớ hình hài gày guộc của nội, nhưng lại không có ký ức về cha mẹ! “Tại sao mẹ bỏ đi?”. Tuấn cố gắng hình dung về người mẹ đáng thương của mình! Nhưng không hình dung nổi. Anh khao khát tiếng gọi “mẹ ơi!”. Tiếng gọi thiêng liêng và êm ái ấy liệu chị Nga có nghe thấy nỗi lòng của đứa con tội nghiệp? Những tiếng gọi như tiếng gào thét của biển giữa đêm giông tố! Có người mẹ nào bỏ được con mình? Thật sự đây mới là thách thức lớn nhất của hành trình làm người và cũng có thể là ‘tội lỗi lớn nhất của một con người’. Đã nhiều lần Tuấn ước mong: “Giá mà mẹ được như bà Rút [2]. Tuấn không trách mẹ đã bỏ anh, anh cho rằng mẹ có lý do, có thể là áp lực của cha mẹ đẻ, hoặc có thể… Bà nội đã làm mọi cách để tìm con dâu, nhưng hoàn toàn bặt vô âm tín. Bà cho rằng con dâu đã nghĩ quẩn và đi theo chồng! Còn Tuấn, anh vẫn hi vọng mẹ đang sống và sẽ có ngày tìm về! Nhiệm mầu cuộc sống, đau khổ vẫn luôn là một ‘bí mật’ của Thiên Chúa, Ngài ‘độc quyền’ về nó và ‘thinh lặng’ cách khó hiểu! Đau khổ dẫn con người vào hai thái độ: phản kháng trong tuyệt vọng và im lặng phó thác trong hi vọng mà không tìm lời giải đáp! Có lẽ, đau khổ mãi mãi là ‘bí ẩn’ luôn thách thức niềm tin, hi vọng và tình yêu nơi mỗi con người trong cuộc sống này.
Màu nắng đậm mầu hơn. Bãi cát vàng trườn dài uốn mình theo hình hài quê hương vắng lặng! Tiếng nô đùa của lũ trẻ con không còn. Nhiều thứ đã đổi thay! Nhưng nơi đây, lớp lớp người ngã xuống và đứng lên! Là nơi chứng kiến bao cảnh sinh ly tử biệt và cả những niềm vui ngập tràn vào ngày mùa bội thu. Thời gian ghi khắc bao ký ức vui buồn sướng khổ. Nó khiến ta khắc khoải níu kéo đợi chờ và nuối tiếc... chỉ có biển vẫn thế, hiền hòa và sâu lắng mỗi lúc lặng gió, hung dữ mỗi khi giông tố kéo đến. Biển tựa như bản nhạc cuộc đời, có thăng có giáng, có ồn ào có sâu lắng, có trầm có bổng...
Thủy triều đã lên. Sóng chạy nhanh hơn vì gió đông đuổi bắt, nó phá đổ công trình của lũ dã tràng và vội vàng rút nhanh chỉ kịp để lại lớp bọt trắng đục. Cuộc rượt đuổi trường kỳ! Tuấn liên tưởng đến cuộc ‘rượt đuổi’ của cuộc đời, đúng hơn là cuộc ‘vật lộn’ giữa hi vọng và tuyệt vọng, hạnh phúc và khổ đau, tình yêu và hận thù… dường như tồn tại một sự ‘căng thẳng’ nào đó trong huyền nhiệm cuộc sống. Nhưng với Tuấn những cuộc ‘vật lộn’ ấy làm nên chính anh. Đức tin luôn đãi ngộ những ai có lòng tín thác thật sự thể hiện qua tình yêu chân thành. Đức tin trợ giúp con người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đức tin năng động mời gọi con người bước vào tương quan tình yêu. Tuấn mong ước được đáp trả lời mời gọi của tình yêu, anh khắc khoải trước lời mời gọi của cha Cố hơn hai mươi năm về trước: “Nhanh lớn, học giỏi sau đi tu nhé con, ông nội và bố con chưa thực hiện được ước nguyện ấy mà!”. Lẽ nào, đó là tiếng gọi thật sự dành cho Tuấn, dù rằng khi ấy anh chỉ là một cậu bé như Samuel . Cha Cố đã để lại trong Tuấn một ký ức đẹp về tình thương của vị mục tử nhân hậu, một mẫu gương đời thánh hiến mà anh được thôi thúc bước theo ngài. Nhưng hiện tại anh cần một ‘hậu phương’ giúp anh lựa chọn. Có lẽ, với anh tình mẫu tử sẽ là hậu phương vững vàng nhất lúc này, nhưng ước vọng ấy quá mong manh! Tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá mạnh hơn. Gió mạnh sóng lớn là điệp khúc ngàn đời biển. Tuấn bước nhanh về cuối con đường vắng và chợt nghe thấy thanh âm khác mạnh hơn tiếng sóng ngàn lần!
Lighthouse K13.
(tác giả gửi về VTCG)
[1] Tên gọi của các linh mục quản xứ ngày xưa.
[2] Nhân vật
trong Kinh Thánh Cựu Ước (sách Rút).