Bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mà Cộng Ðồng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam hiện đang sử dụng đã được dịch sang tiếng Việt cách đây hơn 70 năm. Mặc dù được dịch đã khá lâu, nhưng đây là bản Kinh Thánh Việt Ngữ được tin cậy và sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Phan Khôi là một trong những người đã góp phần trong việc thực hiện bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành
Tin, bài liên quan: Trương Vĩnh Ký và Phan Khôi trong loan báo Tin Mừng cho người Việt Nam
I. Tiểu Sử Phan Khôi
1. Gia Thế:
Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, và ông là con trưởng nam trong gia đình. Dòng họ Phan Khôi cả bên nội lẫn bên ngoại quê quán đều ở tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Ông nội của cụ Phan Khôi từng làm Án Sát tỉnh Khánh Hòa dưới triều vua Tự Ðức, còn ông ngoại là Tổng Ðốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882 vào tay sĩ quan Pháp Henri Rivière. Trước khi làm Tổng Ðốc Hà Nội, cụ Hoàng Diệu đã từng đi sứ sang Tây Ban Nha và Anh quốc.
Thân sinh của Phan Khôi là cụ Phan Trân. Cụ Phan Trân vốn sinh trưởng trong dòng dõi nho gia hiển đạt nên cũng học rất giỏi và thi đỗ đại khoa. Khi ấy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn: nhạc phụ tuẫn tiết vì tổ quốc, còn cha lại bị triều đình cách chức, nên Phan Trân đành ra làm Tri Phủ tại Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa. Ông nghĩ rằng với đồng lương quan phủ có thể chu cấp cho cả gia đình hai bên trong cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cha của Phan Khôi làm quan cũng chỉ ba năm. Sau đó, vì cãi nhau với viên Công Sứ Pháp tỉnh Khánh Hòa nên ông cáo bệnh về hưu dạy học, lúc mới 38 tuổi.
2. Học Vấn:
Thừa hưởng truyền thống của gia đình, Phan Khôi học rất giỏi. Trí thông minh của “cậu Cả, con ông Phủ” nổi tiếng trong làng. Phan Khôi khá tự mãn về sức học của mình. Ông nghĩ rằng thế nào ông cũng đậu thủ khoa hoặc thuộc năm hạng đầu của cử nhân. Năm 18 tuổi, Phan Khôi dự kỳ thi Hương năm 1905 và đỗ tú tài Hán học, nhưng vì không đậu thủ khoa nên “cậu Cả” giận mà khóc. Ðây là bằng cấp cao nhất mà Phan Khôi có, do đó về sau nhiều người vẫn gọi ông là Tú Khôi.
3. Hoạt Động:
Thất vọng với nền cựu học, Phan Khôi nhảy sang học chữ Quốc Ngữ. Trong thời gian này, chàng thanh niên trẻ tuổi có dịp gặp gỡ một số chí sĩ cách mạng Việt Nam nổi tiếng như Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Nhờ tiếp xúc với những nhà ái quốc, tinh thần ái quốc và cách mạng của chàng trai trẻ được tô bồi và càng thêm nóng cháy.
Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục. Mặc dù học chữ Quốc Ngữ không lâu nhưng so với những người cùng thời, Phan Khôi đã giỏi chữ Quốc Ngữ. Do đó, khi mới 20 tuổi Phan Khôi được những người lãnh đạo của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục giao viết bài cho tờ Ðăng Cổ Tùng Báo do phong trào này xuất bản.
Ðông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào cách mạng của giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Một trong những hoạt động chính của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục là cổ võ việc sử dụng chữ Quốc Ngữ. Phong trào kêu gọi: “Bỏ chữ Nôm, học chữ Quốc Ngữ, mở các trường tân học, khuyến khích việc xuất dương du học, dịch thuật các sách khoa học,…”
Phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục sau đó bị thực dân Pháp dẹp bỏ. Những mục tiêu chính trị của phong trào không hoàn tất nhưng cuộc cách mạng văn hóa do phong trào khởi xướng đã mang lại những kết quả tốt đẹp lâu dài về sau. Năm 1915, tại miền Bắc và năm 1918 tại miền Trung, lối thi cũ bằng Hán Học bị hủy bỏ. Chữ Quốc Ngữ dần dần được phổ biến và sau đó được công chúng và chính quyền, công nhận. Chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt mãi cho đến ngày hôm nay.
Sau khi phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp, tất cả thành viên của phong trào bị truy nã gắt gao. Phan Khôi trốn vào Nam Ðịnh rồi xuống Hải Phòng để tránh mật thám Pháp. Vài tháng sau, Phan Khôi trở về Quảng Nam. Ông tham gia phong trào Văn Thân Cứu Quốc của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế cho dân vào năm 1908, Phan Khôi bị thực dân Pháp bắt giam tại Faifo (Hội An) – Quảng Nam.
Trong thời gian ở tù, Phan Khôi có dịp gặp lại những nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng. Trong tù, ông đã học thêm tiếng Pháp. Từ chỗ không biết gì, sau vài năm ở tù, Phan Khôi có thể đọc thành thạo bộ sách văn học sử bằng tiếng Pháp của Cuvillier.
Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ. Chiến tranh Pháp – Ðức diễn ra. Ðể lấy lòng dân chúng thuộc địa, Toàn Quyền Ðông Dương là Albert Sarraut đã phóng thích một số chính trị phạm, nhờ đó Phan Khôi được tự do.
Sau khi được phóng thích, Phan Khôi tiếp tục sống tại Quảng Nam. Dù vẫn còn trong lứa tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Phan Khôi đã thông thạo cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và Pháp Văn. Ðây là bốn chữ viết quan trọng của người Việt vào thời ấy.
Sau khi ra tù, trong thời gian ở Quảng Nam, Phan Khôi nhận lời dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ Tin Lành với mục đích trau giồi thêm tiếng Pháp. Khi ấy đạo Tin Lành mới truyền vào Việt Nam được ba năm. Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ. Thực Dân Pháp nghi ngờ các giáo sĩ liên hệ với người Ðức nên không cho hoạt động truyền giáo. Vì các giáo sĩ chưa được phép hoạt động truyền giáo nên đã dành nhiều thì giờ để học tiếng Việt.
Hai năm sau khi Phan Khôi dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ, năm 1916, giáo sĩ E.F. Irwin nhận biết được khả năng uyên bác của Phan Khôi nên đã mời ông Tú Khôi tham gia Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ.
Chương trình của Ðức Chúa Trời thật kỳ diệu. Ngài đã sắp đặt, huấn luyện một người nhiệt thành và tài năng để góp phần dịch Kinh Thánh cho dân tộc Việt. Phan Khôi đã nhận lời và trở thành người phiên dịch chính. Ông làm việc suốt 10 năm (1916-1925) chung với ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John Drange Olsen, ông Trần Văn Dõng, và ông Nguyễn Hữu Phúc. Theo tài liệu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bản dịch Kinh Thánh Quốc Ngữ được hoàn thành vào năm 1925, đem in tại Trung Hoa và mang về Việt Nam phát hành ngay năm ấy. Tuy nhiên, theo tài liệu của Thánh Kinh Hội, bản dịch Kinh Thánh này chỉ được chính thức phát hành vào năm 1926.
Trong thời gian này (1916-1925), bên cạnh công việc chính là phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi cũng dành thì giờ để cộng tác với một số báo chí từ Bắc chí Nam. Năm 1917, Phạm Quỳnh phát hành Nam Phong Tạp Chí. Tờ báo gồm có ba phần: Hán Văn, Pháp Văn và Quốc Văn nhưng phần Quốc Văn là quan trọng nhất của tờ báo. Phạm Quỳnh mời Phan Khôi cộng tác phụ trách phần Quốc Văn, Phan Khôi nhận lời. Tuy nhiên ông chỉ làm việc với Nam Phong được có hai năm. Sau đó, ông đành từ chối vì quá bận với công việc phiên dịch Kinh Thánh.
Một số nhà nghiên cứu văn học Việt Nam không rõ công việc chính của cụ Phan Khôi trong giai đoạn này nên cho rằng lý do của sự chia tay với tờ Nam Phong Tạp Chí là Phan Khôi bất đồng với Phạm Quỳnh. Thật ra, có những bất đồng với Phạm Quỳnh, nhưng lý do chính chỉ vì Phan Khôi phải lo công việc phiên dịch Kinh Thánh.
Giáo sĩ E. F. Irwin người gần gũi với Phan Khôi trong giai đoạn này, đã viết trong cuốn bút ký With Christ in Indochina, xuất bản tại Philadelphia vào năm 1936, ghi nhận rằng: “Một tờ báo đã mời Phan Khôi làm Chủ Bút với tiền lương nhiều hơn số tiền mà Hội Thánh có thể trả cho ông trong việc phiên dịch Kinh Thánh, nhưng ông đã từ chối, và bằng lòng ở lại làm việc với Hội Truyền Giáo. Phan Khôi đã làm việc nhiệt tình suốt trong 10 năm cho đến khi toàn bộ Kinh Thánh được dịch xong.”
Bên cạnh việc phiên dịch Kinh Thánh, ông như một con chim xuôi ngược từ nam chí bắc, hết Sài Gòn rồi Hà Nội. Với biệt tài của mình, Phan Khôi được rất nhiều tờ báo lớn trong cả nước mời cộng tác.
Năm 1919, Phan Khôi vào Sài Gòn cộng tác với tờ Lục Tỉnh Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, theo Phan Khôi, khi ấy trình độ thưởng thức Quốc Văn của người dân Nam Kỳ chưa cao, nên bài ông viết “chẳng ai thèm đọc thèm hiểu cả nên phải ôm bút trở về.”
Năm 1920, Phan Khôi lại ra Hà Nội cộng tác với tờ Thực Nghiệp Dân Báo và Tạp Chí Hữu Thanh của cụ Ngô Ðức Kế. Trong thời kỳ này, cụ đã bút chiến với Hải Triều, một nhà văn có khuynh hướng Cộng Sản về sau đã trở thành một nhà tư tưởng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Phan Khôi khi ấy được tiếp xúc với Lời Chúa nên thấy rõ cái sai của chủ nghĩa vô thần. Cuộc bút chiến giữa hai khuynh hướng duy tâm (Phan Khôi) và duy vật (Hải Triều) đã gây xôn xao dư luận trong cả nước vào lúc đó.
Chẳng bao lâu sau, cả hai tờ Thực Nghiệp Dân Báo lẫn Hữu Thanh đều bị đình bản. Có lẽ Ðức Chúa Trời thấy Phan Khôi chưa dịch xong Kinh Thánh nên Ngài ngăn trở sự nghiệp làm báo của ông. Dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, ở đâu ông cũng đành phải bỏ dở việc làm báo và phải tập trung nhiều hơn vào việc phiên dịch Kinh Thánh.
Ðể hiểu rõ lý do vì sao Phan Khôi ra vào Hà Nội lẫn Sài Gòn thường xuyên trong khoảng thời gian này, chúng ta cần biết Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh khi ấy làm việc tại hai nơi: ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman và cụ Tú Nguyễn Hữu Phúc làm việc tại Hà Nội, Giáo Sĩ John Drange Olsen và ông Trần Văn Dõng làm việc tại Sài Gòn. Chương trình phiên dịch Kinh Thánh lúc đó do Thánh Kinh Hội tài trợ và Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp thực hiện. Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ phải làm việc tại hai nơi: Giáo Sĩ và bà William C. Cadman nhận lo công việc truyền giáo tại miền bắc, còn Giáo Sĩ John D. Olsen có trách nhiệm mở mang công việc Chúa tại Sài Gòn; cả hai giáo sĩ không thể ngưng trách nhiệm truyền giáo để dịch Kinh Thánh và ngược lại cũng không thể vì mãi lo công việc truyền giáo mà không thực hiện việc dịch Thánh Kinh. Vào thời đó, do các phương tiện truyền thông, như điện thoại, chưa phổ biến; do đó, Phan Khôi, người phiên dịch chính, như con thoi đi lại làm nhịp cầu giữa đôi bên. Phan Khôi cộng tác với Hội Truyền Giáo 10 năm, trong đó có 5 năm làm việc với ông bà William C. Cadman; thời gian còn lại ông làm việc với Giáo Sĩ John D. Olsen và các giáo sĩ khác.
Trở lại với Phan Khôi, năm 1928, sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn cộng tác với tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn. Trong thời gian ở Sài Gòn, Phan Khôi cho xuất bản tập thơ đầu tiên lấy tên là Nam Âm Thi Thoại.
Năm 1931, Phan Khôi lại ra Hà Nội làm Chủ Bút cho tờ Phụ Nữ Thời Ðàm tuy nhiên ông vẫn cộng tác cho những tờ báo lớn trong Nam.
Năm 1932, tờ Phụ Nữ Tân Văn đăng bài Tình Già của Phan Khôi. Bài thơ được xem như là phát pháo đầu khởi xướng phong trào thơ mới. Phan Khôi được giới nghiên cứu văn học xem là người đã khai sinh ra phong trào thơ mới của Việt Nam.
Năm 1936, Phan Khôi trở về Huế viết cho tờ Tràng An. Sau đó, ông cho xuất bản tờ Sông Hương và tái bản tập thơ Nam Âm Thi Thoại. Lần này, tập thơ mang tên Chương Dân Thi Thoại vì cụ đã đổi bút hiệu Nam Âm thành Chương Dân. Năm 1937, tờ Sông Hương bị đình bản. Năm 1939, Phan Khôi lại vào Sài Gòn và cho xuất bản tiểu thuyết Trở Vỏ Lửa Ra.
Ngoài những tờ báo trên, trong quãng đời cầm bút của Phan Khôi, ông cũng viết bài cho nhiều tờ báo khác như Hà Nội Báo, Ðông Tây, Ðông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Thực Nghiệp Dân Báo, Trung Lập,…. Do phải cộng tác và dành nhiều thì giờ cho báo chí nên Phan Khôi không có những tác phẩm văn học đáng lưu ý, ngoại trừ tập thơ Chương Dân Thi Thoại và truyện Trở Vỏ Lửa Ra.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Phan Khôi về quê lánh nạn.
Năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Phan Khôi tham gia kháng chiến. Phan Khôi là một người yêu nước và cương trực; mặc dầu hợp tác với Việt Minh nhưng Phan Khôi thẳng thắn chống lại những chủ trương sai lầm của Việt Minh. Ðiển hình là việc ông phản đối việc Việt Minh khủng bố ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khi Cộng Sản định phá đền thờ của Tổng Ðốc Hoàng Diệu, Phan Khôi mạnh dạn lên tiếng công kích.
Dù bị Phan Khôi thẳng thắn phê bình, nhưng trước uy tín, tài năng cá nhân của ông, truyền thống chống Pháp của gia đình ông, Việt Minh vẫn phải giữ Phan Khôi. Nhiều cán bộ địa phương tại Quảng Nam định bắt Phan Khôi nhưng vì nể con ông là Phan Thao đang làm một viên chức Việt Minh cao cấp trong Ủy Ban Trung Bộ nên đã không dám bắt cụ.
Về phần Phan Khôi, lợi dụng quen biết cũ, cụ đã viết thư cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi ấy đang được Việt Minh mời làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ tại Hà Nội. Cụ Huỳnh tìm cách can thiệp nên nội vụ được xử êm. Hồ Chí Minh đã dàn xếp khéo léo vụ xung đột bằng cách tự tay viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội hợp tác. Các nhà lãnh đạo Việt Minh dự định giao Phan Khôi cho người em họ của cụ là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, Trung Ương Ủy Viên Ðảng và là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ vào lúc đó, để quản thúc.
Biết được mưu tính của Việt Minh, ra đến Hà Nội, Phan Khôi không ở chung với Phan Bôi nhưng cụ lên phố Quan Thánh ở nhà của Khái Hưng, tức Trần Khánh Dư, một nhà văn theo Quốc Dân Ðảng. Khái Hưng là một trong những nhà văn hàng đầu của Tự Lực Văn Ðoàn. Những nhà văn trong phong trào Tự Lực Văn Ðoàn rất ngưỡng mộ Phan Khôi. Suốt hơn một thập kỷ qua họ là những học trò đã đem những tư tưởng “cách mạng” của Phan Khôi trong cách hành văn để xây dựng nền văn xuôi Việt Nam trong giai đoạn 1932-1945.
Khi Việt Minh khủng bố Quốc Dân Ðảng, vây nhà bắt Khái Hưng, Việt Minh cũng bắt cụ Phan Khôi. Tuy nhiên, con trai của Phan Khôi là Phan Thao, bây giờ đã làm Chủ Nhiệm báo Cứu Quốc tại Hà Nội, nên một lần nữa Công An Việt Minh không khủng bố cụ. Sau đó, cụ Phan Khôi được giao cho Phan Bôi đưa lên chiến khu Việt Bắc.
Trong suốt chín năm kháng chiến, Phan Khôi sống tại Việt Bắc. Cụ được giao cho trách nhiệm dịch sách Hán Văn và Pháp Văn ra Việt Văn. Tuy bất mãn với một số đường lối của Việt Minh, nhưng cụ Phan cũng làm tròn nhiệm vụ. Hồ Chí Minh rất hài lòng về những việc cụ Phan Khôi làm, và cũng vì đã giam lỏng được Phan Khôi, nên đã đích thân tặng Phan Khôi một chiếc áo “bờ-lu-dông” Mỹ.
Năm 1950, Ðại Hội Văn Nghệ Nhân Dân được tổ chức tại Việt Bắc. Dầu có mặt tại đó, nhưng Phan Khôi là một trong số rất ít văn nghệ sĩ không chịu bẻ cong ngòi bút theo chỉ đạo của Ðảng, nên đã không được Ðảng trọng dụng. Phan Khôi ghi lại tâm sự đó trong bài thơ Hớt Tóc:
Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra. (1952)
Năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève ký kết, đất nước bị chia đôi. Vì là người “theo kháng chiến”, Phan Khôi không thể vào nam, nhưng phải về sống tại Hà Nội; dầu vậy ông luôn luôn tỏ ra bất đồng với những chính sách bất công và có nhiều sai lầm tại miền Bắc. Không nhà cửa tại Hà Nội, Hội Văn Nghệ đã dành cho cụ một căn phòng tại tầng ba trong trụ sở Hội Văn Nghệ tại đường Gambetta. Phan Khôi vẫn tiếp tục làm công việc phiên dịch như trước.
Miền Bắc bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trước những sai lầm liên tiếp tại miền Bắc, Phan Khôi đã viết bài “Phê Bình Lãnh Ðạo Văn Nghệ” đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu.
Năm 1956, phong trào chống đối của các văn thi sĩ tại miền Bắc bộc phát. Cụ Phan đứng ra làm Chủ Nhiệm tờ Văn, lãnh đạo những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Ðào Duy Anh,… phê bình, chỉ trích những sai lầm trong chính sách cai trị của nhà nước. Rất tiếc, những tiếng nói trung thực ấy đã bị đàn áp.
Những truyện ngắn của Phan Khôi như Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột lần lượt đăng trên báo Văn ở Hà Nội. Một số bài thơ của ông xuất hiện trên tờ Giai Phẩm I, II, và III. Khi ấy, Tố Hữu – người lúc còn thiếu niên được Hải Triều, người đã bút chiến với Phan Khôi, chiêu mộ vào Ðảng Cộng Sản – giờ đây đã trở thành người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Ðảng, đang giữ vai trò lãnh đạo tư tưởng tại miền Bắc. Sau những bài báo trên tờ Văn và Giai Phẩm được phát hành, Phan Khôi bị Tố Hữu ra lệnh thanh trừng vì đã dám phê bình những lãnh đạo văn nghệ; lúc đó Tố Hữu là người đứng đầu ngành văn hóa và nghệ thuật tại miền Bắc. Sau đó, báo Văn bị đóng cửa. Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm với tinh thần bất khuất của Phan Khôi đã gây tiếng vang khắp nơi. Mãi nhiều thập niên sau, một số người Cộng Sản mới nhận sai lầm và biết rằng đó là những tiếng nói trung thực.
Sau một thời gian bị quản thúc, ngày 16/1/1959, Phan Khôi mất tại Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi.
Phan Khôi là một con người rất đặc biệt: đặc biệt trong nhân cách, trong văn chương, và trong mối quan hệ. Ít có người nào có mối quan hệ rộng rãi và đa chiều như Phan Khôi. Ông đã từng sống gần gũi, hoặc làm việc với nhiều hạng người khác nhau: từ những nhân vật được nhiều người kính mến như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, những người mà Cộng Sản cho là bán nước như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh; những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Tản Ðà, Thế Lữ, rồi Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nam Cao; …, và những nhà truyền giáo tiên phong đem Tin Lành đến cho Việt Nam như các giáo sĩ E. F. Irvin, William C. Cadman, John D. Olsen. Phan Khôi được không ít người yêu thương, và cũng không ít người chống đối; dầu vậy đa số những người đó vẫn kính nể ông.
Chúa đã chọn Phan Khôi, một con người uyên bác, kỳ tài, và cương trực cho công việc phiên dịch Kinh Thánh. Ngày nay sau 70 năm, bản dịch Kinh Thánh do Phan Khôi góp phần vẫn là bản Kinh Thánh Việt Ngữ được xử dụng phổ biến nhất. (Tín hữu Công giáo VN quen sử dụng bản dịch Kinh Thánh của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ - Chú thích của VTCG)
Ðiều đáng tiếc cho Phan Khôi, cũng như một số học giả Việt Nam vào thời đó; có lẽ do cái cao ngạo của một nhà Nho; ông đã đến với Kinh Thánh, học biết một số chân lý trong Lời Chúa, trân quý những điều đó, nhưng ông không tiếp nhận chân lý quan trọng nhất là sự cứu rỗi của Chúa. Theo ký ức của một số đầy tớ Chúa, bà William C. Cadman, người cùng làm việc với Phan Khôi, và được Phan Khôi kính phục, đã viết rất nhiều lời làm chứng cho Phan Khôi, nhưng khi ấy ông vẫn chưa chịu tin nhận Chúa.
II. Phiên Dịch Kinh Thánh:
Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam viết về Phan Khôi. Nhắc đến Phan Khôi, giới phê bình văn học thường coi ông là cha đẻ của phong trào thơ mới. Tuy nhiên, bàn về Phan Khôi mà không nhắc đến bản dịch Kinh Thánh (1925) do ông cộng tác thực hiện là một thiếu sót rất lớn. Đây là công trình mà Phan Khôi đã cống hiến nhiều thì giờ và tâm huyết nhất. Công trình này đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên sự nghiệp văn chương của Phan Khôi trong những năm tháng về sau.
Thật ra, bản dịch Kinh Thánh (1925) không những chỉ quan trọng đối với tín hữu Tin Lành tại Việt Nam nhưng đây còn là một tác phẩm văn học đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách hành văn của văn chương Quốc Ngữ. Bản dịch Kinh Thánh (1925) giúp cho hậu thế hiểu rõ thêm về những cải tiến trong cách hành văn vào đầu thế kỷ 20 và hiểu rõ thêm về Phan Khôi, một trong những nhà văn giỏi chữ Quốc Ngữ nhất vào thời ấy.
Để hiểu tầm quan trọng của bản dịch Kinh Thánh 1925, chúng ta cần ôn lại một ít về lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam.
Theo Nghiêm Toản trong Việt Nam Văn Học Sử, lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn chính:
1. Thời Kỳ Phôi Thai (1651-1913):
Thời Kỳ Phôi Thai bắt đầu từ khi chữ Quốc Ngữ được phát minh cho đến khi Đông Dương Tạp Chí ra đời (1913). Giai đoạn này kéo dài gần ba thế kỷ. Chúng ta không rõ các tác phẩm đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ đã được viết ra khi nào nhưng đến năm 1651, Linh Mục Alexandre de Rhodes cho in cuốn Phép Giảng Đạo Tám Ngày, cho biết đã tham khảo cuốn Từ Vựng An Nam – Bồ Đào Nha của Linh Mục Antoine de Barbosa, thì những người thuộc thế hệ sau mới biết đã có hai tác phẩm trên từ trước. Tuy nhiên sách phát hành vào lúc nào thì không ai biết rõ.
Suốt thời kỳ Phôi Thai, tại Việt Nam không có một sáng tác văn học nào bằng Quốc Ngữ. Đa số sách xuất bản là sách dịch hay sách biên khảo. Trong suốt hơn 230 năm đầu tiên, ngoài vài kinh sách do Giáo Hội Công Giáo phiên dịch và lưu hành nội bộ, không có một tác phẩm nào khác được phát hành.
Trong 30 năm cuối thời kỳ Phôi Thai, hai học giả xuất sắc là Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) đã hệ thống hóa lại chữ Quốc Ngữ. Hai ông muốn phổ biến chữ Quốc Ngữ rộng rãi cho toàn dân Việt nên đã dịch một số sách Hán văn, Pháp văn, chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ, đem in, rồi phổ biến cho công chúng. Từ đó, chữ Quốc Ngữ phát triển, không còn giới hạn sử dụng trong phạm vi của Giáo hội Công giáo nữa.
Một số tác phẩm quan trọng bằng Quốc ngữ được in trong thời kỳ này là: Truyện Giải Buồn (1880). Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895),… của Huỳnh Tịnh Của; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Kim Vân Kiều, Trung Dung, Đại Học, Lục Súc Tranh Công,…do Trương Vĩnh Ký dịch thuật. Báo chí trong thời kỳ Phôi Thai có tờ Gia Định Báo (1865), Nông Cổ Mín Đàm (1900), Nhật Báo Tỉnh (1905), Đại Việt Tân Báo (1907), Đăng Cổ Tùng Báo (1907) và Lục Tỉnh Tân Văn (1910).
2. Thời Kỳ Tiệm Tiến (1913-1934)
Thời kỳ Tiệm Tiến bắt đầu khi Đông Dương Tạp Chí ra đời (1913) và kết thúc khi Nam Phong Tạp Chí đình bản (1934). Thời kỳ này chỉ kéo dài có 21 năm nhưng đây là giai đoạn quan trọng đã đặt nền móng cho việc phát triển chữ Quốc Ngữ.
Thời kỳ Tiệm Tiến (1913-1934) đã hình thành những tiêu chuẩn căn bản về cách hành văn, nhờ đó chữ Quốc Ngữ có thể diễn đạt trôi chảy các khái niệm mới trong nhiều lãnh vực. Yếu tố này rất quan trọng, vì cho đến khi ấy, giới trí thức Việt Nam vẫn còn nghi ngờ khả năng diễn đạt của chữ Quốc Ngữ, do đó họ vẫn dùng chữ Hán, chữ Nôm hoặc Pháp văn trong mọi ngành học thuật. Giai đoạn 1913-1934 dọn đường cho sự bộc phát những tác phẩm văn học trong những giai đoạn tiếp sau.
Hai cây viết có công lớn trong giai đoạn Tiệm Tiến là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Hai người này vừa là chính trị gia vừa là những học giả. Phạm Quỳnh làm chủ bút tờ Nam Phong còn Nguyễn Văn Vĩnh vừa làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn trong Sài Gòn, vừa làm chủ bút tờ Đông Dương Tạp Chí tại Hà Nội. Nhận xét về cách hành văn của hai cây viết hàng đầu này các nhà phê bình văn học Việt Nam ghi nhận: văn của Nguyễn Văn Vĩnh giản dị bình dân; còn văn của Phạm Quỳnh là văn của học giả.
Sau Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí, rất nhiều tờ báo Quốc Ngữ khác đã lần lượt ra đời trong giai đoạn này, tuy nhiên chỉ có tờ Nam Phong do Phạm Huỳnh khởi xướng là tờ báo mẫu mực nhất vào thời đó. Nam Phong đã du nhập nhiều danh từ triết học, khoa học sang tiếng Việt, nhờ đó chữ Quốc Ngữ có thể diễn đạt được các khái niệm triết học và khoa học là hai lĩnh vực tương đối mới khi ấy.
Sau việc phát hành hàng loạt những tờ báo giá trị bằng chữ Quốc Ngữ và nhờ cuộc vận động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khởi xướng, số người đọc và viết Quốc Ngữ tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
3. Thời Kỳ Thành Lập
Sau năm 1934, chữ Quốc Ngữ đã tương đối ổn định về mặt cú pháp, kho từ vựng đã phong phú hẳn lên. Từ đó, văn xuôi Quốc Ngữ tiến đến trình độ có thể diễn đạt trôi chảy cả chiều rộng và chiều sâu mọi nghành học thuật như trong Hán văn và Pháp văn. Sự phát triển đó thể hiện rõ qua sự bộc phát về số lượng báo chí, các công trình biên khảo, thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ, nghị luận,… Rất nhiều tác phẩm văn học giá trị, điển hình là những tác phẩm của phong trào Tự Lực Văn Đoàn, xuất hiện trong thời kỳ này. Giai đoạn văn học 1934-1946 được xem là một giai đoạn vàng son của nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam.
Bản dịch Thánh Kinh bằng Quốc Ngữ (1925) đã xuất hiện trong giai đoạn thứ II: thời kỳ Tiệm Tiến trong quá trình phát triển Quốc Ngữ. Bản dịch Kinh Thánh (1925) đã được xuất bản trước khi nền văn xuôi Quốc Ngữ thăng hoa. Đây là một trong những ấn phẩm hiếm hoi trong thời kỳ Tiệm Tiến của chữ Quốc Ngữ vẫn còn được phổ biến rộng rãi và được đọc rất nhiều cho đến ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trong giai đoạn Tiệm Tiến, ngoài Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, những thành viên trong ban biên tập của hai tờ Nam Phong và Đông Dương Tạp Chí được xem là những cây bút hàng đầu của Việt Nam thời đó. Phan Khôi là một trong những nhân vật trên. Khi cụ Phan Kế Bính (1857-1921) được Nguyễn Văn Vĩnh mời làm phụ tá chủ bút cho tờ Đông Dương thì Phạm Quỳnh đã mời Phan Khôi cộng tác cho tờ Nam Phong.
Trong thời kỳ Tiệm Tiến, Nam Phong là tờ báo nổi tiếng nhất, phần Quốc ngữ là phần quan trọng nhất trên tờ Nam Phong. Ngay vào năm 1917, khi tờ báo được thành lập, Phan Khôi đã được Phạm Quỳnh, người được xem là giỏi Quốc Văn nhất thời đó, mời phụ trách phần Quốc Ngữ cho tờ Nam Phong. Chức vụ Trưởng Ban Biên Tập phần Quốc Ngữ cho tờ Nam Phong chứng tỏ Phan Khôi không những là người giỏi Quốc Ngữ nhất trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh, nhưng cũng là người rất giỏi Quốc Ngữ so với các nhà văn cùng thời.
Bên cạnh đó, Phan Khôi cũng từng cộng tác với Nguyễn Văn Vĩnh trong tờ Lục Tỉnh Tân Văn (1919), đây cũng là một tờ báo hàng đầu vào thời đó. Tuy nhiên, có lẽ dân miền Nam quen với văn chương bình dân của Nguyễn Văn Vĩnh nên không hiểu được Phan Khôi. Như vậy, chúng ta biết chắc rằng trình độ sử dụng chữ Quốc Ngữ của Phan Khôi khi ấy rất cao. Dù ông chưa được công chúng biết đến như vào những năm sau, nhưng đã được các học giả cùng thời coi trọng.
Thời gian cộng tác với hai học giả Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh cũng là thời gian Phan Khôi dịch Kinh Thánh. Do đó chúng ta biết rằng bản dịch Kinh Thánh do Phan Khôi thực hiện cũng là bản dịch có trình độ quốc văn rất cao vào thời ấy.
Ngày nay, nhiều đọc giả trong và ngoài Hội Thánh khi đọc Kinh Thánh thường chê bản dịch Kinh Thánh (1925) là khó hiểu và sai văn phạm. Tuy nhiên, như chúng ta biết: bản dịch trên đã ra đời trong giai đoạn Quốc Ngữ mới phát triển và còn đang trong thời kỳ định hình. Văn phạm khi ấy chưa thật hoàn chỉnh, nhiều từ ngữ và cách hành văn không linh hoạt trong sáng. Nếu chúng ta công tâm đặt bản dịch Kinh Thánh được thực hiện khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1925 trong bối cảnh văn học khi bản dịch ra đời, chúng ta sẽ thấy đây là một tác phẩm rất giá trị. Bản dịch Kinh Thánh (1925) đã phản ảnh những ưu điểm đặc trưng của văn Quốc Ngữ trong giai đoạn văn học đầu của thế kỷ 20, mà ít có tác phẩm nào cùng thời có được.
Xét về giá trị tư tưởng của Kinh Thánh, chúng ta không cần phải đánh giá lại, vì đã quá thừa. Sự phát triển của Thánh Kinh đã giúp phát triển nền văn học của nhiều dân tộc trên thế giới. Hàng ngàn chữ viết của các dân tộc trên thế giới ngày nay bắt nguồn từ việc phát hành Thánh Kinh. Ngoài ra, Thánh Kinh cũng chính là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm văn học. Trên thế giới ngày nay, không một thống kê nào có thể xác định được bao nhiêu tác phẩm văn học, nghị luận, thi ca, nhạc, kịch, điêu khắc, hội họa… lấy đề tài từ Kinh Thánh. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Paradise Lost, Quo Vadis, Barabas,… bắt nguồn từ Thánh Kinh. Rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc lấy đề tài từ Thánh Kinh đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong kho tàng văn hóa thế giới.
Riêng về bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ (1925), dù không được xem là một tác phẩm văn học, nhưng bản dịch Kinh Thánh (1925) là một tác phẩm tiêu biểu đánh dấu những bước tiến quan trọng về mặt ngữ pháp và cách hành văn vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, nhờ ảnh hưởng của Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, chữ Quốc Ngữ được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, những người viết quốc văn đầu tiên lại là những nhà nho cho nên cách hành văn trong Quốc văn vào lúc đó bị ảnh hưởng sâu đậm của Hán văn. Đặc điểm của cách hành văn Quốc ngữ vào thế kỷ 20 có thể tóm lược như sau:
Mạch văn chú trọng về âm điệu với mục đích làm cho câu văn đọc lên được êm đềm; do đó nhiều khi ý nghĩa không được sáng suốt, rõ ràng.
Văn thường dùng lối biền ngẫu; nhiều khi hai đoạn giống nhau hoặc hai câu đối nhau, hoặc một câu chia làm hai phần đối nhau.
Lời văn thường kiểu cách, cầu kỳ. Đôi khi dùng nhiều chữ Nho không cần thiết.
Ý trong câu văn thường được nêu lên cách tổng hợp, đại khái. Câu không có mệnh đề chính, mệnh đề phụ.
Cách đặt câu thường dài dòng, không khúc chiết và không có chấm câu phân minh.
Do cấu trúc văn phạm của chữ Quốc Ngữ khi đó chưa hoàn chỉnh, nên những nhà truyền giáo đầu tiên đã nghĩ đến việc dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm. Công trình dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm đã được xúc tiến và hoàn thành một số sách. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết được nhu cầu của dân Việt nên Ngài đã hướng dẫn các nhà phiên dịch Kinh Thánh chuyển hướng. Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ được thành lập và Phan Khôi là một thành viên trong ủy ban đó.
Theo các tài liệu trong Hội Thánh và ký ức của những đầy tớ Chúa, những thành viên chính thức làm việc trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh gồm có những vị sau:
Giáo sĩ William C. Cadman: tốt nghiệp Toronto Theological College (Canada) và được huấn luyện tại trường Đào Tạo Giáo Sĩ tại Nyack (New York). Ngôn ngữ Anh, Pháp, Hán, Greek, Hebrew và Quốc Ngữ. Chức vụ: Trưởng Ban Phiên Dịch Kinh Thánh.
Bà Giáo sĩ William (Grace) C. Cadman: Master về văn chương Hy Lạp (Greek). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, La-tinh, Greek, Hebrew, Hòa Lan, và Quốc Ngữ.
Giáo sĩ John Drange Olsen: tốt nghiệp trường Đào Tạo các Giáo sĩ tại Nyack (New York). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hán và Quốc Ngữ.
Ông Trần Văn Dõng (Sài Gòn): tốt nghiệp Cao Đẳng Đông Dương tại Hà Nội. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
Ông Nguyễn Hữu Phúc (Hà Nội): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
Phan Khôi (Quảng Nam): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
Nhìn vào thành phần trên, chúng ta thấy có đại diện cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có thành phần tân học lẫn cựu học. Trong những người đó, Phan Khôi giỏi chữ Quốc Ngữ nhất nên được giao cho trách nhiệm phiên dịch chính. Ông có ưu điểm hơn những thành viên khác trong Ủy Ban Phiên Dịch là đã có kinh nghiệm làm báo một thời gian chung với những học giả uy tín nhất vào thời đó.
Là một nhà thơ nên khi dịch Thánh Kinh, Phan Khôi đã đem chất thơ vào bản dịch Kinh Thánh. Những khúc Kinh Thánh nổi tiếng mà người đọc khắp thế giới điều biết đến như Thi Thiên 23, Ê-sai 53, I Cô-rinh-tô 13, qua lời dịch của Phan Khôi đã trở nên thật sinh động. Những khúc Kinh Thánh này, dù thuộc loại thi ca hay văn vần trong nguyên bản, khi được đọc lên với những âm điệu trầm bổng trong bản dịch Việt Ngữ nghe giống như một bài hát. Những giai điệu này đã giúp cho người đọc dễ cảm nhận được vẻ đẹp của nội dung, và dễ dàng học thuộc những phân đoạn này trong Kinh Thánh.
Với khả năng thông thạo Hán văn, Quốc văn và Pháp văn, Phan Khôi có thể dịch nghĩa và làm cho câu văn phong phú, nhưng về quan điểm thần học, nghệ thuật tu từ, và văn phạm trong Thánh Kinh Hy Lạp, Hi-bá-lai và bản Pháp văn, Phan Khôi phải nhờ vào sự hổ trợ của các dịch giả khác. Nhìn vào tác phẩm mà các thành viên trong ủy ban đã để lại cho hậu thế, chúng ta có thể đoán Giáo sĩ John Drange Olsen chịu trách nhiệm về quan điểm thần học, Giáo sĩ William C. Cadman phụ trách về nghệ thuật tu từ và bà William C. Cadman chịu trách nhiệm về mặt ngữ pháp.
Với sự trợ giúp của các giáo sĩ, dù Phan Khôi chỉ dịch từ bản Văn Lý (Hán văn) và bản Louis Second (Pháp văn) nhưng bản dịch Kinh Thánh Việt văn (1925) đã tương đối trung thực theo bản gốc. Các nhà phiên dịch đã dành rất nhiều thì giờ đọc, hiệu đính, sửa đi sửa lại bản văn, hạn chế những sai sót đến mức tối đa. Sau mười năm làm việc, bản dịch được thực hiện xong. Trong hoàn cảnh khi ấy không có computer lại thiếu cả mấy đánh chữ, thì đây là một thời gian kỷ lục.
Theo các tài liệu của Hội Thánh Việt Nam thì bản dịch được đem in tại Trung Hoa và phát hành ngay năm 1925. Một tài liệu khác của Thánh Kinh Hội cho biết bản Kinh Thánh đầu tiên được phát hành vào năm 1926. Một thời gian sau, bản dịch Kinh Thánh này đã được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chính thức công nhận và vẫn còn được lưu dụng cho tới ngày hôm nay.
Ngày nay, giáo hội Tin Lành và Công giáo Việt Nam đã có nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau, tuy nhiên theo các học giả, bản dịch mà Phan Khôi cộng tác thực hiện vẫn là bản Kinh Thánh được tín nhiệm nhiều nhất. Hiện tại, một số từ ngữ dùng trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đã không còn phổ biến hay đã thay đổi ý nghĩa theo thời gian, khiến cho người mới đọc Kinh Thánh lần đầu cảm thấy khó hiểu. Sau 70 năm, văn phạm Việt Nam đã cải tiến rất nhiều nên một số cách hành văn được dùng trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đã trở nên tương đối xưa. Trong tương lai, một vài bản dịch mới sẽ ra đời nhưng chắc rằng bản dịch Kinh Thánh (1925) của Phan Khôi vẫn còn giá trị và vẫn được sử dụng, tham khảo lâu dài về sau. Khi nhận xét về giá trị văn học, thông thường giá trị văn học của một tác phẩm được đánh giá dựa trên hai căn bản chính: những bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình và phản ứng của độc giả. Một số dịch phẩm tôn giáo khác như Trung Dung, Đại Học (Trường Vĩnh Ký), Nho Giáo (Trần Trọng Kim), dịch giả và tác phẩm đều được phê bình đánh giá, tuy nhiên trong suốt bảy thập niên qua, không mấy nhà phê bình văn học Việt Nam dành thì giờ nghiên cứu phê bình bản dịch Kinh Thánh của Phan Khôi.
Trước hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những lời giải thích khác nhau: có thể vì Nho giáo ảnh hưởng hàng ngàn năm và trở nên gần gũi với dân Việt hơn Cơ Đốc giáo nên Nho giáo được giới phê bình quan tâm lưu ý hơn. Một lý do khác được nêu lên là Thánh Kinh không phải là một tác phẩm văn học nhưng là một kinh điển nên ít ai dám đánh giá. Ngoài ra, có lẽ trong quá khứ vì Thánh Kinh đã không được bày bán trong những nhà sách phổ thông nên số độc giả bị hạn chế. Do ít độc giả ngoài Hội Thánh được đọc Thánh Kinh nên những nhận xét về Thánh Kinh từ văn giới Việt Nam cũng hiếm có.
Tuy nhiên, có một lý do khác mà chính Phan Khôi cũng nhận thấy đó là văn giới Việt Nam hiểu biết rất ít về Thánh Kinh. Thậm chí khi tra cứu tài liệu để viết bài này, trong các sách nghiêu cứu văn học sử Việt Nam, phần các tác phẩm dịch thuật trong thập niên 20, cũng không thấy sách nào đề cập đến Thánh Kinh. Phan Khôi, trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 74 ngày 16/10/1930, đã nhắc nhở văn giới Việt Nam về sự thiếu hiểu biết đó:
“Ở đời này, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đứng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Thánh Kinh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tầu, dầu không phải là tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ trong Kinh Thánh luôn luôn…
Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết; bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít người biết đến Kinh Thánh thì cái học ấy cũng được gọi là cái học không có gốc. Có nhiều chữ trong tiếng Pháp, nhiều không xiết kể, nếu chẳng biết Kinh Thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh Thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm. Văn Quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu.”
Thái độ của những nhà nghiên cứu phê bình đã như thế còn thái độ của độc giả thì thế nào.
Linh Mục Phan Phát Hườn, trong Việt Nam Giáo Sử, dầu không công nhận giá trị văn học của bản dịch Kinh Thánh 1925 nhưng đã ghi nhận rằng: “Từ khi toàn bộ Thánh Kinh được xuất bản vào năm 1925 đến năm 1937, Thánh Kinh đã được tái bản nhiều lần và những Phúc Âm trong Kinh Thánh được in thành hàng triệu sách nhỏ để phát cho dân chúng.”
Thực tế cho biết trong suốt 70 năm qua, không kể Tân Ước và những sách nhỏ, toàn bộ bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ (1925) đã được tái bản nhiều lần tại Anh Quốc, Đức, Hồng Kông, Đại Hàn, Mỹ, Liên Xô và Việt Nam. Chỉ riêng tại Việt Nam trong hai năm 1995-1996 đã tái bản 100.000 cuốn Kinh Thánh. Dầu không có số liệu thống kê chính thức nhưng trong 70 năm qua, chắc chắn bản dịch Kinh Thánh 1925 đã phát hành trên vài trăm ngàn bản. Đây có lẽ là tác phẩm bằng Việt Ngữ được xuất bản nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tác phẩm Việt Ngữ có nhiều người đọc nhất từ xưa đến nay.
Thật vậy, hiện nay cả trong nước lẫn hải ngoại, sau nhiều biến chuyển lịch sử, ngoại trừ Thánh Kinh, thật khó cho bạn đọc muốn tìm một ấn phẩm được xuất bản từ thập niên 20. Nếu có, số lượng cũng không nhiều và giá cả cũng không rẻ. Tuy nhiên, dầu ở trong nước hay tại hải ngoại, bất kỳ nơi nào có cộng đồng Tin Lành, nơi đó bạn có thể tìm thấy bản dịch Kinh Thánh mà Phan Khôi đã góp phần.
Trong suốt 70 năm qua, không có tác phẩm nào được người đọc đọc thường xuyên như bản dịch Thánh Kinh của Phan Khôi. Hàng chục ngàn tín hữu Việt Nam đọc Kinh Thánh hằng ngày. Hằng trăm ngàn người khác nghiên cứu Lời Chúa hằng tuần qua cuốn Kinh Thánh đó. Nhìn về tương lai, nếu không có những thay đổi quan trọng, chắc chắn bản dịch Kinh Thánh này vẫn còn được lưu dụng để phổ biến Lời Chúa trong thập niên tới.
Vì không phải là một nhà ngôn ngữ học và thiếu tài liệu nên người viết không dám phân tích sâu vào những ưu điểm về mặt ngữ pháp trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đối chiếu với những tác phẩm cùng thời. Tuy nhiên, khi đọc kỹ Thánh Kinh chúng ta sẽ thấy bản dịch Thánh Kinh (1925) không có những khuyết điểm về văn phạm như những nhược điểm trong cách hành văn như đã nêu ở phần trên.
Để có một khái niệm cụ thể hơn về những ưu điểm trong nghệ thuật hành văn của Thánh Kinh, bạn đọc có thể đối chiếu giữa Thánh Kinh và Cổ Học Tinh Hoa, một tác phẩm do Ôn Như Hầu Nguyễn Văn Ngọc biên soạn cũng được phát hành cùng năm 1925.
Điểm khác biệt chính giữa Cổ Học Tinh Hoa và bản dịch Thánh Kinh (1925) là Cổ Học Tinh Hoa được dịch thoát ý còn Thánh Kinh phải dịch trung thực theo cách hành văn trong nguyên bản. Cổ Học Tinh Hoa được hiệu đính nhiều lần sau lần phát hành đầu tiên để cập nhất hóa với giọng văn phổ thông. Riêng bản dịch Thánh Kinh (1925), cho đến nay (1996) chưa hề một lần nào được hiệu đính. Đây là một thiếu sót, nhưng cũng là một cái may, vì bản Kinh Thánh mà chúng ta đang đọc vẫn giữ nguyên những đặc điểm như lần đầu phát hành cách đây hơn 70 năm.
Dầu có những khác biệt như vậy nhưng khi đối chiếu hai bản văn người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy cách hành văn của Thánh Kinh chặc chẽ và trong sáng hơn nhiều. Người viết cũng có dịp đọc và so sánh Thánh Kinh với cuốn Sử Ký Thanh Hoa, do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1916 – cùng năm với Thánh Kinh được dịch – và cũng dẫn đến một nhận xét tương tự.
Người viết hy vọng rằng một ngày nào đó, các học giả Việt Nam sẽ có một công trình nghiên cứu kỹ càng về bản dịch Kinh Thánh 1925. Chúng ta tin chắc rằng bản dịch này sẽ được trả lại một chỗ xứng đáng và giá trị trong văn học sử Việt Nam.
III. Ảnh Hưởng Của Thánh Kinh Trên Sự Nghiệp Văn Học Của Phan Khôi
Vũ Ngọc Phan, tác giả tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại, đã xếp Phan Khôi vào hàng những nhà văn tiên phong của nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hiểu “nhà văn” theo quan niệm phổ thông, có lẽ nhiều người cho rằng Phan Khôi không xứng đáng được nhận danh hiệu đó; bởi vì nếu chỉ dựa vào tựa sách đã xuất bản thì Phan Khôi không phải là một tác giả quan trọng. Ông chỉ xuất bản một tập thơ, một tiểu thuyết và một công trình dịch thuật.
Phan Khôi thực chất là một nhà báo. Ông chuyên viết những bài luận thuyết, phê bình trên nhiều tờ báo lớn khắp mọi miền đất nước. Là một nhà báo nổi tiếng, cộng tác với nhiều tờ báo lớn, Phan Khôi phải viết bài hằng tuần cho nên ông không còn nhiều thì giờ cho những sáng tác văn học lớn.
Sự nghiệp văn học Phan Khôi để lại cho hậu thế không phải chỉ là những tác phẩm nhưng là những tư tưởng cách mạng trong nghệ thuật hành văn và thi ca. Những bài phê bình và luận thuyết Phan Khôi được đánh giá rất cao. Rất tiếc cho đến nay (1996), chưa có một công trình sưu tầm nào nhằm thu thập những bài viết trên báo chí của Phan Khôi được thực hiện.
Một số tác phẩm của Phan Khôi trước năm 1930 và sau năm 1946 đã thất lạc. Những tác phẩm còn lại của ông mà văn giới thường nhắc đến có thể tóm tắt như sau:
Thơ:
– Tập thơ: Chương Dân Thi Thoại
– Thơ Cũ: Viếng Mộ Ông Lê Chất, Vịnh Thủy Hử, Khai Bút, Chơi Thuyền Trên Sông Tân Bình.
– Thơ Mới: Tình Già, Hai Cảnh Trên Xe Hỏa, Hớt Tóc, Hồng Gai, Nắng Chiều.
Văn:
– Tiểu Thuyết: Trở Vỏ Lửa Ra
– Truyện Ngắn: Ðọc Lệch Giết Lầm, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột.
Biên Khảo và Nghị Luận:
Rất nhiều bài phiếm luận, phê bình, khảo cứu đăng trên nhiều tờ báo lớn.
Dịch Thuật:
– Dịch sang tiếng Việt: Kinh Thánh, Chủ Nghĩa Mác-xít, một số bài viết của Lỗ Tấn,
– Dịch sang tiếng Pháp: Mười Bài Thơ Liên Hoàn của Thứ Phi của vua Thành Thái.
Với kiến văn sâu sắc và một ngòi bút sắc sảo, cuộc đời cầm bút của Phan Khôi đã có nhiều cống hiến quan trọng cho văn học Quốc Ngữ Việt Nam.
1. Nhà Báo:
Mặc dầu Phan Khôi được xem là người khai sinh ra phong trào thơ mới tại Việt Nam nhưng nghề chính của ông lại là nghề viết báo. Những bài báo của Phan Khôi đã viết nếu được tổng hợp lại thì có thể đóng thành vài pho sách giá trị. Trong suốt cuộc đời cầm bút, Phan Khôi cộng tác với rất nhiều tờ báo nổi tiếng khác nhau, cả Pháp lẫn Việt, cả quốc gia lẫn cộng sản. Có lẽ vào đầu thế kỷ 20 không có mấy nhà văn cộng tác với nhiều tờ báo uy tín như Phan Khôi.
Cuộc đời làm báo của Phan Khôi có thể chia ra làm hai giai đoạn: trước và sau khi ông dịch xong Kinh Thánh.
Trước khi dịch xong Kinh Thánh, Phan Khôi cộng tác với nhiều tờ báo lớn như Nam Phong Tạp Chí (1917), Lục Tỉnh Tân Văn (1919), Hữu Thanh, Thực Nghiệp Dân Báo (1920),… Chủ bút của những tờ báo này là những nhà văn, nhà thơ uy tín như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Ðà, Ngô Ðức Kế. Những học giả này rất trọng tài năng của Phan Khôi, tuy nhiên, văn nghiệp của Phan Khôi trong giai đoạn này không mấy thành công. Những bài viết của Phan Khôi từ năm 1917-1927 không được độc giả lưu ý lắm.
Nhiều thập niên về sau, khi Phan Khôi đã nổi tiếng, những nhà nghiên cứu “lật lại chồng báo cũ” nhận thấy rằng ngay từ năm 1917, khi còn viết cho Nam Phong, Phan Khôi đã có một lối hành văn sắc sảo, độc đáo, khác hẳn những nho gia nổi tiếng cũng trong Ban Biên Tập của tờ Nam Phong như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác.
Nhưng đến năm 1928, sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn cộng tác với tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn. Khi ấy, Ðức Chúa Trời ban phước cho Phan Khôi. Sau 10 năm làm việc với các học giả Kinh Thánh, Phan Khôi được “tu nghiệp” về văn phạm, ngữ pháp, nghệ thuật tu từ trong văn chương Hy Lạp (Greek) và Hi-bá-lai (Hebrew). Ðây là một cơ hội mà ít nhà văn Việt Nam nào vào thời ấy có được. Sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi ứng dụng những kiến thức văn phạm đã học được khi dịch Kinh Thánh vào cách hành văn Quốc Ngữ. Kể từ đó bài viết của Phan Khôi trở nên sắc sảo lạ thường và trở nên đắc giá như vàng.
Thiếu Sơn, một nhà phê bình văn học, trong bài nhận định đăng trên nhật báo Thần Chung vào năm 1967 cho biết: Vào thời giá năm 1930, một bài báo xuất sắc được trả 5 đồng là đã quá hậu hĩnh; nhưng ông bà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ Bút tờ Phụ Nữ Tân Văn đã mời Phan Khôi cộng tác và bằng lòng trả cho Phan Khôi 25 đồng cho mỗi bài. Thiếu Sơn nhận xét: Nhiều người cho rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo” nhưng văn của Phan Khôi lúc đó “đắc như vàng.” Thiếu Sơn viết tiếp: “Trong một tháng, chỉ với bốn bài cho tờ Phụ Nữ Tân Văn, Phan Khôi đã có 100 đồng, hơn lương công chức ngạch cao cấp cỡ phủ, huyện.”
Sau khi được Phan Khôi cộng tác, tờ Phụ Nữ Tân Văn được bạn đọc khắp nước tìm đọc. Ðây là một trong vài tờ báo hiếm hoi phát hành khắp cả nước vào thời đó. Thiếu Sơn nhận xét: Ðộc giả khắp nơi vui lòng trả 15 xu mỗi tờ chỉ để đọc được bài báo của Phan Khôi. Bài của ông được nhận xét là “gãy gọn, sáng sủa, đanh thép với những đề tài mới mẻ, những lý luận thần tình làm cho người đọc say mê, thống khoái.”
Kể từ đó tên tuổi Phan Khôi trở nên nổi tiếng, không những chỉ được biết đến trong giới học giả, nhưng cả đến độc giả phổ thông. Ðặc biệt nhiều người bắt đầu bước vào nghề viết văn đã coi nghệ thuật viết của Phan Khôi là mẫu mực để noi theo.
Năm 1942, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại, khi phê bình về cuộc đời làm báo của Phan Khôi đã viết: “Trong văn giới Việt Nam, dù thuộc về phái già hay phái trẻ, tuy có nhiều người không đồng ý với Phan Khôi, nhưng ai ai cũng phải công nhận rằng ông là một tay kiện tướng.” Nhận xét này tái khẳng định điều mà cụ E.F. Irwin đã viết về Phan Khôi trong With Christ in Indochina vào năm 1936 rằng: “Today, he is recognized by everyone as an outstanding authority in the Annamese language. The result is that our Bible is a standard of Annamese literature, by all who know their letters.”
2. Nhà Thơ:
Nhắc đến Phan Khôi, độc giả phổ thông biết đến ông như là cha đẻ của phong trào thơ mới Việt Nam. Thật ra, Phan Khôi không chỉ có làm thơ mới, ông cũng là một nhà thơ cũ kỳ tài.
a. Thơ Cũ:
Xuất thân từ Nho học, ngay từ thời còn trẻ Phan Khôi đã làm nhiều bài thơ theo lối cũ rất xuất sắc. Bằng kiến văn sâu sắc và tài làm thơ, ông đã đậu tú tài vào năm 18 tuổi (1905) – tuổi tương đối trẻ so với nhiều nhà khoa bảng cùng thời.
Tài làm thơ thời còn trẻ của Phan Khôi không chỉ thể hiện lúc thi cử nhưng còn được nhiều người biết đến qua câu chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong Thi Tù Tùng Thoại.
Sau khi phong trào kháng thuế tại Quảng Nam thất bại, đầu năm 1908 cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh và một số người tham gia, trong đó có cả Phan Khôi, bị giam tại Faifo (Hội An). Cụ Phan Chu Trinh và cụ Huỳnh Thúc Kháng bị kết án tử hình vì là lãnh tụ phong trào. Tuy nhiên, nhờ vào phong trào đòi ân xá cho hai cụ diễn ra khắp nơi nên án tử hình được giảm xuống còn lưu đày Côn Ðảo. Khi cụ Huỳnh sắp bị lưu đày, các bạn tù đã tổ chức một bữa tiệc tiễn đưa và cùng nhau làm thơ xướng họa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong Thi Tù Tùng Thoại: “Trong các bạn tiễn, có mấy bài tứ tuyệt của ông Tú Khôi là xuất sắc hơn cả.”
Trong phong trào kháng thuế năm 1907 có rất nhiều danh sĩ miền Trung cùng bị bắt. Hai nhân vật lãnh đạo phong trào này là cụ Phan Chu Trinh, đỗ Cử Nhân khoa Canh Tý (1900), đỗ Phó Bảng khoa Tân Sửu (1901). Cụ Huỳnh Thúc Kháng đoạt giải nguyên kỳ thi Hương, Hội Nguyên và Ðình Nguyên năm 1904. Xướng họa thơ với những ông nghè, ông cử cùng với rất nhiều danh sĩ vào lúc đó mà Phan Khôi được một ông nghè, đã đậu tiến sĩ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng khen thì chúng ta biết tài làm thơ của Phan Khôi ngay từ trẻ đã xuất sắc là thế nào.
Không phải chỉ có những nhà cách mạng, nguồn gốc cựu học, như cụ Huỳnh, cụ Phan khen thơ Phan Khôi mà cả Phạm Quỳnh, một người thân Pháp theo tân học, và cũng là một học giả vào thời đó cũng nhận biết tài làm thơ của Phan Khôi. Ðầu thập niên 1930, khi thấy Phan Khôi dành quá nhiều thì giờ cho việc viết báo mà không làm thơ gì nữa Phạm Quỳnh khuyên Phan Khôi nên làm thơ trở lại.
Năm 1932 khi khai sinh thơ mới, chính Phan Khôi kể lại rằng: Trước đó khoảng mười năm, ông làm thơ không nhiều nhưng mỗi năm cũng được năm bảy bài bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Dầu không hay bằng thơ Tản Ðà hoặc Trần Tuấn Khải – hai thi sĩ bậc nhất vào lúc đó – nhưng thơ của ông bài nào cũng “nghe được”. Rất tiếc, nhiều bài thơ Hán Nôm của Phan Khôi không được xuất bản và bị thất truyền nên giới phê bình ngày nay không có dịp nghiên cứu, phê bình, đánh giá.
Một trong những bài hiếm hoi được lưu lại đến ngày nay là bài Viếng Mộ Ông Lê Chất, được đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo năm 1921. Hai mươi năm sau, Vũ Ngọc Phan nhận xét về bài thơ như sau: “Thật là một bài thơ mà vận rất oái ăm và ý rất chặt chẽ. Ðọc lên nó có một giọng ai oán thê thảm như cái vang ngân của tiếng chuông chùa trên mặt nước Hồ Tây. Lời lại rất cứng cáp, có cái giọng cảm khái, bất bình trong hai câu tam, tứ. Cuối câu đầu bằng ba chữ “sử nghìn thu” và cuối câu kết hạ bằng ba chữ “tiếng chuông bu” gây nên một âm điệu rất buồn, làm cho bài thơ thêm giọng thê lương. Những chữ “thế thế”, “mô mô”, “chim gào”, “hùm thét” đưa lời thơ lên rất mạnh. Thơ Ðường luật gần đây ít bài được như thế.”
Sau khi khen ngợi một bài thơ khác của Phan Khôi là bài thơ trường thiên: Chơi Thuyền Trên Sông Tân Bình, Vũ Ngọc Phan viết tiếp: “Phan Khôi không phải là một tay thợ thơ, chỉ lúc có hứng ông mới làm, nên thơ ông không nhiều, nhưng bài nào tư tưởng đều thành thực, ý tứ dồi dào, dễ cảm người ta. Về thơ cũ, mấy bài trên này đủ chứng cho ông là một thi sĩ có tài năng vững chải, ngày nay đã trở nên rất hiếm trong làng ngâm vịnh.”
b. Dạy Làm Thơ:
Phan Khôi không những chỉ làm thơ nhưng ông còn dạy cách làm thơ. Vũ Ngọc Phan nhận xét Phan Khôi hướng dẫn cách làm thơ rất phân minh: nào từ pháp, cú pháp, chương pháp, thiên pháp. Về thiên pháp, một trong những điều tối kỵ là trùng điệp. Phan Khôi phê bình 10 bài thơ liên hoàn của mẹ vua Duy Tân rằng: “Mười bài ấy về cú pháp và chương pháp thì được nhưng về thiên pháp thì còn lộn xộn. Một bài trước đã có câu:
Mộng điệp khéo ai vì lẽo đẽo
bài khác lại có câu:
Chiêm bao lẽo đẽo theo hồn bướm.
Phan Khôi phê bình: “Cả ý lẫn chữ đều trùng điệp quá!”
c. Người sáng lập nền thơ mới của Việt Nam
Tuy nhiên, sự nghiệp quan trọng nhất của Phan Khôi đối với thi ca Việt Nam là đề xướng ra phong trào thơ mới.
Vào năm 1917, trên báo Nam Phong số 5, Phạm Quỳnh than phiền thơ cũ là phiền phức, gò bó. Ðến năm 1928, trên Ðông Pháp Thời Báo, Phan Khôi đã đả kích thơ cũ là trói buộc. Năm 1929, Trịnh Ðình Rư, trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, cũng cảm thấy thơ Ðường gò bó nên đề nghị các thi sĩ Việt Nam dùng thể thơ Lục Bát, hoặc Song Thất Lục Bát tương đối uyển chuyển vào tự do hơn. Tuy nhiên những ý kiến trên chỉ là những lời phê bình, gợi ý mà không có một phát minh quan trọng nào.
Trên thực tế, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh, khi dịch tập thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đã không tìm ra thể thơ nào phù hợp để dịch bài Con Ve Sầu và Con Kiến nên đành dịch theo lối tự do. Bản thân Phan Khôi cũng ở trong một trường hợp tương tự như Nguyễn Văn Vĩnh. Khác với Nguyễn Văn Vĩnh chỉ gặp khó khăn khi dịch vài chục bài thơ của La Fontaine, từ năm 1916 khi dịch Kinh Thánh, Phan Khôi phải đối phó với hơn 200 bài thơ trong Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Nhã Ca, Ca Thương và rải rác trong một số sách khác trong Cựu Ước. Trước những bài thơ cổ điển theo vần điệu Do Thái, Phan Khôi không có cách nào giải quyết trôi chảy.
Ðiển hình là Thi Thiên 119 được viết theo một thể thơ cổ điển trong tiếng Hebrew. Thi Thiên 119 gồm 22 khổ thơ (stanza), mỗi khổ thơ có tám câu. Mỗi khổ thơ bắt đầu bằng một mẫu tự trong tiếng Hebrew – tất cả đều là phụ âm, và tất cả tám câu trong khổ thơ đó đều phải bắt đầu cùng một mẫu tự đó. Hai mươi hai khổ thơ phải bắt đầu bằng 22 mẫu tự khác nhau.
Trước những luật thơ khó khăn như vậy, những thể thơ cũ như đường luật, ngũ ngôn, tứ tuyệt hoặc thơ Việt Nam như lục bát lẫn song thất lục bát cũng không làm sao giúp Phan Khôi dịch trôi chảy những bài thơ trong Thánh Kinh được. Lý do của cái khó trong khi dịch thi ca trong Thánh Kinh là người dịch không được dịch tự do. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc phiên dịch Kinh Thánh là bản dịch cần phải chuyển tải được ý nghĩa, ngôn từ, lẫn vần điệu, cú pháp của bài thơ.
Những bài thơ cổ trong Thánh Kinh khiến cả Phan Khôi lẫn Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh khi ấy cảm thấy bế tắc. Cuối cùng Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh phải chọn giải pháp dịch ý. Họ vẫn dịch Thi Thiên 119 thành 22 khổ thơ, mỗi khổ có 8 câu nhưng không sắp theo mẫu tự hoặc chuyển thành văn vần như trong nguyên bản được.
Không phải chỉ có Phan Khôi khi đó gặp khó khăn khi dịch thi ca trong Thánh Kinh nhưng suốt 70 năm qua, nhiều người đã cố gắng dịch những bài thơ trong Kinh Thánh sang tiếng Việt nhưng đều thất bại. Nhiều con cái Chúa, lẫn các mục sư dịch được vài bài rồi đều bỏ dở vì không thể nào kết hợp hài hòa giữa tứ thơ Việt Nam, thi ca Do Thái, và sự chuẩn xác trong nội dung của Thánh Kinh. Một trong những người đã kiên nhẫn dịch trọn 150 Thi Thiên sang thơ Lục Bát là Mai Dương Tuyết – Dương Thưởng, một tín hữu Cơ-đốc Phục Lâm. Tập thơ của ông được phổ biến trong vòng các tín hữu vào đầu thập niên 1980 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả nhìn nhận rằng 150 bài phóng tác của ông không lột tả được hết ý tưởng mà các tác giả Thi Thiên đã trình bày.
Có lẽ Phan Khôi ấm ức mãi những ràng buộc của thi ca Việt Nam từ những năm tháng dịch Kinh Thánh đó cho nên ngày 10/3/1932, Phan Khôi đem một mẫu thơ mới “trình ra giữa làng.” Bài Tình Già như một trái bom nổ tung giữa làng thi Việt Nam. Nhiều người khi đó cho bài thơ là quái thai của thời đại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thi sĩ đã bước theo con đường mới mà Phan Khôi đã mở ra, và nhiều người sau đó đã trở thành nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam.
Theo Việt Nam Văn Học Sử của Dương Quảng Hàm, đặc điểm của thơ mới là số câu trong bài hay trong khổ thơ không bị hạn định. Số chữ trong từng câu cũng có thể thay đổi khác nhau. Thơ không có niêm luật nhưng lại rất phong phú trong cách gieo vần. Nếu hiểu theo nghĩa như trên, thật ra trước cả Tình Già, hơn 200 bài thơ dịch trong Thánh Kinh Cựu Ước của Phan Khôi mới là những bài thơ mới đầu tiên trong thi ca Việt Nam.
Sau khi bài Tình Già của Phan Khôi ra đời, tư tưởng cách mạng thi ca của ông bị chống đối. Phan Khôi chua chát: “Thay đổi một xã hội còn dễ hơn thay đổi một khuynh hướng trong con người.” Một tháng sau khi bài Tình Già phổ biến, Vân Bằng viết bài Tôi Thất Vọng Vì Phan Khôi đăng trên An Nam Tạp Chí số 39, ngày 30-4-1932.
Tuy nhiên, ngay sau đó, tờ Phong Hóa của Tự Lực Văn Đoàn lên tiếng ủng hộ Phan Khôi. Phong Hóa viết: “… Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới tư tưởng.” Năm 1932, Phong Hóa là tờ báo sáng giá nhất trên văn đàn Việt Nam, khi ấy tờ Nam Phong đã chết. Do đó, sự ủng hộ của Phong Hóa tạo được những ảnh hưởng tốt đẹp cho phong trào thơ mới trong giới độc giả phổ thông.
Phong Hóa Tuần Báo là một tờ báo đã có từ lâu nhưng không mấy nổi tiếng. Ðến năm 1932, tờ báo được giao cho nhóm Tự Lực Văn Ðoàn quản lý; từ đó, tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Ðoàn. Những thành viên trong nhóm là những “học trò” theo tư tưởng của Phan Khôi trong nghệ thuật viết văn, giờ đây Phong Hóa lại mạnh dạn lên tiếng ủng hộ Phan Khôi trong vấn đề thơ mới. Trong nhiều số liền, Phong Hóa cho đăng những bài thơ của Thế Lữ và Tú Mỡ. Những bài thơ theo thể thơ mới này rất độc đáo và xuất sắc, đã lôi cuốn sự chú ý của độc giả. Thạch Lam đem một tác phẩm của nhà thơ thanh niên là Hồ Văn Hảo giới thiệu trên tờ Phụ Nữ Tân Văn và phân tích những cái hay của bài thơ mới đó.
Sau đó, những người ủng hộ Phan Khôi lần lượt trình bày quan điểm của mình trên khắp cả nước. Hai người tích cực nhất là nữ sĩ Nguyễn Thị Khiêm và thi sĩ Lưu Trọng Lư. Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm đã đến trình bày sự ủng hộ thơ mới tại Hội Khuyến Học Sài Gòn (7/1933), Lưu Trọng Lư diễn thuyết tại Học Hội Qui Nhơn (6/1934), Ðỗ Ðình Vượng tại Hội Trí Tri Hà Nội (1/1935), Vũ Ðình Liên tại Hội Trí Tri Nam Ðịnh (11/1935), rồi Trương Tửu tại Hội Khai Trí Tiến Ðức Hà Nội (2/1936). Ngược lại phe ủng hộ thơ cũ cũng cử người diễn thuyết chỉ trích thơ mới. Cuộc khẩu chiến và bút chiến kéo dài hơn ba năm giữa hai phe, cuối cùng thơ mới được chấp nhận.
Lê Tràng Kiều đã viết trên Hà Nội Báo số 14 ngày 8/4/1936 chúc mừng thơ mới như sau: “Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần thấy một tâm hồn hùng tráng như Huy Thông, dồi dào như Thế Lữ, huyền diệu như Thái Can, âm thầm như Ðông Hồ, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, mơ màng như Leiba, buồn não như Nguyễn Vỹ, và một tâm hồn đầy nhạc, đầy mộng ảnh như Lưu Trọng Lư.” Kể từ đó đến nay, thơ mới do Phan Khôi khởi xướng đã có một chỗ đứng vững vàng trong thi ca Việt Nam.
3. Nhà Văn:
Phan Khôi là một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Như đã nói ở trên, nếu xét theo nghĩa phổ thông có lẽ nhiều người sẽ không gọi Phan Khôi là nhà văn vì số tác phẩm văn xuôi của ông rất ít; ông chỉ phát hành tiểu thuyết Trở Vỏ Lửa Ra và vài truyện ngắn. Tuy nhiên, những bài viết bằng văn xuôi của Phan Khôi rất nhiều. Chủ yếu là các bài nghiên cứu, phê bình và truyện ngắn, được phát hành trên báo chí khắp cả nước.
Mặc dầu Phan Khôi viết báo rất nhiều, nhưng không mấy ai gọi ông là nhà báo mà hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đều gọi ông là nhà văn bởi vì những bài ông viết thuộc phạm trù văn học. Những tư tưởng Phan Khôi viết đã để lại ảnh hưởng lâu dài trên nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Hơn nữa, vào những thập niên đầu thế kỷ của thế kỷ 20, báo chí là phương tiện phổ thông để phát hành truyện ngắn và tiểu thuyết trước khi được in thành sách; do đó, nhiều người viết báo nhưng thực chất lại là nhà văn. Phan Khôi là một người trong số những người đó.
Cuộc đời cầm bút của Phan Khôi kéo dài 51 năm, bắt đầu vào năm 1907, khi ông viết cho tờ Ðăng Cổ Tùng Báo của Phong Trào Ðông Kinh Nghĩa Thục, và kết thúc khi tờ Văn tại Hà Nội bị đóng cửa vào năm 1958. Trong suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, Phan Khôi viết rất nhiều và cộng tác với khoảng 30 tờ báo khác nhau. Những bài viết của ông được đánh giá rất cao, tuy nhiên như đã nói ở những phần trước, cho đến nay (1996) chưa có một công trình nào sưu khảo tổng hợp lại những bài viết đó. Nhiều bài báo của Phan Khôi về sau được nhiều người chú ý như Ðọc Lệch Giết Lầm (1936), Ông Bình Vôi, và Ông Năm Chuột (Văn – Ngày 10-1-1958).
Trở Vỏ Lửa Ra là tiểu thuyết đầu tiên và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của Phan Khôi. Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại đã phân tích khá dài dòng tác phẩm này nhưng không có lời khen. Có lẽ Phan Khôi cũng nhận biết đó không phải là sở trường của mình nên ông không viết tiểu thuyết nữa.
Năm 1954 từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Phan Khôi lại tiếp tục cầm bút viết văn. Ông làm Chủ Nhiệm tờ Văn và cho xuất bản một số thơ và truyện ngắn thật đặc sắc. Hai truyện ngắn được nhiều người biết đến đó là truyện Ông Bình Vôi và Ông Năm Chuột. Hai truyện này nổi tiếng vì liên quan đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Sau khi hai truyện ngắn trên được phát hành, tờ Văn bị đóng cửa, các văn nghệ sĩ liên hệ bị đem ra xét xử, trong đó có học giả nổi tiếng Ðào Duy Anh, nhạc sĩ Nam Cao, người viết quốc ca Việt Nam, một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường; và Phan Khôi là nhân vật chủ chốt.
Truyện Ông Năm Chuột thuật lại câu chuyện liên quan đến một người thợ bạc, tên là Năm Chuột vốn là người quen biết với gia đình Phan Khôi. Năm Chuột biết một số chuyện không tốt trong gia đình Phan Khôi. Năm Chuột bị người trong làng ghét vì họ cho rằng Năm Chuột là người khoác lát. Tuy nhiên, khi có dịp tiếp xúc với Năm Chuột, Phan Khôi biết Năm Chuột là người cương trực và có học nên Phan Khôi quí mến. Điều đáng tiếc, thiện cảm của Phan Khôi với Năm Chuột bị những người vai vế trong gia đình và trong làng khó chịu. Họ bực mình vì Năm Chuột biết quá nhiều cái xấu, cái sai của họ. Khi viết lại truyện này, Phan Khôi quyết định đặt tựa đề truyện ngắn là Ông Năm Chuột để tỏ lòng quí mến đối với nhân vật đó.
Truyện ngắn được viết dưới hình thức một bút ký, ghi lại những chuyện liên quan đến gia đình Phan Khôi, tuy nhiên tác phẩm đã bị xem là nguy hiểm vì ám chỉ rằng những người cầm quyền có nhiều thối nát, dầu có tìm cách che giấu những sai lầm thì người dân thường vẫn biết. Cuối truyện có nhắc đến bài thơ Mại Trúc Diêu nói về thân phận của người dân bị quan quyền ức hiếp. Người dân rất uất ức nhưng không nói ra được. Nội dung câu chuyện Ông Năm Chuột, cộng với việc ghi lại bài thơ, đã dẫn đến tờ Văn bị đóng cửa.
Trong truyện Ông Năm Chuột, Phan Khôi khen Ông Năm Chuột nhưng trong truyện Ông Bình Vôi, Phan Khôi lại không khen Ông Bình Vôi. Truyện Ông Bình Vôi phê bình những hủ tục tại thôn quê. Người dân quê Việt Nam thấy “vật gì có thể hại mình thì gọi là “ông,” vật gì to hay sống lâu thì gọi là ông.” Phan Khôi đã mô tả “Ông Bình Vôi” như sau: “Cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn sùng bái gọi bằng “Ông””.Truyện ngắn này bị kết án là dám phê bình nhà cầm quyền duy trì những người lãnh đạo bất tài vô dụng làm hại đất nước.
Gần kết câu truyện, Phan Khôi thuật lại, hồi trai trẻ ông đã rủ bạn bè lật đổ những “Ông Bình Vôi” trong đình làng; trong những năm tháng cuối đời, Phan Khôi cũng hành động tương tự như vậy trong lĩnh vực tư tưởng. Trước một số chính sách cai trị không đúng tại miền Bắc sau 1954, cộng với việc lãnh đạo miền Bắc duy trì những người vô dụng bất tài như “Ông Bình Vôi”, Phan Khôi đã không chỉ góp ý nhẹ nhàng nhưng ông đã thẳng thừng phê phán vì tin rằng điều đó ích lợi cho tương lai của nước Việt Nam. Phan Khôi đã lãnh đạo một số văn nghệ sĩ nổi tiếng vào thời ấy như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Ðào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường,… phê bình “những lãnh đạo văn nghệ” của Nhà Nước. Phan Khôi và những văn nghệ sĩ trên đã bị bắt. Sống trong một giai đoạn mà con cái có thể đấu tố giết cha mẹ mà Phan Khôi dám viết công khai và hành động như vậy, ông quả là người can đảm và cương trực phi thường. Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm 1958 để lại một nét son trong lịch sử của những người cầm bút Việt Nam.
Không phải chỉ khi sống trong chế độ Cộng Sản, Phan Khôi mới bày tỏ những nhận xét cương trực của mình; ngay những ngày cầm bút từ thập niên 1930, Phan Khôi đã phê bình những người lãnh đạo phong kiến ngu dốt bất tài qua truyện Ðọc Lệch Giết Lầm (Phu Nữ Tân Văn – 1930). Giống như Giăng Báp-tít trong Kinh Thánh, Phan Khôi thẳng thắn nói ra những sai lầm trong xã hội. Tính thẳng thẳng, cương trực và “sự khôn ngoan trước thời đại” của Phan Khôi đã khiến nhiều người khó chịu; và những điều đó đã trở thành cái tội cho Phan Khôi khi ông dám nói ra dưới chế độ Cộng Sản.
4. Nhà Phê Bình:
Nói đến Phan Khôi không thể không nói đến những bài phê bình của ông. Trên văn đàn, Phan Khôi được xem là một nhà phê bình hàng đầu của Việt Nam trong hai thập niên 1920 và 1930. Với kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cộng với uy tín trên văn đàn và với ngòi bút sắc sảo, hợp lý, những bài nghị luận của Phan Khôi được người đọc đón đọc khắp cả nước. Tuy nhiên, Phan Khôi có rất nhiều quan điểm “cách mạng” so với người cùng thời. Trước những quan điểm mới của Phan Khôi, số người phản đối ông không ít và những người đồng tình với ông cũng rất nhiều.
Phan Khôi bình phẩm về nhiều lĩnh vực.
Những bài viết đầu tiên của Phan Khôi trên báo Nam Phong là những bài về thi thoại. Tác phẩm Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi xuất bản trong những năm về sau là một tác phẩm phê bình về thi ca. Thi thoại là những giai thoại về chuyện làm thơ. Tuy nhiên, khác với những người giữ mục thi thoại cùng thời, Phan Khôi không chỉ kể chuyện thơ mà ông còn bình phẩm. Nhờ có một kiến văn rất rộng và một lối lý luận vừa sắc bén vừa dí dỏm, những bài phê bình của Phan Khôi đã mang một nét độc đáo hiếm có.
Nhận xét về thơ Phan Thanh Giản, Phan Khôi phê bình “như là giọng văn nói với vợ.” Viết về thơ Tùng Thiện Vương, Phan Khôi bình rằng “giọng thơ quý phái không ảnh hưởng gì đến xã hội.” Phan Khôi phê bình mẹ vua Duy Tân làm thơ không đúng thiên pháp. Bên cạnh việc phê bình, Phan Khôi cũng có công xây dựng. Dầu là người miền Trung nhưng Phan Khôi sống nhiều năm tại miền Nam, Phan Khôi đã dành nhiều trang để giới thiệu các thi gia miền Nam như Tôn Thọ Tường, Nhiêu Tâm, Học Lạc,…; nhờ đó, đọc giả cả nước hiểu thêm về một kho tàng văn học khác của thi ca Việt Nam.
Trong cuộc đời cầm viết của Phan Khôi, ngoài việc phê bình thơ, Phan Khôi đã có nhiều cuộc bút chiến và tranh luận với những nhân vật nổi tiếng. Có người cho rằng bản tính thích tranh luận của Phan Khôi vì ông sinh ra tại xứ “Quảng Nam hay cãi.” Thật ra, Phan Khôi là người có bản chất thẳng thắn, trung thực và cầu toàn; thấy cái sai, ông luôn luôn mạnh dạn phê bình để tìm ra chân lý.
Năm 1920, trong thời gian ở Hà Nội cộng tác với tạp chí Hữu Thanh của Tản Ðà, Phan Khôi đã bút chiến với Hải Triều, một nhà văn có khuynh hướng Cộng Sản. Khi ấy Ðảng Cộng Sản Việt Nam chưa ra đời. Cuộc bút chiến đã gây dư luận sôi nổi trong cả nước.
Tranh luận với cụ Huỳnh Thúc Kháng – một nhà cách mạng nổi tiếng ở miền Trung. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng nhắc đến vai vế, tuổi tác, Phan Khôi cho rằng tranh luận để tìm ra chân lý; ai đuối lý là thua, không cần biết lớn hay nhỏ. Dầu trên mặt báo hai người cãi nhau nhưng trong thâm tâm Phan Khôi hết lòng kính phục cụ Huỳnh Thúc Kháng, người mà Phan Khôi từng theo ủng hộ trong phong trào chống thuế năm 1907 cho đến nỗi chính Phan Khôi phải vào tù.
Phan Khôi cũng từng góp ý với Phạm Quỳnh – một học giả hàng đầu của Việt Nam vào thời đó – về việc viết văn. Phan Khôi rất trọng kiến văn học thuật của Phạm Quỳnh. Phan Khôi đã khen Phạm Quỳnh rằng: “Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết, tôi nói ngay rằng hạng học phiệt ấy ở nước ta chẳng bao lăm người mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một.” Tuy nhiên, Phan Khôi góp ý: “Chữ viết phải đúng, đừng để cho kẻ khác có thể hiểu lầm, văn phải viết cho thật đâu ra đó, như cái tờ giao kèo hay lời quan tòa biện án, đào đất mà chôn giọng văn khoa cử ngày xưa đi.”
Một trong những lý do khiến nhiều nhà văn thời đó ghét Phan Khôi và vì Phan Khôi phê bình Nho giáo. Xuất thân từ Nho giáo nhưng Phan Khôi phê bình Nho giáo nặng nề. Phan Khôi viết một loạt 21 bài trên tờ Thần Chung, rồi sau đó viết trên tờ Phụ Nữ Tân Văn tiếp tục phê bình Nho giáo.
Một trong những điều Phan Khôi phê bình Nho giáo là vì Nho giáo chủ trương trọng nam khinh nữ. Phan Khôi tin rằng đàn ông hay là đàn bà cũng là người cả, ai cũng có thể có tài và cần phải được đối xử bình đẳng như nhau. Bằng lý luận chặt chẽ, Phan Khôi bày tỏ nhận xét của ông về Võ Tắc Thiên, một phụ nữ nổi tiếng dâm loạn trong lịch sử Trung Hoa, như sau: “Ðàn ông làm vua được, sao đàn bà không được làm vua. Vua đực có nhiều cung phi mỹ nữ, sao vua cái lại không được có nhiều cung phi mỹ nam? … Biết bao đàn ông xưa nay đã làm lấm đi biết bao trương lịch sử, thứ người đàn bà này mới làm lấm có một trương mà kể số vào đâu, cho nên tôi nói rằng không đắc tội.”
Thật ra, Phan Khôi không có ý định bênh vực Võ Tắc Thiên nhưng ông muốn dùng câu chuyện trên để phê bình lối suy luận một chiều, cùng những quan điểm luân lý hẹp hòi của Nho giáo, mà nhiều người đã viện vào đó để áp bức phụ nữ. Ông cho rằng trí thức Việt Nam ngày xưa chỉ biết “nhai lại những cái bả của Trung Hoa” mà không thấy những sai lầm nghịch lý trong đó.
Trong một trường hợp khác, Phan Khôi phê bình tục lệ đàn ông chết vợ được tái giá, còn đàn bà mất chồng phải thủ tiết thờ chồng. Phan Khôi ghi: “Chẳng có thánh hiền nào cấm đàn bà tái giá hết. Ðức Khổng Tử cũng để vợ (ly dị). Ngài để vợ rồi cưới vợ tức ngài thuận cho người vợ bị để đó cũng được lấy chồng khác. Hễ đàn bà bị để mà còn lấy chồng, ấy là đàn bà góa cũng được lấy chồng. Từ ông Trình Tử nhà Tống muốn cấm đàn bà góa lấy chồng bày ra câu nói rằng: “Chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn,” rồi sau người ta cứ thêm bớt mà lập luật khiến cho cái chế độ gia đình thêm nặng nề khó chịu, không biết bao nhiêu là người vợ hiền mẹ lành, đàn bà có phước mà phải chịu điều tủi nhục và đau xót…. Nay xin tòa án hãy đóng gông cái câu của ông Trình Tử lại trước hết rồi sẽ phăng mà hỏi đến các bị cáo khác.”
Sống trong một xã hội theo chế độ phụ hệ nhưng Phan Khôi dám bênh vực phụ nữ, đây là một tư tưởng và hành động mới mẻ vào thời đó. Những điều này như những quả bom nổ tung trong dư luận xã hội Việt Nam vào thập niên 1930.
Phan Khôi phê bình sách Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Ông cho rằng đạo Nho ngoài mục “tu thân” có thể hữu ích cho việc giáo dục con người, ngoài ra không thể nào chấp nhận được. Phan Khôi cho rằng đạo Nho, vốn chủ trương làm chính trị bằng cảm hóa, chỉ cần minh đức ở mình là có thể tân dân, chỉ cần tu thân là đi đến trị nước, bình thiên hạ được. Phan Khôi cho rằng quan điểm này không thực tế và phản khoa học. Phan Khôi cho rằng cái gì cũng phải học rồi mới làm được, kể cả chính trị – phải học trong sách vở hoặc học trong thực hành.
Cụ Trần Trọng Kim đã viết bài phản bác lại từng điểm mà Phan Khôi phê bình. Giới phê bình văn học thời ấy nhận xét không ai thắng ai thua; dầu vậy, trên thực tế Phan Khôi đã đúng. Lịch sử cho thấy cụ Trần Trọng Kim một đời mẫu mực, thanh liêm, ra lo việc nước nhưng không “trị nước” nỗi. Ngược lại, ngày nay, không thiếu gì những lãnh đạo chẳng hề tu thân nhưng đã “trị quốc, bình thiên hạ.”
Vài nhà nghiên cứu thử tìm lý do vì đâu Phan Khôi là một nhà Nho lại có thái độ phê bình Nho giáo khắc khe như vậy. Giáo sư Phạm Thế Ngữ đã trưng dẫn một mẫu chuyện cho rằng Phan Khôi viết những điều này để bênh vực bà cố nội của ông. Cụ cố của Phan Khôi là một phụ nữ phải tái giá để nuôi con; bà đã xây dựng cả dòng họ Phan nên cơ nghiệp, nhưng cuối cùng đến lượt bà cụ qua đời, gia tộc không cho bà được chôn bên chồng, viện cớ vì bà đã tái giá.
Trên thực tế, những bài phê bình sắc sảo của Phan Khôi chỉ xuất hiện sau năm 1928, nghĩa là sau khi Phan Khôi dịch Kinh Thánh xong. Sau 10 năm dịch Kinh Thánh, Lời Chúa đã giúp cho Phan Khôi thấy rõ được chân lý. Lối lập luận của Phan Khôi trên báo về chuyện Võ Tắc Thiên khiến chúng ta liên tưởng đến việc Đức Chúa Jesus nhẹ nhàng phân tích cho người Do Thái trong câu chuyện người phụ nữ tà dâm được ghi lại trong Giăng đoạn 8. Phan Khôi đã thấy được ý nghĩa của câu chuyện này, con người thường chạy theo dư luận chỉ trích tội lỗi của người khác nhưng không bao giờ nhìn lại chính mình. Nhận thấy những vô lý, bất công trong xã hội Do Thái ngày xưa, Phan Khôi đã dùng ý niệm đó để phê bình hiện trạng trong xã hội Việt Nam. Qua Thánh Kinh Tân Ước, Phan Khôi cũng học được quan niệm về bình đẳng giữa nam nữ. Phan Khôi biết rằng trước mặt Chúa, Ngài không kỳ thị nữ hay nam. Trong khi đó, con người đã đánh giá thấp phụ nữ vì những khác biệt giữa hai giới tính. Phan Khôi muốn tinh thần kỳ thị nam nữ đó trong xã hội Việt Nam cần được bãi bỏ.
5. Người Xây Dựng Văn Phạm Quốc Ngữ:
Phan Khôi không chỉ là khởi xướng phong trào thơ mới và có những tư tưởng cách mạng trong văn nghị luận, nhưng ông là người có công rất lớn trong việc chấn chỉnh và xây dựng nghệ thuật viết văn Quốc ngữ. Đây là một trong những công lao lớn của Phan Khôi đối với văn học Việt Nam.
Vào những thập niên 1920-1930, các nhà trí thức Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng của Nho giáo, và cách viết văn của các cụ mang giọng văn khoa cử. Phan Khôi đã cùng các nhà văn, nhà báo của Ðông Dương Tạp Chí và Nam Phong góp phần vào việc hoàn chỉnh cách đặt câu cho quốc văn.
Khi chữ Quốc Ngữ bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, những người viết quốc văn đầu tiên là những nho gia, cho nên cách hành văn trong quốc văn bị ảnh hưởng rất nhiều theo cách viết của Hán Văn. Vài đặc điểm của cách hành văn vào thời đó như sau:
– Mạch văn chú trọng về âm điệu với mục đích làm cho câu văn đọc lên được êm đềm; do đó người viết thường dùng những từ thuận âm mà nhiều khi ý nghĩa không được sáng suốt, rõ ràng.
– Nghệ thuật viết câu phổ biến là văn biền ngẫu. Câu văn thường có hai đoạn giống nhau hoặc hai câu đối nhau.
– Từ ngữ thường được dùng kiểu cách, cầu kỳ; đôi khi dùng nhiều chữ Nho không cần thiết.
– Ý tưởng trong bài văn thường được nêu lên cách tổng quát, đại khái, và dùng nhiều điển tích.
– Câu thường dài dòng, không khúc chiết, không có chấm câu phân minh. Câu không có mệnh đề chính, mệnh đề phụ.
Giáo sư Phạm Thế Ngữ trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên khi viết về Phan Khôi đã nhận định rằng từ năm 1919 khi viết những bài thi thoại cho tờ Nam Phong, những bài viết của Phan Khôi đã có một lối hành văn khúc chiết, rõ ràng, khác hẳn với những nho gia nổi tiếng cầm bút cùng thời.
Sau khi được nổi tiếng, những tư tưởng “cách mạng” của Phan Khôi về cách viết văn đã được rất nhiều người tán đồng, đặc biệt những nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ,… Những nhà văn này đã theo quan điểm của Phan Khôi, họ viết văn theo cú pháp mới, ít dùng chữ nho, câu văn trong sáng gẫy gọn; qua đó, những nhà văn này đã viết nên một trang sử sáng ngời trong nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Nhiều người biết đến thành tích của Tự Lực Văn Ðoàn nhưng ít người biết rằng Phan Khôi là người đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên phong trào Tự Lực Văn Ðoàn cả trên hai lĩnh vực văn học và thi ca.
Sở dĩ Phan Khôi chú ý đến việc xây dựng văn phạm Quốc Ngữ vì khi học Pháp văn, Phan Khôi rất thích khoa lý luận và văn phạm trong văn học Tây Phương. Phan Khôi tâm sự rằng một trong những mục đích ông nhận lời dịch Kinh Thánh sang Việt Ngữ là để được học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn phạm. Ao ước đó của Phan Khôi đã được thỏa nguyện.
Theo Giáo Sĩ E.F.Irwin, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (The British and Foreign Bible Society) đã hợp tác chặt chẽ với Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp trong việc phiên dịch Kinh Thánh. Thánh Kinh Hội là cơ quan đã trả lương cho Phan Khôi và chịu mọi chi phí trong việc in và phát hành Kinh Thánh về sau. Do đó, chắc chắn cả đề án phiên dịch Kinh Thánh được tiến hành theo những nguyên tắc dịch thuật, và được hướng dẫn kỹ thuật bởi Thánh Kinh Hội.
Như đã nhắc trước đây, sau 10 năm làm việc với các học giả Kinh Thánh, Phan Khôi được “tu nghiệp” về văn phạm, ngữ pháp, nghệ thuật tu từ của văn chương Hy Lạp (Greek) và Hi-bá-lai (Hebrew). Làm việc với những nhà phiên dịch Kinh Thánh, những chuyên gia về văn phạm, Phan Khôi đã có một cơ hội mà ít nhà văn Việt Nam nào khi ấy có được. Vấn đề ngữ pháp rất được coi trọng trong khi dịch Thánh Kinh. Từ ngữ khi dùng dịch Thánh Kinh cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, bản thảo dịch Kinh Thánh thường trải qua nhiều giai đoạn hiệu đính, nhờ đó Phan Khôi có cơ hội học hỏi, trau chuốt trong cách đặt câu cũng như cách dùng chữ. Do đó, khi trở lại cầm bút, Phan Khôi đã có một căn bản văn phạm thật vững vàng; cho nên khi phê bình các văn gia khác, các nhà văn cùng thời ngạc nhiên khi thấy Phan Khôi lúc đó có một cặp mắt nhận xét sắc sảo lạ thường.
Khi tham dự vào việc phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi hiểu rằng việc dịch Kinh Thánh không đơn giản như dịch một tác phẩm văn học. Dịch Thánh Kinh không phải chỉ đơn thuần dịch rõ ý nhưng còn phải cố gắng giữ văn mạch như trong nguyên bản, từ ngữ phải dùng theo cùng thể loại, nghĩa phải mang nhiều ý nghĩa tương đồng như trong từ gốc, và câu phải giữ theo văn phạm trong nguyên văn,..; ngoài ra, bản dịch phải diễn đạt trôi chảy và trong sáng trong tiếng Việt. Với khả năng vốn có, Phan Khôi có thể thực hiện được hai điều sau là làm cho câu văn trong sáng và trôi chảy, nhưng những yếu tố về văn phạm và nghệ thuật tu từ, Phan Khôi phải làm việc với các Giáo Sĩ và Ủy Ban Phiên Dịch. Từ cụ bà William Cadman, người có bằng Cao Học (Master – M.A.) về Greek, Phan Khôi đã học được rất nhiều về cách dùng từ ngữ, văn phạm và cú pháp.
Ðể hiểu được khả năng của Ban Phiên Dịch Kinh Thánh, chúng ta chỉ cần đối chiếu bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ (1925) hiện đang lưu dụng (1996) với những bài viết mà Phan Khôi đã viết trên các báo, dù là mười năm về sau, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng văn trong Kinh Thánh khúc chiết, mạch lạc hơn văn viết phổ thông của Phan Khôi rất nhiều. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng mặc dầu Phan Khôi có công rất lớn trong việc phiên dịch Kinh Thánh nhưng Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh đã hiệu đính và làm việc rất cẩn thận để có được một bản dịch Kinh Thánh còn lưu dụng được cho đến ngày nay.
Sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi áp dụng những kiến thức văn phạm mà ông đã học được vào cách viết chữ Quốc Ngữ. Ông đã chấn chỉnh lại những tập quán sai lầm trong cách viết văn, kêu gọi người Việt viết văn theo chính tả của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cũng là những người cũng từng nghiên cứu Kinh Thánh. Ngoài “Phép Làm Thơ” ông cũng đề ra “Phép Làm Văn” để dạy thế hệ mới viết văn.
Theo Giáo sư Phạm Thế Ngữ, Phan Khôi đã đặt ra những quy tắc văn phạm trước cả cụ Trần Trọng Kim. – Cụ Trần Trọng Kim là người về sau đã cùng Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ soạn ra cuốn Việt Nam Văn Phạm. Cuốn sách đã được dùng làm tài liệu văn phạm Việt Ngữ căn bản trong cả nước nhiều thập niên về sau.
Bên cạnh việc dạy cách viết văn, Phan Khôi cũng mở mục Ngự Sử Trên Văn Ðàn chuyên hạch lỗi (faute) các nhà văn, nhà báo viết cẩu thả. Mục Ngự Sử Trên Văn Ðàn là nguồn gốc của mục Ðãi Sạn, Nhặt Cỏ trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn về sau. Nhà phê bình Thiếu Sơn ghi nhận rằng chính nhờ Phan Khôi mà các nhà văn, nhà báo bấy giờ chú ý hơn đến văn phạm và chính tả, không dám viết bừa bãi nữa. Ảnh hưởng tốt đẹp đó không phải chỉ ở miền Nam mà lan rộng trên toàn quốc.
Phan Khôi cũng có công trong việc thống nhất cách viết và khích lệ việc dùng từ ngữ của cả ba miền. Trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp dùng biện pháp chia để trị, Việt Nam bị chia làm ba miền với ba chính sách cai trị khác nhau. Người Pháp đã dùng nhiều cách để chia rẽ dân Việt, khiến dân Việt kỳ thị lẫn nhau, kể cả trong ngôn ngữ. Một số trí thức Việt Nam trong đó có Phan Khôi tìm cách ngăn chặn ý đồ chia rẽ đó trong văn học Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu phê bình đã xác nhận công lao của Phan Khôi vì ông đã dùng ngòi bút và sở học của mình để giúp cho việc thống nhất ngôn ngữ trong cả ba miền đất nước.
Sở dĩ Phan Khôi làm được điều đó vì Phan Khôi là một trong số rất ít nhà văn khi ấy thông thạo cách viết của ba miền. Ông là người học rộng đi nhiều nên thấy được cái hay cái đúng của mỗi miền. Ông mạnh dạn dùng cái đúng ở miền này sửa cái sai ở miền kia. Ví dụ ở miền Bắc thường dùng lầm lẫn các phụ âm đầu như âm ch, gi với tr (giời và trời); s với x. Trong khi ở miền Nam lại hay dùng sai phụ âm cuối t thành c (khóc ngất & khóc ngấc),… Phan Khôi đã sửa lại những điều đó.
Khi phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi làm việc chung với cụ Tú Nguyễn Hữu Phúc ở Hà Nội và sinh viên Trần Văn Dõng ở trong Nam, các nhà phiên dịch Kinh Thánh đã áp dụng nguyên tắc dùng từ ngữ của cả ba miền trong bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ. Do đó, vài nơi trong Thánh Kinh dùng những từ ngữ thuần túy miền Nam như đặng (được), ên (một mình)…; đa số những chỗ khác lại dùng từ ngữ của miền Trung và miền Bắc.
Một trong những thí dụ về việc dùng tiếng địa phương trong bản dịch Thánh Kinh (1925) là chữ “ên” trong II Sa-mu-ên 18:24,26. Khi đọc đến khúc Kinh Thánh này, trong nhiều năm liền người viết bài này không biết chữ “chạy ên” trong những câu Kinh Thánh trên là tiếng miền Nam, mà cứ nghĩ rằng đó là chữ “chạy lên” nhưng người sắp chữ đã sắp không đúng. Mãi về sau, khi chị của người viết bài này lập gia đình về sống tại Sóc Trăng thì người viết mới biết chữ “ên” có nghĩa là “một mình.” Vài năm sau, người viết được dịp đọc lại Kinh Thánh Anh Văn, khi tham khảo các bản King James, New King James, Revised Standard Version, New Revised Standard Version, NIV, ABS, TEV đều dùng chữ “running alone” thì người viết mới biết mình đã hiểu sai, và biết rằng kiến văn của các cụ ngày xưa quá rộng.
Khi viết báo, Phan Khôi cũng áp dụng nguyên tắc dùng chữ ba miền đó. Ông đem tiếng miền này phổ biến ở miền kia và xây dựng cho dân Việt một kho ngữ vựng chung, một văn pháp phổ thông. Nhờ viết bài trên hai tờ báo phổ biến rộng cả nước vào thời đó, và bản thân có uy tín vững vàng, nên những đóng góp của Phan Khôi đã được quảng bá và có ảnh hưởng rộng rãi. Cụ Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu đã ghi rằng hai tờ báo có công trong việc thống nhất tiếng nói cả ba kỳ vào thời đó là tờ Nam Phong Tạp Chí và tờ Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai tờ báo trên chính là hai tờ báo mà Phan Khôi cộng tác.
Mười năm phiên dịch Kinh Thánh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên sự nghiệp văn học của Phan Khôi. Qua ông, Thánh Kinh đã để lại một dấu ấn sâu đậm trên văn học Việt Nam, và những ảnh hưởng tốt đẹp đó vẫn còn cho tới ngày hôm nay.
Nguyệt San Linh Lực (1997)
Nguồn: https://www.thuvientinlanh.org/bio_phankhoi_p04/
TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa,
một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
mà lấy nhau hẳn đà không đặng:
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay nói mới bạc làm sao chớ!
buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
mà tính chuyên thuỷ chung!”
*
Hai mươi bốn năm sau,
tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,
đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
con mắt còn có đuôi.
1932
phan khôi
Bài thơ này đăng trên tờ Phụ nữ tân văn số 122 ra ngày 10-3-1932 trong bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Đây là bài thơ khởi xướng đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ mới.
Nguồn:
1. Phụ nữ tân văn, số 122 ra ngày 10-3-1932
2. Tuần báo Phong hoá, số 31 ra ngày 24-1-1933
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941, 1942
4. Tổng tập văn học Việt Nam (tập 25), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, 2000