NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 7
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
NHỚ NGÀY “INTROIBO”
Ghi lại dư âm buổi Thánh Lễ Mở Tay tại Dòng Mến Thánh Giá Tân Thanh, Bảo Lộc ngày 9.9.1956.
Vừa bước ra khỏi Nhà Nguyện, tay còn thấm ướt Dầu Thánh, tôi còn ngơ ngác nhìn bà con quen biết, trí óc hướng về cha mẹ già, thầm gởi đến hai đấng phép lành đầu tiên với lòng biết ơn yêu mến sâu xa vì đã dạy tôi yêu Chúa thương người, đã thúc đẩy tôi trên đường Linh Mục, thì cha Eugène Larouche, vị giám đốc và linh hướng thương yêu của tôi từ lúc tập tễnh bước vào Đệ Tử Viện, đến ghé tai tôi: “Con lên phòng cha đã”.
Tôi theo cha. Tôi không biết ngài muốn gì, nhưng vì đã kính trọng và yêu mến ngài sẵn, nên tôi không cần thắc mắc. Về đến phòng của ngài, ngài nói: “Roch nhỏ bé nay đã làm Linh Mục. Bây giờ con ban phép lành đầu tiên cho cha”. Nói xong ngài quỳ xuống, cúi đầu.
Thật bất ngờ! Tôi sửng sốt. Cha già đã muốn tôi dành cho ngài phép lành đầu tiên của đời Linh Mục của tôi. Tôi vâng lời ngay vì nghĩ rằng: ngài có quyền đòi hỏi một quyền ưu tiên, bởi tôi có ngày hôm nay cũng là vì tinh thương của ngài hằng theo dõi, săn sóc, khích lệ, an ủi, giúp đỡ, chịu đựng và nhẫn nại dạy dỗ tôi.
Với tất cả niềm tin vào quyền năng tôi vừa lãnh nhận và đem hết lòng yêu mến, tôi kéo ơn Chúa Trời xuống người cha yêu dấu ấy. Đôi tay tôi đặt trên mái đầu bạc của ngài mà rưng rưng nước mắt: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, Con và Thánh Thần ban muôn phép lành xuống cho cha và ở với cha cho đến muôn đời”. Vị Linh Mục là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam nói như hô: AMEN; đoạn ôm lấy tay tôi hôn.
Tôi nhớ lại cái hôn đầu tiên trên tay tôi, năm 1943, khi tôi về nghỉ hè lần sau cùng để rồi từ đó không bao giờ gặp lại cha mẹ tôi nữa. Sau mấy tuần ở nhà, tôi trở lại Nhà Đệ Tử. Mọi lần tôi đi xa thì thầy tôi đưa tôi đi, nhưng năm ấy, mẹ tôi dành đưa tôi ra tỉnh để lên tàu. Phút nghẹn ngào khó tả! Mẹ tôi và tôi đều im lặng. Tôi biết nói gì đây?
Tàu đã đến rồi, nhưng tôi đâu có buồn lên. Tôi vẫn nán lại, đứng với mẹ tôi như linh cảm rằng: đây là lần sau cùng... Mãi cho đến lúc còi hú báo giờ tàu sắp chạy tôi mới đành lòng. “Mẹ, con đi”. Mẹ tôi, trong một cử chỉ bất ngờ cúi người xuống, nắm lấy tay tôi, đưa lên môi. Mẹ tôi hôn tay tôi! Nước mắt tôi trào ra, không giữ được nữa. Không phải vì phải từ biệt mẹ tôi, nhưng vì nỗi xúc động của nụ hôn ấy. Cặp mắt mẹ hiền từ lúc ấy thật cao cả, đầy tư tưởng: Con sẽ làm Linh Mục. Bàn tay này sẽ cầu Chúa trời đất. Khi Người đến, Người sẽ gặp cái hôn của mẹ, vì ngày đó, mẹ sẽ không có mặt. “Thôi con đi”. Tôi đi, mang theo cái hôn mẹ tôi đã đặt trên đôi tay của tôi.
Mười mấy năm trôi qua, hôm nay, trên đôi tay này, nụ hôn thứ hai: nụ hôn của cha già Larouche đã dẫn dắt tôi trên đường Linh Mục, tôi vụt nhớ lại cái hôn thủơ xưa với một sự rung động sâu xa khó tả. Đáng lẽ tôi phải cúi thật sâu, ôm đôi tay nhân hậu đầy yêu thương đã săn sóc chở che tôi trong lúc tôi mỏng dòn nhất, để tỏ lòng biết ơn yêu mến, nhưng ngược lại, tôi được hôn trên đôi tay vừa hiến thánh. Tôi rưng rưng nước mắt vì những xúc động dồn dập.
Vị cha già đứng lên, ôm lấy tôi, vẻ vui mừng hiện rõ trên nét mặt. Ngài đã đàm đạo với tôi, như quên đi bao người đang còn chờ đón mừng tôi vì hồng ân cao cả làm Linh Mục của Chúa. Sau một hồi lâu, ngài đứng dậy và tươi cười bảo tôi: ”Thôi, bây giờ chúng ta xuống dưới nhà, người ta chờ con!”
Xuống phòng khách, tôi luôn tay và hết lòng cầu xin phúc lành của Chúa trên chị tôi, em tôi, anh Thư, thầy Khoa bạn lớp, các cha Bề Trên, giáo sư, anh em và nhiều người khác. Sacerdos oportet BENEDICERE. Cả đời tôi phải là một đời đem sự lành, chúc sự lành, mãi mãi không ngớt.
Trưa hôm ấy, chúng tôi chia sẻ niềm vui với gia đình thiêng liêng của chúng tôi. Nhà Dòng chính là Mẹ đã dọn cho chúng tôi trận mưa Hồng Ân hôm nay.
Ngay chiều hôm ấy, 8.9.1986, tôi đi Tân Thanh. Tôi sẽ dâng lễ mở tay, lễ đầu tiên của đời Linh Mục tôi tại Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá. Tôi đã chuẩn bị kỹ càng về nghi lễ, tôi lại được cha An-tôn Nguyễn Đức Tuyên làm Tổng Phó Tế giúp tôi. Tôi yên lòng không sợ luýnh quýnh mà mất sự cầm trí. Sáng nay, ngày tôi tự mình bước lên bàn Thánh, INTROIBO, tôi có ý thức mình sắp làm một công việc quan trọng nhất đời. Tôi sẽ truyền Chúa Ki-tôâ xuống trên bánh và rượu. Thiên Chúa hiện diện do ý muốn của tôi. Thiên Chúa nên của ăn, của uống, nên bạn đường của loài người do chỉ một lời tôi nói.
Tôi nhớ lại một bài thơ đã làm lúc ấy, so sánh tôi với Mi-ca-e Tổng Lãnh Thiên Thần. Tôi đóng vai chính, tôi nâng của lễ, tôi làm cho Chúa hiện diện, tôi trao Chúa cho kẻ khác, tôi cầm nắm Chúa trong tay... Đang khi ấy, Mi-ca-e Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ có thờ lạy. Quyền năng này là quyền năng lớn nhất mà một thụ tạo có thể có được. Hơn cả quyền ban sự sống, hơn cả quyền trả lại ơn nghĩa, hơn cả quyền mở cửa Nước Trời.
Tôi tiến lên bàn thờ. Introibo. Sau lưng tôi, cả Nhà Dòng Mến Thánh Giá cùng đi với tôi, các cha Tổng Phó Tế, Phó Tế, Phụ Phó Tế. Trên cung Thánh, lại còn có vị Giám Mục già. Ngài lại có mặt để như khích lệ tôi, cầu nguyện cho tôi, dâng tôi cho của lễ chí Thánh trên bàn thờ, làm nên một dấu chỉ cho tôi biết: Giáo hội ở với tôi trong tình thương ân cần và tỉnh thức.
Cha An-tôn Nguyễn Đức Tuyên đã giảng ngày hôm ấy. Ngài đã chọn một đề tài không mấy vui. Ngài không ca tụng chức Linh Mục, ngài không có một lời nâng niu tôi, khuyên bảo tôi và kể cả khích lệ tôi. Tôi đã hơi có vẻ không mấy vui, vì trong cả bài giảng, ngài không nhắc đến công ơn cha mẹ tôi, không chia vui với tôi vì vinh dự hôm nay. Tác giả cuốn: “Ý nghĩa sự đau khổ” đến bốn, năm lần tái bản, đã nói về “sự đau khổ, Thánh Giá trong đời sống Linh Mục”. Toàn là những viễn tưởng mờ mịt, buồn đau của Linh Mục, toàn là một chân trời trồng đầy Thánh Giá. Ngài nói: “Đời Linh Mục là một đời đau khổ, và bước vào đời Linh Mục là chấp nhận đi lên Núi Sọ với cây Thánh Giá sừng sững giữa trời với đinh sắt đâm thủng tay chân, với lưỡi đòng đâm qua trái tim. Đừng tưởng là Linh Mục để được sung sướng. Linh Mục phải lãnh nhận đau khổ như một món quà quí báu Chúa ban cho bạn hữu thân tình...
Ngài nói nhiều lắm. Tôi cố nghe như những lời tiên báo về cuộc đời Linh Mục của tôi mở màn từ ngày hôm qua khi được thụ phong và khởi sự hôm nay với nhiệm vu ïlớn lao nhất là PHỤNG TẾ lên Cha của lễ cao trọng nhất mà loài người có để dâng lên Thiên Chúa.
Buồn quá nhỉ! Tôi có cảm tưởng như giờ phút này, Chúa đã dùng cha Tuyên để nói cho tôi biết Linh Mục là thế đó, và riêng với tôi thì đó là phần gia nghiệp của tôi. Vì là Linh Mục tôi sẽ phải gian lao, đau khổ, mặc dầu lúc này những khổ đau ấy không có tên tuổi gì cả.
Suốt 26 năm nay, tôi kinh nghiệm đời Linh Mục của tôi. Tôi đồng ý với vị giảng thuyết hôm tôi dâng Lễ Mở Tay: khổ vì muốn làm lại bị ngăn cấm, thích việc này thì lại bị sai đi làm việc khác, gặp khó khăn chống đối bởi người ghét mình, gặp bất hợp tác nơi đồng chí với mình, gặp thần Mammon trong các giao dịch để hoạt động tông đồ do chính những người đã “bỏ mọi sự theo Thầy” cùng với mình, cả những tranh chấp vì danh lợi, vì sự chú ý của người trên hay vì sự hâm mộ của dân chúng. Lên một nấc nữa, khổ vì việc bổn phận khó chu toàn bởi chính giới hạn khả năng của mình, khổ vì sự cứng lòng của người đời, vì sự chống đối thầm kín hay ra mặt của những người không nhìn nhận sự sáng đã đến trong thế gian...
Nhưng cái đau khổ sâu xa nhất mà tôi cảm thấy thấm thía là sự yếu đuối của chính mình, vì sự yếu đuối tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa. vì sự yếu đuối của tôi trong phạm vi hoạt động mà Lòng Tin là lửa, là động lực, là ánh sáng, là hướng đi... Tội lỗi và kém cỏi của chính tôi chính là điều làm cho tôi khổ sở nhất, “Trong tôi có một luật đi ngược lại luật của Đức Chúa Trời”. “Tâm thần thì chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề”, “Ánh sáng đến giữa lòng tôi, và bóng tối không nhìn nhận sự sáng”.
Và ở đây, tôi đã nhận được bài học mà Chúa muốn dạy cho tôi và tôi đã học mãi mà chưa thông: bài học Khiêm Tốn. Khiêm Tốn tức là Sự Thật.
Là Linh Mục, tôi vẫn là thọ tạo, với tất cả những gì là hạn chế, là khuyết điểm, là kém cỏi, là tội lụy. Hơn ai hết, Linh Mục phải thấy sự thật về mình để đặt trọn niềm tin cậy nơi Chúa, để ân cần tìm Ngài trong cầu nguyện, cầu nguyện liên hồi, cầu nguyện không thôi, để không chán nản khi gặp thất bại và tự phụ khi được thành công.
Như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Linh Mục mãi mãi phải nhớ mình là đầy tớ, là thừa tác viên của một Thiên Chúa mà sự cứu rỗi con Người là đặc điểm của tình thương yêu từ đời đời. Khi đã đem hết lòng mình cho Chúa và cho sứ mệnh Ngài giao phó thì Linh Mục phải yên vui và tin tưởng. Niềm vui ấy sẽ bất tận.
Do vậy mà tôi vẫn nhớ đến bài giảng của vị Linh Mục đã nói với tôi trong ngày lễ mở tay và nếu chỉ nói rằng: Đời Linh Mục là một đời đau khổ, chắc tôi vẫn không nói được.
Tôi chưa đủ điều kiện để kết luận như thế, mặc dầu tôi đã qua 26 năm làm Linh Mục với đủ mọi thứ khổ đau, kể cả phỉnh gạt, lừa lọc, ích kỷ, phá hoại, chửi bới, tù đày, chiến đấu bên trong lẫn bên ngoài. Sao tôi vẫn thấy tôi tràn đầy hạnh phúc. Tôi vẫn thấy đời Linh Mục của tôi đầy an ủi và niềm vui. Hạnh phúc và niềm vui của một cuộc Phục Sinh huy hoàng trong ánh sáng của chính cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô và sự Sống Lại của Ngài.
Tôi cũng còn thấy niềm vui ấy ở lòng tin chắc chắn tôi được một tình yêu vĩ đại của Mẹ Ma-ri-a, vì “Lạy Mẹ, chưa hề nghe có ai là con cái Mẹ mà bị bỏ rơi, bị thất vọng...”
Tôi vui vì cả đời Linh Mục của tôi, tôi đặt niềm tin ở Giáo Hội. Tôi xin không bao giờ chống đối lại Hội Thánh và các vị đại diện Chúa Ki-tôâ ở trần gian này. Tôi coi đó như chiếc hàn thử biểu để biết tôi đã đến mức báo động chưa ! Và tôi vẫn tiếp tục xin ơn trung tín với Giáo Hội, xin cho những sự lầm lỗi của tôi dầu thế nào đi nữa cũng không hề tác hại đến Giáo Hội, bạn tinh tuyền của Chúa Ki-tô.
Tôi xin cho những ai đến với tôi, dầu họ thấy tôi khuyết điểm thế nào đi nữa nhưng cũng không bao giờ cho rằng, nghĩ được rằng: tôi chống lại Hội Thánh, rằng tôi phê phán hàng giáo phẩm... Tôi muốn thế, tôi cầu cho được như thế và tôi tin rằng: nhờ đó tôi giữ được đời Linh Mục của tôi trong vui tươi hạnh phúc dầu có thế nào đi nữa.
Vị Giám Mục già chắc phải thương tôi lắm vì thấy tôi còn non dại quá. Các chị Dòng, nhất là những chị đã bạc đầu và nhăn nhúm vì bao năm phụng sự Chúa chắc phải thương những Linh Mục “mới toanh” chưa ra đời như tôi. Họ nghĩ đến bao khó khăn cạm bẫy đang rình rập... và chắc là tôi đã nhận được lời cầu nguyện thật nhiều của họ.
Nhớ lại những hơn một phần tư thế kỷ là Linh Mục, tôi phải tạ ơn Chúa vì đã cho tôi được nhiều người cầu nguyện cho, cách riêng trong buổi Thánh Lễ hôm ấy. Và hôm nay, nhân ngày kỷ niệm, nhớ đến một vạn Thánh Lễ tôi đã dâng cho Thiên Chúa chí Thánh, nhớ đến nỗi buồn khổ khi ở biệt giam tôi không có được một mẫu bánh để dâng lễ; nhớ đến những Thánh Lễ cho mọi hạng người, trong mọi hoàn cảnh, nhất là những Thánh Lễ cử hành bí mật... Tôi luôn dâng niềm tin yêu tạ ơn Thiên Chúa đã lắng nghe tôi, đã đưa tay nhận lấy với lòng tràn từ ái.
Lạy Cha chí nhân, nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
Xin cha đoái thương nhận lễ vật chúng con dâng tiến lên Cha,
Cho vinh quang Cha và sự cứu độ trần gian.
Xin Cha nhận lễ vật con dâng Từ ngày hôm ấy cho đến hôm nay và cho đến cùng đời con.
Xin Cha hãy ban cho đời con là một Thánh Lễ,
Một Thánh Lễ đẹp lòng Cha, một Thánh Lễ muôn đời trong ca tụng
Ngợi khen Cha là Chúa Tể, là Thiên Chúa Hằng Sống.
Introibo, con sẽ bước vào tiệc cưới Nước Trời, trong niềm hân hoan. Amen, Halleluia.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 8
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC
15. HUYNH ĐỆ TRUYỀN TIN – FA
Trong một lần gặp gỡ, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nói với tôi: “Ai sẽ tiếp nối công việc của Cha ?” Thật tình, tôi chưa hề nghĩ đến vấn đề đó. Cuối cùng Ngài bảo tôi: “Cha phải lập ra một nhóm gì đó gồm những người cùng chí hướng... một Tu Hội... Tôi sẽ theo Luật Hội Thánh phê nhận để thử trong một thời gian, rồi...”
Ý tưởng thành lập “một Tu Hội đời”, gồm những người tận hiến “để phục vụ Hội Thánh qua các phương tiện Truyền Thông” phát xuất từ Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình. Tôi sợ trước đề nghị đó. Lập Tu Hội à? Thành thật tôi nhận thấy mình không thể, không đủ khả năng để làm được. Tôi tránh né không bao giờ đụng chạm vấn đề này với Đức Tổng Giám Mục, vì sợ Ngài hỏi là có làm đến đâu rồi. Cho đến ngày tôi... đi tù.
Tôi ở tù từ 26.9.1976 đến ngày 23.3.1982. Đối với đa số anh em Tuyên Uý Công Giáo và nhiều Linh Mục khác thì những ngày “mất tự do” của tôi ngắn ngủn, nhưng khác với họ, tôi bị “nhốt“ trong trại giam, phần lớn là tại nhà tù Chí Hoà, nơi mà trước kia tôi đã có nhiều lần đến dâng Thánh Lễ cho các anh em Công Giáo và cả không Công Giáo, giải tội và nói lời an ủi đến những người đã mất đi sự tự do của mình vì nhiều lý do mà tôi không cần biết đến trong số có cả những cán bộ CS. Nơi đây tôi đã đến tháp tùng đưa ông Ngô Đình Cẩn đến nơi an nghỉ.
Trong suốt thời gian bị giam giữ, cách riêng mấy tháng biệt giam, tôi đã có thì giờ nhiều để suy nghĩ về cuộc sống của mình, nhất là về một phần tư thế kỷ tôi... là Linh Mục. Chẳng lẽ đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời tôi! Tôi cảm thấy nhẹ nhàng không tiếc xót gì. Tuy làm việc không được là bao nhưng nhờ Tình Thương của Chúa, tôi đã chỉ tỏ thiện chí và “hết lòng”. Tội lỗi tôi thì nhiều, nhưng tôi tin ở lòng từ ái nhân hậu của Chúa và tôi đựơc bình an.
Thế nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi “ước muốn” của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình liên hệ đến công việc và lý tưởng: Tông Đồ Truyền Thông, đến việc tiếp nối, đến “nhóm gì đó” để công việc Tông Đồ Truyền Thông không bị gián đoạn. Tôi coi ý của Đức Tổng Giám Mục là một “sứ mệnh”. Tôi thú thật rằng: tôi đã tránh né công việc này, dầu đã nhận được ý Chúa qua Đức Tổng Giám Mục. Ngài đã bảo tôi làm như thế nhưng tôi đã không làm “khi có thể làm được”, khi có điều kiện để làm. Tôi không nghĩ mình xứng đáng làm được và tự bảo mình sẽ để thời gian rồi... sẽ tính.
Có những anh em được nghe tôi nói về tôn ý của Đức Tổng Giám Mục đã nhiệt tình soạn thảo ra một bản nội qui của “nhóm Tông Đồ Truyền Thông”. Tôi cho là quá sớm và gác lại đó. Tự thâm tâm, tôi không muốn hay chưa muốn làm và như đã nói: tôi tránh né Đức Tổng Giám Mục, sợ Ngài cặn hỏi về việc đó mà tôi nghĩ là ý muốn của Ngài, là ơn soi sáng thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Thế nhưng, suốt thời gian “tĩnh lặng”, tôi thấy lởn vởn trong tâm trí hình ảnh và “chỉ thị” của vị Giám Mục thân yêu tôi luôn kính trọng và hết lòng hợp tác trong mọi sự. Tôi suy nghĩ về một cộng đoàn Huynh Đệ gồm nhiều thành phần trong Giáo Hội, sống tận hiến cho Chúa noi gương Đức Ma-ri-a Truyền Tin, trong tình huynh đệ, tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Tin Mừng Tình Thương Cứu Rỗi, với khẩu hiệu sống và hoạt động: “NIỀM VUI VĨ ĐẠI CHO THẾ GIỚI QUA LÀN SÓNG ĐIỆN”.
Làn sóng điện ở đây được hiểu rộng bao gồm Truyền Thanh, Truyền Hình, phóng thanh, báo chí, sách, nói chung là các phương tiện nghe nhìn. Tôi quan niệm phải huy động tất cả mọi người, mọi phương tiện để Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi. Các thành viên sẽ sống cái Niềm Vui Vĩ Đại ấy, và trong cầu nguyện, tinh thần tận hiến, tình huynh đệ vừa làm chứng, vừa loan truyền “cho mọi loài” niềm vui cứu độ.
Tôi nhận thấy có “bổn phận” phải vâng theo lời Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn và đem thiện chí để thực hiện, nhất là sau kinh nghiệm đau thương sự hiện diện Công Giáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng bị ngăn cấm. Sau 1975, không còn báo Công Giáo, không còn phát thanh, phát hình, ấn loát Công Giáo... Nhà nước CS giữ độc quyền trên các lãnh vực này. Một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay cũng bị cấm đoán trong nhà tù, nghe nhạc qua ống nghe cũng bị cấm, vì người ta không thể biết được đang nghe gì. Nhiều Linh Mục bị cấm giảng dạy, Giáo Lý bị hạn chế, cả nước chỉ có hai tờ tuần báo cho người Công Giáo: Người Công Giáo Việt Nam, Công Giáo và Dân Tộc (Chú thích của VTCG: 2 tờ báo này đều được quản lý bởi ủy ban đoàn kết Công giáo, cơ quan thuộc Mặt trận Tổ quốc VN. Hiện nay, điều đáng mừng là đã xuất hiện thêm nhiều tờ báo nhà đạo khác như: Đồng Hành, Mục Đồng, một số tờ báo của các Dòng tu...). Sau nhiều năm “xin xỏ”, tờ Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được phép ra, nhưng chỉ có 50 trang A4 và chỉ được in... 100 bản !
Đang khi ấy thì vô số giờ và hằng chục tấn giấy được sử dụng mỗi ngày để truyền bá những lý thuyết khác: bài ngoại, chống này chống nọ, kế hoạch hóa gia đình, phổ biến và khích lệ vô tôn giáo, vô tín ngưỡng, vui chơi giải trí lành mạnh và cả... không lành mạnh.
Đang khi ấy thì các đấng bậc trong Hội Thánh không “dám” lên tiếng bảo vệ Sự Sống, không ca tụng quyền lực của gia đình, của cha mẹ, bởi vì... “mọi bài giảng đều bị theo dõi mổ xẻ và các vị giảng thuyết không thoát khỏi chuyện bị cảnh cáo, bị lưu ý và có người còn bị cấm đoán, bởi họ đã “cả đám lợi dụng tòa giảng để phản động, phản cách mạng, để chống đối chính quyền và âm mưu này nọ”. Tôi thấm thía đều ấy, và cho đến ngày nay, sau khi đi tù về năm 1982 cho đến nay 2006, tức hai mươi ba năm, tôi chưa được phục hồi quyền được rao giảng trong cộng đoàn tín hữu.
Những người bình thường không bị cấm đoán thì e dè. Ít có vị lãnh đạo tinh thần nào lên tiếng chống lại nạn phá thai được gọi là “kế hoạch hóa gia đình”, ít có vị nào dám đi ngược lại với các rêu rao về phương thế phá thai, ngừa thai. Các bài giảng tự giam mình trong phạm vi hoàn toàn “cao siêu”, gọi là “thuần tuý đạo”, không đụng chạm đến ai, không đá động đến chính sách nào. Các bài giảng hoàn toàn trong sạch trước Phi-la-tô. Thiên Chúa Ba Ngôi, cao cả nhiệm mầu không liên hệ gì đến việc con người sinh sản đầy khắp mặt đất.
Tôi đã đau xót nghe được Linh Mục dùng tòa giảng để “kế hoạch hóa gia đình”, để kêu gọi làm nhiệm vụ công dân là đi bầu những con người hiên ngang tự xưng mình là “Tôn giáo: Không”, để đặt họ lên những địa vị, nhiệm vụ đòi hỏi quên mình, hy sinh, tôn trọng quyền lợi của nhân dân và tài sản công.
Trước những tin tức đầy dẫy trong các báo cáo về những thất thoát lớn trong ngân quĩ, trong các công trình vừa nghiệm thu đã hư hỏng, trước những món tiền cứu trợ từ mồ hôi nước mắt của nhân dân lớn bé đã tìm đường chui vào túi kẻ có quyền, trước thảm trạng người dân bị bóc lột từ những người đứng đường trở lên... tôi thường “ba hoa chích choè” cười trong nước mắt rằng: đã chôn tôn giáo thì đào đâu ra lương tâm !
Suốt chiều dài văn hoá Việt Nam, cha ông ta toàn là những người có tín ngưỡng, có tính thiêng, chứ đâu đào ra những con người mất gốc không còn biết Trời Đất, Bụt Thần, Tổ Tiên, Thần Thánh. Thế giới vẫn luôn nói rằng người Việt Nam căn bản là có tín ngưỡng, có tôn giáo. Nhà nào mà không có bàn thờ ông bà tổ tiên, người Việt Nam nào lại không biết có Trời, có Thánh ?
Không dễ dàng và không ngần ngại sự kiện “vách có tai” để tuyên xưng những chân lý ngàn đời ấy, nhưng nhiều miệng lưỡi, nhiều phương tiện nghe nhìn đã bị bịt lại và nhiều vị “truyền đạt” đã phải chung số phận của những con chó bị buộc miệng lại, cả những con chó không còn được sủa, không có quyền sủa mà một vị Giám Mục Thừa Sai đã viết cuốn sách: “Những con chó câm”. Bất tuân sẽ bị cúp phần ăn, sẽ bị nhốt lại, bị đánh nhừ tử. Trong một buổi tình cờ, được nghe phát biểu: “Mấy ông đó, cứ cho vé xuất ngoại là xong hết”.
Nhiều người vẫn dè dặt trước những cái chết đầy bí ẩn của một vị như Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền, hay số phận lao đao của Hồng Y. F. X Nguyễn Văn Thuận. Mấy bài giảng về Sám Hối của Linh Mục Chân Tín đã làm cho ngài phải lưu đày Cần Giờ và sau đó... .
Tôi cứ nghĩ là rồi có ngày nào đó: chó sẽ sủa, sư tử sẽ rống lên và Tin Mừng sẽ được công bố oang oang trên các nóc nhà. Có lẽ tôi lạc quan quá. Nhưng tôi nghĩ rằng: lương tri con người rồi sẽ thắng và chân lý sẽ được loan truyền để con người được lợi ích, được cứu rỗi, được hạnh phúc.
Có lẽ vì tin tưởng như thế, hay cũng có thể do tôi ngây ngô thiếu nhận xét chính xác, tôi vẫn nghĩ sứ mệnh của mình chưa chấm dứt và mệnh lệnh của Đức Cha Nguyễn Văn Bình, chưa hết hiệu nghiệm đối với tôi. Tôi còn mắc nợ ngài, mắc nợ Hội Thánh, mắc nợ Chúa. Tôi còn để chôn dưới đất đồng bạc Chúa đã trao, nên tôi đã dùng thì giờ suy nghĩ, cầu nguyện và chia sẻ với một số bạn tù, trong đó có vài Chủng Sinh và Linh Mục Đa Minh Nguyễn Tiến Hải.
Để an lòng và dứt khoát cho xong, tôi xin Chúa một dấu chỉ “thử trời” liều lĩnh. Tôi thưa: ”Nếu Chúa muốn con làm việc này thì cho con ra khỏi tù vào dịp lễ Thánh Giu-se, tháng 3 năm 1982. ”Tôi muốn dứt điểm để không còn phải bận tâm vì “lệnh của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình”.
Tôi liều lĩnh, bạo gan đối với Chúa. Trong thâm tâm tôi lại thấy rằng việc đó khó quá và như thế tôi sẽ đương nhiên trút được cái nhiệm vụ được giao phó. Thử phép Đức Chúa Trời! Mấy ngày nay, ông Trần Thành, một nhà tỉ phú người Hoa, giám đốc Vifon, Vicasa, Vissan... nổi tiếng giàu có, đã từng bảo trợ làm một con đường tại Trung Quốc đã nói với tôi và những ai muốn nghe: “Ông cha là một, ông Truy là hai và tôi là ba, không bao giờ ra khỏi tù đâu!” Theo suy nghĩ của ông thì ba hạng người: tôn giáo, tình báo, tư sản không bao giờ được ưu đãi. Có lẽ ông Thành chấp nhận chấm dứt cuộc đời ở nơi này và ông kê khai ba hạng người sẽ không bao giờ ra khỏi nơi tù đày này. Nghĩ thì cũng có lý thôi.
Nhưng điều tôi xin, tôi “thử” thì đã xảy đến. Ngày 23.3.1982, ông phó khu đến: “Ông Tự Do... dọn đồ ra khỏi phòng.” Đều không ai ngờ tới và chính tôi khó lòng mong đợi đã xảy đến, và vào thời gian mừng lễ Thánh Giu-se, trong tháng của Người. Tôi không tin lắm cho đến khi... ra cổng lớn của trại giam Chí Hoà, sau khi bước qua khoảng 7 cái cửa sắt có lính canh gác và được xem lại tên tuổi, địa chỉ... và cả tội “phản cách mạng” được ghi rành rọt. Coi đó như là câu trả lời của Chúa, tôi quyết tâm làm theo chỉ thị.
Tôi đến Toà Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Bình, và trong câu chuyện tôi thưa với ngài là suốt thời gian, tôi chỉ suy nghĩ về “lệnh” của Đức Tổng đã ban cho tôi. Ngài có vẻ suy tư, nhưng cũng khích lệ tôi. Tôi bắt đầu tập họp một số bạn trẻ nam nữ, trao đổi ý hướng với một số các cha và bắt đầu tổ chức các sinh hoạt mở đường linh đạo “Tông Đồ Truyền Thông“. Dòng Đa Minh Gò Vấp, với cha Nguyễn Tiến Hải trở thành trụ sở thường xuyên cho các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, học hỏi, sinh hoạt.
Các cuộc tĩnh tâm hướng về noi gương Đức Ma-ri-a hiến mình cho Chúa để đem niềm vui vĩ đại đến cho thế giới và linh đạo của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã trở nên sức sống và nội lực cho nhiệt thành tông đồ. Khoảng 40 người đã tận hiến cho Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a. Các buổi học hỏi về các cam kết được tiến hành và một số anh em đã cam kết hiến mình cho Chúa trong những lời khấn Tin Mừng. Nội quy mà chúng tôi gọi là: Pháp Quy Đời Sống Huynh Đệ Truyền Tin, gọi tắt là FA – Fraternitas Annuntiationis được soạn thảo và được đệ trình lên Đức Tổng Giám Mục. Tôi đã không ngại làm việc này và cho đến đây thì cho rằng tôi đã tuân phục Đức Tổng Giám Mục trong chí hướng thành lập một nhóm người “Tông Đồ Truyền Thông”. Đến đây là hết nhiệm vụ của tôi. Những gì về sau là do Chúa qua các Bề Trên.
ĐTGM đã để thời gian xem xét bản Pháp Quy. Cuối cùng, Ngài kêu tôi tới và nói: “Tôi đã xem các điều cha trình bày. Nếu cha đưa cho tôi bản Pháp Quy trước 75 thì tôi đã ký ngay, nhưng...” Tôi rất bình thản, vì nghĩ mình là người tôi tớ đã làm những gì phải làm, vẫn tiếp tục sợ hãi trước những gì còn phải làm. Tôi chỉ trình Đức Tổng Giám Mục là ngài có thể ký trước, antidater... Sau một hồi suy nghĩ, ngài quyết định không ký. Tôi bình an ra về và vui trong lòng vì nghĩ rằng giờ Chúa chưa đến và Chúa sẽ cho một người nào đó sẽ làm công việc này, tương tự như trường hợp cha Charles de Foucault phải chết tăm tối khổ đau trong sa mạc để rồi một thời gian dài sau, ý tưởng và linh đạo của ngài mới được cha Voillaume đưa đến thực hiện trong hai nhóm Tiểu Đệ và Tiểu Muội.
Tôi không dám nghĩ mình như Charles de Foucault mà đời sống chiêm niệm đã đạt mức cao lạ lùng, đưa ngài gặp được Chúa trong tịch mịch im lặng thẳm sâu của sa mạc. Nhưng tôi nghĩ rằng Thánh Thần Chúa hằng hiện diện trong Hội Thánh sẽ thúc đẩy những tâm hồn để thực thi sự Quan Phòng của Ngài vì lợi ích Dân Chúa. Tôi không thể làm được việc này thì Chúa sẽ làm, khi thời gian của Ngài đến.
Và tôi viết lại những điều này như một Chúc Thư gửi đến các thế hệ trẻ sẽ đọc được những ghi chép này và nếu cảm thấy, nghe thấy tiếng Chúa thì hãy dùng khả năng, thì giờ và sức lực để biến những phương tiện truyền thông đại chúng trở thành những dụng cụ Tình Thương và ơn Cứu Độ đến rộng khắp mặt đất và vũ trụ.
Tôi chỉ xin nói thêm là bản Pháp Quy Đời Sống được soạn thảo trước khi có phát minh thần kỳ Video, vi tính hiện có một bản ở Toà Tổng Giám Mục Sài-gòn. Cô Thy Phương cũng giữ một bản và nếu Chúa muốn sẽ trao lại cho người muốn biết và từng nuôi chí hướng tạo nên trong Giáo Hội những “Tông Đồ Truyền Thông”, để lợi ích cho các linh hồn và vinh quang cho Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng tinh thần và chí hướng vẫn là một, còn phương thức và phương tiện có thể tiến triển khác tùy theo bước tiến của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thiết thực của con người.
Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )