VỀ CÁC TÀI LIỆU CHÚ GIẢI KINH THÁNH CỦA
LINH MỤC YUSE NGUYỄN THẾ THUẤN – DCCT
Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với GĐAP, cha tân Giám tỉnh đề nghị GĐAP cộng tác thiết thực với Nhà dòng, không chỉ qua những buổi họp mặt truyền thống nhưng tham gia vào công cuộc thừa sai, mang tính chất thường xuyên. Ban điều hành GĐAP đã trao đổi với toàn thể anh em, đi đến quyết định nhận hướng dẫn một lớp Giáo lý Dự tòng (GLDT). Nòng cốt của Ban giảng huấn là các anh lớp Vô Nhiễm và một số anh em khác hứa sẽ tích cực ủng hộ. Ngoài ra, anh Phạm Mạnh Phú (lớp Gabriel 66) cũng xin tham gia, nhưng với tư cách theo để học kinh nghiệm, sau đó, anh Phú kéo thêm anh Trần Vinh Huy là bạn cùng lớp.
Quyết tâm là thế, nhưng không biết triển khai thế nào, chương trình ra sao. Thầy Trợ sĩ Phạm Công Thuận (RIP - lớp Vô Nhiễm) cũng tích cực giúp, biếu mấy cuốn Giáo lý cho người dự tòng, có lắm xuất xứ. Trong lúc bế tắc này, chương trình dạy Giáo lý chung của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (ĐMHCG) cũng được anh em dùng để soạn giáo án. Đây là chương trình GLDT được căn cứ vào Kinh Thánh, hay thật, nhưng giáo trình cụ thể không có.
Khóa 1/GLDT-GĐAP được khai giảng và cho thấy trình độ Kinh Thánh của các giảng viên thật đáng báo động. Cũng đang giữa khóa, một số đông các anh lớp Vô Nhiễm xin rút, kẻ bận công việc, người đi xuất cảnh. Bám trụ và miệt mài với lớp GLDT chỉ còn anh Trần Vinh Huy, cựu đệ tử trẻ tuổi chưa hề gặp gỡ tác giả Nguyễn Thế Thuấn trong đời. Bởi vị linh mục giáo sư lỗi lạc về Kinh Thánh của Học viện DCCT, trong những ngày dầu sôi lửa bỏng, cuối tháng 4-1975, ngài đang giảng tĩnh tâm cho giáo xứ Di Linh. Những người giải phóng ập vào giáo xứ Di Linh, lôi vị linh mục gầy yếu ra sau nhà thờ và “giải phóng” ngài bằng một viên đạn đồng. Cha Thuấn về với Chúa để lại bao ngổn ngang cho giới nghiên cứu Kinh Thánh và các môn sinh.
Giữa lúc khủng hoảng như thế, cha Nguyễn Quang Duy, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gặp gỡ những anh em còn lại, đề nghị sử dụng cuốn Kerygma – Lời rao giảng tiên khởi của cha Nguyễn Thế Thuấn, như là căn bản để giúp anh chị em Dự tòng có một đức tin trưởng thành.
Kerygma- Lời rao giảng tiên khởi, Bài giảng trên núi, Chú giải Thương khó Phục Sinh được anh em đón nhận và miệt mài nghiên cứu, thảo luận. Những chương giáo trình GLDT đầu tiên của GĐAP được gấp rút hình thành trong giai đoạn này: vừa đọc vừa biên soạn để phục vụ học viên. Những trang giáo trình đầy xơ cứng, lủng củng. Nhận biết những giới hạn về Kinh Thánh, anh em chuyên tâm đầu tư thời gian tìm đọc các chú giải của cha Nguyễn Thế Thuấn. Tuy nhiên, không có chú giải nào có được một trình tự xuyên suốt. Kerygma hay thật, nhưng tập chú giải nầy có tính chất tổng hợp.
Trước tình trạng đó, nhu cầu tìm kiếm cho được các chú giải khác của cha Nguyễn Thế Thuấn được đặt ra. Phải đọc toàn bộ các chú giải mới mong nắm bắt phần nào mạc khải Lời Thiên Chúa qua mọi thời đại. Thế nhưng, để biết tài liệu chú giải Kinh Thánh của cha Thuấn gồm những gì là một thách đố, sau cái chết tức tưởi của ngài. Qua những gì được biết, sau biến cố 1975, tài liệu của cha bị thất thoát vì nhiều nguyên nhân, kể cả nguyên nhân bị đánh cắp để trục lợi của người được trao nhiệm vụ thu thập.
Tình cờ may mắn, chúng tôi có được một đĩa quang đầy virus, có chứa khá nhiều tài liệu chú giải Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn. Sau khi được xử lý, đĩa được chuyển đổi sang Unicode để đọc. Theo tìm hiểu, đây là công trình của cha An Phong Phạm Gia Thụy đã sưu tập. Đáng tiếc, công trình còn nhiều khiếm khuyết (có thể do người đánh máy không hiểu từ Kinh Thánh, lỗi chính tả...) nên đôi lúc làm lệch ý nghĩa. Chúng tôi đã may mắn làm quen với văn phong của cha Thuấn một thời gian nên cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, khối lượng tài liệu chú giải của cha nhiều, phong phú nên khó nhớ hết. Một ý tưởng thoáng qua, đọc từng đầu mục, chương... để tìm hiểu, nhân tiện đối chiếu và chỉnh sửa, sau khi truy tìm trên các trang mạng, hỏi thăm các anh đã có điều kiện học tập, tiếp xúc với cha Thuấn.
Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy kéo dài khoảng 8 năm. Cùng với việc tiếp thu đó, giáo trình GLDT-GĐAP cũng được liên tục cập nhật theo những kiến giải có được qua học hỏi các chú giải trên.
Sau khi chỉnh sửa các tài liệu trên, chúng tôi cảm giác chưa hoàn chỉnh, chẳng hạn đã có Tin Mừng Nhất Lãm tất phải có Tin Mừng Yoan, đã có Thư gửi tín hữu Philip tất cũng còn các thư khác... Tình cờ trên Wordpress GĐAP, anh Trần Ngọc Tá, từ Úc châu, có post lên Thư Corintho, chúng tôi đã liên lạc và được anh nhiệt tình gửi cho toàn bộ những tài liệu bản gốc của cha Thuấn, thời các anh còn ở học viện: Thư Phaolo gửi Tín hữu Corintho 1,2, Thư Roma, Thư Galat, Công vụ Tông đồ. Vẫn còn đó những chú giải thêm bên ngoài của cha Thuấn (Chúng tôi đã ghi chú thêm trong bản chỉnh sửa). Ngoài ra, anh Nguyễn Ái Chiếu cũng tặng Tin Mừng Yoan và một phần nhỏ sách Khải Huyền, tài liệu cha Thuấn giảng dạy cho Học viện DCCT Đà lạt.
Việc đánh máy và chỉnh sửa tưởng đã khá hoàn chỉnh. Bất ngờ, trong một lần tìm kiếm cầu may trên mạng, chúng tôi phát hiện ra tại Thư viện Đại chủng viện Bùi Chu, ngoài các tài liệu chúng tôi đã có, còn thêm có thêm: “Biến cố Vượt qua”, “Khải huyền Yoan”. Nhờ sự hỗ trợ của anh Vũ Sinh Hiên, một người luôn canh cánh bên lòng nghĩa tình với Dòng Thánh, chúng tôi được linh mục Mai Văn Kính gửi biếu hai tài liệu nầy. Lúc ấy, anh Hiên đang cộng tác với “Bùi Chu- Di cư” viết tiểu sử Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh, đã nhanh chóng “đánh hơi” được rằng tài liệu này là di sản của Đức Ông dành cho thư viện giáo phận Mẹ. Anh Hiên đã nhờ “Bùi Chu- Di cư” liên lạc với giáo phận Mẹ ngoài Bắc và được thỏa mãn yêu cầu này. Công việc đọc, đánh máy, đối chiếu, chỉnh sửa lại tiếp tục và đến nay tạm gọi là hoàn chỉnh.
Tạ ơn Thiên Chúa đã không để công sức của cha bị quên lãng, mai một qua bao biến cố thăng trầm thời cuộc. Cám ơn cha, ở trên cao ấy, đã giúp thế hệ đàn em khám phá khung trời ân sủng Thiên Chúa dành cho con người qua mọi thời đại, bằng các tài liệu chú giải để đời của mình.
BAN BIÊN TẬP
THƯ NGỎ
Thưa các anh, các chị và các cháu
Trong Gia đình Anphong toàn thế giới
Trên đây là bài tựa của cuốn “Nguyễn Thế Thuấn toàn tập” mà gia đình Anphong Saigon đang dự tính xuất bản. Đây là công trình vinh danh vị dịch giả và nghiên cứu Kinh Thánh hàng đầu trong Giáo Hội Việt Nam, cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT). Đây cũng là công trình để đời của anh em cựu đệ tử DCCT Viêt Nam sau 10 năm phụ trách lớp Giáo lý Dự tòng (GLDT), một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa Dòng Thánh.
Sau ngày ra đi đột ngột của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, như đã trình bày trong bài tựa, không mấy ai nghĩ đến việc gom góp các công trình nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh của cha. Bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn đã được xuất bản khá sớm sủa, năm 1976, dưới thời cha Bề trên Giám tỉnh Leo Lê Trung Nghĩa, từ nguyên bản tiếng Hipri, Aram và Hi Lạp, giấy phép số 92/GPNT/XB của Bộ Thông tin Văn hóa- Cục Báo chí Xuất bản ngày 13/11/1975. Sở dĩ tác phẩm được ấn hành là do “vận động” của hai vị linh mục trong Dòng khi đó đang được lòng Nhà nước Cách mạng là cha Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan. Đồng thời, nhà in Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chưa bị tịch biên, nguyệt san Đứng Dậy vẫn được tục bản sau ngày 30/4/1975. Hai cha đã dùng số giấy Bible tồn kho để in 10.000 cuốn. Nhưng các tài liệu nghiên cứu và chú giải, các giáo trình của cha thì ngổn ngang và tản mát khắp nơi. Được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, các cựu môn sinh tại Học viện DCCT và anh em cựu đệ tử trên toàn thế giới, chúng tôi đã quy tập đầy đủ các công trình này của cha để phục vụ cho việc giảng dạy lớp GLDT.
Nay thì chúng tôi quyết định cho ra mắt “Nguyễn Thế Thuấn toàn tập”. Chúng tôi dự tính in 1.000 quyển, mỗi quyển dày 3.000 trang khổ A4. Chủ yếu là để tặng thư viện các giáo phận, các dòng tu và những anh chị em có đóng góp tài chính. Chi phí cho công việc này dự tính khoảng 300 triệu đồng Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các anh, các chị và các cháu khắp nơi, tùy khả năng tiếp tay với chúng tôi ở quê nhà. Những đóng góp có thể theo từng “địa phương”: Nam Cali, Bắc Cali, chi hội Porland, chi hội Houston, Úc châu, Âu châu hoặc từng cá nhân.
Xin vui lòng gửi về cho anh Hồ Công Hưng, là thủ quỹ của công trình xuất bản này theo hai cách sau :
- Ngân hàng ACB Phú Lâm, số tài khoản 78172039
- Địa chỉ nhà anh Hưng : C13/24 – cư xá Phú Lâm B, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Điện thoại 028.38752056, 0913.981501.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT Việt Nam nhận lời làm cố vấn cho công trình này của chúng ta.
Xin Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp trả công cho các anh, các chị và các cháu. Hết lòng cảm ơn các anh, các chị và các cháu.
Ngày 30/3/2019
Từ quê nhà Saigon- Việt Nam
Vũ Sinh Hiên (Già làng)
Nguồn: https://groups.google.com/forum/#!msg/AlphonseFamily/aJQ6HBQwXb0/5aA81NKaAQAJ