Vì sao “không nên dùng TÒA GIẢNG đặng mà chửi bới giáo dân”?
“Chiều hôm qua Củ đi lễ nhà thờ Bắc Thành. Cuối lễ Lm Hoàng mời bà con giáo dân ngồi để nghe Lm thông báo một số vấn đề về cuộc TĨNH TÂM năm của các Lm địa phận Nha Trang.
Vấn đề cuối cùng được Lm Hoàng nhắc đi nhắc lại là trong kỳ tĩnh tâm vừa qua, hai Giám mục (Giuse Võ Đức Minh và Giu se Đinh Đức Đạo) đều quan tâm và khuyên nhủ các Lm là khi Lm được giáo dân phê bình, chỉ trích thì không nên dùng TÒA GIẢNG đặng mà chửi bới giáo dân mà hãy CẮN RĂNG chịu đựng dâng cho THÁNH THỂ CHÚA KITO.”
Đó là nội dung một lá mail của một cựu chủng sinh Sao Biển gởi trên mail đàn của họ. Là người cũng tham dự thánh lễ hôm ấy, tôi xác nhận rằng nội dung trên là hoàn toàn chính xác.
Làm linh mục, đặc biệt là linh mục quản xứ quả đúng là rất khổ tâm vì phải “làm dâu trăm họ”, khó lòng tránh được như sự đụng chạm vì giáo dân bá nhân, bá tánh. Đặc biệt là khi xảy ra mâu thuẩn giữa những điều giáo dân cần được thỏa mãn và giáo luật. Lúc bấy giờ những giáo dân này chỉ biết quan tâm đến nhu cầu của mình mà không cảm thông với việc linh mục quản xứ cũng cần tuân thủ một số luật lệ của Hội Thánh.
Mặt khác, linh mục cũng là con người với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Do vậy không thể tránh được những thiếu sót, sai phạm trong cách hành xử với giáo dân. Chính vì thế mà cha sở của giáo xứ của tôi đã nhiều lần khiêm tốn xin lỗi giáo dân trong mỗi dịp lễ đặc biệt của mình như kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, ngày mừng lễ quan thầy…Dù vậy, việc phải hứng chịu “những lời phê bình, chỉ trích” của giáo dân vẫn không thể là điều tránh khỏi. Thế nhưng vì sao các Đức Cha lại khuyên linh mục “không nên dùng TÒA GIẢNG đặng mà chửi bới giáo dân mà hãy CẮN RĂNG chịu đựng dâng cho THÁNH THỂ CHÚA KITO”?
Với đặc quyền giảng dạy muôn dân trên toà giảng, linh mục hoàn toàn làm chủ bài giảng, mà không sợ bất cứ một trường hợp “phản biện” nào có thể xảy ra trong khi giảng. Vì thế thiết tưởng chẳng còn cơ hội nào tốt hơn việc chửi bới, nói cạnh nói khóe giáo dân giáo dân trên bục giảng. Và khi bục giảng bị dùng sai công năng, giáo dân dù là người có hay không có liên quan đến “vụ chửi” thì vì lòng yêu mến Chúa hay chỉ để giữ bổn phận đối với ngày Chúa Nhật, cũng phải im lặng chịu trận cho hết bài giảng “như cái lẩu thập cẩm” ấy. Và trong một cái nhìn nhất định thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đang gánh chịu những BẤT CÔNG và MẤT MÁT.
BẤT CÔNG vì họ không được tôn trọng một cách đúng mức, vì linh mục là người đã tự nhận mình là “tôi tớ của mọi tôi tớ” như gương Thầy Chí Thánh sao lại “chửi bới giáo dân”? Trong khi hơn ai hết các vị ấy hiểu Lời Chúa cũng dạy rằng “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” (Mt5,22)
Đằng khác, khi "chửi bới giáo dân", vị linh mục tự cho mình cái quyền phán xét người khác, điều mà ngoài Thiên Chúa là " Đấng thấu hiểu mọi bí ẩn" thì không một tạo vật nào được phép làm. Về vấn đề này, tôi tâm đắc chia sẻ của linh mục Lê Ngọc Thanh - Dòng Chúa Cứu Thế rằng : "Tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa và đời sống ân sủng của họ là một mầu nhiệm, không ai có thể thấu hiểu đầy đủ từ bên ngoài".
Và, MẤT MÁT là vì thời gian của họ bị tiêu dùng một cách vô bổ vì khi hy sinh thời gian đi dự lễ, thì điều họ cần là đời sống tâm linh của minh được bồi dưỡng bằng những bữa tiệc chia sẻ Lời Chúa với đầy đủ các dưỡng chất: sốt sắng, đạo đức và nhất là giúp người giáo dân có một định hướng tốt cho thái độ sống đạo của mình, chứ không phải nghe linh mục trút những sân si của cõi lòng. Như thế có nghĩa là họ đang bị đối xử một cách thiếu nhân bản trong mối quan hệ giữa người truyền đạo và người được truyền đạo.
Trong bài “Đạo làm người” Đức Cha J.B. Bùi Tuần viết: “Phát triển đạo Chúa là việc ta muốn làm và phải làm. Nhưng đừng quên phát triển đạo làm người và đạo làm người Việt Nam nơi bản thân ta và những người thuộc về ta. Thiếu nhân bản nơi những nhà truyền giáo là một khủng hoảng gây hại rất nhiều cho việc phát triển Tin Mừng, hy vọng khủng hoảng đó sẽ không bùng nổ trong Hội Thánh Việt Nam, nơi bao người Công giáo Việt Nam đang gắn bó thiết tha và phục vụ hết mình”.
Trong thánh lễ truyền chức linh mục cho 39 thầy Phó tế tại Quảng trường TGM Xã Đoài vào ngày 14/11/2016, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo Phận Vinh đã nhắn nhủ với các tân chức rằng: “Nếu các con không thể làm gì để giảm nỗi đau khổ, bất hạnh của họ (giáo dân), ít nhất đừng chất thêm gánh nặng trên đôi vai gầy đó”. Cũng vậy, ước chi mỗi bài giảng của các linh mục luôn là nguồn động lực thánh giúp làm êm dịu những đau thương vì những đấu đá, tranh giành trong cuộc sống con người chứ đừng chồng chất thêm những lời cay nghiệt, chửi mắng xa gần của các linh mục.
Rất mong không chỉ linh mục của giáo phận Nha Trang trong kỳ tĩnh tâm vừa qua, mà còn nhiều linh mục khác nữa khắc cốt ghi tâm lời dạy vàng ngọc của hai quý đức cha Giuse Võ Đức Minh và Giuse Đinh Đức Đạo để trả bục giảng về đúng với công năng của nó là Rao Truyền Tình Yêu của Thiên Chúa.