LÌ XÌ CHO… CHÚA GIÊSU
Nhóm FIAT của Dòng Chúa Cứu Thế thăm hỏi một người vô gia cư trên đường phố Sài Gòn Dòng Chúa Cứu Thế |
Sáng kiến ban đầu có lẽ là của các bạn Nhóm DOJ (Disciples of Jesus – Môn Đệ Chúa Giêsu) từ cách đây 3 năm. Nghe “lì xì cho Chúa Giêsu”, chắc không ít người trợn mắt kết luận: “Bậy bạ! Vớ vẩn!” Chúa Giêsu chứ có phải trẻ con đâu mà dám bảo là lì xì? Nhưng nếu bình tâm một chút, lại chịu khó đi một chuyến với DOJ trong Đêm Giao Thừa, ta mới ngộ được, và cười xòa một cái.
Phản ứng hồi ấy của tôi cũng thế. Năm 2007 tôi ra Bắc lo bánh chưng Tết cho các bệnh nhân phong, về lại Sàigòn nghe các bạn có đi “lì xì cho Chúa Giêsu” kể lại mới hiểu ra và thấy dễ thương quá.
Đến năm ngoái 2008 thì tôi xin nhập cuộc luôn, và Đêm Giao Thừa, tôi đã được giao nhiệm vụ, xuất phát từ sân Nhà Thờ Hy Vọng đường Phan Huy Ích, chỉ huy một “cánh quân” mấy chục bạn trẻ tỏa ra thành nhiều toán nhỏ, mất hút về hướng các quận Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn. Chúng tôi tay xách nách mang, có lúc cưỡi Honda tạt vào bên vệ đường, có lúc cuốc bộ chui sâu trong ngõ hẻm. Mãi đến 3g sáng Mùng Một Tết, hết sạch quà thì coi như hoàn thành công tác. Mọi người í ới gọi điện thoại hỏi thăm nhau ở các cánh. Cười cười nói nói, có bạn nghẹn ngào khóc: “Cha ơi, đúng là con đã gặp được Chúa Giêsu đêm nay…”
Năm nay, Tết Kỷ Sửu, không thấy thủ lĩnh Ngọc Danh của Nhóm DOJ đứng ra tổ chức, nhưng tinh thần đi “lì xì cho Chúa Giêsu” vẫn được thực hiện. Không chỉ một cánh do Nhóm Fiat, mà còn thêm nhiều cánh khác do các nhóm có tên lẫn không có tên, đã từng tham gia với DOJ mấy năm trước, bây giờ cứ tự động họp lại, ai cho gì cũng nhận hết, lại mua thêm các món như mứt, đường, muối, xì dầu, mì tôm, đặt thêm bánh tét, gói tất cả thành những món quà trân trọng xinh xắn dành cho người nghèo, dù trị giá vật chất chỉ đáng mấy chục ngàn, tép riu so với các thứ quà cáp biếu xén xếp lớn hoặc hối lộ cán bộ!
Nhưng “nghèo” ở đây là thế nào? Tinh thần của Nhóm DOJ đã chủ trương ngay từ đầu rằng: tất cả những ai đúng Đêm Giao Thừa rồi mà vẫn còn phải lang thang vất vưởng ngoài đường khuya, còn vật vã co ro bên mái hiên nhà người ta, có quê ở đâu đó xa tít mà không về được, đã từng có một mái ấm ngày xửa ngày xưa mà nay phải ly tán để tha phương cầu thực, tất cả, tất cả đều trở thành những… Giêsu của Sàigòn hoa lệ và hiện đại hôm nay.
Vậy, ai muốn gặp Giêsu, xin hãy cùng chúng tôi ra đường đúng Đêm Giao Thừa. Gói quà đem trao thật ra chỉ là cái cớ để bắt chuyện, để hỏi thăm một lời tử tế. Cái chính để “lì xì” cho nhau, cả hai bên, kẻ đi thăm cũng như người gặp được, lại chính là tấm lòng, là tình người.
Của đáng tội, những cái gọi là “tấm lòng”, là “tình người” bây giờ hình như thành chuyện xa xỉ, chuyện văn chương lãng mạn. Chủ nghĩa xã hội chọn theo lý thuyết duy vật vô thần nên cứ lần hồi làm biến thái lương tri con người ta, khiến con người ta chỉ còn biết quay quắt làm nô lệ cho cái bụng của bản thân, từ đấy thành ra vô nhân vô đạo, nhẹ nhất cũng là vô cảm vô tình, thản nhiên đối với những người cũng là người y như mình, đang sống bên cạnh mình, ngay chung quanh mình.
Trịnh Công Sơn ôm đàn hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” Hóa ra, con người ta sống trong cái thế giới thiếu tấm lòng nhiều quá, thì đến một hôm, chính tấm lòng mình chợt thức tỉnh, tự nhủ không thể cứ sống mãi thế này, buồn lắm, khốn nạn lắm, phải sống khác, suy nghĩ khác, cư xử khác. Rồi đang lúc loay hoay chưa biết khởi đi từ đâu để hồi sinh tấm lòng của chính mình và của mọi người, thì những sáng kiến như của Nhóm DOJ bật ra, ai bắt được thì thấy rộn lên một nỗi vui, hưởng ứng ngay.
Tôi nhớ năm đầu tiên tổ chức đi “lì xì cho Chúa Giêsu”, có anh bạn trẻ đến gần Giao Thừa rồi mà chưa kiếm được cớ gì chính đáng để thoát ra khỏi nhà mà đi lang thang với các bạn trong nhóm. Đương nhiên bầu khí sum họp gia đình là thiêng liêng, đâu có bỏ đi được, thế nhưng vẫn có một vẫy gọi của tấm lòng nó mạnh quá, khiến cho cậu nhấp nha nhấp nhổm. Ông bố trong nhà, vốn là dân tu xuất, để ý thấy, nghi cậu con muốn lỉnh ra khỏi nhà đi chơi với bồ, ông trừng mắt truy hỏi. Thế là cậu con đành khai ra sự thể nguồn cơn. Ông bố buột miệng bảo: “Ơ, chuyện hay thế, sao không nói sớm cho bố biết…” Vậy là Đêm Giao Thừa ấy có cả một gia đình vợ chồng con cái kéo hết ra đường đi… “lì xì cho Chúa Giêsu”!
Năm nay suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng, còn kinh tế trong nước thì mấy ông bộ trưởng, mấy tay giám đốc sở của ta vốn đã kém tài lại yếu đức, toàn là làm-láo-báo-cáo-hay, tham nhũng choe choét, đâm ra dân khổ quá, khổ hơn mấy năm trước nhiều. Cái khổ khách quan đã là khổ, nhưng còn phải è cổ gánh thêm cái khổ gây ra do chính những “đầy tớ nhân dân”, thì ôi chao, khổ không còn biết để vào đâu!
Nông dân được mùa nhưng thóc lúa bị tư thương phối hợp ngầm với cán bộ nhà nước để ép giá mua rẻ. Đến người trồng hoa chỉ hy vọng bán được mùa Tết, vậy mà bây giờ phải đem hoa, đem cây cảnh đổ hết ra hai bên Quốc Lộ mà bán tống bán tháo. Công nhân các nhà máy bị quịt lương sau bao nhiêu ngày tăng ca, nhiều nơi còn bị sa thải hàng loạt mà không có trợ cấp thất nghiệp.
Tôi biết ở một quận vùng ven, có nơi anh em xa quê đến Tết, không những không có tiền về lại quê, lại còn không đủ tiền trả nhà trọ, bị chủ nhà tống khứ hết, đành ra nghĩa địa che chắn mấy cái vỏ thùng các tông, chắp vá thêm mấy tấm bạt nilông cũ rách mà sống chung với người đã chết. Hết mùa mưa cũng đỡ khổ, nhưng lại trúng đợt Sàigòn trở lạnh khác hẳn mọi năm, cứ phải đốt giấy rác mà sưởi.
Bên Công Giáo mình anh chị em Tông Đồ Giáo Dân biết được về báo với cha, đang còn họp bàn tìm cách giúp họ thế nào, thì được tin bên Phật Giáo họ đã mở toang cửa Nhà Chùa đón những người cơ nhỡ đáng thương ấy vào nương náu. Vừa mừng vừa buồn, mừng vì thấy người nghèo đã được trợ giúp đến nơi đến chốn, nhưng lại buồn vì thấy hệ thống và cơ chế bên đạo mình còn nặng nề quá, chẳng Dòng Tu nào, chẳng Nhà Thờ Giáo Xứ nào dám “chơi đẹp” như bên Nhà Chùa!
Vậy ra, có tấm lòng không thôi, quý đấy, nhưng vẫn chưa đủ. Còn cần phải hành động nữa. Thì đây, chẳng phải kế hoạch quy mô hành động gì to tát, cứ Đêm Giao Thừa, các bạn trẻ lại “xuống đường” hành động với tất cả tấm lòng bằng việc đi “lì xì cho Chúa Giêsu”!
Vậy nếu có ai đêm nay xuất hành xông đất khuya, có ai ngồi nhà hàng ăn bát phở nóng Giao Thừa, chợt trông thấy một nhóm mấy bạn trẻ cứ rà rà xe Honda, đảo tới đảo lui trong ngõ hẻm, dưới gầm cầu, nơi xó chợ vắng tanh, lại chở theo những túi quà đựng trong bao xốp màu trắng, mắt nhìn quanh như tìm kiếm ai trong đêm, thì xin thưa: ấy chính là những “tấm lòng” đang để cho Thần Khí cuốn đi gặp gỡ chính Chúa Giêsu giữa lòng đời!
Giao Thừa Kỷ Sửu, Chúa Nhật 25.1.2009
Giáo hội Công giáo: Làm từ thiện cũng gặp khó khăn
Vào những ngày sắp đến Lễ Giáng Sinh và ngày lễ cuối năm, các linh mục, tu sĩ và thanh niên Công giáo ở Việt Nam càng bận rộn với những hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội hướng về những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng không ra ngoài thông lệ đó. Bình thường trong năm, các linh mục của dòng này cũng thường xuyên có những chương trình bác ái, xã hội. Vấn đề là ngay cả khi làm những việc này, họ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ các chính quyền các địa phương. Đó là điều linh mục Lê Quang Uy, Phòng Bác Ái Xã Hội, Dòng Chúa Cứu Thế nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn RFI qua điện thoại từ Sài Gòn ngày 11/12/2015.
Linh mục Lê Quang Uy
21/12/2015 Nghe
RFI: Kính thưa Cha Lê Quang Uy, sắp đến ngày lễ Giáng sinh, trong khi các gia đình đang nhận nhịp chuẩn bị cho ngày Noel sắp tới, thì Dòng Chúa Cứu Thế, cũng như các dòng khác ở Sài Gòn, các cộng đoàn có những hoạt động từ thiện nào hướng tới những người không may mắn ở Việt Nam?
LM Lê Quang Uy: Thưa quý thính giả, thưa anh, có thể nói là mỗi cha, mỗi thầy ở Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi, cũng như các tu sĩ khác ở các dòng khác, mỗi người đều có ít nhất một nhóm người cộng tác viên, đa số các anh chị em tín hữu, rất thân tín để cùng làm việc.
Trong những dịp lễ Giáng sinh, Tết Tây sắp đến, rồi Tết Ta hay các dịp lễ đặc biệt khác thì mỗi nhóm như vậy đều lo cho người nghèo. Chẳng hạn ngày 18/12 thì ngay tại sân tu viện Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi có “bữa ăn yêu thương” của nhóm bạn người nghèo. Họ mời khoảng 100 người khuyết tật, bán vé số rong đến ăn tối với nhau, chụp hình lưu niệm, có các nghệ sĩ đến biểu diễn văn nghệ rất tự nhiên, rồi tặng quà cho họ.
Sau lễ Giáng sinh, đến cuối năm, thì ở sân giáo xứ Đức mẹ hằng cứu giúp thì có một “bữa ăn yêu thương” khác lớn hơn, dành cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, do Cha Lê Ngọc Thanh với một số cha khác của Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách.
Đúng lễ Giáng sinh này, các cha già thì phải ở nhà vì di chuyển khó khăn, nhưng các anh em trẻ thì tỏa đi dâng thánh lễ ở các nơi. Khi đi dâng thánh lễ như vậy thì có những nhóm giáo dân, nhất là các bạn trẻ, đi theo để có thể có một hội chợ hay một buổi sinh hoạt văn nghệ. Sau lễ có những “bữa ăn yêu thương”, hòa vào những người thiếu thốn, những người nghèo đói. Có khi đó là trại tâm thần ở Đức Trọng, Lâm Đồng, có khi đó là mái ấm của những anh em bị khuyết tật, những nhà chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, mái ấm “bảo vệ sự sống” dành cho những chị em lỡ lầm.
Những người này không thể chen chân giữa các đám đông đến nhà thờ dự lễ như những người bình thường được. Họ không thể di chuyển dễ dàng trên các đường phố, nhất là những ngày như vậy, phố vẫn đông nghẹt người và xe cộ. Cho nên các linh mục trẻ đến tận nơi dâng thánh lễ cho họ trong bầu không khí ấm cúng, tặng quà cho họ và cùng với họ ăn một bữa ăn thân tình, ngon, giản dị, không tốn kém.
Một số anh chị em tín hữu còn tổ chức các buổi đi xa hơn, và nếu được thì rủ theo một cha, đến các buôn làng, đến những giáo điểm còn thiếu linh mục trong đêm Giáng sinh để dâng thánh lễ cho những nơi đó.
RFI: Thưa Cha, trong mùa Giáng sinh 2015 này thì các cha và các giáo dân đến thăm những địa điểm cụ thể nào?
LM Lê Quang Uy: Chúng tôi có thể kể các mái ấm mồ côi, các mái ấm khuyết tật, mái ấm bảo vệ sự sống, nhà cho các cụ già. Các đoàn nhỏ khoảng 5-6 người, hoặc là những đoàn lớn hơn, khoảng 30-40 chục người, đến thăm những mái ấm đó, hoặc xa hơn thì lên các vùng cao Tây Nguyên, các giáo điểm xa thành phố. Họ mang theo gạo, sữa, quần áo cũ. Trong những ngày này, tại chỗ mà tôi đang ngồi trả lời phỏng vấn anh, chung quanh tôi có rất nhiều quần áo mà mà bà con đã giặt sạch, bỏ trong bao gởi đến. Rồi có những bà mẹ từ các giáo xứ ngồi lọc lại, chia ra, và xếp gấp tử tế, để chuyển đến những vùng nói trên. Giáng sinh cũng là mùa lạnh. Đã đói mà còn lạnh thì khỗ lắm!
Trong những lần sinh hoạt như vậy thì có các nhóm bạn trẻ, khuya 11-12 giờ đêm tỏa ra các ngả đường, chân cầu, góc các khu chợ, lề đường. Ở những nơi đó, có những người xa quê, có công ăn việc làm nhưng không có nhà ở, những người nhặt rác, bán vé số, không có tiền để về quê nên phải ở lại các lề đường thành phố. Các bạn trẻ tỏa ra các ngả đường để thăm họ, nhưng phải đến từ 11-12 giờ đêm, chứ sớm hơn thì rất khó gặp được họ.
RFI: Ngoài dịp lễ Giáng sinh thì bình thường trong năm, các cha của Dòng Chúa Cứu Thế và các bạn trẻ cũng có những hoạt động bác ái, xã hội khác. Những hoạt động đó có được dễ dàng hay đôi khi cũng gặp một số khó khăn?
LM Lê Quang Uy: Nói về khó khăn thì chắc là nhiều lắm, nhưng cũng là vấn đề tế nhị. Cái mà phải đối đầu nhiều, đó là khó khăn từ phía Nhà nước, chính quyền, tại vì ở Việt Nam có những quy định rất kỳ cục, đó là làm công tác từ thiện thì phải xin phép Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương, mà khi xin phép như vậy thì họ kiểm soát, họ nắm giữ nguồn hàng, họ tra hỏi mình là ai cho, bao nhiêu tiền, tiền ở đâu, cho để làm gì ? Họ muốn quản lý, muốn là chính họ phân phát, nhưng thường là nếu để cho họ phân phát thì tiền sẽ không đến tay người nghèo hoặc sẽ thất thoát khá nhiều. Cái đó là khó khăn lâu nay đã gặp rồi.
Về phía Giáo hội Công giáo thì đây là tinh thần chung của người Công giáo, Giáo hội không hề thể ngăn trở, mà trái lại khuyến khích thêm, nhất là bây giờ có hội Caritas của các giáo xứ, giáo phận và của cả các dòng. Về phía Giáo hội Công giáo thì chúng tôi thấy cái khó khăn đó không đáng kể. Ở mỗi nhà dòng như nhà dòng chúng tôi thì tinh thần đều hướng về người nghèo, những người bị thương tổn, những người bị xã hội bỏ rơi. Đó là bổn phận, là nghĩa vụ của lương tâm, rất là tự nhiên chứ không phải là một cái gì bó buộc.
Lương tâm ấy chúng tôi được Tin mừng của Chúa soi dẫn. Chính chúng tôi cũng được Thiên chúa xót thương. Bây giờ chẳng lẻ chúng tôi lại không đáp trả tình thương ấy bằng cách xót thương những người anh em của mình, những người nghèo, những người khốn khổ? Việc chúng tôi làm từ thiện là chuyện tất yếu, thể hiện tình liên đới giữa mình với người nghèo.
Cũng xin nói rõ là các tôn giáo nói chung và Công giáo chúng tôi nói riêng không làm từ thiện theo kiểu “xóa đói giảm nghèo”, như cách nói của chính quyền, bởi vì trên thực tế họ nói “xóa đói giảm nghèo”, nhưng càng xóa thì lại càng đói, càng giảm nghèo nhưng lại làm tăng cách biệt giàu nghèo, thì người nghèo càng khổ hơn, chứ không giải quyết được vấn đề.
Chúng tôi không nhắm đến việc bố thí, phát chẩn xóa đói giảm nghèo nhưng liên đới với người nghèo, không mong là xóa nghèo đói hoàn toàn, không mong thay đổi được bộ mặt xã hội, nhưng tỏ tình liên đới để người nghèo không cảm thấy bị bỏ rơi, thấy rằng ít nhất cũng có những người quan tâm đến họ, chia sẽ với họ, theo tinh thần của người Việt Nam, cộng thêm tinh thần của Tin mừng mà chúng tôi đón nhận.
Thanh Phương