Hồi ký 50 năm linh mục của Lm Nguyễn Tự Do, DCCT (kỳ 3 và kỳ 4)

Quang X Nguyen


HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


7. NGÀNH TRUYỀN THÔNG

Như đã nói, ngay từ lúc ở Đệ Tử cho đến nay, khi gần kề cái chết, tôi vẫn xác tín rằng các phương tiện truyền thông xã hội là lợi khí rất quan trọng, rất mạnh thế để loan báo Tin Mừng, để truyền bá những cái tốt, chống lại những cái xấu, nhất là trong thế giới ngày nay. Tôi đã được huấn luyện từ bé để biết thế nào là quảng bá Tin Mừng bằng hùng biện.

Cha Eugène Larouche đã có những sáng kiến độc đáo: trao trách nhiệm chỉ huy cho những chú bé ngay trong thời gian còn ở Đệ Tử, trao cho các chú lớn dọn bài giảng về Đức Mẹ trong tháng 5 vào giờ thiêng liêng buổi tối, tập nói trong các cuộc “Missionnette”. Lên đến Học Viện, các thầy thay phiên nhau nói lời thiêng liêng mỗi cuối giờ giải trí buổi tối và tập giảng trước Học Viện có giáo sư hùng biện chứng giám. Tôi nhớ có lần tôi “tập Giảng” như thế. Tôi rất ngạc nhiên, vì ngay sau khi tôi chấm dứt, đáng lẽ cha giáo chỉ một thầy phê bình, nhưng lúc này, chính ngài – cha Gérard Gagnon Nhân – đứng phắt dậy và nói: “Từ ngày tôi nhận dạy khoa hùng biện tại Học Viện cho đến nay thì đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy phấn khởi. Tôi nghĩ rằng không có gì phải phê bình trong bài giảng của thầy Do”. Tôi thì chỉ khoái vì không phải đứng trên bục để nghe mổ xẻ về mình chứ không nghĩ mình đã có khả năng thế nào để nhận được lời khen của giáo sư.

Tôi được các cha giáo thường chọn đóng vai lớn trong các bản tuồng tại Đệ Tử và trong Học Viện, và ngay cả khi đã là Linh Mục. Vai cuối cùng tôi đóng là Giu-se, trong Opera Joseph nhân dịp mừng kỷ niệm gì đó của Nhà Dòng. Như đã nói ở trên, tôi thường xung phong thực hiện các nội san của Đệ Tử, của Học Viện, và ngay khi được chỉ định về Sài - gòn, tôi đã viết rất nhiều cho tờ Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Tỉnh Dòng. Có những số toàn bài của tôi, kể cả bài Edito mang tên cha Giám Đốc. Tôi không hề có chức vụ và nhiệm vụ gì tại tòa báo, nhưng nhiều công việc sửa bài, xếp trang, chọn hình, chụp ảnh đều do tôi làm việc với Thư Ký Tòa Soạn, ông Hà Châu.

Tôi vẫn đuợc Bề Trên ghi vào danh sách Thừa Sai Đại Phúc và thường xuyên vắng nhà có khi cả mấy tháng trời. Cha Hồng Phúc chủ nhiệm Nguyệt San vẫn yêu cầu tôi viết bài cho đủ, lắm khi phải gửi bài về cho tòa soạn. Tôi rất thích viết báo, nhưng không được giao trách nhiệm, mặc dầu được anh em trong Dòng tỏ ý muốn tôi làm Giám Đốc... ( Xin lược bớt 2 đoạn )

Tiếp nối những trang “hồi ký” không mấy sáng sủa của “đường công danh” của tôi, tôi kể lại một kinh nghiệm khác liên hệ đến việc phụ trách ngành truyền thông Công Giáo Việt Nam.

Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình tại một buổi tiếp tân, ngài tỏ vẻ vui gặp tôi và nói ngay: “Khi nào cha nhận chức vụ, cha đến gặp tôi nhé”. Tôi ngạc nhiên thưa: “Thưa Đức Tổng, con nhận nhiệm vụ gì thế ạ ?” Ngài cũng ngạc nhiên: “Thế cha Giám Tỉnh không nói gì với cha à ?” – Thưa Đức Tổng, con không được nghe nói gì. “Đức Tổng cho tôi biết đã có quyết định đặt tôi làm Giám Đốc Truyền Thông Xã Hội của Giáo Phận và đã có sự đồng ý của Nhà Dòng”. Tôi không có ơn gọi làm giám đốc cái gì cả. Về sau tôi được biết cha Bề Trên Tỉnh lúc ấy là cha FX. Trần Tử Nhãn đã từ chối lời yêu cầu của Giáo Phận, với lý do: cha Tự Do có việc phải làm tại Nhà Dòng.

Toàn là những chuyện khó hiểu đối với tôi, nhưng tôi không hề thấy buồn phiền. Ở đâu tôi cũng cố gắng chèo chống và tận tình.

Một câu chuyện khác. Một ngày kia, tôi được gọi ra nhà khách và giáp mặt với một gia đình mà tôi không hề quen biết. Họ khẳng đinh là muốn gặp cha Tự Do. Chỉ kịp ngồi, ông chủ gia đình nói với tôi: “Thưa cha, ngày nào cha đi Manila, xin cha cho con gái của con theo cha”. Tôi lại ngạc nhiên vô cùng trước tin sốt dẻo đó. “Tôi làm gì ở Manila mà ông bà lại nói thế ?” Họ cho rằng tôi muốn giấu sự thật. Họ bộc bạch cho tôi biết tin là tôi đã được chỉ định đi Manila để làm Giám Đốc Chương trình Việt ngữ đài “Chân Lý Á Châu”.

Một lần nữa, tôi lại không “leo lên” được ghế giám đốc và cũng không hề tìm hiểu nguyên do của nguồn tin mà người ngoài biết trước cả đương sự. Thật tình ra thì trong các liên hệ trong ngành truyền Thông, cách riêng qua UNDA, cha Desautels, Dòng Tên đã có lần đề nghị tôi làm Truyền Hình Đắc Lộ. Tôi có thắc mắc: “Con không phải là Dòng Tên làm sao làm Giám Đốc Truyền Hình Đắc Lộ !” Ngài chỉ cười, giơ hai tay lên: “Cha cũng lại nghĩ sai rằng Truyền Hình Đắc Lộ là của Dòng Tên ư ?” Chính ngài cũng có lần nói là tôi nên đi Manila lo chương trình Việt ngữ dài Veritas. Thật tình thì tôi lại không muốn đi, và chỉ nói: “Tại Việt Nam con nhiều việc phải làm lắm, và tốt hơn là con thực hiện chương trình ở Việt Nam rồi gửi sang Manila để phát”.

Tôi thường nghĩ và vui thích thấy mình “ngồi trong phòng kín và sau chiếc máy thu âm”, “có tiếng nhưng không có miếng” để Tin Mừng được “phóng đi trên các nóc nhà”. Tôi đã từng chọn “không có đệ tử, không có “con cái”, khách của tôi không nhiều, mặc dầu nhiều người biết đến tên tôi. Tôi thích làm một người “không có mặt mũi” đang khi các anh em khác được người ta chào đón thân tình.

Tôi không thích dạy Giáo Lý, lo Hôn Phối... do đó tình cảm giữa tôi và Giáo Dân thường không mấy đậm đà. Không mấy gia đình quen biết phải dạy con cái gọi tôi bằng “ông nội, ông ngoại”, không mấy khi bị kêu là “bố”. Nhưng tôi thấy thoải mái, khi bài viết được đăng trên các báo, khi chương trình phát thanh phát hình được thực hiện và được phát đi. Không cần “cái mặt mẹt” của tôi mà chỉ cần “tiếng kêu trong rừng” được vang dội khắp nơi. Và tôi luôn thích cái khẩu hiệu “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện”.

8. TRUNG TÂM ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG

Tôi lao đầu vào thực hiện Trung Tâm Âm Thanh Và Ánh Sáng, gọi tắt là ATAS mà các bạn Mỹ thích gọn ghẽ đặt tên là SLC ( Sound and Light Center ).

Đặt ở đâu cái Trung Tâm ATAS đó ? Là DCCT, tôi nghĩ rằng công việc này phải nằm trong sinh hoạt của Dòng Chúa Cứu Thế. Đó là điều dễ hiểu, là tất nhiên.

Tôi đã trình bày với các Bề Trên trong Dòng với đề nghị dùng một mảnh đất nhỏ tại khu vườn của nhà Kỳ Đồng, lúc ấy có một mảng nhỏ làm nghĩa địa và số còn lại là cây cối, lơ thơ vài bụi chuối. Tôi chỉ xin 120m2. Sau mấy buổi họp, có kẽ hở cho tôi biết: Hội Đồng Tỉnh không chấp nhận vì... , vì... Có một vị trong ban cố vấn phát biểu rằng: cha Tự Do không dễ nhận sự từ chối này đâu, vả lại những gì ngài trình bầy dựa trên văn kiện Tòa Thánh và Luật Dòng rất xác đáng, “khó mà ngăn cản”. Cuối cùng: Hội Đồng quyết định rằng: cha Tự Do đuợc phép thực hiện công việc “ngoài Nhà Dòng”, về Tu Sĩ ngài vẫn thuộc Tu Viện Kỳ Đồng, nhưng mọi công tác trực thuộc quyền và sự chỉ huy của Tòa Tổng Giám Mục. Có vị trong ban cố vấn khẳng định rằng: “Công việc quá lớn, khó mà thành công. Cứ để cho ông ấy làm, vì ngăn cản không được đâu. Thất bại ông ấy sẽ về Nhà Dòng thôi”.

Tôi không ý thức được những khó khăn mà các Bề Trên đã thấy đâu. Tìm đâu ra đất để xây dựng ? Tiền bạc ở đâu ra ?

Đúng lúc đó thì một tai nạn giao thông xẩy đến cho tôi. Trong cuộc hành trình đi Xuân Lộc trở về, giữa cơn mưa tầm tã, đường trơn trượt lại sử dụng một chiếc xe bánh mòn đến tận vải, tôi đã bị lật xe tại Hố Nai, chân trái bị kẹt vào thành xe. Khi người ta nâng chiếc xe lên và đưa tôi ra thì chân tôi bị thương, vỡ đầu gối.

Tôi bị bó bột từ cổ đến chân, chỉ để vài lỗ hở cho các nhu cầu tự nhiên. Nhà Dòng nói là có Nha Tuyên Úy Công Giáo lo cho tôi. Nha Tuyên Úy nói là có Nhà Dòng lo cho tôi. Thế là tôi phải về gia đình ông em Giu-se Nguyễn Tiến Hanh. Tôi được cha Bề Trên đến thăm, ngài hỏi: “Cha cần gì không ?” – “Cám ơn cha đã hỏi thăm, cần thì nhiều lắm!” Ngài cười rồi ra về.

Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đến thăm cũng chỉ một lần: “Làm việc lại được chưa để tiếp tục chiến dịch “Mỗi Quân Nhân Một Tân Ước”." Về sau, tôi được gặp mấy cha Tuyên Úy quân đội Hoa Kỳ. Các ngài cho biết: “Đã đến hỏi tại Nha tuyên Úy Công Giáo địa chỉ của cha, nhưng người ta đáp là không biết”. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Tiến Hanh, em tôi đang giữ nhiệm vụ trưởng ban báo chí nha Tuyên Úy Công Giáo.

Khi đã có thể đi lại được, tôi có đến dự tĩnh tâm với các Tuyên Úy Hoa Kỳ và không quên tình cảm của nhiều vị lúc nào cũng tỏ ra quí mến và giúp đỡ tôi. Có cả vị tuyên úy Do Thái và Tin Lành. Bà ân nhân của tôi ở Canada Gauthier gửi cho tôi một số tiền 800 USD. Nói là để tôi chữa bệnh. Chưa bao giờ tôi có nhiều tiền như vậy. Đổi ra tiền Việt Nam khoảng 300.000đ. Tôi nghĩ ngay đến việc dùng số tiền đó để xây dựng Trung Tâm ATAS, tại miếng đất 400m2 mà em tôi đã mua được tại Tân Phú. Trung tâm được xây dựng giữa một vùng đồng ruộng, đường đất lầy lội, lúc nào cũng vang dội tiếng ễnh ương chão chuộc. Nơi này chỉ có vài căn nhà nhỏ và ao hồ, trại chăn nuôi heo.

Không có tiền nào khác để trao cho ông thầu Lê Tiến, nên công vịệc xây dựng thường bị khựng lại. Tôi chỉ hứa với ông là có tiền sẽ trả cho ông ngay. Qua nhiều trao đổi, ngôi nhà tôi nghĩ là rất đơn giản đã biến thành nhà xây một lầu, với phòng thâu thanh, phòng ờ, phòng khách và cả nơi cho gia đình em tôi là Nguyễn Tiến Hanh. Ông Lê Tiến nói “Cha ở một mình sao được. Lại bị thương gẫy chân nữa. Con giúp cha làm thêm chỗ cho gia đình em cha”. Kinh phí đã lên đến khoảng 4 triệu bạc. Tôi vẫn không đưa thêm cho nhà thầu một món nào khác. Nhiều lần công việc phải ngưng lại, với mấy tấm ván đóng vào các lối đi và cửa sổ.

Cuối cùng thì ngôi nhà cũng xong với món tiền sơ khởi là 300.000 đồng và lễ khánh thành được tổ chức ngày 2.12.1972, lễ Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Lễ nghi làm phép nhà, phòng máy, phòng thâu thanh do chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chủ sự, có sự tham dự của nhiều Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Ca đoàn Tinh Thần trình diễn Thánh Ca, khói mầu được phun trên sân thượng, máy quay phim của Đài Truyền hình Vĩệt Nam làm tăng thêm vẻ long trọng.

Hính ảnh chụp lễ khánh thành được rửa tại Trung tâm và chỉ khoảng nửa tiếng sau được trưng bày trong phòng triển lãm. Thời gian chỉ là lúc các quan khách cắt bánh và tiếp tân. Băng thu buổi lễ được phát lại cho mọi người nghe. Nhờ sự hợp tác rất nhiệt tình của những cộng tác viên: Nguyễn Tiến Hanh, Nguyễn Văn Hồng, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Văn Xưởng, Lê Đức Nghiệp... và của nhiều bạn hữu, giới trẻ.

Trong ngày, các vị Giám Mục Lê Văn Ấn, Trần Thanh Khâm, và nhiều Linh Mục đến. Ban đại diện các Giáo Xứ cũng đến dự các sinh hoạt, chung vui trong ngày đáng nghi nhớ này. Có cha nói: “Mình làm Nhà Thờ mời mãi mới được một Giám Mục đến làm phép, còn ngôi nhà nhỏ này lại có đến ba Giám Mục...“

Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đứng trước công việc được thực hiện đã không giữ nổi tình cảm khích lệ của ngài. Vì đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, không mang tính “Địa Phận”, ngài nói sẵn lòng đến “để khích lệ cha”, nhưng sẽ không nói gì để... Tôi trình với ngài là sự chúc lành của ngài cho Trung Tâm là quý hóa lắm rồi. Đức Tồng Giám Mục không nói cũng được. Khi thấy tận mắt công việc được thực hiện, ngài nói ngay: “Tôi không ngờ cha làm lớn như thế này”. Và ngài đã nói một bài dài cả mười phút với niềm vui và khích lệ.

Sinh hoạt tại Trung Tâm ATAS sôi động hẳn lên với công việc ngày càng thêm nhiều, thêm bề bộn. Có những việc làm tại nhà, có những toán công tác lên đường đi về tấp nập, sáng rất sớm, và kéo dài tận khuya. Nhà bếp lúc nào cũng sáng đèn, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và cả ăn đêm... Hết nhân viên thường trực đến các ca sĩ, nhạc sĩ và không thiếu gì bạn hữu bốn phương về tham quan, nhờ thực hiện chương trình, mua băng nhạc, in ấn sách...

9. SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM ATAS

Các băng Thánh Ca được thực hiện với sự hợp tác của các nhạc sĩ: Linh Mục Kim Long, Viết Chung, Vũ Huyến... Nồng cốt thực hiện là ca đoàn Tinh Thần và nhóm Viết Chung, có sự hợp tác của các ca sĩ Sơn Ca, Họa Mi... , với những tay nhạc như Bảo Chấn, và nhạc sĩ Guitar Đại Hàn Kim O Yong với lối chơi độc đáo riêng biệt. Dĩ nhiên là có thù lao “hữu nghị”, nhờ sự tận tình giúp đỡ của nhạc sĩ Đặng Đức Hưng, giáo sư Clarinette tại Học Viện Aâm Nhạc. Tôi nhớ có mấy nhạc sĩ buổi đầu nhận thù lao nhưng về sau, có người xin tình nguyện giúp, trong số đó có người không Công Giáo. Họ phát biểu: “Tôi không ngờ nhạc Đạo hay như thế”.

Một trong những người hợp tác thường xuyên nhất của Trung Tâm ATAS trong chương trình phổ biến băng nhạc đạo là Linh Mục Kim Long mà nhiều người đã được nghe danh. Có những cuốn băng được ngài cố vấn thâu thanh. Có những ngày ngài ngồi suốt trong phòng máy để nghe lại những bài đã thu, chọn lựa những thực hiện đạt tiêu chuẩn nhất, đề nghị chuyên viên thu thanh cho mạnh nhẹ tùy theo tâm tình và dòng nhạc.

Các băng nhạc tiếp nối nhau được phát hành: Ave Maria, Hương Lạ, Thiếu Nhi, Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh...

Một số sách được ấn hành, Trung Tâm cũng phát hành đặc san để gửi đến thân hữu. Trung Tâm có họa sĩ suốt cả ngày chỉ lo việc thực hiện các bìa sách, bìa băng. Họa sĩ lắm khi không vừa ý đã xé những gì anh đã lao tâm thực hiện trong nhiều ngày để vẽ lại, mặc dầu lắm khi băng đã thu xong mà bìa băng vẫn còn phải chờ đợi.

Trung Tâm có những chương trình phát thanh: “Thiếu Nhi Hồn Việt” qua đài Buôn Ma Thuột và chương trình phát ra Bắc qua đài Tự Do “Tôn Giáo và Đời Sống”. Chương trình này có sự hợp tác của các lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Trí Dũng. Chương trình được phát 2 lần trong tuần, hướng về Miền Bắc với tinh thần hòa hợp dân tộc và là tiếng nói của tình thương và lòng tin vào những giá trị thiêng liêng cao cả.

Với những chiếc máy thu tân tiến thời đó, hiệu UHER, phóng viên của chúng tôi đi tận các nơi có sự kiện đáng nghi nhớ, thu thanh lại và thực hiện những chương trình sống động. Suốt mấy năm thực hiện chương trình, tôi không nhận được âm vang gì từ miền Bắc. Điều đó dễ hiểu. Niềm an ủi đối với chúng tôi đến muộn khi sau 75, được gặp Đức Hồng Y Giu-se Trịnh Văn Căn và sau khi được giới thiệu về tôi, ngài cho tôi biết là thường nghe chương trình Tôn Giáo và Đời Sống: “Nhờ đó tôi đã được nghe tiếng nói của mẹ tôi”. Bà cố của Đức Hồng Y – lúc đó mới là Tổng Giám Mục – cùng với một số người trong gia đình sinh sống tại Giáo Xứ Phú Bình, Giáo Phận Sài-gòn.

Liên hệ đến việc này, có một kỷ niệm: Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan lúc ấy không ngần ngại tỏ ra thái độ “chống Mỹ, chống chiến tranh...” Ông chỉ vào mặt tôi: “Từ khi biết anh hợp tác với Mỹ ở đài phát thanh Tự Do, tôi không thèm chơi với anh nữa”. Đối với Nguyễn Ngọc Lan, thì lúc ấy đài Tự Do vẫn là Tâm Lý Chiến, do Mỹ bảo trợ. Nhưng thời gian tôi hợp tác thì đài đã được trao cho Việt Nam sử dụng và tôi tự nguyện thực hiện chương trình “Tôn Giáo và Đời Sống” mà không lãnh thù lao của đài, chỉ mong có một nơi để hành động đúng theo tôn chỉ của Trung Tâm: “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện – The Good News to the World through air waves”.

Mỗi lần Trung Tâm có biến cố gì thì đài Truyền Hình Quốc Gia cũng cho quay phim với máy ORICON tối tân nhất thời đó. Một cơ quan của Mỹ cũng đến làm phóng sự về Trung Tâm.

Các công tác của Trung Tâm ATAS đang tiến hành tốt đẹp, nhờ sự nâng đỡ tinh thần và lời khích lệ của Đức Tổng Giám Mục, của các Bề Trên trong Dòng thời đó: cha Giám Tỉnh Henri Bạch Văn Lộc, cha phó Giu-se Trần Hữu Thanh.

Trong số ân nhân của Trung Tâm, phải kể cha Desautels, Dòng Tên, ngài đã từng đến Trung Tâm với những lời khen lao chân thành. Khi biết tôi làm công tác truyên thông, ngài đã đề nghị cho tôi đi “du học”. Sau một thời gian, ngài nói với tôi: “Chúng tôi không cho cha đi nữa”. Tôi chưa kịp hiểu và tỏ ra ngạc nhiên, không vui. Ngài phá ra tiếng cười và nói: “Tôi đổi ý, vì khi nhìn thấy những gì cha đang làm thì nhận xét cha không cần đi học, cha làm hơn những gì người ta dạy. Nhưng tôi dành một chỗ cho một người của cha. ”

Ngài muốn tôi đi một vòng “cho biết” những gì người ta làm ở các nơi. Tại Hội Đồng UNDA quốc tế tại Ái Nhĩ Lan, mặc dầu tôi không trình dự án nào, ngài cũng lên tiếng nói về công việc của tôi tại Việt Nam và theo ngài nói: để khích lệ nỗ lực của tôi, ngài đề nghị Hội Đồng cấp cho tôi một món quà 4.000 USD.

Tôi không bao giờ quên vị Linh Mục chuyên về ngành truyền thông phụ trách vùng Úc-Á của tổ chúc UNDA. Sau 75, như các người ngoại quốc, ngài phải rời Việt Nam và tôi biết ngài tiếp tục hoạt động trong ngành truyền thông quốc tế. Tiếc là tôi không còn được tiếp xúc và nhất là hợp tác với ngài trong công cuộc Tông Đồ Truyền Thông.

Một ân nhân khác phải nhắc tới là Linh Mục Raymond Jean de Jaegher, người sáng lập “Thái bình Dương Tự Do”, một người bạn của Việt Nam. Một tình cờ do Quan Phòng Thiên Chúa đã đưa tôi gặp ngài. Một ngày kia, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Nguyễn Văn Bình về nhiều việc. Tôi đang đi lên cầu thang thì có một Linh Mục người nước ngoài đi xuống. Chúng tôi chào nhau. Ngài dừng lại và hỏi tôi là ai, làm gì, ở đâu... Tôi khai lý lịch và cho ngài biết tôi lo về phát thanh. Mặt ngài tươi lên: “Hay quá, tôi có thể biết thêm về công việc của cha. Cha có thể cho tôi một bữa hẹn... ”

Tôi đã đến gặp ngài, đón ngài đến tham dự một buổi tập dượt của ca đoàn Tinh Thần. Ngài quan sát phòng thu của tôi, hỏi han về công việc của tôi và cuối cùng ngài nói: “Il faut qu’on vous aide” ( “Phải giúp đỡ cha !” ). Từ đó ngài hướng dẫn tôi trong nhiều liên hệ với bạn hữu của ngài, trong đó có người phụ trách ROFA -Radio Of Free Asia, lúc ấy đang thời gian thành lập và bắt đầu hoạt động. Và từ đó, chúng tôi được nâng đỡ trong các dự án và hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế”, phối hợp việc khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các làng mạc xa xôi và đồng thời phóng thanh tại chỗ, phát bướm về vệ sinh sức khỏe.

Từng toán công tác gồm bác sĩ, y tá, cán bộ lên đường công tác mỗi ngày và nhất là vào Chúa Nhật. Chuyên viên phòng máy thực hiện các chương trình sẽ được phóng qua hệ thống loa tại các địa điểm hoạt động. Lắm lúc xe phóng thanh cũng di chuyển qua làng mạc để những người ở xa hay không đến được cũng phần nào biết được công việc. Các làng mạc, các xứ nghèo quanh Sài-gòn đã hẳn, nhiều nơi xa xôi tận Cần Đước, Cần Thơ, Bình Dương... cũng được viếng thăm. Các chùa chiền cũng không ngại đón chúng tôi, và Tòa Thánh Tây Ninh đã mời đoàn công tác đến ở tại đó để trong mấy ngày, khám bệnh phát thuốc cho đồng bào Cao Đài.

Thời gian ấy, an ninh lắm nơi có khó khăn, và có lần chính quyền địa phương đã huy động xe bọc thép hay tầu thuyền hộ tống đoàn vào các làng mạc xa xôi thiếu an ninh. Tôi nhớ ở một nơi kia vùng Long Hải, Bà Rịa, trong một lần tận trong rừng, có người anh em “Mặt Trận” đến và hỏi chúng tôi có săn sóc cho anh em không. Không khó lắm để những anh em “bên kia” nhận thấy công việc này không có giới hạn nào cả. Có lẽ do đó mà chúng tôi không bao giờ gặp những khó khăn gì.

Sau này khi vào tù “cải tạo”, cán bộ chấp pháp nói với tôi một cách chân thành: “Chúng tôi biết rõ các việc ông làm đều là những việc ích cho dân cả...” Rõ ràng Linh Mục không làm chính trị và nhất là không lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, như tôi đã khẳng định.

Hạnh phúc của tôi và của các cộng tác viên, đa số tự nguyện và không nhận thù lao là đã đem đến niềm vui an ủi cho những người nghèo đau khổ, và tôi luôn cảm tạ Chúa đã dùng chúng tôi, đã cho chúng tôi những phương tiện để giúp đỡ người cùng khổ mà kinh nghiệm cho chúng tôi thấy là “luôn có ở giữa các con”, như Chúa Giê-su đã dặn bảo từ trước kia.

Trung Tâm ATAS còn có chương trình chiếu phim lưu động, theo lời mời hay cho phép của các Giáo Xứ, cộng đoàn. Hệ thống chiếu phim 16 ly, âm thanh, chuyên viên và cả ngươi thuyết minh đi đến địa điểm khi trời còn sáng, phóng thanh các chương trình gồm giảng thuyết, thánh nhạc, huy động cả làng, cả Giáo Xứ tham dự. Thường Linh Mục gặp gỡ bà con trong những câu chuyện thích hợp và khi đã chật sân, phim được chiếu lên với những lời thuyết minh giúp mọi người dễ dàng theo dõi câu chuyện.

Nhiều phim đạo được trình chiếu và ngưới ta không phải trả một món tiền nào, kể cả nước uống mà nhân viên của chúng tôi luôn đem theo để không làm phiền lụy đến ai. Trung Tâm đầu tư một món tiền lớn để mua những cuốn phim hay và xây dựng một “phim viện – Filmothèque” để cho các cha hay các tổ chức có thể mướn về chiếu với chi phí là 500 đồng thời đó cho một lần chiếu.

Đây lại là một kinh nghiệm không vui mấy cho chúng tôi. Có những vị “khả kính” giữ phim nhiều tháng dài. Sau nhiều lần được yêu cầu trả phim, các vị ấy cho người cầm phim “ném lại” cho chúng với lời nhắn cụt ngủn: “Xin cha thông cảm, vì trời mưa quá không chiếu được lần nào”. Nói gì đây !?! Phim đi cả mấy tháng mà không đem lại một đồng bạc nào ! Thế rồi có một ngày, một người ở vùng đó gặp chúng tôi. Ông vui vẻ nói: “Phim của cha được chiếu nhiều lần và ai cũng thích”.

Đối với chúng tôi thì việc kiểm chứng không khó. Chuyên viên của chúng tôi đã kiểm lại phim và đã mấy chục lần phải dán lại những khúc phim bị đứt. Tôi chỉ còn cách nhắc các cộng tác viên nhớ đến cái châm ngôn nằm lòng: “Truyền thông thì chỉ có ra chứ không có vào”. Chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của chúng tôi có bị lợi dụng không ? Còn có “tí Chúa” như chúng tôi thường nói với nhau.

Trung Tâm được biết đến mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là khi tờ Thông Tin của Địa Phận Sài-gòn, Huế đăng tin Đức Cha Nguyễn Văn Bình tỏ lòng ưu ái khi luôn cho đăng các bản báo cáo tôi gửi về cho Tòa Tổng Giám Mục mỗi tháng, và tuy ở nơi hẻo lánh, Trung Tâm vẫn luôn thường xuyên đón tiếp nhiều khách tham quan từ các Giáo Phận, và cả từ ngoại quốc. Cha Raymond Jean de Jaegher, cha Desautels, cha Duy Vy, cha Nguyễn Quang Tuyến, đại diện Đài Rofa... thưồng lui tới thăm viếng, khích lệ.

Vào thời buổi này, tôi nhận được đề nghị của Dòng Chúa Cứu Thế và của Tòa Tổng Giám Mục Sài - gòn. Cha Trần Hữu Thanh, lúc ấy làm phó Giám Tỉnh, nói với tôi: “Nếu Nhà Dòng yêu cầu cha đem Trung Tâm về Kỳ Đồng thì cha có bằng lòng không ?”. Tôi không chút ngập ngừng: “Con đồng ý ngay, nhưng chỉ xin Nhà Dòng cho con một căn phòng lớn làm phòng thu thanh. Máy móc con sẽ trang bị cho”. Tôi không biết đề nghị trên có phản ảnh ý muốn thật sự của các Bề Trên không, vì từ đó tôi không nghe nói lại gì.

Thế nhưng cha phó Giám Tỉnh Giu-se Trần Hữu Thanh lúc nào cũng nhiệt tình đối với mọi công việc tại Trung Tâm và thường đại diện Bề Trên Giám Tỉnh tham dự mọi nghi lễ quan trọng tại Trung Tâm như khi phát động chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” có sự chủ tọa của Bộ Trưởng Y Tế. Nhiều cha như cha Maurice Benoit, Denis Paquette, Đinh Ngọc Quế... cũng nhiều lần hiện diện với lời khích lệ.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )



NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 4
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


10. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAO-LÔ NGUYỄN VĂN BÌNH


Nhưng trong những nỗ lực “Tông Đồ Tuyền Thông” của chúng tôi, Chúa ban cho chúng tôi những niềm vui lớn, qua giáo quyền. Tôi không thể quên được Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn, Phao-lô Nguyễn Văn Bình. Ngài hằng theo dõi, khích lệ và nâng đỡ chúng tôi.

Vì Nhà Dòng đã trao các hoạt động của tôi cho Đức Tổng Giám Mục, ngài đã tỏ ra rất quan tâm đến công việc. Thỉnh thoảng ngài lại đến thăm, dầu có lúc trời mưa gió – Đức Tổng Giám Mục có việc gì dạy con – Không, tôi đến thăm cha và anh em.

Các công việc tại Trung Tâm ATAS được báo cáo cho Đức Tổng Giám Mục hằng tháng, các chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” được sự phối hợp với CARITAS của Giáo Phận , thời ấy do Linh Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi điều khiển. Đức Tổng Giám Mục nói với tôi: “Tôi không có tiền để yểm trợ cho cha, nhưng cha cần chữ ký của tôi cho bất cứ việc gì thì cha cứ đến tôi”. Ngài lại đến dự lễ làm phép tượng Đức Mẹ “Nữ Vương Làn Sóng Điện” đặt ở cửa vào Trung Tâm ngày 22.9.1974.

Ngài thường đến tham dự các nghi thức được tổ chức tại Trung Tâm,quan sát toán hoạt động tại các địa điểm quanh Sài-gòn.

Tôi không tìm hiểu ý định của Đức Tổng Giám Mục về Trung Tâm ATAS, do đó tôi không khỏi ngạc nhiên khi ngài bất thần hỏi tôi: “Cha có sẵn lòng trao lại Trung Tâm cho Hội Đồng Giám Mục để sử dụng cho Giáo Hội không ?” Tôi không chút ngần ngại: “Con sẵn sàng, con chỉ xin trả lại tiền đất cho gia đình, vì Trung Tâm sử dụng đất của gia đình em con”.

Biến cố 75 đã một lần nữa cúp cỏ dưới chân tôi và tôi lại vẫn không được “chuyên môn và chính thức phục vụ Giáo Hội trong ngành “Tông Đồ Truyền Thông” như tôi hằng mong ước và quyết tâm từ lâu rồi.

Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình còn đi xa hơn trong lòng thương và tín nhiệm đối với tôi khi “gợi ý” cho tôi lập một “nhóm” để tiếp nối công việc như tôi sẽ kể về sau này. Tôi nhận thấy ngài rất quan tâm đến “Tông đồ Truyền Thông”, không chỉ khuyến khích theo chỉ thị của Tòa Thánh mà thật sự đã làm, đã nghĩ đến những gì phải làm để tận dụng các phương tiện thính thị cho việc loan báo Tin Mừng, điều mà tôi nghĩ chủ quan rằng: Hàng Giám Mục và Linh Mục chưa đặt nặng lắm vì nhiều lý do: chuyên viên, tài chánh, trang bị....

11. KHÂM SỨ TÒA THÁNH HENRI LEMAITRE


Niềm an ủi lớn cũng đến với chúng tôi trong vị Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre. Vào quãng 1974, tôi ngạc nhiên nhận được giấy mời đến Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại đường Hai Bà Trưng. Ngạc nhiên là phải, bởi ngài ở cao quá và tôi là gì mà liên hệ, bởi lẽ nữa là mọi công việc của tôi đều được Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn “hướng dẫn”. Thắc mắc trước giấy mời này, tôi trình sự việc với Đức Tổng Giám Mục, không biết vì lý do gì mà Tòa Khâm Sứ “quan tâm” đến tôi. Ngài nói là ngài không biết chuyện gì nhưng bảo tôi cứ đi lên gặp Đức Khâm Sứ.

Đúng hẹn, tôi lên Tòa Khâm Sứ và được đưa vào phòng khách với vẻ “trịnh trọng” xứng hợp với một cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh. Vị đại diện ân cần tiếp đón tôi. Ngài nói: “Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh theo dõi mọi công việc của cha làm và...” Sau một phút hồi hộp đối với tôi, ngài nói tiếp: “Rất cảm phục. Nhưng... có một điều làm cho Tòa Khâm sứ thắc mắc vì thế mời cha đến”. Có vẻ gay cấn ! Có gì chẳng xuôi ! Tôi nhanh chóng đưa thuẫn đỡ: “Thưa Đức Khâm Sứ, mọi công việc làm đều được báo cáo đầy đủ cho Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn”. Ngài hiểu ngay tâm tư của tôi. Ngài cười và nói: “Cha đừng lo. Tôi biết. Nhưng Tòa Khâm Sứ thắc mắc là: “Tại sao cha làm việc như thế mà không tìm sự giúp đỡ của Tòa Thánh”. Khó mà tả được niềm vui tràn ngập tâm hồn tôi khi nghe lời đó. Tôi sực tỉnh và nhớ đến nhiều điều: Tòa Thánh theo dõi mọi hoạt động và luôn rộng tay khích lệ những người thiện chí và cố gắng nhiệt thành. Tôi cảm thấy được khích lệ và cảm nghiệm được tình thương của Hội Thánh.

Vị đại diện trao cho tôi xem một danh sách dầy đặc những tập thể, cá nhân được sự “trợ giúp” của Tòa Thánh với số tiền Mỹ kim. Tôi hơi giật mình được biết như thế vì không thể ngờ được rằng Tòa Thánh cho nhiều như thế. Cuộc tiếp xúc tràn tình thương khích lệ. Cuối cùng vị Đại diện nói với tôi: “Từ nay, cha cần gì thì đừng ngại trình bầy với Tòa Khâm Sứ”. Tôi chỉ thưa lại: “Chúng con cố gắng làm phần của chúng con, theo khả năng và sẽ trình Đức Khâm Sứ những dự án quan trọng.”

Tôi ra về với niềm vui phấn khởi trước sự chúc lành từ vị Đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam. Mấy tháng sau, tôi lại được một dịp cảm nghiệm được tình thương của Tòa Khâm Sứ. Tôi có liên hệ với mấy hãng phim tại Pháp và Mỹ để mua một số phim đạo, nhưng không biết làm sao để nhận dễ dàng các tài liệu đó. Các cộng tác viên đề nghị: “Sao cha không nhờ Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ?” Thế là tôi xin được gặp Đức Khâm Sứ và được trả lời: “Xin cha cứ đến ngay”. Vị đại diện vừa gặp tôi đã vui vẻ: “Xem nào chúng tôi có thể làm gì cho cha !” Tôi trình bầy kế hoặch nhập cảng Phim về Việt Nam. Vị đại diện ngắt ngang:

- Và cha cần tiền để thanh toán ?

- Thưa Đức Khâm Sứ không ạ.

- Thế thì chúng tôi làm được việc gì ?

- Chúng con xin Tòa Khâm Sứ nhận các phim ấy thay cho chúng con.

Vị đại diện hiểu ngay nhu cầu của tôi, ngài tươi cười nói:

- Cha muốn nhận qua “valise diplomatique”. Đó là điều Tòa Khâm Sứ không làm, nhưng đối với cha thì chúng tôi sẽ làm.

Tôi ra về và không hiểu tại sao Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam lại có lòng thương đối với một nỗ lực nhỏ bé của chúng tôi như thế. Tôi giữ lại hình ảnh của vị Khâm Sứ Tòa Thánh cuối cùng tại Việt Nam và vị phụ tá của ngài, bởi vì chỉ vài tháng sau 30.4.1975, các ngài đã “được mời” rời khởi nhiệm sở và trở về Rô-ma. Được biết ngài tiếp tục phục vụ Hội Thánh và mới qua đời năm 2004 gì đó. Liên hệ với ngài còn có Đức Ông Đa Minh Trần Ngọc Thụ, lúc đó làm thư ký tại Tòa Khâm Sứ, sau này về Rô-ma giữ chức thư ký riêng của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2. Tôi đã được gặp ngài tại Roma Tết 2002 và sau đó được tin ngài qua đời.

Qua các sự kiện tôi đã kể ở đây cũng như rải rác trong tập hồi ký này, tôi thấy đường công danh và thành công của tôi thường bị trở ngại, không do con người trong đó có cả những người đáng lẽ phải giúp tôi thì cũng do thời cuộc, chính trị, quân sự thường bất ngờ bổ xuống trên đất nước này là môi trường hoạt động của tôi.

Sau này, khi đã bắt đầu muối tiêu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Tôi được mời giảng thuyết tại Đại Học Chính Trị Đà Lạt, tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Cảnh Sát Quốc Gia... Cũng có người anh em tỏ vẻ không mấy vui. Nhưng tôi được khích lệ bởi những anh em phát biểu: “Có người được mời như thế là vinh dự cho hàng Linh Mục, cho Nhà Dòng, cho nha Tuyên Úy Công Giáo...” Tôi cũng chỉ biết cố gắng làm hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất. Dầu ở đâu thì tôi cũng vẫn chỉ là người mang Tin Mừng, và dầu nói về vấn đề gì thì người nghe cũng thừa biết rằng: tôi là một Linh Mục. Do đó tôi không tự phụ lên mặt được với ai mà chỉ một lập trường là làm hết sức mình vì Chúa và vì anh em, điều nằm lòng từ những năm ở Đệ Tử, Nhà Tập, Học Viện, qua sự chăm sóc của những vị Giám Đốc, Giám Học mà tôi vô cùng quí trọng và biết ơn: Eugène Larouche, Camille Dubé, Alphonse Tremblay, Thomas Côté, Stêphanô Chân Tín...

Từ lúc vào Đệ Tử, với 10 tuổi và rất... nhà quê, tôi đã nhận được ngọn lửa Thừa sai từ tâm hồn các Giám đốc, giáo sư, và đó là lý tưởng đời tôi, không có gì khác. Thực tế lắm lúc làm lu mờ cái lý tưởng ấy đi, nhưng không xóa bỏ được và trái lại càng in sâu hơn, vì dựa trên xác tín qua khổ đau của cả một cuộc đời.

12. ĐI TÙ


Trung Tâm ATAS nói riêng và công cuộc “Tông Đồ Truyền Thông” đang trên đà tiến triển tốt đẹp và công việc thực hiện chương trình cho Đài “Chân Lý Á Châu – VERITAS ASIA” đã khởi sự, thì biến cố 30.4.1975 đã xẩy đến. Tôi đón nhận sự thay đổi và hết lòng tiếp tục sứ vụ Linh Mục của tôi trong những điều kiện mới.

Tôi đã “ở tù” trong thời gian 5 năm, 5 tháng và 23 ngày. Dầu sao thì đó cũng là một chặng đường của đời tôi, một cuộc “đổi đời” như người ta thường nói, mặc dầu không có gì thay đồi trong chí hướng của tôi. Tôi nhớ ông Nguyễn Mạnh Bảo, kiến trúc sư chuyên nghiên cứu Kinh Dịch, đã được giải thưởng Ngô Đình Diệm vì những nghiên cứu của ông về Kinh Dịch, cuộc nghiên cứu cuối cùng đã đưa ông đến Thiên Chúa. Tôi đã giúp ông học giáo lý. Ông bà đã được Thanh Tẩy vào những năm tháng cuối đời. Ông lấy tên Gio-an Baotixita, bà thích được gọi là Têrêsa. Ông đã xem “số tử vi” của tôi và nói: “Cha thật lạ: người tu hành lại có cốt nhà binh, rồi lại ở tù. Thật khó hiểu !”

Chẳng cần phải xét xa hiểu rộng, thay đổi chính trị ở Miền Nam Việt Nam đã đến thì người sinh vào ngày nào giờ nào cũng đều ở tù ráo”. Đó là chính sách. Các Linh Mục Tuyên Úy nghĩ rằng: các vị Giám Mục sẽ lên tiếng bảo vệ các cha, bởi vì chính các ngài đã sai các cha vào tuyên úy để chỉ lo việc thiêng liêng cho những người Công Giáo thuộc các gia đình có con em, có người vào quân đội tại Miền Nam. Tôi không biết gì về lệnh phải trình diện.

Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, ngài tỏ vẻ ngạc nhiên vì thấy tôi chưa trình diện “học tập cải tạo”. Ngài nói với tôi: “Cha đi trình diện đi, để sau này nếu có phát thanh Công Giáo thì tôi lại nhờ đến cha”. Ngài còn lạc quan vì chưa biết rõ chủ trương và đường lối của chính quyền cộng sản. Tôi cũng mong như ngài và nghĩ mình còn cơ hội để phục vụ Chân Lý và Tình Thương. Với chiếc áo Dòng, tôi cỡi xe máy đến ngay địa điểm tập trung. Lính chận tôi lại. “Tôi đi trình diện”. Sau một hồi bàn tán, người ta trả lời cho tôi: “Ông trình diện trễ rồi, đợi đợt sau”. Tôi về nhà, lòng khá lo âu. Thế rồi không thấy nói đợt nào nữa, mà có thì tôi cũng không biết.

Tôi tỏ thiện chí, chấp nhận chế độ mới, tìm cách giúp anh em đang hoang mang để họ có việc làm hầu tránh bị đưa đi “kinh tế mới”. Công-ty “Dân Tiến” được thành lập với mục đích sản xuất những nồi nhôm. Tôi không cần biết những người “xã viên” là Công Giáo hay lương. Tôi chỉ muốn giúp mọi người có công ăn việc làm. Công ty tiến triển khả quan, đã bán được một số sản phẩm và khoảng 80 xã viên có việc làm, tiền lương không nhiều, nhưng có việc làm.

Cùng thời gian đó, tôi có nhà nguyện và mỗi ngày mấy chục người đến dự lễ. Tôi tổ chức các buổi họp Cầu nguyện, ca đoàn và sinh hoạt Huynh Đệ, tưởng như thế là yên ổn.

Thế nhưng, ngày 26.9.1976, đang khi tôi dùng bữa sáng, thì CA ập tới. Bộ đội và du kích canh các ngả đường. Lệnh bắt được đọc và tôi bị đưa về CA ở đường Trần Hưng Đạo. Đang khi ấy thì nơi tôi ở bị khám xét kỹ càng. Máy móc, giấy tờ, tài liệu bị tịch thu. Tối hôm đó, có học tập tại phường, đề tài: một tên phản cách mạng vừa bị bắt. Khi gọi tôi ra chụp ảnh, anh cán bộ nói với tôi: “Máy của anh đây này”. Tôi nhìn kỹ thì đúng là chiếc mát chụp hình Topcon của tôi. Anh còn thêm: “Đồ của anh còn nhiều lắm”. Tôi nghĩ đến một cuộc tịch thu lớn hơn trên cả đất nước này. Điển hình: cán bộ đến phòng hỏi: “Ai trong số các anh chuyên về vàng bạc, đăng ký” !

Sau được biết qua một người tù là ngày nào cũng thấy chuyển về từng cần xé vàng “cây”, phải nấu lên làm vàng thỏi. Công việc kéo dài trong nhiều tháng. Tôi biết là các máy móc thu thanh Ampex, các máy dĩa nhạc và vô số dụng cụ âm thanh trong phòng máy, toàn bộ băng thu và bộ Thánh Ca nước ngoài đều bị tịch thu cùng với tất cả album về sinh hoạt, các cuộc hành trình trong đó có cuộc hành trình nước Mỹ... Tôi không tiếc. Vì đã mất nhiều rồi: tiền nhà băng để xây Trung Tâm, sở đất 5.000m2 ở bãi Ô Quắn Vũng Tầu nơi tôi tính xây dựng Trung Tâm Gio-an 23, những gì tôi đã bỏ ra để làm “Nhà Thờ Liên Tôn” tại Vũng Tầu... Tôi chấp nhận mọi sự vì tôi nghĩ rằng: “Đó là Thánh Ý Chúa !”

Tôi được kêu đi “làm việc”. Tôi cứ tưởng đi làm việc là đi lao động, quét tước... Làm việc ở đây tức là đi “lấy cung”. Tại sao tôi ở tù ? Trên lệnh bắt giam có ghi tội trạng của tôi “Phản cách mạng”. Tôi không có một quan niệm gì về “tội lỗi” của tôi. Cán bộ chấp pháp hỏi câu đầu:

- Anh có biết tại sao anh bị bắt không ?

- Không

- Anh có đôi tí tiếng tăm, chúng tôi giữ anh một thời gian. Thôi chúng ta “làm việc”.

Họ hỏi tôi về Fatima Bình Triệu:

- Anh đến hoạt động ở Fatima Bình Triệu.

- Tôi không hề đi đến đó từ cả năm nay.

- Anh không đi nhưng anh sai cán bộ của anh đi !

Sau đó tôi mới biết là có vụ anh Hồ Ngọc Anh, người được chữa khỏi tê liệt. Tôi được biết cha Võ Văn Bộ bị bắt. Chẳng hiểu tại sao tôi lại bị ghép vào vụ này với tội danh “phản cách mạng”. Tôi tạ ơn Chúa và hát bài “Magnificat” trong cảnh xà lim mà lúc đó tôi thấy rõ chẳng có gì là rùng rợn lắm. Thời gian ở Đà Lạt, tôi đã từng ngồi cả buổi trong xà lim để an ủi giúp đỡ những người tù. Có lúc tôi nghĩ mình không đến nỗi gì phải ngồi tù: tôi đã tích cực “lao động” giữa những người lao động, tôi đã nhận được lời mời giữ một mục “Suy niệm Phúc Âm” trong tờ “Công Giáo và Dân Tộc”, nhất là trong quá khứ, tôi đã từng giúp đỡ những người được coi là CS: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Thu... Ông Phạm Ngọc Thuần chủ nhiệm văn hóa hải ngoại tương đương với cấp bộ trưởng, đã đến gặp tôi và mời tôi về nhà dùng bữa: “có cả Tướng Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt...” Ông nói với tôi: “Vì có mấy ông ấy nên xin cha cho gia đình gọi cha bằng chú cho tiện”. Đồng ý thôi, nhưng tôi nói là thích ăn cơm riêng với gia đình. Tôi đã từng chở những người này trên xe để trốn lánh khi cần, mặc dầu có những bích chương dán đầy đường: “Thưởng 3 triệu đồng cho người cung cấp tin tức...” Khi ở tù, cán bộ CS sau khi biết quá khứ của tôi liên hệ đến Phạm Ngọc Thảo đã hỏi tôi:

- Anh có khai mấy chuyện này cho cán bộ không ?

- Không.

- Anh có giá lắm. Tại sao không khai ?

- Tôi làm vì bác ái Công Giáo mà.

Cuộc đời của tôi, quen những người có quyền thế cũng nhiều. Những cử chỉ quí trọng từ những người có quyền có lực làm ngạc nhiên cho những anh em trong Dòng và người quen biết: một cử chỉ như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa tiễn tôi ra tận xe của tôi, các thượng nghị sĩ tín nhiệm tôi, các sĩ quan cao cấp kính trọng tôi, cậy nhờ tôi. Đại tá Phạm Văn Liễu, Tổng Giám Đốc cảnh sát quốc gia, có tiếng không thiện cảm với đạo, thiếu tá Đặng Sĩ hằng năm biếu bánh cho tôi vào những dịp lễ Tết.

Trong đạo tôi được biết và dễ dàng lui tới các vị Giám Mục, các Linh Mục nổi tiếng và có thành tích như Hoàng Quỳnh, Mai Ngọc Khuê, Trần Đức Huynh, Nguyễn Quang Lãm... Rõ ràng tôi có những quen biết lớn. Nhưng trong mọi sự tôi vẫn là Linh Mục và tôi thi hành nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Tôi không hề dựa trên các quen biết đó để mưu lợi ích cho mình và lúc nào tâm hồn tôi cũng thư thái và không bao giờ thấy mặc cảm vì quyền lực nào. Thái độ và lập trường đó làm cho tôi thoải mái và bình an qua mọi biến chuyển.

Giờ đây, ở tù tôi vẫn là tôi và tôi không tự phụ vì đã có công gì đối với các anh em cộng sản. Không bao giờ tôi thù ghét họ. Họ mãi mãi là anh em tôi, là những người phải được tình thương và sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Tôi không bao giờ quên những cán bộ quản giáo ở trại giam Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu và Chí Hòa thường rất tốt đối với tôi. Có người tôi còn mãi nhớ tên.

Trong suốt thời gian ở tù, dầu ở với những người trí thức, những người quan trọng như các bộ trưởng, nhân viên tình báo, giáo sư, tiến sĩ, thương gia... hay với những thường phạm... tôi quý trọng mọi người trước mặt Chúa, và tôi chỉ nghĩ đến nhiệm vụ của tôi: mãi mãi là Linh Mục, là chứng tá của Tình Thương của Thiên Chúa. Tôi cố gắng sống bình an, tự trọng không dành dật, không tìm tư lợi. Dầu thăm nuôi không bằng ai, nhưng tôi luôn để một phần cho lại những người không có thăm nuôi. Họ nói với nhau: “Ai không cho chứ ông cha là phải cho rồi”. Tôi chấp nhận thiệt thòi đôi chút để làm chứng cho một cái gì mà tôi biết mà có lẽ họ không biết đủ, nhưng họ phải cảm nhận được một điều gì.

Thỉnh thoảng tôi phải can thiệp với đôi lời vào các câu chuyện hay những phát biểu không đẹp, kể cả những phát biểu sai lầm. Anh Võ Xuân Đình trước làm báo Chính Luận cứ phải can tôi: “Cha cứ mêler vào đó làm gì ?” Tôi tìm mọi dịp để chuyện vãn với anh em về đạo, dâng lễ cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, hướng lòng về cầu nguyện. Có người xin tôi Rửa Tội cho, tôi khuyến khích học hiểu, dùng thời giờ để cầu nguyện, rồi khi ra ngòai sẽ dễ dàng hơn nếu muốn được Rửa tội. Tôi nghĩ như thế là khôn ngoan hơn cả, mặc dầu tôi cũng được nghe mấy anh em kể là đã đưa nhau vào phòng tắm và cử hành nghi thức Rửa Tội. Tôi đến với những anh “đại bàng”, những người phạm trọng tội, nhất là khi họ lãnh án tử...

Tôi đã có những buổi sinh hoạt “liên tôn”. Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hòa Hảo..., chúng tôi ngồi lại trong một góc phòng, đưa vài miếng bánh ra “làm mồi” và chúng tôi nói về tôn giáo, có lúc đề nghị thinh lặng để mỗi người cầu nguyện. Riêng đối với anh em Tin Lành, chúng tôi đã có những lần gặp gỡ, đọc vài đoạn Kinh Thánh và đọc Kinh Lạy Cha theo cách của mỗi đạo.

Sách Kinh Thánh ư? Chúa cho chúng tôi có những mảng Kinh Thánh qua những giấy mà y tá dùng để gói thuốc. Biết là nhiều cuốn Kinh Thánh bị xé làm giấy gói thuốc cho người đăng ký bệnh, chúng tôi liền... “lâm bệnh”, được cấp thuốc và cấp luôn cả... Lời Chúa ! Mất đầu mất đuôi, nhưng chúng tôi vô cùng được an vui vì được đọc từng mảng Lời Chúa, chứ không lõm bõm nhớ được vài câu trong Kinh Thánh. Xúc phạm đến Kinh Thánh mà vẫn không gặp biểu tình chống đối, bạo động, cắt đứt bang giao, bị lên án tử hình... như khi có thái độ khinh thị Coran của Hồi Giáo vào những năm tháng vừa qua.

Nói về sách đọc, giấy viết, bút... trong tù, xin đừng nghĩ là người tù được dễ dàng có những thứ ấy. Cấm ngật đấy ! Nếu xét phòng mà khám phá ra ai đó có một mẫu giấy trắng bằng bàn tay thôi hay một mẩu viết chì dài cỡ một đốt ngón tay, thì đương sự cứ việc dọn “một cái ca, một khăn mặt và mặc quần đùi đi vào biệt giam trong 15 ngày”.

Sau này, khi đi tù về, tôi nháng nghe có lời trách xa xôi: “Đi mấy năm mà không gửi về Nhà Dòng được mấy chữ”. Đừng nghĩ rằng vào đó để học hành, để xong chương trình Đại học, để viết... nhật ký. Nhiều bạn tù tìm cách học sinh ngữ. Sách học là những bản chỉ dẫn đi theo các thứ thuốc ngoại quốc. Có người học đến thuộc lòng cả mấy toa thuốc. Tại sao không được như ngày xưa? Chắc ai cũng hiểu được...

Có người làm thơ, sáng tác bài hát và ghi chép... trong trí. Cha Huyền Linh đã đặt một số bài hát như thế và tôi đã được nghe người ta hát truyền lại cho nhau, như bài: “Nhà Giam ơi, ngươi đã dạy ta, dạy ta bao nhiêu điều ta chưa biết đến, dạy ta bao nhiêu điều ta chưa xác tín...” Khi ở biệt giam ra phòng chung, có mấy anh em tù Công Giáo đã hát tặng tôi bài ấy và tôi cũng cố học thuộc lòng, để nghêu ngao và tự khích lệ mình. Tôi cũng làm thơ và nay còn nhớ bài “Thánh Lễ đời tôi” làm tại trại giam Chí Hòa. Xin chép lại làm kỷ niệm.

THÁNH LỄ ĐỜI TÔI

INTROIBO, tôi sẽ bước tới

Bàn Thánh Đấng gieo vui tuổi xuân tôi.

Tôi say sưa trong niềm vui nồng mới

Chúa Hoan lạc, chính Ngài Gia Nghiệp tôi.

Hoa đèn hương tỏa tràn trong Đền thánh

Khúc hoan ca rộn rã khắp cõi lòng.

Của Lễ tôi: Bánh trắng và Rượu nồng.

Tạ ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI ĐÃ THẮNG !

Rồi từ đó tôi dâng lễ hằng ngày:

Nơi Thánh Đường nguy nga tràn ánh sáng,

Giữa xóm nghèo tăm tối mấy ai hay,

Nơi núi rừng hay một mình thinh lặng,

Giữa ngày vui hay buổi gặp u buồn,

Lúc thành công cũng như hồi thất bại,

Cả những lúc chán nản muốn bỏ luôn.

Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI TỒN TẠI !

Mấy năm nay, tôi dâng lễ trong tù:

Không hoa đèn, chẳng phẩm phục, nghi thức.

Thánh Đường đây, tù hôi hám âm u.

Tôi vẫn nhớ: Tôi mãi là Linh Mục,

Giữa nhân loại thu gọn bốn bước tường.

Của lễ tôi: cảnh tù đầy gian khổ.

Đáp Tình Thương, tôi dâng trọn yêu thương.

Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG NGÀI CHẲNG BỎ !

ECCE VENIO ! Này con đây !

Vâng ý Chúa, con hết lòng tuân phục,

Con xin đến, nên lễ tế hằng ngày.

Đã làm người, Ngôi Hai thành Linh Mục.

Là Linh Mục, rập khuôn khổ Ngôi Hai.

Nơi bàn Thánh cả đời con nương tựa.

Lễ Đời tôi: Mến, Thờ, Tạ, van nài:

Tạ Ơn Chúa: TÌNH THƯƠNG ĐÃ CHỌN LỰA.

Thời giờ thì dư thừa, nhưng ngoài những gì trong thể xác của mình thì không có gì cả. Thức uống là nước hơi nóng không đủ ngâm gói mì ăn liền hay khi có cháy thì ngâm vào để nước có mùi “đăng đắng” nhắc nhở đến cà- phê đen rất thèm. Của ăn thì phải làm sao tích trữ được một tháng, toàn là những thứ để lâu được, lắm khi về cuối cùng phảng phất mùi không mấy an toàn. Về cuối tháng, càng phải tiết kiệm nhiều hơn, nhất là thuốc hút đối với những anh em nghiền thuốc. Mà sao không nghiền được khi khói thuốc giúp bay bổng và quên những khổ cực của cuộc đời trong bốn bức tường luôn phải cảnh giác đề phòng và lúc nào cũng... đói.

Vui nhất là khi diêm đã cạn kiệt. Phải khéo tay lắm mói có thể tách một que diêm thành hai ba, cuốn một tí giấy hay ni-lông rồi hô hào anh em chuẩn bị đóm để câu lửa. “Một, hai ba...” Anh em thở phào nếu lửa bén, và ngọn lửa được thông chia cho nhau tạo nên những làn khói trắng trong cảnh âm u của nhà tù. Vui phải biết ! Rồi lại ai nấy về chỗ mình, chờ một lời kêu gọi mới: Lửa !

Tôi không hút thuốc, nhưng tìm cách bện những cái đóm để cho anh em hút thuốc, nhờ những bao giấy có ni- lông mà người nhà dùng gửi đồ tiếp tế cho tôi. Vui thế mà cũng có tiếng xì xào: “Ông cha mua chuộc đấy”.

Tôi nhớ bị báo cáo là “dạy Giáo Lý”, và cán bộ quản giáo quyết định phạt tôi 15 ngày biệt giam. Tôi được đối xử đặc biệt là được đem hết đồ đạc của tôi theo. Biết tôi bị biệt giam anh em nhét vào giỏ của tôi đủ thứ. Tôi quyết định tĩnh tâm 15 ngày. Lúc rảnh rang, ngoài những giờ cầu nguyện, chầu Chúa, lần chuỗi, suy niệm, tôi kiểm tra lại “gia tài” của tôi, và nhận thấy anh em đã cho tôi mấy bao thuốc lá và diêm quẹt. Tôi có sáng kiến đốt thuốc đề làm đèn chầu và để nó đừng tàn lụi, thỉnh thoảng hít một hơi. Trong cảnh cô tịch, ánh lửa, khói và mùi thơm của thuốc thật kỳ diệu. Ở phòng giam tập thể, tôi đâu có được những giờ phút như thế này. Chỉ tiếc là sau có 7 ngày, cán bộ đến mở cửa phòng: “Thôi, anh về phòng đi. Người ta báo cáo nên chúng tôi phải xử lý”. Họ không muốn tôi phải khổ hơn, nhưng tôi rất tiếc vì cuộc tĩnh tâm đã bị rút ngắn lại phần nửa.

Để lần chuỗi, tôi thắt gút những sợi cói. Không biết là bao nhiêu cái chuỗi cói tôi đã làm. Đơn giản thế mà vẫn sợ bị phát giác mỗi khi xét phòng. Mọi biểu tượng tôn giáo đều bị cấm đoán triệt để. Khi bị bắt, tôi có mang một cỗ áo Đức Bà Ca-mê-lô. Người ta tịch thu. Khi chuyển trại, người ta trả lại cho tôi. Để giữ được cỗ áo Đức bà đó, tôi khâu vào áo của tôi, một miếng đàng trước, một miếng đàng sau. Nhưng cái làm cho tôi “quản ngại” hơn hết là một cây Thánh Giá to cỡ các Tu Sĩ DCCT hay các bà soeurs Mến Thánh Giá thường mang. Thánh Giá đó không phải của tôi. Nó được “quẳng” cho tôi bởi một người tù nào đó không biết.

Đang ngồi trong phòng giam tập thể thì “bụp” một cái, một gói gì đó được quẳng vào phòng và có tiếng ở ngoài: “Cha Do”. Người ta trao cho tôi. Mở ra... thì đó là cây Thánh Giá bằng đồng to gần bàn tay. Tôi thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đến với con lúc này thật là phiền lắm đấy”. Những anh em, nhất là Công Giáo khuyên tôi nên quẳng ra ngoài vườn: “Bị phát giác thì Chúa sẽ bị xúc phạm và cha phải đi biệt giam kỷ luật là cái chắc”. Tôi tự nhủ: “Linh Mục mà quẳng Chúa ra vườn à?” Và tôi quyết định giữ lại. Không biết làm sao nhưng phải giữ lại. Tôi khâu tượng vào lưng áo. Mỗi lần có xét phòng, tôi phanh ngực ra và Chúa được an toàn. Mấy lần rồi. Nhưng nguy hiểm quá, ai cũng cảnh cáo tôi. Tôi nghĩ biến Thánh Giá thành cán quạt lá nhờ quấn vải và ni-lông. Chúa phải ẩn mình. Chúa phải chấp nhận như thế nếu Chúa không muốn con quăng Chúa ra vườn rau, hay Chúa bị xúc phạm và con đi biệt giam.

Tôi chầu Chúa suốt ngày, hôn cả lên cái quạt ấy, giống như Nhà Tạm Chúa ẩn náu dưới hình bánh. Ngài phải chung số phận với tôi, tiếp tục là người “tôi tớ” khiêm hạ, ẩn mình vì Tình Thương. Và tôi đã mang bức tượng Chúa chịu nạn đã từng... bị giam với tôi suốt mất năm trời, “Tù giữa những người tù”. Nhưng có lẽ Chúa cũng không cô đơn hơn nơi những nhà tạm trong các Nhà Thờ đóng kín trên khắp thế giới, cách riêng tại Việt Nam vào thời buổi này, vì sợ... kẻ trộm. Thế đấy, Thiên Chúa Tình Thương đến khùng điên vì loài người bạc bẽo.

Tượng Chúa thì sợ mất, áo Đức Bà thì sợ bị tịch thu, nhưng nếu Chúa, Mẹ ở trong tận trái tim tôi, tận đáy linh hồn tôi thì có ai moi móc ra được. Chỉ cần tôi sống sao cho các Ngài sáng tỏ. Tôi phải là bình pha-lê để ai cũng có thể thấy ánh sáng của Ngài xuyên qua. Tôi đã có cuộc sống bình thường trung thực. Có lẽ tôi đã thành công phần nào hay đúng hơn, Chúa đã thành công qua các bề trên và anh em đã tạo cho tôi một tâm hồn Linh Mục, mặc dầu với vô vàn tội lỗi, đã biết thương cảm với người khổ đau, chấp nhận là “tôi tớ”, noi gương Đức Ki-tô đã nhận lấy tất cả sự yếu hèn của con người, trở nên giống con người mọi đàng để con người được nên con của Thiên-Chúa. Rõ ràng làm chứng cho Chúa có những lúc thật khó khăn và đem lại nhiều mất mát. Nhưng tôi chưa bị đẩy vào chọn lựa giữa Chúa và thất tín phản bội.

Một tù nhân ngồi thinh lặng:

- Anh kia làm gì đó ?

- Tôi thiền.

- Không được thiền. Có lệnh cấm cầu nguyện.

Chúa vẫn hiện diện. Linh Mục quần xoọc áo may-ô cũng còn khá hơn Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

- Các anh mất quyền công dân rồi, không được thi hành tín ngưỡng.

Tôi giảng kế hoạt của Thiên Chúa khi kể cho những ai muốn nghe những chuyện về tạo Thiên lập địa, về cuộc xuất hành khỏi nô lệ Ai Cập của dân Ít-ra-en, về Mô-sê, Đa-vít...

- Các anh không được mang biểu tượng tôn giáo. Thì tôi mang trong thân xác tôi hình ảnh của Thiên Chúa.

- Anh kia, tại sao anh cười ?

- Thưa cán bộ, tôi đâu có cười.

Niềm vui tận đáy lòng và bình an tỏa sáng trên môi.

Không phải là lúc cầu nguyện bằng lời mà là bằng chính cuộc sống, cầu nguyện bằng đói, bằng khát, bằng nóng bức, bằng tù đầy, bằng thiếu thốn, bằng cả sự mất tự do không được làm việc mình muốn làm, bằng thời giờ xem ra mất trắng để không làm gì cả, “far niente”, bằng chịu đựng mùi hôi tanh... Tôi giảng bằng cách sống bình an, bằng cách không dành dựt chọn lựa khi được phát đồ ăn, bằng việc giúp đỡ anh em khi suốt ngày ngồi vá quần áo cho những người không có đủ quần áo mặc mà rách rưới, bằng cách lặng lẽ đi lau chùi những dơ bẩn rơi vãi khắp nơi do người bị kiết lỵ thải ra... Thế là tôi được niềm vui và bình an.

Trong suốt mấy năm tù, không được viết thư hay gặp mặt, tôi thường phải mặc quần áo rách. Tôi thu hồi những miếng vải còn khá lành lặn người ta bỏ ra chùi nhà để vá vào quần áo của tôi và của những người không có thăm nuôi. Cuối cùng, tôi có một bộ quần áo đủ mầu sắc, miếng này nằm đè lên miếng khác. Không đến trăm mảnh đâu, nhưng cũng cho cảm tưởng như thế.

Tôi không hề trách móc Thiên Chúa hay thời cuộc. Tôi suy nghĩ đơn giản, tôi chỉ là một con chim sẻ. Lắm lúc tôi nhìn những cây cối đung đưa theo gió, những chiếc lá bay ngoài tầm tay và thấy mình thiệt thòi hơn cả những tạo vật vô tri đó. Nhưng nếu một sợi tóc mà Thiên Chúa còn ghi sổ huống chi là con người tôi “đáng gía hơn nhiều con chim sẻ”.

Trong một môi trường hết sức phức tạp, cũng vẫn tồn tại những quan niệm, những ý thức hệ, những chính kiến phe phái đẳng cấp và dân tộc. Trong những phòng tôi ở, có đủ Hàn, Hoa, Cao Mên... Trong nhóm Hoa, có những người là cán bộ Trung Quốc ở Chợ Lớn đã từng làm giao liên giữa Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam, có người thuộc Quốc Dân Đảng, Đài Loan...

Một người tù mới bước vào phòng, cả mấy chục cặp mắt đổ vào người đó. Đối với tôi thì là người Hoa. Nhưng tức khắc anh tù mới bị cô lập. Anh ta là người Quốc Dân Đảng hay Quốc Gia. Anh thiếu thốn mọi sự mà không được những người Hoa khác giúp đỡ gì cả. Cán bộ CS Trung Quốc rỉ tai nhau lệnh cô lập anh ta. Tôi là người thản nhiên chia với anh tù mới vài miếng ăn. Không phải vì anh ta “chống Cộng sản”, nhưng vì anh ta “bị cô lập” và rất túng quẩn. Vì anh ta ghẻ lở, người ta cho nằm cạnh tôi và dĩ nhiên là tôi chẳng có quyền và cũng chẳng có thể phản đối. Quà Chúa trao vậy thôi.

Trong thời gian này, tôi chẳng mấy quan tâm đến ăn uống. Một năm Nhà Nước cho ăn thịt vài lần dịp Tết và lễ 2 tháng 9. Các bạn tù quan tâm đến thùng canh mỗi khi lao động đem đến trước cửa phòng. Thường thì không có gì đáng quan tâm: nước lõng bỏng với vài cọng rau, thường là rau muống mà người tù gọi là “kẽm gai”, vì lá không có bao nhiêu. Nhưng có đôi lần canh có hơi khác, và người ta tươi cười báo cho nhau: “có chất láng”. Niềm vui dễ dãi! Chấp nhận mọi sự, kể cả khi được thăm nuôi trong giấy có: một con gà quay, mà “gà bây giờ không có đùi”, hay giấy ghi “một ký đường tán”, mà cán bộ đòi phải sửa lại là: “một gói đường tán”, bởi nó đã hao hụt và không ai có giờ đâu mà cân.

Tôi sống mỗi ngày tù với tâm hồn thư thái, bởi đã chấp nhận kết thúc xấu nhất là chết trong tù, không người thân thích, không được yêu thương và sẽ được chôn vùi đâu đó không làm phiền lụy đến ai như những Linh Mục mà tôi đã được nghe nói, như cha Nguyễn Văn Vàng, cha Bản...

Tôi thấy cha Vàng xa xa tại trại giam Phan Đăng Lưu. Từ phòng biệt giam, ngài ra dấu xin tôi giải tội cho ngài, rồi từ đó không biết gì nữa cho đến khi về nhà tôi được biết ngài đã chết ở một trại tù tại miền Bắc. Cha Hoàng Quỳnh ở biệt giam số 1 sở CATP. Được nghe nói: khi điểm danh, không nghe ngài trả lời, cán bộ mở cửa thấy ngài bất động. Ngài được khiêng đi và sau đó thì chết tại trụ sở CA Võ Tánh.

Thế rồi ngày 23.3.1982, tôi được trở về đời sống bình thường – nhưng không bình thường, vì mỗi tuần phải làm báo cáo và trình diện CA. Không bình thường vì từ đó đến nay, tuy được hộ khẩu, được làm giấy chứng minh nhân dân, được đi bỏ phiếu..., tôi vẫn là “công dân bậc hai”, không được chính thức làm mục vụ, tại miền Bắc còn bị cấm không cho đồng tế. Tôi vẫn không thất nghiệp.

Tôi giảng Đại Phúc, giảng từ Bắc chí Nam và làm những gì tôi còn có thể làm được, không hẳn là “được phép làm”, kể cả việc điều khiển các buổi kiệu Đức Mẹ tại La Vang nhờ sự yêu cầu của cha quản nhiệm Dương Đức Toại...

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )