Mấy ngày nay thấy người người đi tìm hiểu ơn gọi, “nhà nhà” bước vào mùa ơn gọi, chợt nhớ một thuở nhấp nhổm “người đi tớ cũng đi”. Thật ra, đến bây giờ vẫn còn nhấp nhổm, nhưng là nhấp nhổm cầu nguyện cho ơn gọi. Gọi là “nhấp nhổm” chắc nhiều kẻ chê người trách, rằng thiếu nghiêm túc, rằng báng bổ việc thiêng thánh. Đành vậy, chung quy cũng chỉ tại vì vừa mừng mà cũng lại vừa lo... không yên được.
Ngày ấy cũng với ba lô trên vai, nhưng hơn phân nửa là ước mơ, là hoài bão xây dựng Giáo hội, mở mang nước Chúa, với những bản thảo, với những hình mẫu vẽ sẵn trong đầu, còn lại là đúng hai bộ quần áo cũ với vài thứ lặt vặt. Lúc ấy có ai mời đội đá vá trời chắc cũng chẳng ngại, vì thực ra trời lúc ấy cũng chỉ tầm dăm sải tay.
♦♦♦
Cũng chẳng nhớ là mất mấy năm mấy tháng nữa, chợt một ngày nhận ra, dù cũng mang tiếng là đi theo Chúa đó, cũng khát mong nên một với Chúa trong cùng một tâm tình, trong cùng một lối sống, cũng khao khát mang lấy trái tim của Chúa để biết run rẩy và chạnh lòng thương trước nỗi đau của phận người, cũng khát mong đi lại con đường mà Chúa đã đi, nhưng thực ra Chúa thì đã tụt xuống lâu rồi, còn mình thì cứ mải leo lên; Chúa trút bỏ mọi vinh quang danh dự để tụt xuống ôm lấy phận người, trở nên giống con người để chia sẻ với con người, còn mình thì cứ xây, cứ đắp, cứ leo, cứ trèo, cứ tìm kiếm vinh quang, tìm kiếm thành công để khẳng định sự khác biệt qua những bằng cấp, qua các chức vụ, qua các công trình...; Chúa chấp nhận hiến tế, bẻ ra, trao ban, để trở nên của ăn, của uống, để trở nên thần lương nuôi sống con người, còn mình thì cứ mải đắn đo tính toán được gì, mất gì trong từng chuyện cỏn con.
Chúa bước vào “con đường thua tự nguyện”, còn mình thì cứ mải mê trên “con đường thắng bất chấp”. Thành thử cứ ngược chiều nhau, cứ đau đớn mỗi lần thua thiệt, cứ tiếc nuối khi phải sẻ chia, từ bỏ, cứ dối lòng khi phải yêu thương. Giật mình nhìn lại, ngỡ tưởng mình đang đi theo Chúa, nhưng thực ra mình đang đi theo ý riêng của mình, hay chính xác là đang đi theo một Giêsu do chính mình vẽ ra chứ không phải như Ngài là, để rồi nơi mình chỉ còn là hình bóng một Giêsu đầy vinh quang danh dự và uy quyền, một Giêsu chưa bao giờ ngơi nghỉ trong cuộc đua thắng thua, dành giựt với các Giêsu nơi anh chị em khác.
Nhớ có lần cũng được đánh động bởi lời Chúa Giêsu nói với Giakêu: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, 5). Leo lên thì có thể “thấy” Chúa thật, nhưng tụt xuống mới có thể “gặp” Chúa, mới có thể “đồng bàn”, mới có thể đi vào tương quan thân tình với Chúa, mới có thể rước được Chúa vào nhà mình. Biết thế! nhưng tụt xuống chưa bao giờ là chuyện dễ dàng cả, cái cảm giác cứ buồn buồn tủi tủi làm sao ấy!
Năm đó, sáng Mồng Một Tết, đến dâng lễ tại một giáo xứ nọ, cũng giảng, cũng chúc Tết, cũng vỗ tay. Sau thánh lễ bà con khệ nệ ôm vác dắt díu nhau vào chúc tuổi cha xứ, mình lủi thủi dắt xe ra về, ngang qua những nụ cười xã giao mà cay cay khoé mắt. Tự nhiên trong lòng lại ao ước được bằng anh bằng em, lại tủi tủi buồn buồn.
Lần khác, cũng vào dịp Tết, cũng mua ký giò lụa và thùng bia về tết bố mẹ. Mấy ngày Tết chả thấy bố mẹ động đậy đến chả lụa với bia gì cả! Sốt ruột hỏi thì mẹ bảo: “Tao với bố mày mang sang Tết cha xứ rồi!”. Lại một lần nữa máu hơn thua nổi lên, “thằng bé” gắt gỏng: “Tại sao nhà mình cũng có cha mà lại không cho cha nhà mình ăn, mà lại cho cha nhà người ta ăn?”.
♦♦♦
Cứ liên tục như vậy, nhiều lúc lủi thủi một mình chuyển cộng đoàn, lại vớ vẩn ước ao được nghe tiếng nức nở của bà con giáo dân như các cha trong ngày chuyển xứ, một lần được ngồi xe kẻ đưa người đón. Nhìn bà con quấn quýt chúc mừng các cha trong ngày bổn mạng, trong ngày mừng 25, 50 năm linh mục..., cũng thấy thèm thèm, cũng muốn có, cũng muốn được. Cơn cám dỗ leo lên cho “bằng chị bằng em” là rất thật và dai dẳng như vậy đấy! Cứ sểnh ra là lại leo! Không leo được thì lại buồn, lại tủi, hoặc lại tìm cách kéo người khác xuống bằng cách nói xấu, dèm pha, thêm điều đặt chuyện...!
Nhấp nhổm cầu nguyện cho các ơn gọi, cầu nguyện cho mình, chính vì cái tính thích leo trèo của “đứa con nít” trong mỗi người, nếu không chăm sóc để ý, hở ra là nó leo ngay, làm cho tu sĩ ngày một dần xa Chúa. Mặt khác, bao nhiêu đau khổ, căng thẳng, khốn khó trong đời sống tu trì là do những “đứa con nít” leo trèo, thắng thua, kèn cựa, dẫm đạp lên nhau mà ra cả!
Hơn nữa, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lần đã khẳng định: “Sự thành công lớn nhất của đời người là sống thánh thiện”. Như vậy, rõ ràng sống thánh thiện mới là thành công lớn nhất trong cuộc đời tu sĩ, chứ không được đo bằng những công trình xây cất, cũng không phải bằng những chức vụ đảm nhiệm, cũng chẳng phải được tính bằng những bằng cấp đạt được. Ước mong, “đứa con nít” trong mỗi người dần trưởng thành và hiểu rằng “con đường thua tự nguyện” mới là con đường mà Chúa mời gọi chúng ta đi, mới là con đường nên một với ngài trong sự thánh thiện.
Gã Khờ (Gioankim Việt Dũng, OP.)