SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
THEO LINH MỤC THANH LÃNG
Linh mục Thanh Lãng là một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng vào thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên. Ông để lại nhiều công trình nghiên cứu, phần đóng góp của ông vào chữ quốc ngữ, văn học Thiên Chúa giáo và văn học sử Việt Nam rất lớn lao.
Năm 1967, nhân mừng sinh nhật năm thứ mười của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, linh mục Thanh Lãng đã phát biểu ý kiến về sứ mạng người cầm bút. Trước khi nghe linh mục nói về đề tài này, thiết tưởng chúng ta cũng cần biết qua Trung Tâm Văn Bút.
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam thời đó là một chi nhánh của Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế gọi là PEN Club International do bà Catherine Amy Dawson Scott thành lập năm 1921. Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế là một hiệp hội tập hợp những nhà văn của tất cả các nước, những nhà văn tha thiết với những giá trị hòa bình, bao dung và tự do, thiếu những giá trị đó không thể có sáng tạo được.
PEN là do từ Anh ngữ pen (cây bút) tóm tắt những nghề viết :
P : Poets : những người làm thơ ; Playwrights : những người viết kịch
E : Essayists : những người viết biên khảo ; Editors : những người xuất bản
N : Novelists : những tác giả viết tiểu thuyết ; Non fiction authors : những tác giả viết ngoài hư cấu.
Năm 1957, nhà văn Đỗ Đức Thu sang Đông Kinh (Tokyo) dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 29, và đã tích cực vận động cho Việt Nam. Kết quả là Trung Tâm Văn Bút Việt Nam được nhận vào Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế.
Ở miền Nam, kể từ những năm 60, Trung Tâm Văn Bút là một cơ quan văn hóa tuy không có tầm cỡ lớn, nhưng đã đạt được nhiều thành tích tốt đẹp. Về nội bộ, các ủy ban chấp hành được bầu theo định kỳ. Năm 1961, chủ tịch của ủy ban chấp hành là nhà văn Nhất Linh. Năm 1967, chủ tịch là nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ngoài ra, Trung Tâm Văn Bút tổ chức những sinh hoạt văn hóa như ấn hành những tập kỷ yếu, tổ chức những buổi diễn thuyết, hội thảo, trao những giải thưởng văn chương, xuất bản những tuyển tập, v.v…
Để khai mạc cuộc hội thảo đánh dấu mười năm của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, chủ tịch Vũ Hoàng Chương giới thiệu cùng cử tọa văn hữu Thanh Lãng.
Cất lời trước cử tọa, linh mục Thanh Lãng nhắc rằng kỷ niệm mười năm thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là kỷ niệm sự lựa chọn và chấp nhận một lý tưởng làm văn chương nghệ thuật bởi một số người cầm bút. Lý tưởng đó đã được trình bày trong Hiến Chương của Văn Bút, và có thể được tóm tắt qua bốn điểm sau đây :
1/ Văn chương nghệ thuật không nên có biên giới.
2/ Văn chương nghệ thuật là tài sản chung của nhân loại.
3/ Người làm văn chương nghệ thuật cần hiểu biết sự tương giao nhau như là thành phần của một nhân loại duy nhất và hoà bình.
4/ Người làm văn chương nghệ thuật cần đề cao lý tưởng Tự do và Bao dung.
Sau đó linh mục Thanh Lãng đưa ra vấn đề Sứ Mạng Của Người Cầm Bút và nói rõ rằng đây không phải là một bài diễn thuyết mà là một hội thoại. Tuy thế, sau hơn nửa thế kỷ, điều quan trọng nhất đối với chúng ta, người đọc hôm nay, là quan niệm của linh mục Thanh Lãng về người cầm bút được trình bày trong bài của linh mục, do đó những trao đổi giữa linh mục và vài người trong cử tọa không cần thiết nêu ra trong bài này.
Linh mục Thanh Lãng nói rõ : ông chỉ đặt vấn đề và đưa ra những thắc mắc để những người cầm bút cùng ý thức, cùng suy nghĩ chung với nhau. Những câu hỏi được đặt ra là :
Nhà văn có một sứ mạng gì không ?
Lịch sử người cầm bút với sứ mạng người cầm bút tương quan phản ứng ra sao ?
Diễn giả định nghĩa : Nói sứ mạng nhà văn, hay nói nhà văn có sứ mạng là nói nhà văn có mang theo một mệnh lệnh nào do ơn trên đâu đó trao cho mình : gọi là « sứ mạng » hay gọi là « mạng lệnh », hay gọi nôm na là điều dạy làm, điều dạy gửi.
Và diễn giả giải thích định nghĩa đó như sau, sứ mạng bao gồm :
– Người ra lệnh, « Người sai gửi »,
– Người mang lệnh, người đi gửi,
– Người nhận lệnh, người tiếp nhận vật gửi,
– Lệnh, tức đồ vật gửi đi.
Nếu đưa định nghĩa này vào lĩnh vực văn học nghệ thuật thì :
– Người ra lệnh hay người sai gửi sứ điệp là hồn thiêng dân tộc, là nhân loại, là trời đất.
– Người mang lệnh, người đi gửi sứ điệp là nhà văn.
– Người nhận lệnh, người nhận sứ điệp là độc giả.
– Sứ điệp là tác phẩm văn học. Gọi tác phẩm là sứ điệp vì viết là nói với độc giả, bộc lộ với độc giả, san sẻ, tỏ bày với độc giả. Vậy viết là ý muốn nói với ai điều gì, một tâm sự gì.
Có khi nhà văn tuyên bố chỉ viết cho mình, nhưng những điều nhà văn muốn nói ra rơi vào chữ viết, mà chữ viết là một phương tiện truyền bá. Cho nên dù muốn dù không, dù ý thức hay vô thức, tác phẩm nào cũng là một sứ điệp. Diễn giả cho biết không có nghệ thuật nào mà không thưa gửi, nghĩa là không phải là một sứ điệp, và không có nhà văn nào mà không phải là sứ giả. Xin tóm tắt sau đây vài ví dụ trong nhiều ví dụ diễn giả đã đưa ra :
Thơ của Nguyễn Trãi là sứ điệp và Nguyễn Trãi là sứ giả ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị của đất nước, cỏ cây. Lục Vân Tiên là sứ điệp của Nho giáo. Các nhà văn cuối thế kỷ 19 là sứ giả của chiến tranh bi thảm, của quật khởi chống Pháp. Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí là sứ điệp của Hòa bình. Tự Lực Văn Đoàn là sứ điệp của chiến tranh, của tiến bộ.
Diễn giả nhận xét người cầm bút hôm nay ở trong hoàn cảnh chiến tranh, với những tệ đoan như tham nhũng, mọi giá trị tôn giáo, văn hóa, xã hội bị đảo lộn và lý do của mọi xung đột giữa cá nhân, đoàn thể, dân tộc, cuộc chém giết nhau vì hệ tư tưởng, lý do của những tai họa đó là lý tưởng Tự do không được tôn trọng.
Bản tính con người là Tự do mà bản chất Tự do là được lựa chọn (…). Người cầm bút hôm nay phải là một sứ giả được sai đi, đi để đến với những người nhận sứ điệp là cá nhân, là đoàn thể, là dân tộc, là nhân loại (…). Không ai được chối bỏ mình là sứ giả vì mình được nhìn như vậy (1).
Vậy vai trò của sứ giả tức nhà văn như thế nào ? Theo diễn giả, sứ giả cần biến cái đẹp, tức văn chương, thành nguồn vui sống cho con người đang đau khổ, tuyệt vọng, biến cái đẹp thành nhịp cầu yêu thương giữa mọi người. Sứ giả cần biến chữ viết tức tác phẩm thành phương tiện chuyên chở lời nhắn với mọi người rằng con Người chỉ là con Người khi có Tự do. Qua sứ điệp, tức tác phẩm, sứ giả cần cổ động, ca tụng quyền lựa chọn tức quyền tự do của mọi người, ca tụng tinh thần bao dung, chấp nhận nhau, khuyến khích tinh thần phân công và hợp tác giữa các giới khác nhau, ủng hộ các tổ chức văn hóa, xã hội, chính trị. Sau cùng, sứ giả cần dấn thân để chống lại mọi lý thuyết, mọi cá nhân, đoàn thể, đảng phái, mọi dân tộc đi ngược lại với lý tưởng Tự do. Và làm thế nào để sứ điệp trở thành một Thiên trường ca ca ngợi Hoà bình.
Trong văn học Pháp, tác phẩm được gọi là message, thông điệp, tác giả là émetteur, người phát (thông điệp), và độc giả là récepteur, người tiếp nhận (thông điệp). Người phát ra thông điệp quan niệm rằng tự họ làm ra thông điệp để truyền đi, để gửi đến người tiếp nhận. Chúng ta thấy ngay sự khác biệt giữa quan niệm của Tây phương và quan niệm của linh mục Thanh Lãng
Linh mục Thanh Lãng đi xa hơn, ông đặt lý tưởng Tự do trên hết, để làm nền tảng cho con người, cho văn chương. Để phụng sự một lý tưởng cao đẹp như thế, trước hết tác phẩm không chỉ là một thông điệp mà là một sứ điệp mang một mệnh lệnh thiêng liêng, và cương vị của nhà văn được nâng cao : nhà văn không chỉ là người phát ra một thông điệp mà là một sứ giả, người vâng mệnh trên là hồn dân tộc đem sứ điệp tự do đến với mọi người. Khi ý thức được cái thiên chức đó, nhà văn không còn tự giam mình trong một thái độ trốn tránh, thụ động nữa, không còn viết những cái tầm thường, nông cạn, không xứng đáng là một sứ điệp thật sự. Linh mục Thanh Lãng đã thiêng liêng hóa chức năng của nhà văn, ông có đòi hỏi nhiều quá chăng ? Dù sao buổi nói chuyện của linh mục cũng có thể tác động mạnh mẽ đến giới cầm bút khiến họ suy nghĩ xa hơn về việc dấn thân của một nhà văn trong xã hội, trong đất nước.
(1) Câu Chuyện Văn Chương, Nxb Khai Trí Sài Gòn, 1969, tr. 491-492.
Paris, tháng 12 – 2018
Liễu Trương
KHUÔN MẶT THANH LÃNG
Lm Thanh Lãng (1924-1978) |
Những năm 70, Thanh Lãng là một khuôn mặt nổi bật trong sinh hoạt văn hóa giáo dục tại miền Nam, trong và ngoài môi trường đại học. Trong thế kỷ XXI này nhắc đến tên ông ở hải ngoại không biết còn bao nhiêu người đọc đến và nhớ đến tác phẩm tiêu biểu của ông: “Biểu nhất lãm Văn học sử Việt Nam” (có thể sau đó đổi thành Bản Lược Đồ Văn Học Việt Nam).
Tôi không còn nhớ đã quen ông trong trường hợp nào, nhưng còn nhớ rõ đó là một người cởi mở, dễ dàng trao đổi đối thoại, khác hẳn cung cách người ta có thể thường hình dung về một vị mặc áo nhà Dòng. Nhớ về ông có cái vui vui, nhất là hình ảnh sợi dây vàng mắc vào khuy áo, đầu sợi dây bỏ trong túi áo ngực, hình như mắc vào đó là một cái đồng hồ vàng.
Giáo Sư Linh Mục Thanh Lãng tên khai sinh là Đinh Xuân Nguyên, ra đời năm 1924 tại Tam Tổng, quận Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 12 tuổi được gửi vào Tiểu Chủng Viện Ba Làng, năm 1945 học xong bậc trung học với bằng tú tài, hai năm sau ra Hà Nội vào Đại Chủng Viện Xuân Bích và trong hai năm theo học Triết rồi được gửi đi du học Ý, học trường Truyền Giáo La Mã, thụ phong linh mục năm 1953, lúc 29 tuổi.
Về văn học, ông đậu bằng tiến sĩ tại Đại Học Frisbourg ở Thụy Sĩ. Về nước ở tuổi 33, ông được bổ làm giáo sư tại Chủng Viện Tân Thanh ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phải tới năm 1957 ông mới được bổ nhiệm dạy tại các trường lớn như Văn Khoa Sài Gòn và Văn Khoa Huế. Cũng năm này ông đã soạn xong bộ sách về văn học: Văn Học Cận Đại Việt Nam.
Trong thập niên 60, ông tham gia các tổ chức văn hóa của Hội Bút Việt (Văn Bút Việt Nam) và cho thấy khuynh hướng hoạt động chính trị của ông, có phần bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, nhất là sau khi ông trở thành chủ tịch của Hội Bút Việt, tức Hội Văn Bút Việt Nam trụ sở là một công thự ở trung tâm Sài Gòn. Hoạt động với các đoàn thể chính trị cùng thời, cộng tác với các tạp chí thiên tả như “Trình bày” (chữ bày không viết hoa chữ b, như tờ báo khẳng định, – tờ báo có những cây bút chủ chốt như Thế Nguyên, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan,… Thanh Lãng chính là người đã tuyên bố những câu trở thành khẩu hiệu chính trị cho nhóm chủ trương “chống Mỹ cứu nước:” “Việt Nam Cộng Hòa là một nhà tù lớn.” Ông đã không kịp tỉnh ngộ vì qua đời chỉ 3 năm sau năm 1975.
Trong các giáo sư ngành văn học và triết học, Thanh Lãng là người đã để lại tương đối nhiều sách biên khảo và sách giáo khoa nhất. Có bài báo đã kể lại việc ông thuê người chuyên đánh máy trong dự định in ấn phổ biết sách học và sách đọc cho sinh viên, và những người ham đọc, ham học.
Ông đã để lại những tác phẩm sau đây, xin ghi kỹ để những người sưu tầm tìm đọc dễ dàng thực hiện được điều cần tìm biết:
–Khởi thảo Văn học sử Việt Nam-Văn chương Bình Dân, Hà Nội 1953.
–Văn học Cận đại Việt Nam, Sài Gòn 1957.
–Đóng góp của Pháp trong Văn học Việt Nam (luận án tiến sĩ, 1961).
–Thử suy nghĩ về Văn hóa Dân tộc (Sài Gòn 1967).
–Bảng lược đồ Văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn 1967).
–Văn học Việt Nam đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn 1969)
–Văn học Việt Nam thế hệ dấn thân (Sài Gòn 1969)
–Phê bình Văn học Thế hệ 1932 (hai tập, 1972)
–Từ điển Việt-La-Bồ (soạn chung với Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, (1991)
–13 năm tranh luận văn học, 3 tập, 1995.
Có người gần đây cho rằng người ta đã quên mất Thanh Lãng. Một cách nào đó tác phẩm Thanh Lãng không được phổ biến đầy đủ, điều này không phải chỉ xảy ra cho một người, mà rất nhiều người và rất nhiều tác phẩm về văn hóa văn học Miền Nam không được phổ biến đầy đủ, bởi rất nhiều lý do. Có những nguyên nhân khác nhau, hoặc vì ảnh hưởng chính trị riêng, hoặc vì các diễn đàn trên không gian vi tính không được những người chủ trương có hoàn cảnh – kể cả tuổi tác và tay nghề chuyên môn – phụ trách. Mặt khác, nhiều sách của Giáo Sư Thanh Lãng là những bài giảng từ học đường, người ta phải mua mới có, đã thế còn phải san nhuận mới phổ biến được.
Như người viết bài này được biết, Thanh Lãng là vị giáo sư Văn Khoa có nhiều tác phẩm (và bài giảng) được mua đọc nhiều nhất – và việc này cũng gây ra – ngoài ý muốn hay sự kiểm soát của ông, những dư luận trên báo chí, truyền thông. Việc giới thương mại xâm lấn vào thị trường sách học ở Sài Gòn trước 75 đã trở thành sự việc phải mang ra trước tòa án công lý.
Viên Linh
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/vhnt-khuon-mat-thanh-lang/
Thuở bút nghiên:
– Thiếu thời, GS học tại trường làng. Năm 12 tuổi học tại Tiểu chủng viện Ba Làng. Năm 1945, thi đậu Tú tài toàn phần. Năm 1947, học triết tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội). Năm 1949, được cử sang học tại Trường truyền giáo Rôma. Năm 1953 được thụ phong Linh mục. Sau khi được thụ phong, GS tiếp tục theo học Ban Văn chương và đậu Tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
Thời hoạt động trong lãnh vực văn hóa giáo dục:
– Năm 1957 GS về nước và được bổ nhiệm làm Giáo sư tại Tiểu chủng viện Tân Thanh (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Trong thời gian này GS cũng được mời giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa và Đại học Sư Phạm Sàigòn suốt từ năm 1957 đến 1975.
– Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, GS chuyển sang nghiên cứu lãnh vực ngôn ngữ tại Viện Khoa học xã hội TP. HCM.
– Suốt quá trình làm công tác trong ngành giáo dục, từ năm 1957 đến năm 1975, GS cống hiến rất nhiều cho nền học thuật nước nhà; chuyên tâm nghiên cứu trong lãnh vực văn chương để phục vụ việc giảng dạy trong điều kiện đất nước còn thiếu sót rất nhiều tài liệu học tập bậc đại học.
– Chủ biên các tạp chí: Việt tiến, Trách nhiệm, Nghiên cứu văn học, Tin sách… và viết nhiều bài đăng trên nhiều báo khác với các chủ đề xoay quanh nền văn học Việt Nam. Hầu hết các bài viết của GS đều chú trọng các đề tài như Lịch sử phát triển chữ Quốc ngữ, Văn chương Quốc âm, Giáo trình Văn chương Việt Nam… Ngoài ra, GS cũng viết nhiều bài phê bình văn học, một số bài viết về các tác giả: Nguyễn Du, Nhất Linh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…
– GS lâm trọng bệnh và qua đời tại Sàigòn ngày 17/12/1978.
Các sách đã xuất bản:
• Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương bình dân (Hà Nội, 1953; Sài Gòn, 1954, 1957)
• Biểu nhất lãm văn học cận đại Việt Nam (Sài Gòn, 1957)
• Đóng góp của Pháp trong văn học Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, 1961)
• Thử suy nghĩ về về văn hóa dân tộc (Sài Gòn, 1967)
• Bảng lược đồ văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn, 1967)[1]
• Văn học Việt Nam: Đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn, 1969)
• Văn học Việt Nam: Thế hệ dấn thân yêu đời (Sài Gòn, 1969)
• Phê bình văn học thế hệ 1932 (2 quyển, Sài Gòn, 1972)
• Tự điển Việt-La-Bồ (dịch chung với Hoàng Xuân Việt và Linh mục Đỗ Quang Chính, 1991)
• 13 năm tranh luận văn học (3 tập, 1995)
Và nhiều tác phẩm chưa in khác.