Thơ: Thánh nữ Rita Cassia (mừng kính ngày 22/5)

Quang X Nguyen

THÁNH NỮ RITA CASSIA

22/05


Ái nữ duy nhất trong nhà
Mẹ cha sinh lúc tuổi già về sau
Giáo dục sắp đặt trầu cau
Hôn phu nóng tính làm đau lòng nàng

Hy sinh cố gắng nhẹ nhàng
Nguyện cầu hoán cải lòng chàng đổi thay
Kêu xin Chúa nhậm lời ngay

Người chồng theo Đạo không may qua đời


Những kẻ sát hại đương thời
Nhởn nhơ thoát khỏi lưới trời bao la
Hai con trai trả thù cha
Ngài phải nài nỉ thứ tha kẻ thù

Mọi sự Thiên Chúa dự trù
Thể theo ý nguyện mặc dù khổ đau
Các con đã ngã bệnh mau
Chăm lo khuyên bảo để hầu bỏ qua

Món nợ thù kẻ giết cha
Hai người con đã giải hoà oán kia
Thế gian từ biệt chia lìa
Chỉ còn người mẹ bên bia mộ buồn

Trước thập giá Chúa lệ tuôn
Xin vào Đan viện ngọn nguồn bình an
Bề trên khó xử thở than
Nhưng Thiên Chúa muốn đời tràn yên vui

Vâng lời bác ái không nguôi
Xin được chia sẻ ngọt bùi Chúa ta
Từ trán gai nhọn đâm ra
Đau thương nhưng vẫn thật là phúc vinh

Đời ngài đã sống trọn tình
Chúa lo mọi sự an bình mọi nơi
Giáo Hội tôn kính mọi thời
Quan Thầy bất khả thi đời thế nhân.



Thánh nữ Rita (1387 - 1457)

Thân tặng các thanh thiếu nữ, các phu nhân, các bà mẹ, các góa phụ và các nữ tu.

Lời giới thiệu.

Nhịp Cầu hân hạnh trình bày với quý độc giả hạnh tích của một vị thánh nữ có cái tên hơi lạ tai mà khi còn ở quê nhà, phần đông chúng ta chưa biết, vì có mấy ai nói đến thánh nữ RITA. Ở Âu châu phong trào sùng kính thánh nữ Rita rất thịnh hành. Người ta đã xây nhiều thánh đường nguy nga đồ sộ dâng kính Ngài, nhất là ở Ý-đại-Lợi. Những ơn ích đã được nhận lãnh do lời Ngài cầu bầu thì rất nhiều.

Tại nước Pháp, ở Nice, các cha dòng Hiến sĩ Đức Nữ Trinh Maria có xuất bản tập nguyệt san, phát động việc đạo đức, có mục ghi những lời khấn xin và những lời cảm tạ thánh Rita về những ơn lành hồn xác đã được hưởng nhờ; người ta gọi Thánh Rita là Vị thánh của những nan giải.

Dưới chân đồi Montmartre (Paris), có nguyện đường dâng kính Thánh Rita. Đọc hạnh tích Thánh Rita, chúng ta thấy rõ hai sự thật hiển nhiên : một là Thiên Chúa, Đấng Toàn năng làm được tất cả mọi điều kỳ diệu mà trí khôn hèn mọn của ta không thấu hiểu được, hai là chúng ta phải xác nhận rằng lời cầu nguyện có năng lực vô song, miễn là chúng ta cầu nguyện với đức tin, cầu nguyện bền bỉ và điều mình cầu xin không vượt ra ngoài thánh ý Chúa.

Trong Cựu ước, tổ phụ Abraham và Sara đã hạ sinh Isaac trong lúc hai ngài tuổi suýt soát một trăm (Sáng thế ký đoạn 18 câu 9, đoạn 21 từ câu 1 đến 7). Cũng trong Cựu ước, đời các vua, có bà Hannah vợ ông Elcanah, được gọi là son sẻ và tuổi cũng đã già lắm rồi. Bà Hannah vào đền thờ cầu nguyện xin Chúa ban cho mình một mụn con và hứa sẽ dâng con cho Chúa để suốt đời phụng sự Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhậm lời, ban cho Hannah sinh ra Samuel. Khi Samuel dứt sữa rồi thì bà Hannah đem con và của lễ lên đền thờ, dâng cho Thiên Chúa như lời đã hứa (Samuel. I, 1-28 và II, 1-11).

Trong Tân ước, theo Phúc âm thánh Luca, bà Elisabeth vợ thầy cả Zacharia, có tiếng là son sẻ và đã già, song cưu mang thánh Gioan Baotixita (Lc. I, 1-24). Cũng trong Tân ước, Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến thành Nazareth xứ Galilée truyền cho Trinh nữ Maria cưu mang Đấng Cứu Thế. Trước sự lo âu của Maria, thiên sứ đã xác định rằng : « chẳng có sự gì mà Thiên Chúa làm chẳng được » (Lc 1,26-38).

Sự việc Rita mở mắt chào đời cũng tương tự như Isaac, Samuel và Gioan Baotixita. Suốt đời sống của Rita cũng đã có những sự kiện lạ lùng ngoài sự hiểu biết của người đời. Bởi vậy mà năm 1957, kỷ niệm 500 năm thánh Rita qua đời, Đức Piô XII đã viết : Thánh Rita là nguồn khích lệ cho nhiều người, ở mọi cấp bậc, biết cam lòng lãnh nhận thử thách; biết tha thứ mọi lỗi lầm của những kẻ đã làm khổ mình, biết tìm nguồn vui trong đời sống đạo đức; nêu gương trông cậy vững vàng vào sự ước mong lợi ích vĩnh cữu.

“ Thánh Rita đã chu toàn nhiệm vụ làm người con hiếu thảo, làm người vợ hiền, làm người mẹ thánh thiện, làm người góa phụ trung hậu; khắc phục bao nỗi lo âu vất vả nhọc nhằn. Đến khi được vào dòng nữ chiêm niệm, sống đời ẩn dật, thánh Rita luôn luôn nhẫn nại và sống quảng đại.

“Ước gì các thanh thiếu nữ, các kẻ làm vợ làm mẹ, các góa phụ, các nữ tu, cũng học đòi những đức tính của Thánh Rita; khiêm nhường, quên mình, hy sinh, vâng lời, tuyệt đối trung thành với Giáo Hội để được hưởng nhờ bao nhiêu hồng ân cho mình và cho mọi kẻ thuộc về mình.

Nhịp Cầu xin thành tâm chúc quý độc giả, đặc biệt là nữ giới, sau khi đọc hạnh tích thánh nữ Rita, được thêm lòng tin, lòng cậy và lòng mến; chu toàn bổn phận theo đấng bậc của mình để danh Chúa được cả sáng.

Lingolsheim, ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12.1991).

Tuổi thơ ấu

Tại thôn Rocca-Porena, gần thành Cascia, tỉnh Ombrie, quê hương thánh Phanxicô Assisiô (Thánh Phanxicô Khó khăn), có một gia dình nông dân. Chồng là ông Antoine Mancini và vợ là bà Aimée Ferri. Đôi vợ chồng lao động vất vả suốt ngày, sống đơn giản thanh đạm và rất mực đạo đức.

Mặc dầu phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm, song hai ông bà vẫn sẵn lòng từ thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khó hơn mình. Hai vợ chồng yêu nhau tha thiết, sống thuận hòa, không bao giờ có sự cãi vã xích mích nhau, đúng câu : phu xướng phụ tùy. Tuy vậy, có một điều làm cho hai ông bà buồn lòng là : Kết bạn với nhau đã lâu, lâu lắm, mà không có con. Cả hai ông bà sốt sắng cầu nguyện, đặt niềm tin vào lòng nhân lành vô cùng của Chúa, xin Ngài ban cho mình một mụn con.

Cách riêng bà Aimée cũng tự nghĩ, tuổi bốn mươi, bốn lăm rồi, thì coi như là tuyệt tự; có chồng mà không có con nghĩ cũng tủi thân. Tục ngữ có câu :

Có chồng mà chẳng có con,

Cũng như hoa nở trên non một mình.

Càng nghĩ càng buồn, Aimée lại càng gia tăng lời cầu nguyện, càng gia tăng việc phước đức, viếng thăm kẻ ốm đau, ăn chay hãm mình. Năm tháng thay nhau trôi qua. Mặc cho số tuổi cứ chồng lên nhau, hai ông bà vẫn sốt sắng nguyện cầu và không bao giờ mở miệng đổ lỗi cho nhau rằng : vì ông hay là tại bà mà tôi không có con; một đinh ninh rằng có con hay không là ở thánh ý Chúa. Theo lẽ thường, đàn bà quá ngũ tuần rồi làm gì thai nghén được nữa. Nhưng hai ông bà vẫn tiếp tục cầu nguyện không sờn lòng.

Một ngày kia, trong lúc cầu nguyện, bà Aimée phó thác mọi sự theo thánh ý Chúa, thì trong tâm linh nghĩ rằng lời khẩn cầu của mình được Chúa đoái nhận. Aimée vốn là người ít học nhưng am hiểu Phúc âm, biết rằng trong Phúc âm theo thánh Luca tường thuật việc thiên thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ Maria chịu thai Chúa Giêsu, thiên thần đã xác quyết : chẳng có sự gì mà Thiên Chúa làm chẳng được. Vì vậy mà Aimée càng vững tin và hết lòng đội ơn Thiên Chúa.

Aimée thọ thai. Cả hai vợ chồng càng tăng việc lành phước đức, cũng thỏ thẻ với nhau rằng sau này đứa con của mình sẽ ra sao vì là đứa con của phép lạ hay là đứa con cầu tự. Hai ông bà mừng rỡ tạ ơn Thiên Chúa, mong cho Aimée chóng đến ngày mãn nguyệt khai hoa.

Làng xóm láng giềng và bà con thân thuộc nghe tin Aimée có thai, thân thể Aimée càng ngày càng có vẻ khác thường rõ rệt, thì chụm năm chụm ba bàn tán : Thai nghén gì nữa! Vô lý! cả hai vợ chồng ai cũng suýt soát bảy mươi rồi !. Việc khó tin nhưng có thật rành rành. Những lương y trong vùng nghe chuyện bà Aimée mang thai cũng đều lắc đầu đồng thanh nói: Đúng là việc của Thiên Chúa!.

Ngày tháng trôi dần. Trong một ngày của tháng năm, tháng kính Mẹ Maria và cũng là tháng trăm hoa đua nở, bà Aimée thấy đau bụng. Ông Antoine vội đi rước nữ hộ sinh rồi, giây phút ngóng trông hồi hộp đến. Trong phòng, Aimée sinh ra một bé gái, đẹp đẽ khôi ngô và khỏe mạnh. Hai ông bà đặt tên cho con là Magarita song gọi gọn là Rita cho có vẻ thân mật trong gia đình. Magarita là tiếng Ý-đại-Lợi và có nghĩa là hạt trân châu.

Không khí gia đình ông Antoine không còn buồn tẻ nữa. Bà Aimée, giọng khàn khàn, không còn trong trẻo như hồi thanh xuân, sung sướng cất giọng hát ru con. Rita đến thời bập bẹ, ba ba má má. Thật là :

Có vàng vàng chẳng hay phô,

Có con con nói trầm trồ mẹ nghe.

Có gì sung sướng cho Antoine hơn mỗi khi từ ngoài đồng trở về, thay áo xống, ẵm đứa con vào lòng. Hơi ấm của cô bé truyền qua lồng ngực ông già, làm cho lòng người cha già vững tin rằng mình đã có con, mình được làm bố một cô bé xinh xắn.

Sau một thời gian ngắn, Aimée lấy lại được sức khỏe, hai ông bà đưa Rita đến nhà thờ Sainte Marie de la Plèbe để được lãnh bí tích Thánh Tẩy. Trời đang độ xuân nắng ấm, hai ông bà ra đồng làm việc. Aimée đặt Rita vào chiếc thúng rồi Antoine mang ra đồng. Đặt dưới chân cây cổ thụ, yên trí rằng Rita chưa biết bò biết lật, chắc chắn không việc gì xảy ra hại đến tính mạng, đám ruộng cũng gần cây cổ thụ, chốc chốc đứng lên xem chừng con.

Nằm trong thúng, Rita nói líu lo, hoa tay múa chân, tiếng cười khúc khích hòa với tiếng chim đang hót trên cành; thật là một cảnh tượng ngây ngô, đẹp đẽ, dễ thương. Bất ngờ, không biết từ đâu, một đàn ong ruồi (abeilles) bay đến lượn quanh chiếc thúng, đùa giỡn với Rita, chúng bu đậu vào người Rita, đậu lên mặt, lên tay chân đầu óc mà không châm nọc vào da thịt non nớt của Rita, và cô bé vẫn hoa tay múa chân, khúc khích ra vẻ khoái chí nữa chứ. Lạ thật!

Trong khi ấy, tại đám ruộng bên cạnh, một nông dân gặt lúa. Không biết anh ta vô ý thế nào, liềm cắt phải bàn tay, máu chảy ròng ròng. Anh ta ôm tay chạy về nhà để băng bó vết thương. Khi ngang qua chiếc thúng có Rita nằm trong ấy, anh ta thấy mặt mày tay chân cô bé có ong ruồi đậu đen sì, anh ta dừng chân, đưa hai tay ra đưổi bầy ong. Song, lạ thay! tay bị thương của anh ta tự nhiên lành hẳn, máu thôi chảy vì da thịt liền lại với nhau mà không để vết sẹo. Anh ta hô hoán lên. Vợ chồng Antoine vội chạy đến. Anh ta chỉ đàn ong ruồi trên người Rita. Anh ta thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Ông bà Antoine sửng sốt, lập tức quỳ gối tạ ơn Chúa. Ông bà mang chiếc thúng về nhà; đàn ong ruồi bay theo rồi bay tản mát. Hai ông bà thầm thì bảo nhau : Không biết sau này con của chúng ta, đứa con mà Chúa đã ban cho chúng ta trong tuổi già, già quá như thế này, sẽ ra sao?”

Sau này, khi Rita vào tu viện rồi, đàn ong ruồi đến làm tổ ở tu viện và ở mãi trong tu viện cho đến ngày nay. Vậy đó, đang bé bỏng như thế mà Thiên Chúa đã ban cho Rita làm được phép lạ nhãn tiền.

Tiếng gọi thiêng liêng

Rita ăn ngon ngủ kỹ, lớn dần, rồi cũng tập nói, tập bò, tập đứng, tập đi, tập chạy. Cô bé vừa lên hai lên ba, hai ông bà bắt đầu giáo dục con, dạy cho con biết làm dấu thánh giá, dạy kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh... mỗi câu lặp đi lặp lại năm lần bảy lượt; mỗi tối trước khi đi ngủ, cả gia đình cũng đọc kinh. Chẳng bao lâu Rita thuộc được nhiều kinh, rồi tập lần hạt mân côi. Hai ông bà, nhất là bà Aimée thường cho Rita ngồi trên đầu gối mình, cho đầu Rita dựa vào ngực, kể cho nghe hạnh các thánh hoặc những câu truyện trong Cựu ước. Rita đi đứng vững vàng rồi thì hai ông bà đưa con đến nhà thờ dự lễ, đọc kinh với giáo hữu.

Bà Aimée rất tôn sùng cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đến nhà thờ, khi có dịp tiện, Aimée dẫn Rita đến trước tượng ảnh của 14 chặng đàng thánh giá bắt đầu từ chặng thứ nhất cho đến chặng thứ mười bốn, giảng giải cho Rita nghe.

Rita tuy chưa đến tuổi được rước lễ lần đầu, song tâm hồn đã biết sinh lòng mến Chúa, muốn sống trọn đời mình trong tình yêu Chúa Giêsu một cách trọn hảo. Tháng năm thay nhau trôi qua. Rita đến tuổi có trí khôn, thấy cha mẹ lam lũ suốt ngày nên Rita cũng biết giúp cha mẹ, bắt đầu là mọi việc thông thường trong nhà : quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, nhồi bột làm bánh, kho cá nấu canh, đưa cơm nước ra đồng cho bố mẹ.

Vừa đến tuổi dậy thì, Rita giúp bố các công việc đồng áng; cũng dọn cỏ bón phân, cũng gieo cũng gặt, cũng cắt cỏ cho ngựa và tắm rửa cho ngựa... Rita không từ chối bất cứ một việc gì mà sức mình là gái mới lớn lên có thể làm được. Nhờ lối sống thanh đạm, nhờ lao động chân tay mà Rita càng ngày càng thấy khỏe mạnh, tầm vóc cân đối, cũng duyên dáng hơn các cô lười biếng muốn ăn mà không muốn làm.

Cùng quê hương với thánh Phanxicô Assisiô nên trong gia đình thường nhắc đến hạnh tích của vị thánh cả đã biết nghe tiếng Chúa gọi, từ bỏ đời sống xa hoa, để chấp nhận đời sống khó nghèo khiêm hạ, lập dòng tu rồi được Chúa ban cho năm dấu thánh.

Từ đó, Rita trong lòng nao nức, muốn học đòi lối sống của thánh Phanxicô Assisiô, đặc biệt là lối sống theo khuôn Chúa Giêsu khổ nạn. Trong nhà, Rita chọn được một căn phòng nho nhỏ còn trống. Rita quét dọn sạch sẽ, máng lên vách những bức ảnh diễn tả cuộc thương khó Chúa Giêsu. Những lúc rảnh rỗi việc nhà hay việc đồng áng. Rita vào phòng ấy một mình, thả hồn suy nghĩ Chúa Giêsu chịu nạn.

Những ngày tạnh ráo, lợi dụng giờ rảnh, Rita một mình leo lên ngọn đồi gần nhà. Từ trên cao khoảng gần 100 m, Rita nhìn rộng ra cảnh vật chung quanh, Rita cũng học theo thánh Phanxicô ca tụng kỳ công của Thiên Chúa, cũng hòa giọng của mình với tiếng hát của chim trời, ngợi khen Thiên Chúa. Nhìn xuống cánh đồng, nông dân đang khom lưng vất vả, lòng Rita cũng chia sẻ với họ đời sống cần cù, lương thiện, dâng lên Thiên Chúa.

Lập gia đình

Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Rita cũng theo luật thiên nhiên, lớn lên. Tầm vóc nẩy nở, duyên dáng đậm đà, nết hạnh đoan trang thì tâm hồn cũng phát triển trong niềm kính yêu phượng thờ Thiên Chúa. Hồi tâm nhớ lại lúc mới tám mười đã ước ao dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa một cách trọn hảo, cho nên Rita nghĩ rằng muốn được như vậy thì không có con đường nào thuận lợi hơn là đời sống tu hành.

Tuy vậy, Rita không hề mở môi trình bày với song thân ý định riêng tư của mình, ngại rằng song thân phải buồn vì trong tuổi già, ông bà chỉ có một mụn con gái duy nhất mà thôi, hay là mình có tôn thờ chủ nghĩa độc thân, hầu hạ phụng dưỡng hai cụ cho đến lúc cả hai ngài khuất núi rồi thì mình sẽ xin gởi thân vào dòng nữ tu cũng chẳng muộn gì vì hai cụ cũng suýt soát chín mươi rồi, chẳng còn sống được bao nhiêu năm nữa.

Trong lúc Rita suy đi tính lại về đời riêng tư của mình thì hai ông bà Antoine và Aimée cũng nghĩ cũng suy, tính hơn tính thiệt. Hai ông bà bảo nhau: Vợ chồng mình Chúa cho sống đến nay cũng sắp đến cửu tuần rồi, gần đất xa trời, chẳng lẽ mình chết rồi để đứa con gái độc nhất phải sống côi cút cô đơn, không nơi nương tựa! Cụ ông nói với cụ bà :

Trồng cây cũng muốn cây xanh,

Cha mẹ sinh thành cũng muốn con nên.

Cụ bà nói với cụ ông :

Trồng cây cũng muốn cây xanh,

Muốn chi lá rụng bỏ cành bơ vơ.

Rồi hai cụ đồng ý : Thôi thì mình xem có mối nào có chút tài sản khả dĩ bảo đảm đời sống của con, gả chồng cho Rita rồi mình có nhắm mắt cũng yên lòng. Nghĩ như thế, hai cụ bắn tin ra cho thân hữu xóm giềng ý định gả con, đứa con gái cưng độc nhất của mình. Ở thôn quê, hạng thanh nữ như Rita; công dung ngôn hạnh đạo đức đoan trang, là mồi ngon, các chàng cũng đã từng lấm lét thèm thuồng lắm.

Chẳng bao lâu, có khách đến thăm hai cụ, nói to nói nhỏ với hai cụ. Họ nói với nhau những gì, Rita chẳng hay biết, vì trong những lần khách đến nhà, Rita chỉ biết lễ phép hầu trà hầu nước xong, thì xuống bếp làm việc nhà chứ không dám trộm nghe câu chuyện giữa bố mẹ với khách, sợ vô lễ.

Sau nhiều lần gặp gỡ như thế, ông Antoine và bà Aimée bằng lòng gả Rita cho Paul, người cùng làng, mà không hỏi ý kiến của con mình trước. Quyết định xong, khách ra về. Hai cụ bảo Rita : Con ơi, bố mẹ đã nhận lời người ta đến xin cưới con cho Paul, và ngày cưới cũng chẳng còn bao lâu nữa.

Quả thật là tin động trời!!! Tâm hồn Rita thì hướng vào tu viện, bố mẹ lại gả chồng mà chẳng bàn luận gì với con. Khắc khoải, xao xuyến, sầu buồn xâm chiếm cả tâm hồn Rita. Nước mắt ràn rụa, không dám cãi lại, sợ làm phiền bố mẹ. Rita cúi đầu XIN VÂNG vì biết rằng hai cụ không thể nào thâu hồi lời đã hứa với người ta. Hai cụ là người lão thành đức độ, phải giữ câu quân tử nhất ngôn.

Thời bấy giờ, Âu cũng như Á, phận làm gái thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, vì cái luân lý khắt khe đã quy định rằng; cha mẹ sở sinh thì cha mẹ có toàn quyền sở định, chứ mình mà từ chối, mà cãi lại thì bất hiếu.

Trong sách Thánh Giáo Yếu Lý của giáo phận Huế, ở thiên thứ tư, dạy về VÂNG LỜI cha mẹ, có ghi rằng Cha mẹ dạy khuyên sai khiến, chẳng nên trách móc phàn nàn, chớ khá bỏ nhà cha mẹ mà đi ác nghiệt chơi bời, cùng khi phối thất nhơn duyên, phải VÂNG THUẬN tình người phân định,...”

Do cái nền luân lý nghiêm nhặt như vậy mà Việt Nam ta có những câu ca dao thâm thúy lắm :

Phận làm gái, mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.

Bởi vậy các nàng cũng mong được :

Một ngày dựa mạn thuyền rồng,

Cũng bằng một tháng nằm trong thuyền chài.

Thản hoặc không được như thế thì ít ra cũng :

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bỏ công trang điểm má hồng ngày xưa.

Cô nào, mộng không thành thì :

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem Con Tạo xoay vần thế nao.

Cưới hỏi xong thì :

Có chồng nên phải theo chồng,

Dẫu mà hang rắn hang rồng cũng phải theo.

Tới ngày đã định, Rita theo cha mẹ đến thánh đường để nhận lãnh bí tích Hôn Phối. Trước mặt cộng đoàn dân Chúa, vị linh mục chánh tế hỏi đôi tân hôn :

- Paul, con có muốn nhận Rita nầy làm vợ thật theo phép Hội Thánh dạy không?

- Thưa muốn.

- Rita, con có muốn nhận Paul nầy làm chồng thật theo phép Hội Thánh dạy không?

- Ấp úng, lưỡng lự, hồi hộp, Rita đáp : Thưa muốn; nhưng không biết nước mắt từ đâu tuôn ròng rã. Sao thế?

Rita đâu có muốn lập gia đình! Rita đâu có được phép chọn người mình yêu. Nhưng bố mẹ đã sở sinh sở định”thì đành vâng lời các ngài cũng như vâng lời Chúa, cứ phú thác mọi sự trong tay Đấng Quan Phòng. Sau thánh lễ là tiệc liên hoan, tùy gia phong kiệm, làm lễ vu quy.

Việt Nam ta, trước khi từ giã cha mẹ để về nhà chồng, người con gái đến trước mặt song thân làm lễ. Quỳ xuống nàng cung kính lạy hai ngài. Theo tục lệ thì :

Lạy cha ba lạy một quỳ,

Lạy mẹ bốn lạy con đi theo chồng.

Giờ phút nầy mới thật là não nùng cảm động. Hai mẹ con, tay nắm tay, mặt nhìn mặt, bốn mắt chẳng rời nhau, bốn giòng lệ tự nhiên từ từ rơi xuống hai bên gò má. Muốn nói lời tạm biệt nhưng mở miệng không ra, cứ ấp úng như còn ngậm quả bồ hòn. Không ai nỡ rời tay nhưng rồi cũng phải rời. Giờ lành giờ tốt đã điểm. Họ nhà trai đang chờ rước dâu mà họ nhà gái dùng dằng như tiếc nuối. Cô dâu vừa khóc vừa nói : Thưa... cha... thưa mẹ... con... đi!” Cha bảo : Ừa, con đi bằng yên! Rồi đứng lên, đi với con gái. Mẹ khóc thút thít, nói từng tiếng một : Con... đi... làm vợ... làm dâu... nhà người... chiều chuộng... nhẫn nhục... con nhé!!!”

Nàng chậm bước, theo họ nhà trai; đôi mắt đỏ ngầu, nhìn lại ngôi nhà thân yêu. Mẹ đứng nơi ngưỡng cửa, nước mắt đầm đìa, nhìn theo... tiếc nuối... Họ nhà trai khuất rồi mẹ mới trở vào nhà... khóc thầm... con của ta... nay thuộc về người...

Theo tục lệ Việt Nam, không bao giờ mẹ đưa con gái mình về nhà chồng, song là người cha. Ra khỏi nhà, Rita đi bên chồng là Paul. Rita buồn lắm, buồn lắm, nhưng cố gắng làm vui, vui gượng... đúng là :

Vui thời vui gượng kẻo mà,

Ai tri âm đó, mặn mà với ai?.

Sống đời thử thách

Về với Paul, Rita bắt tay lo việc gia đình : quán xuyến mọi việc trong nội thất và ngay cả việc đồng áng, hở tay thay việc, từ tinh sương đến chiều tối. Sau vài tuần lễ, Rita biết rõ tính tình và sinh hoạt thường nhật của chồng. Về tính tình, Paul quả là người nóng nảy, ăn nói cộc cằn lỗ mãng, thường hay vắng nhà.

Oái oăm thay! Cay nghiệt thay! Số phận! Số phận! Làm thân con người, có mấy ai biết được định mệnh của mình. Cuối cùng rồi cũng đành ôm bụng mà than: số phận do trời an bài.

Cuối thời Trung Cổ, hầu hết nước Ý-đại-Lợi, loạn lạc khắp nơi do sự tranh chấp giữa phe theo thế quyền với phái ủng hộ giáo quyền đến nỗi Giáo Hoàng phải sang Pháp quốc lánh nạn ở Avignon (Xem lịch sử Giáo hội thế kỷ XIV, XV, XVI của Michel Lemonnier O.P. do Institut Saint Gaétan Vicence (Ý) xuất bản).

Paul theo phe thế quyền, suốt ngày chuyên cướp giật, chém trâu đốt nhà, giết người, rượu chè be bét. Về đến nhà mà cơm không lành canh không ngon thì la mắng chửi rủa theo phường vũ phu mất dạy.

Paul càng lỗ mãng hỗn xược thì Rita càng dịu hiền dỗ dành, chiều chuộng cam tâm chịu đựng. Xóm giềng thấy vậy cũng thương tâm nên thầm khen Rita cũng như thầm rủa Paul là hạng vô nhân, vô học, là hạng côn đồ, vô liêm sỉ.

Hành động của Paul cũng đến tai hai ông bà Antoine và Aimée. Mỗi lần Rita về thăm bố mẹ thì hai ông bà tỏ vẻ lo buồn hỏi han về đời sống lứa đôi của con. Hai cụ nói với Rita rằng : Cha mẹ nghe người ta nói về Paul thế này thế kia, có thái độ hung dữ, tệ bạc với con... Rita vẫn giữ nét mặt vui vẻ, minh oan cho Paul rằng : Thưa bố mẹ, không có vậy đâu. Anh Paul chỉ nóng tánh chút xíu thôi, chứ anh ấy cũng yêu quý con lắm. Xin bố mẹ hãy yên tâm.

Trước hoàn cảnh của Rita, người đời - theo lẽ thường - than rằng hồng nhan,bạc phận. Song là người rất mực đạo đức, tin vào Thiên Chúa, mọi việc đều do, Ngài an bài từ thuở đời đời cho mỗi người, Rita thành tâm dâng lên Ngài mọin oái oăm oan trái, mọi nghịch cảnh nghịch tình, cầu nguyện cho Paul, hy vọng rằng sẽ có ngày Paul thay đổi tính tình, trở nên người lương thiện. Rita cũng biết rằng đời sống vợ chồng quy về hai chữ Tình-Nghĩa. Chắc chắn rằng giữa Rita và Paul chữ Tình không có vì trước khi kết thành vợ chồng, Rita không hay biết gì đến Paul, mọi việc đều do bố mẹ sở sanh sở định. Cha mẹ đặt con đâu, con ngồi đấy mà!!! Chữ Nghĩa mới thật là quan trọng; Rita quyết vuông tròn với chữ Nghĩa. Chồng có lỗi thì đã có Thiên Chúa biết và xét đoán. Phận mình, làm vợ, phải trọn nghĩa phu thê.

Các bà xóm giềng mỗi lần gặp Rita đều hỏi thăm việc gia đình, phê bình Paul thế nọ thế kia nhưng Rita luôn luôn bênh vực chồng, nói tốt nói hay cho chồng. Lâu ngày các bà hàng xóm trở lại câu : Đèn nhà ai sáng nhà nấy – công đâu mà xía vào việc nhà kẻ khác.

Rita buồn lắm chứ nhưng khuôn mặt luôn luôn làm vui, không bao giờ tỏ vẻ sầu não. Thật đúng là :

Sầu đông trong héo ngoài tươi,

Vui thời vui gượng cười mà giải khuây.

Thời gian cũng theo đà mà trôi qua, rồi Rita có con. Một đứa rồi hai đứa, toàn con trai, song tánh nết của Paul chẳng hề thay đổi phần nào. Hễ về nhà thì mắng vợ chửi con. Rita vẫn cắn răng chịu đựng, chìu chồng, nuôi con; mọi việc cửa nhà đều chu toàn, duy con người của Rita có gầy đi phần nào. Đối với hai đứa con, Rita là một người mẹ hiền lành song cương quyết. Tập cho con biết kinh nguyện, giáo dục cách ăn nết ở, giảng giải rành mạch những điều phải trái vì hai cậu cũng thừa hưởng cái nóng tính hung hăng của bố, đúng là:

Hổ phụ sinh hổ tử.

Cây nào sinh trái ấy.

Cha nào con nấy.

Hai đứa con càng lớn thì Rita càng chăm nom tập tành các việc đạo đức cho con. Bề ngoài Rita vẫn tỏ ra bình thản, vui vẻ song sắc mặt có phần xanh xao trông thấy rõ làm cho Antoine và Aimée cũng như hàng xóm láng giềng thương xót nhưng chẳng biết làm gì để giúp, đành ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau lòng của Rita.

Phần Paul thì thế nào? Âu là đã đến ngày Chúa nhận lời cầu khẩn của Rita. Paul thấy vợ mình sức khỏe có phần hao mòn, sắc mặt xanh xao nên đem lòng suy nghĩ. Paul so sánh hoàn cảnh nhà mình với hoàn cảnh nhà bạn bè. Nhà bạn thì chồng một tiếng vợ hai tiếng, chồng mắng nho nhỏ thì vợ hét to lên, chồng cái gậy thì vợ dao phay, choảng nhau hằng ngày, bỏ bê con cái, nhà cửa bếp núc dơ bẩn. Cứ mãi suy nghĩ, cứ mãi so sánh nên Paul thấy thẹn với lương tâm. Dần dần Paul cũng thay đổi tính nết : bớt cấu ó vợ con, bớt hung hăng; giọng nói có vẻ nhẹ nhàng hơn; bớt vắng nhà; bắt đầu lao dộng đồng áng nhiều hơn. Rita cũng nhận thấy như vậy nên thầm thì cám ơn Chúa đã nhậm lời mình. Rồi một ngày nọ ở đồng về, Paul quỳ xuống trước mặt Rita, hai hàng nước mắt tuôn rơi, chàng nói với vợ :

- Em ơi, anh thành khẩn xin em tha bao nhiêu lỗi lầm anh đã phạm từ mười mấy năm nay, anh đã làm cho em phải đau khổ song em vẫn một lòng săn sóc lo lắng cho anh, việc nhà và con cái một mình em quán xuyế còn anh thì quá bê tha. Em quả là một người vợ đạo đức, phúc hậu. Anh rất thẹn lương tâm. Xin tha lỗi cho anh, anh hứa từ đây sẽ dốc lòng chừa, anh sẽ hầu hạ em, sẽ lo cho hai con của chúng ta, sẽ lo làm ăn nghiêm chỉnh, sẽ không còn bê tha chè chén, không còn bạn bè với mấy tay côn đồ nữa.

Đỡ chồng đứng lên, nước mắt chan hòa vì sung sướng, Rita nói với chồng :

- Trước tiên, xin đội ơn Chúa đã khấng nhận lời cầu xin, em xin cho anh thay đổi hạnh kiểm. Từ nay chúng ta ắt hưởng được hạnh phúc gia đình, đền bù mười mấy năm đã bị đánh mất.

Từ hôm ấy, mỗi lần đi làm về, Paul chơi với con, phụ giúp việc nhà cho vợ. Trong nhà bấy giờ có tiếng cười nói của con, của mẹ, của bố. Những ngày chúa nhật, cả gia đình Paul ăn mặc gọn gàng sạch sẽ đưa nhau đến thánh đường tham dự thánh lễ, sau đó đến thăm hai cụ Antoine và Aimée. Hai con trai của vợ chồng Paul tên là Jean Jacques và Paul Marie, càng lớn càng đẹp trai, cũng biết tập tành công việc đồng áng với bố mẹ.

Phần các tên đồng đảng với Paul, thấy Paul xa lánh mình nên cũng sinh lòng bực tức giận dỗi. Gặp nhau có chào có hỏi thì Paul chỉ trả lời qua cho có lệ chứ không còn đậm đà khắng khít như xưa. Cơn bực tức của bọn ấy càng lúc càng gia tăng, sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh ra thù oán và thù oán sinh ra tội ác.

Phần Antoine và Aimée được trông thấy hạnh phúc đã trở lại với Rita thì mừng rỡ. Chẳng được bao lâu hai cụ, kẻ trước người sau, về chầu Chúa, sau một đời sống lương thiện, bác ái, đạo đức.

Paul và Rita lo cho hai cụ mồ êm mả đẹp rồi thì cũng được phần nào rảnh rang nên thường đưa nhau đi thăm kẻ ốm đau, viếng người già cả, an ủi kẻ cô đơn. Thời buổi ấy tình hình chung cũng còn nhiễu nhương, hai phe phái vẫn thường còn chém giết nhau, gây kinh hoàng bất an, càng làm cho lòng Rita đau đớn ê chề.

Sống đời quả phụ

Một ngày nọ, Rita ở nhà cùng với hai con, đang mong chờ Paul. Trời đã khuya mà không thấy Paul về nhà. Ba mẹ con ái ngại lo lắng. Đang lúc ấy, Rita bổng nghe tiếng xôn xao bên ngoài nhưng lại không nghe thấy có tiếng nói của Paul. Tiếng xôn xao ấy tiến đến nhà mình. Rita lắng tai và nghe rõ ràng người ta đang gọi mình : Rita! Rita! Nhanh lên! Chồng bà trọng thương đang rên siết đàng kia. Ba mẹ con ra khỏi nhà, theo đoàn người có đèn đưốc soi lối... Bên lề đường cạnh con sông Carno, người ta chỉ cho Rita người đàn ông bị thương đang nằm đấy. Ôi! than ôi! người đàn ông ấy chính là Paul, không những chỉ bị thưong mà thôi, song đã chết rồi.

Ai đã giết hại Paul? Ngoài những cựu đảng viên theo phe thế quyền thì chẳng có một ai có thù oán với Paul cả. Từ ngày ăn năn sám hối, cải tà quy chánh, Paul xa lánh bọn ấy. Chúng nghĩ rằng Paul sẽ tiết lộ danh tánh nên chúng giết Paul cho êm chuyện. Paul cứ nghĩ rằng bấy giờ mình ăn ngay ở lành rồi nên mỗi khi đi đâu cũng không mang theo vũ khí tự vệ.

Bọn chúng thay nhau rình mò, theo dõi lâu ngày, chọn nơi hẻo lánh vắng người qua lại để đón đường giết Paul. Trước tai họa bất ngờ, Rita lòng dạ như bị dao băm, còn hai đứa con nay là hai chàng thanh niên khỏe mạnhh rồi - máu nóng sùng sục - nguyền rủa kẻ sát nhân và thề sẽ trả thù cho cha.

Rita nhờ người đưa xác chồng về nhà, lo việc ma chay. Thánh lễ an táng được cử hành tại thánh đường rồi linh cữu của Paul được đưa ra nghĩa trang bên cạnh thánh đường. Thế là từ nay trong nhà không còn tiếng cười nói của Paul đùa giỡn với vợ con nữa. Rita cúi đầu nhận thánh giá Chúa trao cho, hiệp sự đau khổ của mình với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cầu cho linh hồn người bạn đời của mình. Rita đau buồn vì chồng mình - sau mười mấy năm lơ là đạo hạnh - mới sám hối chưa được bao lâu, nay bị ám sát thê thảm, không gặp cha gặp thầy, không chịu được các phép bí tích cuối đời, phần xác đành là mất rồi, nhưng còn phần hồn thì sao? Càng nghĩ về điều ấy, Rita càng lo âu buồn phiền, đêm ngày đứng ngồi không yên.

Chẳng bao lâu, sau khi Paul được mồ êm mả đẹp rồi thì Thiên Chúa mạc khải cho Rita biết là Paul được cứu rỗi. Sống thân phận người góa bụa, Rita dồn tất cả mọi nỗ lực để lo cho hai đứa con, bao nhiêu tình thương đều dành cho chúng. Rita cũng biết : con không cha như nhà không nóc dù người cha ấy hung hăng cũng là cha. Máu huyết tình thâm. Paul đã biết ăn năn hối cải, gia đình sống hạnh phúc chưa được bao lâu thì bị bọn cựu đảng viên ám sát, chết tất tưởi bên vệ đường, không được trông thấy vợ con, không được một lời trăn trối thì nhất định gây cho hai con mối xúc cảm nặng nề sâu đậm. Chúng hình dung thi hài cha mình nằm bên vệ đường, máu đọng lại từng vũng, tâm trạng chúng bị khủng hoảng, mất bình tĩnh, mất thăng bằng. Rita càng thương con nên càng tỏ ra dịu hiền, dỗ dành như hồi chúng còn bé bỏng, mong làm cho chúng khuây đi phần nào.

Jean Jacques và Paul Marie thường hỏi mẹ :

- Người nào đã giết bố con? Vì sao họ giết bố con?

Rita cũng chẳng biết tên sát nhân là ai nên cũng đáp :

- Mẹ chẳng biết là người nào và mẹ cũng chẳng biết lý do gì.

- Thưa mẹ, chúng con phải điều tra cho rành mạch mới được.

- Chúng con điều tra để làm gì?

- Thưa mẹ, răng đền răng, mắt đền mắt, mạng đổi mạng.

- Không dược. Giết người là tội trọng. Mẹ khuyên chúng con không được báo thù.

- Họ đã giết bố chúng con làm cho mẹ trở nên góa chồng, làm chúng con hóa thành mồ côi cha thì sao?

- Họ có tội thì đã có Chúa đoán xét trừng phạt còn chúng ta không có phép giết người; chúng ta không có phép trả thù. Chúa đã dạy là phải thương kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ làm khốn mình.

Mà đối thoại ấy giữa mẹ con Rita thường xảy ra lắm và mỗi lần như thế thì vẻ mặt Jean Jacques và Paul Marie đỏ lên, hai mắt tỏ ra giận dữ. Hai đứa con của Rita lớn lên, bấy giờ là hai thanh niên đầy sinh lực, chẳng lẽ bó buộc chúng ngồi mãi trong nhà. Chúng cũng có bạn bè. Công việc đồng áng rảnh rỗi thì cũng cần ra khỏi nhà để được thoải mái. Chơi với bạn cũng nghe bạn nhắc đến trường hợp bố mình đã bị ám sát. Mà, tự nhiên khi nghe nhắc lại, là máu nóng của hai cậu sôi sục, căm thù kẻ sát nhân và ý muốn báo oán. Cũng từ đó mỗi lần ra khỏi nhà, hai cậu đều mang theo dao mác. Mẹ có hỏi thì thưa rằng : Chúng con phòng thân khi bất trắc.

Mỗi lần thấy hai con ra khỏi nhà thì Rita hồi hộp, cầu nguyện xin Chúa cho chúng nó đừng gặp kẻ sát nhân. Ngày lại ngày, Rita vừa cầu nguyện vừa khuyên con, năn nỉ với con, tha thiết xin con bỏ ý định báo thù, phải tha thứ, phải tha thứ để được Chúa thứ tha. Chính Chúa dạy : Xin Cha tha tội cho chúng con cũng như chúng con tha cho kẻ có lỗi với chúng con.

Ngày hồi hộp theo ngày, đêm khắc khoải theo đêm, Rita nhớ lại truyện bà Blanche de Castille (1188-1252) mẹ của vua thánh Louis nước Pháp. Khi vua Louis còn nhỏ, bà dạy con rằng : Con ơi, con cũng biết trên trần gian nầy, mẹ yêu quý con rất mực, không gì sánh được, nhưng thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ hơn là thấy con phạm một tội trọng. Nhờ nghe và vâng giữ lời mẹ dạy mà vua Louis IX được nên thánh.

Vậy là Rita sấp mình cầu nguyện : Lạy Chúa toàn năng và nhân lành, con đội ơn Chúa đã ban cho con được hai cậu con kháu khỉnh, đẹp trai, sức vóc. Chúng nó là nguồn an ủi của con trong hoàn cảnh góa bụa. Song con xin Chúa một điều nầy là xin Chúa đem cả hai đứa về chầu Chúa chứ đừng để chúng nó sống với tâm hồn quyết giết người để trả thù cho cha chúng nó. Con thấy rõ ý định của chúng nó vì mỗi lần ra khỏi nhà, chúng đều mang theo vũ khí. Mỗi lần hai đứa ngồi lại với nhau đều thì thầm to nhỏ đặt kế hoạch giết người để trả thù.

Rita thật lòng cầu nguyện và cầu nguyện bền bỉ sốt sắng và Chúa nhậm lời. Lần lượt Jean Jacques và Paul Marie đứa trước đứa sau ngã bệnh. Rita tìm thầy chạy thuốc đều vô hiệu. Lương y cũng không biết chúng mắc bệnh gì. Hai thanh niên tuấn tú khỏe mạnh như vậy đó mà rồi lo an táng cho Jean Jacques vừa xong là Rita lo an táng Paul Marie!

Rita đau lòng thật! Không lời nào tỏ được nỗi đau buồn thương tiếc hai đứa con mà Rita đã cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ, cưng dưỡng; nay hóa ra người thiên cổ. Có ai nghĩ rằng tuổi thanh xuân tràn trề nhựa sống mà một lần đau là một lần chết đâu! Song dù lòng dạ đau như cắt, Rita vẫn an lòng vì chính mình đã nguyện xin : thà Chúa đem chúng nó về hơn là để chúng nó sống mà phạm tội trọng. Cả hai đứa con trước khi chết được lãnh các Bí tích của Hội Thánh và chết một cách nhẹ nhàng.

Dâng mình vào tu viện

Tang cha. Tang mẹ. Tang chồng rồi đến tang con. Theo mắt người trần tục thì ai cũng cho rằng Rita quả là người vô phúc. Vì hiếu với cha mẹ mà đành phải bỏ ý định đi tu để lập gia đình. Lập gia đình thì vấp phải một người chồng vũ phu côn đồ thô bạo. Lo cho chồng cơm ngon canh ngọt, phục dịch chiều chuộng chồng mà cứ mãi nghe chồng mắng nhiếc, năm nọ đến năm kia. Khi chồng biết sám hối ăn năn thì tang cha mẹ. Hạnh phúc gia đình chẳng được bao lâu thì chồng bị ám sát. Chồng được mồ êm mả đẹp chưa trọn một năm thì lo chôn cất hai con.

Ôi, Thử thách! Ôi, Thánh giá! Ôi, con đường Calvariô! Trong nhà Rita, vắng chồng, vắng con. Ôi, cô đơn! Ôi, não nùng! Một mình chiếc bóng, Rita nước mắt ràn rụa, chạy đến quỳ trước tượng chuộc tội nguyện rằng : Lạy Chúa, nơi dương thế, thân con một mình hiu quạnh, cô đơn, bây giờ Chúa muốn dùng con vào việc gì?”

Rita hồi tưởng lại đời mình. Lúc còn thanh xuân ước mong được dâng mình vào dòng tu mà không thực hiện được. Nay muốn vào dòng thì tuổi quá lớn, biết có dòng nào đoái thương nhận mình chăng? Tu viện chỉ nhận thanh nữ trinh tiết chứ mình là một góa phụ!

Rita cầu nguyện nhiều với tấm lòng khiêm nhu, đầy tin cậy, đầy nghị lực. Hồi tưởng lại bản thân mình, Rita thấy Chúa toàn năng đã ban cho mình nhiều ơn phi thường - xem ra - theo lẽ tự nhiên - thật là vô lý, vô vọng. Những bằng chứng còn rành rành đây :

1. Song thân mình sinh ra mình trong lúc đã ngoài bảy mươi tuổi.

2. Chồng mình, sau mười mấy năm sống hung dữ vũ phu, lỗ mãng, theo bọn chống giáo quyền... đã hồi tâm sám hối, bị ám sát và Chúa đã mạc khải cho biết là Paul được ơn cứu rỗi.

3. Chúa đã nhậm lời mình, Chúa đem cả hai đứa con về với Ngài, tránh được tội giết người.

Rita nhớ lại việc bà Elisabeth mang thai thánh Gioan Tẩy giả lúc tuổi già và cũng đã mang tiếng là son sẻ. Rita nghĩ đến Phúc âm theo thánh Luca kể chuyện thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa. Thiên sứ xác quyết “Chẳng có sự gì mà Thiên Chúa làm chẳng được. (Lc1, 26-38).

Đầy lòng tin và cậy vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Rita cầu nguyện, cầu nguyện... và tự nghĩ rằng : “nếu Chúa nhậm lời mình thành khẩn cầu xin thì Ngài sẽ san bằng mọi trở ngại.

Rita bị gậy lên đường nhắm Cascia mà tiến. Đến nữ tu viện Augustinô như lòng mong ước. Càng tiến gần đến nhà dòng, ngước mắt nhìn tường cao cổng kín, Rita hồi hộp, tim đập mạnh. Rụt rè, lưỡng lự trong chốc lát nhưng cuối cùng Rita đánh bạo, kéo giây chuông. Độ một phút sau, Rita nghe tiếng chân người bước chậm rãi, càng gần nghe càng rõ, rồi chiếc tiểu môn hình chữ nhật rộng chừng 20 phân cao chừng 30 phân mở ra. Bên trong, Rita thấy một nữ tu già. Rita cất tiếng chào. Nữ tu đáp lễ rồi hỏi :

- Bà đến đây có việc gì?

- Thưa, em xin gặp mẹ bề trên.

- Có việc gì thế? Nói đi để tôi vào trình với mẹ.

- Thưa em có chuyện cần phải hầu chuyện riêng với mẹ.

Cánh cửa lớn hé mở. Rita bước vào. Cửa đóng lại. Nữ tu già hướng dẫn Rita vào phòng khách rồi báo tin cho mẹ bề trên. Bên trong lưới sắt có tấm màn xanh đậm. Mẹ bề trên trông thấy Rita. Bên ngoài lưới sắt, Rita không trông thấy bề trên. Cuộc đối thoại bắt đầu sau câu chào hỏi thường lệ.

Bề trên hỏi : Chị cần gặp riêng tôi về việc gì thế?

- Thưa mẹ, con xin được vào dòng nữ thánh Augustinô.

- Chị bao nhiêu tuổi?

- Thưa con vừa hơn bốn mươi.

- Tuổi ấy quá lớn. Chị còn cha mẹ không?

- Thưa mẹ, bố mẹ con quá vãng rồi. Con đã có gia đình nhưng bây giờ con là một góa phụ; không chồng, không con.

- Lại càng không được. Nhà dòng thương cảm cho chị nhưng luật dòng rành rành. Thôi chị về, ăn ở đạo đức thì cũng được lên nước thiên đàng vậy. Chị về bằng an!

Cuộc tiếp xúc chấm dứt. Bề trên chào và Rita đáp lễ, bị gậy trở về nhà. Rita biết ở đấng bậc nào cũng có thể phụng thờ Thiên Chúa, song ước mơ của Rita từ thuở nào là dâng mình vào dòng.

Rita tiếp tục sống cảnh góa bụa cô đơn hiu quạnh, gia tăng lời cầu, ăn chay hãm mình, viếng thăm bệnh nhân, giúp kẻ cơ hàn, nhưng linh tính rằng mình sẽ được vào dòng nữ tu Augustinô. Rita lại bị gậy lên đường đến nữ tu viện Augustinô xin nhập dòng, hai lần ba lượt, mẹ bề trên vẫn nhất thiết từ chối với lời ủi an khuyên lơn khích lệ sống đạo đức, mà linh tính của Rita vẫn đinh ninh rằng dòng nữ Augustinô là dòng tu của mình.

Thế rồi một buổi tối nọ, kinh nguyện vừa xong thì trời cũng về khuya, bên ngoài cảnh vật đang chìm dần vào đêm tối, tứ bề im lặng họa chăng chỉ còn tiếng côn trùng, tiếng dế gọi nhau rì rì rì... Rita chuẩn bị lên giường ngủ. Bỗng Rita nghe tiếng gọi mình, tiếng goi ấy xé tan bầu khí tĩnh mịch của đêm khuya. Rita mở cửa sổ nhìn ra. Không thấy ai, tưởng mình nghe lầm nên đóng cửa lại, trở về giường. Lại có tiếng gọi : Rita! Rita!

Lòng hồi hộp, Rita tưởng rằng có người cần nhờ cậy mình việc khẩn trương nên chỗi dậy, mặc áo, mở cửa đi ra. Rita thấy có ba người đàn ông, dáng điệu oai nghi phúc hậu. Ba vị ấy là ai nhỉ? Các người cần mình việc gì đây? Nhờ linh ứng, Rita nhận ra ba vị ấy rõ ràng là thánh Gioan Tẩy giả, thánh Augustinô và thánh giám mục Nicôlaô - ba vị thánh mà Rita có lòng sùng kính áí mộ. Cả ba vị đồng thanh bảo : con hãy đi theo chúng ta. Rita tưởng mình chiêm bao, chẳng hỏi han gì, cứ theo ba ngài. Nhưng vừa ra khỏi nhà thì thấy mình đã đến Cascia và đang đứng ngoài cổng nhà dòng nữ tu Augustinô. Cổng nhà dòng tự nhiên mở ra. Rita thấy mình đang ở bên trong nội cung nhà dòng, trước cửa nhà nguyện của dòng, còn ba vị biến đâu mất. Lòng vui mừng khôn xiết, Rita quỳ gối tạ ơn Chúa và cảm ơn ba vị thánh đã dẫn mình vào nhà dòng.

Sáng tinh sương, chuông nhà dòng đánh thức. Mẹ bề trên và các nữ tu sắp hàng hai vào nhà nguyện. Thấy con người mà đã nhiều lần bị từ chối việc nhập viện, mẹ bề trên rất đỗi ngạc nhiên! Là người tuổi tác giàu kinh nghiệm, mẹ bề trên dẫn Rita vào nhà nguyện, chỉ cho một chỗ ngoài cung thánh rồi bảo nhỏ : Chị quỳ đây dự phần kinh nguyện và thánh lễ, rồi sẽ nói chuyện. Sau thánh lễ, mẹ bề trên dẫn Rita vào nhà cơm, yêu cầu nhà bếp dọn điểm tâm cho Rita. Các nữ tu cũng bỡ ngỡ khi trông thấy người đàn bà ấy, song ai nấy vẫn thinh lặng ăn sáng.

Điểm tâm xong, các nữ tu đều đi làm việc theo nhiệm vụ của mình. Mẹ bề trên nhờ mẹ nhà tập đưa Rita vào phòng của mẹ bề trên. Riêng mẹ bề trên nhờ mấy nữ tu lớn tuổi đi quan sát quanh nhà dòng :

1. Xem cổng lớn cổng nhỏ có dấu vết gì không? Các then cửa còn nguyên vẹn không?

2. Rảo quanh tường thành xem có dấu vết chân người leo lên thành không? Có dấu chân người đi trên đất trống không?

Kiểm soát xong, các nữ tu báo cáo rằng : Không một dấu vết gì cả. Mẹ bề trên vào phòng mình kiểm điểm các bộ chìa khóa thì đâu vẫn còn đấy. Bấy giờ mẹ bề trên mới bắt đầu nói chuyện với Rita, có bề trên nhà tập dự thính. Hỏi qua loa về tên tuổi, sanh quán, nghề nghiệp, học vấn của Rita theo lệ thường rồi mới đến cuộc phỏng vấn chính thức :

- Chị vào đây bằng lối nào?

- Thưa mẹ, tối hôm qua, trời đã về khuya, con chuẩn bị lên giường ngủ thì nghe bên ngoài có tiếng gọi Rita, Rita. Con mở cửa sổ nhìn ra, bốn bề vẫn im phắc, con tưởng mình nghe lầm nên lại lên giường ngủ. Con nằm chưa ấm lưng thì lại nghe gọi rõ ràng Rita, Rita. Con tưởng rằng có người nào đó lỡ đường, kêu xin giúp đỡ thì liền đáp : Dạ, xin vui lòng đợi tôi mặc áo xong sẽ mở cửa. Mặc áo xong, mở cửa đi ra, con thấy ba vị khách và các ngài bảo con : con hãy đi theo chúng ta. Con vâng lời theo các ngài và chỉ trong nháy mắt, con đứng ngoài cổng tu viện. Cổng tự nhiên mở ra và con đứng ở cửa nguyện đường, nhìn lại thì ba ngài biến mất.

- Chị có biết ba vị ấy là ai không?

- Thưa Chúa soi sáng cho con biết ba vị ấy là thánh Gioan Tẩy giả, thánh Nicôlaô và thánh Augustinô.

- Chị sùng kính ba vị thánh ấy lắm ư?

- Thưa mẹ, con kính thánh Gioan Tẩy giả vì ngài được đầu thai khi thánh Elisabeth đã già và cũng là mang tiếng son sẻ. Ngài cũng giống con vì mẹ con mang thai lúc mẹ con đã bảy mươi tuổi. Con kính thánh Augustinô vì khi vừa có trí khôn, con đã ước nguyện vào nhà dòng do ngài sáng lập. Còn đối với thánh Nicôlaô thì khi con mang thai, con xin ngài phù hộ cho con cái của con vì ngài rất yêu con trẻ.

Mẹ bề trên nhìn mẹ nhà tập. Lần nầy thì mẹ phải nhận Rita và giao cho mẹ nhà tập hướng dẫn, huấn luyện. Đến giờ cơm trưa, mẹ bề trên, trước mặt đông đủ nữ tu, sau phần đọc kinh ăn cơm, giới thiệu Rita :

- Thưa các chị em, hôm nay nhà dòng nhận một tân thỉnh sinh tên là Margarita nhưng gọi cho gọn lại là Rita và Rita sẽ do bề trên nhà tập hướng dẫn.

Các nữ tu nhìn Rita rồi ồ lên một tiếng. Mọi người ngồi vào chỗ của mình, tiếng kéo ghế, tiếng bát đũa khua, ai nấy ăn trong thinh lặng để nghe đọc sách... Bề trên tập viện, nhận lãnh một góa phụ, thoạt tiên cũng ngại ngùng vì rằng : Uốn tre uốn thuở còn măng chứ đằng nầy!!!...

Phần Rita, được nhập dòng, rất đỗi sung sướng. Đã từng mấy chục năm nay, sống thánh thiện theo đường lối Phúc Âm, nên chẳng thấy có gì là khó khăn. Lòng đơn sơ chất phác như một em bé, Rita tuân giữ mọi luật lệ của dòng. Chẳng bao lâu, bề trên tập viện rất hài lòng vì nhận thấy Rita có đức khiêm nhượng vững vàng, vâng lời nhanh chóng, tính nết hiền hòa, đúng là một tập viên lý tưởng.

Phần Rita trong thâm tâm muốn được như Chúa Giêsu chịu khổ nạn nên hằng tìm mọi cơ hội để chịu đau khổ, để được hạ mình ăn ở khiêm cung. Trong tu viện kín cổng cao tường, những dịp để chịu đau khổ, để được hạ, mình khiêm nhượng không thiếu. Hai chữ chung đụng thường xảy ra. Chuyện bé xé thành to, bằng lóng tay day bằng cánh tay. Những kẻ lành thánh thường hóa thành mục tiêu để chị em châm biếm. Họ cũng biết ganh tỵ, cũng biết nói hành nói tỏi, cũng biết xầm xì nhỏ to, cũng biết nguýt háy. Toàn là tu sĩ thật đấy nhưng xác thịt vẫn còn, đi tu mà chưa thoát xác. Rita biết rõ cách cư xử của chị em, cũng am hiểu khoa tâm lý, cũng từng có kinh nghiệm, nên cho đó là chuyện thường tình, chẳng có gì lạ; bởi vậy nếu trong chị em có ai ganh tỵ mình hoặc nói hành, Rita không hề xung giận, trái lại càng gia tăng lời nguyện cầu cho chị em, càng tỏ lòng thương mến giúp đỡ chị em.

Thời giờ thấm thoát trôi qua cũng nhanh theo luật tuần hoàn. Thời gian làm tập sinh mãn hạn, các bề trên cứu xét, thảo luận và thuận cho Rita được mặc áo dòng. Lòng Rita tràn ngập niềm vui. Vẫn biết rằng áo dòng không làm nên tu sĩ nhưng Rita biết rằng với chiếc áo dòng từ nay mình hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa; sống thánh thiện bằng việc làm, bằng lời cầu nguyện, biết sống khó nghèo hầu có phương tiện giúp đỡ kẻ bần cùng tật nguyền thường đến thăm nhà dòng. Mỗi lần được dịp giúp đỡ kẻ khó nghèo thì Rita giúp đỡ họ, chiều chuộng hầu hạ họ với một tình thương huynh đệ vì Rita xem họ đúng là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu đau khổ.

Hằng ngày, ngoài các việc ăn chay hãm mình đền tội theo luật dòng, Rita còn xin bề trên cho phép mình được sống kham khổ song đồng thời cũng thâm hiểu rằng tiên vàn phải chu toàn mọi việc do bề trên giao phó, dù là việc trái với lề lối rất thông thường, đó là đời sống thánh thiện.

Một ngày nọ, mẹ bề trên gọi Rita và bảo :

- Chị Rita ơi, đây là cành nho tôi giao cho chị, chị đem nó ra góc vườn kia trồng xuống, rồi mỗi ngày hai lần tưới nước cho nó.

Rita vâng dạ, lãnh cành nho vui vẻ trồng ngay vào chỗ do mẹ bề trên đã chỉ. Cành nho nầy là một cành nho đã khô đã mục rồi, nếu cho vào bếp thì nó chỉ lên khói chứ cũng không cháy nổi. Mẹ bề trên biết lắm chứ song muốn thử thách đức vâng lời của Rita. Từ hôm ấy, mỗi ngày hai lần - sáng và chiều - Rita xách hai thùng nước tưới vào cành nho. Các nữ tu thấy Rita làm một việc xem ra hoài công thì nhìn nhau cười châm biếm, nhỏ to xầm xì : Rõ là ngây thơ! Rõ là mất công! Rõ là dại dột, không biết thưa trình... Riêng mẹ bề trên im lặng, ngợi khen đức vâng lời của Rita. Suốt một năm trời, sáng chiều, mùa nắng cũng như mùa mưa, Rita tưới nước cho cành nho, không bỏ qua một buổi nào.

Rồi, một ngày kia, cành nho mục nát ấy bắt đầu tươi lên rồi đâm chồi, lá tươi xanh trổ ra, dần dần lớn lên với thời gian. Bấy giờ thì mọi người trong dòng đều sửng sốt. Tiếng ồ! tiếng à! thay cho lời châm biếm. Cành hoa đâm hoa, kết quả tốt đẹp xinh xắn, ăn vào lại thấy ngon ngọt hơn nho mua ở chợ hoặc nho ở vườn chung quanh. Cành nho ấy ngày càng lớn lên, đến mùa thì đâm hoa kết trái... và nó còn sống mãi cho đến ngày nay nghĩa là ngoài năm trăm năm rồi.

Phần Rita, trước kỳ công của Thiên Chúa, càng tỏ ra khiêm nhu, cầu nguyện để đánh tan mọi cơn cám dỗ về tội kiêu ngạo; cho nên mỗi lần nhớ đến phép lạ Chúa ban cho thì Rita lại nguyện xin chớ để con sa chước cám dỗ. Rita biết rằng Thiên Chúa yêu ta không phải là chuyện để cười mà chơi cho nên Rita hằng suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã chịu để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại được phước trở lại làm con Thiên Chúa. Mỗi lần nhìn lên thánh giá thấy Chúa chịu đóng đinh, thấy năm dấu thánh ở hai tay hai chân và cạnh sườn và trên đầu Chúa còn chịu đội mão gai, Rita cũng ước ao được chịu đau khổ với Chúa; hơn thế, Rita cũng biết thánh Phanxicô Assisiô đã được Chúa ban cho năm dấu thánh nên càng ước nguyện mình cũng được phước như thế.

Lãnh nhận dấu thánh

Năm 1443, trong mùa chay thánh, có một linh mục thánh thiện đến Cascia giảng tuần đại phúc, quý danh ngài là Jacques della Marca (đã được phong Hiển thánh). Dòng nữ thánh Augustinô cũng được đi nghe giảng. Cha Jacques giảng về cuộc thương khó Chúa Giêsu. Ngài giảng rất sốt sắng, rất sâu sắc và nhờ tài hùng biện lợi khẩu, ngài làm cho thính giả động lòng; riêng Rita càng được thêm lòng mến yêu Chúa Giêsu.

Trở về tu viện, Rita vội vào nhà nguyện, quỳ trước tượng thánh giá Chúa để suy ngắm Chúa bị treo trên thập giá, cám ơn Chúa đã chịu bao nhiêu đau khổ nhục nhã để chuộc tội nhân loại; Rita còn xin Chúa ban cho mình được lãnh nhận một phần khổ đau của Chúa. Đôi mắt Rita không rời tượng Chúa thì bỗng chốc thánh giá hóa nên sinh động sáng ngời rồi, một chiếc gai tự nhiên rời khỏi mũ gai trên đầu Chúa bay đến đâm ngay vào trán Rita thấu đến xương sọ. Rita thấy đau buốt và té xỉu, ngất trí, dần dần Rita hồi tỉnh. Các nữ tu vào nhà nguyện thấy trán Rita có vết thương do chiếc gai gây nên. Vết thương ấy làm cho Rita đau đớn, đêm cũng như ngày, nhức nhối không chịu được, máu mủ cứ chảy ra. (Thánh Phanxicô lãnh năm dấu thánh song không bị nhức nhối, thỉnh thoảng máu có rỉ ra nên ngài còn đi giảng được).

Dấu gai trên trán Rita, ngoài sự việc máu mủ cứ chảy ra đã đành song hôi hám quá - thuốc men vô hiệu - cả tu viện không ai chịu nổi, các nữ tu phải bịt miệng bịt mũi tỏ vẻ ghê tởm nữa. Từ đây Rita phải đau khổ cả phần xác lẫn chịu nhục mạ phần hồn, chẳng khác gì hồi xưa trên đồi Golgotha, trên thánh giá Chúa Giêsu bị dân chúng nhục mạ, kẻ qua đường nhìn lên nhạo báng.

Thấy Rita được ơn lạ, các nữ tu bắt đầu khâm phục, hâm mộ, song nơi vết thương, máu mủ vẫn chảy ra hôi hám quá đỗi. Rita đến đâu đều bị chị em tránh xa ra.

Cuối cùng, tu viện cho Rita ở một căn phòng nhỏ theo dãy nhà dùng làm kho ở vườn, hằng ngày nhà dòng cho người mang thức ăn nước uống tiếp tế cho Rita. Tội nghiệp cho Rita, bị bỏ rơi, sống đời ẩn dật đơn phương, cô đơn. Nhưng đã quen sống thánh thiện, Rita chẳng phàn nàn, chẳng oán trách; trái lại còn đội ơn Thiên Chúa dã khấng ban cho mình điều mình hằng nguyện cầu. Rita dâng mọi đau khổ cả hai phần hồn xác để hiệp thông nỗi khổ đau vô biên của Chúa. Sau thời gian làm tập sinh nay đến lúc Rita được khấn hứa trọn đời, chính thức dâng trọn đời mình làm của lễ toàn thiêu như mình đã từng ước mơ từ lúc thiếu thời.

Ở đời nầy, kim cổ đông tây đều có chung một câu ca dao : hữu xạ tự nhiên hương. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường. Rita được sống ẩn dật nên lấy làm toại nguyện song trong thời gian còn là tập sinh, Rita được giao phó việc giúp đỡ bệnh nhân và kẻ khó nghèo, Rita đã phục vụ với cả một tấm lòng từ mẫu nên ai cũng mộ mến. Nhưng từ ngày nhận lãnh dấu gai, thân thể đau nhức hôi hám, nhà dòng cho ở biệt phòng, không thể ra ngoài được nữa, vì vậy nên nhiều người muốn tìm hiểu lý do sự vắng mặt của Rita, rồi nhờ đó mà khắp phố phường thôn xóm biết được Chúa đã ban dấu thánh trên trán Rita.

Hành hương Rôma

Thời ấy, Giáo Hội vẫn giữ truyền thống cứ năm mươi năm thì tổ chức một năm thánh gọi là năm toàn xá. Đức Giáo Hoàng Nicôlaô V cho loan báo tổ chức năm thánh vào năm 1450. Vậy là từ khắp nơi, người công giáo chỉ nói đến năm thánh, chỉ bàn đến chuyện đi về Rôma để dự năm thánh, chỉ lo chuẩn bị cuộc hành trình về Giáo đô muôn thuở để được lãnh ơn Toàn xá.

Trong nữ tu viện Augustinô ở Cascia, các nữ tu còn khỏe mạnh đều nao nức mong ước được hành hương Rôma để lãnh nhận ơn Toàn xá (Thời ấy, luật dòng cũng có cho phép nữ tu ra khỏi cung cấm tùy cơ hội, tùy trường hợp). Rita cũng như các chị em, thèm được hành hương Rôma trong dịp may hiếm có nầy - năm mươi năm mới có một lần.

Rita ra khỏi biệt phòng, gặp bề trên xin phép tháp tùng chị em đi Rôma. Mẹ bề trên ngoài mặt thì tỏ ra lưỡng lự nhưng trong lòng nghĩ rằng giao cho một nữ tu thánh thiện hướng dẫn chị em hành hương thì mình được yên lòng hơn mà ngoài Rita ra, không còn ai hơn được nữa. Nhưng! Nhưng! Nhưng vết thương trên trán Rita bẩn thỉu và hôi hám thế thì tính sao đây! Ai mà chịu được? Mẹ bề trên an ủi Rita : Tôi bằng lòng lắm song chị phải xin Chúa cho vết thương trên trán lành đi mới được.

Rita cúi đầu vâng dạ, lui về biệt phòng cầu nguyện : Lạy Chúa, con ước ao được hành hương Rôma để hưởng nhờ ơn Toàn xá, năm mươi năm mới có một cơ hội quý báu như thế, song dấu gai Chúa ban cho trên trán con hôi hám quá nên bề trên của con có đủ lý do chính đáng để từ chối con, con không thể tháp tùng chị em con. Xin Chúa Toàn năng và nhơn lành cho vết thương của con được lành bên ngoài, không còn hôi hám, nhưng bên trong con vẫn chịu đau nhức và con xin được như thế chỉ trong thời gian hành hương mà thôi. Khi mọi nghi lễ xong xuôi, trở về tu viện, con xin cho vết thương trở lại tình trạng như từ trước.

Chúa nhậm lời Rita. Dấu gai biến mất và đau nhức vẫn nhức đau. Rita đi trình mẹ bề trên. Mẹ bề trên sửng sốt, thầm ngợi khen Thiên Chúa và chẳng những cho phép mà còn giao cho Rita nhiệm vụ hướng dẫn toán nữ tu được hành hương. Tuổi đã quá sáu mươi rồi mà Rita vui mừng hớn hở như một em bé.

Toán nữ tu bị gậy lên đường, nhắm hướng Rôma tiến bước. Cũng như đa số khách hành hương, họ đi bộ từ Cascia đến Rôma khoảng cách cũng trên vài trăm cây số, vừa đi vừa đọc kinh, hát thánh vịnh, mệt đâu nghỉ đấy. Đến dãy núi Apennins có ngọn cao chót vót, phải trèo non lặn suối, thi gan với ngày nắng nồng oi bức, bất quản giông tố bão táp, nước mưa tát vào mặt giống như ngọn roi quất vào... Hành hương thời ấy vất vả khó khăn cực khổ nhọc mệt như vậy đó song lòng người mộ đạo không nao núng, không sờn lòng; càng được khổ đau, công nghiệp ơn ích càng nhiều.

Bao nhiêu năm sống trong tu viện kỷ luật nghiêm nhặt, nay được rời khỏi cảnh sống kín cổng cao tường, được thấy trời thấy đất, biết thế nào là thác là ghềnh, băng qua bao nhiêu là làng mạc phố xá, thưởng thức ngắm cảnh mặt trời mọc, ánh rạng đông thật là huy hoàng, làm cho lòng người phấn khởi. Buổi chiều tà nhìn về phương tây, mặt trời sắp lặn, tỏa ánh sáng màu hồng màu vàng rồi màu sẫm tươi khi màn đêm sắp chụp xuống trên cảnh vật. Đẹp ơi là đẹp, đẹp lộng lẫy, đẹp uy nghi, đẹp kinh hồn... Nhìn những ngọn núi cao ngất ngạo nghễ, nghe tiếng suối chảy róc rách như điệu nhạc êm đềm làm cho đoàn nữ tu cao hứng hát lên những khúc thánh vịnh ca tụng Chúa phép tắc, oai quyền.

Trên lộ trình, toán nữ tu cũng gặp từng đoàn hành hương, ai nấy cũng một lòng một dạ, thương cảm nhau, chia nhau từng chén cơm bát nước; đức bác ái được dịp để thi thố, đúng là cảnh con một nhà, tôi một Chúa sống hòa đồng với nhau như Giáo Hội thời tiên khởi, mọi của cải đều trao dâng cho các tông đồ để các ngài chia lại cho giáo dân tùy nhu cầu của từng người, hóa ra chẳng ai có thừa chẳng ai phải thiếu (Sách Tông dồ công vụ 2, 42-46).

Càng đến gần Rôma thì người càng đông từ muôn nẻo đổ xô về. Thôi thì đủ hạng người, đủ quốc tịch, đủ màu da (vàng, đen, trắng, đỏ), tu sĩ, giáo sĩ, sang, hèn, giàu, nghèo, quan quyền, thứ dân, người kẻ chợ, kẻ quê mùa... mặt mày rạng rỡ, hớn hở náo nức, tạo thành một bức tranh hùng vĩ sinh động, muôn màu, cùng chung lý tưởng, cùng một chí hướng. Mọi người đều làm quen nhau dù không đồng ngôn ngữ, dù khác phong tục, khác văn hóa, nhưng dấu hiệu chung của nhau là làm dấu thánh giá : Nhơn danh Cha, và Con, và Thánh Thần... Các đoàn người cứ tiến, tiến mãi như thác lũ làm cho dân địa phương như bị lôi cuốn, bỏ cửa nhà tháp tùng đoàn hành hương.

Tòa Thánh Vatican đây rồi, tuy công trình chưa hoàn tất, mái tròn (coupole) trên đỉnh Vương cung chưa có song tất cả mọi người cứ nhắm Vatican mà tuôn đến. Rita và các nữ tu - giữa cảnh đoàn lũ đông đảo - cũng có gặp đôi chút chen lấn, nhưng rồi cũng qua được chiếc cầu Thiên thần (pont Saint Ange) trên sông Tibre rồi dần dần vào công trường thánh Phêrô, đến tiền đường Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Qùy gối, đoàn nữ tu tạ ơn Chúa đã cho đến Giáo đô bình an, đoạn cùng với đoàn người thập phương cầu nguyện xin Thiên Chúa nhân từ và lòng lành tha thứ mọi tội lỗi nhân loại đã phạm và còn tiếp tục phạm đến Thiên Chúa; cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho Giáo Hội, cầu cho đâu đó chấm dứt các cuộc cướp phá, chém giết lẫn nhau... Cùng chung một lòng, hàng vạn lời khẩn cầu đồng loạt : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.

Trong năm Toàn xá 1450, Đức Giáo Hoàng Nicôlaô V đã phong Hiển thánh cho một tu sĩ dòng Phanxicô khó khăn là cha Bernardin de Sienne. Đây là nghi lễ cực kỳ long trọng trang nghiêm mỗi lần Giáo Hội tôn phong một giáo dân để toàn thế giới tôn kính cầu bầu.

Sau khi đã tham dự đầy đủ mọi nghi thức để lãnh ơn Toàn xá, Rita cùng với các nữ tu theo đoàn lũ hành hương viếng mộ thánh Phêrô và các vị Giáo Hoàng, thăm viện bảo tàng của Tòa Thánh, được nhìn tận mắt mọi báu vật vô giá là : lưỡi đòng mà tên lính đã dùng để đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Nhìn thấy lưỡi đòng tâm hồn Rita suy về cuộc khổ nạn Chúa nên thổn thức khóc lóc lâu dài tưởng như quả tim của mình cũng bị đâm vậy. Báu vật thứ nhì là chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ Do thái thường dùng. Truyền thống kể lại rằng : Chúa Giêsu vác thánh giá, trên đường lên núi sọ, mặt mày Chúa lấm láp mồ hôi và máu hòa lẫn với nhau, trông quá thảm não. Một phụ nữ trông thấy vậy động lòng thương, bà ta lấy chiếc khăn trùm đầu của mình, xông vào giữa đoàn lũ quân lính dữ dằn lau mặt cho Chúa. Chúa thương cảm cử chỉ can đảm và nhân hậu ấy nên Chúa đã làm một phép lạ mà bà ấy chẳng biết gì cả. Bà ta gấp khăn lại. Về đến nhà, bà định giặt khăn. Nhưng khi mở ra, thấy khuôn mặt Chúa Giêsu in vào khăn rõ rệt, bà ta cất làm kỷ niệm. Chẳng ai biết tên thật của bà ấy nên đặt cho bà cái tên là Vêrônica. (Vêronica do từ ngữ Hy lạp Véronique và nghĩa là hình ảnhchính xác).

Về sau người ta đã họa lại hình ảnh ấy vào vải, cho chạm vào chiếc khăn thật rồi mang về tôn kính. Hơn ai hết, Rita quỳ gối hàng giờ trước di tích này chiêm ngắm vì trên trán mình có dấu vết chiếc gai. Trong thời gian hành hương vết thương không hôi nhưng trong đầu Rita vẫn bị đau nhức ghê lắm. Sau đó, đoàn nữ tu chiêm ngắm miếng gỗ của chính thánh giá của Chúa. Rời Vatican, chị em viếng các hang toại đạo ở ngoại ô Rôma, chị em lách mình theo các đường hầm do các giáo hữu đào sâu dưới đất dùng làm nơi trú ẩn trong thời Giáo Hội bị bách hại khủng khiếp: Giáo dân sống với nhau, đùm bọc nhau, nuôi nấng săn sóc nhau, quý nhau hơn ruột thịt; thi gan với các bạo chúa, quyền lực của ma qủy. Trải qua bao thế hệ di tích còn đấy để minh chứng hùng hồn lòng trung thành kiên gan của giáo hữu thời xa xưa. Máu tử đạo là hạt giống sinh ra người có đạo. Càng bị bắt bớ đức tin càng bền vững.

Mọi biến cố, mọi cuộc lễ lạc quan trọng, huy hoàng bao nhiêu rồi cũng đến hồi cáo chung. Sau các nghi lễ bế mạc năm thánh 1450, mọi người lần lượt giã từ kinh thành muôn thuở để trở về quê hương xứ sở của mình. Rita và các nữ tu lại lên đường trở về tu viện Cascia. Đường về thường được cảm thấy như gần hơn, có lẽ vì quen đường mà cũng có lẽ vì mình chẳng còn nao nức chóng đến đích. Các chị em vừa đi vừa tạ ơn Chúa và vì phấn khởi trong lòng nên chẳng còn ai cảm thấy nhọc nhằn vất vả.

Về đến dòng, Rita vì là trưởng đoàn, nên phải tường thuật cho nhà dòng cuộc hành hương và chia sẻ cho mọi người ơn ích thiêng liêng Chúa đã ban cho. Mẹ bề trên định giao cho Rita một nhiệm vụ mới, chiếu theo tuổi tác, kinh nghiệm, thánh đức. Song Chúa không quên lời cầu nguyện của Rita và Rita cũng nhớ rành mạch mình đã xin Chúa những gì.

Rita thuyết trình xong. Trước mặt các nữ tu, mẹ bề trên toan tuyên bố trao nhiệm vụ cho Rita thì bỗng nhiên dấu gai chảy máu mủ hôi hám không ai chịu nổi. Vậy là Rita trở lại sống cô đơn ở biệt phòng, tạ ơn, ăn chay, hãm mình, khổ hạnh. Qua cuộc hành hương, Rita càng được dịp trông thấy thiên hạ chịu đủ thứ đau khổ cả hai phần hồn xác, nên Rita càng tin tưởng vào giá trị của đời sống hy sinh có lợi cho phần rỗi linh hồn.

Những kẻ liệt giường, những người tàn tật, những kẻ cô đơn, là những người được Chúa ban thánhh giá cho. Đó là những người có thế lực giống như những tông đồ hăng say dấn thân hoạt động. Ước gì trong thâm tâm họ cam lòng lãnh nhận khổ đau để sống một cách đạo đức lành thánh. Theo quan niệm ấy, Rita, trong bốn bức tường của biệt phòng nhỏ hẹp tưởng như được mọi người quên lãng, nhưng trái lại, tiếng tăm được nhiều người biết đến. Người ta thường đến nhà dòng, xin gặp Soeur Rita nhờ cầu nguyện để được ơn nọ ơn kia, mà phần nhiều được như ý sở cầu.

Ngày kia, một bà có đứa con đau nặng tưởng không qua khỏi. Bà ấy đến xin nhà dòng cầu nguyện. Nhà dòng giao việc ấy cho soeur Rita. Khi bà ấy về đến nhà thì thấy con mình đã lành bệnh. Chẳng những dân chúng Cascia mà ngay cả những vùng xa xôi, người ta đều đến nhờ soeur Rita cầu nguyện. Soeur Rita càng gia tăng việc ăn chay hãm mình đền tội. Theo đà sống kiêng kham như thế nên sức khỏe soeur Rita hao mòn nhanh chóng, phải liệt giường trong bốn năm liền. Sống trong đau khổ như thế, soeur Rita đã làm đẹp lòng Chúa nên Chúa cũng tỏ ra trìu mến soeur Rita.

Một hôm, có bà nông dân cùng quê với soeur Rita đến thăm. Hai chị em hàn huyên tâm sự về đời sống của xóm làng, tin tức người nọ kẻ kia mà soeur Rita quen thân. Khi từ giã nhau Rita nói với khách :

- Chị ơi, khi nào rảnh rỗi, chị sang vườn của em, hái mang đến cho em một chiếc hoa hường. Em thích hoa hường lắm.

Về đến làng, bà khách bị lạnh, run lập cập. Khi ngang qua vườn Rita, bà ta thấy cỏ cây bị gió lạnh cong queo vì đang giữa mùa đông. Nhưng nhìn kỹ lại, bà ta thấy cây hoa hường có một đóa mới nở xinh tươi, bà ta tưởng mình nhìn lầm. Nhưng thật là chiếc hoa hường. Bà ta vào vườn cắt cánh hoa tươi thơm ngát, vội vàng mang đến dòng trao cho soeur Rita. Soeur Rita đón nhận chiếc hoa, vui hớn hở như trẻ con.

Hạnh tích của soeur Rita cũng có kể chuyện cây vả khô cằn trong mùa đông giá rét mà cũng đâm ra hai quả tươi tốt ngon lành. Thật là Chúa chẳng bao giờ từ chối những kẻ không từ chối việc gì với Chúa.

Sức lực soeur Rita mỏi mòn. Con người của soeur cũng chết từ từ, bắt đầu hai chân rồi đến thân. Biệt phòng của soeur Rita bỗng nhiên sáng ngời. Chúa Giêsu và Mẹ Maria mỉm cười nhìn soeur Rita. Soeur Rita không còn muốn sống lâu hơn nữa, vì tuổi cũng vừa bảy mươi rồi, nên hỏi Chúa : Lạy Chúa Giêsu lòng con hằng yêu mến, đến bao giờ Chúa mới cho con được sống mãi, sống luôn mãi với Chúa?

- Trong ba ngày nữa con sẽ về Nước Trời với Cha”.

Đối với soeur Rita ba ngày nữa xem ra quá lâu. Soeur Rita xin được lãnh các bí tích sau cùng. Rước Mình Thánh Chúa xong, soeur Rita ôm hôn kính thánh giá, bên ngoài cảnh vật đang độ trổ hoa vì là giữa xuân... Ngày 22.05.1457, soeur Rita nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, hồn bay thẳng về thiên quốc. Bấy giờ nhiều việc lạ lùng xảy ra :

- Trước tiên chuông trong tu viện bỗng nhiên đổ hồi làm cho dân chúng quanh vùng tuôn đến quanh tu viện.

- Dân chúng đều trông thấy từ trong tu viện một vùng ánh sáng huy hoàng mát dịu bay thẳng lên trời. Họ đứng nhìn cho đến khi không còn trông thấy gì nữa mới thôi.

- Từ biệt phòng của soeur Rita mùi hương thơm lạ lùng chưa từng ngửi thấy xông ra.

- Vết thương dấu gai trên trán khô hẳn để lại một chấm son đỏ tươi.

- Khuôn mặt soeur Rita trở nên trẻ đẹp hơn lúc còn là một trinh nữ.

- Một nữ tu, cánh tay bị bệnh tê liệt, cúi xuống hôn mặt soeur Rita, bỗng chốc cánh tay được lành hẳn.

Tin soeur Rita qua đời đồn ra rất nhanh. Cả Cascia hay biết rất chóng. Tu viện muốn giữ xác của soeur trong nguyện đường để tôn kính song dân chúng khiếu nại, ai ai cũng muốn được đụng đến xác thánh. Họ viện lý do rằng : Một vị thánh là tài sản Chúa ban chung cho giáo hữu. Cũng vì vậy mà người ta tổ chức đoàn kiệu, rước thi hài soeur Rita ra bên ngoài tu viện để mọi người kính tôn khấn nguyện.

Đàn ong ruồi trước đây đã làm bạn với Rita hồi Rita còn trong nôi, bây giờ kéo nhau đến xây tổ trong tu viện. Thân ong đen như nhung và trên lưng có chấm đỏ, phải chăng là dấu gai trên trán soeur Rita. Đàn ong ở mãi trong tu viện, đến nay vẫn còn.

Đức Giáo Hoàng Urbain VIII muốn xem một con ong ruồi kỳ lạ ấy. Người ta bắt một con, cho vào lọ thủy tinh gửi đến Vatican cho ngài. Xem xét kỹ lưỡng xong, ngài dùng sợi chỉ lụa buộc vào ong rồi thả ra. Trên khoảng cách hơn 200km, ong không lạc đường, bay về họp đàn của nó. Người ta còn kể lại rằng : đàn ong ấy, cứ đến mùa Thương khó thì kéo nhau đi đâu không biết. Nhưng cứ đến ngày 22 tháng 5 thì bay về tu viện để mừng kỷ niệm ngày soeur Rita qua đời.

Chúng ta hãy trở lại với thi hài của soeur Rita. Lúc còn sống soeur Rita gầy gò ốm yếu lắm, chẳng khác gì một thây ma. Nhưng khi qua đời rồi thì mặt mày biến đổi, trẻ đẹp như người sống, thân xác trở nên mềm mại. Người ta sắm chiếc hòm bằng gỗ quý, không có nắp, bên trong trải gấm rồi đặt thi hài của soeur Rita lên như đặt trên chiếc võng. Mặc cho thời tiết đổi thay, mặc cho hàng vạn bàn tay, vì cung kính, đụng chạm vào.

Trước những hiện tượng phi thường ấy, lòng mọi người đều hoan hỷ, kêu xin khấn vái soeur Rita cầu bầu cho mình và rất nhiều người được ơn như sở nguyện mặc dầu soeur Rita chưa được Giáo Hội chính thức suy tôn. Thông thường, muốn phong thánh cho một người nào, Hội thánh lập hồ sơ, phải có ít nhất là ba phép lạ được Tòa thánh điều tra, nghiên cứu và xác nhận. Song đối với soeur Rita thì số ơn mà người ta được hưởng nhờ do sự cầu bầu của người thì nhiều lắm :

- Nhiều đôi vợ chồng sống với nhau lâu ngày mà không sinh con; xin soeur Rita cầu bầu thì sinh được nhiều con.

- Nhiều thanh niên nam nữ mong ước đi tu; cầu khấn với soeur Rita thì đi tu rồi có nhiều người thành linh mục, thành tu sĩ tại nhiều dòng khác nhau.

Cứ như thi hài không tan rã, mặt mày tươi tỉnh như người sống, tay chân trắng mềm cũng đã đủ để minh chứng một cách hùng hồn rồi. Hai trăm năm sau ngày tạ thế, xác của soeur Rita vẫn nguyên vẹn mà không có thuốc ướp như khoa học đã làm.

Thánh nữ Rita quả là Vị thánh của những điều nan giải, Vị thánh của những việc phi thường, Vị thánh của những hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng.

Đời sống của ngài là tấm gương sáng cho nữ giới ở các cấp bậc : tuổi ấu thơ, tuổi thanh xuân, kẻ làm vợ, kẻ làm mẹ, người góa chồng, người nữ tu.

Việc sùng kính thánh nữ Rita rất thịnh hành ở Ý và nhiều nước trên thế giới. Dòng nữ Augustinô ở Cascia hằng ngày nhận được rất nhiều thư từ từ khắp năm châu gởi về, tường thuật ơn lạ nhận được nhờ thánh Rita cầu bàu.

Lời nguyện tắt :

Lạy thánh nữ Rita, xin cầu bầu cho nữ giới Việt nam chúng con biết học đòi gương lành của bà. Amen.

Tái bút : Quý độc giả muốn làm quen với Nguyệt san thánh Rita, Bulletin mensuel de Sainte Rita de Cascia, xin liên lạc với :

- Père Directeur

Oeuvres de Sainte Rita de Cascia

1, rue de la Poissonnerie

06300 NICE

Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa