NHỮNG VỊ LINH MỤC ĐƯỢC PHONG CHỨC "CHUI" BÂY GIỜ ĐÃ CÓ THỂ CÔNG KHAI
Cha Vĩnh Sang DCCT (DCCT: Dòng Chúa Cứu Thế) viết: “Lớp người ấy hôm nay đang gánh vác sứ mạng của Hội Thánh trên đôi vai của mình” (Ephata 516). "Lớp người ấy" là những vị linh mục được phong chức “chui”.
Xin chú thích: Phong chức chui ở đây có nghĩa là hoàn toàn hợp pháp về phía Hội Thánh (được gọi và chọn), nhưng nhà nước VN cấm và phải truyền chức âm thầm, kín đáo nên gọi là “chui”. Có một linh mục “chui” cách Sàigòn không xa lắm, nhiều năm trước mỗi lần dâng Lễ cứ mặc thường phục ngồi giữa công đoàn, đọc tất cả các lời trong Thánh Lễ cùng với cộng đoàn, chỉ có phần truyền phép Thánh Thể là mình ngài đọc. Vậy mà tuần nào giáo dân cũng có Thánh Lễ dù “người ngoài” nhìn vào chẳng ai thấy linh mục. Thánh Ý Chúa nhiệm mầu, cho các vị linh mục chui ấy sau này góp phần làm vẻ vang cho Hội Thánh.
Các linh mục "chui" mà bây giờ ai cũng đã biết.
1. Cha Phêrô Đặng Xuân Thành: giám học, giáo sư Đại Chủng Viện Hà nội, con người uyên bác và đạo đức, dịch giả của rất nhiều sách thần học, tu đức.
Lúc mình còn sinh viên, ngài hay ghé chơi. Lúc nghi ngờ, mình hỏi: “Anh Thành là linh mục phải không?” Ngài chỉ cười hì hì. Trong Thánh Lễ tạ ơn của Cha Thịnh tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, lần đầu tiên mình thấy ngài đồng tế. Lúc ngài đi trong đoàn đồng tế, đi ngang chỗ mình đứng, ngài nháy mắt cười thật tươi, nhưng mình không ngạc nhiên bao nhiêu.
Sau này mình biết ngài được chính Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận (lúc bấy giờ là Giám Mục bị giam ở Hà nội) truyền chức.
Ngài được Chúa gọi về ngày 27 tháng 11 năm 2013 tại Hà nội. Xin cùng cầu nguyện cho ngài.
2. Cha Giuse Nguyễn Văn Thành: mình nhận được email viết không có dấu, mở đầu như sau: “Vinh oi, Bo Thanh day”, mình tưởng Cha Thanh Bùi Chu (Hố nai), nên vội vàng trả lời: “Con xin lỗi Bố vì lâu không lên thăm Bố”, lại nhận được email cho biết là Bố Thành ở Mỹ chứ không phải Cha Thanh Bùi Chu.
Thầy Giuse Thành thuộc giáo phận Đà Nẵng, được Đức Cha Giuse Phạm Đình Tụng, lúc bấy giờ là Giám Mục Bắc Ninh, truyền chức chui. Ngài có thời làm Cha phó Thanh Đa (Sàigòn) rồi sang Mỹ.
Còn nhiều vị nữa, nhưng không tiện viết thêm chỉ xin mời các bạn đọc lại một đoạn trong bài viết Mùa Hoa Dầu Bay của linh mục Vĩnh Sang DCCT (cũng là một linh mục chui sau này là Giám Tỉnh nhà Dòng) viết về vị Giám mục truyền chức cho ngài trên Ephata 516: “Một trong những công trình đó là đặt tay hàng loạt nhiều thầy Phó Tế trong âm thầm, lớp người ấy hôm nay đang gánh vác sứ mạng của Hội Thánh trên đôi vai của mình, trong hành trang có cả một hình ảnh lớn lao của người Mục Tử, người Cha, người Thầy: hết lòng yêu mến Hội Thánh, can đảm trước mọi trở ngại, sẵn sàng hy sinh và nhiết thành phục vụ; biết mình thuộc về ai, phục vụ ai, vâng lời ai, hiến mình cho ai và đi theo ai; giữ vững lập trường trước sóng gió và tỉnh táo để biện phân phải trái trong hành động, không để bị ru ngủ, không để bị mê hoặc, không để thế gian lọc lừa”.
MÙA HOA DẦU BAY
Mấy hôm nay Nhà Dòng chúng tôi có những sự kiện lớn, nhiều anh em tuyên khấn và nhiều anh em nhận sứ vụ Linh Mục, khách thập phương dập dìu xe cộ, lễ nghi được tổ chức rầm rộ, người người phục sức sang trọng vui vẻ đón mừng niềm vui lớn. Những ngày đông đảo bận rộn trôi qua, đời sống Tu Viện trở lại với vẻ trầm lắng, sân Tu Viện trở lại với sự mênh mang tĩnh lặng, những cánh hoa dầu nằm im trên những lối đi nhắc tôi nhớ rất nhiều về những kỷ niệm cũ, kỷ niệm không thể quên và không thể phai nhòa.
Dạo ấy, 22 năm về trước, 1990, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chúng tôi lấy lý tưởng “đi tu là để thuôc về Chúa chứ không chỉ để làm Linh Mục” làm ý tưởng sống, để tiếp tục tồn tại trong một xã hội không chấp nhận mình. Nhắn nhủ mình như vậy nhưng thao thức làm Linh Mục vẫn âm ỉ trong anh em. Một ngày Bề Trên gọi riêng tôi rồi hỏi về nỗi ước mong làm Linh Mục có còn không? Có chấp nhận làm Linh Mục trong âm thầm không? Có chấp nhận những điều xấu nhất xảy đến khi bị phát hiện không? Có chấp nhận mọi hậu quả mà không để liên lụy đến một ai không? Tôi được gọi và quyết định dấn thân trong một cuộc phiêu lưu vô định đầy hiểm nguy.
Ngày hẹn lên đường đi chịu chức, hôm đó tôi rời Tu Viện vào buổi sáng sớm, tôi nhớ mãi và không thể nào quên được từng bước chân của tôi, một mình tôi lặng lẽ qua những lối đi ở sân Tu Viện, từng bước chân âm thầm nặng nề, vui sướng xen lẫn buồn tủi. Tôi đi chịu chức một mình, không ai biết và không được phép cho ai biết.
Hôm ấy sân Tu Viện trải đầy một thảm hoa dầu, mùi hoa dầu thoang thoảng nhẹ nhàng, từng bước chân dẫm lên những cánh dầu, những tiếng kêu nhẹ của cánh dầu vỡ vụn dưới chân như tiếng lòng rạn vỡ của chính mình, hân hoan và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau, thinh lặng hoàn toàn chỉ còn tiếng lòng mình và tiếng gió thở, chỉ còn tiếng thì thầm với Chúa, một mình Chúa mà thôi, không ai biết !
Vị Giám Mục can trường đã nhận lời truyền chức âm thầm cho tôi và nhiều anh em tôi sau này nữa, tôi được truyền chức vào giữa buổi trưa khi mọi người đang nghỉ, sau cơm trưa của Tòa Giám Mục. Tôi đến điểm hẹn ở ngoài rồi được dẫn vào qua cửa sau lên thẳng Nhà Nguyện của Đức Cha, quỳ im ở đấy cho đến khi Đức Cha vào. Chọn lấy cái alba vừa nhất của ngài để mặc vì khi đi tôi được dặn không được mang một cái gì hết để khỏi bị lộ, cái áo lễ màu trắng cũ mèm được dọn sẵn cho tôi, vị Linh Mục giúp Lễ chỉ khoác alba và quàng dây stola.
Thánh Lễ truyền chức vỏn vẹn 40 phút, đúng lúc tôi được đặt tay truyền chức, vị Linh Mục giúp lễ xem đồng hồ, sau này ngài nói lại với tôi: 13g00 đúng. Hôm qua gặp tôi để mừng Lễ, ngài còn nhắc lại kỷ niệm này.
Vị Giám Mục ân nhân của chúng tôi đã qua đời, không ai có thể ngờ ngài đã làm những chuyện như vậy, số lượng anh em tôi nhận chức Linh Mục từ tay ngài không nhỏ. Truyền chức cho chúng tôi, ngài chấp nhận mọi hiểm nguy có thể đến với ngài và cũng có thể đến với Giáo Phận của ngài, lời hứa của chúng tôi không tiết lộ danh tánh và nơi chốn vị Giám Mục truyền chức không phải là được bảo đảm tuyệt đối, nếu không may có một ai yếu bóng vía, sẽ gây tổn hại rất lớn cho ngài và Giáo Phận.
Sau ngày tôi lãnh sứ vụ được ba năm, Bề Trên xét tình hình cho phép tiết lộ, ngay lập tức tôi bị mời đi “làm việc” nhiều lần. “Người ta” muốn chúng tôi “nhận tội” và muốn biết ai đã truyền chức cho chúng tôi. Không thể nhận tội vì lãnh sứ vụ Linh Mục không phải là tội, mà chẳng có khoản nào trong bộ luật nào của đất nước này lại kết luận lãnh sứ vụ Linh Mục là tội. Về danh tánh của vị Giám Mục, tôi trả lời lương tâm không cho phép nói, người ta đã đập bàn lớn tiếng với tôi: “Vào đây mà còn nói lương tâm à ?” – Tôi cất lời nhẹ nhàng hỏi lại họ: “Vậy ở đây không có chỗ cho lương tâm sao ?”
Kể chuyện cũ để kính cẩn nghiêng mình trước sự can trường của một vị Giám mục, nhìn dáng vẻ bề ngoài người ta đánh giá ngài không làm được gì, có rất nhiều điều tiếng về sự “kèm cỏi” của ngài, thậm chí có người còn nặng lời muốn ngài rút lui để thay bằng một Giám Mục khác nhanh nhẹn tài năng hơn ngài. Thế nhưng khi ngài đã về với Chúa, nhiều năm sau người ta mới biết được những công trình ngài đã âm thầm làm. Một trong những công trình đó là đặt tay hàng loạt nhiều thầy Phó Tế trong âm thầm, lớp người ấy hôm nay đang gánh vác sứ mạng của Hội Thánh trên đôi vai của mình, trong hành trang có cả một hình ảnh lớn lao của người Mục Tử, người Cha, người Thầy: hết lòng yêu mến Hội Thánh, can đảm trước mọi trở ngại, sẵn sàng hy sinh và nhiết thành phục vụ; biết mình thuộc về ai, phục vụ ai, vâng lời ai, hiến mình cho ai và đi theo ai; giữ vững lập trường trước sóng gió và tỉnh táo để biện phân phải trái trong hành động, không để bị ru ngủ, không để bị mê hoặc, không để thế gian lọc lừa.
Kính thưa Đức Cha, chuyện 22 năm cũ con viết lại để ghi ơn Đức Cha, ghi ơn những người Cha và những người Thầy can đảm và quảng đại, quyết đoán và yêu thương, đã tin tưởng trao cho con Sứ Vụ Thánh, đã dạy con bài học sống động cụ thể về sứ vụ Linh Mục là của Hội Thánh chứ không phải của bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào, không ai có quyền ngăn cản và cũng chẳng ai phải khiếp sợ những kẻ lạm quyền.
Những cánh dầu bay trong gió nhắc con định hướng căn bản của Niềm Tin. Tạ ơn Chúa, vẫn còn rất nhiều những cây dầu nở hoa để gió thổi bay trong thành phố này, trên đất nước, trên quê hương thân yêu này hôm nay.
Tin, bài liên quan: Người kinh niên thiếu ngủ