Trong văn-học Công-giáo Việt Nam, chúng ta đã quen biết những bài Vãn, Kinh Sách, Truyện và Tuồng là những thể-loại đã xuất hiện từ thời mới có chữ quốc-ngữ từ những thế-kỷ XVIII, XIX. Thời trước 1975, các linh-mục Đỗ Bá Ái, Hồng Phúc, Vũ Minh Nghiễm, v.v. đã để lại nhiều bài viết và sách rao giảng Tin Mừng và truyện các Thánh; rồi sau 1975, các hồng y Nguyễn Văn Thuận, giám mục Bùi Tuần, v.v. đã có những tác-phẩm suy niệm, chia sẻ về đức tin, giảng về Tin Mừng, về sống đạo, linh-mục Chu Quang Minh với bộ sách tâm lý về hôn nhân và gia đình, LM Trần Cao Tường với nhiều bộ sách về nguồn đạo và Tin Mừng, v.v.
LM Nguyễn Tầm Thường xuất hiện cùng thời hoặc sau các vị vừa kể, nhưng đã đem lại một phấn khởi mới về học hỏi Tin Mừng, đã sử-dụng những hình thức hiện đại hơn: truyện ngắn, thơ, bút ký, nhật ký, suy niệm, và bài giảng trên mặt nhựa CD. Thi ca mảnh đất của tâm hồn, với hai tuyển tập Tình Thơ Thập Giá, Mùa Hoa Trên Thánh Giá Gỗ. Truyện ngắn với bố cục tinh tế để lý trí giải bày có hai tập Đường Về Thượng Trí 1995 và Tiếng Gọi Phiá Bên Trong 1999. Suy niệm và cẩu nguyện để tâm linh siêu thoát: hình thức đề tài có Nước Mắt Và Hạnh Phúc 1989, Con Biết Con Cần Chúa 1994; hình thức đoản khúc gồm 100 đề tài suy niệm và cầu nguyện: Viết Trong Tâm Hồn 1996, Mùa Chay Và Con Sâu Bướm 1997, Cô Đơn Và Sự Tự Do 2001, Đưòng Đi Một Mình 2005. Thể bút ký đã xuất bản Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục 2002. CD có các bộ Tỉnh Thức, Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, Tôi Là Ai; Đường Vào Tâm Linh với 15 đề tài suy niệm và cầu nguyện, v.v.
Thể-loại văn-chương và tâm-hồn nhạy cảm
Thi-ca: Những tác-phẩm đầu tay của LM Nguyễn Tầm Thường là những bài thơ, về tình-yêu và những rung động tuổi thanh niên, và về tình-yêu Thiên Chúa, thiên nhiên - có bài đã đăng trên các tạp-chí ở Sài-Gòn trước năm 1975. Thơ để con tim lên tiếng, phần lớn sáng-tác thời đầu:
"... Một sáng hừng xuân
Tung tăng hạnh phúc tôi đã lâng lâng vào đời
Tình-yêu mở hội đón mời
Có tay trinh nữ / Có trời bao la
Chiều sâu thập giá / Có tà áo thiên
Tên nào miên viễn mà Chúa muốn chọn gọi tôi đi vào?
... Tóc hương thơm gọi tới / Hồn tôi nghĩ ngợi xót xa
Yêsu man mác bao la / Bờ vai tha thiết thật thà.
... Chúa ơi, / Tên con Thập Giá hay tà Áo Xanh
Tên con Tình-yêu hay là Yếu Đuối" (Chúa ơi! Tên con là gì?).
Hình ảnh đẹp của con sâu bướm"khi thoát xác bay cao ... là cánh bướm thật đẹp" đối với người tìm Chúa và người tu hành:
" ... Chúa tôi là vườn dâu / Tôi xin làm sâu tằm
Con sâu tằm quanh năm ở bên lá dâu
Tôi nguyện cầu cho được sương gió giãi dầu với cây thập giá
... Chúa tôi là vườn dâu / Và mãi mãi tôi là sâu tằm
Tôi sẽ xin quanh năm / Tôi sẽ cầu suốt tháng
Tôi sẽ xin mỗi sáng nhả tơ lưng trời như lời kinh cầu gởi gió mang theo làm quà trao tặng cõi đời
Tôi sẽ xin nói nhỏ cùng gió mang đi nơi nơi những sợi tơ vàng như lời thiên đàng rơi xuống trần gian
Chúa tôi là đồi dâu thênh thang
Và quê hương của tằm sẽ là địa đàng từng giây từng lúc
Chúa tôi là đồi dâu hạnh phúc
Tôi nguyện xin lúc nào cũng được cắn lá dâu non
Chúa tôi là đồi dâu hạnh phúc
Tôi nguyện xin lúc nào cũng được no tròn trên lá dâu xanh
Chúa tôi là cành lá dâu xanh
Tôi nguyện xin lúc nào cũng giành cho mình làm thân con sâu.
(Xin Được Làm Con Sâu Tằm, Tằm Nguyện Cầu)
"... Những con sâu tâm hồn / Là loài sâu rất khôn
Nằm ẩn kín trong tim / Bao lần tôi tìm thấy
Không dám giơ tay chém
Những con sâu lầm lỗi / Đem đời mưa gió về
Một lần lỗi lời thề / Để sâu độc xây tổ
Bụi hồng héo rũ bã / Hạnh phúc mù sương sa" (Vết Sâu Cắn)
Trong những bài thơ mới hơn, ngoài những đề tài Thiên Chúa, Mẹ Maria, tình-yêu, chuyện lòng, ... người đọc còn bắt gặp những hình ảnh thập giá, thánh giá, lầu chuông, quán trọ, con sâu tằm, biển cả, hoa nghĩa trang, v.v.
"... Cali ơi Cali / Chiều nay trời gió lộng
Lối nào cũng mênh mông / Nhìn thánh giá trên đồi
Tôi gọi thầm tên tôi / Ai là người đơn côi?
Thập giá hay là tôi?" (Thánh giá trên đồi Cali).
Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Tước (Nguyễn Tầm Thường) trong 1 lần giảng tĩnh tâm |
Truyện ngắn
Với hai tập truyện ngắn Đường Về Thượng Trí và Tiếng Gọi Phiá Bên Trong, LM Nguyễn Tầm Thường đã cho thấy khả năng văn chương dùng sáng-tác để dẫn đường vào tâm linh, thuộc vào văn-chương-vị-tâm-linh. Hình thức có thể cổ điển như sáng-tác của các nhà văn cùng thời, nhưng thêm đặc tính của LM Nguyễn Tầm Thường là cách trình bày triết lý hoặc tâm lý để đưa vào tâm linh. Những câu chuyện ở các xứ đạo ở Việt Nam hoặc ở ngoại quốc, nhân-vật có thể là bất cứ ai, nhưng họ có những niềm riêng, những khủng hoảng tâm linh, những hạnh-phúc tìm thấy. Những cánh hồng trên tuyết hay cây hoa lan ở một xứ đạo thâm cùng ở Việt Nam đều là những cái đẹp của thử thách. Có thể nói toàn tập Đường Về Thượng Trí là một bản trường ca của của kẻ tầm Đạo, kẻ đi tìm đường về cõi vĩnh hằng. 'Kẻ được chọn sẽ là người mang thương tích của thập giá, chứ không phải là kẻ chỉ ca ngợi thập giá'.
Truyện Đường Lên Núi Cao được trình bày dưới hình thức những đoản khúc như những mảnh tâm tình của một chàng trai đi tìm con suối đẹp giữa khung trời thần tiên đã có lần mơ thấy. Lần hồi trưỡng thành làm kẻ đi tìm đường về Thượng Trí, nơi có mây trời và gió nắng cứu chuộc. "Đường về thượng trí là một tiến tới liên lỉ, không đứt đoạn. Thánh thiện phải chắp nối từng điểm nhỏ, và những điểm nhỏ ấy làm nên sợi giây dài".
Truyện Giọt Lệ viết về một cuộc đời mà cuối cùng giọt lệ hiếm hoi đối với 'tên tù' đã là niềm vui, lúc cuối đời mới hiểu 'tại sao chỉ có nước mắt mới làm đầy cái lọ, chỉ có lòng xám hối và cầu cứu sự xót thương của Chúa'. Chỉ có nước mắt mới có sức mạnh hóa giải, như câu chuyện người con hoang đường trở về trong Kinh Thánh!
Sa mạc cũng là một hình ảnh được sử-dụng hơn một lần. Trong truyện Người Khách Và Con Tàu, kẻ đi tìm được dặn dò: "Hãy vào sa mạc, ở đấy Ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì. Trong thinh lặng và tin tưởng ngươi sẽ tìm được sức mạnh cho tâm hồn". Sa mạc là đường đi một mình, một mình với những giằng co sợ hãi trước cõi vô hình và trước cái chết!
Đêm Satan, Đêm Đức Tin là cuộc chiến một sống một chết cho vị linh-mục trong truyện. Thật vậy "nói tin vào Chúa thì đơn giản. Nhưng khi niềm tin bị thử thách đến sự sống, đến của cải, đến những yêu thương của mình, khi niềm tin bị thử thách bằng thương tích, chúng ta mới biết rõ niềm tin của chúng ta thế nào". Tác-giả đưa ra hai kết chuyện : - có thể vị linh-mục bị Satan đánh ngã gục trên bàn thờ trước đoàn con chiên trong thánh lễ, sau đó đức tin đã trở lại với mọi người; - và có thể Satan bị vị linh-mục thắng đưổi khỏi nhà Chúa và từ đó không còn bóng Satan. (Trong Đường Lên Núi Cao và vài truyện khác, tác-giả cũng đưa ra hai kết hồi câu chuyện).
Truyện Ngục Tối xoay quanh chủ đề lương tâm, người phạm tội hay làm ác luôn bị ám ảnh bởi những con mắt tưởng đang nhìn mình. "Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm". Ám ảnh nhập vô lương tâm, bóng tối đã nhập trong tim, thì nhân-vật ông lão mới nhận ra lão là kẻ thù của chính lão. "Người ta cần kẽ thù để sống chứ không thể sống mà kẻ thù là chính mình". Thiên đàng và địa ngục cùng hiện hữu, tất cả tùy thái độ và con tim của mỗi người và phải có tự do, phải tỉnh thức đừng trở lại khu 'rừng già cám dỗ' - căn nhà tập quán tối tăm!
Dưới hình thức truyện cổ tích tình-yêu, truyện Lời Cản Ngăn Trên Lối Về khai thác tiếp những ngục tù khác, ngục tù căn nhà Tập Quán mà người nữ đã Lỗi Phạm, đã bị Satan đánh lừa. Trong tình-yêu, phải luôn tỉnh thức là vậy!
Nụ Hôn Trong Đêm Không Ngờ, bất ngờ như cuộc đời, như nụ hôn tượng Chúa chịu nạn và nước mắt đã chảy của người đàn ông, "dòng nước mắt duy nhất đã rơi xuống trên cung thánh, trong nhà thờ của (vị linh-mục) vào đêm Chúa chịu nạn". Truyện kết tập, Tiếng Gọi, của người nữ tên Phượng, của tình-yêu, hay Lời của Thập giá, biết theo tiếng gọi nào đây? Giấc mơ nhưng phải chăng tiềm thức giữa đường tra vấn, thôi thúc!
*
Tiếng Gọi Phiá Bên Trong gồm những truyện ngắn về tâm linh nhưng khởi từ những mảnh vụn của đời thường, từ những khía cạnh hay vấn đề tâm lý, xã hội và cả tín ngưỡng. Những truyện Con Muỗi, Miền Cô Đơn, dùng tình-yêu đôi lứa làm nền câu chuyện, kết cục đều bi đát nhưng chất chứa hy vọng, hiểu biết. Tiếng Đàn Không Người Đánh là một bản tình ca thật đẹp : tiếng phong cầm nghe trong tâm hồn, "khi mình hạnh-phúc thì ở đâu cũng nghe như có âm nhạc, và tiếng ngọt ngào êm ái tỏa sẽ khắp không gian (...) Tiếng đàn đó là rung động của tình-yêu". Chiến tranh đã đem người nữ đó vĩnh biệt trần gian, nhưng dư âm hãy vang vang và người nam trong truyện nay đi đâu, gặp ai cũng giống gặp lại nàng và "sẽ để lại trong hồn nhau những tiếng đàn dặt dìu huyền nhiệm ... gọi về thênh thang của tình trời".
Bàn Tay dựng lại hình ảnh những con người từ tro tàn lịch-sử và biến động xã hội, chính trị một thời. Nhân quả nhãn tiền vì cuộc đời từ cách mạng mùa thu với 30 năm nội chiến, đã khiến kẻ gieo nhân tàn độc sẽ phải gặt lấy quả đọa đày ngay trong kiếp này; từ bá hộ giàu nứt vách, của ăn không hết, mà ở ác, trở thành kẻ tật nguyền đi xin ăn; định mệnh trớ trêu xui gặp lại người khốn khổ ngày xưa đào cắp khoai chỉ tìm sống vì con đói mà bị ông sai tá điền chặt hai ngón tay. Bàn tay thiếu hai ngón đó nay bốc gạo cho người ăn xin mà gạo cứ rơi ra : "Nếu bàn tay kia lành lặn thì cái phúc bàn tay ấy làm cho ông hôm nay sẽ nhiều hơn. Hình ảnh đó siêu bạo quá. Cái phúc hay cái bất phúc là do mình tạo nên... Vắng yêu thương thì chính đạo cũng thành tà đạo"!
Mẹ May Mắn Hơn Con? Nói về thân phận phụ nữ bị bán qua Đài Loan làm nô lệ. Bao Giờ Mới Hết Tàn Bụi và Tìm Ngọc đề cập đến những bi kịch đã xảy ra cho người Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XX kéo dài đến nay. Trong Bao Giờ Mới Hết Tàn Bụi, hai sui gia thuộc hai chiến tuyến đối đầu nhau, bên 'ngụy', bên 'Việt cộng': "Kích thích của những ý thức hệ mà họ đã say mê như men rượu, trong mù tăm của bệnh hoạn họ tiêm cho mình những liều thuốc mà nay không sao gột rửa hết được (...) Cuộc chiến qua rồi, không còn mưa dầm đất ẩm trường sơn với những cơn sốt rét cấp tính. Trại cải tạo với nhục nhằn cũng qua rồi mà sao âm hưởng nó không hết. Lau thế nào cũng cứ trơ trơ dấu vết. Phải đợi tới khi chết rồi các sọ người mới giống nhau".
Truyện Cổ Tích Chưa Được Kể tiên đoán rằng một thế hệ sau này nào đó sẽ không ngờ những chuyện vừa xảy ra đã như xa xưa lắm ('ngày xửa ngày xưa' bị xem là ngôn ngữ của kẻ chết, vả lại nếu có kẻ khai quật tro tàn, sẽ tìm thấy những bộ xương ở hướng Bắc đa số có đeo một thẻ đòng khắc hình dấu chữ Hồ, xương hướng Nam in hình chữ Ngô), những chuyện anh em cắn xé để rồi tiêu diệt lẫn nhau, chuyện "rồng phương Nam chỉ loanh quanh trên bờ, nhiều con lộn xuống biển, ôi! Chết không biết bao nhiêu là cơ man", vì dù anh em nhưng "bên nào cũng tự nhận là thông minh cực kỳ nên cả hai đều khốn khổ, đói rách lầm than". Không tin vì người ta sợ, nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Cái Chết Của Ông Cha dựng lại những oan cừu của một họ đạo. Truyện như tham chiếu (hoặc là tấm kính) những trò thời thượng hội nghị, báo cáo 'thị trường', 'chiến trường' rốt cùng chỉ là những độc hại cho tập thể với những tệ đoan tham nhũng, ăn cắp, những nơi mà Satan đều tìm cách len lỏi vào để phá hạnh-phúc của con người. Công trình trùng tu bàn thờ và gian cung thánh đã đưa đến cái chết của vị linh-mục già ngay trong thánh lễ, trên chính bàn thờ đang dâng lễ, vì mấy bao xi măng bị một giáo dân tham lam đánh tráo bao đất. Cái chết gây mất mát lớn cho đời sống thiêng liêng của giáo dân, và người ăn cắp đó phải đối đầu với tòa án lương tâm, bản án kéo dài kể cả sau khi chết, vì linh hồn bất tử!
Truyện Tiếng Chuông nói về một họ đạo khác và đời linh-mục thánh thiện của một cha xứ. Cha bị mang tiếng là keo kiệt. Khi cha được về hưu cũng là lúc họ đạo xây nhà thờ, cha đã bỏ công sức và cả ra tay xây dựng đến phải té bị thương. Giáo xứ có được nhà thờ do tiền của một vị ẩn anh, sau mọi người mới biết tiền đó là số tiền cha đã giữ lại tiền giáo dân đã xin lễ với ngài, nay ngài giao trả lại - vì ngài xem như 20 năm qua đã giữ giùm, rồi đơn độc đi về nhà hưu dưỡng với chiếc va-li bạc màu. Tác-giả khi được mặc áo dòng về quê, đã đến thăm cha xứ già, đã cảm kích và cảm thấy được hạnh-phúc vì bóng hình ngài can trường trong thánh thiện sẽ là sức mạnh nâng đỡ tác-giả bước tới.
Các truyện ngắn trong tập này thành công gây suy nghĩ đồng thời là những áng văn chương thành công về kỹ thuật cũng như ngôn ngữ và hình ảnh sử dụng. Ngoài ra, một số bài suy niệm cũng mang tính văn chương cao của truyện ngắn, như Mùa Xuân Im Lặng Trong Đôi Guốc (đk 51), Lối Đi Của Con Kiến (đk 71), Trang Hồi Ký Của Tòa Giải Tội (đk 53), Tiếng Gọi Bên Rừng Thu (đk 49, “Tiếng Thu chỉ nói với con tim hành khất đi tìm lý tưởng, muốn nghe tiếng thu, cần con tim hành khất của kẻ chấp nhận làm hành khất như Đức Kitô”). LM Nguyễn Tầm Thường hứa hẹn sẽ ra tiếp tập truyện khác, Ngoài Cửa Nhà Thờ, gồm những truyện 'gọi đường vào tâm linh'
Trong tập Nhật Ký và một số truyện ngắn và trong trong vài suy niệm, LM Nguyễn Tầm Thường nói đến các thân sinh của ngài, phần lớn là kỷ-niệm, là quá khứ nhưng là những tâm tình sâu đậm. Đoản khúc 99 (Của Dâng Cho Cha - Của Biếu Cho Mẹ) ghi lại tâm tình của ngài đối với cha mẹ ngài. "Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe những người chung quanh nhiều lắm. Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống? Nhiều khi mẹ nói bằng im lặng của lòng mẹ" vì "Kinh nghiệm chỉ mua bằng thời gian (...) Thời gian có thể làm hồn ta hạnh-phúc hay mang thương tích. Chớ gì chúng ta biết lằng nghe sự huyền nhiệm của thời gian". Nơi khác : Những 'quan tài' của người Mẹ "sống mà không được nhớ tới là sống trong lạnh lẽo của mộ sâu" (đk 41, Cỗ Áo Quan). Tập Nước Mắt Và Hạnh Phúc viết nhiều về quá khứ và tình cảm (kỷ niệm là hạnh-phúc hay vết thương?), về người thân (Quê Hương Và Tin Mừng), v.v.
Bút ký
Tập Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục, với tiểu tựa 'suy niệm viết trên đường đi', là bút ký của một năm (2001) hành hương ở nhiều nước thuộc châu Á, bắt đầu ở Ấn Độ trùng với 'năm thánh' của đạo Hindu, năm mà chừng bảy mươi triệu người sẽ đổ về sông Hằng Ganga để tắm gội tội lỗi trong vòng sáu tuần lễ.
Hành hương tức là đi cùng suy niệm, đi để nhìn, để học hỏi. Từ cuộc hành hương tìm Chúa, qua con người, ở những địa danh không hẳn phải là đất của đạo Công-giáo, LM Nguyễn Tầm Thường đã tìm lại mình, đã nghe được mình, đã thêm dấu chứng về ơn sủng, về đức tin, về Chúa.
Hành hương đến đất Ấn, giai đoạn đầu học Thiền (zen) và suy niệm (meditation) trong 10 ngày. Học phương pháp thiền niệm 'thấu đáo sự vật' (vipassana) cho tâm trí sáng suốt., suy niệm về cái Không. LM Nguyễn Tầm Thường từ tập niệm, nhận ra phương pháp không xa lạ với linh đạo thánh Inhaxiô trong tiến trình linh thao: 'sống bình tâm trọn ý Chúa'. Công-giáo có suy niệm nhưng thiếu huấn luyện về phương pháp, "người công giáo rất sợ tĩnh tâm thinh lặng" (bản 2005, tr. 171). Sau đó là thiền viện Công-giáo Bodhi Zendo và hành hương qua những miền quê hoang dã cũng như nơi đô hội, những bidonvilles với những slums, những phân biệt giai cấp, và những nơi thanh tịnh, những 'thiên đàng đã mất', v.v. Trong ba mức độ của tội lỗi, tâm, lời và hành động, giáo lý (ảnh-hưởng triết Tây) thường xem hành động là nặng nhất, nhưng câu chuyện về hai đệ tử Visto và Raja (Trí sạch - tâm an) cho thấy tội lỗi là từ Tâm. "Bài học đầu tiên cho các con ... là Trí sạch, tâm an các con sẽ hạnh-phúc. Bánh xe hành động theo sau trí sạch, tâm an là bánh xe về thiên đàng với kẻ theo Chúa, về Niết Bàn với kẻ theo Phật. Chúa và Phật đều trí sạch, tâm an". Với người nhập tu học một đạo, đó là "ít kinh kệ, giàu tấm lòng. Tâm an, trí sáng"(tr. 106).
Đất Ấn, nơi dòng sông Hằng huyền bí, LM Nguyễn Tầm Thường tìm lại quá khứ, hạnh-phúc bất ngờ được ngồi trên con đò như trong Câu Chuyện Của Dòng Sông (Siddhartha của Herman Hesse) mà linh-mục đã đọc thời trẻ, sống cái hiện tại với kỷ niệm đã qua. "Ngày mai tôi sẽ xuống bến đò, nhờ ông lái đò đưa tôi ra giữa dòng sông. Dòng sông mơ hồ cuốn hút tuổi thơ của tôi trên ba mươi năm qua" (tr. 157). Nơi "dòng sông huyền bí của biết bao nhiệm mầu", nơi mà đáy lòng sông chứa biết bao sọ người trước có thể của những nhà thông thái, cách-mạng, nghèo, giàu, ... nhưng nay cùng giống nhau ở chỗ cùng rỗng tuếch. Nơi để hiểu những bí ẩn của cuộc đời, của định mệnh. Và của ngày sau: "Con sẽ chết như bao tín đồ Bà La Môn ở đây. Xin Chúa là dòng sông định mệnh cho con về. Ôi! Tâm trí con sẽ suy nghĩ gì, trái tim con sẽ sống thế nào để Chúa chờ đón con vào dòng sông vĩnh hằng linh thiêng là chính Chúa." (tr. 166).
LM Nguyễn Tầm Thường có những nhận xét có tính văn-hóa và rất mở về những điêu khắc tả những hành cử làm tình của các đền thờ Ấn-giáo: "Trong suy nghĩ Kitô giáo trước hình ảnh Lingam của đền thờ Ấn-giáo, tôi thấy tôn giáo này mang một chiều kích rất sâu không chỉ về sự sống mà về cả hành vi yêu thương trong đời sống vợ chồng. Tất cả hành vi ấy là thánh thiện và đẹp vô cùng. Nếu vợ chồng nhìn các biểu tượng ấy như vật thánh, họ phải kính trọng, yêu thương nhau. Nếu tất cả sự sống bắt đầu từ kết hợp ấy, họ phải vô cùng trân trọng những cử chỉ yêu thương ấy như một niềm tin tôn giáo" (tr. 178). Một xác tín như vậy đã phải xuất phát từ những căn bản triết lý và tôn-giáo sâu xa - dĩ nhiên không phải là thanh giáo!
LM Nguyễn Tầm Thường ghi lại chân dung tinh-thần (và thể-chất) Mẹ Têrêsa Calcutta rất thánh thiện, Mẹ quý Thánh lễ, linh-mục đã đến thăm mộ Mẹ Têrêsa và làm thiện nguyện ở những căn nhà chờ chết và đã cho rằng "Chúa dùng người đàn bà này để vẽ chân dung Thiên Chúa bằng ngôn ngữ thật tuyệt vời". Chính Mẹ Têrêsa đã can thiệp cho một gia đình người Việt vượt biên, khiến đã xảy ra những việc lạ lùng khó tin.
Con đường hành hương sau đó đưa LM Nguyễn Tầm Thường đến Madras, nơi thánh Tôma đả đến Ấn truyền giáo và chết tại đây. Hành hương cổ thành Goa, 'miền đất mong đợi', nơi có xác Thánh Phanxicô Xaviê, thánh đã được thánh Inhaxiô cử đi đến với dân ngoại xa xôi vào thế kỷ XVI. Tác-giả đặt trong cuộc hành hương mơ ước đã thật sự khởi từ mộ thánh Phanxicô Xaviê ở đảo Thượng Xuyên (Trung Quốc), nơi ngài chết. Với những hạnh-phúc và bất ngời làm xác tín thêm đường đi của mình!
LM Nguyễn Tầm Thường tiếp tục đi 'thực địa' để tìm hiểu, ở quê hương Việt-Nam, như về Bến Tre để gặp vị linh-mục đã trừ quỷ, để nghe và phỏng vấn kiểm chứng chuyện cô Hồng, người phụ nữ bị quỷ nhập vì quỷ nhập là điều có thật và đã được Giáo hội xác tín. "Người ta cũng là một thứ mồ mả. 'Các ngươi giống như mồ mả tôi vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác’(Mt. 23:27)" (tr. 231). Sức mạnh của bí tích rửa tội đã cứu cô Hồng! Suy niệm về việc trừ quỷ ám tiếp nối trong đk 56, Vắng Chúa : "Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện", "không có Chúa trong tâm hồn mà làm việc nhân đức, nhiều khi gieo thảm họa cho mình, cho Hội Thánh".
Kẻ Đi Tìm là tập bút ký về cuộc hành hương nơi Đất Thánh. LM Nguyễn Tầm Thường đang viết và một phần đã đăng trên trang dunglac.net, chứng tỏ thêm một lần ngài tinh thông lịch-sử, thần học cũng như sự chân thành học hỏi, suy niệm. Linh-mục đưa người đọc đến Đất Thánh, sống lại những cảnh hai nghìn năm xưa và đi lại những con đường Chúa Giêsu đã đi qua: đi bộ trong sa mạc để cảm được thế nào là đường Jerico, dự cuộc rước Lá trong đền thờ Golgotha, sống ý nghĩa về người mù Batimê, hồi tưởng cuộc kiếm tìm của Dakêu và chuyến đi sau cùng của Chúa Giêsu từ Jerico về Jerusalem, đền thờ mang tên Flagellation, nghĩa là Đền thờ Chúa bị đội mạo gai và đánh đòn, đền thờ Gallicantu, nơi thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần, v.v. Đền thờ Gietsimani ở nơi trước là Vườn, nơi Chúa Giêsu bị bắt và các môn đệ bỏ trốn hết. LM Nguyễn Tầm Thường cho biết: "Tôi không thể tìm vết chân chạy trốn nơi đây. Sự chạy trốn có hay không là ở trong lòng những kẻ hành hương mà thôi. Tôi không thể tìm phiến đá nào Chúa đã quỳ. Phiến đá nào mang dấu ấn lịch sử kia là trái tim mình mà thôi. Tôi không thể hỏi gốc ôliu nào chứng kiến sự kiện". Nhắc lại chuyện Giuđa năm xưa dùng cái hôn để nộp Con Người, LM Nguyễn Tầm Thường nêu tra vấn: "Câu chuyện hai nghìn năm trước cũng là câu chuyện hôm nay thôi. Trong đời sống hôn nhân người ta đã chẳng từng than thở: ‘Chúng ta dùng cái hôn mà phản bội nhau sao?’. Trong đời sống tu hành, người ta đã chẳng dùng giáo đường là bóng mát lừa dối sao? Không cần tìm nhân chứng xa xôi, chúng tôi tin là nhân chứng đó trong cõi lòng của chính con người". V.v. và v.v.
*
LM Nguyễn Tầm Thường hành hương, đi 'thực địa', và sống thực, hòa mình trong mọi hoàn cảnh và không gian, vừa đi vừa nói chuyện, tả cảnh, kể chuyện, suy niệm và tâm sự (viết bút ký hay nhật ký trước hết là tự nói với mình); gấp tập Nhật Ký ..., nhờ LM Nguyễn Tàm Thường, người đọc cảm thấy gần gũi các tu sĩ hơn, linh-mục không là một đỉnh cao khi được thụ phong chức thánh, mà là một "tập thành", một "trở nên", ngày một thánh thiện, hoàn hảo hơn. Và con đường đó các ngài đã và còn phải đi một mình, mỗi người, mỗi hoàn cảnh! Ngoài ra, trong tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường, vai trò của ký ức được đặt nặng - ký ức ở đây là từng sống, từng nghĩ, trong một hiện tại, hôm nay, cùng lúc dàn dựng, dự phóng tương lai, một tương lai có ý nghĩa vì đang khởi từ mầm mống hôm nay.
Dù ít nhiều chủ đề hay luận đề tôn giáo, các thể-loại thơ và truyện ngắn cũng như bút ký đã được LM Nguyễn Tầm Thường tài tình sử-dụng. Tính chất nghệ thuật đích thực đó có thể là lý do các tác-phẩm được tìm đọc và tái bản nhiều lần. Người đọc có cảm thưởng linh-mục Nguyễn Tầm Thường muốn đạt đến tình trạng tâm hồn siêu thoát, viết và giảng bằng văn-chương và cả bằng cuộc sống niềm tin, như đã có lần diễn bày trong truyện Đường Lên Núi Cao.
Nội dung Tin Mừng
Các hình ảnh thường gặp trong tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường: những sân ga, con tàu, dòng sông, con thuyền, bến đò, cây nho, người làm vườn, chiếc áo, mũi tên, tiếng hót con sơn ca, những con sâu đo, sâu tằm, những dấu chân xưa, đôi guốc, v.v. Đấy cũng có thể là những hình ảnh được các cây bút khác sử-dụng hoặc được dùng để dẫn nhập vào các tín ngưỡng, tâm linh khác. Nhưng ở LM Nguyễn Tầm Thường, nội dung Tin Mừng mới là trọng điểm. Toàn bộ tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường trình bày những suy niệm linh thao theo truyền thống của thánh Inhaxiô. Điểm chính, hay đích phải tới, và thường trực, đó là đường phải đi một mình, vì "nhân đức là bình dầu không vay mượn được", "không phải để người khác lên trời thay mình hay thuê người khác xuống ngục tối thay ta" - "Vì thế Kinh Thánh không thể chỉ cho ta cách vay mượn mà chỉ có thể dạy ta 'hãy tỉnh thức'", cho nên phải tránh rơi vào cảnh khi chết có đèn mà không có dầu (đk 78, Đêm Tìm Dầu)! Hành trình tu đức như thánh PhêRô: "Đường đi một mình là đường riêng của mỗi người phải đi trong mầu nhiệm của sự chết và sự sống" (đk 63). Phải lên đường, và một mình, vì tình-yêu, đau khổ, nô lệ, ... là những hệ lụy cá nhân vì nói như LM Nguyễn Tầm Thường, có ta hay không và ta có sao thì cuộc đời vẫn như thường:
"Tôi chối từ Thiên Chúa,
Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần tôi chứng minh có Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng không cần kẻ khác chứng minh cho tôi biết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì không cần chứng minh.
Như mặt trời không cần ai chứng minh về ánh sáng cho người mù. Như người dưới căn hầm, mặt trời không hiện diện với đôi mắt ấy mà thôi, mặt trời vẫn hiện diện với vũ trụ.
Từ đó,
Lạy Thượng đế, xin cho con biết kêu lên: Con biết con cần Ngài" (đk 77, Con Cần Chúa).
Như vậy người giữ Đạo phải làm thế nào? Phải lên đường, một mình, cá nhân tự cứu, tự tu, chứ không phải để vinh danh cái Tôi. Phải biết ngồi bên bờ xét lại, phải biết lắng nghe tiếng của hồn mình, tiếng hồn gọi xác. Và xác tín rằng Con cần Chúa:
"- Lạy Thượng Đế, lạy Trời Phật, con biết con cần Ngài.
Bởi, đó là con đường đi rất đẹp của một phàm nhân".
LM Nguyễn Tầm Thường mở thêm "Thượng Đế, Trời Phật" cho người tín ngưỡng khác. Tập Con Biết Con Cần Chúa đặc biệt về đạo, có đạo, ngoại đạo, vào đạo, bên cạnh kinh nghiệm của Yoan Tẩy-giả, trong đk Sa Mạc.
Một điểm khác, đó là : "Lời Phúc Âm chỉ có vậy, nhưng tùy cách nghe mà lời đó khác" (đk 77). Cả học biết cách nhìn cũng quan trọng không kém (đk 57, Đôi Mắt). - LM Nguyễn Tầm Thường viết, suy niệm và chia xẻ và các đề tài là để tìm kiếm Lời Chúa như trong các câu:
- "Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha ?",
- "Chúa ở cùng anh chị em - Và ở cùng cha".
- "Lạy Cha, nếu được, xin cất chén đắng này khỏi con".
- "Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em ..."
Với những nhận thức 'con cần Chúa', 'xin cho được lắng nghe', con người sẽ hết ngạo mạn (như Nietzsche, Feuerbach, Kierkegaard, Marx, Sartre, ... đã từng). LM Nguyễn Tầm Thường lưu ý người đọc về cái Tâm, quan trọng dường bao để hiểu con người và tội lỗi cũng như đức tin.
Nơi một làng quê hoang vắng của Trung quốc trong chuyến hành hương thăm mộ thánh Phanxicô Xaviê, LM Nguyễn Tầm Thường đã nhìn thấy đức tin giữa vết tích của ngôi nhà thờ hoang vu đổ nát qua một ông cụ ngày ngày lau chùi những chân cột còn lại (đk 4, Giáo Hội; đk 28, Lý Tưởng). LM Nguyễn Tầm Thường cho biết rằng "Hoa không chọn nơi nào đẹp mới tới, mà, bất cứ nơi nào tới hoa sẽ làm đẹp nơi đó. Hoa thành thật. Hoa bao dung ... " (đk 6, Hoa Nghĩa Trang).
Hình ảnh, ẩn dụ giàu nghèo, như chuyện người anh sống bên gia nghiệp lớn mà cứ nghèo, ao ước một con dê con mà chẳng được, và "cái bất hạnh của người con trưởng là không nhận ra tình thương của cha. Trong tình-yêu, khi không nhận ra thì cũng không nhận được" (đk 79, Anh Cả). Và người cha LÀ chính tình-yêu. Có tình-yêu khi mình chấp nhận nhìn hạnh-phúc của người kia chứ không phải khi nhìn người đó mà mình hạnh-phúc, chứ không phải xây ngục thất để giữ người mình yêu (đk 2, Tình-yêu). Thành công vật chất có thể dễ nhưng thành công thật là thành công của Tin Mừng mà ta phải tinh tế lắng nghe (đk 5 Thành Công). Và tình-yêu cao cả là tình-yêu liên hệ, liên hệ Chúa-mỗi người, một liên hệ trung thành (đk 62, Thiên Chúa Ba Ngôi).
Ẩn dụ Những Làn Khói (đk 88) được đề cập đúng tình cảnh của người Việt ở hải-ngoại hiện nay. Làn khói trắng lịch-sử ở công trường Rôma báo tin mừng bầu Đức giáo hoàng mới, nhưng con người hôm nay bị quá nhiều làn khói trắng đen không phân minh và thường xuyên khói ở cuối nhà thờ thì nhiều, nhất là những nơi người ta ăn nên làm ra: những raising fund và quyên tiền giúp người nghèo này kia xuất hiện với đủ kiểu đủ lý do, giáo dân tổ chức cũng có mà các tu sĩ cũng có. Những làn khói làm cay mắt mọi người, vì khi linh-mục chạy theo fund, sẽ đánh mất vai trò làm sứ ngôn, sẽ không còn nói cho giáo dân về Chúa và do đó giáo dân đến nhà thờ sẽ ít được học về Chúa. Vì làn khói cay mắt đó, giáo dân sẽ bỏ nhà thờ đi. Raising fund tốt khi thực sự tốt, chính đáng, kiểm chứng được, nhưng rốt cùng đều sẽ đưa đến tranh giành, chia rẽ, về hùa power : giáo dân thì rơi vào tình cảnh hoang mang khói trắng khói đen, còn người chủ trương hay linh-mục thì mất lương tâm trong sáng, bao dung, ... Mẹ Têrêsa Calcutta được tôn vinh là đồ đệ đích thực của Chúa Giê-Su, còn những vị này?
Ẩn dụ Chiếc Giây Thừng (đk 80): "Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Giây thừng ở trong tay Chúa để trừng phạt và tự trừng phạt những kẻ "lấy của lễ lừa dối nhau và lầm lẫn về của dâng cúng" của những "tay lưu manh đùng rình mò trong đền thờ ... bầy thú tranh nhau ăn, cắn nhau đến đổ máu dính lên người tôi (giây thừng) ... Chúng là tiếng sủa thương đau của nhiều loài thú khác nhau. Những vết máu dính trên người tôi cũng chẳng khác gì những vết thương mà con người mang trong hồn do chính họ tạo nên bởi đam mê tội lụy"."Khi thầy tư tế bán của lễ thì thiên thần đứng khóc. Khi tín đồ mua lầm của thì quỷ dữ đùng cười. (...) Khi của lễ là đơn vị kinh tế thì lòng thật thà thành rình mò". Ba bộ mặt kinh tế, chính trị, tôn giáo mà mưu mẹo đem vào đền thờ thì sẽ hại đến đời sống tâm linh, của lễ thành thờ cúng ngẫu tượng, thành nhỏ nhoi, hết bình an, khiến hương khói trở nên u uất của những làn khói đen (đk 67, Áng Hương Lòng). Rồi những tệ nạn cạnh tranh trong việc thờ phượng Chúa; nhà Chúa phải hiểm nguy, phải chịu hậu quả trở nên hoang tàn (đk Nhà Thờ, NM&HP).
Hình ảnh Những Hòn Đá Mềm (đk 93) gây suy nghĩ, làm ‘nhức nhối’ - như chữ dùng của tác-giả : những hòn đá cứng mà người Do thái Pharisêu đáng phải ném người đàn bà họ kết án là tội lỗi (theo luật) đã mềm đi. "Vấn đề nhức nhối hơn nữa là nếu cạnh sắc của những hòn đá cứng đó, hôm nay, đang nằm trên chính tay mình. Ném hay rút lui?". Có khi chưa ném mà đã gây thương tích. "Lối đi của Ơn sủng là chữa lành. Khi một cộng đoàn Kitô hữu mà không chữa được những vết thương cho nhau, nhất là vì cộng đoàn mà nỗi đau của cá nhân nọ, của gia đình kia càng đau đớn thì ta biết rõ họ không đi trong ơn sủng. Đấy không phải là cộng đoàn Kitô hữu" (đk 81, Lối Đi Của Ơn Sủng).
Theo LM Nguyễn Tầm Thường, Thập Giá và Thánh Giá (đk 20; đk Thánh Giá, NM&HP) thường bị hiểu sai, như biểu tượng với ngẫu tượng. Người ta hễ gặp tai ương, khốn khó hay bị bất hạnh đều nói an ủi hoặc 'kết án' là vác thánh giá, trong khi Thiên Chúa muốn con người hạnh-phúc! (Thánh Giá Bên Chiều Mưa Rừng, NKCMLM) "Không có tình-yêu thì thập giá không là Thánh giá". Có bác ái mới thật có Thánh giá!
Tập Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục đã ghi lại một số hình-ảnh và ngụ-ngôn tiêu biểu cho suy niệm, như chuyện đạo sĩ Sadhu khổ tu sống đơn giản, không mảnh vải che thân, sắp thành đạt thánh nhân nhưng đã bị của cải, vật chất lấy mất tự do, đánh mất lý tưởng. Nhà văn Hồ Hữu Tường cũng từng kể chuyện phút chót không đạt đạo trong truyện Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp. Thế mới biết không dễ hạnh tu, vì 'hãy tỉnh thức và cầu nguyện' dễ mà khó!
LM Nguyễn Tầm Thường có những trang viết thật hay và có tính thuyết phục về nhân quả, tội và bí tích giải tội: tội và luyện tội, như nhân quả, nên được giải tội, tội được tha, nhưng vẫn còn hậu quả, có khi suốt đời. Tình cảnh của những con sâu bướm (đk 50): sâu vì bị ghét, nên khôn ngoan kín đáo phá phách, như "linh hồn và những ẩn kín của một lương tâm gian dối"; do đó cần sám hối, để trở nên như những cánh bướm đã từng làm sâu cắn nát hoa lá, bị ghét - cánh bướm là hình ảnh mơ ước cho tâm hồn. Hệ lụy đớn đau của phạm tội, nhưng khi nhận thức được, đời sẽ hạnh-phúc hơn: "Khi mình chữa vết thương của người khác thì nó lại lành chính vết thương của mình". Satan và những đại diện chúng là bóng tối, là nguy cơ, có khi thật tinh vi. Kẻ có tội không hợp với Thiên Đàng, sẽ tự ra khỏi và vô chốn luyện tội, vì Thiên Đàng bản chất là Tình Thương. "Luyện tội là nơi lòng thương xót Chúa tạo cơ hội cho tôi bẻ gẫy cây cung (bắn người), rửa thuốc độc trên tay, thanh tẩy đôi mắt, học ngôn-ngữ Thiên Đàng,..." (đk 54, Luyện Tội). Nhưng trước đó, ngay bây giờ, theo LM Nguyễn Tầm Thường, phải thật lòng hòa giải, vì hòa giải là bí tích của gia đình chứ không chỉ cá nhân như nhiều người vẫn nghĩ và không phải xưng là đã yên ổn lương tâm và thành tích! 'Tên trộm lành' có tâm đức và biết kính sợ Thiên Chúa, tức đã phải trải qua một hành trình thiêng liêng mới có được những lời thốt tốt lành trên thập giá! (đk 87, Nhân quả, và bài "Kinh Tin kính của tên trộm" trên vietcatholic.net).
Như vậy, LM Nguyễn Tầm Thường đã tác động, lay tỉnh những quán tính, những thói quen do ỷ lại hoặc lười biếng, quá tự tin: xin lễ trọn đời, nhờ người khác đọc kinh cầu nguyện giùm, giữ đạo hình thức, xưng giải tội mà không đền tội,... Sự (tưởng là) hoàn thiện trở nên đổ nát, khiếm khuyết, xa lạ! Những lời chúc mừng (đk 34, 94) theo thói quen đến mất cả nội-dung, ý nghĩa - mà thật ra mỗi lời chúc đều phải nói với mình về một ý nghĩa, nói với mình về chính mình và nhất là đều nói với mình liên hệ giữa con với Chúa. Và có những điều người đời thường tránh thì LM Nguyễn Tầm Thường nhắc nhở nên có, để được thanh tẩy, như những món nợ mà thánh Phaolô từng căn dặn các giáo hữu :"Các con hảy nợ nhau tình thương mến".
*
Đối tượng của những suy niệm và học hỏi qua toàn bộ tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường không chỉ là những giáo dân, mà cả giới tu sĩ. Đề cao việc phục vụ tha nhân tức không tìm kiếm lợi nhuận vật chất, mà những đóa hoa nở theo bước đi tới trước. LM Nguyễn Tầm Thường đã tâm niệm "Tôi muốn làm nở hoa bất cứ con đường nào tôi đi tới"! Thời nay Giáo hội đã và đang có những vấn đề lớn nhỏ đưa đến khủng hoảng đức tin. Có những giáo dân, cộng đoàn và linh-mục chỉ biết dựng cơ nghiệp vật chất mà bỏ quên cơ nghiệp thiêng liêng, hay "chỉ theo 'kẻ giảng về Chúa' chứ không chắc là theo Chúa nên khi thần tượng sụp đổ thì Thiên Chúa của niềm tin chao đảo". LM Nguyễn Tầm Thường kêu gọi nhìn lại hình ảnh Yoan Tẩy-giả là tông đồ đã nhìn thấy Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa khi ngài đi ngang qua trong sa mạc (LM Nguyễn Tầm Thường cắt nghĩa là 'dán mắt' vào Đức Kitô chứ không phải 'thấy' bình thường - đk 7, Kẻ Theo Ngài).
Con người không là gì hết trước thời gian và Thiên Chúa, sự hiện hữu và quá khứ của một cá nhân cũng không là gì nhưng có thể lại là tất cả nếu có ý thức, vì lịch-sử thì liên tục, cho nên đời sống tâm linh của con người được giàu thêm là nhờ quá khứ, khi dùng quá khứ mà suy niệm, để hiểu Tin Mừng và tìm Chúa.
Ở LM Nguyễn Tầm Thường, các hình thức diễn tả là ngoại hiện của Tin Mừng nhưng có căn gốc nhân bản của Tin Mừng. Các hình thức này đa dạng là nhờ kinh nghiệm sống, nhờ bề dầy suy niệm của người viết. Nhờ đó, mà các bài viết của LM Nguyễn Tầm Thường mang tính tự nhiên và phổ quát nhưng đồng thời đặc thù vì chúng mang cấu trúc cơ bản và thi pháp của con chữ, nghĩa là một ngôn-ngữ mang cơ cấu tâm linh. Với LM Nguyễn Tầm Thường, hành trình đi giữa thế giới cụ thể với những vẻ đẹp huy hoàng (Taj Mahal,...) cũng như ổ bùn đầy nước đọng (Calcutta, Vailankanni, ...), với cảnh thiên nhiên hoang dã, nguyên sơ (Bodhi Zendo, ...) cũng như những nơi đầy vết tích lịch-sử (đất thánh Jerusalem, Madras, Old Goa, ..), là để suy niệm lời Chúa, để sống Tin Mừng, là một cuộc đi vào bên trong.
Có rất nhiều các linh-mục và tu sĩ Việt-Nam sáng-tác, biên soạn giảng thuyết về Tin Mừng, nhưng LM Nguyễn Tầm Thường là một trường hợp đặc biệt: linh-mục viết du ký không phải để khoe khoang những cuộc du lịch đi đây đi đó, viết nhật ký không phải để đề cao cái Tôi, viết suy niệm cũng không phải để quảng cáo cho bản-ngã tu sĩ, v.v. Và khi viết, linh-mục không hài lòng với những hời hợt, làm dáng, mà đã chứng minh ngòi bút vừa hiện đại vừa sâu lắng tâm linh; nội-dung triết lý, tâm linh toát ra qua tổng-thể tác-phẩm chứ không phải qua những tiểu xảo kỹ thuật. Bề sâu ở LM Nguyễn Tầm Thường phần lớn là những phần sâu xa trong tâm thức bị quên lãng, từ những biểu tượng và ẩn dụ đã được người Công-giáo nói đi lập lại từ hơn hai thế kỷ qua, có khi chỉ là những sự vật tầm thường đầy biểu tuợng, như chiếc giây thừng, con sâu, từ những hành vi, thái độ bình thường tưởng vô nghĩa nhưng với LM Nguyễn Tầm Thường lại đầy ắp ý nghĩa, nghĩa lý, triết lý, ... như nhặt cá, tĩnh tâm, tự xét, lời xin lỗi, rửa chân cho nhau, xuống núi, ... Cái cũ, cái bình thường, dưới ngòi bút của linh-mục, trở nên mới, như mới được khám phá ra hay khám phá lại; ... khiến cái nhất thời nhập vào cái vĩnh cửu, không thể chối bỏ, làm ngơ!
Ở LM Nguyễn Tầm Thường, cá nhân hoặc đã tan biến trong toàn cảnh dân-tộc, cộng đồng, trở thành bức tranh toàn cảnh, hoặc cá nhân nổi bật như kinh nghiệm sống, có giá trị chứng giám cho suy niệm trở nên cụ thể, trở nên con người hơn. Con người phong phú, nhưng cùng lúc, lịch-sử còn phong phú hơn vì do các mảnh cá nhân tạo thành, lịch-sử hết còn bí mật vì có sự hiện diện của các cá nhân! đã là cá nhân tức thị gần với đời sống, có khi thiếu tầm cao, nhưng được khám phá, suy niệm, thì trở thành bất ngờ và quyến rũ, trong cái rất người của cá biệt.
Những thất bại, khó xử cũng trở nên hào hùng, đẹp, như Ơn Gọi đi tu trong khi gia đình cần đến mình, như yếu đuối tình cảm con người, tuổi trẻ (tình-yêu, khó khăn cuộc đời, ..), như bớt lý trí đi để dùng tâm lắng nghe lòng mẹ nhất là khi lòng mẹ không nói nên lời. Ơn Gọi thật khó và lạ thường, vì đối với LM Nguyễn Tầm Thường chẳng hạn, đã có nhiều trở ngại và không chỉ một lần trong một chuỗi thời gian dài (đk 28, Lý Tưởng; 30, Dấu Chân Xưa), ... Lý tưởng đi tu đã không bao giờ chết trong tâm hồn một số người bị hoàn cảnh khắc nghiệt, như cô thiếu nữ 16 tuổi ở Trung quốc cộng-sản, đến hơn 70 tuổi vẫn còn lý tưởng đó, thể hiện qua đời sống (đk 28).
LM Nguyễn Tầm Thường sử-dụng kỹ thuật ẩn dụ, hình ảnh, bút pháp của Kinh Thánh, nhưng Việt hóa một cách nghệ thuật, và rất hiện đại. Trong các đoản khúc về những đề tài suy niệm và cầu nguyện, nhiều hình thức nối tiếp hay hóa trộn trong mỗi đề tài: phần lớn lời nguyện tiếp nối hoặc xen kẽ suy niệm, hoặc suy niệm với chất liệu hoài niệm quá khứ ngày rời khỏi nước ra đi tìm tự do và ngày trở về thực tại đã phải đổi thay nhưng trong bi đát, đi xuống, để chuyển qua lời nguyện Lạy Chúa (ĐĐMM, tr 108-9), ... Có khi là các nhân vật được dùng để dẫn vào đề tài suy niệm, ... Các truyện ngắn trong 2 tập đã xuất bản có truyện kết thúc bằng suy niệm hoặc lời nguyện. Điệp khúc 64, Lời Nguyện Của Cây Đèn Chầu, được trình bày dưới hình thức thơ xuôi, nhắc nhở hình thức Vãn và Tuồng thời xưa. Lời vào tập Đưòng Đi Một Mình có thể xem là tiêu biểu cho hình thức đa dạng này: hình thức bài giảng nhưng như thơ văn xuôi hoặc tư tưởng trầm tư. Dù hiện đại nhưng hình thức suy niệm khiến một số bài viết của LM Nguyễn Tầm Thường có nhạc tính và nhịp nhàng vần điệu, kỹ thuật của Vãn và kinh sách thời trước hoặc dùng thể lục bát, hoặc văn xuôi mà dùng vần điệu, dễ thấm, dễ nhớ.
Toàn bộ tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường như vậy có thể nói trước hết có tính luận-đề, thứ nữa, có đặc tính liên-văn-bản (intertextuality) và với bút pháp và kỹ thuật đặc thù của tác-giả, chúng mang thêm tính xuyên-văn-bản (transtextuality) và tính đa-văn-bản (hypertextuality, còn được dịch là đại-văn-bản; mặt khác, có thể xem toàn bộ Tin Mừng như một đại-văn-bản, nguồn cho mọi tham-chiếu). Ý nghĩa, tư tưởng của một văn-bản không hẳn đã đầy đủ hoặc trọn vẹn tự tại mà tồn tại trong mối liên hệ với các văn-bản khác, nghĩa là, giữa các văn-bản khác nhau của cùng tác-giả. Đặc tính liên-văn-bản thấy rõ trong một số đề tài như Cái Chết. Cái chết được đề cập đến lần đầu, Cái Chết để được sống, trong tập Nước Mắt Và Hạnh Phúc. Sau khi chết một năm, trong Cô Đơn Và Sự Tự Do (đk 59), 25 năm sau trong Ngày Lễ Bạc (đk 82) để nói rằng sau khi chết, "chỉ những gì tinh thần mà thuộc về Đức Kitô mới tồn tại". Ngày Lễ Vàng (đk 83) suy niệm về con người và thời gian, nay về đâu là do gieo rắc khi còn sống, và dù "về đâu thi bây giờ tôi cũng phải nói lời vĩnh biệt", vì "98 phần trăm những gì tôi nhìn, tôi chiếm hữu đều không đem đi được. Chỉ có hai phần trăm là tình-yêu Chúa và trái tim bao dung với anh em, ... là đem theo được mà thôi".
Hoặc về Ơn Gọi, LM Nguyễn Tầm Thường liên tục qua nhiều văn-bản: và qua nhiều hình ảnh, ẩn dụ: dòng sông, ra khơi một mình, con đường: làm linh-mục như chọn niềm vui mà sống (đk 84, Chọn Một Con Đường). Về Tấm Bánh Nhỏ (đk 92): suy niệm thơ, rồi suy niệm văn, như một tiếp nối chuỗi tư dưy về Ơn Kêu Gọi, khởi đi từ bài Tìm Ý Chúa trong tập Mùa Chay Và Con Sâu Bướm, Tiếng Gọi Bên Rừng Thu (đk 49) trong cùng tập, hình thức thơ, rồi Ơn Gọi (đk 76) và mới nhất là bài suy niệm Tấm Bánh Nhỏ này. Nhưng về thứ tự thời gian thì bài sau cùng là suy niệm đã diễn ra từ 1979. Để trả lời cho câu hỏi "Làm sao nghe được tiếng Chúa?", mỗi suy niệm hay dịp tra vấn mang một ý nghĩa riêng: là cách học hỏi tu đức, là tự hỏi riêng tư, là cảm nghiệm qua thinh lặng tức lắng nghe để trở nên chính mình và biết đường mình đi, lúc nào cũng một mình như tựa tập suy niệm mới nhất, Đường Đi Một Mình.
Về đề tài Thánh Thể, được nhiều lần đề cập, khi thì như phản ứng trước thực tại khốn cùng của con người, tấm bánh thành thân xác Chúa khi dâng lễ, có thể đến từ hạt gạo của vùng quê hương nghèo đói, suy niệm ra mối liên hệ giửa người với người, Thánh Thể nhắc nhở đến nhiều thân phận con người ở nhiều không gian khác nhau nhưng trãi rộng trên mặt địa cầu (đk 89). Nguyên bài như đoản khúc 85 suy niệm về Thánh Thể và đức tin, lòng mến qua Đức Ái, lòng mến trưởng thành, cử hành bí tích Thánh Thể với tâm hồn kính cẩn, thiết tha; tránh những lời chúc vội vàng như "Chúa ở cùng anh chị em", tránh đi lễ và rước mình Thánh một cách hình thức, lòng nặng nề, ... Các bài khác về cùng đề tài : Mình Thánh Chúa (đk 68); Đôi Mắt (đk 57), Lên Đường (NM&HP), ...
Cũng như về Tội và bí tích hòa giải, qua Luyện Tội (đk 54), Nhân quả (đk 87) và qua CD giảng thuyết ... Đôi mắt - cái nhìn, Đôi chân, rửa chân để nói về hòa giải, tình-yêu chân chính.
Một số đề tài suy niệm được nhiều lần nói đến, mỗi lần một khác, dưới những góc cạnh khác nhau của tâm linh hoặc của ánh sáng chói lên từ suy niệm. Tình-yêu, nhặt cá, những bước chân đi, những lối đi, nước mắt và hạnh-phúc (một thứ suy niệm thường trực, là một thứ nguồn cảm nguyện cầu của niềm tin, ...). Mặt khác, dưới ngòi bút của LM Nguyễn Tầm Thường, các nhân-vật của Tin Mừng, các Thánh cũng trở nên gần con người trần thế hơn và hợp với mọi thời đại, kể cả hôm nay, tiêu biểu nhất là thánh PhêRô qua các bài PhêRô Môn Đệ Bị Mắng (đk 52), PhêRô Lỗi Phạm (đk 60), PhêRô Chối Thầy (đk 65), PhêRô Trưởng Thành (đk 72); kế đó là Yoan Tẩy-giả, Mađalena, Martha, v.v. cũng vậy!
Thể-loại sử-dụng khác nhau, nhưng cái lõi xuyên suốt có thể nhận ra ở LM Nguyễn Tầm Thường là đạo, là chân lý, cái phải làm và những cái mà con người thời nay đang gặp gian nan, bị thử thách, phải đối đầu. Tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người hôm nay, nhất là ở hải-ngoại con người bị vây tỏa bởi tự do choáng ngợp, bởi giải phóng không mục dích, bởi một thế giới không chủ thể và con người là con số không to tướng. Thú vị khi đọc LM Nguyễn Tầm Thường là các nhân-vật có thật đã xuất hiện hơn một lần ở các tác-phẩm khác nhau, như ông già dẫn đường ở đảo Thượng Xuyên (nơi an táng thánh Phanxicô Xaviê), Paul Chen, Mẹ Têrêsa, cha Pierre Ceyrac, ...
Đọc LM Nguyễn Tầm Thường để sống lại, sống đức tin, như một người Việt Nam, đi tìm Chúa và tìm lại mình. Thế giới tâm linh muôn mặt của người Việt Nam, Công-giáo có, không Công-giáo có, miền Nam có, miền Bắc có, trong cũng như ngoài nước. LM Nguyễn Tầm Thường đa dạng đề tài và tình huống, người đọc cũng tùy hoàn cảnh mà đón nhận khác nhau. Mỗi người là một thế giới, có khi là những ốc đảo mà nếu đến gần hay thông cảm thì sẽ như một bầu trời mới. Mà những kinh-qua trong đời đã đưa họ đến với đức tin. "Mỗi người đều có một con đường, một lối đi, một chổ ẩn náu". LM Nguyễn Tầm Thường đã đưa ra nhiều tình huống, có những cảnh tượng có thể gây cảm động tột cùng như chuyện người cán bộ CS cao cấp và con trai ông ta ở Mạc Tư Khoa (đk 90, Một Lối Đi). Các tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường ngoài nội-dung Tin Mừng, có thể xem thuộc vào hàng những sách Học Làm Người như của Phạm Văn Tươi, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Hiến Lê, v.v. thời miền Nam cộng hòa.
Đọc LM Nguyễn Tầm Thường và thực hành những đề nghị, khuyến dạy – nhìn vào chính mình, xét chính bản ngã của mình, người ta dễ tìm ra mình, và từ đó, người đọc có thể tìm thấy nguồn giải phóng, tìm ra đường đi (một mình) và làm chủ cuộc đời mình. Muốn được vậy phải mở lòng ra chấp nhận cuộc đời, người khác, đạo khác, và từ mọi hoàn cảnh mà nở hoa, hoa của con tim, của tâm lành, trí sạch, việc ngay. Thiên Chúa là tình-yêu, là bình an; và Thiên đàng là nơi yêu thương, khởi từ hạnh-phúc, từ cuộc sống hôm nay, phải ca tụng và biết trân quí ngay liền. Đức tin là tặng phẩm quí giá nhất, là dấu chỉ của tình-yêu, để ở TRONG Chúa hơn là ở VỚI Chúa như thánh Phê Rô khi Trưỡng thành (đk 72; 73 Cô Đơn Và Sự Tự Do). Thiên đàng là trạng thái, là sống nối tiếp hạnh-phúc ở trần gian, và "hỏa ngục là xây tiếp những nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dở dang lúc chết" (đk 46, Để Tự Do Và Hạnh Phúc Hơn).
Nguyễn Vy Khanh (Canada)
http://ttntt.free.fr/archive/VyKhanhNguyen2.html
Về NGUYỄN VY KHANH
MAT – Sinh năm 1951 tại Quảng Bình. Vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Tây tại đại học Sài Gòn (1973), Cao học Triết Tây (1975), Thủ khoa Sư phạm Việt Hán (1974). Sau khi tị nạn chính trị tại Canada, tốt nghiệp Cao học Quản trị Thư viện tại đại học Montréal năm 1978. Hiện sống và làm việc ở Montréal và Quebec City (Canada).
– Thành viên sáng lập và tổng thư kí Trung tâm Việt Nam học và tạp chí Vietnamologica (Montréal, 1994 – 1997).
Tác phẩm chính:
Khung cửa sổ (thơ, Sài Gòn, 1972)
Lỗ Tấn và Truyện xưa viết lại (biên khảo và dịch, Nxb Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1997)
Bốn mươi năm văn học chiến tranh 1957 -1997 (biên khảo, Nxb Đại Nam, Hoa Kỳ, 1997)
Văn học và thời gian (biên khảo, Nxb Văn nghệ, Hoa Kỳ, 2000)
Văn học Việt Nam thế kỉ XX: Một số hiện tượng và thể loại (biên khảo, Nxb Đại Nam, Hoa Kỳ, 2004)
Các bài viết đáng chú ý:
Tiểu thuyết hay truyện kể
Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn Đông phương
Miền Nam khai phóng
Thế kỉ tiểu thuyết
Người và ta nhân bàn về thơ Gia nã đại pháp
Tản mạn về tính dục và nữ quyền
Từ viết đến phê bình
Ngôn ngữ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh
Nhân vật tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền
Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kì, núi, sông và nước
Thơ hôm nay
Vài ghi nhận về kịch
Miền Nam đạo lí
Đôi nét về văn học công giáo Việt Nam
Nguyễn Vy Khanh từng viết thơ, thừa nhận niềm yêu thích không khí tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền và lối viết của Nguyễn Đình Toàn (tác giả tiểu thuyết Con đường) nhưng sự học và quá trình làm việc của ông lại nghiêng hẳn về lĩnh vực biên khảo. Với tư cách là chuyên viên thư viện (librarian) ở Montréal và Quebec City từ năm 1978, quĩ thời gian của ông được dùng để “ôn cố tri tân” trong nỗ lực đi tìm sự thực và ghi lại cho thế hệ sau, nhằm thúc đẩy cái Mới cũng như niềm hi vọng về thống nhất nhân tâm và địa lí. Việc thống nhất nhân tâm và địa lí, theo ông, chỉ diễn ra khi những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa, do đó, tâm niệm và ý chí biên khảo của ông được coi như một lợi khí . Nguyễn Vy Khanh có ưu thế nhờ vốn kiến thức cổ học, triết học khá thâm sâu, trên con đường biên khảo, ông còn được bảo trợ bởi những tư liệu xác tín mà ông được tiếp xúc hằng ngày thông qua công việc của mình dù không ít lần, ông coi việc kiểm soát thư tịch là công việc đa đoan và lẽ dĩ nhiên, nhập vai hậu sinh là kẻ phê bình tối hậu mọi nền văn học đã qua thật không dễ.
Sự trình bày tư liệu trong các công trình biên khảo của Nguyễn Vy Khanh có tính giáo khoa. Khi nhìn lại lịch sử văn học quốc ngữ thời kì đầu, Nguyễn Vy Khanh lấy tiêu chí hiện tượng và thể loại văn học làm cơ sở, bởi theo ông, văn chương là đối tượng nguyên thủy tự tại, nó cần thoát khỏi cái nhìn sai lạc từ một ý thức hệ, một cao trào hay một khuynh hướng thời thượng. Tiếp nhận kiến giải của Roland Barthes về thực thể văn chương, Nguyễn Vy Khanh cho rằng những vận động, cách tân, thử nghiệm trong một giai đoạn văn học không hẳn đã chịu sự chi phối của lịch sử xã hội. Từ đó, ông kêu gọi phải trở về cội nguồn lịch sử để hiểu văn chương, mỗi thời đại phải trở về nguồn để đặt lại vấn đề, cập nhật một cách sâu xa. Trong hơn 135 năm văn học quốc ngữ, Nguyễn Vy Khanh ghi nhận vai trò khai phóng của các tác giả miền Nam lâu nay hoặc bị lãng quên hoặc được đánh giá chưa đúng mức. Những phát hiện dựa trên cứ liệu văn bản phong phú đã giúp tác giả chỉ ra: nhiều thế kỉ và trường phái văn học thế giới đã chung đụng cùng văn hóa thuần túy dân tộc trong giai đoạn sơ khởi của văn học quốc ngữ và đặc biệt, với sự xuất hiện của độc giả, văn học quốc ngữ có trở nên có tính phổ thông văn chương hơn, có vai trò lớn trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao dân trí.
Có lúc dường như Nguyễn Vy Khanh vươn cao hơn giới hạn biên khảo của mình khi ông phác thảo một vài gương mặt tác giả, tác phẩm bằng lối phê bình theo đuổi lí trí, tìm đến khoa học. Ông không dẫn nhập nhiều lí thuyết nhưng vẫn dựa vào thực nghiệm lí thuyết, đôi khi chỉ dừng lại ở mức gợi ý, để làm mới những nét đặc sắc riêng trong từng trường hợp văn chương. Các bài viết về Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Huy Thiệp, về thơ hôm nay…có một sự tiết kiệm dung lượng nhất định so với các công trình biên khảo nhưng không thiếu đi nét chuẩn mực và cẩn trọng thường thấy, hơn nữa, lại mang nhiều kinh nghiệm giác quan hữu hiệu, lí thú.
Chú tâm vào văn học sử từ 1995, khởi đi từ nguyên tắc đi tìm chân thiện mĩ, tự nhận chỉ là nhà nghiên cứu nghiệp dư với bổn phận yêu quí sự thật hơn tình đồng hương, đồng ngũ…, Nguyễn Vy Khanh đã cho thấy những khía cạnh, giá trị văn hóa trong sinh hoạt văn học.