HÃY CÙNG NHAU YÊU TIẾNG VIỆT HƠN
(xin mượn chuyện trong nhà tôi để nói lai rai nhiều thứ khác)
* Con gái tôi năm nay cháu 26 tuổi, trước đây cháu theo học trường RMIT (The Royal Melbourne Institute of Technology), điểm IELTS 7.5, ghi vậy để biết cháu không xa lạ gì với việc nói năng bằng tiếng Anh. Một lần, cách đây mấy năm, khi tôi hỏi: "Con học ngành design thấy sao...", chưa hỏi dứt câu thì nó nói ngay: "Ba, nói tiếng Việt đi ba! Sao ba không nói "thiết kế" mà phải chêm tiếng Anh "design" vô làm gì?". May là bị con gái mình sửa lưng, chớ không phải người ngoài, nên tôi cũng đỡ "quê".
Nhưng kể từ đó trở đi, tôi ráng rèn giũa ý thức về tiếng Việt, người Việt thì dùng tiếng Việt.
&1&
Con gái tôi kể chuyện có một người ở xứ sở con chuột túi (kangaroo) đang theo học tiếng Việt, đã hỏi nó như sau: "England được người Việt gọi là nước Anh, Germany được gọi là nước Đức, France gọi là nước Pháp, Russia được gọi là nước Nga, vậy sao Australia không được các bạn chuyển ngữ qua tiếng Việt mà vẫn gọi "Australia"? Có phải... quốc gia chúng tôi không được các bạn quan tâm tới mức để cần phải chuyển ngữ qua tiếng Việt?".Tôi trả lời cho con gái: "Australia kêu bằng tiếng Việt là Úc Đại Lợi, nói gọn là nước Úc". Tiếng Việt mình chuyển ngữ được hết, Italy là Ý, Brazil kêu bằng Ba Tây, Argentina kêu bằng Á Căn Đình, Philippines kêu bằng Phi Luật Tân, Hongkong là Hương Cảng, Singapore chuyển ngữ qua tiếng Việt là Tân Gia Ba... Nhưng những cách gọi đó bằng tiếng Việt, hiện nay, đã bị bức tử ráo trọi (mà gọi bằng tiếng Anh)!
Sao kỳ cục vậy? Con gái tôi hỏi.
&2&
Tại có lập luận cho rằng nên dùng tiếng Anh bởi vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhứt.Trời đất, tiếng Việt gọi "trái cam" thì... đâu phải vì tiếng Anh gọi "orange" mà mình không gọi "trái cam" nữa! Gặp người Anh hoặc nói bằng tiếng Anh thì "orange", người Việt nói với nhau thì "trái cam", hoặc người ngoại quốc nào đã học tiếng Việt thì họ nhìn vô mặt chữ "trái cam" là họ hiểu ngay, có khó gì.
Chưa hết, có lập luận cho rằng phải giữ đúng tên gọi của nước người ta, chớ không nên chuyển ngữ qua tiếng Việt. Cái lập luận này thiệt là, xin lỗi, có phần bặm trợn rồi đa!
Coi đi, người Đức họ gọi tên nước họ là "Deutschland", nhưng người Anh họ đâu bê nguyên xi danh xưng này mà họ chuyển ngữ qua tiếng Anh là "Germany", người Pháp cũng đâu mắc giống gì phải "tôn trọng nguyên ngữ" mà họ chuyển thành tiếng Pháp kêu bằng "Allemagne" cái rụp! Mà, cũng lưu ý chỗ này, người Pháp họ cũng không việc gì phải dựa trên tiếng Anh (theo một lập luận ở VN cho rằng phải ghi bằng tiếng Anh vì là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhứt): người Pháp không gọi theo tiếng Anh là "Germany" gì ráo, mà họ gọi bằng tiếng Pháp là "Allemagne".
Cần nhớ rằng: Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ của mình, ngôn ngữ đó phong phú / dồi dào tới đâu là nằm ở năng lực chuyển ngữ!
&3&
Tiếng Việt, nói một cách khiêm tốn, là chưa giàu có nứt vách; nhưng cũng không nghèo tới mức phải ngửa tay đi "ăn xin" đủ thứ.
Đó, chuyển ngữ tiếng Việt ngon lành: "Spain" kêu bằng "Tây Ban Nha", "Portugal" gọi là "Bồ Đào Nha", "Turkey" chuyển qua tiếng Việt là "Thổ Nhĩ Kỳ", "Sweden" là Thụy Điển, "Norway" là Na Uy, "Belgium" là "Bỉ", "India" chuyển ngữ tiếng Việt là "Ấn Độ", rồi "Đức", "Anh", "Pháp", "Nga"...
May là hàng loạt cách gọi bằng tiếng Việt (dẫn trên, còn nữa, chưa nêu ra hết) còn được sống sót.
Trong khi, cũng cùng một nguyên lý chuyển ngữ qua tiếng Việt, cách gọi "Úc", "Ý", "Ba Tây", "Á Căn Đình", "Phi Luật Tân", "Tân Gia Ba"... bị bức tử, cầm bằng gặp xui tận mạng (bị "trảm" bởi mấy lập luận trời ơi đất hỡi nêu trên).
THAY LỜI KẾT
A/ Nguyên lý nào dùng chuyển ngữ các danh xưng quốc gia bằng tiếng Việt? Đó là "nguyên lý cầu nối". Các thế hệ trí thức tiền bối VN mượn cầu nối Kanji (Hán tự) của người Nhựt Bổn hoặc cầu nối Hán tự của người Trung Hoa mà họ dùng để gọi tên các quốc gia. Và, hãy cùng nhau nhớ rằng: tuy dùng chung tự dạng (Kanji = Hán tự) nhưng chúng ta không đọc theo tiếng Nhựt, cũng không đọc theo tiếng Tàu, mà chúng ta đọc bằng âm Việt (TIẾNG VIỆT)!B/ Thêm nữa, hãy cùng nhau nhớ rằng: ngôn ngữ của bất luận dân tộc nào cũng luôn có sự vay mượn (nói chữ thì kêu bằng "tiếp biến", "giao thoa ngôn ngữ"). Không ngôn ngữ nào tự biến thành ốc đảo, sống mình ên, vì như vậy ngôn ngữ sẽ trở nên èo uột, đi tới hoại diệt.
Đó, tỉ như nhiều nước vay mượn "res publica" trong tiếng Latinh, cùng mang một nghĩa ("Cộng hòa") nhưng khi ghi "Republic" là ta biết đang nói tiếng Anh, ghi "la république" là biết đang nói tiếng Pháp, ghi "die Republik" là biết nói bằng tiếng Đức.
Khi đọc "Republic", không ai lại bảo là ... nói tiếng Latinh (dù vay mượn từ Latin), mà đều biết là đang nói tiếng Anh.
"Australia" phiên qua Hán tự là 澳大利, người Việt mượn "cầu nối" này nhưng đọc theo âm Việt là "Úc Đại Lợi", rút gọn thành "Úc" (trong khi tiếng Tàu đọc khác đi, là "Ô-gà-li").
* Con gái tôi kể, sau khi người khách ở xứ chuột túi biết được "Australia" chuyển ngữ qua tiếng Việt là "Úc", ông khách rất vui, ừ, đâu phải chỉ có England mới được gọi bằng tiếng Việt là "nước Anh", Germany gọi bằng tiếng Việt là "nước Đức".
Sau này mỗi khi con gái tôi muốn biết tên quốc gia nào đó kêu bằng tiếng Việt là gì, nó hỏi tôi. Nó lấy làm hãnh diện khi giao tiếp với người nước ngoài, trong cuộc trò chuyện "làm quà", nó cho họ biết tên quốc gia của họ gọi bằng tiếng Việt ra sao (tên bằng tiếng Anh, dĩ nhiên, biết rồi). Họ lấy làm thú vị ./.
----------------------------------------------------------------------
* NÊN HIỂU THẾ NÀO VỀ "THÓI QUEN"?
"Thói quen" là do con người tạo ra, không phải từ trên trời rơi xuống. Tại sao không giữ thói quen là viết đồng bộ như trước đây, mà cái thì giữ, cái thì bức tử? Loạn xạ! Nếu giữ lại thì bây giờ các em đọc "Tân Gia Ba" đâu thấy lạ lẫm, cũng hệt như khi đọc "Thổ Nhĩ Kỳ", "Thụy Điển", "Tây Ban Nha"... Cũng vì bức tử, nên sau một số năm mọi người mới thấy cách chuyển ngữ tiếng Việt là lạ hoắc. Giả sử bây giờ bức tử hết, gọi "Germany", "England" thì một thời gian sau mọi người sẽ ngỡ ngàng thấy "Đức", "Anh" là lạ hoắc luôn.Nếu báo đài bây giờ dùng lại cách chuyển ngữ, chỉ trong vòng 6 tháng thôi, mọi người sẽ quen ! (tạo thói quen này, tiên phong là báo đài; cũng vì báo đài bức tử nên... mới tạo ra "thói quen" loạn xạ).
Dễ tạo thói quen lắm, nếu đồng lòng!
NHƯNG ở VN bây giờ, cái gì cũng loạn xạ - chớ chẳng riêng ngôn ngữ - nên khó (chớ không phải nằm ở kỹ thuật tạo thói quen).
Nguyễn Chương Mt