Một chiều mưa, ngồi tư lự trong quán café, mình gặp lại nó. Nó hỏi:
– Anh Thiện phải không? Tui là Minh nè…
Mình ngớ người ra vì làm sao biết được Minh này là Minh nào. Nó thấy mặt mình đang ngáo nên rót thêm một mớ thông tin khác….
– Hồi đó tui với anh học chung ở trường Thiên Ca đấy. Tui nhớ anh có người anh, tui có thằng em ….
Ui, cái kiểu này thì chỉ có thánh mới biết gã nói gì. Thế là mình với gã bỏ thêm mươi, mười lăm phút nữa để check lại kỷ niệm thời thơ ấu. Sau cùng mình cũng nhớ gã là ai.
Ngày đó mỗi sáng Chúa nhật, mình đi lễ ở Thiên ca xong thì vào lớp giáo lý. Trong khoảng thời gian trống từ thánh lễ đến lớp giáo lý là giờ chơi của bọn mình.
Minh kể hồi đó nó không dám chơi với đám con nhà giàu như bọn mình vì nhà nó nghèo… Mình nghĩ, lúc nhỏ mình đâu có để ý ai giàu ai nghèo làm chi. Với lại dạo đó ba mình cũng thất nghiệp, anh em mình cũng te tua đấy….
– Đã vậy anh em nó là người Thượng nên da đen mốc, trông rất xấu xí…
Mình nghĩ, ai mượn ông nuôi mặc cảm, tui cũng đâu có để ý ai đẹp ai xấu ….
– Gã hơi khờ và chơi cái gì cũng vụng … - Mình nghĩ, điểm cốt lõi đây. Trẻ con thích đứa chơi chung trò với nó….
Minh không nghĩ thế. Nó mặc cảm vì đủ thứ thua thiệt. Thế là anh em Minh thường đứng dưới gốc điệp Tây trong sân Thiên Ca để ngắm đám tụi mình chơi chung với nhau. Các sơ không muốn có đứa trẻ lạc loài nên kêu nó nhập bọn và thúc giục chúng tôi chơi với anh em nó.
Sân trường Thiên Ca rải sỏi, viên tròn to như viên kẹo nên bọn mình không chơi bi mà chỉ chơi các món khác như đá cầu, chọi thú, nhảy dây….
Bọn mình chơi đá cầu xếp hạng nhì thế giới, chơi chọi thú, dích hình xếp hạng 3 thiếu nhi toàn quốc, chơi u, chơi năm mười xếp hạng tư thiếu nhi toàn tỉnh Gia Định…. Nhưng đấy là hạng xếp ngược, tức là chỉ giỏi hơn đám đội sổ một tí. Vậy mà nó chơi thua mình. Sau vài hôm chơi chung, nó lại ra đứng chầu rìa bên gốc điệp. Và các sơ lại tiếp tục điều đình để bọn mình cho nó nhập bọn ….
Có dạo, nó thích lủi thủi chơi bên bờ tường. Một mình đóng 2 vai trong trò chọi thú. Nó bỏ ra cả tháng trời chỉ chơi mỗi cái trò này. Sơ dạy giáo lý thấy lạ bèn đến tìm hiểu. Nó nói với sơ:
– Con muốn làm trùm chọi thú. Con sẽ luyện đến khi nào chọi cú nào, trúng ngay chóc cú đó….
Sơ cười bao dung và giải thích:
– Đấy chỉ là trò chơi thôi, đâu cần tốn nhiều công sức như thế. Con hãy rèn luyện cái gì giúp ích mọi người sẽ hay hơn. Rèn luyện các nghề vặt này giống mấy chú cờ bạc gạo lắm….
Vốn đã quá nản nên nó hân hoan đón nhận lời giáo huấn này. Cho đến mấy mươi năm sau, gã thú nhận rằng gã không có thiên khiếu của thần xạ để chọi cái gì là trúng phóc cái đó.
Đôi lúc mình cũng ngồi nói dóc với Minh trên ghế đá. Có lần mình đem câu chuyện Minh kể về kể lại cho ông anh. Nghe được nửa chuyện thì anh mình đứng dậy hầm hầm nói:
– Lần sau mày còn kể tao nghe loại chuyện bịa này thì đừng trách tao đá đít nha.
Trong khi bọn mình học rất dễ dàng. Đọc tới đâu nhớ đến đó, học đến đâu hiểu đến đó…. Gã lại không được minh mẫn trong việc học. Nghĩ thấy thương cho gã vô cùng. Học hết lớp 9 thì gã nghỉ.
Tụi này lớn lên vào cuối cuộc chiến. Sau Giải phóng tụi này không gặp nhau nữa. Gã đi làm rừng, làm ruộng một thời gian rồi lại về Sài gòn đẩy xe rác. Sau gã đi Mỹ. Qua đó lại tiếp tục làm những công việc rất lương thiện nhưng xã hội chê và lại kiếm khá tiền.
Những đêm xa xứ lòng gã lại nhớ đến thời thơ ấu ở Thiên Ca. Gã nghĩ, nếu gã không học giỏi được, không chọi thú giỏi vậy thì gã phải có trò chơi gì chứ. Chả lẽ thủa nhỏ từng là thằng bé đứng gốc điệp trông bạn bè nô đùa … khi già thành ông lão đứng bờ rào nhìn trộm hàng xóm vui chơi hay sao…
Gã ở tại một thành phố nhỏ thuộc một bang phía bắc Cali. Mùa đông tuyết phủ trắng đồi. Gã thèm tô mì gói có nêm ít rau quế.
Sang hè, gã lái xe về Cali đến khu chợ Việt mua một mớ hạt giống nào là quế, ngò gai, ngò rí…. Trồng được một tháng, vườn rau của gã xanh um, đẹp như mơ. Thế nhưng khi ngắt vài lá bỏ vô tô mì, cái mùi rau xứ Mỹ nó nhạt phết, chẳng ra toi gì cả. Gã nổi sung, vác cuốc ra vườn phá sạch đám “cỏ dại” kia. Gã tha về một mớ cây cảnh rồi trồng thay đám rau vô duyên.
Số là thời ấy gã làm công cho một công ty chuyên trồng cây cảnh cho công viên của thành phố. Hàng ngày, gã cắt cỏ, tỉa cành, dọn rác, tưới phân và cả trăm thứ việc linh tinh của một thợ làm vườn. Sư phụ của gã là ông Bill. Một ông già Mỹ có bộ râu xồm như ông già Noel. Bill rất tử tế với gã. Những thứ cây cảnh không đạt chuẩn thì Bill loại khỏi vườn ươm. Gã tha đám đó về trồng cho đỡ tiền mua cây giống.
Rốt cuộc cây của gã trồng còn đẹp hơn cây của công ty. Bill càng ngày càng tin cậy tay nghề của Minh. Chẳng bao lâu, Minh trở thành một thợ làm vườn giỏi của công ty.
Họ bảo cây gì cũng có thể uốn, nắn, cắt tỉa để tạo dáng, ngoại trừ cây tre. Tre bên ấy lấy giống từ các xứ lạnh như tre Nhật, tre Tàu. Họ trồng tre cứ suông đuột thành từng bụi hay từng hàng. Khách tham quan muốn ngắm, muốn nghía, muốn chụp ảnh kiểu gì thì cứ tha hồ. Với họ, tre chỉ cần tưới và cho phân, chẳng cần làm chi cả….
Gã vốn ít lời nên không cãi. Thời còn ở Phước Long, gã đã quá quen với việc vào rừng tre xắn măng, chặt tre. Ông bà nói: nhất đốn tre, nhì ve gái. Tuyển được một thân tre đẹp nằm giữa bụi mà muốn chặt nó về thì phải vô cùng khéo léo. Gã quan sát đủ mọi gốc nhìn để tìm xem nên tiến vào theo lối nào là tiết kiệm nhất mà vẫn lấy đủ thân tre.
Kinh nghiệm về tre đọng lại trong ký ức gã hàng ngàn dáng thế của loài tre. Mỗi loại tre, mỗi bụi tre lại có cái dáng riêng. Có bụi trông rất cổ quái, có gốc trông thật trầm tư. Ngắm những măng tre mới vượt lên chỉ thẳng ngòi bút đâm vào trời xanh… Dáng ấy phải nói là vừa sung, vừa ngang tàng, kiêu hãnh. Kiên nghị, can trường nhất phải là dáng của bụi tre gai cằn cỗi trong mùa khô. Nắng cháy núi đồi. Suối khe cạn kiệt. Cả vạc rừng tre cứ điêu tàn, xác xơ như một đám người già lum khum chờ ngày về với đất trời. Thế nhưng tre vẫn còn sống mới kinh.
Cả trong những đêm cháy rừng, tre bị lửa liếm đỏ rực. Lửa làm ống tre nổ tí tách văng ra những đốm đỏ như pháo hoa. Thảm thế mà tre vẫn hiên ngang chết trong biển lửa. Hôm sau bụi tre hóa thành những khúc củi đen ngạo nghễ đứng thẳng trên nền tro. Nó vẫn không bao giờ cúi đầu ngã rạp. Linh thiêng hơn nữa là nó vẫn sống. Chỉ cần hơi mưa thổi về. Vài hôm là đất đen lại nhú măng, thân tre cháy lại nẩy chồi. Có loại cây nào lì lợm và bất khuất như tre không?
Gã bỏ ra gần 10 năm để trồng tre và uốn tre. Đầu tiên gã dùng các loại tre xứ lạnh. Sau đó, gã về VN và xin giấy phép mua một số gốc tre gai, nứa, tầm vông về trồng sau vườn nhà gã. Lúc này công việc khá ổn định và mức lương cũng tạm gọi là khá hậu nên gã tha hồ dành hết tâm trí vào tre. Chỉ có tre gai là chịu uốn. Nhưng tre gai lại không sống được ở khí hậu lạnh. Gã phải làm nhà kính và đủ thứ thiết bị để tre gai sinh trưởng.
Khi tre lớn, thân chừng bằng cổ tay, cổ chân, gã cưa ngọn chỉ chừa lại hơn một thước. Đúng lời của gã là còn chừng 4 feet, nhưng tôi không thể hình dung nếu không dùng thước Tây. Tre bị cắt ngọn sẽ nứt nhánh tại các mắt. Gã đợi nhánh này mọc dài chừng hơn thước thì lại cắt chỉ chừa lại vài mắt. Nhánh này sẽ đâm chồi mới từ các mắt còn lại. Thế là từ 1 mắt nơi thân chính tre nhảy ra 2 nhánh con.
Gã dùng 2 gốc tre gần nhau để đan hình ngôi sao 5 cánh. Mỗi gốc cho 2 nhánh và cần thêm 1 nhánh ở mắt trên làm đường ngang là gã có được 1 ngôi sao từ các nhánh này.
Sau gần chục năm miệt mài, tuyệt tác của gã là bụi tre gai có 52 ngôi sao. Đây là những ngôi sao kết bằng nhánh tre đang sống, có lá có sương đọng trên đấy chứ không phải những que tre chết khô. Tuyệt tác này dùng để tri ân quê hương thứ 2 của gã.
Khi ông Bill và các đồng nghiệp đến ngắm tuyệt tác này, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có người đề nghị gã bán với giá khá cao. Nhưng gã từ chối. Tiền nào có thể mua nổi chục năm bầm dập cho tre mà gã đã cống hiến. Thế là giám đốc công ty gợi ý do tháng sau là giữa mùa hè, công ty sẽ có hội chợ trong công viên. Họ sẽ thuê chậu tre mang 52 ngôi sao triển lãm trong công viên. Ôi, thế thì quá tốt. Gã cũng muốn chia sẻ niềm vui cho mọi khách tham quan khác.
Suốt một tuần sau đó, gã sống như trên mây. Trái tim già của gã nhảy loi choi như một cậu trai mới lớn. Cả ngày gã quanh quẩn bên gốc tre. Vợ gã nói nếu luật vệ sinh của Mỹ không khắc khe thì gã cũng dám ăn uống tắm giặt bên chậu tre gai này chứ chẳng chơi.
Gã tưởng tượng viên thị trưởng và có lẽ cả thống đốc bang cùng nhiều vị tai to, mặt lớn khác sẽ đến chụp ảnh lưu niệm bên gốc tre tuyệt tác này. Người ta sẽ phỏng vấn gã rồi đăng bài trên các kênh truyền hình, các báo. Từ nay, mọi người sẽ nhận ra Minh là ai…
***
Còn một tuần nữa là ngày khai mạc hội chợ. Gã gọi điện lên công ty. Nửa giờ sau 2 chiếc xe đổ xịt trước cửa nhà gã. Giám đốc, ông thầy Bill và vài đồng nghiệp khác hoảng hốt chạy ra nhà kính của gã. Họ chỉ còn thấy một bụi tre gai bình thường. Tất cả ngôi sao đều đã biến mất. gã giải thích rằng bổng dưng chúng bị nhiễm bệnh nên gã buộc phải cắt bỏ công trình để đời này. Bên ngoài nhà kính là một đống nhành tre cháy nham nhở. Những ngôi sao tuyệt tác giờ chỉ còn thế thôi.
Gã đứng im nhìn ánh mắt tiếc nuối của mọi người. Chợt một bàn tay vỗ lên vai gã:
– Cậu nói cho tôi xem, vì sao ánh mắt của cậu lại vui mà chẳng buồn tí nào cả?
Ông Bill vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mắt gã. Trái tim gã nhói lên. Đây là ánh mắt dịu dàng, yêu thương và khẩn khoản mà gã đã từng gặp bao lần trong đời. Ánh mắt của sơ dạy giáo lý, ánh mắt của mẹ gã và của thầy Bill sao mà giống nhau đến thế. Những người này chẳng những dành cho gã tin yêu mà cả sự trân trọng. Họ không nhìn gã như một đứa bé vụng về hay một kẻ bần cùng. Họ nhìn thấy ở gã những phẩm chất mà ngay cả chính gã, gã cũng chưa kịp nhận ra gã đang sở hữu các báu vật ấy. Ánh mắt đã thôi thúc gã vượt bao thử thách của kiếp người để có được hôm nay. Những ánh mắt không bao giờ ra lệnh cho gã phải thi hành. Nhưng nhìn vào đó, trái tim gã bổng nhói lên và tự buộc mình phải làm sao cho xứng đáng với tình yêu ấy.
Gã cười hiền và hẹn chiều sẽ gặp ông Bill uống café. Chiều đó gã khởi đầu câu chuyện bằng một nguyên lý:
– Sư phụ nói đúng. Cái đẹp mà nghệ thuật ca ngợi là cái đẹp của sự sống. Tôi theo cách nghĩ giống các nhà chơi cây cảnh Á Đông. Ấy là thể hiện chữ nhẫn, chữ tâm trong tác phẩm. Đến khi hoàn thành nó, tôi thấy nó giống chính cuộc đời mình. Tôi đã từng bị cắt tỉa, bị uốn nóng, bị cột, bị ép và bao nhiêu đày đọa khác. Nhưng thâm tâm tôi, tôi lại muốn sống một cách tự nhiên, thảnh thơi. Tôi muốn là cây tre vươn thẳng lên đón ánh nắng mặt trời. Chỉ vì đời không cho tôi mọc thẳng chứ không phải tôi thích bị uốn cong. Chính bởi tôi không chịu chết non, không chịu sống vô dụng nên tôi phải đối đầu với các thách thức.
Gã hớp thêm ngụm nước rồi kể tiếp… Đến khi gã có được một cuộc sống tử tế như ý, gã nhìn lại đời mình và sợ các gian khổ đã trải qua. Nếu gã không thích bị đọa đày, vì sao gã lại ép bụi tre này phải sống tức tửi như thế. Gã đã giải phóng nó chứ nó không bị bệnh gì cả.
Từ đó, gã trở lại công ty và chuyên trồng những dáng cây khỏe mạnh, vươn thẳng. Gã không thích ngắm những thân tùng non bị uốn thành cổ quái như một gốc tùng trăm tuổi. Gã không muốn ép các nhánh cây nhỏ mọc quanh một cái khung thép để thành chú nai, chú ngựa cảnh. Gã trồng đủ loại hoa, muôn hồng, nghìn tía theo mẫu thiết kế để công viên rực rỡ trong nắng hè. Gã cũng cắt, cũng tỉa cây nhưng để cây có thể đón nhiều ánh nắng hơn,trổ nhiều hoa, kết nhiều trái hơn. Hoặc cắt tỉa để khi gió đông về, các cành xù xì kia không cản gió khiến cây phải ngã đổ.
Đồng nghiệp bảo gã là chuyên gia về tre giỏi nhất tiểu bang. Đôi tay gã không phải đôi tay thần xạ nhưng đôi tay thần nông. Đôi tay đem lại sự sống cho các loài thực vật. Gã trồng cây nào thì cây đó tốt tươi. Cây bệnh, cây yếu giao cho gã chừng vài tuần là cành lá xum xuê trở lại.
Gã bảo những lúc rảnh rỗi gã lái xe lên các vùng rừng núi để ngắm các loại cây phải mọc trong các môi trường không thuận lợi. Người Nhật gọi đó là bonsai tự nhiên. Ngoài thú ngắm bonsai tự nhiên, gã cũng là thầy thuốc tình nguyện cho các loại thực vật mọc hoang trong rừng.
Gã nói: “Làm vi tính như anh hể click chuột là hết cái này hiện ra, lại cái khác hiện ra trên màn hình. Các anh mới cần chữ nhẫn. Làm nông dân như tui, gieo một hạt giống xuống cũng mất vài hôm mới nẩy mầm. Mất vài tuần, vài tháng mới sinh hoa, kết trái. Nhưng tui cũng không cần nhẫn để chờ đợi. Tui bình thản ngắm cái tốc độ lặng lẽ đó của tự nhiên. Có bình an trong lòng rồi thì chẳng cần nhẫn nhịn gì nữa.
Trước khi chia tay, tôi hỏi gã một câu cuối:
– Nếu ngày đó, anh bán chậu tre thì mọi việc sẽ là thế nào?
– Anh nói đúng, chính tôi cũng nhiều lần từng nghĩ đến câu hỏi này. Có lẽ sau đó tôi sẽ có nhiều tiền, sẽ sống sung túc hơn, được nhiều người ngưỡng mộ hơn. Chắc lúc đó nhiều người sẽ nhận ra tôi khi tôi đang đứng giữa đám đông. Còn tôi có lẽ mãi mãi sẽ chẳng bao giờ nhận ra được chính mình là ai.
10:46 PM 26 June 2016
Trần Bá Thiện
https://dotchuoinon.com/2017/12/17/tuyet-tac-cua-minh-den/#more-178772