TIẾNG VIỆT, đó là di sản duy nhứt mà mỗi chúng ta hiện nay còn được quyền sở hữu & sử dụng mỗi ngày. Bà mẹ Tiếng Việt của chúng ta có hai người con: một người từng mượn cái vỏ Hán tự để nói tiếng Việt ("âm Việt-Hán"), một người không xài vỏ Hán tự ("âm Việt"). Đừng giở thói phụ bạc bất cứ người con nào của mẹ, mà nói luôn, cũng không tài nào ruồng rẫy được hết bởi vì đã thấm vô huyết quản mỗi chúng ta rồi (tôi sẽ diễn giải, dẫn chứng dưới đây).
HIỂU SAI BÉT VỀ "SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT"
&1&
Nhớ lại cái gọi là phong trào "giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt" từng phát động mấy chục năm về trước, với những ví dụ "điển hình" trời ơi (thời may, hiện nay chẳng còn mấy ai bắt chước những "điển hình" đó nữa).
Tôi nhớ hồi đó đọc được mấy ví dụ "điển hình" như: không gọi "đại lộ" mà đổi thành "đường to"; không gọi "ngư dân" mà gọi "người đánh cá"; không gọi "nữ dân quân" mà đổi thành "dân quân gái"... Họ cho rằng đổi sang cách gọi như vậy mới là tiếng Việt.
Thấy gì? Hiện nay có ai đặt tên "Đường to Lê Lợi", "Đường to Võ Văn Kiệt" không? KHÔNG. Mà gọi là "Đại lộ Lê Lợi", "Đại lộ Võ Văn Kiệt". Rồi trở lại gọi là "ngư dân", gọi "nữ dân quân" ráo trọi.
Tại sao? Bởi vì cách gọi "đường to", "dân quân gái"... cho thấy sự ngô nghê chớ sao! Ở trong rừng rú lâu ngày, bước xuống thành thị, nội thấy con đường bề ngang chỉ 8m là đã "đường ta rộng thênh thang tám thước". Có 8m, làm gì đủ chuẩn thênh thang để gọi là "Đường to" (nếu muốn dùng chữ này để thay cho chữ "Đại lộ")? Trong khi đó, "Đại lộ" là một danh từ đặc trưng chỉ để gọi cho những con đường nào đạt đúng những thông số kỹ thuật bên ngành giao thông công chánh qui định, tỉ như "Đại lộ Võ Văn Kiệt" rộng trên 30m...
Còn "dân quân gái"? Nói chữ "gái" để chứng tỏ ta đây quyết tâm gọi là Việt hóa, nhưng trong cụm ba chữ "dân quân gái" thì đã có tới hai chữ "dân quân" nằm trong Hán tự rồi đa ("民 軍").
Chữ "gái", trong cách nói của người Việt chỉ dùng cho những cô chưa lập gia đình (lớn hơn, lập gia đình rồi, không ai đi gọi họ là "con gái" hết); tức là "gái" không bao quát hết "nữ (giới)".
Đó là chưa kể khi đứng mình ên chữ "gái" không thôi, chữ này còn được dùng làm tiếng lóng để chỉ những ả giang hồ: "(làm) gái", tức "(làm) điếm".
&2&
Thành thử cái gọi là "gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt" mà KHÔNG HIỂU được truyền thống sử dụng Tiếng Việt rất linh động của tiền nhân (gồm cả tiếng Việt mượn vỏ Hán tự - "âm Việt-Hán", lẫn tiếng Việt nằm ngoài Hán tự - "âm Việt"), ắt dẫn đến sự bức tử một phần di sản của chính tiếng Việt!
Điều hệ trọng là GÌN GIỮ SỰ TINH TẾ trong chữ nghĩa, trong cách biểu cảm bằng ngôn ngữ của người Việt chớ không phải làm cho tiếng Việt trở nên thô thiển.
&3&
Trong một bài viết của tôi trên fb, khi tôi dùng những chữ như "trực thăng", "phi thuyền", "thủy quân lục chiến", "Á Căn Đình"..., có bạn thắc mắc tại sao lại dùng chữ "gốc Tàu"? Ghê hơn nữa có người còn chực ném đá: định theo Tàu hả?
Tôi sẽ giải ảo ở phần /4/ dưới đây, để chúng ta cùng nhau hiểu cho "trúng khía" về di sản TIẾNG VIỆT.
Nhưng, trước mắt, nghe mấy ví dụ dưới đây cho vui:
Ta nói "Hội Phụ Nữ" (hai chữ "phụ nữ" có trong Hán tự: 婦 女), đâu có ai đi gọi là ..."Hội Đờn bà con gái". Rồi mấy chữ ví dụ ở trên, như "đại lộ" (大 路), "ngư dân" ( 漁 民), "nữ dân quân" (女 民 軍), toàn mượn Hán tự.
Khi chúng ta nói: "Anh Thạnh là giảng viên nghiên cứu vật lý học, hóa học của Đại học khoa học tự nhiên...", cả thảy 19 chữ thì trong đó có tới 15 chữ nằm trong Hán tự ("chữ Tàu", nói vậy luôn, nghe cho nó "sốc") đó đa! Đó là: "giảng viên" 讲 員, "nghiên cứu" 研 究, "vật lý học" 物理學, "hóa học" 化學 , "đại học" 大學, "khoa học" 科 學, "tự nhiên" 自 然 . Chỉ còn vỏn vẹn 4 chữ - "anh", "Thạnh", "là", "của" - nằm ngoài "chữ Tàu" thôi hà.
Thêm một ví dụ nữa. Đọc câu: "Cần nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã hội Việt Nam...", gồm 15 chữ thì có tới 12 chữ nằm trong Hán tự. Là: "nghiên cứu" 研 究, "kinh tế" 經 濟, "văn hóa" 文化, "chính trị" 政治, "xã hội" 社會 , "Việt Nam" 越南. Còn mỗi 3 chữ: "cần", "về", "trong" là nằm ngoài "chữ Tàu" thôi.
Đó là chuyện đời nay. Còn ngược dòng quá khứ, khi Lý Thường Kiệt viết: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư", hết thảy 100% là nằm trong Hán tự, đâu có mấy chữ như "của", "về", "cần", "là"... rong ruổi bên ngoài chữ Hán chơi, như đời nay. Toàn văn "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo, toàn văn "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đều dùng chữ "gốc Tàu" (theo cách hiểu của một bạn comment trên fb) hết ráo!
Các bực anh hùng Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt toàn xài chữ "gốc Tàu", vậy là... rắp tâm "theo Tàu"?
Chúng ta đều biết rồi, Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên, Nguyễn Trãi đuổi quân Minh, hết thảy đều đánh tới mức Tàu chạy té khói, chạy mất dép!
&4&
Đến đây, tôi xin "giải ảo" để cho tỏ tường: ÂM "VIỆT-HÁN" LÀ MỘT DI SẢN ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI VIỆT.
4.1/ Rất nhiều người trong chúng ta vẫn ngấm ngầm không ưng, trong tiềm thức, về việc dùng chữ Tàu (Hán tự) trong suốt các triều đại quân chủ của tiền nhân nước ta.
Trước nhứt, nói ngay, hiện tượng quốc gia này đi mượn chữ (văn tự) của quốc gia khác là rất phổ biến trên thế giới. Chỉ có khoảng 60% các quốc gia có văn tự riêng, còn lại cỡ 40% đi mượn văn tự nước khác xài đỡ, rồi... xài luôn.
Có những nước như Ba Tây (Brazil), sau giai đoạn chịu ách cai trị của người Bồ Đào Nha, đến giờ họ không chỉ mượn chữ (văn tự) của Bồ mà nói tiếng Bồ luôn (tiếng bản địa đành mất dần)! Cũng vậy, đối với Á Căn Đình (Argentina), xài chữ và nói tiếng Tây Ban Nha từ thời thực dân để lại, trở thành ngôn ngữ chánh thống luôn.
4.2/ Trong khi đó, tổ tiên người Việt chúng ta chỉ mượn chữ Tàu chớ không mượn tiếng. Ngày xưa nếu không mượn chữ Hán, tiền nhân chúng ta biết viết bằng cái thứ chữ gì khác để lưu lại cho hậu thế chúng ta?
Văn tự nói cho cùng chỉ là cái vỏ, TIẾNG NÓI mới là cái tinh túy nhứt, tạo nên sự khác biệt. Tiền nhân chúng ta KHÔNG nói tiếng Tàu, mà phát âm theo cách của người Việt ("âm Việt-Hán", tức nói tiếng Việt dựa trên cải vỏ Hán tự), hết sức độc đáo.
Tôi xin đưa ra một so sánh. Khi một số người học viết chữ Pháp dưới thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là đọc bằng tiếng Pháp, chớ làm gì có việc mượn chữ Pháp rồi người VN ... chế ra kiểu đọc khác mà chỉ người VN nghe với nhau mới hiểu.
Vậy mà, đối với chữ Tàu, tiền nhân chúng ta đọc bằng TIẾNG VIỆT, người Tàu nghe khỏi hiểu luôn! Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, khi gặp một số nhà cách mạng bên Trung Hoa, nếu nói chữ Tàu theo "âm Việt-Hán" thì họ đâu hiểu, họ nghe âm mà đoán thì sai ý sai tứ hết trọi. Thành thử lúc đó cụ Phan Bội Châu phải bút đàm với họ (viết từng chữ Tàu ra giấy để họ dòm vô, mới hiểu).
4.3/ "Âm Việt-Hán", xin được nhắc đi nhắc lại để cùng nhau nhớ rằng, đó là Tiếng Việt, thuộc về một phong cách diễn ngôn của người Việt.
Tỉ dụ: mượn chữ 水 trong Hán tự, mặc kệ người Tàu đọc "shuǐ", tiền nhân chúng ta đưa tiếng Việt vào, đọc thành "Thủy" (âm Việt-Hán).
"Thủy" có nghĩa là "nước". Nhưng "nước" lại không nằm trong những lớp chữ đọc theo "âm Việt-Hán", mà thuộc về "âm Việt".
Thành thử bà mẹ TIẾNG VIỆT của chúng ta có tới hai người con: một người từng mượn cái vỏ Hán tự để nói tiếng Việt ("âm Việt-Hán"), một người không xài vỏ Hán tự ("âm Việt").
TIẾNG VIỆT trở nên giàu có, phong phú là vì vậy!
&5&
Âm Việt-Hán đã đi vô đời sống của mọi người VN, bình thường và tự nhiên như hơi thở tới mức chúng ta không hề biết có "nó" trong lời ăn tiếng nói của mình hàng ngày. Bất luận quí bạn viết gì trên fb cá nhân, thể nào trong các bài (status) của bạn cũng đều có những chữ "Việt-Hán", hoặc ít hoặc nhiều.
Có sao đâu, ngược lại, thêm hay ho vì nhờ những chữ Việt-Hán mà câu cú trở nên cô đọng, súc tích. Và, hãy cùng nhau nhớ rằng, Việt-Hán là tiếng VIỆT (chớ không phải tiếng Tàu)!
Chỉ có những ai chưa đủ yêu di sản tiếng Việt của cha ông, hoặc hiểu quá lơ mơ, quá cạn cợt, thì mới lăm le đòi BỨC TỬ những chữ đọc theo âm Việt-Hán, làm cho tiếng Việt trở nên thô thiển hoặc nghèo nàn hẳn đi.
Hỡi những kẻ ưa lên gân "giữ gìn tiếng Việt trong sáng" (nhưng rặt phá hoại di sản tiếng Việt của tiền nhân), có giỏi thì đi bức tử những chữ như "Thủ tướng", "Quốc hội", "nghị trường", "chủ tịch", "ủy ban", "chính trị", "văn hóa", "thị trường", "điện ảnh", "âm nhạc" ... toàn những chữ Việt-Hán đó đa, thử thay bằng những chữ đọc theo "âm thuần Việt" coi sao?
Chắc chắn là bẽ mặt, không làm được.