NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 11
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
21. GIÁP MẶT VỚI CÁI CHẾT...
Nói đến căn bệnh cuối 2004 mà ai cũng coi là “thập tử nhất sinh” của tôi, tôi thấy mình gần gũi với cái chết, với những người đã chết, đang chết và sẽ... cùng chết. Lần đầu tiên tôi xin được chịu Phép Bí Tích Bệnh Nhân, Phép Xức Dầu Thánh.
Tôi nhớ lại vì đã được nghe kể lại về những dịp tôi có thể chết và coi như đã chết, nếu không có sự Quan Phòng của Chúa muốn tôi còn phải sống. Những “dịp chết” của tôi kể cũng khá nhiều.
Tôi được nghe kể về lúc tôi sinh ra. Tôi đã không mấy bình thường, vì tôi không biết... khóc.
Vào khoảng 5 – 7 tuổi gì đó, tôi bị bạo bệnh. Được nghe kể lại rằng tôi đã “chết”. Hòm đã đưa về và người ta chuẩn bị đưa tôi đi. Mẹ tôi đã vào nhìn con lần cuối, và bà đã để ý ngón tay của tôi còn động đậy. Bà nói: “Nó chưa chết đâu”. Bà đã cho mọi người ra ngoài và với sự hiểu biết về thuốc bà đã làm cho tôi hồi tỉnh.
Tôi không biết vào thời gian nào, tôi bị sốt nặng và mê man không biết gì nữa. Nhưng thỉnh thoảng tôi tỉnh lại và luôn luôn nhìn thấy khuôn mặt của mẹ tôi. Bà thức đêm ngày để canh chừng tôi và “khám phá” ra những dấu chỉ tôi đã tỉnh, đã phục hồi, còn sống. Tôi còn bé lắm, nhưng cho đến nay, khi đã gần 80 tuổi, tôi vẫn không quên được hình ảnh khuôn mặt mẹ bên giường bệnh của tôi giữa sự sống và cái chết.
Khi vào Đệ Tử DCCT, trong dịp nghỉ hè tại bãi biển Hiền Nguyên, chúng tôi đi tắm. Nước kéo tôi ra khơi... Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường. Xung quanh là các chú Đệ Tử. Họ reo lên, vui cười, cũng khó quên trong cả cuộc đời, khuôn mặt của cha Eugène Larouche, Giám Đốc. Tên Việt của ngài là cha Hiền. Khuôn mặt của một người mẹ, nhắc lại khuôn mặt của mẹ tôi. Cha hỏi tôi: “Con có đói không?” Tôi ngây ngô trả lời: “Thưa cha không”. Mọi người cười ồ lên. Lúc ấy tôi không hiểu là mọi người chọc ghẹo tôi là đã uống nước đầy bụng rồi thì còn đói vào đâu nữa.
Người đã bơi ra cứu tôi vào là anh Hoàng Đình Hiếu, một chú lớn, đã có thời làm lính thuỷ quân đội Pháp. Anh rất đạo đức, nhưng học khó, sau này đã khiêm tốn xin làm thầy Trợ Sĩ trong Dòng với tên tu là Victor, qua đời ngày 30.1.1952 ( Ảnh bên trái ). Thầy đã để lại gương đời sống thánh thiện. Có chết lúc ấy thì tôi thật không biết gì. Chết có vẻ nhẹ nhàng!
Học Viện. Trong dịp đi nghỉ tại Di Linh, anh em cho ăn mít. Đêm đó, nhiều thầy Học Viện trúng độc. Ba người nặng nhất: thầy Trần Văn Khoa, thầy Đặng Kim Đại và tôi được chở cấp cứu vào nhà thương Di Linh. Ba người nằm trong một phòng, giường chỉ cách nhau vài thước. Đêm ấy, tôi thấy thầy Đại ngồi dậy, rồi nằm xuống, tôi nghĩ thầy có vẻ khỏe lại nhưng đó là lúc thầy từ giã cuộc đời. Mau chóng quá! Tình hình có vẻ trầm trọng, một chiếc xe cứu thương đưa tôi và thầy Khoa về bệnh viện Đà Lạt. Thầy Đại được đưa về an táng tại núi Chúa Cứu Thế. Sau một thời gian, nhờ sự chăm sóc của các Nữ Tu Phao-lô mà có sơ tên là Marthe, tôi được bình phục.
Một Nữ Tu nói với tôi: “Không kịp thì cũng đi rồi đấy”. Cha Thomas Côté là Giám Học, và dưới bộ mặt khắc khổ, nghiêm nghị, ngài là một người cha yêu thương và săn sóc từng người một. Nói đến cha Côté, tôi nhớ đến tình thương của các cha Canada. Ngài lo cho tôi như đã lo cho mọi anh em, và ngài quan sát mọi sự. Ngài bắt tôi ăn bơ, ăn đu đủ. Tôi rất ái ngại nhưng phải vâng lời: “Thầy phải ăn, vì cha thấy thầy có vẻ ăn không ngon”. Từ xa ngài đã thấy thường khi đĩa đồ ăn đến với tôi thì chẳng còn bao nhiêu, mà truyền thống là chỉ có thể xin cho người khác, tự mình không được xin cho mình. Các anh em khác có lẽ không để ý, nhưng ngài thì biết là đĩa đồ ăn “vơi” quá nên đã tạo cho tôi hoàn cảnh để có đồ ăn thay thế. Tình thương đầy tràn cuộc đời tôi.
Lần cuối cùng mới đây là cơn bệnh nặng, tháng 12 năm 2004. Ai cũng bảo rằng thế nào tôi cũng chết, từ các bác sĩ đều trị đến những người thân và anh em trong Dòng lo lắng cho tôi. Người thân hay những ai có lòng thương bảo nhau: “Đến gặp cha Do ngay đi kẻo trễ”. Tôi được nghe kể lại về thời gian mà Ký Sự Nhà Dòng gọi là “chạy Marathon” các bệnh viện Sài-gòn. Tôi bất tỉnh, không biết gì trong thời gian cả tháng, tỉnh tỉnh mơ mơ, nói sảng, bắt chuồn chuồn, lúc nào cũng như sống trong một cuộc quá khứ đầy các cuộc thăm viếng người phong cùi, lúc nào cũng thúc đẩy, thối giục lên xe, khuân đồ, đừng để bệnh nhân chờ, trễ giờ... tôi vẫn cái thói ghét lề mề, thái độ thờ ơ, đòi nhiều hơn cho...
Người ta cho biết tôi nói nhiều, cả tiếng Tây. Chân tôi bị tê làm cho tôi có cảm giác mang vớ và luôn đòi người ta tháo vớ cho. Không đựơc như ý muốn, tôi bực bội: “Nhờ tháo có đôi tất mà cũng không được nữa !” Tội nghiệp những người thương yêu giúp đỡ tôi mà còn... bị rầy. Sau này, tôi mới được biết tất cả những gì người ta đã làm “còn nước còn tát” như họ nói. Có người thức suốt cả mươi ngày để lo cho tôi, quên cả ăn uống. Máu trong người cạn kiệt và lúc nào cũng thấy đâm chích, kể cả lấy tủy sống.
Người ta nói: đủ mọi thứ bệnh trần gian. Thân thể tôi đau nhức, không cử động gì được tự mình và lắm biến chứng làm cho các bác sĩ điều trị và những người quen thân hằng lo cho tôi như bác sĩ Lê Văn Nghĩa, Đặng Ngọc Sơn... cũng phải thắc mắc. Họ nói cho tôi là không tìm ra được căn do bệnh của tôi...
Đang khi đó thì tôi sống trong một thế giới xa lạ. Tôi thấy từng mảng khối màu sạm và một hình thù màu đỏ tươi như lưỡi tầm sét từ đâu cứ bổ vào người tôi, mang đi từng mớ thịt và sự sống với tiếng “sét” rùn rợn. Tôi thấy mình di chuyển trên những con đường êm ả, cây cối um tùm... Có lúc tôi thấy trong phòng như có nhiều người, nhiều trẻ em bình thản quanh tôi, chỉ nhìn không nói năng gì. Tôi cũng không nghĩ gì đến cái chết. Tôi chỉ nghe những lời khuyến khích của cha Chân Tín, cha Phạm Đình Lạc, cha Ngô Đình Vãn... Các ngài ban ơn tha tội cho tôi, xức dầu cho tôi.
Người ta cho tôi biết rằng tôi không biết gì, cứ mê man. Nếu chết lúc ấy thì rõ ràng là tôi chẳng biết gì hơn và tôi sẽ chỉ mở mắt thiêng liêng vào thế giới mới để thấy một cảnh tượng khác hoàn toàn mà trong đó hình ảnh của Thiên Chúa mà tôi chưa bao giờ được gặp gỡ dầu đã cố gắng và ... theo từ xa xưa cũng như hằng phục vụ với cả tấm lòng, mặc dầu tôi tội lỗi.
Tôi nghe văng vẳng lời mà Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm nhiều lần nói trong các buổi gặp gỡ chung riêng: “Thiên Chúa nhân hậu”. Tôi nghĩ là nếu tôi “đi luôn” thì niềm cậy trông của tôi vẫn là “Thiên Chúa nhân hậu”, vì tôi mong rằng cả đời tôâi, tôi đã “thật tình” làm mọi sự vì tình thương Chúa và các quyền lợi của Ngài, theo khả năng của tôi.
Tôi đã không “đi luôn”. Người ta bảo tôi còn phải sống, vì chưa “xong việc, xong sứ mệnh”. Tôi chỉ là một Linh Mục vô danh thì sứ mệnh của tôi là gì ?
Có lẽ tôi không thấy tiếc xót, vấn vương gì. trong tình trạng “cứ bình an mà làm theo Chúa muốn”. Cuộc đời tôi đã khá dài rồi. Tuy chưa làøm được gì lớn, nhưng tôi đã cố gắng hết tình, chứ không dám nói là đã hết sức đối với Chúa và Nước của ngài. Đã nhiều lần mất mát của cải, tiền bạc, máy móc, phương tiện và cả những giấc mơ, nên tôi thấy không có gì phải mất nữa. Về số phận đời đời của tôi, tôi chỉ biết trông cậy ở lòng nhân hậu của Chúa, Đấng Trung Thành giữa những bất trung của con người, của tôi cách riêng, tôi tín thác nơi Mẹ Ma-ri-a, vì hằng ngày tôi vẩn xin: “Đến sau cõi đầy... cho con được thấy Đức Chúa Giê-su Con lòng Bà... ”
Trong dịp này, tôi nhận được tình thương của những người gần gũi đã từng sống với tôi, từng cùng tôi thực hiện những công việc, có khi qua suốt thời gian mấy chục năm, trong đó tôi phải cám ơn những người trong gia đình, những cộng tác viên, cách riêng cô Thy Phương, Thảo Hiền. Sự hiện diện của cha Chân Tín, của cha Phạm Đình Lạc, cha Ngô Đình Vãn, cha Trần Văn Quang... đem lại cho tôi niềm vui và an lòng.
Trong số bạn hữu, phải kể đến anh Vũ Đình Thiệp, bạn cùng lớp, cùng nhóm PGM, người cùng một ngày sinh với tôi và tôi luôn quý mến đã kiên trì đến với tôi trong cơn bệnh, mặc dầu có lúc tôi không nhận ra, cho đến khi anh buộc phải trở về Mỹ. Cuộc đi thăm trại phong Di Linh dự tính với anh đã không thành, nhưng anh đã sẵn lòng thay thế tôi, đang khi tôi nằm bệnh viện trong một tình trạng rất khó khăn, sự sống bấp bênh.
Trong thời gian tôi ở Nhà Hưu DCCT Kỳ Đồng, tôi nhận được sự ân cần săn sóc đại độ và vui tươi của các anh em trẻ Tiền Tập, Dự Tập, Dự Tu. Tôi được biết trong thời gian ở nhà thương, có những đêm cha Trần Văn Quang đã huy động đến cả các thầy Nhà Tập để canh thức cho tôi. Tôi thấy các Linh Mục trong Dòng, vì bận nhiều công tác nên đã ít ghé thăm người bệnh ! Không phải riêng tôi, các cha các thầy ở Hưu Dưỡng cũng nói không mấy khi được anh em thăm viếng.
Tôi nhớ Luật Dòng cũ có nhiều khoản nói về việc này: chăm sóc anh em bệnh, Bề Trên đến chúc lành cho anh em, giúp đỡ bệnh nhân nhất là trong khi nguy kịch. Có lẽ đó là một điểm yếu chưa được quan tâm đủ. Tôi liên tưởng đến sự hiện diện thường xuyên, đêm ngày của vợ của chồng bên cạnh người bạn đời trong lúc đau ốm. Nhà Dòng không tiếc gì đối với anh em bệnh, sẵn sàng chịu mọi chi phí bệnh viện, thuốc men, lắm khi lên đến cả mấy chục triệu, cả trăm triệu, nhưng những cử chỉ huynh đệ là niềm an ủi lớn lao đối với người bệnh.
Tôi quý trọng sự săn sóc của cha Vãn, phụ trách Nhà Hưu và người bệnh. Ngày nào ngài cũng đến thăm, lo toan mọi sự theo yêu cầu của bác sĩ hay theo tình trạng bệnh nhân. Cha Quang, Quản Lý Tỉnh có những thái độ ân cần và nhẹ nhàng của người mẹ. Trước những chi phí lớn lao, ngài chỉ nói: “Chúa lo”. Tôi cảm động và xin được trao lại món tiền mà bà con đã cho khi tôi nằm bệnh viện để chia sẻ những hy sinh của Nhà Dòng. Thấy tôi có vẻ ái ngại, cha nói: “Chưa bao giờ Chúa để ta thiếu thốn”. Và ngài cho biết: một Dự Tu bệnh, phải mổ cả chục lần mà Nhà Dòng vẫn lo liệu được, cha Ngô Văn Phiên bị ung thư phải vào hoá chất 6 lần, mỗi tuần 1 lần với chi phí chung khoảng 15 triệu mỗi tuần... Tôi đoán biết Nhà Dòng còn trăm công việc khác quan trọng: duy trì các cơ sở, các công việc mục vụ và chăm lo đào tạo giới trẻ lên đến con số mấy trăm.
Trong thời gian ở Nhà Hưu, tôi luôn được các cha trẻ: Giu-se Nguyễn Thể Hiện, Phao-lô Nguyễn Văn Khải mỗi ngày có mặt dâng lễ cho tôi dự hay giúp tôi đồng tế với những lời cầu nguyện chân tình tự phát: xin cha thương đến anh em đau ốm Thừa, Quốc, Cầu, Roco, Tường...”
Viết đến đây thì tôi lại bị bệnh, phải nghỉ mấy ngày...
Tôi viết tiếp vào đúng ngày lễ mừng kính Thánh Giê-ra-đô Majella mà tôi cũng như những người thân đã hằng cầu xin cho tôi được thoát khỏi nguy hiểm vì cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi cũng như những người thân thương đều xác tín rằng tôi được sống là nhờ phép lạ. Bức khăn có kỷ vật của Thánh Giê-ra-đô được xoa lên người tôi mỗi ngày, sau khi làm việc kính Thánh Giê-ra-đô. Bức khăn này được cha Thể Hiện mang từ Rô-ma về. Trên đó tôi dâng lễ khi có thể. Cô Thy Phương nói với tôi rằng cô tin chắc Thánh Giê-ra-đô nghe lời kêu xin, vì thường tình thì không thể hiểu được tại sao tôi được thuyên giảm. Bác sĩ Lê Văn Nghĩa, Đặng Ngọc Sơn... đều nói rằng: tôi khỏi một cách lạ... “Chúa thương chữa cho cha đấy thôi”.
Sống được, nhưng mọi người vẫn nghĩ rằng: tôi không thể trở lại bình thường được, có thể là trí óc bị tổn thương. Sau cả tháng trời lúc tỉnh lúc mơ, đa số thời gian không biết gì, mê man, nói sảng. Tôi tham dự những lễ nghi trang trọng tại nhà tôi, có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và nhiều Linh Mục tham dự. Tôi là anh hùng của buổi lễ, nhưng lạ, tôi chỉ đòi được về phòng nghỉ: “Hồng Y thì cứ để ngài làm lễ, cho tôi về phòng nghỉ”. Tôi kêu hết người thân này đến người khác thế mà không ai thèm đoái hoài làm theo ý tôi, và tôi cứ phải chịu trận, ngồi trên một cái ghế, mặc trang phục lễ. Hồng Y mặc áo đỏ, cầm gậy đứng đó, cách có mấy bước mà tôi không đến chào ngài được. Tôi chỉ nghĩ đến “cho tôi về phòng nghỉ”. Thế đấy, linh hồn thì chóng vánh nhưng thân xác thì tiều tụy!
Rõ ràng là tôi đã qua một kinh nghiệm của một cuộc “tập dượt di cư về đời đời”. Tôi bình an, không thấy tiếc xót gì, kể cả việc làm còn dang dở. Tôi xác tín rằng: Chúa muốn thì Người lo. Tôi chỉ là đầy tớ làm những gì tôi nghĩ là tốt để Ông Chủ được vui lòng. Những gì còn của người phong cùi do bà con xa gần trao nhờ tôi thì đã có người lo. Tôi không hề nợ nần ai cái gì cả. Tôi đã mất mát nhiều phen rồi nên không dính bén vào cái gì cả. Tôi có mất mát gì đâu, tôi đi về Sự Sống và Tình Thương. Tôi không chết đâu, tôi đi về Sự Sống. Có lẽ trong suốt thời gian, tôi không hề biết về tình trạng bệnh nặng của mình, bởi vì đa số thời gian đó, tôi mê sảng, không biết ngày đêm, không nhận ra được những người quanh tôi.
Trong dịp mừng lễ Thánh An Phong, anh Đặng Ngọc Sơn cười nói với tôi và mọi người có mặt: “Không thể tưởng tượng được có ngày mà cha ngồi ăn như hôm nay”. Và ngày hôm nay, ngồi gõ máy, tôi cũng không hiểu đựơc tại sao tôi lại có thể được như thế này khi mà cách đây không lâu, những bác sĩ lo cho tôi tại các nhà thương đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Bình Dân đã có lúc cho gia đình và người thân biết là “lo hậu sự”.
Tôi biết ơn những người đã lo cho tôi, đã “còn nước còn tát” để cho tôi còn tiếp tục làm được cái gì thì làm, cho Chúa và Hội Thánh tức là cho anh em, cho những người quanh tôi, những người Chúa đã đặt trên đường đời của tôi.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 12
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
22. DẤU ẤN TÌNH THƯƠNG VÀ THÁNH GIÁ
Tôi kinh nghiệm sâu sắc về chỗ đứng của Tình Thương trong một cuộc đời, trong đời tôi cách riêng.
Qua cơn bệnh, tôi thấy Tình Thương, cũng như trong cả cuộc đời của tôi, tôi thấy tình thương. Tình thương của Chúa thể hiện trong tình thương của nhiều người. Trong biển mênh mông, tôi nhớ lại một số chóp đỉnh của Tình Thương ấy. Qua những lần “thập tử nhất sinh” trong đời tôi, tôi được an bình và niềm vui. Như tôi đã nói trên kia, lúc bé, mỗi lần tôi tỉnh lại thì khuôn mặt nhân hậu của mẹ tôi vẫn cúi xuống trên tôi, tôi lại rơi vào vô thức nhưng hình ảnh mẹ tôi vẫn còn mãi và là sự sống của tôi, mặc dầu lúc nhỏ tôi không biết sống chết là thế nào.
Như đã nói, tôi suýt chết đuối và khuôn mặt Tình Thương thứ hai tôi không quên được là khuôn mặt của cha Eugène Larouche. Cha đúng là một người cha mà tên Việt là “Hiền, cha Hiền”. Lúc ở Đệ Tử, tôi chẳng “ngoan chút nào” tôi không thích học, chỉ thích chơi. Những ngày nghỉ, lắm lúc tôi một mình ở lại sân chơi, chạy vành xe đạp, nhảy cao hay lang thang ngoài vườn, đang khi các anh khác kẻ vào Nhà Thờ đọc kinh, người vào lớp học thêm, đọc sách. Hộc bàn của tôi thì đủ trò chơi khó mà tưởng tượng! Thỉnh thoảng cha Giám Đốc vào các lớp, ngài nói: “Ai trong chúng con có những thứ gì không phải là sách vở thì bỏ lên bàn cho cha xem”. Một vài bạn học đưa ra vài món đồ chơi. Chú Do thì đưa mãi vẫn còn: hộp nuôi kiến, cào cào, xe tăng bằng ống chỉ...
Tôi nhớ có lúc không tiếc giờ bố trí dàn trận xe tăng leo từ đống sách này đến đống vở kia không thiết gì đến học bài, đọc sách. Cha Giám Đốc chỉ tịch thu mọi sự và “xưởng máy’’ lại mau chóng sản xuất những gì đã mất để cái hộc bàn không thiếu “đồ chơi”. Do đó mà việc học của tôi không có gì là “sáng sủa”.
Cha Larouche nhiều lần dạy dỗ. Có những lần ngài kéo tôi nằm trên đùi ngài và phát vào đằng sau của tôi một trận đòn. Tôi hứa đủ thứ với ngài, nhưng phải lâu lắm tôi mới giữ được đôi chút. Có lần ngài nói với tôi: “Các cha và giáo sư đều nhất trí cho con về, chỉ một mình cha giữ con lại. Con đừng làm cho cha bị thất vọng đấy’’. Tôi vẫn hứa, nhưng... chứng nào tật nấy. Chắc là ngài phải buồn về tôi lắm. Tôi tự nhủ: “Tôi đã làm hết sức rồi đấy!’’
Cách ăn ở của tôi đã có năm đưa đến kết quả là tôi không được gửi thư cho Đức Mẹ trong ngày truyền thống Lễ Vô Nhiễm 8 tháng 12 mỗi năm, trong đó những “chú ngoan’’ được lên dâng thơ cho Đức Mẹ và những bức thư năm trước sẽ được đốt trước bàn thờ Đức Mẹ năm sau. Ai không được dâng thơ thì chắc chắn là “bị đuổi”, không thể ở lại Nhà Dòng. Tôi buồn lắm và coi như tôi phải rời Đệ tử để về nhà... “lấy vợ’’. Giã từ đời tu, giã từ làm Linh Mục DCCT!
Tôi tự nhủ: nếu Đức Mẹ không đọc được thư của tôi thì thế nào tôi cũng ’’mất ơn gọi’’. Đêm đó tôi lén vào Nhà Nguyện, lấy bức thư của tôi bỏ vào trong thùng thư đặt trước bàn thờ Đức Mẹ. Yên chí lớn rồi, tôi đi ngủ lại. Nhưng tôi không thể nào ngủ được. Tôi tự nhủ: ’’Tôi đã làm một việc mà tôi không được phép làm và như thế Đức Mẹ cũng chẳng nghe lời tôi đâu. Về là cái chắc rồi’’. Tôi lại lẻn vào Nhà Nguyện, tìm lại bức thư gửi lén lấy lại. Tôi thật sự thất vọng vì đường cùng rồi, thế nào tôi cũng phải về. Tôi buồn bã vò bức thư, quăng vào thùng rác.
Không thể ngờ được. Cha Giám Đốc lại vào lớp và nói: “Những ai không được gửi thư cho Đức Mẹ hôm lễ thì đưa thơ đó lại cho cha’’. Thật là trời sập không bằng. Tôi lén tìm lại bức thư đã vò nát trong giỏ rác, vuốt lại rồi đưa cho cha Giám Đốc. Ngài nghiêm nét mặt: “Tại sao thư của con thế này?” Tôi không biết lúc ấy mặt tôi ra sao và tôi đã thưa lại với ngài thế nào. Tôi nhớ là ngài chỉ phán: “Con vào gặp Cha’’.
Tôi đến phòng ngài. Tôi nói cho ngài biết nỗi thất vọng của tôi khi không được viết thư cho Đức Mẹ và những gì đã xảy ra với bức thư, những gì tôi đã làm cho bức thư ấy. Tôi không nhớ ngài đã làm gì lúc đó và nói gì với tôi. Tôi không “bị đuổi”. Tôi nghĩ rằng ngài đã hiểu tôi hơn tôi biết về mình, và ngài thương tôi nhiều lắm.
Câu chuyện tiếp theo chứng minh điều đó. Tôi không nhớ lúc đó tôi ở lớp nào. Cha Henri Bạch Văn Lộc lo nhạc ở Đệ Tử Viện. Ngài chọn những người học nhạc và tôi được xếp vào những số “nhạc sĩ vĩ cầm tương lai”. Tôi chuẩn bị thụ môn violon mà tôi thích thú và hãnh diện. Nhưng cha quản nhạc nói với tôi: “Con đi gặp cha Giám Đốc đã rồi mới khởi sự”. Cha Larouche chỉ cho tôi bản phân chia giờ tập nhạc rồi nói: “Cha quản nhạc đã cho con học violon. Trước khi công bố, cha muốn hỏi con: giữa học nhạc và làm Linh Mục, con chọn cái gì?”
Tôi chẳng hiểu tại sao lại là một trong hai mà lại không phải cả hai cũng được. Lý tưởng Linh Mục dầu sau cũng mạnh hơn trong tôi và không cần suy nghĩ lâu, tôi trả lời: “Con muốn làm Linh Mục”. Ngài cầm lấy bút: “Như thế thì cha gạch tên con khỏi danh sách các người học nhạc”. Tên tôi biến lẹ trên tờ giấy phân chia giờ tập nhạc.
Suốt cả nhiều năm, tôi cứ thắc mắc về việc này mà không hiểu tại sao cha Larouche lại đặt tôi vào cái thế phải chọn một trong hai, cho đến ngày... tôi lãnh tác vụ Linh Mục, 8.9.1956. tôi nhớ rõ mọi sự xảy ra trong ngày trọng đại đó. Ngay sau Lễ phong chức, đang khi cởi áo Lễ ngài đến với tôi và nói: “Con lên phòng cha’’. Tôi làm theo lời ngài, vẫn mặc áo trắng dài. Ngài đóng cửa lại và nói với tôi: “Con sẽ cho cha những phút đầu tiên đời Linh Mục của con, Roch nhỏ của cha! Bây giờ con hãy cho cha phép lành đầu tiên của con”.
Nói xong, cha quỳ xuống trước mặt tôi, tôi chỉ còn biết làm theo ý ngài, với tất cả tấm lòng của một người con nhỏ bé. Ngài hôn tay tôi, ôm hôn tôi. Xong, ngài bảo tôi ngồi xuống ghế. Tôi quá xúc động, không biết phải làm gì trước Người Cha Già vô cùng kính mến. Trong đầu tôi, lóe lên thắc mắc của nhiều năm: “Thưa cha, ngày trước cha không cho con học nhạc và bắt con chọn giữa nhạc và chức Linh Mục. Hôm nay con đã là Linh Mục, con xin cha cho con biết tại sao cha không cho con học nhạc nếu con muốn làm Linh Mục ?” Khuôn mặt nhân hậu khó quên với một nụ cười nhẹ, ngài nhìn tôi: “Bây giờ mà con vẫn chưa hiểu à!” Ngài đứng dậy và: “Bây giờ con xuống gặp gia đình và mọi người”.
Đó là cuộc tâm sự đầu đời Linh Mục của tôi, trong đó sáng rạng khuôn mặt nhân hậu của cha Eugène Larouche và thắc mắc ấy vẫn không được giải đáp. Sau này, tôi vẫn đến với ngài xưng tội, được ngài hướng dẫn. Sau 30.4.1975, trước khi bị Nhà Nước trục xuất khỏi Việt Nam, ngài đã để lại cho tôi một số vật dụng của ngài, trong đó có một tập giúp suy niệm Kinh Mân Côi ngài đã thường dùng.
Thời gian đó, ngài vẫn thinh lặng, tiếp tục sống đơn giản, không kêu ca trách móc thời cuộc, mặc dầu phải gặp nhiều thiếu thốn đủ mặt. Tôi tìm được nước trái cây và mứt cam có xuất xứ từ Maroc. Tôi đưa về cho ngài. Ngài nở nét mặt và nói: “Tôi phải đi tìm Olivier”. Ngài tìm cha Hậu, và hai cha Canada còn ở lại nhà Sài-gòn lúc đó tỏ ra rất vui thích được ăn lại những thứ có lẽ các ngài đã thèm từ bấy lâu nay.
Hai cha, cột trụ DCCT tại Việt Nam, đã rời Việt Nam, nơi các ngài hằng yêu mến, đã dâng trọn cuộc đời và muốn được chôn vùi tại đây. DCCT Việt Nam và cách riêng tôi không bao giờ quên gương lành và những gì các Thừa Sai Canada đã để lại cho chúng tôi suốt từ 1925. Tôi được nghe kể rằng: có một lần, cha Larouche chậm rải bước lên thang lầu, vừa đi vừa nói như với chính mình và với Chúa ! “Oh Comme je voudrais bien rester ici. – Ôi tôi ước ao được ở lại đây biết bao” Đó là hy sinh cuối cùng của một đời Thừa Sai, của một tình yêu trọn vẹn.
Tôi cũng không quên được tình thương của một Linh Mục Thừa Sai khác đối với tôi: cha Alphonse Dumas, người thủ dịch của Đệ Từ Viện Huế. Có lẽ thấy tôi không được khoẻ mạnh, ngài đã bồi dưỡng cho tôi, bắt tôi phải ăn thêm vào lúc 10 giờ sáng theo cách của ngài. Ngài giao hết phòng ngài cho tôi dọn dẹp sạch sẽ, sắp đặt, cho tôi lấy những gì tôi thích, từ ảnh tượng, chuỗi và săn sóc lo cho tôi mọi sự. Duới bề ngoài nghiêm nghị, lúc nào cũng đầy bụi cám do làm việc tại nhà máy xay gạo và đủ mọi nhu cầu vật chất của Đệ Tử Viện với khoảng 200 người, cha luôn bận rộn, nhưng lúc nào cũng cho tôi ra vào bên cạnh ngài.
Tôi đã thấy tình thương đầy khiêm tốn của những bậc đàn anh luôn nâng đỡ khích lệ tôi: cha Gia-cô-bê Đào Hữu Thọ Thừa Sai Đại phúc, tín nhiệm giao cho tôi những bài giảng quan trọng, nhất là những bài diễn thuyết cho đồng bào bên lương. Ngài nói với tôi: “Chúng tôi sẽ làm mọi sự thay cha, giải tội, thăm viếng... để cha có thì giờ dọn bài giảng cho hay. Bởi vì theo chúng tôi nhận xét thì cha có khả năng nhất để diễn thuyết cho đồng bào lương”.
Tôi gặp gương khiêm tốn của một Linh Mục đàn anh như cha Gio-an Nguyễn Ngọc Ngà. Ngài coi tôi như là thầy và mỗi khi tập giảng hay giảng thật sự, thường mời tôi đến nghe và... phê bình để giúp ngài. Cha G.B. Nguyễn Văn Vàng, nhà diễn thuyết nổi tiếng thời ấy lắm lần đến nghe tôi giảng, rồi chờ tôi ở cửa nhà mặc áo để trao đổi với tôi, giúp tôi giảng hay hơn.
Tính tôi dễ nóng nảy và khi bực bội lên thì khó cầm hãm được. Cha An-rê Nguyễn Quang Kiêm nói với tôi: “Có bực tức gì thì vào phòng tôi mà phá”. Khi thấy tôi không vui tí nào bước vào phòng ngài, ngài tươi cười hóm hỉnh: “Lại có chuyện rồi, để tôi cất... cái bình mực đi đã !” Lắm lần ngài để tôi đá bàn đá ghế, quăng đồ trên bàn xuống đất, miệng cứ tươi cười thông cảm. Tôi đã bị chinh phục bởi lòng hiền hậu và khẩu hiệu ngài trương to trong phòng: QUI AIME! Khẩu hiệu của ngài đồng âm với tên ngài.
Nhiều anh em khác cũng để lại dấu ấn tình yêu trong đời tôi, mặc dầu những điều trái ngược hẳn cũng có lúc xảy đến. Cha Trần Hữu Thanh cứng rắn đối với tôi trong thời gian năm thứ 7 và nhà tập 2 cũng như suốt thời gian hoạt động trong nhóm Thừa Sai Đại Phúc. Sau này nhớ lại có lúc tôi hỏi ngài: “Tại sao trước kia cha dữ với con vậy”. Ngài chỉ cười trả lời: “Thôi mà, đừng nhắc lại nữa!”
Tôi là người lắm thắc mắc, nhiều ý kiến, và xem như chẳng mấy dễ bảo, do đó mà tôi thường bị khó khăn. Lắm lúc tôi phát biểu ngược lại với ý kiến của cha Giám Đốc. Thế nhưng thường thì tôi được ngài sai đi thay ngài khi lỡ nhận nói chỗ này chỗ nọ. Có lúc bực mình tôi không nhận đi thế ngài và... tôi bị đánh giá là chống đối, không vâng lời. Tôi bị triệu tập trước ban Quản Trị Tỉnh. Bế quan toả cảng, cấm giảng, cấm gặp gỡ bất cứ ai, bị cấm cố ở nhà và bị phạt. Tôi thật thất vọng, muốn bỏ tất cả.
Cha Bernard Haring, trong cuốn “Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?”, trang 146 kể lại. “Trong bữa ăn vào ngày Lễ Giáng Sinh, ông cha sở độc đoán nọ mắng xối xả anh Linh Mục phụ tá 29 tuổi của mình vì Linh Mục trẻ này duỗi thẳng hai cánh tay hai bên khi đọc lời nguyện ( anh bắt chước điều này nơi một vị Hồng Y đáng kính ). Cha sở nói: ”Anh sẽ biết tay tôi nếu anh còn tiếp tục làm gương xấu qua việc bất tuân phục các qui luật Thánh của Phụng Vụ".
Một cách từ tốn, anh Linh Mục trẻ lên tiếng: ”Bất tuân phục như Đức Hồng Y, Giám Mục Giáo Phận chúng ta phải không thưa cha?” Câu nói đó quá đủ để cho cha sở lồng lộn lên, ông phồng mang trợn mắt quát: “Bổn phận của anh là phải tuân phục lề luật của Giáo Hội, chứ không phải là bắt chước một Hồng Y. Anh chỉ là một Linh Mục phụ tá quèn. Anh không là cái thá gì cả, anh hiểu không?” Anh Linh Mục trẻ bị khủng hoảng nặng và... Giáo Hội đã mất một Linh Mục... chỉ vì người đàn anh không chịu để anh “giăng tay rộng”.
Thật tình lúc đó, tôi “bị cám dỗ bỏ đi cho rảnh trí”. Cha Camille Dubé đã là người nâng đỡ tôi bằng sự tín nhiệm và nụ cười của ngài. Ngài nói: “Cha mừng vì thử thách này đã đến với con mà không phải với người khác”. Tôi bình an, chấp nhận bị “bế quan toả cảng vô thời hạn cho đến... khi nào hối cải và sửa mình.
Thấy tôi cứ “như thường”. Cha Phụ Tỉnh Jean Marie Labonté tỏ vẻ không bằng lòng: “Tại sao bị phạt mà cha vẫn cứ vui cười như thế ? Có phải cha khinh Bề Trên không?” Tôi ngạc nhiên, tôi thưa lại: “Cha muốn tôi khóc à? Tôi vẫn bình an trong lòng”. Thế rồi lệnh “bao vây” tôi tự nới dần, bởi vì... thiếu người đi giảng. Dẫu thế, tôi đươc lệnh đi giảng mà... không được gặp ai ngoài... Toà Giải Tội, nơi tôi được chỉ định “trực” từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, đến lúc bắt đầu giảng buổi chiều tối.
Cha Trần Hữu Thanh là một người giỏi, năng động, biết nhiều và có uy tín. Tôi không buồn ngài và sau này, tôi thường được ngài giúp đỡ khi lập Trung Tâm ATAS. Tôi thường mang quà cho ngài mỗi lần ra Bắc. Tôi chỉ nghĩ trong lòng rằng nếu ngài không phải lúc nào cũng khó với tôi thì tôi sẽ ra sao, tôi sẽ làm ích nhiều hay sẽ phá hoại nhiều. Lúc ấy tôi không hề nghĩ mình làm hơn, tôi chỉ làm hết sức, bởi vì ra khỏi Học Viện, tung vào môi trường hoạt động, tôi nghĩ mọi người sẽ làm như tôi, chả ai hơn ai, chỉ có người thích làm cái này, người kia thích việc khác, không ganh tị, không dẫm đạp lên nhau để... mà hơn người khác.
Trong những cuộc Đại Phúc tại Đà Nẵng, người ta mời tôi nói chuyện tại rạp hát với nhiều hạng người. Cha Thanh nói tại sao lại không mời ngài ? Bị dồn phải mời ngài, người ta bãi bỏ các cuộc diễn thuyết dự định. Các buỗi diễn thuyết ngoài trời tại Hoà Vang vẫn được tiến hành mặc dầu chỉ khoảng 20 phút trước khi khởi sự ngài cho người cầm giấy đến cho tôi “ra lệnh” là tôi phải đưa bài cho ngài “kiểm duyệt” đã. Tôi trả lời: “Nếu cha Thanh muốn kiểm duyệt thì đến mà nghe tôi nói”.
Tôi cũng diễn thuyết trước Nhà Thờ Đà Nẵng. Đề tài là những gì người ta mong đợi: “Buổi chiều vàng” nói về tội tổ tông tội nguyên thuỷ của loài người. “Giọt máu” trên đồi” về cái chết cứu chuộc của Chúa và “Giọt Máu Thuỷ Ngân” về tình thương của Chúa lướt thắng cả sự công bình.
Tôi thấy người ta bán ảnh của tôi tại Đà Nẵng, mà tôi chỉ nghĩ đến tình thương cao cả và khiêm tốn của các cha đàn anh trao cho tôi cái nhiệm vụ phải “giảng cho người lương”, vì các ngài nghĩ rằng tôi có khả năng hơn.
Trước những tấm lòng như thế, lúc ấy không thể nào vênh váo lên được, chỉ biết cầu nguyện và làm hết sức mình, với sự non dại và thiếu kinh nghiệm của tôi, trước một Nguyễn Văn Vàng “Superstar” về hùng biện mà nhiều người rất kính phục, nghe không biết chán.