Cha bề trên
Dịp Cha Bề Trên của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn (Phaolô Lê Tấn Thành) về với Chúa, mình nhớ các Bề Trên trong cuộc đời mình. (Chắc phải viết nhiều kỳ vì là những kỷ niệm quá đẹp).
***
Cha Bề Trên đầu tiên của mình là vị linh mục có trái tim của người mẹ mà tụi mình gọi thân thương là Bố Đốc (Cha Giám Đốc nói tắt).
Năm đó Cha (là Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, nguyên Giám mục Gp Đà Nẵng - VTCG) lặn lội vào miền Nam, tìm từng đứa học trò nhỏ để khích lệ bước theo Thầy Giêsu. Cha đi Long Khánh, lên Ngọc Lâm, xuống Gia Kiệm, sang Hố Nai rồi về Sàigòn đến nhà từng anh em mà khuyên bảo và mời gọi. Có những anh em không đi theo Cha, xin học gần nhà, sau này làm linh mục ở Xuân Lộc như cha Ngọc (chánh xứ Đa minh). Có anh em theo Cha rồi lại bị “thế gian” mời về gia đình, sau này làm linh mục ở Sàigòn như Đỗ Anh Dũng hay ở Xuân Lộc như Đỗ Mạnh Thái. Nhưng cũng có nhiều anh em theo chân Cha Bề Trên, cuối cùng bị nhà nước “mượn nhà”, đuổi đi tứ tán.
Hồi đó khi Cha Bề Trên đến nhà mình gọi “Hai con Vinh, Phúc đi với Cha nhé”, thì hai anh em mình quyết định sẽ đi theo Cha. Nhưng hôm sau, Cha Nhân, Cha giáo của mình ở giáo xứ Hòa Bình nghe chuyện thì đến nói với ba mẹ mình: “Hai đứa nó (Vinh, Phúc) còn nhỏ không hiểu gì, ông bà đừng cho đi. Ở miền Trung miền Bắc ghê lắm, khó khăn đủ kiểu, không như miền Nam đâu, ra đến Quảng ngãi đã thấy treo đầy…. (tạm bỏ 4 từ). Cháu Hậu nhà tôi, tôi không cho đi, Vinh và Phúc thì ông bà cũng phải giữ ở nhà” (Hậu sau này vào Dòng Đa Minh, bây giờ là linh mục Đinh Tuấn Hậu). Lại thêm cha phó xứ là Cha Bố của thằng em mình đến nhà giải thích, nói thêm ý như cha Nhân đã nói khiến ba mẹ mình lo lắng quá, bèn quyết định “Hai đứa ở nhà, không đi đâu cả”.
Nhưng ý Chúa không như ý muốn hay sự sắp xếp của con người.
***
Vâng, Thánh Ý Chúa không như ý muốn hay sự sắp xếp của con người. Thánh Ý Chúa thẳm sâu không ai dò thấu. Cuối cùng thì mấy tháng sau hai anh em mình lên đường đi theo tiếng Chúa gọi qua Cha Bề Trên, đặt chân đến ngôi nhà yêu dấu mang tên Thánh Gioan.
Cha xứ Bùi Chu, ông nội của thằng em mình, viết thư cho Cha Bề Trên và đưa thư cho anh em mình xem trước. Bây giờ mình không nhớ nguyên văn lá thư ngắn ấy, chỉ nhớ đại khái là ngài khen hai anh em (cháu cụ mà), và cuối thư ngài viết chữ “BÁI” rõ to (ý kính cẩn với Cha Bề Trên, “kính bái”), rồi ký: Linh mục André Đoàn Thanh Điện.
Xa nhà ít lâu thì mình nghe tin Cha xứ André bị bắt đưa đi xa, mười mấy năm sau mới được về lại Bùi Chu. Cha Bố của thằng em mình giữ quyền Chánh xứ.
Khi anh em mình ra đến nơi thì Cha Bề Trên tỏ vẻ không hài lòng vì đã trễ quá tính từ ngày ngài đến nhà gọi đi. Do đó ngài quyết định rất nhanh: “Hai con đã ra đến nơi rồi, không lẽ Cha bảo về. Nhưng vì ra quá hạn, hai đứa phải ở lại lớp”. Thằng em mình vốn nóng nảy, tự ái và chắc cũng ỷ lại là có Cha Bố là cha phó, ông nội là Cha xứ Bùi Chu, nên nó xin phép về lại gia đình. Hôm sau Cha đưa nó ra bến xe mua vé cho nó một mình về miền Nam. Mình thì kiên nhẫn học lại lớp. Một tuần sau thằng bạn thân cùng lớp với mình là Thanh Phan cũng từ miền Nam ra, sau khi bàn hỏi suy nghĩ quá ư là kỹ. Bố Đốc cũng bực mình nên phán với nó “Con cũng ở lại lớp”.
Nó vui vẻ nhập lớp dưới với mình. Khoảng một hai tháng sau Cha Bề Trên thương tình, gọi hai thằng vào và bảo: “Hai con sẽ được lên lớp với điều kiện làm bài thi tiếng Pháp do chính Cha ra đề”. Hai thằng mình về phòng ôm cuốn Cours de Langue 2 và 3 học tới học lui y như dò vé số, từng chữ từng chữ một. May mà làm bài thi hai đứa mình đạt điểm cao bất ngờ nên Cha cho cả hai được lên lớp.
Rồi ngày tháng đi qua. Tuổi thơ mình được bảo bọc trong tình thương của Cha. Cha hay nói: “Các con biết Cha thương các con biết bao”. Sau này mình ít thấy các linh mục nói câu ấy với người thuộc quyền dù các ngài rất có tình nghĩa, có lẽ vì Cha Bề Trên của mình có tấm lòng của người mẹ hơn là người cha.
Một lần thằng bạn của mình bị Cha la. Nó giận và nói: “Cha chẳng hiểu con gì cả”. Vậy mà ngài buốn mấy ngày. Ngài nói với mình: “Cha thương các con lắm. Vậy mà T nó nói Cha không hiểu nó”.
Thằng em mình về miền Nam đi học. Vì sống gần nhà, nó thân thiết với gia đình Bà Cố của Cha Đinh Tất Quý (chánh xứ Bùi Phát bây giờ) và được Bà Cố rất thương yêu. Rồi năm sau nó lại bay ra xin gia nhập lại cộng đoàn. Cha Bề Trên đồng ý ngay.
***
Sống xa gia đình, nhưng có Cha Bề Trên và các cha giáo, nhất là Cha linh hướng của mình là Cha Phêrô Mẫn, mình thấy ấm áp và vui tươi, giống như đi trên con đường tuyệt đẹp, đầy hoa và gió mát lành.
Hồi đó Cha Bề Trên hay phê vào phiếu nhận xét cuối tháng, lúc nào cũng khen mình xong rồi thêm câu “nhưng lười học”. Sở dĩ mình chán học bài vì mấy môn Văn, Sử toàn tán chuyện mà dù không cần suy nghĩ cũng biết là chẳng đâu vào đâu. Cô dạy Sử (tên là Liên) còn nói: Ông nội tao mà "theo ngụy" tao cũng gọi là thằng ông nội. Nhiều năm sau, mình gặp tiến sĩ sử học Trịnh Tiến Thuận (ĐHSP), nghe ông nói đúng như thế: “Tụi bạn bên khoa Toán, Lý nói với tôi là: ê Thuận, mày dạy Sử nghĩa là mày nói dối suốt ngày sao mày chịu nổi?”.
Nhờ ít học bài mà ham đọc sách, mình cùng với anh bạn nối khố gốc Hà nội (Hố nai) là Đỗ Mạnh Thái (hiện là cha xứ Long Phước), được chỉ định phụ trách thư viện. Hai con mọt sách nhờ thế mà đọc hết sách này đến sách kia, từ Tự Lực Văn Đoàn đến truyện Tàu ngày xưa, từ sách đạo đức đến truyện tuổi mới lớn, nói chung là không thiếu thứ gì, nên ít học bài là chuyện… dễ hiểu. Hai tên khi có giờ rảnh là vào thư viện đóng cửa đọc liên tục. Chuyện này chẳng ai biết, trừ Cha linh hướng của hai tên Thái, Vinh.
Nhớ trước khi Thái, Phúc (em mình) và mình lên đường theo Cha Bề Trên thì ba đứa rủ thêm vài anh bạn ở Hố nai đi xe đạp sang Lạc An thăm bạn bè. Đến ngay bến đò sang Lạc An, cán bộ trên bờ sông giương súng lên, bắt giữ hết mấy chiếc xe đạp với lý do “Xe không có giấy tờ”. Cả bọn thất thểu đi bộ về mười mấy cây số!
***
Chuyện đi học ở trường cũng có nhiều cái bi hài. Hồi đó anh em mình đọc sách nhiều và nghe các Cha dạy, nên thầy cô Văn Sử giảng gì cũng biết đúng sai. Cái tuổi ấy cũng hay thắc mắc. Do đó mà thầy cô đa phần là thương anh em mình vì thấy tụi mình hiền, ngoan, nhất là không bao giờ quay bài (ngược hẳn giáo dục XHCN), nhưng một số thầy cô thì e dè và không ưa. Họ thấy tụi mình hay có ý kiến thì bèn… mời phụ huynh.
Khi mình chở Bố Đốc đi họp phụ huynh thì một chuyện bất ngờ làm các cô dạy Văn, Sử… đứng hình luôn. Các cô ấy ngoại hình cỡ bà Kim Tiến (y tế) trở xuống, mà ăn mặc thì kiểu mà dân hay gọi là “bộ đội cái”, nên khi thấy vị phụ huynh này ngoại hình uy nghi, đẹp trai, phong độ và rất đỗi trí thức, ăn mặc phong nhã thì tất cả bọn họ lúng túng ra mặt. Mình có cảm giác như khi quân dữ nghe biết Chúa Giêsu thì “lùi lại và ngã ra hết”. Họ bối rối không biết nói gì, Bố Đốc cũng chào xã giao rồi về. Từ hôm ấy, nếu mình nhớ không nhầm thì các cô bắt đầu may áo dài, nhưng cũng ít mặc vì áo dài không... ủng hộ hình dáng các cô Văn, Sử cho lắm.
Cô giáo dạy Văn làm chủ nhiệm lớp. Cô giảng toàn chính trị (môn Văn mà), và tỏ vẻ tự hào về môn cô dạy, trong khi học sinh thì không coi trọng môn này. Cô nghe nói nhiều đến “nhà” của anh em mình mà chưa có dịp đến thăm. Một lần Bố Đốc bảo mời cô ghé chơi. Cũng giống như lúc họ mời phụ huynh, lần này cô bước đến nhà, thấy khang trang sạch đẹp và Bố Đốc thì ngoại hình rất “manly”, uy nghi…, cô bỗng tỏ ra bối rồi hẳn, nói năng lắp bắp và đi đứng ngượng ngùng. Từ đó về sau cô nói về tôn giáo dè dặt hơn, giảng bài cũng bớt “hung hăng” hơn và nói chung là dần dần cô có cái nhìn khác.
Cái tuổi ấy chỉ cần thấy Bố của mình uy nghi như thế thì cũng rất đỗi tự hào rồi.
***
Lúc bấy giờ mình mê đọc sách vô cùng, chuyên môn lén đọc sách vào những giờ dễ bị phạt mà mình có kể, như giờ nghỉ trưa vào thư viện đóng cửa đọc sách với Thái (lúc đó dĩ nhiên anh bạn nối khố này còn đi học như mình, chưa làm linh mục). Nặng tội nhất là sau mười giờ đêm lẻn lên sân thượng, mắc một bóng đèn nhỏ đọc sách đến tận một hai giờ sáng. Có lần Cha linh hướng gọi mình vào và bảo: “Trưa nay giờ cơm Bố nghe Cha Giám Đốc nói gì đó mà Bố đoán là ngài biết con và mấy anh em nữa lên sân thượng đọc sách quá nửa đêm. Con đi thú lỗi thì ngài sẽ tha cho”.
Mình lo lắng, chờ lúc Bố Đốc vui nhất mình lại gần ngài và nói: “Thưa Cha, con muốn thú lỗi…” và kể hết sự tình. Bố cười ha ha và vỗ vào lưng mình mấy cái: “Tốt lắm, lần sau đừng làm thế nữa con nhé”. Nhưng tối hôm đó Cha linh hướng nói với mình: “Chuyện Cha Giám Đốc biết là chuyện đứa khác chứ không phải chuyện của con. Bố nhầm rồi con ạ”. Rồi ngài cười xòa. Mình cũng bật cười vì nhờ hiểu lầm mà thú tội sớm nên Bố Đốc vui lắm. Nhưng cũng tiếc, giá mà đừng tự thú thì chắc còn đọc được vài đêm nữa !!!
Lại chuyện đọc sách. Lúc bấy giờ Cha giáo Phan Thanh Mai đi Mỹ để lại một tủ sách quý, trong số đó có rất nhiều sách kiếm hiệp Kim Dung. Nhà nước cấm sách kiếm hiệp, bắt phải nộp hết (nhưng sau này họ lại in bán tràn lan mỗi bộ có khi đến cả vài triệu đồng). Những ngày đó công an hay vào xét nhà, nên Bố Đốc bảo đem nhiều loại sách, nhất là truyện kiếm hiệp đi đốt. Không đốt thì họ tịch thu, lại phải làm biên bản phiền toái lắm. Nhờ lúc đó đất rộng (chưa bị tịch thu nhà), lại có một căn nhà không mái do người Đức để lại, nên việc đốt sách cũng dễ dàng. (Bây giờ ngồi nhẩm tính số sách mà người ta buộc Cha Bề Trên phải hủy đi lúc đó tính chung các loại, theo giá bây giờ thì chắc cũng phải vài ba tỷ đồng). Anh em đốt sách mà cứ có cảm giác như mình là Tần Thủy Hoàng ngày xưa. Đốt ngày này qua ngày khác vẫn không hết vì mỗi tên còn giấu vài bộ đọc chơi.
Chỗ giấu an toàn nhất mà thằng em mình với Thắng noir nghĩ ra là dưới đống trấu dùng để nấu bếp. Mình cũng giấu vài bộ. Anh em giấu nhiều sách quá làm Bố Đốc sốt ruột, sợ người ta khám xét gây nhiều bất trắc nên ngài dùng quyền Bề Trên ra lệnh: “Trong các con đứa nào còn giấu sách là mắc tội trọng”. Có đứa thì sợ. Mình là tên sợ đầu tiên vì mình nghĩ đơn giản “Nếu giữ sách lại mà người ta lấy cớ làm khó dễ Cha Bề Trên vốn đã bị hành hạ nhiều thì phiền cho ngài quá”, nhưng có tên thì nói: “Tội là do Chúa quyết định, đâu phải do Cha”, thế là nó giấu tiếp.
Có một tên đọc kiếm hiệp bị Bố bắt gặp. Nó sợ quá nên nói dối: “Con mượn ở người anh họ bên giáo xứ Thanh Đức chứ không phải sách cha Mai”. Nói dối là tội nặng có thể dẫn đến bị đuổi, từ ngữ lúc đó là bị “cho về”. Nhưng may mắn là lúc đó Bố vội đi công chuyện nên chỉ tịch thu cất trong phòng Bố rồi khóa cửa đi ra ngay. Anh chàng lo sợ, mà lại sực nhớ ở trang đầu còn có đóng dấu Lm. Phan Thanh Mai nên càng sợ hơn, bèn dùng mũi dao rọc sách cạy cửa phòng Bố để lấy lại cuốn sách “phi tang”. Chẳng may đã không mở được cửa mà lại còn bị gãy mũi dao trong ổ khóa. Anh chàng hoảng hốt chạy đến tìm mình và nói: “Ông đến xem có cách gì xử lý giúp tôi” vì nó biết mình biết sửa khóa làm chìa. Mình đến phòng Bố Đốc xem qua ổ khóa và nói thành thật: “Cái này phải tháo ổ khóa, nhiêu khê lắm, mà tớ lui cui mở phòng, lỡ Bố bắt gặp về thì tiêu đời cả lũ”.
Rồi Bố về sớm các bạn ạ. Cái xui này lại kèm theo cái xui “khuyến mãi” khác. Lúc đó Cha Thái là Cha sở Hà Tân đến thăm Bố. Bố về mở cửa không được, đành tiếp Cha Thái ngoài hành lang. Bố lại gọi mình xuống. Bố hỏi: “Vinh xem giùm Cha ổ khóa bị gì thế, có phải có ai cạy hay không?”. Mình run quá, mà cũng không dám tố cáo tên kia, nên đành nói lấp lửng: “Nếu có cạy thì đây cũng là tay không chuyên nghiệp, Cha ạ”. Bố nhìn mình ngờ vực rồi lắc đầu. Khá lâu sau, Bố nói với mình: “Cha biết con bao che cho anh em nào đó, đúng không?”. Mình chỉ cười trừ.
Cuối cùng mình cũng mở được cửa cho Bố Đốc. Khi Bố vào được phòng, vì quá mệt mỏi, Bố vào nghỉ luôn, và may mắn ngài quên luôn cuốn sách kiếm hiệp kia. (Trong số các bạn đọc đoạn này, mình nghĩ có anh chàng đó, bây giờ chắc đã hoàn hồn rồi phải không bạn hiền? Cho mình giấu tên bạn cho đến khi bạn hứng chí tự thú “C’est moi”).
Lại chuyện sách. Một chị bên Dòng Phaolô quý mình nên hay gửi mấy thứ quà nho nhỏ, có khi có tập sách Thánh ca mới. Thỉnh thoảng đi học về thấy các soeur nhà bếp lên đưa quà thì cũng vui. Nhưng một anh bạn thấy mình hay nhận quà “chưa qua Bố kiểm duyệt” cũng thắc mắc. Có lần hắn hỏi vui khi có Cha: “Hôm nay Cha đi phố về hay sao mà Vinh lại có quà bên nhà Dòng”. Thế là Bố Đốc hỏi ngay: “Con nhận quà gì, sao Cha không biết?”. Mình tức cái tên bạn ấy quá chừng, nhưng lại nghĩ: “Cũng may, Bố biết sớm”.
***
Hồi đó trong nhà ít khi có con gái đến. Mặc dù đi học ở trường cũng có các bạn nữ, nhưng lúc ấy anh em vẫn nhớ lời Sách Gương Phúc (Gương Chúa Giêsu) “Đừng thân mật với bất cứ phụ nữ nào, nhưng hãy đưa mọi phụ nữ tốt lành về với Thiên Chúa”. Nhờ đó, như Bố Đốc luôn nhắc nhở, sẽ tập cho mình đức khiết tịnh mà dù đi tu hay ở đời đều cần.
Một lần cô cháu gái của Bố Đốc là đệ tử Dòng Phaolô sang thăm thì mấy đứa con trai tụi mình tò mò đến nhìn xem “(con ông) cháu Cha” như thế nào. Nàng da trắng, tóc ngang vai và đeo kính trắng trông rất trí thức (đệ tử dòng mà lị). Chỉ vậy thôi mà đứa nào gặp cô ấy nói chuyện là bị anh em dọa “méc Bố Đốc”. Xui cho mình là “bị” chở nàng về nhà Dòng.
Chiều hôm đó mình chở Khoa mập đi sang phố, thấy cô cháu của Bố đi bộ tội nghiệp nên Khoa bảo để nó đứng xuống chờ, còn mình chở cô đệ tử đi một quãng về nhà Dòng. Chở cô nàng thì chẳng có gì, nhưng một tên trong nhóm là Quang cời biết được. Vốn hay bông phèng, nó nói: “Mày chở cháu Bố, nhớ nhé”. Mình sợ Bố Đốc nghe chuyện không rõ đầu đuôi nên đến gặp Bố xin “tự thú”. Cha Bề Trên thấy buồn cười chuyện trẻ con nên vỗ vào lưng mình bôm bốp và cười ha ha. Mình nói với Quang: “Mày chỉ khéo hù dọa”.
Đến bây giờ mình vẫn nhớ nguyên văn Bố Đốc nói với mình lúc đó: “Con đừng quan tâm làm gì. Ở tuổi đó đứa nào cũng đẹp thế đấy con, chứ ít năm sau là khác con ạ. Nó có hai người chị hiện đang ở giáo xứ Phát Diệm trong Sàigòn, lúc bằng tuổi nó hai chị cũng đẹp như nó. Bây giờ hai đứa đã lấy chồng, mập hẳn ra, trông hết đẹp rồi”. Ý Bố muốn gì mình hiểu ngay. Nhưng Bố ơi, tụi con tuổi mới lớn, không quen nhìn cô gái thành… bà già!
Có lần Bố Đốc nhờ mình đánh máy stencil (in ronéo) một số bài về Giáo Lý Hôn Nhân để Cha phát cho các Cha trong giáo phận dịp tĩnh tâm năm (Bố là Giáo sư Luân Lý, tác giả cuốn Luân Lý Cơ Bản xuất bản năm 1994 mà sau này các Cha giáo Luân Lý hay trích dẫn). Thấy vậy một tên cùng lớp mình la lên: “Chắc Bố Đốc muốn mày học giáo lý hôn nhân sớm để lỡ sau này lấy cháu của Bố”. Mình vừa giận vừa sợ Bố nghe, nên la lên: “Đừng có đùa giỡn nguy hiểm vậy chứ”. Mình vừa nói dứt câu thì cả bọn điếng hồn vì nghe tiếng Bố khóa cứa phòng bên cạnh đi ra ngoài! Mình vẫn hy vọng là Bố không nghe được lời thằng bạn mình nói. Nhưng mấy hôm sau khi mình vào phòng bố thì nghe tiếng nói từ phòng kia rõ mồn một! Anh chàng đùa nghịch “lộn xộn” ấy bây giờ là cha xứ một giáo xứ Mỹ ở bang North Carolina, Hoa Kỳ.
Một lần nọ đang ăn sáng, thấy các cô áo xanh áo đỏ hồn nhiên đi vào, cười đùa trước sân, lại xôn xao bên hồ cá. Mình nói với Đỗ Anh Dũng: “Ông ra xem các cô ấy muốn gì, tìm ai”. Đỗ Anh Dũng vốn đơn sơ tốt lành (sau này là Cha sở Khánh Hội ở Sàigòn). Dũng đi ra ngay và hỏi gì đó mà thấy mấy cô cười. Lúc sau Dũng chạy vào và nói: “Họ chờ gặp Cha nào ấy”. Tụi mình hỏi: “Ông nói với họ cái gì?”. Dũng cười xòa: “Thì tao hỏi các cô cần gì mình giúp”. Tụi mình cắt ngang lời và trêu chọc Dũng: “Chết ông rồi, ai lại xưng với con gái là mình. Ông không thấy trong truyện các vợ chồng gọi mình ơi đó sao”. Dũng bật cười: “Ôi tụi mày”.
***
Hình: Bố Đốc (Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh) được tấn phong Giám Mục năm 2000
Cha Bề Trên thường hay mở tủ của anh em mình để xem xét. Lâu lâu Cha gọi vào phòng, cho thêm quần áo với lời dịu dàng: “Cha thấy các con có ít quần áo và thiếu đồ dùng quá”. Thằng em mình thỉnh thoảng cãi Bố, nhưng nó lại nói: “Thương Bố Đốc lắm vì Bố chăm chúng con như mẹ hiền”.
Sau này thằng em mình về lại miền Nam, cha Bố nó (lúc bấy giờ vẫn còn là Cha chánh xứ Bùi Chu) gửi nó cho người thân của ngài ở Tân Mai, Biên Hòa, tìm đường theo bọn đế quốc nghèo đói xâm lược, sau đó lưu lạc tận Canada.
Trong anh em đứa nào đau yếu là Cha xem bệnh, dắt vào phòng bệnh lấy thuốc.
Một lần T lớp mình bị đau bụng dữ dội giữa khuya. Tụi mình chạy sang phòng gọi Cha Bề Trên. Ngài bật dậy chạy đến xem tình hình, khám cho nó rồi ngài gọi Bà Nhất Cécile SPC đến. Hai vị đều rành y học nên khám bệnh nhanh và chắc. Sau cùng Cha và Bà Nhất trao đổi bằng tiếng Pháp, tụi mình nghe được chữ đực chữ cái, nghĩ: “Chắc thằng T tiêu đời rồi. Nếu không nghiêm trọng sao Cha phải nói tiếng Pháp”.
Thế rồi cha phán như đinh đóng cột: “Các con ngủ hết đi. T nó uống mấy viên thuốc sáng mai sẽ khỏi”. Mà đúng thật, sáng sớm hôm sau T dậy đi Lễ như không có gì xảy ra.
Nhớ mỗi lần đến kỳ thi là Cha Bề Trên ra lệnh: “Trước ngày thi, các con không được học bài, phải để đầu óc thư giãn”. Và Cha cho đi chơi, đi biển thoải mái. Cha còn bảo các soeurs nấu thêm đồ ăn để ăn xế, ăn ngoài bữa “cho các con đỡ đói”.
Hài hước nhất là những buổi học chính trị, cán bộ vào “giảng” cho các cha, các thầy, các soeurs và anh em mình. Thấy toàn dân trí thức im lặng ngồi nghe, họ tưởng họ nói hay nói đúng nên rất tự tin. Họ đâu biết so với kiến thức Cha Bề Trên và các cha, các soeurs lúc bấy giờ thì kiến thức của họ chỉ là con vi khuẩn trước con rồng. Các Cha thường đem chuyện họ nói ra để bông đùa. Tụi mình cũng vậy.
Thời nay mấy anh chị dạy môn Sử ở trường cũng đâu biết học trò về nhà chỉ nhắc lại mà cười.
Mình thích được ngồi cạnh cha Linh hướng khi đi “học chính trị” . Ngài nghe mấy ông nói mà bật cười hoài. Nhớ có lần một ông “thầy cán bộ” giảng, tự dưng la lên “Cho xin phép cầm cái cây”, ý nói là ông ta muốn cầm cây gậy chỉ lên bảng. Từ đó về sau Cha Linh hướng mỗi lần cần làm gì đều nói: “Cho xin phép cầm cái cây”. Tụi mình bắt chước lặp lại rồi cười lăn.
Mình suy ra cái điều đơn giản: Đau khổ nhất không phải là thua kém người ta, nhưng đau khổ là phải đi dạy cho những người giỏi giang hơn mình mà ráng tưởng là họ không biết, đau khổ là phải tỏ ra thông mình, quyền uy trước người khác mà thực chất đêm về nghĩ lại thấy mình học ngàn năm cũng chưa bằng một góc kiến thức của họ. Thật tội nghiệp cho những “thầy cán bộ” phải đứng lớp "dạy" (?!) cho Cha Bề Trên và các Cha giáo của mình.
CHA ƠI, NGÀY ĐÓ CHA HAY NÓI VỚI HAI ANH EM CON (VINH PHÚC): “CHA THƯƠNG CÁC CON LẮM”. BÂY GIỜ CON CŨNG MUỐN NÓI: “CON THƯƠNG NHỚ CHA”.
Mình đã kể một số chuyện vui trong những ngày khốn khổ đau buồn nhất của đất nước và của Giáo Hội. Chắc mình tạm ngưng ở đây. Có dịp sẽ xin kể tiếp cho các bạn bè Facebook về những ngày đó. Thật sự phía sau những chuyện vui đó là bao câu chuyện về những ưu tư lo lắng, những đau khổ triền miên và những gian nan khốn khó mà hai Đức Cha, Cha Bề Trên và các Cha phải gánh chịu như những hình khổ không có lối thoát.
Những nỗi khổ đau mà các ngài chấp nhận trước xã hội, để bảo vệ đám con thơ ấy còn kéo dài mãi về sau này. Lúc đó tụi mình còn nhỏ chưa hiểu hết. Nhưng khi nhìn mái đầu bạc nhanh của Đức Cha và Cha Bề Trên, nhìn cách các ngài lo âu, thở dài và gục đầu trong nhà nguyện, nghe những lời các ngài giáo huấn về xã hội thời ấy, anh em mình cũng bớt sống vô tư để suy nghĩ nhiều hơn.
Chắc các bạn không tưởng tượng ra được những gương mặt đằng đằng sát khí bất kể ngày đêm, những tiếng quát lớn trước mặt các đấng bề trên đáng kính trọng, những lời dốt nát mà cố tỏ ra có chút trí tuệ trước sự vĩ đại của các ngài… làm các ngài phải kiên tâm chịu đựng đến mệt mỏi biết bao.
Đức Cha già Phêrô đã sống những ngày cuối đời gần như không còn biết gì. Còn Cha Bề Trên Phaolô Tịnh, cũng là Giám mục hưu, bây giờ cao niên, đã lẫn, cũng không còn nhận ra đoàn con nữa. Mới hôm nào Quế Phương và mình ra thăm, ngài vồn vã “Hai con vào đây, vào đây” vậy mà bây giờ gặp ngài, ngài chỉ nhoẻn cười ngây thơ như đứa trẻ.
Sau này sau khi đã sang giúp Đức Cha Phêrô Maria hơn hai năm, mình rời ngôi nhà yêu dấu với tờ giấy của địa phương: “Anh này gia đình ở miền Nam, đã đề nghị về nhà nhiều lần mà anh ta vẫn lỳ” (lỳ viết y chứ không phải i). Đức Cha già và Cha Bề Trên bảo: “Thôi con về nhà cho an tâm”. Và đó là lý do mình có Cha Bề Trên thứ ba: Cha Phêrô Dương Văn Thạnh, một vị Bề Trên rất khiêm nhường và hiền hòa. (Đức Cha Phêrô Maria thánh thiện, nhân hậu là Bề Trên trực tiếp thứ hai của mình hơn hai năm, sau Cha Phaolô Tịnh)
Cha Bề Trên ơi, Bố Đốc ơi, ngày đó Bố hay nói với hai anh em con (Vinh, Phúc): “Cha thương hai con lắm”. Bây giờ con cũng muốn nói: “Con thương nhớ Cha”.
Sacerdos Victima. Linh mục Hy lễ. Cầu xin cho Hy lễ đời Cha như hương trầm thoảng bay lên trước tòa Chúa cao sang.