Đức Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc (1944 - 2018). Ảnh: katholisch.de |
Người Chăn Chiên Lành
Viết để nhớ về một người vừa đi xa: Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài gòn
“I have separated you from other people, that you should be Mine.” (Leviticus 20:26)
“Ta đã chọn con từ muôn người, để con làm Linh Mục của Ta.” – Trích sách Lê-vi (Kinh Thánh) đoạn 20 câu 26.
Tôi biết ông từ tấm bé, khi còn mài đũng quần trên ghế trường tiểu học.
Ông gốc người Nam, nhưng sinh ra ở Đà Lạt, và lớn lên trong một ngôi biệt thự nhỏ nhắn, xinh xắn tọa lạc gần cuối dốc Minh Mạng, tức là con đường Trương Định, mệnh danh là “phố Tây” của Đà Lạt bây giờ.
Có lần ông ghé nhà tôi chơi, và kể với Ba Má tôi rằng ông bà Cố (tức là hai cụ thân sinh của ông) đến thành phố ngàn thông từ xưa, xưa lắm, lúc dốc Minh Mạng chỉ là một con đường đất nhỏ. Cả con đường lúc đó chỉ lèo tèo vài ngôi nhà gỗ khiêm tốn.
Là con trai một, nhưng ông bà Cố vẫn vui lòng cho ông đi tu. Nhờ lòng quảng đại và sự hy sinh của các cụ, mà Giáo hội Việt nam đã có được một Linh Mục đạo đức và tài giỏi.
Vốn thông minh, ông được Giáo hội gởi đi du học ở La Mã, ở các nước châu Âu khi tuổi đời còn rất trẻ. Chàng thanh niên – người Linh Mục, cũng như phần đông giới trí thức trẻ thời ấy, ít nhiều bị hấp dẫn bởi tiếng gọi tranh đấu cho công bằng xã hội, là một phần hào quang của Chủ nghĩa Xã hội, của lý thuyết Cộng sản. Sau này, nhiều năm sau 1975, Cha K., một linh mục thuộc lớp đàn em mà ông đã góp phần đào tạo, lúc vui đã kể cho đám trẻ chúng tôi rằng “Cha Đọc nhà mình lúc mới du học về cũng có cảm tình với Cộng sản lắm đấy!”
Năm 1975, CS chiếm miền Nam Việt nam. Chiếc mặt nạ hào nhoáng đầy lừa mị nhanh chóng rơi xuống. Thay vì công bằng xã hội là đói khổ, bất công lan tràn. Giáo Hội bị bức bách, tín ngưỡng bị kỳ thị, dòm ngó, hạn chế. Người Linh mục trẻ, được Giáo hội giao trọng trách đảm đương Đại Chủng viện Minh Hòa ở Đà Lạt, ắt thấy rõ sự thật không như những gì phe thắng cuộc đã tuyên truyền.
Những năm tháng đó, Giáo hội bị thử thách thật kinh khủng. Đại Chủng viện Minh hòa trước 75 có đến hàng trăm linh mục, chủng sinh. Vậy mà lúc đó còn dưới hai chục người. Nỗi lo cái ăn, việc học cho các chủng sinh trung kiên còn lại, oằn lên đôi vai người linh mục trẻ. Chưa kể nỗi lo đối phó với chính quyền luôn lăm le chiếm lấy cơ sở quá đẹp của Đại chủng viện.
Má tôi có lần để ý thấy ông rộc cả người, rồi hỏi thăm, mới biết rằng ông lo lắng nhiều lắm. Chỉ có Đức Tin, chỉ có ơn Chúa trong những giờ phút ấy giúp ông đứng vững, cùng với các linh mục, chủng sinh trụ lại, kiên cường với ơn gọi của mình.
Cuối cùng thì chính quyền cũng đạt được mục tiêu của họ: lấy được cơ sở to đẹp của Đại Chủng viện. Lúc đầu làm xí nghiệp may, sau làm gì không biết. Nơi ấy nay là mảnh đất vàng, trị giá có khi đến trăm tỉ hay ngàn tỉ không biết chừng. Các cha, các thầy phải lui về Tiểu Chủng viện, ẩn dật trong những căn nhà gỗ cũ kỹ.
Kỷ niệm của tôi với ông trong những năm tháng cùng khổ ấy vẫn thật là trẻ con và dễ thương.
Một hôm tôi đi lễ ở Đại Chủng viện Minh hòa. Xong lễ, ông vời tôi lại và nói “Đợi Cha một chút, Cha có cái này cho con”. Một lúc sau ông dẫn tôi đi dọc hành lang dài hun hút, rồi rẽ vào một căn phòng. Đó là phòng của Cha Giám đốc. Lần đầu tiên được vào chỗ ở của một ông Cha, trí tưởng tượng của tôi được kích thích mãnh liệt. Rốt cuộc thì phòng của Cha cũng không có gì ghê gớm lắm. Bàn ghế giản dị, nhiều sách vở, cái bàn làm việc bằng sắt. Ông đến cái tủ lớn cạnh tường, cũng bằng sắt, có nhiều cái hộc dài. Ông kéo một hộc, lục trong đó, rồi trao cho tôi … một cây kẹo chuối.
Đó không phải là một cây kẹo chuối bình thường tôi thỉnh thoảng được ăn. Nó to một cách đặc biệt, bằng cái kèn harmonica lớn, ăn đã thèm, làm tôi nhớ mãi. Chắc là ai đó đã tặng ông, và ông đã nhớ đến đứa bé gầy gò có Ba đang lao đao trong trại cải tạo, còn Má thì đang vất vả nuôi một đàn con thơ dại.
Giáo xứ nơi tôi ở nhỏ bé, nghèo nàn có thể nói là nhất giáo phận Đà Lạt. Ngôi nhà thờ giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Tuy nhiên nó lại được diễm phúc ở gần Đại Chủng viện, và được các Cha, các Thầy yêu mến, quan tâm cách đặc biệt. Có lẽ không có giáo xứ nào được Cha Giám đốc thường xuyên đến làm lễ như vậy. Nhờ đó tôi, cùng ba thằng bạn nữa, đã giúp lễ cho ông, không biết bao nhiêu lần mà kể.
Nếu phải nói thật gọn về ông, thì tôi chỉ xin được hai từ. Đó là “hiền lành” và “thông thái”.
Một năm nọ, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trước lễ Phục sinh, cả bốn chúng tôi giúp lễ cho ông trong ngôi thánh đường nhỏ. Thường trong lễ Chủ nhật, trẻ giúp lễ sẽ rung chuông khi Linh mục làm phép trên bánh miến và rượu nho. Tuy nhiên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, để tưởng niệm việc Chúa chịu khổ nạn, chuông sẽ thay thế bằng mõ. Ngôi nhà thờ nghèo có cái mõ cũ mốc xì, cả năm mới lôi ra xài mấy ngày. Khi thằng bạn tôi gõ mõ, tiếng mõ kêu tộc tộc như người bị nghẹt mũi, làm cả bốn thằng nhịn không nổi phì cười như phát rồ. Quỳ trên cung thánh trước mặt thiên hạ mà bưng mặt cười khúc khích, trong lúc đáng lẽ nghiêm trang nhất của thánh lễ, chẳng còn ra thể thống gì!
Cười xong thì nỗi lo sợ ập đến. Phen này chết chắc. Không chết vì Cha thì cũng chết vì cha mẹ ruột! Xong lễ cứ thắc thỏm đợi Cha đến hỏi tội. Đợi mãi chẳng thấy ông nói gì. Rốt cuộc thì ông chỉ nói với cha mẹ nhắc nhở các em. Nên các ông bà già cũng chẳng nỡ nặng lời. Hú hồn! Từ đó trở đi cũng gõ mõ đó mỗi năm nhưng không đứa nào còn thấy buồn cười nữa!
Một lần nữa trong thánh lễ Chủ nhật tôi giữ nhiệm vụ rung chuông. Khi Cha dâng bánh miến lên cao thì phải rung ba hồi. Tôi là đứa hay mơ mộng, giúp lễ cho Cha Giám đốc nhưng hồn cứ bay bổng đâu đâu. Lúc Cha dâng bánh thánh thì chắc đang mơ làm siêu nhân, anh hùng cảm tử gì đấy nên quên béng mất. Lúc vừa xong nghi lễ thì chợt tỉnh mộng, vừa xấu hổ, vừa sợ. Sau đó nếu Cha có la cho một mẻ, hay mách Má thì mình cũng không dám trách. Nhưng đợi hoài, đợi mãi, chẳng thấy ai nói gì. Phải nói là trong chuyện đó, ông quá tốt, quá hiền.
Mãi sau này, khi đã làm Giám mục, được mời qua Mỹ làm việc, thăm viếng ngắn ngày, ông có ghé nhà Ba Má tôi chơi và lưu lại một đêm. Đứa cháu nhỏ của tôi, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, lúc đó đang học middle school (tương đương cấp 2 bên Việt nam), nói với mẹ nó “Mẹ à, Đức Cha này hiền quá! Con thích ông lắm!”
Tính ông hiền, nên thích đối thoại hơn là đối đầu. Có lẽ, ông đã thấm nhuần lời của Chúa Giê-su dạy môn đệ “Anh em hãy học gương Thầy mà hiền hòa và khiêm nhường trong lòng”. Bởi vậy, có những lúc ông được Tòa Giám mục Đà Lạt giữ nhiệm vụ khó khăn và tế nhị là thay mặt Giáo Hội giao tiếp với chính quyền – một mối liên hệ bất bình đẳng, hòa hoãn nhưng có khi căng thẳng, bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng.
Một dạo, đức Giám mục giao cho ông làm đại diện cho giáo phận, ứng cử vào Hội Đồng Nhân Dân tỉnh, giữ chỗ họ cơ cấu cho đại diện các tôn giáo cho có đủ màu mè. Gặp dịp ông đến nhà chơi, Ba tôi đùa “Chúc mừng Cha được lên quan!” Ông chỉ cười, và nói chỉ vì Giáo hội, chứ quan chức gì!
Sau này được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Giáo phận Sài gòn, giáo phận lớn nhất nước, rồi giữ những chức vụ quan trọng trong Hội đồng Giám mục Việt nam, chắc ông cũng khổ tâm không ít, vì có những người giáo dân, và một số vị trong hàng giáo phẩm, muốn ông mạnh mẽ hơn trong quan hệ với chính quyền, dám lên tiếng mạnh mẽ hơn trước thời cuộc, thế sự. Ông là người rất hiền, đúng như lời Chúa dạy. Vả lại, ông còn là người khôn ngoan trong ơn Chúa, biết cân nhắc thiệt hơn, để giữ gìn sự bình yên cho Giáo hội.
Thuở thiếu thời, ai cũng biết ông học cao, đi nhiều, hiểu rộng. Ông đã từng là giáo sư đại học, giáo sư kiêm giám đốc Đại Chủng viện, đã trực tiếp đào tạo bao thế hệ Linh mục, tu sĩ cho Giáo hội. Thời khó khăn, hầu như chỉ có mình ông đảm đương việc giảng dạy cho các Thầy.
Ông luôn nhắc nhở, khuyến khích lũ nhỏ chúng tôi cố gắng học, sau này có kiến thức để giúp đời, giúp Giáo Hội. Khi tôi về Sài gòn học Đại học, những ngày hè, dịp lễ Tết, vẫn thường gặp Cha. Ông vẫn nhẹ nhàng, từ tốn hướng dẫn và khuyến khích cậu sinh viên trẻ sốc nổi. Ông khuyên tôi tìm đọc ba cuốn sách được xuất bản thời ấy mà ông tin rằng có ích cho người trí thức Công giáo: Thao Thức của Aleksandr Kron, Quy Luật của Muôn Đời của Nodar Dumbatze, và Quo Vadis của nhà văn Ba lan Henryk Sienkiewicz.
Nhiều năm sau, tôi có may mắn lớn được ông làm lễ kết hôn. Trước ngày quan trọng ấy, ông có khuyên chúng tôi rằng: “Nếu khi nào đời sống hôn nhân của các con trở nên khó khăn, đến độ không thể chịu đựng nổi, khi các con muốn buông bỏ, thì hãy cố nhớ lại giây phút chúng con đứng trước bàn thờ trao lời hứa cho nhau, rồi cầu xin ơn Chúa hướng dẫn, rồi hãy quyết định nhé!” Chưa lần nào chúng tôi phải vận dụng lời dặn ấy, nhưng những lời khôn ngoan của Cha, tôi sẽ giữ đến cuối con đường của mình.
Từ lâu lắm tôi không còn liên lạc với Cha, tuy vậy vẫn dõi theo con đường mục vụ của ông qua truyền thông, báo chí. Những năm tháng gần đây, ông phát tướng, lên cân quá nhiều. Tôi thầm e ngại, áy náy cho ông. Mấy tháng trước, một người quen của Ba Má tôi, cũng là cựu chủng sinh Đại Chủng viện Minh hòa, mới tiết lộ cho Ba Má tôi biết ông không được khỏe, vì chứng bệnh tuyến giáp (hypothyroidism) rất nặng. Chứng bệnh tai ác thường làm người ta phát phì, và buồn ngủ không cưỡng được. Mỗi khi dâng lễ, ông phải rất cố gắng rất nhiều.
Cuối cùng thì căn bệnh đã hạ gục ông ở thành La Mã, nơi mà năm xưa Giáo hội đã gởi ông đi học. Chúa đã đón người chăn chiên hiền lành, thông tuệ của Người về nhà. Ở nơi ấy, Cha không còn phải đau đớn, lo lắng, và được hội ngộ với ông bà Cố, với Đức cha Batholomeo Nguyễn Sơn Lâm, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền và biết bao Linh Mục, tu sĩ, giáo dân thân quen đã đi trước. Chắc rằng Cha vẫn còn nặng lòng với Giáo hội Việt nam, xin Cha hãy luôn cầu nguyện cho chúng con, những người đang còn tiếp bước trên con đường đời. Con xin được hẹn ngày tái ngộ cùng Cha trên Thiên quốc.