CHÚA ĐÓ!
Chứng từ đức tin thời Internet - bài 3
Cho tới hết năm 2018, nghĩ tới việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, tôi chỉ bận tâm tới chuỗi kinh và việc tưởng niệm lúc ba giờ chiều. Mãi sau lễ Hiển Linh 2019, tôi mới quan tâm tìm nghe những bài giảng của Cha Giuse Trần Đình Long và rồi thấy mình bị cuốn theo một dòng chảy.
Thoạt đầu là hai vị cư sĩ Phật giáo đến xin được rửa tội. Rồi họ dẫn thêm một vị thứ ba và, tuần qua, một vị thứ tư. Tất cả đều trên dưới 70 tuổi. Người đứng đầu nhóm, chị Hai, sau nhiều năm nhiệt thành với pháp môn Tịnh độ đã gặp được pháp môn Nguyên thủy và vào cuối đời lại lôi cuốn các bạn đồng môn đi theo Chúa Giêsu: “Chúa ơi, không phải con đã bỏ Chúa nhưng chỉ vì chưa biết Chúa mà đã xa Chúa! Bây giờ Chúa đã đưa con về với Chúa, xin Chúa thương con!”
Nơi họ ở cách Tòa Giám mục gần 90 cây số. Nhà thờ giáo xứ cách nhà họ khoảng 30 cây số, đường vòng vo ngoắt ngoéo, phải đi xe ôm bất tiện, cho nên họ chọn đi thẳng về Qui Nhơn bằng hai chặng xe buýt. Do đó tôi không thể nào từ chối. Mỗi lần nghe nhắn tin, tôi liền thu xếp công việc để ưu tiên dành thời giờ giúp họ. Hơn nữa, ngay từ lần gặp đầu tiên, những chia sẻ của họ buộc tôi phải quan tâm. Tôi thấy rõ những người được ơn gặp Chúa cách tự phát qua Internet cuối chặng đường dài tìm kiếm, cũng như những người tin nhận Chúa khởi đi từ tâm tình tạ ơn sau khi được chữa lành thể chất hoặc tâm linh, tất cả đang gặp một số khó khăn nhất định về mục vụ và giáo lý. Các mục tử cần tìm hiểu kỹ để đáp ứng cách chính xác.
Với loạt bài này tôi không kể các câu chuyện theo trình tự thời gian nhưng sẽ đặt nổi các vấn đề để giúp độc giả, cách riêng là các hội viên Legio Mariae cùng suy nghĩ và tìm cách hưỏng ứng những ơn lành Thiên Chúa đang tuôn đổ cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Tôi rời dòng Cát Minh về lại giáo phận Qui Nhơn cách nay 12 năm. Do không phải lo gánh nặng mục vụ giáo xứ, tôi đã dấn thân tìm cách tiếp cận với anh chị em lương dân ở các huyện xã qua con đường dòng họ. Tôi đã kể một số kinh nghiệm này qua hai quyển “Về Với Cội Nguồn” (Nxb Phương Đông, 2013) và “Năm Mươi Năm Thờ Cúng Tổ Tiên” (Nxb Phương Đông, 2014). Qua sinh hoạt thân tình, tôi gặp lại những nét thân thương đã biết qua văn chương và những nỗ lực đáng ca ngợi của những người dân lương thiện (gọi tắt là “lương dân”, đúng theo nghĩa vua quan nhà Nguyễn đã dùng để phân biệt với “diếu dân” là “dân xấu”).
Tôi dành nhiều thời giờ và tâm huyết cho việc giao lưu gặp gỡ, vì thấy rõ nếu các trưởng tộc hoặc bô lão được ơn theo Chúa thì dần dần cả gia tộc sẽ nghiêng về với đạo Chúa. Thế nhưng sau mười hai năm vất vả, tôi chưa có được bất cứ một may mắn nào. Còn giờ đây thì các bài giảng và những chia sẻ từ Giáo điểm Tin Mừng đang đem lại cho Chúa hàng loạt những bô lão, những vị có ảnh hưởng trong các dòng họ và các môn phái.
Cả bốn vị nói trên đã kể cho tôi nghe nỗi lòng tha thiết của họ muốn chia sẻ Tin Mừng cho người nhà: người phối ngẫu cũng như con cháu.
- Khi con mở máy nghe giảng thì đứa con dâu đứng bán nước mía trước cửa. Hôm nọ một người khách hỏi: bà già nghe cái gì đó? Nó nói: “Nghe đi! Đạo là như vậy đó, ông cha là như vậy đó, chứ không phải như người ta xuyên tạc tầm bậy tầm bạ đâu.” Thì ra nó vừa bán nước mía vừa lắng tai nghe.
- Khi con lần chuỗi Mân côi thì đứa cháu ngoại ba tuổi rưỡi cứ sà vào lòng. Rồi nó thuộc kinh Kính Mừng lúc nào không hay. Trước đây cha nó bực bội vì con theo Chúa nhưng rồi một hôm con bé bảo: “Ba! Mở nhạc nho nhỏ, để cho bà ngoại cầu nguyện chớ!” Nó dõng dạc đọc nguyên kinh Kính Mừng rồi dang tay hô lớn: “Ta là Chúa đây! Hãy theo Ta!” Vừa qua con rể con đã đưa vợ con nó đi Măng Đen hành hương kính Đức Mẹ.
- Chồng con bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Con nghe chị Hai đây nói về Chúa, con mượn máy của chị về cho ổng nghe giảng. Ổng nghe một lúc rồi trả máy cho con. Thế nhưng tới lúc con nghe một mình thì ổng lại đứng ngoài cửa để lắng nghe. Bây giờ thì ổng chịu nghe rồi…
Chiều Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm qua, tôi đến thăm một bà cụ 83 tuổi. Con gái cụ hỏi xin tôi một bảng kinh Lòng Chúa Thương Xót loại chữ lớn để cho mẹ đọc, nhưng rồi chị phải đi Sài Gòn không kịp đến lấy. Tôi đến tặng cụ, cụ rất mừng. Trước kia, cụ đã ngăn cản không cho con gái theo Chúa. Khi con gái đưa máy nghe giảng cho cụ, cụ cũng gạt đi. Thế nhưng giờ đây, khi tôi ghé thăm thì cụ vừa kết thúc việc cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều. Cụ bảo tôi:
- Bây giờ có được cái máy nghe, tốt quá, làm bạn với nó cả ngày…
Tôi đã miệt mài hết thả lưới lại buông câu, chỉ mong tìm được cho Chúa một bô lão nhưng suốt mười hai năm đành lặp lại kinh nghiệm của các Tông đồ trên biển hồ Galilê, “vất vả thâu đêm chẳng bắt được con cá nào” (Ga 21,3). Không riêng tôi, nhiều năm qua hầu như cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng lâm vào cảnh tương tự. Tháng Sáu năm 2018, trên báo Người Việt có một bài viết của tác giả TN được nhiều người quan tâm chia sẻ với nhau, tựa đề “Số giáo dân tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm” (https://www.nguoi-viet.com/). Vâng cả con thuyền của giới Công giáo Việt Nam chứ chẳng riêng tôi.
Thế nhưng sáng nay chúng tôi đang định cho thuyền vào bờ giặt lưới, bỗng có ai đó đứng trên bờ gọi lớn:
- Này các chú, có bắt được gì không?
Không cố tình, nhưng hình như tất cả chúng tôi đều đã đồng thanh trả lời cộc lốc bực bội:
- Không!
Người lạ bảo:
- Thả lưới bên phải thuyền đi, có cá đấy!
Một người càu nhàu:
- Cứ thả xuống rồi kéo lên cho ông ta thấy để hết đứng trên bờ mà nói dóc.
Ngờ đâu, cá vẫy vùng muốn rách lưới, cả nhóm cùng xúm nhau kéo lên không nổi. Chợt có tiếng hô to:
- Này Phêrô, Chúa đó!
Tôi lặng người. Chuyện trong sách xưa giờ đây bỗng sờ sờ trước mắt. Cá, cá đến tận mép lưới, cá từ đâu mà lắm thế!
Này Gioan với Phêrô,
Cả chiêm niệm lẫn tông đồ trong tôi,
Ngước xem, đúng Chúa thật rồi!
Chúa ôi! cứ ngỡ,... Chúa ôi! thật là…
Bằng con đường chữa lành thể chất và tâm linh, Chúa mở cánh cửa ùa vào các gia đình, gia tộc và xã hội qua các vị bô lão… Xin tạ ơn và ngợi khen Lòng Chúa Thương Xót! Tạ ơn và chúc tụng đến muôn đời!
Đón xem bài 4: Những cơn mưa ân sủng.
Qui Nhơn, ngày 13-5-2019
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Số giáo dân tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm
March 6, 2018Giáo dân đi lễ tại một nhà thờ ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
ROMA (NV) – ‘Số lượng giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm qua kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 với 7 triệu giáo dân.’
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh của giáo phận Huế, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã trình bày như thế trong bài diễn từ đại diện toàn thể 33 tổng giám mục và giám mục trong Hội đồng Giám Mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam triều kiến Đức Giáo hoàng Francis hôm Thứ Hai, 5 Tháng Ba 2018 tại Vatican.
Các tổng giám mục và giám mục Việt Nam đã đi hành hương Ad Limina từ cuối Tháng Hai, từ Pháp sang Roma để triều yết Đức Giáo Hoàng Francis và trình bày về tình trạng của giáo hội Công giáo Việt Nam. Trang mạng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) tường thuật tóm tắt chuyến đi từng ngày của cuộc hành hương.
“Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước”. Bản tin của HĐGMVN thuật lại lời trình bày với Đức Giáo Hoàng của Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh trong cuộc tiếp kiến hôm Thứ Hai.
Trang mạng HĐGMVN thuật lời Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh nói rằng: “Giáo Hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5 Tháng Ba hôm nay mừng kính ngài. Đức cha chủ tịch cũng ngỏ ý mong đợi một ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước và Giáo Hội Việt Nam.”
Một số vị Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm từng ngỏ ý muốn đến thăm Việt Nam nhưng các cuộc dàn xếp không thành. Sau năm 1975, các chủng viện đào tạo tu sĩ Công Giáo tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền ép đóng cửa, chủng sinh phải trở về nhà nhưng nhiều người vẫn tiếp tục “tu chui.” Có những vị được truyền chức linh mục trong bí mật để tránh sự khủng bố của nhà cầm quyền.
Linh Mục Phan Văn Lợi hiện đang bị nhà cầm quyền quản thúc và thường xuyên bị khủng bố tại Huế là một trong những vị được cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận truyền chức “chui” vào năm 1981. Sau nhiều cuộc điều đình, các chủng viện mới được mở cửa lại từ từ với những giới hạn do nhà cầm quyền đòi hỏi.
Hà Nội đến nay vẫn không chấp nhận để Tòa Thánh Roma đặt một sứ thần thường trú tại Việt Nam. Rất nhiều tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị nhà cầm quyền làm giấy “mượn” nhưng cướp luôn. Khi bị đòi thì chây ỳ. Những vụ cướp tài sản giáo hội nổi tiếng như Tòa Khâm Sứ, đất Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, đan viện Thiên An ở Huế cùng nhiều nơi khác.
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã phải từ chức tổng giám mục giáo phận Hà Nội hồi năm 2010 trước áp lực của nhà cầm quyền CSVN với Tòa Thánh Roma khi giáo dân chống đối quyết liệt việc cướp đoạt trụ sở Tòa Khâm Sứ. Không nuốt nổi đất và trụ sở Tòa Khâm Sứ nhưng nhà cầm quyền cũng không trả lại, biến nơi này thành công viên.
Trước các vụ việc này, Tòa Thánh Roma luôn luôn giữ sự im lặng để các giáo phận địa phương đối phó với nhà cầm quyền.
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới nên vẫn tồn tại trước các áp lực của nhà cầm quyền về mọi mặt. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng từng chống lại các luật lệ và pháp lệnh về tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN khi nêu ra tính chất độc tài, phản lại các quyền tự do căn bản của con người.
Các bản tin của HĐGMVN về chuyến hành hương của 33 tổng giám mục, giám mục chỉ tường thuật rất tổng quát về chuyến đi hành hương. Người ta không được biết gì hơn bên ngoài các điều thấy trên mạng qua lời tường thuật vắn tắt khi nhiều vị giám mục “chia sẻ với Đức Thánh Cha về khó khăn mục vụ và truyền giáo trong tình trạng di dân phổ biến ngày nay tại Việt Nam.” (TN)