Truyện ngắn: Đồ dở hơi

Quang X Nguyen

1.

Được tin ông chánh trương Khánh mất, ông Khanh nói với vợ là bà quản Minh:

– Tôi già rồi, yếu lắm, chẳng biết còn mất lúc nào. Bạn hữu chẳng còn mấy đứa, lại cứ rủ rê nhau mà đi. Bà làm ơn thu xếp để tôi đi dự đám tang, tiễn đưa thằng Khánh đến nơi yên nghỉ cuối cùng được không?

Bà quản tròn mắt:

– Người ta từng làm chánh trương hai khóa, ông cứ gọi trỏng trơ người ta là thằng, không được một tiếng ông chánh, ông trương, nghe chướng tai lắm… Mà ông muốn đi đám ư? Đường xá thì xa xôi, gần trong núi Sập cơ đấy. Lại thêm từ sau lễ Giáng Sinh tới giờ, nửa tháng trời nay rồi, trời rét đậm. Ông lại đang đau yếu, bệnh xương khớp, bác sĩ cấm mang vác nặng, cấm hết cờ bạc, rượu chè bia bọt, trai gái, thuốc sái. Bác sĩ còn cấm cả viếng xác người chết… Ông đi đám tang, nhiễm hơi lạnh thì khổ thân ông, khổ thân tôi, khổ cả nhà… Ông nghĩ xem, mình xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho ông chánh là được rồi.


Ông có vẻ trầm tư:

– Tôi với nó gần như trùng tên, khác nhau mỗi cái dấu. Tên nó khứ thanh dấu sắc, tên tôi bình thanh không dấu. Ngày xưa ở tiểu chủng viện Á Thánh Phụng Châu Đốc, rồi Têrêxa Long Xuyên, số danh bạ hai đứa liền nhau, tôi trước, nó sau. Thế nên lên nhà nguyện chung ghế, đi học chung bàn, ăn chung mâm, ngủ hai giừờng liền nhau chân tôi đạp đầu giường nó; trừ khi ở sân banh nó số chẵn tôi số lẻ, ở trong hai đội là đối thủ của nhau. Nhưng ở sân banh có mấy cây me nước, vớ được quả nào chín đỏ, hai đứa chia nhau ăn vụng… Rồi tu xuất, rồi thi rớt tú 2, rồi tổng động viên, rồi sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức, rồi sĩ quan cấp úy tỉnh lẻ, rồi học tập cải tạo, rồi đi kinh tế mới, rồi già, rồi chết… Nay thằng Khánh chết, không ném được cục đất vào huyệt mộ vùi lấp đắp điếm thân xác nó, tôi áy náy lương tâm lắm.

Bà quản Minh cau có:
– Lương tâm chẳng bằng lương hưu. Bốn đứa con nhà mình, đứa nào phận nấy, đều là di dân, tha phương cầu thực, đứa Sài Gòn, đứa Cần thơ, đứa Vũng Tàu, đứa Sóc Trăng. Ông thử đổ bệnh xem ai nuôi? Chúng nó có về thăm thì khá lắm cũng chỉ được một hai ngày. Ông mà có chuyện gì, đố qua khỏi tay gái xề này đấy?

Ông nhìn bà bằng ánh mắt van nài, tha thiết:
– Hai đứa tôi, đôi bạn thân, đều là dân tu ra, còn bà cũng tu xuất mà. Chúng ta đã từng cùng ăn cơm nhà Đức Chúa Lời, hiểu cho nhau một tí được không? Với lại bà không nhớ: “Thứ bảy chôn xác kẻ chết” trong kinh “Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối” hay sao?

Bà gắt như mắm tôm:
– Đồ dở hơi! Vừa thôi! Hơi tí mang kinh sách ra bênh vực cho ý riêng mình. Luận lý học gọi đó là ngụy biện theo kiểu… kiểu gì nhỉ? Tiếng Pháp là…

Bà cười lớn:
– Là… quên mất tiêu.

Bỗng dưng bà nhỏ nhẹ, ân cần, tha thiết như ngày nảo ngày nào:
– Anh nhất quyết đi hả? Cũng được. Sáng mai, thánh lễ an táng lúc 6 giờ. Kêu thằng Út xe ôm tới rước lúc 5 giờ, mướn nò cả đi cả về, bảo nó chạy chầm chậm thôi, đường xá xa xôi nguy hiểm lắm. Để em cụ bị sửa soạn cho anh. Trời rất lạnh, anh phải nhớ mang giày vớ, bao tay, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ nón… cho đủ ấm. Ráng nghe em, nhé!

2.

Ông Khanh hòa mình vào dòng người đưa linh cữu ông chánh Khánh ra đất thánh. Ngày trước, ở đâu có nhà thờ, ở đó có trường học. Gần nhà thờ, hoặc quanh quất đâu đó thế nào cũng có một ngôi trường. Có khi, nhà thờ và trường học cùng ở chung trong một khu đất. Giờ ra chơi các em học sinh thỏa thích chạy nhảy, nô đùa trong sân nhà thờ cũng là sân trường học. Nhưng rồi sau năm 75, giáo dục tách khỏi tôn giáo, nhà trường tách khỏi nhà thờ. Người ta ngăn ra bằng hàng rào cột bê tông cốt thép, giăng dây kẽm gai thẳng như kẻ chỉ. Khổ nỗi, từ đó, mỗi khi trong xứ đạo có người chết, người ta đẩy xe tang từ nhà thờ ra đất thánh, phải đi ngang qua sân trường học… Ngang qua sân trường học, mùi phân heo xông lên nồng nặc. Ông Khanh vội lấy ra chai dầu gió xanh vợ ông đã cẩn thận để vào túi áo cho ông. Ông đưa mắt nhìn vào nền những phòng học mới được lót gạch men mới tinh, bóng loáng. Sợ nền nhà bị dơ bẩn sao đó, các em học sinh ăn mặc đã phong phanh, lại còn theo lệnh của thầy cô, phải để dép bên ngoài hành lang, đi chân không vào lớp. Trời cuối đông lạnh căm căm, gió đông bắc thổi siết, không ngưng nghỉ. Dù đã mặc đầy đủ quần áo ấm, ông Khanh vẫn run cầm cập. Nhìn các em học sinh hầu hết mặc quần đùi, ngồi co ro, co chân lên ghế, ông cảm thấy xót lòng xót ruột, ngứa ngáy chân tay và bứt rứt môi miệng nữa. Ông xồng xộc bước vào trong trường học, oang oang:
– Các thầy cô mặc áo trong áo ngoài, che kín thân người, vẫn chưa hết lạnh, vậy mà bắt các em đi chân không. Lương tâm các thầy cô để đâu?

Thấy có người to tiếng, những vị kỹ sư tâm hồn ùa đến vây quanh ông Khanh. Một cô giáo thưỡn thẹo:
– Ông già này không biết ở đâu tới sinh sự. Thử hỏi, trong tất cả các em học ở đây, có đứa nào là con cháu ông không?

Ông chỉ tay lên tấm pa nô ngoài bờ sông:
– Dạ không. Nhưng các thầy cô coi kìa: “All children are our children”, dịch là…
– Biết rồi, “Tất cả trẻ em đều là trẻ em của chùng ta” chứ gì? Phải không thầy hiệu trưởng? Xin giới thiệu với ông, đây là thầy hiệu trưởng, tốt nghiệp Đại học từ xa, khối C ngành Văn Học tiếng Anh?

Thầy hiệu trưởng không thèm mời ông Khanh vào văn phòng. Thầy mau mắn, nhanh nhảu đoảng:
– Đúng, đúng rồi. ”Tất cả trẻ em đều là trẻ em của chúng ta”, chứ còn gì nữa?

Ông Khanh phân bua:
– Ngày ấy, học ở tiểu chủng viện Á Thánh Phụng, Châu Đốc, cha Sáu Nguyễn Quốc Vận ở Mỹ về, dạy Anh Văn. Trong cuốn Let’s Learn English Part Two cha dạy, có bài Mr. and Mrs. Dawson have two children, a son and a daughter… Cha Sáu giảng rất kỹ, mấy mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in: children vừa có nghĩa là trẻ em vừa có nghĩa là con cái tùy theo ngữ cảnh. Câu trên pa nô đó phải dịch là “Tất cả mọi trẻ em đều là con cái chúng ta” mới phải. Nhưng vấn đề ở đây không phải dịch đúng hay sai, mà là trời lạnh thế này, tại sao các thầy cô bắt các em phải đi chân không?

Một cô giáo bĩu môi:
– Đồ dở hơi. Không đứa nào là con cháu ông, vậy mà ông rỗi hơi chõ mồm vào. Đúng là đồ dở hơi, chứ còn gì nữa? Không thì là đồ gì?

Tất cả các thầy cô giáo đều cười khúc khích.

3.

Dự đám tang ông chánh Khánh về, ông Khanh bị đau nhức từ trong xương tủy, ê ẩm hết cả mình mẩy. Ông đi bệnh viện đa khoa huyện khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế. Nhìn cô bác sĩ trẻ măng, mặt hoa da phấn, đẹp tuyệt trần gian, ông nghĩ thầm: “Phúc cho ông bố bà mẹ nào đẻ được đứa con như cái cô bác sĩ này. Đẻ được đứa con như cô ta, vừa đẹp vừa giỏi, tài sắc vẹn toàn, thật cũng mát lòng mát ruột”. Cô bác sĩ đeo tai nghe trên cổ, hỏi hết sức lịch sự, nhã nhặn:
– Dạ thưa! Bác bị sao ạ?

Ông tự khai:
– Tôi không nghe lời vợ, đi dự đám tang về, nhức mỏi nhừ tử.

Đúng lúc ấy điện thoại của cô bác sĩ đổ chuông. Cô nói chuyện với ai đó có vẻ tình tứ lắm. Có đến hai chục phút sau cô mới cất điện thoại vào túi áo, hỏi:
– Vai bác có nhức không? Đầu gối? Cổ chân? Cổ tay? Nói chung là các khớp xương?
– Có, nhức nhối lắm. Làm sao bác sĩ biết, ạ?

Cô bác sĩ quay sang nói với anh diều dưỡng đi theo ghi hồ sơ bệnh án, như một mệnh lệnh, một tất yếu:
– Viêm đa khớp.

Ông Khanh chợt tỉnh ra:
– Bác sĩ chưa khám bệnh cho tôi.
– Rồi mà.
– Chưa. Ống nghe của bác sĩ chưa chạm đến áo ngoài của tôi chứ đừng nói chạm đến da thịt…

Cô bác sĩ không nói gì. Mọi người im lặng hồi lâu. Ông Khanh cáu:
– Người ta nói bệnh viện huyện mình toàn bác sĩ ấn độ, ý nói là bác sĩ ấn ấn lên người bệnh rồi độ chừng ra toa thuốc. Xin lỗi, cô khám qua loa, hời hợt hơn cả các bác sĩ ấn độ đó nữa.

Chỉ trong một nháy mắt, cô bác sĩ xinh đẹp ấy biến thành một con quỷ dạ xoa:
– Đồ dở hơi. Ông hay tôi là bác sĩ? Lần sau có bệnh, đi chỗ khác mà khám.

4.

Ông Khanh thật lòng thổ lộ với vợ:
– Người xưa nói rằng: “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét”. Này nhé! Đầu tiên là chính bà, bà Minh, vợ tôi chê tôi. Các thầy cô giáo trong trường học gần nhà thờ trong giáo xứ ông chánh Khánh cũng vậy. Các bác sĩ trên huyện cũng chẳng hơn gì. Tất cả đều rủa sả tôi là “đồ dở hơi”. Vậy là sao? Tôi bị mọi người ghét bỏ phải không? Bà có ghét tôi lắm không?

Bà quản Minh cười như nắc nẻ:
– Bán cái dở hơi của anh đi, nhà này cũng sống phong lưu được cả năm giời. Nhưng dù sao em cũng xin tạ lỗi với anh vì đã có lúc vô tâm vô tình đối với anh hoặc làm cho anh hiểu lầm, đôi khi lại còn độc mồm độc miệng làm anh khó chịu nữa. Có phải không, “đồ dở hơi” thương mến của em?