Điện

Quang X Nguyen

ĐIỆN


Trong giờ Siêu Hình Học tại trường Chu Văn An Sài-gòn, giáo sư là một Linh Mục đang chứng minh về sự hiện hữu của Thượng Đế. Ông đưa ra những hài hòa trong vũ trụ để đưa đến kết luận là phải có một bàn tay điều khiển sự hài hòa đó. Bàn tay đó là Thượng Đế. Một anh học sinh phát biểu là anh chỉ tin vào những gì anh nhìn thấy, không thấy thì không hiện diện. Vị linh mục chỉ vào chiếc bóng đèn đang sáng trên trần nhà, hỏi lại: “Anh biết là điện làm sáng bóng đèn này nhưng anh có trông thấy điện không?”


Chẳng ai thấy điện cả nhưng điện vẫn giật. Một bà bị điện giật chết, cảnh sát tới làm biên bản. Họ hỏi ông chồng:

“Ông nói là nghe tiếng bà nhà hét lên, tại sao ông không chạy vào bếp để cứu?”


“Mọi khi vẫn thế mà bà ấy có sao đâu.”

“Ông muốn nói rằng bà nhà vẫn thường xuyên bị điện giật?”

“Không ! Tôi muốn nói bà ấy vẫn thường xuyên hét lên như vậy!”

Cách ngôn: các bà chẳng nên hét nhiều kẻo có ngày chết vì... hét!

Nhưng nếu bị điện giật mà không hét thì họa có là thánh! Trong đời chúng ta chắc ai cũng đã có lần bị điện giật. Đó là một kinh nghiệm không ai muốn gặp lại. Cứ như tự nhiên bị ma cắn. Người giật bắn lên, mặt xanh lè, thần trí rối loạn như vừa thoát chết. Thoát chết thật chứ còn gì nữa. Điện thế càng cao càng dễ chết. Ở Bắc Mỹ chúng ta xài điện thế 110 volts nhưng ở Việt Nam hiện nay xài điện thế 220 volts, nguy hiểm hơn. Điện thế trên 1000 volts, được gọi là điện cao thế, thì nguy hiểm quá sức! 
Tôi vốn rất ngại học khoa học. Toán, vật lý hay hóa học không phải là bạn tôi. Vậy mà tôi cũng biết qua loa về điện thế. Để phòng thân! Cái biết của tôi đại khái như thế này. Thân thể ta là một vật dẫn điện và cũng có điện trở như tất cả các đồ dùng chạy bằng điện khác. Khi hai điểm khác nhau trên thân thể chúng ta tiếp xúc với dây điện có hiệu điện thế (như dây nóng và dây nguội trong điện nhà) thì sẽ có dòng điện chạy qua. Theo định luật Ohm, cường độ dòng điện sẽ bằng hiệu điện thế chia cho điện trở trong người chúng ta. Hiệu điện thế càng cao và điện trở càng thấp thì cường độ dòng điện qua người càng lớn. Chúng ta nhảy nhót nhiều và mạnh hơn khi bị điện chạy vào người. Điện trở trong người chúng ta có nhất định không? Không. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố như thể chất con người, tình trạng sức khỏe (đói, no, mệt…) và yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm. Vì vậy mỗi người có một trị số điện trở riêng, không ai giống ai. Những người có da tay da chân bị chai dầy nhiều thì có điện trở lớn hơn một ít so với người bình thường. Thường thì sai số giữa người này với người khác không nhiều. Trung bình điện trở trong người chúng ta là 1000 ohms. Chúng ta hầu như bình đẳng về phương diện…điện giật. Cứ dí điện vào người thì ai cũng bị giật như nhau trừ tiếng hét. Người thì hét to, người thì hét nhỏ, nếu không kịp hét thì…a men! 
Nếu điện trong nhà có hiệu thế là 220 volts, thì cường độ dòng điện chạy qua thân thể chúng ta là: 220 volts chia cho 1000 ohms bằng 0,22 ampères hay 220 mA (miliampères). Đây là bảng giá: khi cường độ đạt tới 100 mA sẽ gây rối loạn nhịp tim, từ 100mA tới 120mA trong thời gian 5 giây sẽ khiến tim ngừng đập, dẫn đến chết người.

Hai ông Huỳnh văn Hùng, ngụ tại xã Bình Định, Cà Mau, và Bùi văn Dinh, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, không “giỏi” điện như tôi nên mất mạng. Hai ông là thợ điện có kinh nghiệm 20 năm trong nghề và có “biệt tài” là sửa điện mà không bao giờ phải tắt nguồn điện cả. Không cần rút phích điện ra mà vẫn tỉnh bơ thò tay vào sửa. Hai ông…thày điện này tự coi như được miễn nhiễm điện giật. Ông Dinh ngoài việc sờ tay trực tiếp vào điện mà vẫn tỉnh bơ còn biểu diễn màn ngậm đui đèn vào miệng mà bóng đèn sáng! Vậy mà ông Hùng, 44 tuổi, mới bị điện giật chết khi sửa máy bơm nước chạy bằng điện và ông Dinh cũng hui nhị tì trong một lần biểu diễn sờ vào điện vào tháng 9 năm 2005 vừa qua. Tại sao hai ông bạn thân thiết với điện như vậy mà bị điện phản phé giật chết tươi? Đó là hai ông không biết là điện trở trong người thay đổi. Ông Hùng có khả năng tiếp xúc với điện mà không hề chi nhưng lần này ông sửa máy bơm nước có thể đã chạm vào điện trong khi người và mặt bị ướt có khả năng cường độ dòng điện chạy qua người lớn vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Ông Dinh không biết là điện trở trong người tùy thuộc vào nhiều yếu tố nên sờ vào điện đúng lúc khả năng trơ điện bị suy giảm. Vậy là sinh nghề tử nghiệp!

Chẳng nghề chẳng nghiệp gì mà chị Vinh cũng bị điện giật cho té ngửa. Nghe lời mách của bạn bè, chị tìm mua một đai quấn nóng để làm giảm mập. Cứ đeo đai quanh bụng, cắm điện cho tỏa hơi nóng mỗi ngày 50 phút là thon thả như không. Ngoài bụng, có thể đeo quanh đùi, bắp tay. Cứ mập đâu đeo đấy. Chị Vinh năm nay 35 tuổi, cư ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội. Chị hí hửng đeo đai, khi vừa cắm điện thì chị bị giật. May lúc đó chị cũng nhanh trí, giật ngay giây ra khỏi ổ điện. Nếu không chẳng biết sẽ ra sao. Điện “ăn” bụng chị tím ngắt làm chị đau hết vùng bắp thịt bụng. Cũng cái tội ham mua đồ rẻ làm hại chị. Đai quấn bụng có nhiều loại, mỗi loại một giá. Thứ dỏm là thứ sử dụng trực tiếp nguồn điện xoay chiều 220 volts. Điện nó … xoay chị là phải. Thường thì những thiết bị điện như vậy, người ta phải dùng điện đã đi qua cục giảm áp điện. Ngay những thứ không áp sát vào cơ thể như điện thoại không dây, cục xạc pin điện thoại di động, máy hát hay ngay cả điện dùng cho laptop, người ta cũng dùng cục giảm áp.

Ông Trần văn Thảo thì cần chi cục giảm áp. Ông dùng điện để giết vợ! Người đàn ông 40 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phước, tỉnh Long An này đang sống ly thân với vợ. Vợ ông làm đơn xin ly dị luôn. Ông tức, tối ngày 23 tháng 5 năm 2006, ông mò về nhà dí điện vào người vợ. Không ngờ vợ ông lại đang ngủ với bạn gái. Ông dí nhầm vào người bạn của vợ. Bà này bị điện giật la làng lên. Ông bị bắt chờ ngày ra tòa.

Không bị ai dí điện nhưng bà Folole Muliaga ở Tân Tây Lan cũng chết vì điện. Nói như vậy không chính xác. Bà Muliaga chết vì không có điện. Bà bị bệnh phải thở bằng máy cung cấp dưỡng khí. Máy thì dĩ nhiên phải chạy bằng điện rồi. Ngặt cái là bà không có tiền trả tiền điện nên nhà đèn Mercury Energy cho người tới cắt điện nhà bà. Bà và con trai trình bày sự thể với nhân viên nhà đèn này. Anh nhân viên chắc là con cháu trung thành của Thiên Lôi nên nhà đèn chỉ đâu anh đánh đấy. Bảo cúp là cúp. Anh cúp cái rụp. Hai tiếng sau, bà Muliaga chết. Dư luận kết án nhà đèn. Họ chạy tội bằng cách bảo nhân viên của họ không biết gì về tình trạng bà Muliaga. Nhưng để làm giảm áp lực của dư luận, họ cho biết là sẽ mở cuộc điều tra.

Dân trên “ốc đảo” Trường Định thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng lại sợ chết vì nhiều điện quá. Họ đang sống dưới hai đường dây điện cao thế 500KV! Nhìn lên trời dây điện chằng chịt, trong nhà bóng đèn điện chẳng cần cắm điện cũng vẫn đỏ như thường. Ti vi, máy hát, radio chỉ vài tháng là hư. Ông Trương Quang Dưỡng, nhà nằm ngay giữa hai đường điện, kể: “Điện ở đây mạnh lắm. Có hôm trời mưa, tui vác cuốc ra đồng, vừa qua sân thì bị điện giật té ngửa. May mà không phải lúc nào trời cũng mưa to, nếu không thì làm sao mà sống nổi”. Chẳng mưa mà ông và gia đình gồm 10 người thuộc 3 thế hệ sống nổi kể cũng là…anh hùng lắm rồi. Người trong gia đình ông bị điện cho nằm đo ván lia chia. Chơi với điện một cách thân mật đến như thế không khá. Ông cũng biết vậy nên đã làm đơn xin di dời nhà mà chẳng thấy ai giải quyết. Hỏi ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa Liên Nguyễn Hữu Long thì ông này cho biết: “ Dân Trường Định đang phải sống dưới hai đường dây điện cao thế là có thật. Tôi cũng đã được báo cáo về chuyện này. Riêng với hai hộ ông Trương Quang Dưỡng và Nguyễn Hưng đã đuợc thành phố xem xét di dời ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tôi cũng đã gửi công văn đi một số nơi nhưng chưa thấy hồi âm”. Nghe thấy… vô tội. Điện ở đây thừa thãi nhưng công văn chắc không chạy bằng điện. Chắc nó chạy bằng…dầu nhớt bôi trơn!

Điện chạy bằng dây. Muốn điện tới đâu thì kéo dây tới đó. Chỗ nào có cột điện giăng mắc dây điện, chỗ đó có nguồn điện. Người dân quê nhìn những sợi dây điện kéo về làng bằng con mắt mừng rỡ. Có điện là có cuộc sống văn minh. Nhưng những cột điện và dây điện cũng đem lại phiền toái, nhất là những cột điện cao thế đang làm phiền người dân của vùng Trường Định. Ngay tại thành phố Sài-gòn, những nùi dây điện rối mù xuyên qua những ban công, những ngõ hẻm cũng là mối đe dọa tiềm tàng cho sinh mạng người dân. Mưa gió, bão tố đã nhiều phen làm đứt dây điện gây ra nhiều tai nạn. Rồi những nùi dây điện chạy lung tung beng trong nhà nối phòng nọ với phòng kia, đèn này tới đèn khác, máy này tới máy nọ. Phiền phức quá đi chứ! Có cách nào khỏi nhốt điện vào dây mà điện vẫn chạy được không? Khoa học đã làm được điều này. Nguyên tắc là dùng sóng radio để chuyển điện. Một bộ phát được gắn vào tường, một bộ nhận chỉ lớn bằng đồng 10 xu được đặt vào tất cả những dụng cụ xài điện thế thấp. Bộ nhận này sẽ chuyển sóng radio thành dòng điện một chiều (DC) và có thể nạp điện cho dụng cụ trong khoảng một thước. Công ty Powercast đã ra đời và trong năm tới họ sẽ bán ra được khoảng 1 triệu bộ phận nạp điện không dây này. Chúng ta sẽ có ánh sáng và các loại đồ điện cầm tay như điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, các bộ phận trong xe hơi, bộ cảm nhận nhiệt độ, bộ trợ thính giác dùng thứ điện… ma mãnh này. Nhưng quan trọng nhất là các bộ phận y khoa được cấy vào trong người. Những bộ phận này ngày nay vẫn phải dùng pin có thời hạn sử dụng. Hết pin thì lại mổ ra thay pin khác. Với loại điện không dây này, việc mổ xẻ để thay pin sẽ đi vào dĩ vãng. Phúc đức biết bao!

Tôi đã từng sống 10 năm ở Sài-gòn sau ngày đổi chủ. Đó là thời kỳ của cúp điện. Cúp ban ngày, cúp ban đêm, cúp có lịch trình đàng hoàng. Đang sống với ánh sáng mà bị bỏ vào vùng tăm tối, mất vui đi. Ngày nay vẫn còn mất vui như hai chục năm trước. Đọc báo chí trong nước trên mạng vẫn thấy có mục “lịch trình” cúp điện. Nay quận này, mai quận khác. Nhà thơ Luân Hoán qua Canada cùng thời gian với tôi nên cũng đã từng nếm mùi cúp điện, nhưng nhà thơ có vẻ thanh thản với tình trạng thiếu ánh sáng lắm.

sánh vai cùng đạp xe đi
phố đêm mất điện, nghĩ gì đó em
mặt mày nhau, đã từng xem
trái tim thì thật lem nhem chưa rành
gặp nhau muộn, thôi cũng đành
nụ hôn trừ bị hiền lành để đâu
hôn nhau vội, nhớ nhau lâu
lòng theo hoa nở đêm màu nhiệm đêm
ta vờ ngủ gật bên em
em vờ cạo gió để quên , tuyệt vời
nụ hôn chừng chửa chạm môi
mà nghe nhau nóng thấu đời thanh xuân

Dân thủ đô Baghdad của Iraq cũng đang bị cúp điện liên miên. Họ không có được cái thơ mộng của cúp điện như trong thơ Luân Hoán. Đối với họ, cúp điện có nghĩa là hết mộng mơ. Bởi vì không có điện là vợ chồng bị bế quan tỏa cảng. Sao lạ vậy? Họ là đệ tử của Hồi giáo. Dân Hồi giáo muốn đánh cờ người thì không phải chỉ có ngọn lửa trong hai đấu thủ là được. Họ còn cần… nước nóng! Bởi vì sau khi hành sự, các cặp vợ chồng phải tức khắc tắm rửa sạch sẽ đàng hoàng. Để còn cầu kinh. Mỗi ngày họ phải cầu nguyện 5 lần. Bận rộn cầu nguyện như vậy mà không có nước tắm rửa. Đành nhịn! Anh Hadi thở than: “Tôi ít tù ti với vợ bởi vì không có nước nóng để tắm sau đó. Có nhiều khi chúng tôi đang ân ái thì cúp điện. Thế là phải dừng lại nửa chừng!”. Hadi mới cưới vợ được hai tuần. Dừng lại là một tổn thất khó quên. Khó quên nhất là trong đêm hợp cẩn. Vậy mà số Hadi xui. Đúng trong đêm của đời người, “thật không may, mất điện từ 5 giờ chiều tới 11 giờ đêm, chúng tôi chẳng có việc gì làm ngoài việc ngồi nhìn nhau. Tôi đâu có lấy vợ chỉ để nói chuyện!” Anh Safar cũng không thích nói chuyện. Anh lấy vợ vào mùa hè năm 2004. Anh đã hối lộ cho nhân viên trạm điện để bảo đảm sẽ có điện đầy đủ vào đêm đó cho anh. Anh được toại nguyện nhưng sau đó anh tiếc. Anh đã vụng tính. Hối lộ để có điện đắt hơn là thuê phòng khách sạn. Các khách sạn lớn có máy phát điện riêng nên lúc nào cũng sáng choang. Vừa có điện, có nước nóng, lại còn có cả máy điều hòa không khí. Cứ thoải mái mà…tân hôn!

Trong những trại gọi là học tập cải tạo tại miền Nam sau ngày bị cưỡng chiếm, điện là một thứ xa xỉ. Nhưng đâu có ai cần nước nóng! Cái cần là làm sao…mưu sinh thoát hiểm để mang được cái thân tàn về với vợ con. Không có điện, không care. Nhưng không có thuốc trong khi bệnh tật rề rề thì chắc chết. Bệnh xá thì chỉ có xuyên tâm liên, thứ thuốc trị bá bệnh nhưng chắc chắn không khỏi được bệnh gì. Ai có thuốc thì cố dấu diếm như ốc giữ hồn. Lỡ khi bệnh tật. Khi nhà nước nuôi ăn không nổi, thuốc men cũng không có, họ mới cho dân tù được nhận quà thăm nuôi của gia đình. Trong các thư gửi về, xin ăn không quan trọng bằng xin thuốc. Nhận được quà của gia đình phải qua một cuộc khám xét. Nhân vật Nhân trong trường thiên tiểu thuyết “Bể Dâu” của Nam Dao là một bác sĩ, anh xin nhà gửi cho cái ống nghe để chữa bệnh cho anh em. “Ngoài đường, sữa, nước mắm, ruốc, thịt rang, Nhân xin thuốc và y cụ như ống tiêm, kim tiêm và một cái tetho. Quản giáo hỏi “Cái này là cái gì?”. Nhân đáp “Thưa cán bộ, ống nghe”. Không nói không rằng, quản giáo báo cấp trên. Lát sau, vị này ra, giọng nghiêm khắc:

-Ống nghe thì tịch thu. Không cho phép nghe đài địch! Nhân vội vã ngắt:

-Thưa cán bộ, ống nghe này là nghe tim, nghe phổi. Có cắm điện cắm pin đâu mà nghe được đài?

-A…Anh định bảo chúng tôi dốt phải không? Không điện, không pin thì có điện tử vô hình, mắt không thấy nhưng vẫn bắt được điện đài!

Nhân cuống lên, chỉ sợ cán bộ quyết định tháo tung ra, rạch xem ống nghe giấu điện tử vô hình ở chỗ nào thì hỏng hết. Cắn răng, Nhân xuống nước năn nỉ:

-Báo cáo cán bộ. Xin cán bộ cho hỏi y sĩ bệnh xá để xác minh cái ống nghe này không bắt được đài!

Đợi cả giờ đồng hồ, cán bộ y sĩ lên. Sờ cái ống nghe, lắc lắc, ông ta không nói một lời, sà vào ngắm đống thuốc tây, tay lôi lên, mắt nhìn. Cầm một lọ át-pi-rin, thứ thuốc rất thông dụng, ông y sĩ đến gần Nhân, nói nhỏ “Ủng hộ nhé”. Khi Nhân gật, ông y sĩ ra rỉ tai cán bộ quản giáo. Nhưng Nhân không tiếc rẻ gì. Một lọ át-pi-rin đổi lấy cái ống nghe, hẳn là lời, thậm chí lời lớn”.

Từ điện siêu hình của vị linh mục giáo sư triết tại trường Chu Văn An Sài-gòn đến điện vô hình của anh cán bộ quản giáo dốt nát tại một trại giam trên đất Bắc, điện là chứng nhân của Thượng Đế hay của ma quỷ? Đã biết điện là chúa rắc rối nhưng tôi không ngờ rằng nó lại rắc rối đến như vậy!


09/2007





SONG THAO

Tên thật: Tạ Trung Sơn
Sanh ngày 1 tháng 8 năm 1938 tại Hà Nội.

Học Trung Học Dũng Lạc (Hà Nội), Chu Văn An (Saigon), Đại Học Văn Khoa (Saigon).

Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, 1964.

Từ 1959 đến 1975 cộng tác với các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san tại Saigon: Văn Học, Thời Nay, Thời Việt, Đời Nay, Tìm Hiểu, Thăng Tiến, Con Ong.

Định cư tại Montreal, Canada, từ năm 1985.

Khởi viết truyện ngắn từ năm 1991.

Đã có bài trên các tạp chí:: Phố Văn, Làng Văn, Nắng Mới, Sóng Văn, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Wordbridge, Sống.

Đã xuất bản:


- Bỏ Chốn Mù Sương (Kinh Đô, Houston, 1993),
- Đong Đưa Cuộc Tình (Ngày Nay, Houston, 1996),
- Còn Đó Bóng Hình (Văn Mới, Los Angeles, 1997),
- Chân Mang Giày Số 6 (Văn Mới, Los Angeles, 1999)
- Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại ( Văn Mới, Los Angeles,2001)
- Bên Lưng Những Con Chữ ( Văn Mới, Gardena, 2003 )
- PHIẾM 1 (Văn Mới, Gardena, 2005).
- PHIẾM 2 (Văn Mới, Gardena, 2005)
- PHIẾM 3 (Nhân Ảnh, Toronto, 2006)
- CHỐN CŨ (Nhân Ảnh, Toronto, 2006)
- PHIẾM 4 (Nhân Ảnh, Toronto, 2007)
- PHIẾM 5 (Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- PHIẾM 6 (Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- PHIẾM 7 (Nhân Ảnh, Toronto, 2009)
- To the Top of Whistler (Nhân Ảnh, Toronto, 2009)
- PHIẾM 8 (Nhân Ảnh, Toronto, 2010)
- PHIẾM 9 (Nhân Ảnh, Toronto, 2011)
- PHIẾM 10 (Nhân Ảnh, Toronto, 2011)
-PHIẾM 11 (NHân Ảnh, Toronto, 2012)
-PHIẾM 12 (Nhân Ảnh, Toronto, 2012)
-PHIẾM 13 (Nhân Ảnh, Toronto, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập I (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập II (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập III (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2014)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập III (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2014)
-PHIẾM 14 (Nhân Ảnh, Toronto, 2014)
-PHIẾM 15 (Nhân Ảnh, Toronto, 2014)
-PHIẾM 16 (Nhân Ảnh, Toronto, 2015)
-Phiếm 17 (Nhân Ảnh, Toronto, Canada 2016)
-Phiếm 18 (Nhân Ảnh, Toronto, Canada 2016)
-Dấu Chân Lang Bạt (Nhân Ảnh, Toronto, Canada 2016)
-Phiếm 19 (Nhân Ảnh, San José, Hoa Kỳ 2017)
-Phiếm 20 (Nhân Ảnh, San José, Hoa Kỳ 2017)

Đã góp truyện trong các tuyển tập:


- Hai Mươi Người Viết Tại Canada ( Nắng Mới, Montreal, 1995)
- Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 ( Đại Nam, Glendale, 1995)
- Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Hoa Kỳ, 1995)
- Nhà Thơ Và Nhà Văn Hải Ngoại: 1975-2000 (Đại Học Đông Nam, Houston, 2000)
- Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 ( Văn Mới, Los Angeles, 2000).

Nguồn: http://www.songthao.com/tieu-su.htm