Chuỗi ngôn ngữ "Yịt" / "Yiệt" / "Việt" - Thử tìm lại phát âm chữ V trong tiếng Việt cổ

Quang X Nguyen

CHUỖI NGÔN NGỮ: "YỊT" / "YIỆT" / "VIỆT"


Theo phép chánh tả, viết "Việt", nhưng lạ thay rất đông cư dân Nam Kỳ và một số tỉnh Trung Kỳ như "xứ Nẫu" Bình Định, Phú Yên... vẫn giữ cách phát âm là "Yiệt", hay chính xác hơn nữa là "Byiệt" (không phải "biệt", mà là mím môi lại [b] rồi bật ra phát âm [yiệt], nghe vội thì hao hao mà không hẳn là âm [diệt]).

"Yiệt" là cách phát âm xưa trong tiếng nói của tổ tiên chúng ta, trước khi xuất hiện âm [v] trong "Việt"! - theo một khảo cứu của Trần Thị Vĩnh Tường. Mời đọc đầy đủ các luận cứ của bài này theo đường link ghi cuối stt (*). Ở đây tôi ghi chú ngắn gọn một số điểm, và có dẫn giải thêm đôi phần.


&1&

* THIẾU ÂM [V] KHÁ NHIỀU trong tiếng nói ngày xưa, qua dẫn liệu về văn bản ghi chép, đặc biệt là Từ điển:

Một tài liệu viết tay của một giáo sĩ (không rõ tên) tới truyền đạo Công giáo, vào năm 1648, có ghi câu: "Nhơn danh Cha, ùa con, ùa...". Phát âm "ùa", nay gọi là "và".
(mở ngoặc nói thêm: "nhơn" <=> "nhân". Ta bắt gặp người Nam Kỳ ưa nói "nhơn" trong "nhơn nghĩa", đây là cách nói theo phương ngữ Nam Kỳ hay "nhơn" là cách nói phổ biến xưa kia trên toàn đất nước rồi ngôn ngữ biến thiên, nhưng ở Nam Kỳ vẫn còn giữ lại cách nói này? Nêu lên câu hỏi gợi mở, chưa thể kết luận)

Đặc biệt, Từ điển "Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum" (tiếng An Nam - Bồ Đào Nha - Latin) của Alexandre de Rhodes (**), năm 1651, là một cứ liệu ghi khá tỉ mỉ về cách phát âm của người Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Tỉ dụ:
"con yịt", hoặc "con ụit" - tức "con vịt" theo chánh tả hiện nay;
"ông bà ông byải", hoặc "oũ bà oũ uãi" - tức "ông bà ông vãi" theo chánh tả hiện nay.
Cách ghi "uịt", "uãi" đọc như [wịt], [wãi];
Cách ghi "yịt", "byải" (phát âm mím môi [b] rồi bật ra "yải") - cách đọc hệt như người Nam Kỳ hiện nay còn giữ: "vịt" vẫn đọc là [yịt], "vãi" vẫn đọc là [byải] hoặc [yải]...

Vậy nên, chí ít là cho đến giữa thế kỷ 17, tiếng nói của ông bà chúng ta thiếu vắng rất nhiều âm [v].

&2&

Còn một nguồn tham khảo hết sức quan trọng, đó là: ngôn ngữ của NGƯỜI MƯỜNG - được xem là người cùng "phả hệ" với chúng ta, còn gìn giữ nhiều từ vựng & phát âm nguyên thủy.

Theo nghiên cứu của Jeanne Cuisinier, trong tiếng Mường xưa cũng HẦU NHƯ KHÔNG THẤY ÂM [V]!

Bây giờ ta gọi "Việt (Nam)", nhưng trong tiếng Mường đọc là "YỊT (Nam)";

Thêm vài tỉ dụ: "Vài đồng" - theo phát âm hiện nay có [v] trong "vài", nhưng trong tiếng Mường là: "Bài tồng";
"chớ cãi Vô lí" - theo phát âm hiện nay có [v] trong "vô", nhưng trong tiếng Mường là: "chở cải Bô lỉ";
"con Vạc mà đi ăn đêm" - theo phát âm hiện nay có [v] trong "vạc", nhưng trong tiếng Mường: "con Wac mà ti ăn têm";
"mày đừng có Vẽ chuyện ra nữa" - theo phát âm hiện nay có [v] trong "vẽ", nhưng qua tiếng Mường là: "Da chở cỏ Wẽ chiễn tha nưa";
(mở ngoặc để ý chút: với câu trên, người Nam Kỳ sẽ nói là "mày đừng có yẽ chiện ra nữa", [chiện] ở đây phát âm giông giống với phát âm [chiễn] nguyên thủy của Mường).

&3&


Đến năm 1838, trong Từ điển Taberd thấy xuất hiện nhiều âm [v]!

Tỉ dụ: ở từ điển Alexandre de Rhodes ghi "muôn uật" => từ điển Taberd ghi "muôn vật"; từ điển A.de Rhodes ghi "uiệc Chúa" => từ điển Taberd ghi "việc Chúa" ...

Điều này chứng tỏ trong gần hai thế kỷ (Từ điển A.de Rhodes xuất hiện 1651 cho đến Từ điển Taberd 1883):
- hoặc là người [V]iệt đã có những thay đổi trong phát âm;
- hoặc là Taberd cùng cộng sự đã loại bỏ những âm như [b-ỳơ] rồi khoác cho âm [v] giống tiếng Latinh.

Dù luận giải kiểu nào, âm [v] cũng đã xuất hiện ít nhiều trong lối ăn tiếng nói trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Nhưng, âm [v] không chiếm địa vị phổ biến cả nước, bằng chứng là người Nam Kỳ & người "xứ Nẫu" không phát âm [v] trong "Việt" mà họ vẫn phát âm như trước đó là [b-yiệt] hoặc "Yiệt".

&4&

Có người nhắc tới "Bình Ngô đại cáo" do Nguyễn Trãi soạn thảo vào năm 1428, có câu: 惟 我 大 越 之 國 "Duy ngã Đại Việt chi quốc". Để cho rằng ngay từ giữa thế kỷ 15 đã xuất hiện âm [v], đó, trong "(Đại) Việt...", đâu phải đợi đến khoảng giữa thế kỷ 17 trở đi!

Cái này cầm bằng "suy luận ngược" mà không hay.

4a/ Dòng chữ: "duy ngã Đai Việt chi quốc" mà bạn đang đọc, bạn quên mất đó là ... dòng chữ được viết bằng thứ chữ quốc ngữ (chữ abc) đó đa!

Xưa kia, chữ Hán lẫn chữ Nôm đều không phải là những thứ chữ ghi âm/ ghép âm, hễ gặp chữ nào thì phải học thuộc lòng cách phát âm của chữ đó, đụng phải chữ khác mà thầy chưa dạy thì... bù trất, khỏi biết đọc luôn.

4b/ Chúng ta biết được cách phát âm văn bản chữ Hán của "Bình Ngô đại cáo" (BNĐC) là nhờ sử gia Trần Trọng Kim, ông là người ĐẦU TIÊN dịch BNĐC ra chữ quốc ngữ, vào năm 1916 (trong sách "Sơ học An Nam sử lược", dich một số đoạn). Đến năm 1919 ông dịch toàn văn BNĐC, công bố trong cuốn "Việt Nam sử lược".

惟 我 大 越 之 國
實 為 文 獻 之 邦 。

Cách đọc gọi là "âm Hán-Việt" được ông Trần Trọng Kim viết ra bằng chữ quốc ngữ như sau:
"Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang"

Và ông dịch nghĩa, cũng bằng chữ quốc ngữ như sau:
"Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng văn hiến đã lâu"

Nên chú ý: sử gia Trần Trọng Kim đọc 越 thành "VIỆT" trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 (ấn bản 1916, và 1919), mà âm [v] trong "Việt" như đã diễn giải ở trên là xuất hiện từ giữa thế kỷ 17 trở lại đây! Thành thử lúc sử gia Trần Trọng Kim dịch thì đương nhiên 越 phát âm: "Việt".

Còn Bình Ngô đại cáo xuất hiện vào thế kỷ 15, văn bản Hán tự thì vẫn chỉ một, nhưng phát âm cho chữ 越 do chưa có âm [v], nên đọc thành "Yiệt".

&5&

Chữ 越 được phát âm theo chuỗi sau: YỊT / YIỆT / VIỆT

Vừa là chuỗi có sự tiến triển theo dòng thời gian "Yịt" trước, đến "Yiệt", rồi mới đến "Việt". Lại vừa là chuỗi tiếng nói cùng đồng hiện, hết sức độc đáo trong ngôn ngữ nước ta!

Ngay lúc này "Yịt" vẫn hiện diện trong cách nói của người Mường (được xem là [V]iệt cổ), cư dân Nam Kỳ & một số tỉnh Trung Kỳ vẫn phát âm "Yiệt", song hành với cách phát âm "Việt".

Về mặt chánh tả, khi âm [v] nay đã ngày càng nhiều, viết: "VIỆT NAM". Mặt khác, giữ gìn cách phát âm "YIỆT" ("B-yiệt") là cách đền ơn tổ tiên ./.
----------------------------------------------------------------------------

(**): Ngài Alexandre de Rhodes học tiếng Việt từ giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina. Trước đó, từ năm 1618 cho tới năm 1622 tại Nước Mặn (Bình Định), các giáo sĩ dòng Tên là Pina, Francesco Buzomi (người Ý), Cristoforo Borri (người Ý) đã cấu trúc nên hệ thống chuyển mẫu tự Latinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt.

Trung tâm hình thành chữ quốc ngữ thời kỳ phôi thai là ở ĐÀNG TRONG (nhiều người lầm tưởng ở Đàng Ngoài), đặt tại Nước Mặn thuộc "xứ Nẫu" Bình Định!

Alexandre de Rhodes học hỏi từ Nước Mặn, sau đó ngài ra Đàng Ngoài. Nhờ vậy, thâu thập nhiều cách phát âm của người Việt của cả hai miền Nam, Bắc.



THỬ TÌM LẠI PHÁT ÂM CHỮ V TRONG TIẾNG VIỆT CỔ

Vào khoảng cuối thập niên 70 lúc mới định cư tại Sydney, người viết có dịp xem một phim hình sự đấm đá do tài tử gạo cội của Hongkong lúc đó, Vương Vũ, thủ vai chính cùng với tài tử Úc George Lazenby (đã có một lần đóng vai James Bond trong phim On Her Majesty’s Secret Service). Người viết chợt để ý tên Vương Vũ viết theo tiếng Anh là Wang Yu - hay Jimmy Wang Yu để dễ tiếp thị với người Âu Mỹ. Viết Wang Yu thay vì theo suy đoán từ tiếng Việt phải là Wang Wu!

Thế rồi vào năm 1980, người viết có dịp đi học thêm một hai lớp tối, như một thú tiêu khiển, tiếng Nhật và tiếng Quan Thoại. Người Nhật gọi Việt Nam là Beto-namu, tức là gần với cách đọc của người Nam bộ Yiệt Nam hay Bdiệt Nam, chứ không phải Veto-namu. Người Tàu gọi Việt Nam là Yue-Nan, gọi mây là Yun, theo Hán Việt là Vân, như họ gọi tỉnh Vân Nam là Yun-Nan. Hoàn toàn không có âm V như kiểu tiếng Pháp. Thời gian học tiếng Nhật tiếng Tàu đó kéo dài chừng 2-3 năm rồi ngừng luôn.

Sau đó trong thời gian đi dạy học, trong trường có một cộng sự người Ấn Độ. Ông này có đứa con trai cưng tên Vivek, một tên rất phổ thông đối với người Ấn, như tên Tuấn tên Minh của Việt Nam. Người viết lại ngạc nhiên một lần nữa thấy ông gọi con Vivek trong cách phát âm như Uuy Uék hay cùng lắm là Wiwek, âm W hơi nhẹ hơn tiếng Anh một chút. Âm V theo kiểu Pháp lại vắng mặt, mặc dù ký âm biên ra là Vivek. Người viết chợt nhớ lại hồi còn nhỏ có nghe một số cụ người Nam Bộ cố gắng phát âm chữ V theo kiểu người Bắc Hà, tỷ như họ gọi Anh Vương họ sẽ phát âm như Anh Uương hay cùng lắm là Anh Wương chứ rất khó “bắt” họ gọi được như Anh Vương theo kiểu người Bắc. Mặc dù rằng nếu họ biết tiếng Pháp họ có thể phát âm “vers le soleil”, hay “vertigo” theo kiểu Tây đàng hoàng. Lối phát âm V trong tiếng Việt của mấy cụ người Nam bộ giống y hệt như phát âm của ông giáo sư Ấn Độ đó gọi con tên Vivek.

Vấn đề khá ngộ và khá hay này sau đó nằm vào một góc kẹt trong đầu của người viết trong suốt gần 20 năm, và chỉ chợt loé lên gần đây trong lúc sưu tầm đọc lại tài liệu sử học và ngôn ngữ học cần thiết cho bài ‘Thử đọc lại Kim Dung II: Nguồn Việt và Kim Dung”. Và thật ra phần lớn của bài này ban đầu nằm ngay trong bài Kim Dung-2, nhưng nó đã làm cho bài Kim-Dung-2 quá dài và loãng ý, nên đã bị người kiểm duyệt trong nhà ra lệnh cắt xén toàn diện. Phần ngữ học chữ V này liên hệ đến Kim-Dung-2 ở chỗ chứng minh ranh giới của nước Văn Lang xưa bằng ngôn ngữ học so sánh qua công trình nghiên cứu của nhà ngôn ngữ Việt Nam Hoàng Thị Châu - do Keith Weller Taylor trích dẫn trong quyển luận án tiến sĩ của ông “The Birth of Vietnam” (Buổi chào đời của nước Việt Nam), University of California Press xuất bản 1983. Thật ra Taylor chỉ ghi lại một đôi dòng tóm tắt giả thiết dựa vào khoa ngữ học này, chung quanh từ Văn-Lang và từ kẻ và quan sát địa bàn của những nơi chốn đã dùng hai từ cổ này để vạch ra ranh giới của nước Văn Lang. May mắn cho người viết trong nhà có quyển “Thời đại Hùng Vương” của một số tác giả Việt Nam do Văn Tân chủ biên (1973) mua được ở một tiệm sách cũ trong chuyến đầu tiên về thăm Việt Nam hồi đầu thập niên 90. Quyển “Hùng Vương” có trích lại khá đủ giả thiết của Hoàng Thị Châu (HTC), Taylor đã đề cập đến trong quyển luận án của ông (“Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ” trong “Nghiên Cứu Lịch Sử số 120 (1969).”

Giả thiết này trước hết khảo sát một từ Việt Nam khá cổ bị biến mất kể từ khoảng thế kỷ 18. Đó là từ kẻ dùng để chỉ làng hay xã thôn của Việt Nam thời xưa. Kẻ trong Kẻ Noi dùng để gọi làng Nhuế, tức Cổ Nhuế. Cổ do đó là một từ Hán Việt tương đương với Kẻ. Kẻ có trong tự điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes (A-lịch-Sơn Đắc Lộ) qua câu: “Mày ở kẻ nào?” (Latinh: Patria tua quaenam est?) nghĩa “Quê mày ở đâu?” Tiếng Mường ở vùng Hoà Bình có một từ đồng nghĩa với “kẻ”, đó là KUEL mang nghĩa một đơn vị xã hội của người Mường. Quyển “Việt Ngữ chánh tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ xuất bản ở Sàigòn có ghi kẻ chỉ chỗ, nơi, như trong kẻ Chợ (dùng để chỉ thành Thăng Long ngày xưa). HTC nhận xét rằng trong rất nhiều tên làng ở Việt Nam từ kẻ tiếng Nôm đã được biến chuyển phiên âm ra tiếng Hán Việt thành Cổ (như Cổ Nhuế, Cổ Chiên). Ở Lưỡng Quảng những địa danh có chữ “Cổ” đứng đầu rất phổ biến, rất tập trung. Nhìn rộng ra toàn Trung Quốc, địa danh có từ “Cổ” còn có thể thấy rải rác ở Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam (tức Đại Lý trong Kim Dung), nhưng tập trung nhất vẫn là ở vùng Lưỡng Quảng.

Trở lại âm W của chữ V. Cũng theo giả thiết đó, chữ cái V trong từ Văn của Văn Lang trong tiếng Việt cổ và tiếng Hán cổ có âm gần gần với w hay uuy. Âm W, tức V ngày cổ xưa, là một phụ âm môi-môi có bộ vị cấu âm rất gần với các nguyên âm tròn môi như ô, u đến nổi có người còn gọi phụ âm này là bán nguyên âm u. Do đó những âm này hoàn toàn có khả năng biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia. Thí dụ từ Vàng của tiếng Việt bây giờ thời cổ thượng gọi là Uàng tương đương với Wàng trong tiếng Mường. Từ Voi chỉ con voi, ngày trước gọi là Uoi và tiếng Mường gọi Woi. Theo kiểu phát âm V theo như U hay W nhẹ đó, tên Văn Lang trong thời cổ đại có thể được phát âm na ná giống như urang trong tiếng Chăm, arăng trong tiếng Ê-Đê, ôrang theo tiếng Mã Lai, tất cả đều có nghĩa là “người”. Lang trong tiếng Tàu có nghĩa “đàn ông” (nương, đàn bà) tức “người”. Thành tố “-lang” có mặt trong những tộc danh của những sắc tộc sống từ miền Nam sông Dương Tử cho đến miền Trung Bộ Việt Nam. Còn những danh từ chung chỉ “người” có dạng tương tự: lang, đranglô, ôrang lại bao chiếm một địa bàn lớn hơn, các đồng bằng ven biển và các hải đảo bao quanh biển Nam Hải. Qua sự phân bố của từ kẻ (hay Cổ) và thành tố lang trong các tộc danh quan sát, nước Văn Lang với một xác suất cao chỉ bao gồm một phần tỉnh Quảng Tây, Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ ngày nay. Đọc lại Phạm Văn Sơn (“Việt Sử Toàn Thư”), người ta sẽ thấy một danh sách 15 bộ quận của nước Văn Lang trong thời đại Hùng Vương kéo dài từ “một phần” của Lưỡng Quảng đến vùng Quảng Bình Quảng Trị.

Theo thiển ý, lối phát âm V là V như trong tiếng Tây tiếng Anh chỉ bắt đầu thịnh hành ở đàng Ngoài sau khi các giáo sĩ Tây Phương đến Việt Nam và ghi âm tiếng Việt để tạo ra chữ quốc ngữ từ thế kỷ 16-17. Có thể nói hầu hết ngữ ngôn cổ của các nước Á Châu không có âm V theo kiểu Âu Tây. Ở Ấn Độ ta có thể nghe người Ấn phát âm tên phổ thông dành cho con trai Vivek như là Uuy-Uék. Tiếng Nhật gọi Việt Nam là Be-to-na-mu, và cả tiếng Quảng Đông hay tiếng Quan Thoại đều gọi “Việt” là Yue, không có âm V kiểu latinh. Người Mường gọi Hùng Vương là vua Yịt Yàng tức vua Việt, Yịt tức là Việt hay “Yiệt”, cũng không có V-Latinh. Tên tài tử Hongkong nổi tiếng Vương Vũ chuyên đóng các phim kungfu thời 70 gọi theo kiểu phiên âm Anh ngữ hay pinyin là Wang Yu, chứ không phải Wang “Wu”. Tỉnh Vân Nam tức Đại Lý xưa gọi theo Anh ngữ hay quan thoại là Yun-Nan. Âm V từ các ngôn ngữ Tây Phương do đó đã được các giáo sĩ Âu Châu dùng để phiên âm một lượt hai âm thuần Việt là Y (như trong Anh Ngữ YES) hay Bd (kiểu Nam) như trong Yân Nam (tức Vân Nam hay Yun Nan theo quan thoại) hoặc Yũ (tức Vũ, lông chim) và âm gần giống W như trong Wăn Wõ (tức Văn Võ hay Wen Wu theo quan thoại) hoặc Wương (tức Vương hay Wang theo quan thoại). Tiêu biểu cho sự sai trật so với tiếng Việt cổ giữa người Nam Bộ ở miệt tỉnh và người Bắc Hà nói chung có thể nằm trọn trong tên tài tử Vương Vũ. Trong khuôn khổ tình bắc duyên nam, một anh chồng người Bắc hỏi cô vợ người Nam rằng: “Chiều nay anh muốn dẫn em đi xem phim “Kiếm Khách một tay” do tài tử Vương Vũ đóng, em thích không?” Cô vợ trả lời: “Sao không, tưởng gì chớ phim Yương Yũ em mê lắm”. So với tiếng Việt cổ chắc hẳn có âm gần giống tiếng quan thoại Wang Yu, cả chồng lẫn vợ đều phát âm mỗi người sai đi (xin nhấn mạnh so với tiếng Việt cổ) một nửa, tức 50%. Anh chồng “sai” từ Yũ, cô vợ “trật” từ Wương - so với tiếng Việt thế kỷ 17.

Cũng theo thiển ý, sở dĩ có sự sai trật này (so với tiếng “Yiệt” cổ) là vì trong các chữ cái alphabet của ngôn ngữ các giáo sĩ “Tây” quen thuộc ở Nam Âu Châu (thường gọi Romance languages) dùng để phiên âm tiếng nói của người Việt cổ hoàn toàn không có âm của chữ cái W như trong Anh ngữ. Chỉ có âm chữ gần giống với W là V như trong tiếng Pháp. Thành ra tiếng Việt mất hẳn âm chủ yếu W để phiên âm gần đúng hơn V cho một số từ như Vương trong tên Vương Trùng Dương, Văn, Võ, v.v. Tiếng Tàu, tiếng Nhật, và tiếng Inđônêsiên chẳng hạn, khác với chữ quốc ngữ Việt Nam, được chuyển sang phiên âm pinyin dùng mẫu tự Latinh alphabet qua sự giúp đỡ của người Anh hoặc người Hoà Lan với những ngôn ngữ có âm W. Tiếng Tàu đầu tiên được phiên âm sang alphabet do ở Sir Thomas Wade ở đại học Cambridge (Anh quốc) vào năm 1859 rồi sau đó được người thay thế ông là giáo sư Herbert Giles hoàn chỉnh. Hệ thống phiên âm này mang tên Wade-Giles, hệ thống của người Anh làm ra nên có âm W như trong Wang hay Wong. Vào lúc thế chiến thứ hai, người Mỹ cũng khai triển một lối phiên âm tiếng Tàu thích hợp với lối đọc của người Mỹ hơn tại đại học Yale, mang tên lối phiên âm Yale. Và sau khi Mao Trạch Đông chiếm được toàn cõi Trung Hoa lục địa, người Trung Quốc dựa vào các hệ thống sẵn có phát triển lối phiên âm pinyin cho tiếng quan thoại dùng đến ngày nay. Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông đọc theo kiểo Wade-Giles là Teng Hsiao Ping, Mao Tse Tung và đọc theo pinyin là Deng Xiao Ping, Mao Ze Dong. Tiếng Nhật có âm W theo alphabet như Watashi (Tôi) hay tên phổ thông Watanabe. Tiếng In-Đô cũng có âm W như trong tên rất phổ thông Widjaja, mà mấy ông Tây đã phiên âm một vị thần của nước Chăm là Vijaja (lại dùng V thay cho W!). Chỉ có tiếng Việt Nam cổ bởi được các giáo sĩ - đa số người Pháp - phiên âm để tạo ra chữ Quốc Ngữ mà không dùng một mẫu tự W nằm ngoài tiếng Pháp và các tiếng miền Nam Âu Châu, nên hoàn toàn vắng bóng W khả dĩ có thể phiên âm gần sát với âm của những từ như: Vương (quan thoại Wang), Văn (Wen), Vũ (như Vũ khí, quan thoại Wu), Vô (Vô thừa nhận, Wu), Vật (động vật, Wu), Vãng (vãng lai, Wang), Vạn (10 ngàn, quan thoại Wan), vân vân. Đa số những từ bắt đầu bằng V đáng lẽ được ký âm bằng W thường là tiếng Hán Việt, chứ không phải tiếng Nôm.

Tương tự, ta để ý chữ Pháp và các ngôn ngữ Nam Âu Châu rất ít khi dùng âm Y bắt đầu một từ như tiếng Anh trong YES, YOU, YELL, v.v. và cho nên âm Y cần để ký âm những âm thực sự dùng Y như Yu (đọc theo tiếng “Yiệt” cổ có lẽ là Yũ chỉ “lông chim” - như trong tên tài tử Wang Yu), hay Vân (“Yân” theo như quan thoại Yun, nghĩa là Mây), Vũ (hay Yũ theo như quan thoại Yu chỉ Mưa), Viên (Yuan như trong Công Viên - Gong Yuan), Và (quan thoại Yi), v.v. mà lại dùng luôn chữ cái V cho những từ đang khát khao mẫu tự Y. Một số từ cũng đáng lẽ dùng Y họ dùng D theo kiểu đọc người Nam. Đó là những từ như Dầu (quan thoại: You), Dễ (quan thoại: Yi), Dì (Yi, chị hay em gái của mẹ), Dược (như Dược Sĩ, quan thoại Yao), v.v. (Dùng D thay cho Y rồi lại dùng Đ, một chữ cái của tiếng nước Iceland (nước Băng đảo, ở phía Bắc Anh quốc), thay cho D-tiếng-Tây hình như thỉnh thoảng làm vấn đề thêm phức tạp. Nhất là cho những ai mang tên đẹp như Dũng hay Mỹ Dung đang ở những xứ nói tiếng Anh tiếng Mỹ hiện nay. Lý do viết Dũng hay Dung không dấu khi đọc sẽ trở thành DUNG, tiếng Anh mang một nghĩa “rất hôi hám”! Do đó khuynh hướng thông thường hiện biến Dung thành Dzung, hoặc một đôi khi: Yung.)

Hai câu hỏi kế tiếp tất nhiên sẽ là: (1) Tại sao người miền Bắc tống hết các âm bắt đầu bằng W và Y vào thành ra V, và người miền Nam lại nhét hết các âm Y và W thành Y hay Bd trong lối đọc chữ V? và (2) Tiến trình biến đổi ngôn ngữ này có vẻ rất nhanh và tại sao lại nhanh như vậy? Nhanh đến nổi những người tiếp tục các giáo sĩ người Pháp, phát triển chữ quốc ngữ như Petrus Ký có vẻ cũng không “phát hiện” được sự khác biệt phát âm của hai kỳ Bắc và Nam bắt nguồn từ việc “tạm dùng” V - do ở sự thiếu thốn hai âm W và Y trong các ngôn ngữ Nam Âu Châu - để ký âm tiếng Nôm tạo ra chữ quốc ngữ.

Theo thiển ý, chỉ có một câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Ngôn ngữ rất dễ khoác vào mình một vài lối phát âm mới trong một thời gian ngắn, rất ngắn. Để ý người Bắc vào Nam sau hiệp định Geneve 1954, khi trở về Bắc thăm quê hương xưa sau năm 1975, và nhất là sau 1990 đều cảm thấy giọng người Hànội ngày nay có đôi phần khác biệt với lối phát âm trước 1954. Nhiều nhà văn ở Mỹ về thăm Hànội rồi trở ra đều có viết những nhận xét như vậy. Có người còn viết rằng giọng Hànội hiện nay cao hơn giọng Hànội thời 1945 cả một “bát độ” (octave)! Giọng người Sàigòn ngày nay cũng vậy. Có vẻ nhọn và rõ hơn, giống như giọng miền Nam của các xướng ngôn viên đài phát thanh, đài truyền hình, và cao hơn ngày trước cũng “nửa” octave là ít. Khác giọng nói ở lý do thứ nhất phải do ở việc sống chung của một số người có giọng nói khác nhau. Ở Hànội cũng như ở Sàigòn, sau chiến tranh, người cũ di tản đi chỗ khác, người mới thường là quân nhân hay người miền quê từ chỗ khác dọn đến trám vào chỗ trống người cũ bỏ đi. Họ hoà trộn chia xẻ phương tiện sinh nhai, và . . . giọng nói với nhau và vô hình chung không để ý đến điều đó. Thí dụ ở từ CHÚ trong “Chú ơi chú”. Theo nhận xét của người viết, người Bắc ngày trước phát âm như “Chúú” (môi chu lại hơn người Nam), người Hànội nhất là các cô bé, ngày nay đọc như là “Chùủúú” thật nhanh và bao gồm âm “ủ” nho nhỏ.

Lý do thứ hai nằm ở chỗ nhiều khi ký âm dù có biên ra sai, nhưng có thể biến luôn cách đọc nguyên thủy, trở thành ra âm mới. Đó là lý do tại sao người miền Bắc sau khi các giáo sĩ dùng chữ V để ký âm cho W và Y đọc luôn hai thứ là V. Người miền Nam tức là người Bắc di cư vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn mang luôn vào đó các từ cổ và các lối đọc cổ, sẽ giữ nguyên vẹn lối dùng các từ và giọng nói xa xưa, và trong tiến trình đó đọc luôn hai âm Y và W thành một thứ Y (hay Bd) do ở lý do chỉ có 1 ký âm V cho hai thứ. Thí dụ về từ cổ, nhiều người vẫn cho rằng người Nam gọi Hoa là Bông vì người Nam bắt chước gọi Bông theo người Mã Lai (Bunga). Thật ra Bông xuất xứ từ miền Bắc! Người Bắc di cư theo chúa Nguyễn đã mang luôn và giữ luôn từ Bông cho đến ngày nay. Bình Nguyên Lộc trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai” đã trích dẫn một bài thơ của một thi sĩ Bắc Hà vào thế kỷ 17 rõ ràng dùng từ Bông chứ không phải Hoa! Bình Nguyên Lộc còn viết có thể việc đóng quân của trên 50000 lính Tàu ở Bắc Hà trong cuối thời Minh sang qua Thanh đã ảnh hưởng đến việc Hoa-ngữ hoá một số từ thông thường ở đàng Ngoài. Giả thiết này được tăng thêm sức thuyết phục mạnh mẽ nếu tra ra từ Bông trong bản so sánh các từ tiếng Nôm với các ngôn ngữ thuộc nhóm Nam-Á do Hồ Lê cung cấp trong quyển kỷ yếu “Tiếng Việt và các Ngôn ngữ Dân Tộc phía Nam” xuất bản 1992 tại Sàigòn. Theo đó tiếng Mường (ở ngoài Bắc) gọi Bông là Pông, tiếng Xơđăng là Bông, tiếng Chăm, Bangu. Tương tự, người Việt di tản ra nước ngoài sau trên hai mươi năm về lại Việt Nam sẽ bỡ ngỡ trước một số từ khá mới rất thông dụng tại Việt Nam, như phản ảnh, khẩn trương, phát hiện, dân tộc ít người, v.v. Trong khi họ vẫn giữ cách dùng các “cụm từ” như thời “xưa”, trước 1975, như suy nghĩ kỹ, nhanh lên, tìm ra, đồng bào thiểu số, v.v. Đó là chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn, khá ngắn.

Ở giọng nói, nhiều khi không cần đến ký âm ra chữ, chỉ cần có một ký âm “quốc tế” gần giống nó là người ta sẽ có khuynh hướng sẽ dùng theo kiểu quốc tế luôn.

Đó là trường hợp vì V dùng thay cho W và Y, miền Bắc tống hết cả hai qua V, trong khi người Bắc đã di cư vào đàng Trong trở thành người Nam nhét hết vào âm Y mà họ còn nhớ mỗi khi được học chữ quốc ngữ với âm V ký âm cho Y và W. Thí dụ về khuynh hướng “quốc tế” có thể áp đảo khuynh hướng cổ truyền hiện đang diễn tiến trong lối đọc âm PH như trong “phương pháp, phàm phu, Phạm Thăng, v.v... Âm ph nguyên thủy đọc bằng hai môi chụm lại nhau đọc như P trong “ngầu pín” nhưng nhẹ hơn nhiều và phát gió, chứ không phải như âm F trong từ fan (cái quạt, người hâm mộ) như Kim Dung’s fan, hay funny Châu Bá Thông, do ở hàm răng trên chụm với môi dưới, theo khuynh hướng hiện nay. Tương tự người Nhật đọc Fuji-san tức Phú Sĩ Sơn (núi Phú Sĩ), đọc âm F bằng hai môi chụm chụm lại như thổi thức ăn nóng cho mau nguội, nhưng thổi mạnh hơn. Lối phát âm PH theo kiểu Việt xưa thay vì F hiện còn tồn tại ở Việt Nam nhất là ở miền quê Nam bộ, nhưng đang trên đà biến thành F trong các cộng đồng ở ngoài Việt Nam. (Thí dụ “Phở” thay vì đọc PHở đang bị biến thành Fở). Ngay như trong tiếng Nhật (Fuji - Phú Sĩ) nó cũng đang trên đà bị biến thành F như F của Tây Phương!

Thay Lời Kết: Trong phát triển và biến đổi của ngôn ngữ, nếu nói một cách chính xác không bao giờ có chuyện ngôn ngữ này hay lối phát âm này sai, lối phát âm kia đúng. Điển hình, tiếng Anh nói tại Tân Tây Lan khác tiếng Anh nói ở Úc, khác tiếng Mỹ, khác tiếng Anh ngay tại Anh Quốc. Rất nhiều từ có cùng một cách đọc gần giống nhau nhưng được viết khác đi một chút. Lại có rất nhiều từ mang nhiều nghĩa khác nhau tùy ở mỗi nước. Thí dụ rõ rệt nhất là người miệt dưới như Úc và Tân Tây Lan gọi thức ăn mang đi là “Food to Take Away” trong khi ở Bắc Mỹ người ta nói “Food to Go”, hàm ý tránh dùng Take Away mang nghĩa “cướp giựt mang đi”!. Tiếng Tàu cũng vậy, tiếng Quảng Đông khác tiếng Quan Thoại, Quan Thoại khác tiếng Thượng Hải, Thượng Hải khác Phúc Kiến, khác Hải Nam. Ngày nay, có thêm một nạn mới cho ngôn ngữ là nhiều ngành nghề chuyên môn tuy dùng một số từ như nhau nhưng các từ này lại mang nghĩa khác nhau. Thí dụ động từ inform theo lối dùng thông thường có nghĩa thông báo, cho biết. Tôi cho anh biết thế này thế kia, tôi cho anh biết tôi sẽ lấy chồng vào tháng sau, v.v. Nhưng trong ngành luật nó chỉ mang nghĩa “mách báo” với cảnh sát, với toà án.

Từ Việt trong Việt Nam đáng lẽ theo Quan thoại, Quảng đông, Nhật, Mường, v.v. phải được ký âm là Yiệt. Vô hình chung lối ký âm Việt theo chữ quốc ngữ đã dùng hai ba thế kỷ qua có thể theo với giòng thời gian khiến Việt Nam tách rời khỏi các nhóm Yuế (Việt) mà người Tàu từ thời cổ đại đã gọi một cách “vơ đũa cả nắm” tất cả các sắc tộc sống ở phía Nam sông Dương Tử. Trong đó có nước Văn Lang với nền văn minh Đông Sơn chưa chắc đã là một giống mang chủng tộc Yue như người Tàu đã gọi?

Easter 2001


Vụ Án Lịch Sử Việt Nam-Yiệc Nam-Byiệt Nam

Vietsciences- Trần Thị Vĩnh Tường 03/09/2008


Bài viết này đựoc gợi ý từ khoảng 3 năm trước, khi nghe thắc mắc của một nam thính giả người Nam gửi đài phát thanh địa phương, “tại sao các xướng ngôn viên phát âm giọng Nam chữ Việt Nam thành Yiệt Nam, giống như Việt Nam bị tiêu diệt, nghe hổng khá”.

“Khôn Ngăn Châu Lụy Sụt Sùi”
Thầy cô giáo tình nguyện dậy tiếng Việt khi học trò hỏi cũng bí lù chuyện đúng/sai đến nỗi sém có đề nghị bỏ môn… chánh tả. Có lẽ rất ít cộng đồng nào giới có học vẫn “viết sai” chính tả như người miền Nam. Thật ra giọng Hà Nội ở giới có học hay bình dân cũng “nói sai” linh đình một số âm đầu như s/x, ch/tr, n/l, r/d/gi… dù giọng Hà Nội được vài học giả mặc nhiên cho là giọng tiêu chuẩn đến nỗi không đính kèm chứng minh.

Điều ngộ nghĩnh, tất cả những điều sai trên chiếm đa số tuyệt tuyệt đối, vậy mà vẫn chịu tiếng “sai”. Điểm lạ nhất là hết học giả này đến hội nghị kia - ở vùng tôi - tranh cãi “khôn ngăn châu lụy sụt sùi” (1) như ông Phan Khôi vì nỗi “tôi đúng/anh sai” nhưng vẫn… e lệ nép vào dưới hoa không hề cho biết nguyên nhân cũng như cách sửa sao cho đúng.

Âm [v] truớc thời quốc ngữ abc
Không biết nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người Hưng Yên, Đàng Ngoài, thỏ thẻ gửi đến chinh phu những chữ “vàn, vui, vốn” thế nào trong bốn câu Chinh Phụ Ngâm (2):

Câu 267 Khi mơ, những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!
Vui có một tấm lòng chẳng dứt.
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi!

Một tài liệu vô danh viết tay năm 1648 có câu “Nhơn danh cha, ùa con, ùa Spirito Santo” ,“và = ùa”, Spirito Santo chưa được viết là “Thánh Thần” (5). Linh mục Ý Christofori B. Bori, trong một bức thư viết tay năm 1631, viết “Con gnoo muon bau tloam laom Hoa laom chiam” (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng), có nghĩa: cô/em có muốn theo đạo của người Hoa Lan không (3). Chỉ trong câu ngắn này, có vài điều hết sức lưu ý:
bau = vào,

tloam = trong,

chữ Việt không dấu.


Ông Phan Khôi viết “Theo lời truyền thuở nay thì chữ quốc ngữ do một ông cố đạo đặt ra”. Thiệt ra không chỉ “một ông cố đạo “, mà các cuốn từ điển quốc ngữ đầu tiên do nhiều bậc thầy hợp soạn, gồm các thầy giảng đạo và các cộng sự người Việt cả về phần phương pháp và tài liệu.

Hãy xem thử vần V trong hai cuốn từ điển Alexandre de Rhodes và từ điển Taberd (4). Hai cuốn này, do hai nhóm soạn giả khác hẳn nhau. Thời điểm, không gian cũng khác nhau xa lắc.

Âm [v] trong từ điển Alexandre de Rhodes 1651
Vần V từ điển A. D. Rhodes có khoảng 150 chữ. Tuy vậy chỉ có 25 chữ được viết bằng V và đọc với âm [v]. Ví dụ:
vắng, vắng vẻ
váng dện, mạng dện
vàng, chim vàng anh

125 chữ khác tuy xếp vào vần V, nhưng đựơc viết là “ua, ue, ui, ou…” đọc như [w] hay [b-ỳơ]
uòi uoi = byòi byoi
con uịt = con yịt
oũ bà oũ uãi = ông bà ông byải
úen áo = byén áo

Lật qua vần B, có khoảng 550 chữ, trong đó có 350 chữ viết với B, đọc như [b] : bạn bè, bàn thờ, bền bỉ. Có khoảng 100 chữ viết với B, nhưng được ký âm bằng ký hiệu beta [b] của Hy-Lạp đọc như “beào” (5) hay b-ỳơ trong giọng Nam bộ, ví dụ:
bua = byua

bú bõ = byú bõ

bui bẻ = byui byẻ


Âm [v] trong từ điển Taberd 1838
Có 238 chữ vần V. Các soạn giả… thoải mái quất chữ V hết ráo, như âm [v] trong giọng Bắc hiện nay. Vần B chỉ còn lại một chữ “bua= vua”. Vài ví dụ chứng tỏ sự khác nhau giữa hai nhóm soạn giả:

Chữ thường: tđ A.D. Rhodes, chữ lớn: tđ Taberd:
blọn uẹn - TRỌN VẸN
muôn uật - MUÔN VẬT
uiệc Chúa blời - VIỆC CHÚA TRỜI

Điều này chứng tỏ trong vòng 187 năm, một là các thầy và cộng sự đã đơn giản bằng cách loại bỏ những âm [w, b, b-ỳơ], và khóac cho âm [v] giống tiếng La tinh, hai là dân Việt đã thay đổi giọng nói theo sự hướng dẫn của quí thầy. Hoặc điều này là kết quả của điều kia.

Thành công của abc
Các thầy ký âm abc cho tiếng Byiệt là các thầy giảng đạo ngoại quốc. Đàng Ngoài/Đàng Trong (Đàng Ngoày/Đàng Tlão = ký âm của Gaspar De Amaral năm 1632) không có email/phone/fax/máy ghi âm… như bây giờ. Hai Đàng lúc nào cũng chuẩn bị choảng nhau. Các thầy ở Đàng nào ở yên Đàng đó, vừa học tiếng Việt, vừa giảng đaọ, vừa trốn tránh. Thư từ qua lại rất bí mật và tốn kém, vì rất dễ bị cả chúa Nguyễn/chúa Trịnh nghi ngờ làm gián điệp cho phe bên kia, hậu quả có thể bị trục xuất. Riêng Alexandre de Rhodes bị trục xuất cả thảy sáu lần.

Trong hoàn cảnh đó làm gì có thì giờ thẩm âm/nghiên cứu/giải quyết từng chữ. Dẫu sao, các thầy còn dè dặt không dám ban chữ V từ tiếng La Tinh cho tất cả âm w, b-ỳơ, b.

Trong phần mở đầu từ điển, linh mục A. D. Rhodes
* cho biết âm vị áp dụng là của Bồ-Đào-Nha/La-Tinh,
* giải thích rõ ràng về phụ âm, nguyên âm,
* lại ghi cả cách phát âm sai biệt ở các địa phương, cho thấy các soạn giả rất khách quan và khoa học, không xác nhận phát âm nào nguyên thuỷ hay chính thức hơn âm kia.
Ví dụ: buông = vide (xem) buâng
cuội = vide (xem) quội.

Tuy vậy, tác giả Hoàng Xuân Việt cũng cho là một sự ngạc nhiên vì A. D. Rhodes lại không nói năng gì về chữ V. Tác giả HXViệt cũng đặt câu hỏi phải chăng âm V là âm Tây phương, không phải âm Việt cổ. Thật ra tiếng Pháp cách đây 357 năm cũng đâu có âm [v]. Họ đọc/viết “ouelle” cho chữ vowels. Tiếng Spanish dù vẫn viết V, nhưng chỉ là âm lưng chừng giữa âm [v] và âm [b], ví dụ “ la vida” đọc là “la biđa”.

Cho đến từ điển Taberd, chế độ thuộc địa Pháp đã vững vàng. Các thầy không còn phải trốn lánh, nên thoải mái “ép” tiếng Việt cho giống với âm La Tinh. Không rõ tại quý thầy chỉ thích âm [v] hay tại tiếng Việt có nhiều cách phát âm cho cùng MỘT chữ làm quí thầy bối rối.

Trên hết mọi sự, quốc ngữ abc tiếng Việt là một thành công bất ngờ. Chỉ với 24 chữ cái, tiếng Việt được a-b-c hoá. Từ đó, muôn vàn trang giấy mô tả được hết thảy: lịch sử, cuộc sống dân gian và bản tính của tâm hồn Việt. Điều này đã ra ngoài cả sự tiên liệu của chính quyền Pháp mà mục đích ban đầu của truyền bá quốc ngữ abc là chỉ muốn loại trừ chữ Nho, chữ Nôm và ảnh hưởng của Nho sĩ. Độc giả có thể tìm mua hai từ điển này, tuy hơi hiếm, nơi chữ nghĩa/ý nghĩa có thể dựng nên được cả một bức tranh ngôn ngữ/phong tục/lối sống/cách suy nghĩ của dân Việt thế kỷ 17 và cả trước đó.
Thành công nhất của việc quốc ngữ hóa abc, là tạo được tính thống nhất trong đánh vần, mà vẫn giữ đuợc cách đọc, giọng nói của mỗi vùng mỗi miền, nhờ hai ông Trương Vĩnh Ký và ông Huình Tịnh Của (16), như ông Phan Khôi viết (1) “Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huình Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng An Nam.

Các ổng cũng là học trường bên Đạo mà ra, cho nên các ổng viết chữ quốc ngữ y như người bên Đạo, nghĩa là viết đúng. Hồi bấy giờ chắc người Nam kỳ phát âm cũng vẫn là không đủ, cũng vẫn là lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi, song le các ổng viết ra thì phân biệt đâu ra đó, vì vậy các ổng mới dám làm tự điển. Mà tự điển của các ổng sau rồi trở nên mẫu mực cho người An Nam, ai cũng phải dùng, dùng đến cả phía bắc Trung kỳ và Bắc kỳ là miền chữ quốc ngữ đã do đó sanh ra.”

Âm [v] trong từ điển Mường-Việt 2002 (6)
HHỏi quí thầy xong, cũng phải chạy về hỏi ngài Mường, vừa là chị em ruột thịt trong nhà; vừa là nhân chứng khách quan ở chỗ không học sử Tàu sử Việt nên không cần tránh né hay ve vuốt ai ráo trọi.

Truyền thuyết Âu Cơ (7) của ngài (người) Mường, tương đương với truyền thuyết Hồng Bàng của ngài Việt. Ngài Mường - hậu duệ cuả tiên nữ nai-đốm-sao Âu Cơ, mẹ của vua Hùng Vương, phân nửa kia của tộc Việt. Âu Cơ mặc áo đen, kết duyên vớí Long Wang mặc áo vàng, con vua Yịt Yàng (Việt Vàng). Một hôm Long Wang quyết định chia tay “ta với nàng khác giống”. Âu Cơ dẫn 50 con đi về miền núi; Long Wang dẫn 50 con đi về miền sông nước. Không thấy cả hai truyền thuyết nhắc đến nhau sau ngày chia tay ấy.

Hậu duệ của nàng Âu Cơ cả hàng ngàn năm không sống gần ngưòi Việt đồng bằng, nên tiếng nói cuả ngài Mường không bị Hán hoá và abc hoá. Jeanne Cuisinier (8) ở vùng Mường suốt 15 năm cũng công nhận Mường không có âm [v].

Xem thử nhóm vần V, khoảng 68 chữ (6)
- Cảo nì phái vo xát kỹ khỏi hôi = Gạo này phải vo xát kỹ khỏi hôi.
- Cải à, là hết wiêc văt chũa? = Con à, làm hết việc vặt chưa?
- Ông Bi ưa vỡ mõn hơn vỡ cá = Ông Bi ưa vợ mọn hơn vợ cả
- Hõ nhà tôi chăng cỏ ay là vua quan chi = Họ nhà tôi chẳng có ai là vua quan chi.

Chỉ quí soạn giả mới biết những chữ đuợc viết với V thế này có phải do kề cận với người Byiệt đồng bằng không và kể từ bao giờ. Tuy vậy vẫn có những chữ được viết với cả V lẫn B, ví dụ: vua-bua, vai-bai, vòi-bòi, vỡ-bỡ (vợ), vậy-bẫy, vây-bây, vóc-bóc, vô-bô, vú-bú, vừa-bừa…

Mở qua vần W, có một số chữ giọng Bắc (và một số) giọng Trung sẽ đọc là V, giọng Nam đọc là [w] hoặc [b-yờ]

- Con wac mà ti ăn têm = Con vạc mà đi ăn đêm
- Da wái chiềng thờ cho ho pỡi = Anh vái bàn thờ cho tôi với
- Cầm mẩy cải wán nì wềl cho ủn = Cầm mấy cái oản này về cho em.
- Da chở cỏ wẽ chiễn tha nưa = Mày đừng có vẽ chuyện ra nữa (Chợt để ý: chiễn = rất giống với giọng Nam = mày đừng nhiều chiệng).
- Cải wày way nì nẵng khoáng môch tã = Cái vòi voi này nặng khoảng một tạ.

Rất ngộ nghĩnh, từ cái vòi của chú voi, tiếng Mường/Tày/Nùng cũng có “tà pòi”. Pòi = cái vòi của bé trai, chính là thứ mà pà mụ chỉ nặn riêng cho pé trai. Pé gái có khi cằn nhằn phân bì sao con không có. Pòi = bòi đều là âm tương đương nơi các thị tộc cùng gốc tổ vào thời xa xưa, hoàn toàn không phải âm này biến qua âm kia. “Tà”, mạo từ như cái/con ở tiếng Munda, Mon-Khmer, Hmong, Mường.
Mở qua vần B cũng thấy nhiều chữ người Mường đọc là [b], giọng Bắc (và một số) giọng Trung đọc là V, giọng Nam đọc là [b-yờ]

bỉm thay = ví tay
bải chào = vái chào
bài tồng tiền = vài đồng tiền
chở cải bô lỉ = chớ cãi vô lí
ti no mà bỗi mà bàng = đi đâu mà vội mà vàng
mộch bỡ pà, pa bỡ thiêp = một vợ cả, ba vợ thiếp (vợ lẽ)

Chữ Việt theo Bình Nguyên Lộc 1971 (10)

Ông Bình Nguyên Lộc luôn luôn đòi “làm cho ra lẽ” các vụ án lịch sử chữ nghĩa. Điều ra lẽ ngoạn mục nhất cuả BNLộc, là truy lùng chữ Việt từ hồi ban sơ và từ đó theo dấu được những tộc người đã cấu thành dân tộc Việt Nam ở mảnh đất hình chữ S.

Theo BNLộc, có cả thảy bốn chữ Yit, là tên tự xưng của người Yit. Khi có chữ, người Tàu Hoa Hạ ghi lại theo kiểu tượng hình:

- Chữ Yit đầu tiênxuất hiện từ thời nhà Thương, khoảng từ 1000 đến 2000 năm TTL, chỉ cái rìu có tay cầm - dụng cụ của chủng Yit - khi người Hoa Hạ lần đầu tiếp xúc với chủng Yit ở Hoa Bắc, mạn bắc Hoàng Hà.

- Chữ Yit thứ hai 粵đuợc viết thêm hạt thóc trên cái rìu, ý nói giống dân có cái rìu và biết trồng lúa nước. Chữ này có từ đời Xuân Thu (722- 481 TTL). Ngày nay chữ Yit này vẫn chỉ tỉnh Quảng Đông (cũng là Việt, chi Thái-cổ tức Âu).

- Chữ Yit thứ ba: Tẩu + Tuất: 走戌, mang nghĩa 'Vượt'. Dùng để chỉ chủng Yit thuộc đám Bách Bộc, Lạc bộ Trãi, phía Bắc Hoàng Hà, đã vượt sông Hoàng Hà chay xuống nhập với đám Việt đã ở sẵn tại nước Sở và xung quanh nước Sở, lúc đó là khu Động Đình Hồ.

- Chữ Yit thứ tư: Tẩu + Qua (dáo mác): 越, cũng vẫn mang nghĩa Vượt, để chỉ đám U Việt, Lạc bộ Trãi ở miệt Sơn Đông, phía Nam Hoàng Hà.

Chữ V theo Nguyên Nguyên 2007


Theo tác giả Nguyên Nguyên, khoảng 5000 năm trước chủng Yịt ở rải rác từ phía bắc sông Hoàng Hà đến cực nam sông Dương Tử - lúc đó chưa có nước Trung Hoa (11a) - Những biến động lịch sử dẫn đến chiến tranh suốt hàng trăm năm không dứt khiến họ hết thời điểm này đến thời điểm khác có mặt tại cổ Yiệt, tức đồng bằng sông Hồng. Bản đồ dưới đây cho thấy địa bàn liên tục của hai chi Âu và Lạc cũng như lộ trình di tản xuống cổ Việt, lúc đó chưa gọi là Việt Nam:



Trong bài viết gần đây nhất góp tiếng với Trần Hữu Thuần (12) Nguyên Nguyên (11b) có vẻ cho biết tiếng Việt là một hỗn hợp lâu dài của các thứ tiếng thuộc nhiều tộc người khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ (tức Âu, thành phần chủ lực của tiếng Mường) cộng với khối Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến tận Chiết Giang (Ngô-Việt), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm từ miền cực Bắc nước Tàu, thời Xuân Thu thường gọi khối Đông Di tập trung ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đó là hai nhóm khi xưa ưa sống gần gũi nhau: Hẹ (Hakka, tức Hạc Việt) và Miêu-Dao Miao-Yao hay Hmong-Mien).

Hai chữ “Việt Nam”, tiếng Mường xưa đọc Yịt Nam
Nam Bộ xưa đọc Byiệc Nam, nay đọc Yiệc Nam
Quảng Đông đọc Yueh Lam, hoặc Yueh Nam
Thuợng Hải: Yue Ne


Quan Thoại: Yue Nan,
Hẹ (Hakka): Yue Nam
Sơn Đông: Yue Nam
Nhật Bản: Beto-nam

Những tiếng này đều là âm tương đương vì cùng gốc tổ vào thời xa xưa, hòan toàn không phải âm này biến qua âm kia. Giống như tiếng nói của hai hoặc nhiều dân tộc láng giềng, theo sắp xếp địa lý, có một số từ vựng và cấu trúc giống nhau, và một phần lớn hơn lại khác nhau. Nhưng rất có thể không có vấn đề vay mượn, nhất là trong một quá khứ xa xưa. Chỉ có đóng góp khác nhau của mỗi thành phần sắc tộc tại mỗi quốc gia láng giềng với nhau. Mô hình này được gọi mô hình theo kiểu ‘Cây-và-Đất’, để phân biệt với thứ mô-hình tạm gọi ‘Cây-và-Cành’ thường xuyên được sử dụng từ trước đến nay, nhất là trong nghiên cứu ngữ học. (11b)

Khi hay mình có gốc gác khác nhau, người Việt cảm thấy gì? Có thể sẽ thấy… giống nhau và gần nhau hơn là khi không biết là có khác nhau? Nhưng dù khác nhau thế nào vào buổi ban đầu, tất cả bây giờ vẫn là Người Việt, dân của quốc gia duy nhất giữ được “Việt” trong quốc hiệu.

Hành trình ngàn năm của chữ Yit-Yue-越-Việt:
Yit, chữ Trung Hoa viết 越. Nếu giả thiết của hai tác giả Bình Nguyên Lộc và Nguyên Nguyên đúng, thì hành trình của chữ Yit-Yue-越-Việt dài khoảng 5000 cây số theo đường thẳng, từ Sơn Đông đến mũi Cà Mau, trong gần 5000 năm (13).

越được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách sử của người Trung Hoa, cho thấy họ biết rất rõ Yue là một ý niệm bền bỉ nơi những nuớc hay dân tộc thuộc chủng Yue.



- Yit trong Âu Việt 甌越,tức Tây Âu
- Yit trong Việt Vương Câu Tiễn 越王句踐 có nàng Tây Thi, thời Chiến Quốc, 496-465 TTL
- Yit trong Nam Việt 南越 của Triệu Đà, năm 257 TTL
- Yit trong Mân Việt 閩越
- Yit trong U Việt 於越,
- Yit trong Dương Việt 揚越
- Yit trong Đông Việt 東越
- Yit trong Sơn Việt 山越
- Yit trong Lạc Việt 雒越
- Quốc hiệu Đại Cồ Việt 大句越 của Việt Nam thời nhà Đinh năm 968
- Quốc hiệu Đại Việt 大越 của Việt Nam thời nhà Lý năm 1054,
- Quốc hiệu Việt Nam 越南 thời nhà Nguyễn Gia Long năm 1802.
- Tiếng Quảng Đông vẫn được gọi là Việt ngữ 粵語. Nhưng Việt viết 粵cho thấy người Tàu có hiểu biết rất sâu sắc và phân biệt các tộc Yịt ngày từ thời xưa.

Người Mường vẫn nhớ âm ban đầu là Yit, và byua cuả đám Yit này là byua Yit Yàng, mà họ cũng gọi là byua Hùng Wang. Ký ức người Nam bộ từ khi theo công chúa Ngọc Vạn năm 1623 đi mở nước ở miền Nam vẫn lưu giữ chữ Yiệc, Byiệc. Phát âm Yit của Mường và Yiệc của người Nam Bộ chính là một khoen trung gian vô cùng quan trọng nối với mắt xích ban đầu. Khi Yit được các ông nghè ông cống Đàng Ngoài tô son cài hoa thiên lý thành Việt thì họ hoặc ở chốn wê mùa hoặc đã tẩu vô Nam trước đó nên hổng có hay. Sông Pơ Đuông -có nghĩa lúa gạo- biến thành sông Đuống cho thấyYịt biến thành Việt cũng là điều dễ hiểu.

Trường hợp đám phiêu lưu giữ lại âm cổ xảy ra dài dài. Vùng Pensylvania bên Mỹ vẫn còn tiếng Anh cổ. Người Bạch Nga qua Úc đầu thế kỷ 20 vẫn dùng tiếng Nga thời Nga Hoàng.

Âm [v] nơi láng giềng
Cho tới bây giờ tiếng Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Indonesia,Thái, cũng không có âm [v]. Tiếng Thái, tiếng Ấn chỉ có âm hơi giống âm [w] trong chữ wind của tiếng Anh. Giống tiếng Việt xưa, tiếng Triều Tiên cũng có rất nhiều âm [b]: bulgogil = bò (thịt), bae = cái bè.

Tiếng Mường, Triều Tiên, Miến Điện, Lào Thái, Khmer, Chàm, Tày-Nùng đều có âm “bờ-yờ” - dưới dạng [p-ỳơ] - với b hay p đọc nhẹ và nhanh. Người miền Trung từ Qui Nhơn-Tuy Hoà trở vô vẫn có âm “bờ-yờ.” Tuy từ điển Chàm và từ điển Taberd không còn ghi âm “bờ-yờ”, nhưng ghi hay không là chuyện của giới khoa bảng, âm “bờ-yờ” vẫn được dân chúng bảo lưu, vì bà con ít khi dòm hành đến từ điển. Nhiều khi các học giả cãi nhau loạn xạ, dân lành vô tội tỉnh bơ, như yụ om sòm về con chim Lạc, về Lạc Vương/Hùng Vương trước 75 ở Saigon. Ít lưu ý đến các đề tài văn hoá/lịch sử không phải dấu hiệu hay, nhất là nơi một dân tộc lúc nào cũng tự hào có bốn ngàn năm văn hiến.

Âm [v] ở trong Nam

Người Byiệt Đàng Trong, nhất là người Nam bộ dù là xứ thuộc địa của Pháp, lại cầm cự lưu giữ được âm w, b-ỳơ.

Thời ông Phan Khôi, có phong trào học abc, “Chữ quốc ngữ chữ nước ta con cái nhà đều phải học”. Ông Phan Khôi xúi phe tóc dài kéo phe húi cua học quốc ngữ theo kiểu Lưu Bình Dương Lễ, nếu chưa thi đỗ thì chưa động phòng “Rồi các cô hẹn nhau, rày về sau, hễ các cậu, cậu nào viết quốc ngữ đúng thì các cô hãy cho bưng trầu rượu đến nhà; còn không, thì đuổi họ đi cho rảnh”.

Mấy cổ đuổi vô hay đuổi ra, ai mà piếc. Nhưng ở miền Nam yụ học chữ abc ngon lành hết piếc như ông Phan Khôi viết “Trong khi ấy thì ngoài Trung, Bắc kỳ, người An Nam ta đương còn nằm sấp xuống, cấn bụng trên ván, duỗi cẳng dài đuột đuột mà viết chữ Hán, từ bậc ông Cống ông Nghè cho đến chú Trùm trong xóm cũng vậy.

Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ cho quen và rải rắc nó cho một ngày một rộng ra, ấy là phải kể cho xứ Nam kỳ.

Tôi muốn nói xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho cả và dân An Nam, cũng không phải là quá đáng. Độc giả hãy nhớ, xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho dân An Nam! “

Ổng nói dạy đây là dạy VIẾT. Nguời miền Nam, thời ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, hay ở chỗ viết vẫn trúng chánh tả. Nhưng vẫn nói giọng Nam bộ, tức giọng Byiệt cổ, trong đó có âm [b-yờ], dù cô Sáu mang thuỷ xoàn mặc quần sa teeng hay chú Ba pán pánh pò pông. Hồi gia đình tôi mới di cư vào Nam 1954, vẫn nghe bà ngoại chòm xóm la om “Úc, mày làm giống gì ngoải, hổng yìa cho em bú, nó nhè ngoại nó đòi byú nè…” Khoảng năm 1980-90, trên một chuyến phà Châu-đốc – Nam-Vang, lẫn trong tiếng võng đưa giữa đám bạn hàng, vẳng tiếng ru em đẫm màu Nam Bộ, rất “đậm đà bản sắc dân tộc” dù có thể bị các học giả biến sắc mặt bắt lỗi “nói”sai… chánh tả:

Đi đâu cho thíp theo cùng
Đói no thíp chiệu lặn lùng thíp cam
Yí yầu tìn có yở yang
Thì cho thíp gọi đò ngang thíp b-yề.
Yí yầu tìn béeng yiêng thề
Thì cho thíp được đền nghì trúc mai


Định mệnh ngoại hạng của Âm [v]

1. Ở từ điển Alexandre de Rhodes, không tìm thấy chữ Việt, Yiệc, hay Byiệc trong các vần V, W, B. Lý do: vào năm 1651, người và nước Việt Nam còn được gọi là An Nam.

2. Đến từ điển Taberd, trào vua Gia Long, mới có chữ Việt Nam=Regnum Anamiticum

3. Tự điển Mường Việt ghi chữ Yịt ở vần D = Dịt. Sử thi truyền khẩu Đẻ Đất Đẻ Nước (9) của người Mường “nói” byua Yịt Yàng. Nhưng khi ký âm abc lại “viết” vua Dịt Dàng. Nếu phát âm chữ Dịt đó theo giọng Bắc như tôi sẽ làm mất khoen nối giữa Yịt - Yiệc - Việt. Thì đừng nói thế hệ sau, ngay thế hệ này đã không hiểu chữ Yịt - Yiệc - Việt có ràng buộc quan trọng tới mức nào.

4. Chữ quốc ngữ phát xuất từ các xứ đạo Đàng Ngoài, nơi vâng lời là một đức, nên đám tân tòng tuyệt đối nghe theo lời chỉ dẫn của các thầy. Dần dần, quốc ngữ abc vượt ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Nguời Việt Đàng Ngoài có lẽ quá hâm mộ chữ quốc ngữ abc nên đã
- thẳng tay loại trừ một số âm như: bl, tl, ml, kl, b-ỳơ, w
- tuyệt đối chấp nhận âm [v] coi như tiêu chuẩn

5. Phát âm Nam Bộ trước sau trung thành với tiếng Byiệc. Khi các thầy soạn tự điển Alexandre de Rhodes, không có giọng Nam Bộ dự phần vì chưa có miền Nam. Tuy vậy, chính người Nam Bộ đi tiên phong trong việc dạy chữ abc. Nhưng giọng Nam lại bị các học giả cho là…sai. Và người Nam lâu dần cũng tin tưỏng như thế vì từ ông Phan Khôi và ngay cả ông Bình Nguyên Lộc đều cho là “tiếng Bắc trúng hơn” dù giọng Bắc cũng “nói” sai tùm lum tà la với chữ viết. Ví dụ “nái xe nam neo nên nề nạng qua nạng nại nật nuôn/lái xe lam leo lên lề lạng qua lạng lại lật luôn” .

6. Dư luận vẫn cho rằng giọng Nam Bộ “lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi” hoặc giọng Bắc “sai” khi không phân biệt s/x, ch/tr, n/l, r/d/gi…Đốt cái dư luận ấy đi!

Vì giới ngôn ngữ học hồi đó (và cả bây giờ) không tính tới thành phần hết sức pha trộn của dân Việt, mà sự khác biệt về dấu/giọng phản ảnh sự khác biệt nguồn gốc ban đầu.

Có thể tóm tắt: cho mãi đến khoảng đời nhà Trần, tại xứ Việt cổ không có một chi chủng thuần tuý nào gọi là chi chủng Việt Nam. Tức không có chi nào gọi là chi Việt Nam trong khối Bách Việt. Mà chỉ có hàng trăm chi trong Bách Việt cung cấp các nòi giống khác nhau cho giòng giống Việt, làm thành dân tộc Việt Nam ngày nay. Sách vở chính thức sau 1975 cho rằng có 54 dân tộc trên mảnh đất VN. Điều này cho thấy nguời Việt không phải là một dân tộc thuần chủng như hồi nào tới giờ lầm tưởng. Những dân tộc này cùng có chung một số từ, chứng tỏ thời gian cộng cư.


Ví dụ, chữ “va” (đọc là [Ya]) = thằng chả/gã nọ/anh ta, thời ông Hồ Biểu Chánh vẫn còn rất phổ biến trong Nam. Theo tác giả Nguyên Nguyên :
phát âm [Ya] hay [bờ ya] hay [ba], giống với Hakka [za], Mã Lai [Dia] hay [Ia], Tagalog [niya], Sinhalese [Eya], và Polynesian [Ia] (11a),
giọng Nam nói YA vì có gốc Mon-Khmer và Đa Đảo. Giọng Bắc nói VA vì tiếp cận/hợp chủng/hoặc cả hai, với người Hẹ Hakka.
Người Hakka là nhóm chủ lực ở miền Bắc. Hakka cho cả hai âm [za] và [v]. Âm [v] là âm đặc thù của người Hakka thay cho âm W của người Hoa ở các khu vực phía trong kể cả Bắc Dương Tử (tiếng Bắc Kinh). Vì người Hakka có gốc ở miệt Sơn Đông nên cho đến ngày nay tiếng Tàu ở Sơn Đông vẫn có âm [v] thay cho âm W ở tiếng quan thoại/Bắc Kinh (11b).


Đền nghì trúc mai

Bài viết Tiếng Quảng Trị của Trần Hữu Thuần (12) cho thấy chỉ có vài làng ở gần nhau mà tiếng nói cũng khác. Tiếng Việt vẫn có những khác biệt, và sẽ mãi mãi khác nhau như thế. Tuy vậy, sự khác biệt ấy không quá lớn lao như ở Phi Luật Tân, tuy là một hải đảo độc lập, nhưng có tới 27 tiếng nói khác hẳn nhau. Họ phải dùng tiếng Tagalog ở trường học và tiếng Anh ở thương trường hay diễn đàn chánh trị. Không cần thở ngắn than dài vì sai biệt đó không làm giảm tính thống nhất trong tiếng Việt, dẫn tới những thống nhất khác như phong tục, lối sống, cách suy nghĩ.

Thế giới đang tìm cách phục hồi những tiếng nói trên đà diệt vong. Ở Quảng Bình, đám người Rục, người Nguồn (14) mà tiếng nói và nguồn gốc được xem là Việt tối cổ vẫn là đề tài nghiên cứu. Giữ được tiếng nào hay tiếng ấy cũng là cách đền nghì ơn tổ tiên.

Năm 223 TTL khi Tần Thuỷ Hoàng gồm thâu sáu nước, nước Sở tiêu tán đường. Quí tộc bị giết chết. Dân chạy tan tác. Số ở lại, bị tàn sát hoặc đồng hoá tận gốc rễ. Sau bao cố gắng, đại học Massachusetts Amherst chỉ sưu tầm được… 5 chữ (15).

Riêng Yit, Byiệc, Việt đã chịu sự thử thách của thời gian gần 5000 năm, trôi nổi từ thảo nguyên mênh mông đến sông dài núi rộng, vượt sóng cả trùng dương, vượt lên trên tất cả những oái oăm của lịch sử, cho thấy quá khứ của cả một dân tộc không chỉ lưu lại trong chữ viết.

Vườn nào hoa nấy
Có thể nói, không có chuyện đúng sai trong âm V. Vấn đề chỉ là giọng Bắc đã quốc tế hóa được âm v, cũng như giọng Nam đã quốc tế hoá được âm tr.


Bài viết này không phải là một sáng tác. Chỉ làm công việc lượm lặt lý giải của những người đi trước để trả lời cho thắc mắc chữ V: tiếng nói có trước, chữ viết có sau, các xướng ngôn viên người Nam đã trung thành với phát âm cổ của tiếng Yiệc từ 5000 năm trước abc: Byiệt, Byiệc, Yiệt, Yiệc. Viết theo abc là Việt. Viết cũng như nói, Việt không bao giờ là Diệt hay Dziệt cả.

Trần Thị Vĩnh Tường


Ghi chú

(1)Phan Khôi (1887-1959)/Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5465&rb=06
Ông Phan Khôi thấy báo chí viết sai chánh tả, ông sót sa “khôn ngăn châu lụy sụt sùi” và đề quyết “chữ quốc ngữ ở Nam kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ các ông làm báo bậc tiền bối”.

(2) Chinh Phụ Ngâm, tác giả Đặng Trần Côn (1715-1745) người làng Mọc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Bản dịch Nôm được cho là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), người làng Giai Phạm, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, khoảng giáp Bắc Ninh.

(3) Phụng Nghi/100 Năm Phát Triển Tiếng Việt, NXB Văn Nghệ 1999, California

(4) Từ điển Việt-Bồ-La, Alexandre. De Rhodes, Dictionarivm Annnamiticvm – Lusitanvm – Latinvm, soạn cho Đàng Ngoài, in lần đầu tiên ở La Mã năm 1651, Viện Khoa Học Xã Hội/HCM tái bản năm 1991.
Từ điển Việt-La Tinh Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum, được soạn sau khi nước nhà đã thống nhất không còn Đàng Trong/Đàng Ngoài, in lần đầu tiên tại Bengale (Ấn Độ) năm 1838, tái bản 2004, NXB Văn Học/Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Hà Nội và TPHCM.

(5) Hoàng Xuân Việt/Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, NXB Văn Hoá Thông Tin 2007

(6) Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ và HoàngVăn Hành , NXB Văn hoá Dân Tộc (2002).


(7) Tên Âu Cơ cũng là tên đã Việt hoá. Tên Mường là Ngu Cơ. Ngu Cơ cũng là tên người đẹp của tráng sĩ Hạng Võ trong tuồng “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”

(8) Jeanne Cuisinier, tác giả La Danse Sacrée en Indochine et en Indonésia [Múa thiêng ở Đông Dương và Indonesia] và Les Mương, Geographie Humaine et Sociologie (Người Mường, Địa Lý Nhân Văn và Xã Hội Học), Université de Paris, 1946,

(9) Đẻ Đất Đẻ Nước, NXB Văn Học – Hà Nội 1976

(10) Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tác giả hai cuốn Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam và Lột Trần Việt Ngữ xuất bản năm 1971 và 1972 ở Saigon, được tái bản dài dài ở hải ngoại, tuy vậy cũng rất hiếm. Hiện có trên http://www.talawas.org

(11) Nguyên Nguyên
a. Thử Đọc Lại Truyền Thuyết Hùng Vương/trên nhiều trang net.
b. http://www.khoahoc.net/baivo/nguyennguyen/120707-quangtri.htm
c. Loan Words and Metaphorical Field (tư liệu)

(12) Trần Hữu Thuần/Tiếng Quảng Trị/Talawas 6/2007:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10168&rb=06

(13) 5000 năm nếu tính từ lúc lãnh tụ Xuy Vưu lãnh đạo đám Cửu Lê đánh nhau với Hiên Viên của Hoa Hạ ở trận Trác Lộc năm 2879. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, Xuy Vưu là nhân vật huyền sử. Nhưng dân tộc Đại Hàn, dân HMong thờ ông như thánh tổ. Họ còn ghi dấu chiến trường nơi ông bị chặt đầu. Dân Trung Hoa bây giờ cũng phải nhận ông là một trong ba ông tổ (Xuy Vưu, Hiên viên, Thần Nông).

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý, năm 1160, mùa xuân tháng giêng, vua Lý Anh Tông cho xây đền thờ Hai Bà và đền thờ Xuy Vưu ở phường Bố Cái. Không biết đền này có còn lưu vết tích gì chăng.

(14) Nguyễn Đức Cung/Quảng Bình Chín Trăm Năm Nhìn Lại (1075-1975) NXB Nhật Lệ 2006

(15) http://www.umass.edu/wsp/results/languages/chu/lexicon.html

(16) Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp, http://ngonngu.net/index.php?p=309:
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6/12/1836 tại thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ông đã học chữ nho, chữ quốc ngữ, sau đó được một linh mục đưa đến Cái Nhum trên đất Campuchia học chữ Latin. Từ năm 1851 đến năm 1858, ông học ở trường đạo Pinang thuộc Ấn Độ Dương, rồi qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Ý. Trương Vĩnh Ký là người thông minh, uyên bác, có thể đọc và nói giỏi 15 thứ tiếng phương Tây và 12 thứ tiếng phương Đông. Ông là hội viên của các hội khoa học: Hội Nhân chủng học và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên nói các tiếng phương Đông, Hội chuyên khảo văn hoá Á châu, Hội địa lí học Paris,... Đương thời, Trương Vĩnh Ký được báo chí và giới học giả nước ngoài liệt vào hàng thứ 17 trong danh sách “Toàn cầu thập bát văn hào”. Ông mất ngày 01/9/1898, thọ 62 tuổi. Ông để lại khoảng 118 bộ sách đã xuất bản và rất nhiều công trình còn đang dở dang.

Theo tác giả Sơn Nam trong Văn Minh Miệt Vườn, khi Trương Vĩnh Ký đi học ở Poulo Penang (Mã Lai), ông là người đem về cho Cái Mơn nhiều cây trái mới. Cái Mơn sau đó trở thành vườn gây cây giống cho Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Mỹ Tho…tạo sự trù phú và lập nên nền văn minh miệt vườn. Quí bà quí cô mê sầu riêng, boòng boong, măng cụt, chôm chôm, vú sữa… phải nhớ đến Trương Vĩnh Ký.




Bức tượng Trương Vĩnh Ký mặc áo dài, đội khăn, tay cầm cuốn sách, do dân chúng và nhà báo đóng góp từ năm 1908, được dựng lên năm 1927 ở công viên gần dinh Độc Lập, Saigon. Sáng nào chúng tôi đi học ngang cũng nhìn thấy ông. Sau 1975 bị hạ xuống. Theo một bài viết, bức tượng này được đưa vào ngôi nhà của chú Hoả nay biến thành Viện Bảo Tàng ở Saigon.

Huình Tịnh Của (1834–1908), người gốc Bà Rịa. Ông soạn Đại Nam quấc âm tự vị 1210 trang trong bốn năm. Ông còn viết: Phép toán (Số học) (1867); Phép đo (Hình học) (1867); Gia lễ (1886); Sách Bác học sơ giải (1887); Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897); Thư mẹ dạy con (1913). Sách giải trí: Chuyện giải buồn (in lần đầu năm 1886 và lần thứ năm năm 1904); Câu hát góp (1904); Văn Doan diễn ca (1906). Sách “Bổn cũ soạn lại” hay phỏng dịch của văn học Trung Hoa: Quan âm diễn ca (in lần thứ năm năm 1930); Tống Tử Văn (1904); Bạch Viên Tôn Các (1906); Chiêu Quân cống Hồ (1906); Tống Tử Vưu truyện (1907).

Họ Huình của ông xuất hiện với chữ i ngắn, vì vậy tất cả sách vở khi nhắc tới ông đều dùng i ngắn như nguyên văn để tỏ lòng kính trọng, dù có thể không đồng ý với chữ i ngắn này. Đó cũng là một nét đẹp của giới cầm bút có văn hoá.