Đón xuân
“Vì chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ” (Lc 2, 30)
A! A! A! Nàng Xuân đến khơi lên bao thi tứ
Reo hồn thơ rộn rã đón Nắng-Mây
Hoa xinh, Nguyệt mộng, nghe Gió mơn say
Duyên Nụ Biếc tỏa hương từ Nguồn Suối.
Thơ ướm hỏi Dáng Xuân nay bao tuổi
Mà Nụ Mơ tỏa ánh khiết mượt mà
Rung tim thơ bật muôn khúc thi ca
Từng giai điệu xôn xao cung ngà ngọc.
A! A! A! Tình Xuân rộ ánh huyền lên Suối Tóc
Đẹp hơn trăng óng mượt những đường tơ
Thơ muốn ôm muốn siết cả ước mơ
Và muốn thơm Nụ Duyên trong Vầng Nguyệt.
Ơi Hương Xuân khơi tứ thơ trác tuyệt
Hồn say sưa hớp trọn lấy Nguồn Thơm
Nuốt vào tim cơn rạo rực đang mơm
Say ngọt lịm thỏa khát hồn lãng tử.
Trên dương thế giữa cuộc đời lữ thứ
Gặp Nàng Xuân, thơ như thể gặp tiên
Ôi khát khao chiêm ngưỡng phúc đào nguyên
Giờ thỏa ước chẳng buồn về lối cũ.
Ơi Nàng Xuân tỏa hương yêu quyến rũ
Luyến hồn thơ buông hết chuyện trần đời
Vui ngày ngày theo Xuân đến Nguồn Khơi
Lên cung quảng lắng hồn trong Nguyệt Điện.
Đón Xuân trong tâm tình
Mừng lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh
02/02/2019 (28 tết)
Song Lam
----------------------------------------------
CẢM NHẬN THƠ
Lời mở
Nói đến thi ca, mà đặc biệt là thi ca nói về tình yêu, không ít thì nhiều đều mang tính chất lãng mạn. Sự lãng mạn đó không phải diễn tả những điều không thực tế, nhưng nó muốn nói lên những khát khao, những ước muốn, những cảm nghiệm sâu lắng mà những ngôn từ chân chất không thể diễn cảm một cách rõ ràng và rành mạch.
Trong thi ca Kitô giáo, Diễm Ca là cuốn sách mang phong cách lãng mạn nhất. Những thi khúc trong Diễm ca diễn tả một tình yêu rất thơ và đan xen vào đó là những ca khúc diễn đạt tình yêu rất nồng nhiệt vì nó mang tính con người. Nhưng tính người ở đây không nhằm diễn tả một tình yêu Eros mà nâng con người lên một tình yêu thiêng thánh, tình yêu kết hiệp với Đấng là Tình Yêu – Tình yêu Agape.
Có lẽ đã sống và cảm nghiệm được tình yêu Agape, nhà thơ Song Lam đã viết nên thi khúc “Đón Xuân” theo phong cách lãng mạn với những ngôn từ mang đầy tính ẩn dụ. Bởi vì nếu không đọc câu Lời Chúa chủ đạo “Vì chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ”, chúng ta sẽ nhầm tưởng tác giả đang diễn tả một tình yêu rất đời – tình yêu Eros.
Nhưng khi đặt mình trong tâm tình ông Si-mê-ôn đằng đẳng sau bao năm chờ đợi Đấng Cứu Thế. Ông được Thánh Thần linh ứng cho biết sẽ không phải chết trước khi được nhìn thấy Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Niềm vui khi được nhìn thấy tận mắt một Thiên Chúa làm người của ông Si-mê-ôn đã cộng hưởng để tạo nên niềm vui “Đón Xuân” của nữ sĩ Song Lam.
Tổng quát về mặt cấu trúc, bài thơ này gồm 6 khổ và có thể chia làm hai phần với nội dung như sau:
- Phần 1: gồm 3 khổ thơ đầu tiên. Phần này tác giả nói đến niềm vui và những lời ca tụng của ông Si-mê-ôn khi được chiêm ngưỡng cái đẹp thuần khiết và vô cùng linh thánh của Đức Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu. Niềm vui “Đón Xuân” chính là niềm vui đón Mẹ và đón Chúa. Niềm vui đó không chỉ được tác giả diễn đạt trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người mà còn được mở rộng trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Phần 2: gồm 3 khổ thơ sau. Nội dung chủ yếu trong phần hai là tác giả nói đến niềm vui khi nhờ Mẹ và qua Mẹ để đến với Chúa. Vì thế, niềm vui “Đón Xuân” không chỉ là một cảm xúc nhất thời thoáng qua trong những ngày đầu năm, nhưng đó còn là một niềm vui sống đạo. Một niềm vui khi chúng ta biết mang Mẹ và đem Chúa đến cho tất cả mọi người bằng chính cuộc sống hy sinh, hãm mình, cầu nguyện và luôn biết sống chia sẻ với tất cả mọi người.
Chúc các bạn cảm nhận chút hương vị thơ trong những ngày đầu xuân, khi nhâm nhi những ngôn từ thanh nhã và ý thơ sâu lắng trong bài “Đón Xuân” của nhà thơ Song Lam.
"Tâm hồn có Chúa đó là mùa Xuân” (Elisabeth Leseur)
“Vì chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ”
1. A! A! A! Nàng Xuân đến khơi lên bao thi tứ
“ A! A! A! Nàng Xuân đến khơi lên bao thi tứ
Reo hồn thơ rộn rã đón Nắng-Mây
Hoa xinh, Nguyệt mộng, nghe Gió mơn say
Duyên Nụ Biếc tỏa hương từ Nguồn Suối ”
“A! A! A!” tạo nên những âm thanh rộn rã, không những diễn tả một niềm vui bên ngoài, mà còn trào dâng một cảm xúc đầy hoan lạc bên trong tâm hồn, bởi vì niềm hoan lạc đó đã “khơi lên bao thi tứ ”. Vậy “Nàng Xuân” là ai mà có thể tạo nên nguồn thi hứng cho tác giả?
“Nàng Xuân” đã chuyển biến cái ảm đạm của mùa đông rét buốt, thiếu nắng ấm, lắm mây mù, trở nên tươi trẻ tràn đầy sức sống của mùa xuân “Reo hồn thơ”. Sự tươi trẻ đó khiến cho chúng ta không còn cảm thấy cuộc sống phủ ảm đạm, mất niềm tin, nhưng nó làm cho chúng ta thấy cuộc đời rất đáng yêu, đáng sống và đầy hy vọng. Bởi vì ánh nắng mãi ấm áp và những vầng mây luôn thanh nhã “rộn rã đón Nắng-Mây”.
Nếu hiểu từ nắng và mây là hai thực thể trong thiên nhiên, thì tại sao tác giả lại viết hoa hai từ này kèm theo một dấu gạch nối “Nắng-Mây”. Đây là một dấu gạch trong từ, nên không thể tách rời hai từ này được, mà nó là một từ duy nhất. Nghĩa là tác giả nhằm nói đến một thực tại duy nhất mặc dù theo ngữ nghĩa của từ “Nắng” và “Mây” là khác biệt. Có lẽ chúng ta chỉ có thể hiểu được ẩn ý này của tác giả khi đọc tiếp hai câu thơ sau.
Còn ai là “Hoa xinh”? Ai là “Nguyệt mộng”? để “Gió” là ai mà lại yêu Hoa và Nguyệt đến độ ngất ngây đến thế “nghe Gió mơn say”. Rồi “Duyên Nụ Biếc” là gì và “Nguồn Suối” hàm ý nói đến điều chi mà “Duyên Nụ Biếc” chỉ có thể hấp thu cái tinh hoa để “tỏa hương” từ đó?
Khi diễn tả mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu đã sử dụng những hình ảnh thực tại trong đời sống thường ngày như bữa tiệc nói lên niềm vui, kho tàng nói đến sự quí báu, hạt cải nói lên sự phát triển… Cho nên theo cảm nhận cá nhân, tất cả những từ ngữ bình thường mà nhà thơ trân trọng viết hoa là nhằm “thiêng cách hóa” để diễn tả những mầu nhiệm của Ki-tô giáo theo niềm tin của người Công Giáo.
Vì thế chúng ta có thể hiểu “Nàng Xuân” là hàm ý nói đến Đức Maria. Chính Mẹ là người đã đem Chúa Giêsu đến với chúng ta. Mẹ là người đã đem Mùa Xuân cứu độ, Mùa Xuân vĩnh cửu của Thiên Chúa đến với nhân loại: Chúa Giêsu Kitô – Mùa Xuân ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, “bao thi tứ” không thể chỉ hiểu đơn giản là những vầng thơ ca tụng, mà nó còn làm cho chúng ta liên tưởng đến một thực tại cao trọng hơn nhiều, nó hàm nghĩa là khơi lên nguồn ân sủng của Thiên Chúa. Đó là những ơn ích thiêng liêng mà đỉnh điểm là Ơn Cứu Chuộc.
“Nàng Xuân đến khơi lên bao thi tứ”
Và khi đọc câu Lời Chúa theo thánh Luca, chúng ta sẽ hiểu ngay từ “Nắng” mà tác giả muốn nói đến là ai?
(78) Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
(79) Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tối tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an". (Lc, 1, 78-79)
Như vậy, rõ ràng từ “Nắng” chính là hình ảnh của “Vầng Đông”. Mà “Vầng Đông” là một thực thể trong thiên nhiên ngụ ý nói đến Chúa Giêsu Kitô. Nếu “Nắng” hàm ý nói về Chúa Giêsu, thì từ “Mây” là ai mà nhà thơ lại sử dụng một dấu gạch nối không thể tách ra khỏi từ “Nắng”: “Nắng-Mây”.
Trong Kinh Thánh, “Mây” là một biểu tượng nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa mà cụ thể là Thiên Chúa Cha. Bấy giờ vua Sa-lô-môn nói: “Đức Chúa đã phán: Người sẽ ngự trong đám mây dày đặc.” (x 1V 8, 12). Khi hiểu từ “Mây” là nói đến Thiên Chúa Cha, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của dấu gạch nối giữa hai từ Nắng và Mây, mà tác giả đã có chủ ý để diễn đạt một mầu nhiệm cao cả nói về Thiên Chúa.
Đọc đoạn đầu kinh Tin Kính của đạo Công Giáo. Trong kinh này, các tín hữu tuyên xưng như sau:
“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”
Như vậy, từ “Mây” trong câu thơ này hàm ý nói đến Thiên Chúa Cha và từ “Nắng” nói đến Chúa Giêsu Kitô: Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời… được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha. Như vậy, Cha và Con tuy là hai Danh Thánh, hai Ngôi Vị nhưng là Một Thiên Chúa. Mầu nhiệm này không thể suy cho cùng và hiểu cho thấu. Vì thế, tác giả đã khéo léo vận dụng những ký hiệu của ngôn ngữ nhằm diễn tả phần nào mầu nhiệm hiệp nhất này: Cha trong Con và Con trong Cha, Con với Cha là Một “Nắng-Mây”.
(20) Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, (21) để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. (Ga 17, 20-21)
Và nếu trong ngày đầu xuân mà gia đình chúng ta được một vị nguyên thủ quốc gia đến chúc tuổi hay được một Đức Giám Mục đến chúc xuân thì còn niềm vui nào bằng. Nó không những vui mừng, hạnh phúc mà còn tràn đầy hãnh diện. Phương chi được đón gia đình thánh, gia đình của Đấng Chúa Tể trời đất, Vị Vua trên các vua đến chúc xuân, thì niềm vui càng tuyệt vời, niềm tự hào càng dâng cao, và hạnh phúc càng bay bổng.
“Reo hồn thơ rộn rã đón Nắng-Mây”
Cái cảm xúc rộn rã mà nhà thơ diễn tả không chỉ được khơi lên từ tiết xuân ấm áp hay không khí rộn rịp của những ngày tết, mà chủ yếu nó hòa quyện trong tình người đầy yêu thương. Cho nên cái “Hoa xinh” đâu chỉ là những cánh mai vàng óng, cành đào hồng mơ hay những đóa phong lan rực rỡ sắc màu. Và “Nguyệt mộng” cũng không chỉ đơn giản nói đến những thiếu nữ duyên dáng, xinh đẹp, mơn mởn sắc xuân.
Vậy tác giả ngụ ý nói về ai khi sử dụng từ “Hoa xinh” và “Nguyệt mộng”. Cái xinh cái mộng đó phải tuyệt đẹp, có sức quyến rũ mãnh liệt đến nỗi làm cho “Gió” phải mơn say.
Trong khổ thơ này, nếu đã ngầm hiểu “Nắng” là biểu tượng nói về Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa và “Mây” là biểu tượng nói đến Thiên Chúa Cha, thì từ “Gió” phải là biểu tượng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần – Ngôi Ba Thiên Chúa.
Vậy Ngôi Ba Thiên Chúa đang mơn ai, đang yêu ai “nghe Gió mơn say”? Phải chăng nhà thơ muốn nói đến Chúa Thánh Thần đang chúc lành cho cô thôn nữ ở làng Na-da-rét thuộc miền Ga-li-lê, mà cách đây chưa đầy một năm đã khiêm tốn thưa rằng “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (x Lc 1, 38)
Cô thôn nữ đó chính là Đức Maria, là “Nguyệt mộng” của “Gió”, là tình yêu của Chúa Thánh Thần. Và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh, “Nguyệt mộng” đã được diễm phúc cưu mang Tình Yêu của Thiên Chúa – Ngôi Hai làm người. Và “Nguyệt mộng” đã bung nở cho chúng ta một đóa hoa vô cùng tuyệt vời, một đóa hoa ngợp hương thắm sắc mà không một loài hoa nào trên thế gian có thể sánh được: Chúa Hài Đồng Giêsu.
Cái xinh cái mộng ở đây không chỉ nói về nét đẹp hình dáng bên ngoài, nhưng tác giả còn mượn lời thơ để nói đến sự thánh khiết bên trong tâm hồn. Sự thánh khiết của Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu chính là sự dâng hiến hoàn toàn con người của mình cho Thiên Chúa, một sự dâng hiến vâng phục trong tình yêu, trong tín thác. Chính vì thế mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã được Thánh Thần Thiên Chúa vô cùng yêu mến “nghe Gió mơn say” .
“Hoa xinh, Nguyệt mộng, nghe Gió mơn say”
Bởi vì sự thánh khiết của Mẹ Maria “Duyên Nụ Biếc” được bao phủ và che chở trong quyền năng và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Vì Đức Mẹ “Nụ Biếc” được ơn Vô Nhiễm nguyên tội. Ơn cao trọng đó là cái “Duyên” của Mẹ và nhờ “Duyên” Vô Nhiễm mà Mẹ mới mới “tỏa hương”. Hương đó chính là Mẹ đã đem “Ơn Cứu Độ” đến cho nhân loại. Hương Cứu Độ, Hương Tình Yêu xuất phát từ “Lòng thương xót” của Thiên Chúa “Nguồn Suối”.
Như vậy trong khổ thơ này, tác giả đã kết hợp ngôn từ cách tài tình để diễn đạt mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Cứu Chuộc trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
“ Duyên Nụ Biếc tỏa hương từ Nguồn Suối ”
2. Thơ ướm hỏi Dáng Xuân nay bao tuổi
“Thơ ướm hỏi Dáng Xuân nay bao tuổi
Mà Nụ Mơ tỏa ánh khiết mượt mà
Rung tim thơ bật muôn khúc thi ca
Từng giai điệu xôn xao cung ngà ngọc.”
“Thơ” là ai và “Dáng Xuân” là ai mà “Thơ” lại muốn ướm hỏi “Dáng Xuân” nay bao tuổi? Trong tứ thơ này chúng ta có thể hiểu “Thơ” chính là ông Si-mê-ôn và Đức Maria chính là “Dáng Xuân”.
Trong sự giao tiếp và ứng xử thông thường, lần đầu tiên gặp một người phụ nữ chưa quen biết, người đàn ông sẽ không bao giờ hỏi tuổi của nàng một cách lộ liễu. Cũng thế, thoạt đầu gặp Đức Maria, ông Si-mê-ôn không dám trực tiếp hỏi Đức Mẹ “Dáng Xuân” nay bao tuổi khi thấy Đức Maria còn quá trẻ và xinh đẹp. Ôi cái trẻ của sự bình an luôn tín thác, cái đẹp của đức hạnh và cái xinh của sự khiêm nhường. Nên trong lòng ông thắc mắc, chỉ muốn hỏi chứ không dám hỏi “ướm hỏi”. Nhưng tại sao ông lại muốn biết tuổi xuân của Đức Mẹ?
Theo tôi, khi viết câu thơ này tác giả có một ẩn ý so sánh. So sánh mà không có một từ nào nói đến sự so sánh, đây chính là một nghệ thuật tu từ trong thi ca. Cái so sánh ở đây có thể là so sánh về tuổi tác, so sánh về đức hạnh và so sánh về ân sủng. Sự so sánh đó là:
- Về tuổi tác, ông Si-mê-ôn nhìn lại cuộc đời mình đã bao năm phục vụ trong Đền Thánh, bao năm khao khát chờ đợi để chỉ được nhìn thấy Thánh Nhan của Vị Thiên Chúa làm người. Nhưng mãi đến khi tuổi già bóng xế, gần đất xa trời, ông mới được diễm phúc nhìn thấy Chúa Hài Đồng Giêsu một lần trong đời trước khi nhắm mắt.
Thế mà, Đức Maria còn quá trẻ, có lẽ chưa quá đôi mươi, chỉ là một thiếu nữ dân dã đời thường, không ở trong Đền Thánh phụng sự Thiên Chúa, mà lại được đại phúc cưu mang, sinh hạ và ẳm bồng Đấng Cứu Thế trong cung lòng của mình. Sao có thể như vậy? và càng suy nghĩ thì càng không thể hiểu được sự huyền nhiệm này.
- Về đức hạnh: cả đời ông Si-mê-ôn ăn chay cầu nguyện, hy sinh hãm mình, từ bỏ mọi sự, để đánh đổi được một lần nhìn thấy Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ muôn dân. Đấng là ánh sáng, là niềm vui, là hạnh phúc, là Hoàng Tử bình an.
Trong khi Đức Maria mới ngần ấy tuổi xuân, dáng vẻ còn non người nhẹ dạ, quá đơn sơ thanh khiết, thì tu tập ra sao, đạo hạnh đến đâu, công đức thế nào, mà lại được diễm phúc cao trọng đến thế?
- Về ân sủng: chỉ có một cách giải thích duy nhất mới có thể minh giải được diễm phúc làm Mẹ Đấng Thiên Sai, làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria. Đó là ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa đều ban cho mọi người những ơn cần thiết để sống và thể hiện tình yêu của Ngài. Mỗi người sẽ lãnh nhận những ân sủng khác nhau để thực hiện những công việc khác nhau trong Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa. Miễn sao chúng ta không làm những ân sủng Ngài ban trở nên vô ích, chúng ta không đem chôn đồng bạc Ngài trao, nhưng chúng ta phải sinh ích lợi, làm sinh sôi nẩy nở như hạt giống được gieo vào đất tốt.
Như vậy, chắc chắn Đức Maria phải được đặc ân vô cùng cao cả mới có thể đảm nhận một trách nhiệm vô cùng lớn lao, mà một con người bình thường dù có tu tập đến bao năm, ăn chay hãm mình đến mức nào, cũng không thể có được diễm phúc cao trọng như vậy. Và đó chính là điều mà ông Si-mê-ôn thắc mắc, rất muốn hỏi, nhưng không dám thổ lộ. Bởi vì đây là một bí nhiệm của Đấng Thượng Trí.
“Thơ ướm hỏi Dáng Xuân nay bao tuổi”
Cũng như mọi ngày chờ đợi mong được nhìn thấy Thánh Nhan Vị Cứu Tinh của nhân loại. Hôm nay, giữa vô số những người phụ nữ Do Thái bình dân, chân chất cùng đem dâng đứa con trai đầu lòng vào Đền Thánh theo Lề luật đã dạy, ông Si-mê-ôn chưa tìm ra và chưa nhìn thấy người phụ nữ nào được diễm phúc bồng ẳm Vị Cứu Chúa của muôn dân.
Thế nhưng, khi đôi mắt già nua của ông được bừng sáng niềm tin nhờ Thần Trí Thiên Chúa. Ông đã phát hiện và nhận ra ngay một vẻ đẹp vô cùng thanh khiết và đức hạnh “Nụ Mơ” với vầng hào quang ân sủng “mượt mà”. Chính nhờ nét đẹp thanh khiết của tâm hồn, thể hiện ra cái đức hạnh của Đức Maria “Dáng Xuân” rợp trong ánh sáng ân sủng, mà ông Si-mê-ôn đã nhận ra ngay Mẹ Maria chính là người phụ nữ đang bồng ẳm Đấng Cứu Thế, Đấng không riêng gì ông mà cả muôn dân trông đợi.
Nhưng tại sao tác giả lại không dùng từ “Hoa Mơ”, “Hồng Mơ”, “Đào Mơ”,… để nói về Đức Maria mà lại dùng từ “Nụ Mơ”. Theo cảm nhận cá nhân, nếu muốn nói đến vẻ đẹp của một người phụ nữ đã sinh con thì thông thường người ta sử dụng từ hoa chứ không dùng từ nụ. Vì hoa diễn tả một sự đã nở rồi, còn nụ là vẫn còn khép kín, bướm chưa vờn, ong chưa chạm. Nên nụ là nói đến sự trinh khiết, không vương mùi trần. Phải chăng nhà thơ có ý nói đến Đức Mẹ vẫn trọn đời đồng trinh dù đã cưu mang và sinh hạ Chúa Hài Đồng Giêsu.
(34) Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
(35) Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1, 34-35)
“Mà Nụ Mơ tỏa ánh khiết mượt mà”
Cho nên đan xen những cảm xúc từ bất ngờ đến ngạc nhiên, từ khao khát đến thỏa nguyện, từ yêu mến đến tôn thờ. Trái tim già nua của ông Si-mê-ôn đã không còn lừ đừ những nhịp chậm chạp, mệt mỏi theo tuổi tác, nhưng nó đã vồn vã đến độ rung lên những nhịp đập cảm tạ, rộn rã những nhịp nhấn yêu thương để dâng lên lời ca tụng Thiên Chúa.
(29) Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
(30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
(31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
(32) Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài. (Lc 2,29-32)
Và lời chúc tụng của ông Si-mê-ôn chính là ý nghĩa của câu thơ mà tác giả đã tóm lược một cách thi vị:
“Rung tim thơ bật muôn khúc thi ca”
Vậy “cung ngà ngọc” là gì mà những giai điệu thi ca của ông Si-mê-ôn có tác động mạnh mẽ đến độ làm “xôn xao”? Từ “xôn xao” diễn tả một tâm trạng bối rối, một cảm xúc vừa vui mừng vừa lo âu không biết sự thể sẽ xảy ra thế nào. Đọc đoạn Lời Chúa theo Tin Mừng thánh Luca, chúng ta sẽ hiểu được những điều ông Si-mê-ôn tiên báo sẽ tác động đến ai, mà nhà thơ đã ví von bằng một cụm từ tuyệt mỹ và vô cùng thanh nhã “cung ngà ngọc”?
(33) Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. (34) Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng (35) còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (Lc 2, 33-35)
Như thế, “cung ngà ngọc” là hàm ý nói đến cung lòng Đức Trinh nữ Maria, mà cụ thể hơn chính là Tâm Hồn, là Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Bởi vì chỉ có tâm hồn thanh khiết, chỉ có trái tim luôn dành trọn vẹn tình yêu cho Thiên Chúa mới nhạy cảm trước những lời nói mà mình chưa thể nào hiểu hết và cảm thấu ý nghĩa. Cho nên những lời ca tụng và tiên báo của ông Si-mê-ôn đã làm cho Đức Mẹ từ ngạc nhiên đến vui mừng, từ vui mừng đến lo lắng, và từ lo lắng đến tín thác.
“Tiếng Xin Vâng là nền tảng và là động lực hướng dẫn tất cả mọi dấn thân của Mẹ trong ơn gọi và sứ vụ, vừa là “tôi tớ của Thiên Chúa”, vừa là “Mẹ của Đấng Cứu chuộc nhân loại”. Khi thưa tiếng Xin Vâng, Mẹ sẵn sàng làm mọi việc theo Thánh Ý Chúa. Nhìn lại cuộc đời Mẹ, ai trong chúng ta cũng biết rằng tiếng Xin Vâng không chỉ mang lại cho Mẹ niềm vinh dự Làm Mẹ Thiên Chúa, song tiếng Xin Vâng còn kéo theo bao nhiêu nỗi đau đến như lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ.” (Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Gp Nha Trang)
“Từng giai điệu xôn xao cung ngà ngọc”
3. Tình Xuân rộ ánh huyền lên Suối Tóc
“A! A! A! Tình Xuân rộ ánh huyền lên Suối Tóc
Đẹp hơn trăng óng mượt những đường tơ
Thơ muốn ôm muốn siết cả ước mơ
Và muốn thơm Nụ Duyên trong Vầng Nguyệt.”
Nếu cứ theo ngữ nghĩa thông thường, câu thơ sau đây dễ hướng chúng ta nghĩ đến một nét đẹp rất trần đời.
“A! A! A! Tình Xuân rộ ánh huyền lên Suối Tóc”
“Tình xuân rộ” diễn tả nghĩa sự hồn nhiên, sự tươi trẻ trên một cơ thể tràn đầy sức sống của một thiếu nữ đang xuân, được thể hiện bằng sự mơn mởn, sự dịu dàng “ánh huyền” và nét đẹp của thiếu nữ càng được tôn tạo lên bởi một mái tóc đen tuyền, óng mượt “suối tóc”.
Hình ảnh này làm tôi nhớ đến một câu trong nhân tướng học “ Ô long quyển ngọc trụ”. Ô long nghĩa là con rồng đen, ý chỉ mái tóc của người thiếu nữ. Quyển là uốn quanh, là quấn vào, là che phủ. Ngọc trụ ngụ ý nói đến thân hình trắng đẹp như ngọc của thiếu nữ. Theo sách nhân tướng học, người phụ nữ nào có tướng cách như vậy sẽ là bậc mệnh phụ phu nhân, sinh con đại quí, hữu ích cho quốc gia.
Tác giả đã diễn tả cái nét đẹp tự nhiên và hữu dụng ấy rất thi vị và vô cùng thơ mộng đến độ lãng mạn. Nó mơ huyền tựa như ánh trăng “Đẹp hơn trăng”, ẩn sau mái tóc mây nhẹ nhàng và thanh nhã “óng mượt” với những nét duyên vô cùng thanh tú “những đường tơ”.
Trước cái đẹp đầy thơ mộng và lãng mạn đó, thử hỏi có tâm hồn thi sĩ nào không khát khao được chạm đến “Thơ muốn ôm”. Bởi vì khi được chạm vào một nét đẹp thuần khiết, tâm hồn thi sĩ càng “muốn siết” cho cảm xúc dâng cao đến độ bật lên muôn vàn thi tứ để ca tụng cái đẹp mà mình cảm thụ được “cả ước mơ”.
Khi cảm xúc dâng cao, cái ước mơ của những tâm hồn thơ sẽ trở nên táo bạo nhưng cũng rất tình người. Đó là không phải chỉ có nhìn ngắm, không phải chỉ có ôm siết mà còn muốn tiến xa hơn, là ôm hôn cái nét đẹp thanh cao đó “Và muốn thơm”. Nhưng không phải chỉ hôn lên suối tóc mượt mà, lên bàn tay búp măng, nhưng là muốn hôn lên nơi biểu lộ tình yêu và sức sống “nụ duyên” trên một cơ thể đang xuân “vầng nguyệt”.
Nhưng nếu hiểu một cách đơn giản và đời thường như vậy, chúng ta sẽ không giải thích được tại sao tác giả lại viết hoa các từ “Tình Xuân” và “Suối Tóc”. Và nếu chưa hiểu được hàm nghĩa của từ “Tình Xuân” và “Suối Tóc”, có lẽ chúng ta chưa cảm nhận được đầy đủ ý thơ mà tác giả muốn chia sẻ.
“Đẹp hơn trăng óng mượt những đường tơ”
Vậy khi gọi “Tình Xuân”, tác giả muốn nói đến tình của ai? Mà nó lại đẹp tựa “ánh huyền”? Và “Suối Tóc” ngụ ý nói về người nào? Mà khiến cho ông Si-mê-ôn lại một lần nữa vui mừng reo lên A! A! A!
“A! A! A!” diễn tả một sự ngạc nhiên và vui mừng tột độ. Một niềm vui không thể kìm nén, một hạnh phúc không thể giữ riêng, nó rộn lên trong tâm hồn ông Si-mê-ôn, khi ông nhìn thấy tình yêu của Mẹ Maria tràn trào “Tình Xuân rộ” trong từng cử chỉ nâng niu, trong từng lời ru thân thương, trong từng lời nói âu yếm, trong từng nụ hôn ngọt ngào “ánh huyền” với Chúa Hài Đồng Giêsu “lên Suối Tóc”.
“A! A! A! Tình Xuân rộ ánh huyền lên Suối Tóc”
Ôi cảnh và tình sao đẹp và huyền nhiệm đến thế. Một tình mẫu tử giữa con người và Thiên Chúa làm người, một tình mẫu tử giữa một thọ tạo và Đấng Sáng Tạo, một tình mẫu tử giữa hữu hạn và vô hạn. Khi chiêm ngưỡng cái đẹp tình yêu trong Tình Yêu, cái đẹp không gì trên trần gian có thể so sánh được, vì đó là cái đẹp của Tình Yêu Thiên Chúa. Cho nên với tâm hồn nhạy cảm của một nữ sĩ, tác giả đã ví von “Đẹp hơn trăng”.
Cái đẹp của Tình Mẹ, cái đẹp của “Tình Xuân” không phải là một sự khô khan, cứng nhắc của một thọ tạo tôn kính Đấng Thần Linh đến mức chỉ biết đứng xa mà thờ lạy, không dám sờ chạm hay đụng đến Ngài. Nhưng đó là một sự nâng niu của một mối tình rất người, của mẹ và con, của con người với Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mình; một sự bao bọc của một loài thọ tạo đối với Đấng che chở mình. Cho nên nó đẹp cách linh thánh và thuần khiết, không một chút tì ố, không một vết rạn nứt “óng mượt”, bởi vì đó là một tình yêu Agape, một tình yêu hoàn toàn dâng hiến, một tình yêu không vương tội. Cái “Tình Xuân”, cái “óng mượt” đó rộ lên, bung ra cái lóng lánh sự khiêm nhường tột bậc của một Vị Thiên Chúa chấp nhận thân phận mỏng manh của kiếp người, đồng thời nó cũng diễn đạt cái hạnh phúc lớn lao của một loài thọ tạo được chăm sóc Vị Cứu Chúa của mình và đó là một huyền nhiệm vô cùng sâu thẳm “những đường tơ”.
“Đẹp hơn trăng óng mượt những đường tơ”
Khi chiêm ngưỡng sự thể hiện tình mẫu tử giữa Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu, một tâm hồn tràn đầy đức tin và lòng mến “Thơ” của ông Si-mê-ôn không thể nào không ước mơ được một chút diễm phúc của Mẹ: được nâng niu, được âu yếm, được bồng ẳm, được chăm sóc một “Thiên Chúa làm người”. Bởi vì đối với ông, việc từ giả cõi đời là để trở về gặp gỡ Thiên Chúa. Mà hôm nay, chính mắt ông đã được nhìn thấy Ơn Cứu Độ, nhìn thấy Thiên Chúa, thì việc sống chết đối với ông không còn là vấn nạn nữa.
“Thơ muốn ôm muốn siết cả ước mơ”
Cũng mang tính tượng trưng như từ “Tình Xuân” và “Suối Tóc”, khi gọi “Nụ Duyên” là tác giả nói đến một mầm sống đang vươn, và “Vầng Nguyệt” là một thực thể tuyệt đẹp phản chiếu ánh sáng của “Vầng Đông”. Chắc chắn đó là biểu tượng của hai con người vừa linh thánh vừa tuyệt mỹ, mới đủ sức quyến rũ và khơi lên trái tim già nua của ông Si-mê-ôn một ước mơ chảy bỏng là ôm hôn “Và muốn thơm”.
Cái ước mơ của ông Si-mê-ôn rất tự nhiên và chính đáng. Đó là sự khao khát được sờ chạm, được đụng đến, được ôm hôn “Và muốn thơm” Chúa Hài Đồng Giêsu, Đấng Thần Linh, Đấng Thiên Chúa làm người “Nụ Duyên”, mà bình thường một con người đầy lầm lỗi và bất xứng không thể nào có thể và được phép sờ chạm hoặc nhìn thấy. Nhưng hôm nay, Thiên Chúa đã không chấp nê, đã ban cho ông một đặc ân cao trọng trước khi nhắm mắt, đó là diễm phúc được bồng ẳm Chúa Hài Đồng Giêsu và được ôm hôn Ngài ngay trong cung lòng tuyệt mỹ và vô cùng thánh thiện của Mẹ Maria “Vầng Nguyệt”.
“Và muốn thơm Nụ Duyên trong Vầng Nguyệt”
4.Ơi Hương Xuân khơi tứ thơ trác tuyệt
“Ơi Hương Xuân khơi tứ thơ trác tuyệt
Hồn say sưa hớp trọn lấy Nguồn Thơm
Nuốt vào tim cơn rạo rực đang mơm
Say ngọt lịm thỏa khát hồn lãng tử.”
Khởi đầu bài thơ bằng nhóm từ “Nàng Xuân” trong khổ thơ thứ nhất, tác giả chuyển qua “Dáng Xuân” trong khổ thơ thứ hai, tiếp đến “Tình Xuân” trong khổ thơ thứ ba, rồi qua khổ thơ thứ tư, nhà thơ cũng sử dụng lại từ “Xuân” nhưng là “Hương Xuân”. Như vậy rõ ràng tác giả đã có chủ ý khi sử dụng từ “Xuân” với những nhóm từ khác nhau. Và vì thế, trong mỗi khổ thơ từ “Xuân” cũng mang những nội hàm khác nhau.
Nếu “Nàng Xuân”, “Dáng Xuân” và “Tình Xuân” đều hàm nghĩa nói đến Đức Maria, thì từ “Hương Xuân” có còn tiếp tục nói về Đức Mẹ nữa không?
Dựa theo ý trong khổ thơ thứ tư, tôi thiết nghĩ khi sử dụng từ “Hương Xuân”, tác giả không còn trực tiếp nói đến Đức Maria nữa, nhưng muốn nói về cái hiệu quả của Xuân đem đến: Hương. “Hương”, đó là cái gì tinh túy, là cao trọng, là linh thiêng, là huyền nhiệm mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận được bằng đức tin và lòng mến.
Nếu “Nàng Xuân” khơi lên bao thi tứ cho ông Si-mê-ôn, thì “Hương Xuân” lại khơi lên những tứ thơ trác tuyệt cho thi sĩ. Vậy “Hương Xuân” là ai mà cũng có thể đem đến cho tác giả một nguồn thi hứng tuyệt vời như vây?
“Ơi Hương Xuân khơi tứ thơ trác tuyệt”
Có lẽ phải lý giải câu thơ thứ hai và thứ ba, chúng ta mới giải mã được ẩn ý “Hương Xuân” mà tác giả muốn nói đến.
“Nguồn Thơm” trong câu thơ thứ hai muốn nói đến điều gì mà khiến cho tác giả phải hạ bút viết câu “Hồn say sưa hớp trọn lấy Nguồn Thơm”. Hớp trọn lấy nghĩa là không bỏ sót một chút nào cả, và hớp trọn với một cảm giác say sưa mới lạ.
Và sau khi hớp trọn lấy “Nguồn Thơm”, thi sĩ không dùng từ “nuốt vào bụng” mà lại sử dụng cụm từ “nuốt vào tim”.
Không như ông Si-mê-ôn là chỉ ao ước được nhìn thấy, được ôm siết, được hôn Chúa Hài Đồng Giêsu, nhưng ở đây tác giả còn nâng cao hơn, đi sâu hơn, đó là uống: “hớp trọn”, là ăn: “nuốt vào tim”.
Vậy làm sao thế nào để có thể “Ăn” và “Uống” được Chúa Giêsu. Thiên Chúa – Đấng Thượng Trí, Đáng sáng tạo nên con người từ tình yêu của Ngài nên Ngài quá hiểu và quá biết con người sẽ cần gì nơi Ngài. Nên chính Ngài đã thực hiện và ban cho con người thức ăn tình yêu đó: Chính là Ngài.
Như vây, rõ ràng từ “Nguồn Thơm” không nhằm mục đích chỉ một loại thức ăn hay đồ uống để chỉ hớp, chỉ nuốt vào bụng nhằm tiêu hóa với mục đích nuôi dưỡng sự sống thể lý, nhưng khi “hớp trọn” và “nuốt vào tim” “Nguồn Thơm” là để yêu mến, để đem lại sự sống cho linh hồn – sự sống đời đời. Trong Đức Tin của người Công Giáo, sự sống đời đời mà “Nguồn Thơm” đem đến chỉ có thể là: Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.
(54) Ai ăn thịt và uống máu tôi,
thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại
vào ngày sau hết,
(55) vì thịt tôi thật là của ăn,
và máu tôi thật là của uống. (Ga 6, 54-55)
Khi xưa, Đức Maria đã đem Chúa Hài Đồng Giêsu đến cho ông Si-mê-ôn và dân Do Thái; thì hôm nay, người trực tiếp đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến cho chúng ta và cho toàn thể nhân loại không phải là Đức Mẹ, nhưng là những người con của Đức Mẹ: Các Giám mục và Linh mục. Chính khi các Giám mục và Linh mục đọc lời truyền phép:
Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn:
Vì này là Mình Thầy,
sẽ bị nộp vì các con.
…
Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Thì trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu tự nhiên đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Đó chính là “Nguồn Thơm” mà nhà thơ đang diễn tả bằng những ngôn từ mang tính thi ca để nói lên một mầu nhiệm vô cùng cao cả, mà nếu không có đức tin và lòng mến, với con mắt trần đời, chúng ta sẽ không thể nào tin, hiểu thấu và cảm nhận được.
“Hồn say sưa hớp trọn lấy Nguồn Thơm”
“Nguồn Thơm” hay “Bánh từ trời”, “Bánh trường sinh” mà Thiên Chúa đã thương ban là muốn cho chúng ta được sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài muốn ban cho chúng ta được sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa chứ không phải sự sống ngắn ngủi mau qua trên thế gian này. Vì thế, Ngài muốn chúng ta phải “Nuốt vào tim” bằng tình yêu chứ không phải chỉ “nuốt vào bụng” để thỏa đói như một thức ăn bình thường. Vì “Thánh Thể” chính là tình yêu, là Con Người Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô đã hiến tế và trao ban cho chúng ta.
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu đã cảm nhận được Tình Yêu thánh thiêng này khi Chị khao khát “cơn rạo rực đang mơm” được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng mình, như lời Chị viết trong khổ thơ thứ 8 bài số 25: Ao ước bên Giê-su ẩn mình.
Ôi! Được chọn con vui xiết bao
Lúa mì trinh khiết Hạt xin trao
Giê-su con hiến dâng đời sống
Ngây ngất dịu êm tả thế nào!
Mãi mãi tình nương Ngài vấn vương
Lòng con hãy ngự, Đấng yêu thương
Ôi! Thánh Nhan chiêm ngưỡng hồn say đắm
Biến đổi con vào Đấng Thánh Vương!
Và đó chính là ý nghĩa của câu thơ:
“Nuốt vào tim cơn rạo rực đang mơm”
Cảm nhận đến đây, bất giác tôi sực nghĩ đến mình. Có bao giờ, khi ngước nhìn các Linh mục – là những “Hương Xuân” của Chúa và của Đức Mẹ – đang đọc lời truyền phép trên bánh và rượu, mà con người trần tục của tôi có đủ đức tin để xác tín đó là Mình Thánh Chúa hay vẫn thoáng chút nghi ngờ nào đó? Và có đủ lòng mến để cảm tạ Tình Yêu vô vùng cao cả đó không? Có nghĩa là tâm hồn tôi có được khơi lên những tứ thơ trác tuyệt để ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa hay không?
Nếu tôi chỉ lên rước Mình Thánh Chúa như một thói quen bình thường, làm sao tôi có thể cảm nhận được sự rung động của một trái tim đang yêu “Hồn say sưa hớp trọn lấy Nguồn Thơm” mà tôi thường đọc thấy trong hạnh các thánh.
Và nếu đã không hớp trọn lấy “Nguồn Thơm”, không “Nuốt vào tim”, nghĩa là tôi lên rước Chúa một cách khô khan, hời hợt thì làm sao tôi hiểu được nỗi đau của một Vị Thiên Chúa đang muốn trao ban tình yêu và sự sống của Ngài cho tôi “cơn rạo rực đang mơm”.
Đặt mình vào tâm trạng của một người đang yêu, đang muốn dâng hiến tất cả cái gì là tốt đẹp nhất, là tuyệt vời nhất của mình cho người mình yêu; thế nhưng, người kia lại không muốn đón nhận hay đón nhận một cách hời hời, thì thử hỏi, có sự sỉ nhục nào hơn và còn nỗi đau nào xót cho bằng.
Bất giác, tôi cảm thấy mình vô cùng có lỗi với Thiên Chúa, nếu không muốn nói là xúc phạm đến Ngài. Bởi không biết bao lần tôi đã vô cùng lơ đễnh và hời hợt trong khi lên rước Mình Máu Thánh Chúa. Ngài trao ban trọn vẹn Con Người của Ngài cho tôi, nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận chút nào tình yêu của Ngài. Vì chưa biết đón nhận Ngài, nên tôi cũng chưa bao giờ cảm nhận được trọn vẹn Mùa Xuân mà Ngài đem đến. Tôi chỉ biết đón những mùa xuân trần thế chóng qua, nhưng vẫn chưa biết đón Mùa Xuân Vĩnh Cửu, chưa biết “Đón Xuân”.
Chính vì thế mà tôi cũng chưa cảm hết được cái “Say ngọt lịm” của những tâm hồn yêu mến Thiên Chúa, những tâm hồn đã từ bỏ tất cả để qui hướng mọi sự về Ngài, những tâm hồn chỉ khát khao được chiếm hữu Ngài “thỏa khát hồn lãng tử”.
Thật là thi vị khi nhà thơ sử dụng từ “lãng tử” để liên kết với cái “Say ngọt lịm”. Nếu “Lãng tử” là những hiệp sĩ giang hồ phiêu bạt nay đây mai đó, thì ở một nghĩa nào đó, nó cũng khá phù hợp với các linh mục và tu sĩ. Linh mục và tu sĩ thật sự là những hiệp sĩ. Là hiệp sĩ, họ sẵn sàng chia sẻ và cho đi những gì họ có để giúp đỡ mọi người. Là giang hồ, khi nhận được bài sai của bề trên, thì xa mấy họ cũng đi, khổ mấy họ cũng tới, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Chỉ có niềm tin và tình yêu vào Chúa Giêsu, chỉ có kín múc được sức mạnh và sự sống từ Chúa Giêsu Thánh Thể “Say ngọt lịm”, các linh mục và tu sĩ mới có thể hào phóng “thỏa khát” cho đi cuộc đời của mình cách quảng đại như thế “hồn lãng tử”.
Và tôi chợt nhớ lại câu chuyện về việc rước Mình Thánh Chúa Giêsu:
Trong đoàn đi du lịch, hôm đó, khi cung kính lên rước lễ, tôi không biết là vị Linh mục đã trao cho tôi một lần ba “Tấm Bánh Nhỏ”, nên tôi đã sơ ý làm rơi xuống đất “Hai Tấm Bánh Cực Trọng”. Tôi vô cùng bối rối và vội vàng cúi xuống nâng lên và trao lại cho vị Linh mục để cha tiếp tục trao Chúa cho những người khác.
Sau lễ, đột nhiên có một Việt kiều ở Úc, làm nha sĩ, dáng vẻ đạo mạo, sang trọng, nom rất tươm tất, đến vỗ vai tôi và nói:
- Anh có biết lúc nãy trong nhà thờ anh đã làm một điều mất vệ sinh không?
- Ủa! tôi làm gì nhỉ?
- Anh đã lượm mấy cái bánh nhiễm trùng ở dưới đất đưa cho cha bỏ vào chén thánh, rồi cha lại tiếp tục trao những chiếc bánh đó cho người khác.
- Anh nhìn những miếng bánh nhỏ đó dưới con mắt nha sĩ, còn tôi nhìn những tấm bánh đó với con mắt Đức Tin và Lòng Mến. Đó không còn là miếng bánh nhiễm trùng, nhưng là Chúa Giêsu Kitô, mà Chúa thì không có tội, nên Ngài không bao giờ bị nhiễm trùng.
Anh này! Có bao giờ anh hôn người bạn đời của anh mà anh nghĩ rằng anh sẽ bị nhiễm trùng không?
Lạy Chúa! Lâu nay con chỉ biết “say cay đắng” trong tình đời, trong danh vọng, trong của cải, trong những thứ đam mê chết người: thâu đêm trên chiếu bạc, chìm đắm trong tửu sắc, ngật ngưỡng với nàng tiên nâu… Ôi! Những cái say đó không bao giờ thỏa mãn sự khao khát của con. Nó chỉ làm cho con ngày thêm đau khổ, ngày thêm lụn bại và ngày thêm xa Chúa. Xin Chúa hãy nâng con lên, xin Chúa ban thêm cho con Đức Tin và Lòng Mến, để con biết “Đón Xuân”, đón Tình Yêu của Ngài và để con cũng có thể thốt lên rằng chỉ có Chúa mới làm cho con:
“Say ngọt lịm thỏa khát hồn lãng tử”
5. Trên dương thế giữa cuộc đời lữ thứ
“Trên dương thế giữa cuộc đời lữ thứ
Gặp Nàng Xuân, thơ như thể gặp Tiên
Ôi khát khao chiêm ngưỡng phúc đào nguyên
Giờ thỏa ước chẳng buồn về lối cũ”.
Vừa đọc khổ thơ này, tôi đã có cảm giác nhà thơ đang kể về chuyện Từ Thức gặp tiên. Nếu đúng như vậy thì tác giả có dụng ý gì khi muốn đưa câu chuyện này vào bài “Đón Xuân”, mà nếu chưa suy nghĩ chín chắn, chúng ta sẽ thấy nó không ăn khớp với toàn bài thơ cho lắm.
Với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, các nhà thơ thường sử dụng những điển tích trong hai câu luận thứ 5 và thứ 6, nhằm mở rộng hơn ý thơ của hai câu thực thứ 3 và thứ 4. Vận dụng đặc điểm này của thơ Đường luật, thi sĩ Song Lam đã đưa tích truyện Từ Thức gặp tiên nhằm nâng người đọc lên một cảm nhận sâu hơn và cao hơn.
Trong cuộc sống tất bật hôm nay, con người có ít niềm vui nhưng lại gặp đầy khó khăn và rủi ro. Cuộc đời ngắn ngủi của mỗi người chúng ta thoảng qua như một bông hoa sớm nở chiều tàn. Người trẻ chưa cảm thấy, nhưng ai đã có tuổi sẽ cảm nhận điều này rất cụ thể và rõ ràng từng ngày một. Mới hôm nào, chúng ta còn hăng hái tranh đua, còn nhiệt tình phục vụ, còn nồng cháy yêu thương, lập kế hoạch cho dự phóng, triển khai biện pháp để phòng ngừa…
Thế nhưng qua sự thăng trầm, sự được mất, nó làm chúng ta chán ngán không còn ham tranh đua nữa. Kèm theo tuổi tác, bệnh tật, càng làm cho chúng ta giảm đi nhuệ khí phục vụ. Rồi gặp những sự bạc bẽo, vô ơn, nó khiến chúng ta không còn năng nổ để giúp đỡ hay chia sẻ. Những điều đó đã làm cho bao người mất niềm tin và không xác định đâu là cùng đích của cuộc sống. Để rồi tự hủy hoại cuộc đời của mình một cách vô nghĩa.
Vì chán ngấy cuộc đời lữ thứ và cuộc sống đầy tẻ nhạt, mà chàng Từ Thức đã từ quan để thỏa chí ngao du sơn thủy. Và chính cái tâm hồn phóng khoáng, ung dung tự tại, không muốn bị ràng buộc vào thế sự mà chàng đã có diễm phúc gặp được tiên.
“Trên dương thế giữa cuộc đời lữ thứ”
Vậy “Nàng Xuân” và “Tiên” mà tác giả muốn nói đến là ai? Nàng Xuân ở đây có giống như cô thiếu nữ đã lỡ tay làm gãy cành hoa mẫu đơn ở chùa Phật Tích năm xưa, và được chàng Từ Thức hào hiệp xin đền bằng cách trao chiếc áo mình đang mặc cho nhà chùa. Cảm kích nghĩa cử cao đẹp đó, chàng đã được các chư tiên tạo điều kiện để gặp nàng tiên Giáng Hương – cô thiếu nữ đã làm gãy cành hoa mẫu đơn – trong động núi Phi Lai và được cùng xe duyên Tấn Tần.
Có lẽ cũng đã trải qua những “lữ thứ” của cuộc đời, cho nên qua bài “Đón Xuân”, nhà thơ đã chia sẻ sự trải nghiệm của mình cho chúng ta. Nhà thơ đã gặp được “Nàng Xuân” của đời mình. “Nàng Xuân” này là người phàm nhưng còn hơn cả tiên. “Nàng Xuân” này không làm gãy cành hoa nào để nhờ chúng ta phải đền thay, nhưng “Nàng Xuân” này lại còn biết cách hàn gắn những cành hoa bị mưa sa gió táp làm bong ra, được tháp nhập lại với thân cây một cách chặt chẽ hơn xưa.
Tác giả đã xác tín rất rõ ràng “Gặp Nàng Xuân” là tác giả đã tìm được con đường giải thoát khỏi những bi lụy của cuộc trần, con đường cứu độ khỏi sự hư mất, con đường đưa đến hạnh phúc viên mãn, bởi vì “Gặp Nàng Xuân, thơ như thể gặp Tiên”.
Trong khổ thơ đầu tiên, chúng ta đã xác định được danh tánh của “Nàng Xuân”. Đó chính là Đức Maria. Đức Mẹ là người nhưng cũng có thể gọi là Tiên với nghĩa là Mẹ không vương bụi trần. Chính Mẹ là người đã đem đến cho chúng ta Mùa Xuân trong cuộc sống, một hy vọng để vươn lên, một niềm tin để thắng vượt. Mùa Xuân đó chính là Thiên Chúa.
Thánh Louis de Monfort đã nói “Nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Thiên Chúa”. Như vậy, từ “Tiên” ở đây hàm nghĩa nói đến Thiên Chúa.
Thánh Louis de Monfort có lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt. Khi tổng hợp các giáo huấn về Đức Mẹ trong 17 thế kỷ đầu của Giáo Hội, thánh nhân đã rao giảng và viết về Đức Mẹ như là “Bà đẹp đến nín thở”, là tuyệt tác của Đấng tạo hóa, là con đường chắc chắn và hiệu quả nhất để thực sự bước theo Đức Giêsu. Thực tế, có rất ít vị thánh diễn tả cách hoa mỹ và súc tích về bản chất của lòng sùng kính Đức M-ria như thánh Louis de Monfort. Thánh nhân dạy rằng: với địa vị là Thánh Mẫu Thiên Chúa và người mẹ thiêng liêng của con cái Thiên Chúa, Đức Maria là máng dẫn và Nữ trạng sư đầy ân sủng, là trái tim của Thân thể huyền nhiệm Chúa Giêsu, là dưỡng khí cho chúng ta hít thở, là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất dẫn đưa đến Chúa Giêsu và là khuôn mẫu của mọi vị thánh. Là khuôn mẫu thánh thiện cho mọi thụ tạo, Đức Maria được thánh Louis xem là Nữ Trạng Sư trong hành trình nên thánh của chúng ta.
Và câu chuyện sau đây sẽ làm cho chúng ta cảm nhận được tại sao Thiên Chúa lại ban cho chúng ta một “Nàng Xuân” – Đức Maria, để khi chúng ta biết đón nhận “Nàng Xuân” thì chúng ta mới có thể đón nhận được “Chúa Xuân”, “Chúa Tiên”, “Chúa của các thánh”.
Một lần trong giấc chiêm bao Chúa cho thánh Phanxicô xem thấy có hai chiếc thang bắc từ đất lên trời: một chiếc thang đỏ và một chiếc thang trắng. Trên đầu thang đỏ thì có Chúa Giêsu ngự, trên đầu thang trắng thì có Đức Mẹ.
Rồi Ngài thấy các thầy dòng của Ngài leo chiếc thang đỏ, leo lên trời.
Thế thì có ông leo lên được 2, 3 bậc lại trụt xuống, ông lên được đến giữa, có ông leo lên đến gần đầu thang lại trụt xuống.
Ngài lo lắng quá, tự hỏi: Có thể các thầy dòng của ngài mất linh hồn hết cả sao ?
Ngài lo sợ, cầu xin với Chúa:“Lạy Chúa, con sợ quá, sao các con cái của con không ai được lên thiên đàng”?
Chúa ở trên đầu thang đỏ chỉ sang cái thang trắng nói rằng:
“Con hãy bảo các thầy sang cái thang trắng kia mà trèo”.
Các thầy trèo thang trắng thì thấy ai cũng trèo lên được hết, dễ dàng.
“Gặp Nàng Xuân, thơ như thể gặp Tiên”
Hạnh phúc thiên đàng, hạnh phúc vĩnh cửu, đó chính là được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa, được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài và được sống trong Tình Yêu của Ngài. Vì có người con nào mà lại không cảm thấy hạnh phúc khi gặp lại cha mẹ mình sau bao năm xa cách, có người con nào lại không tự hào về những công trình kỳ diệu mà cha mẹ mình đã xây dựng nên, và có người con nào lại không cảm thấy vô cùng sung sướng khi được cha mẹ âu yếm ôm vào lòng. Thiên Chúa đối với loài người chúng ta là như thế đó. Nhưng ngoại trừ những tâm hồn đã dâng mình cho Chúa, thử còn mấy ai sống giữa trần đời khao khát niềm hạnh phúc tuyệt vời đó “phúc đào nguyên”.
Hầu hết chúng ta đều ít nhiều khao khát quyền lực, theo đuổi danh vọng, ham mê của cải, chiếm hữu hương sắc. Trong Kinh Thánh và trong lịch sử, những thứ đó, ma quỷ cũng đã từng đem ra để cám dỗ Chúa Giêsu và dụ dỗ các thánh. Những thứ đó chỉ có một giá trị vô cùng nhỏ bé và tương đối trong chốn phàm trần mà thôi. Không một ai đem được nó theo mình qua bên kia thế giới.
Đô la ư? Nó chỉ là những tờ giấy được quy ước theo mệnh giá, nó sẽ tan rã theo năm tháng bởi vì nó chỉ là tờ giấy. Vàng bạc ư? Chỉ là những miếng kim loại được ước lệ một giá trị tương đối để trao đổi. Thế giới bên kia đâu cần nó để trao đổi? Kim cương, ngọc bích ư? Cũng chỉ là những viên đá vô trí và đen đủi nếu nó không tiếp nhận được ánh sáng và cũng chẳng ai còn thấy nó đẹp khi trang sức cho một xác chết.
Thế mà chúng ta đua nhau tranh dành, thu vén, tích lũy và trân trọng gìn giữ nó đôi lúc còn hơn cả sinh mạng chúng ta. Cho nên, nhiều người đến nay vẫn còn mê muội coi như nó là hạnh phúc đích thực và họ cố công, gắng sức đạt đến và chiếm hữu cho bằng được. Tiếc thay, họ không tự lượng sức mình, chưa đánh giá được tuổi thọ mình có, chưa biết được những cái bẫy của ma quỷ, nên chưa biết khao khát cái hạnh phúc được “chiêm ngưỡng phúc đào nguyên”.
“Ôi khát khao chiêm ngưỡng phúc đào nguyên”
Điều này đã được Chúa Giêsu nhắc nhớ trong Tin Mừng Thánh Luca:
(16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!" (18) Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!" (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ vê tay ai?" (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó". (Lc 12, 16-21)
Thế nhưng với những tâm hồn thanh khiết, họ phát hiện ra những cái bẫy vô cùng tinh vi và quỷ quái của ác thần. Họ đã vui lòng và tình nguyện từ bỏ tất cả sự đời để lên chốn thiên thai, để gặp “Tiên”, gặp Đấng mà họ yêu mến, Đấng thực sự đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho họ không chỉ ở đời sau mà còn ngay ở đời này.
Không như chàng Từ Thức đã gặp được tiên mà lại còn lưu luyến trần đời, chàng quyết định quay về trần đời để thăm lại làng xóm thân thương, nhưng rồi chàng đã mất tất cả. Không một ai nơi quê cũ làng xưa còn nhận biết chàng, và chàng cũng mất luôn nàng tiên xinh đẹp của đời mình, khi đường lên thiên thai đã mất dấu.
Các đan sĩ Công Giáo, những người đã từ bỏ những niềm vui trần đời để chọn cuộc sống thanh đạm. Họ có một tâm hồn đơn sơ và tâm nguyện thật thanh khiết. Dù thiếu thốn, dù vất vả vì những khó khăn trong cuộc sống, nhưng họ rất bình an và thanh nhàn, nên không mấy ai muốn quay về trần đời “chẳng buồn về lối cũ”. Hằng ngày sau những giờ lao động, họ lại đến gặp gỡ và trò chuyện cùng “Tiên” của họ. Họ đã tìm được một điều gì đó vô cùng linh thánh, vô cùng sâu lắng mà chính bản thân họ cảm nhận được khi gặp “Tiên”. “Tiên” là hạnh phúc mà đời họ mơ ước “Giờ thỏa ước”.
“Giờ thỏa ước chẳng buồn về lối cũ”.
6. Ơi Nàng Xuân tỏa hương yêu quyến rũ
“Ơi Nàng Xuân tỏa hương yêu quyến rũ
Luyến hồn thơ buông hết chuyện trần đời
Vui ngày ngày theo Xuân đến Nguồn Khơi
Lên cung quảng lắng hồn trong Nguyệt Điện”.
Ngay khi đọc câu thơ “Ơi Nàng Xuân tỏa hương yêu quyến rũ”, tôi sực nhớ đến truyện phim Mùi Hương, như là một sự so sánh, tuy rằng sự so sánh này khá khập khiểng, nhưng phần nào nó lột tả được cái tinh túy của hương chứ không phải cái nồng nặc của mùi.
Mùi hương: Chuyện một kẻ giết người (tiếng Đức: Das Parfum: Die Geschichte eines Mörders) là tên tiểu thuyết đầu tay của Patrick Süskind xuất bản lần đầu tại Đức năm 1985. Truyện xoay quanh Jean-Baptiste Grenouille, một người học nghề nước hoa sống tại Pháp vào thế kỷ 18, cùng chuyến hành trình đi tìm mùi hương tối thượng, tinh khiết nhất từ các trinh nữ, những người sẽ bị Grenouille truy sát.
Trên đường tìm kiếm cách thức chế tạo và bảo quản mùi hương, Grenouille đã đến Grasse. Khi vừa đặt chân đến Grasse, hắn đã bị mê hoặc bởi mùi hương của cô gái tên Laure, nhưng hắn cho rằng cô bé còn quá nhỏ và quyết định chờ thêm hai năm để nắm lấy mùi hương chín mùi nhất của cô.
Hắn tin rằng để tạo ra mùi hương tối thượng phải là mùi hương của Laure với những cô gái khác. Lẳng lặng, hắn lần lượt giết chết 24 trinh nữ xinh đẹp ở nơi đó và tóm lấy mùi hương của họ, gây nên nỗi kinh hoàng khắp nơi. Các nạn nhân đều bị lột trần, cạo sạch sẽ và tuyệt nhiên vẫn còn trinh tiết.
Sau hai năm án mạng xảy ra và xâu chuỗi lại các dữ kiện, cha Laure nhận ra con gái mình, thiếu nữ đẹp nhất thành phố và đã đến tuổi dậy thì, nhiều khả năng sẽ là nạn nhân tiếp theo. Ông đem con đi trốn nhưng cũng không thoát được khứu giác sắc bén của Grenouille; cô gái cũng bị chịu cùng một số phận như 24 cô trinh nữ trên.
Không lâu sau khi hoàn thành nước hoa của mình, hắn đã bị bắt và bị tuyên án tử hình. Hôm thi hành án, hắn để cho nước hoa tối thượng của mình, tổng hợp mùi hương của 25 cô gái, toả khắp nơi khiến tất cả mọi người đê mê và choáng ngợp. Đám đông đã biến buổi hành hình thành "một buổi cuồng lạc lớn nhất thế giới từng được chứng kiến từ thế kỷ 2 trước Công nguyên".
Người thợ cả mà Grenouille làm việc cho đã bị hành hình thay cho hắn. Thêm nữa, hắn còn được miễn tội và cha của Laure còn muốn nhận hắn làm con nuôi. Tuy nhiên, hắn cảm thấy không thể chịu nổi khi phải sống với con người.
Grenouille quay lại Paris và tại đây, hắn gặp một nhóm người "cặn bã xã hội" gồm có kẻ cướp, sát nhân, gái điếm,... Hắn đổ tất cả nước hoa lên người mình để cho đám người chú ý. Bị choáng ngợp với nỗi thèm thuồng không cưỡng lại nổi, đám người đó lao đến Grenouille, xé xác hắn thành từng mảnh và ngoạm hết chúng. Khi mùi hương phai đi, ai nấy ban đầu đều cảm thấy ghê tởm vì đã ăn thịt người nhưng đồng thời cũng thấy hạnh phúc lâng lâng, tự hào vì "lần đầu họ đã hành động vì tình yêu".
Grenouille đã chế tạo một mùi hương tổng hợp từ xác chết của các trinh nữ. Tuy nhiên, mùi hương đó dù có thơm cách mấy, có quyến rũ đến cỡ nào thì vẫn không thể là mùi hương của những trinh nữ tràn đầy sức sống. Mùi hương đó sẽ không bao giờ là hương thơm tự nhiên của sự sống. Bởi vì nó đã trải qua những sự pha chế phức tạp với sự bảo quản cầu kỳ, và xét cho cùng đó vẫn là mùi của cái chết chứ không phải là hương của sự sống.
“Nàng Xuân” trong bài thơ của thi sĩ Song Lam khác hẳn các trinh nữ đã bị Grenouille thảm sát. Nàng không có mùi nhưng chỉ có Hương. Hương của Nàng là hương của sự vô nhiễm không vương tội truyền. Hương của Nàng là hương của một tình yêu vô cùng trong sáng và thanh khiết. Hương của Nàng là hương của một đời sống đức hạnh và thánh thiện. Và điều quan trọng hơn cả, là hương của Nàng phát xuất từ Nguồn Thơm Tuyệt Đối. Vì thế, hương của nàng không có mùi mà chỉ có thơm, hương thơm đó tồn tại mãi trong không gian và thời gian chứ không tan loãng và mất đi như mùi hương mà Grenouille đã chế tạo.
Trong khi mùi hương của Grenouille kích thích khứu giác, tạo nên những ảo khứu như một loại ma túy khiến cho người nào hít phải đều bị cuồng loạn trong sắc dục và cuối cùng, chính anh ta bị giết chết vì mùi hương đó. Thì ngược lại, Hương của “Nàng Xuân” làm cho tâm hồn con người bay lên với những gì là thanh khiết, là đức hạnh, là ân sủng, là tình yêu, và nhất là hương của “Nàng Xuân” đem con người đến sự sống đời đời.
Cho nên “hương yêu” của “Nàng Xuân” tuy nhẹ nhàng nhưng lại có một sức lôi cuốn đến kỳ lạ. Hương đó quyến rũ tất cả nam thanh nữ tú, không phân biệt tuổi tác, không phân cấp sang hèn, không phân ngôi phẩm trật,… không phải để đưa họ vào một sự thác loạn nhưng đem tất cả mọi người đến hạnh phúc Nước Trời trong một bữa tiệc Tình Yêu.
“Ơi Nàng Xuân tỏa hương yêu quyến rũ”
Với khứu giác bén nhạy của mình, Grenouille đã không chịu nổi các mùi của con người, nên anh ta chỉ muốn sống biệt lập và xa cách con người. Bởi vì mùi của mỗi người đều ít nhiều vương tội, nên nó không thể nào thuần khiết đủ để thỏa mãn sự khao khát của anh.
Trong khi đó, hương của “Nàng Xuân” phát xuất từ Thiên Chúa. Hương thanh khiết từ Đấng Thánh Thiêng Tuyệt Đối không có bụi trần. Cho nên “Nàng Xuân” – Đức Mẹ không xa lánh, không sống tách biệt với người trần mà sống hòa nhập với người trần để đem cái hương của Thiên Chúa hóa giải cái mùi của trần tục, hầu giúp mọi người đều tỏa hương công chính, hương công bình, hương bác ái, hương yêu thương, hương tha thứ… như Mẹ.
Chính vì thế mà những tâm hồn thanh khiết, có đức tin và lòng mến, nghĩa là họ có “hồn thơ”, nhận chân ra được hương thơm đích thực của tình yêu và sự sống vĩnh cửu “Luyến hồn thơ”, đã mạnh dạn và dứt khoát không để những chuyện vặt vãnh đời thường làm ảnh hưởng đến niềm vui sâu lắng, và sự bình an thanh thoát trong tâm hồn họ.
“Luyến hồn thơ buông hết chuyện trần đời”
Niềm vui của những tâm hồn đang yêu, đang khát khao một hạnh phúc viên mãn phải chăng là ngày ngày cùng với Nàng Xuân – Mẹ Maria, đến gặp gỡ Đấng là Tình Yêu, Đấng là hạnh phúc cho tất cả mọi loài thọ tạo, Đấng khơi lên bao tứ thơ, bao ý nhạc, bao sự sáng tạo, bao sự yêu thương, bao sự nâng đỡ và chia sẻ cho nhau “Nguồn Khơi” để ca tụng và tạ ơn những kỳ công mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta.
Niềm vui của chúng ta là niềm vui trong mỗi ngày chứ không phải là thú vui trong một đêm trung thu, mà đạo sĩ La Công Viễn (Diệp Pháp Thiện) sử dụng phép tiên dùng giải lụa trắng, hóa thành một chiếc cầu đưa vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng thưởng ngoạn.
Từ “Xuân” trong câu thơ này không chỉ nói đến “Nàng Xuân”: Đức Mẹ, nhưng còn ngụ ý nói đến “Hương Xuân”: các Linh mục. Chính ngày ngày, qua hy tế thánh lễ, các Linh mục không dùng phép tiên, nhưng dùng quyền năng của Chúa Thánh Thần để đem chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Nguồn Khơi”.
“Vui ngày ngày theo Xuân đến Nguồn Khơi”
Chúng ta có thể theo “Xuân” đến đâu để gặp Chúa? Đương nhiên chúng ta có thể gặp Chúa bất cứ nơi đâu vì Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài hiện diện trong tất cả mọi loài thọ tạo, nhưng cách đặc biệt trong mỗi con người.
Để cảm nhận tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong các thọ tạo mà Ngài đã dựng nên. Mỗi người phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường mình đang sống: một chút ý thức vệ sinh, một chút ý thức chấp hành luật giao thông, một chút ý thức tôn trọng nhân phẩm,... sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong cuộc sống thường ngày. Và vươn xa hơn, chúng ta có thể gặp gỡ để chia sẻ, nâng đỡ những ai đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn không những về vật chất mà còn về cả tinh thần.
Sau những công việc lao động thường ngày, một số người trong chúng ta thường hay tìm cách thư giãn thâu đêm trong những quán karaoke hay tham dự những buổi ca nhạc suốt sáng “Lên cung quảng” được tổ chức hoành tráng trong những trung tâm tổ chức sự kiện “Nguyệt Điện” như ngày xưa Đường Minh Hoàng lên cung Quảng Hàn để thưởng thức khúc “Nghê thường vũ y” của các nàng tiên trong nguyệt điện.
Nhưng sau những công việc tình yêu giúp nhau qua lao động phục vụ, chúng ta không thể nào từ bỏ việc gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa. Đó là những giây phút chúng ta thưa chuyện với Ngài. Đó có thể là với tượng thánh giá nho nhỏ trên đầu giường hay các tượng thánh trên bàn thờ trong gia đình. Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là đến nhà nguyện hoặc nhà thờ, nơi có đặt Mình Thánh Chúa, nơi Ngài hiện diện một cách hữu hình “Lên cung quảng”. Để từ đó chúng ta có thể trao trút tất cả mọi sự cho Ngài “lắng hồn”, từ niềm vui đến nỗi buồn, những thành công và thất bại, kể cả những dự phóng cho tương lai làm chúng ta lo lắng và mất bình an.
Hãy tín thác vào Tình yêu của Ngài, hãy “lắng hồn” trong Lòng Thương Xót của Ngài “Nguyệt Điện” lo liệu, nâng đỡ, soi sáng và hướng dẫn. Phần chúng ta hãy cứ bình yên thả giấc trong vòng tay yêu thương của Người Cha Nhân Lành. Hãy ưa thích và thường xuyên đến hầu chuyện với Ngài. Và hãy luôn nhớ rằng: không chóng thì chầy, mỗi người đều phải lên Thiên đàng gặp Chúa “Lên cung quảng” để được hưởng hạnh phúc “lắng hồn” trong vòng tay yêu thương của Ngài “Nguyệt Điện”.
Cho nên khi đến gặp gỡ Chúa, tâm sự vói Ngài, chúng ta đừng bao giờ tính toán thời gian, chi li thời khắc. Nếu hai người yêu nhau, ao ước đến với nhau, mà khi đến với nhau lại so đo từng giây phút vì uổng việc này tiếc việc nọ, thử hỏi làm sao họ cảm nhận được tình yêu và hạnh phúc bên nhau
Ước mong sao mỗi người biết quảng đại thời gian với Thiên Chúa, biết trao lại cho Ngài thời gian của đời sống mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta.
“Lên cung quảng lắng hồn trong Nguyệt Điện”
7. Thay lời kết
Theo tôi, có thể nói “Đón Xuân” là một trong những bài thơ rất hay của thi sĩ Song Lam khi lấy thi hứng từ câu Lời Chúa “Vì chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ” (Lc 2, 30), để qua tâm tình của ông Si-mê-ôn mà diễn tả cảm xúc của mình.
Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở chỗ diễn tả cảm xúc đón xuân, nhưng đó là tâm tình ca tụng Thiên Chúa và ngợi khen Đức Mẹ. “Đón Xuân” chính là Đón Thiên Chúa và Đón Mẹ Maria vào trong tâm hồn của mình. Một khi đã có Chúa và có Mẹ ở với chúng ta thì nơi đâu cũng có Xuân, mùa nào cũng là Xuân và mỗi giây phút trong cuộc sống của chúng ta đều là Xuân. Nó không còn chán nản, không còn bi lụy, không còn khắc khoải, không còn lo âu; nhưng nó luôn luôn là niềm vui, là tín thác, là hy vọng, là yêu mến. Khi đó mỗi người chúng ta sẽ trở thành một nàng xuân cho mọi người.
Để thay cho lời kết, chúng ta cùng đọc hạnh tích của một nàng xuân, do Linh mục Trăng Thập Tự chuyển dịch.
Chinh phục trong hy sinh: Elisabeth Léseur
Elisabeth Léseur (16/10/1866–03/5/1914), tên thật là Pauline Elisabeth Arrighi, nổi danh với quyển nhật ký tâm linh và cuộc trở lại của chồng bà là ông Félix Léseur (1861–1950), một bác sĩ y khoa và là một lãnh tụ của phong trào vô thần chống giáo sĩ tại Pháp. Hồ sơ phong thánh cho bà đã được tiến hành từ năm 1934 và hiện bà đã được nhìn nhận là một Tôi Tớ Chúa.
- Hôn nhân và thách đố đức tin
Elisabeth sinh tại Paris trong một gia đình thượng lưu Pháp miền Corse. Năm 1887, bà gặp ông Félix Léseur (1861–1950), cũng xuất thân từ một gia đình Công Giáo giàu có. Chỉ ít lâu trước lễ cưới bà mới khám phá ra rằng Felix đã bỏ đạo.
Ông Felix Léseur vẫn hành nghề bác sĩ nhưng đã sớm nổi danh là chủ bút một tờ báo vô thần chống giáo sĩ ở Paris. Mặc dù ông đã thề hứa tôn trọng niềm tin tôn giáo của vợ, nhưng lòng căm ghét đạo Công Giáo đã khiến ông đổi thái độ. Ông tìm mọi dịp công kích, lung lạc và chế giễu đức tin của vợ.
Qua hồi ký của ông, ông Felix cho biết những cố gắng của ông nhằm “khai sáng” cho Elizabeth có lúc đã gần thành công. Ông đã khuyên Elizabeth đọc quyển sách của Ernest Renan tựa đề “Cuộc đời Giêsu”, hy vọng rằng cuối cùng nó sẽ đập tan những tin tưởng Công Giáo còn sót lại. Thế nhưng ông cho biết, ngược lại, bà đã phát chán với thực chất nghèo nàn của những luận cứ trong cuốn sách, và quay sang miệt mài đào sâu về tôn giáo của bà hơn.
Chẳng bao lâu, nhà họ chất thành hai thư viện đối nghịch. Một bên là sách biện minh cho chủ nghĩa vô thần, còn bên kia là sách hạnh các thánh và sách trình bày những luận chứng ủng hộ Chúa Kitô và Hội Thánh Công Giáo. Ông Felix bẽ bàng nhận ra rằng những thách đố ông đưa ra để triệt hạ đức tin bà lại khiến bà không những bám sâu hơn vào những tin tưởng sẵn có mà còn trở nên sốt sắng hơn và quyết tâm nên thánh.
- Nỗi khổ đau và lời tiên báo của Elisabeth
Những khác biệt tôn giáo của đôi bạn thành một gánh nặng đè lên quan hệ giữa hai vợ chồng, nhất là đối với bà Elisabeth. Bà ghi lại trong nhật ký nỗi khổ đau cay đắng bà phải chịu “khi rất nhiều buổi tối phải ngồi nghe chồng và bạn hữu chồng họp nhau chế diễu, công kích và phê phán đức tin của tôi và các thực tại tâm linh”. Sự căng thẳng càng thêm nặng nề vì họ lấy nhau đã lâu mà không thể có con, đang khi Elisabeth phải thường xuyên mệt mỏi chiến đấu với những tật bệnh thể lý. Trong nhật ký, bà ghi rõ bà đã chịu tất cả những đau khổ ấy với xác tín mãnh liệt rằng “đau khổ là dạng hành động cao nhất, là cách cao nhất để diễn tả mầu nhiệm các thánh thông công, và rằng khi đau khổ người ta yên tâm không sợ lầm lỗi (như là đôi lúc người ta vẫn lầm lỗi khi hoạt động) – yên tâm rằng mình đang hữu ích cho tha nhân và cho những mục tiêu cao cả mình đang khát khao phục vụ.”
Hai năm trước khi bà Elisabeth chết, có lần hai vợ chồng ngồi trao đổi với nhau, chia sẻ về chuyện người này sẽ làm gì sau khi người kia chết. Bà Elisabeth quả quyết: “Em tuyệt đối tin chắc rằng một khi anh trở về với Chúa, anh sẽ không dừng lại nửa đường, vì tính anh chẳng bao giờ làm việc nửa vời… Rồi một ngày kia, anh sẽ là linh mục”. Nghe vậy, ông Felix đáp lại: “Elisabeth à, em biết rõ lòng anh. Anh đã thề căm thù Thiên Chúa thì anh sẽ sống trong sự căm thù ấy và sẽ chết trong sự căm thù ấy”.
Hai năm cuối đời bà, thấy bà chết dần mòn với chứng ung thư ngực, ông Felix không thể giúp gì nhưng rất cảm kích trước sức mạnh thâm sâu bà có được nhờ cuộc sống tâm linh của bà: “Khi tôi thấy nàng đau ốm đến thế và thấy nàng bình thản chịu đựng cơn bệnh mà bình thường vẫn hay khiến bệnh nhân mắc chứng nghi bệnh, mất kiên nhẫn và dễ cáu kỉnh, tôi đã rất cảm kích khi thấy linh hồn nàng có thể làm chủ xác thân nàng đến thế, và biết rằng nàng có được sức mạnh khác thường ấy là do những xác tín của nàng, tôi đã thôi không còn công kích những xác tín ấy nữa.”
- Cuộc sống thầm kín của Elisabeth và những hoa quả
Sau khi bà chết vì ung thư năm 1914, ông Félix tìm thấy nơi những trang giấy của bà một ghi chú nhắm thẳng đến ông: "Năm 1905, em đã nài xin Thiên Chúa tối cao gửi cho em đủ đau khổ để trả giá cho linh hồn anh. Ngày em chết chính là ngày em trả xong giá ấy. Không người phụ nữ nào có được tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì chồng mình.”
Bác sĩ Léseur xem đó chỉ là chuyện giàu tưởng tượng của một phụ nữ đạo hạnh. Tuy nhiên, ông cũng kinh ngạc khám phá ra rằng những nỗ lực tâm linh của Elisabeth còn bao gồm cả một khối lượng rất lớn những thư từ trao đổi với rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, chuyện mà trước đó ông không hề biết. Trong những ngày cuối đời bà, nhiều người trong đám người ông không quen biết ấy đã đến thăm và rất đông người đến canh thức cầu nguyện trước ngày tang lễ. Đông đến nỗi một linh mục đã hỏi ông Felix: “Bà nhà là ai vậy? Tôi chưa bao giờ thấy một đám tang như thế.”
Sau tang lễ, ông Felix quyết định viết một cuốn sách bài bác các phép lạ Lộ Đức. Thế nhưng khi ông đến thăm Lộ Đức, nhìn lên tượng Đức Mẹ Maria và suy nghĩ về “vẻ đẹp thiên đàng” của linh hồn vợ mình, ông đã hiểu ra rằng “nàng đã chấp nhận chịu đau khổ như thế và dâng những đau khổ lên Chúa chính là để cho tôi được ơn trở lại.” Khi nhận ra cuộc sống của bà chẳng khác nào một bức ảnh về Chúa Kitô, Đấng cũng chịu đau khổ cho chính ông được ơn cứu rỗi, những tin tưởng của ông Felix vào chủ nghĩa vô thần hoàn toàn sụp đổ. Ông quay về với đức tin Công Giáo mà ông đã được dạy khi còn thơ ấu và bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc những bút ký tâm linh của vợ ông, những điều bà đã khởi sự viết từ năm 1899 cho tới khi bà chết.
- Di sản
Thế rồi ông Félix đã xuất bản quyển nhật ký của vợ, và mùa thu 1919 ông vào Nhà Tập dòng Đa Minh. Ông thụ phong linh mục năm 1923 và suốt hai mươi bảy năm còn lại của đời mình, ông đã dành khá nhiều thời giờ để công khai nói về những bút ký tâm linh của vợ ông. Chính ông đã góp phần để mở hồ sơ xin phong chân phước cho bà Elisabeth.
Suy nghĩ về cuộc sống của vợ mình, cha Felix nhớ lại rằng có lần bà đã viết nơi một quyển sách của cô em bà: “Bất cứ linh hồn nào vươn mình lên cũng nâng cả thế giới lên theo.” Bình luận về chuyện ấy, cha Felix thêm: “Chính với tư tưởng sâu sắc ấy, nàng đã tự định nghĩa mình”.
Bình luận về cuộc đời bà Elisabeth Léseur, Tiến sĩ Robin Mass nói: “Đó là một cuộc sống đã hoán cải một cuộc sống khác, đúng hơn, có lẽ nhiều cuộc sống khác, bởi lẽ cuộc sống ấy đã sẵn lòng mở ra để nơi bà và qua những đau khổ và mất mát riêng của bà, Thiên Chúa có thể bày tỏ tình âu yếm của Ngài."
Qua hạnh tích của Elisabeth Leseur, rõ ràng ông Félix Léseur đã gặp được nàng xuân của đời mình, và qua nàng xuân, ông cảm được hương thơm của sự hy sinh, nhẫn nhục và cầu nguyện. Chính nhờ những hương thơm đó mà ông đã được ơn hoán cải, được gặp lại Thiên Chúa mà bấy lâu ông chống đối và khước từ. Còn hơn thế nữa, ông đã trở thành một Linh mục của Ngài.
Ước mong sao chúng ta sẽ là những công chúa, những hoàng tử của Đức Maria, bởi vì tất cả chúng ta đều là con của Mẹ. Chúng ta phải noi gương Mẹ, phải là những nàng xuân, những chàng xuân đem Chúa đến với mọi người. Để khi mọi người gặp chúng ta cũng như thể gặp Tiên: gặp Thiên Chúa. Phải làm sao đừng để mọi người gặp chúng ta là gặp hiểm độc của sự dữ, gặp hãm hại của ác thần, gặp lừa đảo của ma quỷ. Nhưng khi gặp chúng ta là họ gặp được sự cảm thông, nâng đỡ và tôn trọng với tất cả lòng yêu mến.
“Gặp Nàng Xuân, thơ như thể gặp Tiên”
Bình Nhật Nguyên