FB Nguyễn Hưng - Giáo dân ở giáo xứ Hoà Khánh (trước 1975 là giáo xứ Phước Thành)-TP Đà Nẵng-bây giờ, nhiều khi chỉ biết, cố linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, là người đã xây dựng ngôi nhà thờ hiện tại năm 1974, và không chỉ lúc đó, mà cho đến tận bây giờ, vẫn được xem là ngôi nhà thờ Công giáo có kiến trúc hiện đại vào hàng bậc nhất khu vực miền trung. Còn giáo dân đã từng ở giáo xứ này trước 1975, giờ tứ tán khắp nơi, nhiều khi, chỉ nhớ đến ông là linh mục quản xứ từ 1964 đến 1975, có diện mạo khôi ngô với đôi mắt sáng trưng và nghiêm khắc...
Triển khai dự án làm sách nhà thờ Công giáo, tôi không chỉ chụp hình nhà thờ, mà còn phải đào sâu tìm hiểu lịch sử của từng giáo xứ. Khi đào sâu tìm hiểu lịch sử của từng giáo xứ, tôi đã phải tìm đọc nhiều loại tài liệu và ghi chép đủ thứ chuyện kể khác nhau. Trong đó, có tài liệu và chuyện kể về công đức-đóng góp cho cả đạo lẫn đời-của rất nhiều Mục Tử ở từng giáo xứ. Có rất nhiều Mục Tử, khi tìm hiểu sâu vào, tôi đã phải thực sự khâm phục.
Cố linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, là người khiến tôi thực sự khâm phục như thế.
Chưa có thời gian viết lại theo tổng hợp của mình, ở đây, tôi đăng lại bài viết của linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng về cố linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn. Tôi hy vọng, những ai đang là hay từng là giáo dân của giáo xứ Hoà Khánh, qua đây, sẽ biết thêm về vị Mục Tử nhân lành của mình. Và tôi hy vọng, ngay cả những người ngoại đạo, đọc bài viết này, cũng sẽ phần nào hiểu thêm về đời sống của một Mục Tử Công Giáo...
VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI
LINH MỤC THI SĨ NGUYỄN XUÂN VĂN
Những hồi ức về cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn từ sau khi ngài thụ phong linh mục, hẳn sẽ có nhiều người viết, và người ta sẽ có thể dựa vào những hồi ức ấy để dựng lại mấy chục năm cuộc đời hoạt động của ngài. Còn về thời niên thiếu, những năm tháng ở gia đình, ở tiểu chủng viện và cả ở đại chủng viện, hiện chỉ còn một ít người biết được. Ngoài những vị đồng niên đồng tuế, có lẽ các nghĩa tử của ngài có thể biết được nhiều điều do ngài kể lại. Tuy nhiên người đã được nghe ngài kể nhiều hơn hết có lẽ là vị linh mục trẻ ngài rất yêu thương, chung sống với ngài lâu năm nhất, từ khi còn là chủng sinh, là thầy giúp xứ cho đến khi làm cha phó của ngài. Đó là cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (Ngài hiện là giám mục Gp Ban Mê Thuột - chú thích của VTCG).
Phần tôi, để đóng góp một chút nhỏ, trong những lần về thăm Tuy Hoà, năm 1994 và 1995, tôi đã ghi âm một số buổi nói chuyện trong giờ cơm trưa với ngài. Cha Bản và tôi đã cùng sắp xếp để nêu những câu hỏi theo từng vấn đề, nhờ đó đã thu lượm được một số chi tiết rất đáng nhớ. Dựa vào những điều đã ghi được và kết hợp với một số nguồn khác[1], tôi xin ghi lại đây bản thảo sơ khởi về con người và cuộc đời của ngài, như cắm một số cột mốc cho người sau dễ viết.
I. QUÊ NHÀ VÀ GIA ĐÌNH
Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn sinh ngày 01.09.1922 tại thôn Mỹ Thành (nay là Mỹ Đức), xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, thuộc giáo xứ Đồng Dài. Những linh mục đã phụ trách Đồng Dài mà cha Xuân Văn còn nhớ được là cha Quyển, cha Hoá, cha Mân. Địa sở Đồng Dài có nhiều họ nhánh. Khi cha Xuân Văn còn nhỏ, Đồng Dài có khoảng 4000 giáo dân, về sau, trước thế chiến thứ hai, chỉ còn khoảng 500 giáo dân (Tại sao?).
Thân sinh là ông Antôn Nguyễn Vị (1887 – 1952) và bà Maria Lê thị Báu (1890 – 1926), những giáo dân đạo đức và gương mẫu. Ông bà sinh được sáu người con: Nguyễn thị Đường (chết năm 17 tuổi), Isave Nguyễn Thị Đệ (chết năm 36 tuổi), Marta Nguyễn Thị Thi (chết năm 39 tuổi), Nguyễn Xuân Ba (chết lúc 2 tuổi), Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn và Anna Nguyễn Thị Thơ (bà Phòng).
Xuân Văn vừa lên 4 tuổi thì mẹ được Chúa gọi về. Sống cảnh gà trống nuôi con, người cha đã can đảm lo lắng cho các con đầy đủ mọi phương diện. Vì thương con, cụ chọn một người kế thất đã quá thời sinh nở. Bà kế mẫu rất thương Xuân Văn và anh chị em. Anh chị em gọi bà kế mẫu là “Chín”. Xuân Văn bị ghẻ, mỗi lần mẹ kế xức thuốc ghẻ cho, Xuân Văn lại vòi tiền và bà luôn chiều ý.
Cụ Vị khi nhỏ giúp việc cho cha Niên, một linh mục già tốt lành, đầy tình thương. Dù chỉ biết một ít chữ Nho, một ít chữ Nôm, một ít chữ quốc ngữ nhưng cụ rất thích đọc sách. Cụ giáo dục con cái và xử thế rất hay. Nhà nghèo nhưng cụ rât có chí lo cho con đi học. Cụ mua sách vở cho con cái đọc: Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Minh tâm bảo giám, Hạnh các thánh, Sấm truyền cũ…
Từ khi Xuân Văn còn nhỏ, cụ vẫn để Xuân Văn ngủ chung, chia sẻ tâm tình rất thân mật. Ngay cả khi đã là sinh viên thần học, mỗi lần về gia đình, Xuân Văn vẫn nằm ngủ chung phản với cha, nghe cha tỉ tê tâm sự, kể nhiều chuyện đời và khuyên nhủ. Xuân Văn không quên được những lần đang ngủ, và có khi vẫn còn thức, mà được cha ôm hôn, nựng nịu. Do đó, đối với Xuân Văn, tình cha rất sâu đậm. Tuy nhiên, tình thương ấy không phải là chiều chuộng uỷ mị. Tình thương của cụ Vị rất đặc biệt, cụ vừa nhân từ vừa có uy cho nên con cái vừa yêu mến vừa kính sợ. Cả khi đã chịu chức Tư, Xuân Văn vẫn còn sợ cha. Ngay cả lúc đã 50, 60 tuổi, mỗi lần nằm mơ thấy cụ thân sinh, cha Xuân Văn vẫn còn thấy lòng đầy yêu mến kính sợ.
Việc giáo dục đức tin trong gia đình rất nghiêm túc. Tối nào cụ Vị cũng cho cả nhà đọc kinh, lần chuỗi. Sáng nghe chuông nhà thờ, cụ gọi cả nhà dậy lần chuỗi rồi mới đi lễ (Nhà cách nhà thờ khoảng 600 mét, đường nhà quê rất tối). Thói quen lần chuỗi đã ăn sâu, cho nên hồi nhỏ, dù khi trọ học xa nhà, chỉ có một mình, Xuân Văn vẫn lần chuỗi. Nếu lỡ ngủ quên, khi tỉnh dậy, lại lần tiếp.
Cụ Vị rất có kỷ cương, răn dạy nghiêm khắc. Dù khi Xuân Văn đã học thần học mà có lỡ lời, ăn nói thiếu đứng đắn, cụ cũng sửa dạy ngay.
Cuối đời, cụ Vị bị đau bao tử nặng, lại thêm bệnh gan. Lúc đó, gia đình đã chuyển về giáo xứ Đồng Quả. Xuân Văn vẫn luôn cầu xin cho mình được có mặt bên cạnh cha lúc cha lâm chung và đã được toại nguyện. Cụ lâm trọng bệnh vào kỳ hè 1952. Xuân Văn được săn sóc cụ hai tháng trước khi cụ qua đời.
Trên giường bệnh, cụ hôn ảnh thánh giá, rồi bảo Xuân Văn đưa tượng Đức Mẹ cho cụ hôn kính. Đưa lên môi hôn xong, cụ lắc đầu hỏi:
– Sao không đưa cho cha Ly làm phép?
Cha Ly là cha sở Đồng Quả lúc đó. Pho tượng nói đây, Xuân Văn đã mua từ ba năm trước và quên xin linh mục làm phép. Làm sao chỉ bằng sự hôn kính mà cụ có thể nhận ra có sự khác biệt giữa một pho tượng chưa làm phép với những đồ thờ đã làm phép?
Có lúc cụ chỉ về phía sau lưng và nói:
– Quỷ Satan nó đứng rình đó con!
Xuân Văn an ủi cụ:
– Cha đừng sợ!
Cụ quay nhìn ảnh Đức Mẹ và nhìn mãi. Cụ kêu tên cực trọng “Giêsu, Maria, Giuse” liên lỉ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
II. ƠN GỌI
Mất mẹ lúc 4 tuổi, trong ký ức Xuân Văn, tất cả hình ảnh về mẹ chỉ còn là một phụ nữ có mái tóc dài rất đẹp. Thế nhưng ảnh hưởng của người mẹ trên Xuân Văn rất lớn. Khi mang thai Xuân Văn, bà đã hứa dâng con cho Chúa. Trước khi qua đời, dù Xuân Văn là người con trai duy nhất còn lại, bà vẫn dặn chồng:
– Tôi đã dâng nó cho Chúa, anh nhớ lo cho nó “đi nhà trường”.
“Mẹ tôi đã bắt cha tôi hứa điều ấy. Như vậy, điều quý báu nhất mẹ tôi để lại cho tôi là đã định cho tôi một hướng đi.”
Cụ Vị hết sức dè giữ để bảo vệ mầm ơn gọi cho con trai. Cụ không cho Xuân Văn dự đám cưới của các chị. Khi cô em lấy chồng, Xuân Văn đang giúp xứ tại Đồng Quả, chỉ cách nhà hai cây số mà cũng không được về dự. Mỗi lần Xuân Văn hỏi chuyện vợ chồng, cụ gạt liền: “Mầy đi tu mà hỏi chi chuyện đó!”. Cụ mua cho con cái sách giáo lý, sách kinh, sấm truyền cũ, và dùng chính những sách ấy để dạy cho con cái học vần và tập đọc. Trước khi vào Tiểu Chủng Viện, Xuân Văn đã đọc đi đọc lại bộ hạnh các thánh của cha Phaolô Quy, gồm 4 quyển cho cả năm, cũng như các chuyện hay trong Sấm Truyền Cũ, các chuyện thơ về thánh Alêxù, Gioan Lều, xúc động và khóc ròng.
– Tôi thấy nó ảnh hưởng ghê, cha ạ! Tôi ước mong bây giờ các cha tìm cách viết hạnh các thánh cho thiếu nhi có mà đọc. Được đọc khi nhỏ, sẽ nhớ dai lắm!
Năm 1952, khi thân phụ qua đời, Xuân Văn đã học xong thần học, nhưng vì thời cuộc nên chưa thụ phong linh mục. Trước khi nhắm mắt, cụ Antôn Nguyễn Vị nhắc lại cho Xuân Văn ước vọng của người mẹ và nói:
– Mẹ con đã dâng con cho Chúa và cha cũng đã cố gắng giữ như thế. Tuy nhiên làm linh mục là một ơn Chúa ban và là một gánh rất nặng. Nếu con thấy không thể trung thành thì cứ rút lui, cha không buộc, vì thà không làm linh mục hơn là làm linh mục bất xứng.
Xuân Văn thưa lại:
– Con vẫn ước ao dâng lễ mở tay khi cha còn sống, nhưng nay ý Chúa không muốn vậy. Con cố gắng trung thành đến cùng để làm linh mục, dâng lễ cầu nguyện cho cha.
Xuân Văn học abc và học viết với cụ thân sinh. Lên 9, lên 10, Xuân Văn theo học trường công tại huyện. Cậu luôn đứng nhất nhưng nghịch quá cho nên năm tiếp đó, ông cụ bắt bỏ trường công về học chữ Nho, với các sách Nhất Thiên Tự và Minh Tâm Bảo Giám. Ông thầy dạy trường công cho các em học sinh tìm, bắt quay lại trường, Xuân Văn không chịu. Thế nhưng năm học tiếp theo, 1933-1934, Xuân Văn đã trở lại trường, bỏ lớp Năm, lên lớp Bốn. Qua niên khoá sau, Xuân Văn đã vượt bạn bè và đậu Sơ Học Yếu Lược năm 1935. Xuân Văn vẫn tiếp tục ôn luyện chữ Nho và sau ba năm đã có thể đọc Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ.
Trường Huyện chỉ có tới lớp Ba (Sơ Học Yếu Lược), cho nên lên lớp Nhì (năm học 1935-1936), Xuân Văn phải về Bồng Sơn học Cours Moyen năm I (tức là năm I của chương trình lớp Nhì thời ấy). Trường xa nhà 9 cây số nên Xuân Văn phải trọ học ở một gia đình cách trường học 2 cây số. Sáng thứ hai đến nhà trọ, thứ bảy về nhà.
Năm 1936, Xuân Văn vào Tiểu Chủng Viện, được miễn lớp Tám để vào ngay lớp Bảy, cùng lớp với hai vị giám mục Qui Nhơn sau này là Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các và Đức Cha Giuse Phan Xuân Hoa, với cha Phaolô Trương Đắc Cần và cha Placide Phất (OSB). Lớp có 33 học sinh. Năm đầu Xuân Văn kém tiếng Pháp hơn anh em nhưng qua năm sau đã đuổi kịp. Tuy nhiên Xuân Văn học rất tài tử. Trong năm lớp Năm, các bài kiểm tra hằng tuần của Xuân Văn rất thất thường: khi thì đứng đầu lớp, khi lại đứng cuối lớp.
III. HỒN THƠ
Cụ Nguyễn Vị làm nghề nông, có biết làm thơ. Tuy nhiên cụ không làm thơ mà chỉ viết văn quốc ngữ theo lối thơ. Cụ có khiếu vẽ và Xuân Văn cũng có khả năng vẽ.
Khi Xuân Văn còn nhỏ, Đồng Dài là một cảnh sơn thuỷ rất đẹp, với một nhánh của sông Lại Giang, hai bên cây cối um tùm. Dòng nước có chỗ rất sâu nhưng cũng có chỗ người đi chợ lội qua được.
Vào Tiểu Chủng Viện rồi, Xuân Văn mới làm thơ. Nhờ học chữ Nho, Xuân Văn quen với người em của ông thầy đồ là một người rất giỏi thơ. Mỗi kỳ nghỉ hè, đều về gặp gỡ xướng hoạ. Tiểu Chủng Viện theo chương trình giáo dục của nhà nước bảo hộ cho nên học toàn văn chương Pháp, chỉ xen một chút văn chương Việt Nam, có học Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Tuy nhiên, do thích thơ, Xuân Văn đã tìm tòi đọc các tác giả thơ Việt. Cha Quá phụ trách môn Việt văn, vào mỗi thứ tư hằng tuần, và thường cho thi làm thơ phú.
Cha Xuân Văn thích nghiên cứu tử vi và tướng mệnh, thích trồng hoa và cây cảnh. Theo tử vi phương tây, sinh vào tháng 9, cha thuộc tuổi xử nữ thì có nhiều khả năng văn chương. Thêm vào đó, sự kiện mất mẹ từ nhỏ cũng tăng thêm nguồn cảm xúc trong tâm hồn cha.
– Ngay từ nhỏ tôi đã thấy khổ đau, đã đối diện với khổ đau. Năm, sáu tuổi tôi đã biết khóc thầm vì những chuyện không nên kể (cười!), do thấy mình bị đời hắt hủi, do nỗi tủi buồn vì mồ côi mất mẹ! Chỉ mồ côi mẹ thôi đã khổ, những người mất cả cha lẫn mẹ còn đau khổ tới đâu, nhất là khi mình nhạy cảm!
Thi sĩ là gì? Theo tôi, thi sĩ là người diễn tả nỗi đau khổ của mình và của người khác. Nhất là những đau khổ của mình, vì của người khác mình đâu có biết!!!
IV. HIẾN DÂNG NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC
Vào Đại Chủng Viện năm 1943, Xuân Văn học triết học các niên khoá 1943-1944 và 1944-1945.
Trong thời gian có cuộc “đảo chính Nhật”, Xuân Văn đang ở đại chủng viện. Học xong triết học thì được bài sai đi Bầu Gốc giúp cha Ân. Thế nhưng đang khi đi nghỉ hè tại Đá Lết thuộc giáo xứ Ngãi Điền thì bị sốt rét rừng, phải nằm lại nhà. Đó cũng là thời điểm diễn ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Cha Huy đang làm Bề Trên Giáo Phận. Ngài cho Xuân Văn một bài sai khác, sai đi giúp giáo xứ Ô Gia thuộc Quảng Nam do cha Thọ phụ trách. Trên đường đi Ô Gia, tới Gia Hựu, ghé nhà thầy Cần thì bị sốt rét lại, phải quay về gia đình nghỉ sáu tháng. Xuân Văn muốn gửi thư trình sự việc cho cha Bề Trên Huy nhưng không có điều kiện. Cha Bề Trên tưởng rằng Xuân Văn thiếu tinh thần vâng lời, không muốn giúp cha Thọ là một cha rất khó tính. Ngài định sa thải Xuân Văn. May thay, cha Nguyễn Xuân Bàn là cha sở Đồng Dài lúc ấy đã giải thích và minh oan giúp. Cha cũng can thiệp để xin cho Xuân Văn được giúp một giáo xứ gần quê nhà là Đồng Quả (Cha Ly).
Chương trình giúp xứ lẽ ra chỉ hai năm, nhưng vì chủng viện đóng cửa, Xuân Văn đã phải giúp ba năm liền. Đang là lúc chiến tranh, không sao liên lạc được. Không được thư, Xuân Văn không biết ý Bề trên thế nào. Tuy nhiên, được sự đồng ý của cha sở, đến giữa năm 1948, Xuân Văn vẫn nhờ”tiểu đồng” gánh “xiểng” hành trang về đại chủng viện tại Làng Sông. Tại đây, Xuân Văn học thần học các niên khoá từ 1948 đến 1952.
Ban giáo sư thần học lúc ấy có các cha Rohmer Triết, Tín, Hoàng, Hạnh vv… Thời gian nầy, Xuân Văn viết lời cho nhiều bài thánh ca như: Xin giúp con, Bóng con trở về, Giết-sê-ma-ni, Đây phút sống, Thánh Giuse… với bút hiệu Văn Tao (Về sau, các vị trong ban điều hành Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh hoặc do không hiểu ý hoặc vì lý do nào khác, không những đã sửa các lời ca mà còn sửa cả bút hiệu Văn Tao thành Văn Thao!). Đa số các bài ca do Ánh Thiều (linh mục Stanilas Hoàng Đắc Ánh, dòng Đa Minh) hoặc Thanh Bình (linh mục Nguyễn Thanh Bình giáo phận Qui Nhơn) viết nhạc trước, Xuân Văn dệt lời sau. Xuân Văn cũng như hai vị đã không được học sáng tác, chỉ theo các ghi chú ở cuối sách hát mà tìm ra nguyên tắc sáng tác nhạc.
Ban giáo sư thần học lúc ấy có các cha Rohmer Triết, Tín, Hoàng, Hạnh vv… Thời gian nầy, Xuân Văn viết lời cho nhiều bài thánh ca như: Xin giúp con, Bóng con trở về, Giết-sê-ma-ni, Đây phút sống, Thánh Giuse… với bút hiệu Văn Tao (Về sau, các vị trong ban điều hành Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh hoặc do không hiểu ý hoặc vì lý do nào khác, không những đã sửa các lời ca mà còn sửa cả bút hiệu Văn Tao thành Văn Thao!). Đa số các bài ca do Ánh Thiều (linh mục Stanilas Hoàng Đắc Ánh, dòng Đa Minh) hoặc Thanh Bình (linh mục Nguyễn Thanh Bình giáo phận Qui Nhơn) viết nhạc trước, Xuân Văn dệt lời sau. Xuân Văn cũng như hai vị đã không được học sáng tác, chỉ theo các ghi chú ở cuối sách hát mà tìm ra nguyên tắc sáng tác nhạc.
Năm 1952, Xuân Văn được sai đi giúp Gia Hựu (Cha Phận) và cũng là năm người cha thân yêu được Chúa gọi về. Lần giúp xứ thứ hai này kéo dài đến năm 1954. Trong thời gian này, Xuân Văn có làm một tập nhạc và một tập thơ. Tiếc là khi di tản đã để lại ở Gia Hựu và bị mất hết.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Xuân Văn vào Nha Trang tiếp tục học thần học.
Năm 1955, thầy Văn về giúp Tiểu Chủng Viện Nha Trang, vừa làm giám thị vừa dạy học. Trong thời gian này, thầy muốn chuyển sang tu dòng. Thầy gửi thư xin vào Thiên An nhưng Nhà Dòng không trả lời. Thầy gửi thư cho Dòng Chúa Cứu Thế thì được đồng ý ngay nhưng Đức Giám Mục Giáo Phận là Đức Cha Piquet Lợi, thuộc Hội Thừa Sai Paris, cũng đồng thời là cha đỡ đầu của Xuân Văn, không chấp thuận.
Ngày 25.01.1956: Đức Cha Piquet Lợi phong chức linh mục cho thầy Xuân Văn tại nhà thờ Nha Trang.
V. DẤU CHÂN NGƯỜI MỤC TỬ
Sau khi thụ phong, cha Xuân Văn được chỉ định làm cha phó cho cha Nguyễn Du, địa sở Hoàng Phước, và phụ trách họ Trúc Hà, cách Đà Nẵng 40 cây số. Đến Trúc Hà đầu tháng Hai năm 1956, sống chung với cha Du hơn một tháng rồi làm phó xứ biệt cư, ở tại Trúc Hà từ tháng Ba đến tháng Chín. Đây là một họ đạo nhỏ, chỉ có độ 500 giáo dân, và nghèo, cả nhà thờ và nhà xứ đều lụp xụp. Từ xưa nay không có linh mục, nay cha Xuân Văn là linh mục đầu tiên thường trú ở đó, cho nên giáo dân rất quý mến. Dù nghèo, họ vẫn lo cho cha mọi sự, từ gạo củi thường ngày cho đến rượu thịt lúc có khách.
Sinh hoạt ở đây có vẻ thật thanh bình. Mỗi tối thứ bảy, đặt bàn trước sân, thắp đèn măng sông, mời bà con lương dân xung quanh tới nghe giới thiệu về Đạo Chúa. Có khi cha Xuân Văn giảng, có khi mời các cha khác tới cùng giảng.
Sáu tháng ở đó, cha Xuân Văn dạy giáo lý và rửa tội được một số tân tòng, và dạy một lớp xưng tội rước lễ lần đầu. Mỗi tối đọc kinh xong, cha ngồi kể chuyện cho giáo dân, cả già trẻ, lớn bé, cùng nghe. Giáo dân ngồi kín hè và sân nhà xứ. Sau khi cha đi, tối tối giáo dân cũng kéo nhau tới hè nhà xứ ngồi khóc suốt ba tháng liền vì thương nhớ cha.
Từ tháng 9 năm 1956 đến tháng 9 năm 1957, cha được chỉ định làm cha phó Đà Nẵng, giúp đỡ cha sở Giuse Lê Văn Ấn, sau này là giám mục Xuân Lộc. Cũng thời gian này, cha bắt đầu gởi nhiều ơn gọi vào chủng viện cũng như tu viện.
Năm 1957 – 1962, cha được đưa về làm giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng Viện Làng Sông.
Năm 1962 – 1964 là những năm công việc truyền giáo địa phận Qui Nhơn phát triển mạnh, cha được đưa về làm Cha sở Phú Hương – Quảng Nam, tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm, phát triển nhiều họ đạo. Rồi trận lụt Giáp Thìn, 1964, ập đến, tàn phá nhiều làng ven sông Thu Bồn, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Cha đã quy tụ đàn chiên nhỏ bé lại tại trại tạm cư Hoà Cầm. Năm 1965, cha lập trại định cư tại bãi cát Đa Phước – Đà Nẵng. Xứ đạo Phước Thành ra đời. Trên vùng đất nầy, nhiều họ đạo khác cũng thành hình, biến vùng Hoà Khánh thành nơi sầm uất, phát triển đạo đời. Cha cho xây dựng trường trung tiểu học Thánh Mẫu với hàng ngàn học sinh, giúp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá thành lập cô nhi viện Phước Thành. Tiếp theo, cha xây dựng một ngôi thánh đường kiên cố và hiện đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Cha còn giúp Đức Cha Phêrô Maria xây dựng Đại Chủng Viện Hoà Bình, đồng thời giúp các cha dòng Salêdiêng Don Bosco xây dựng trường kỹ thuật nhằm giúp đỡ thanh thiến niên. Tiếc thay, các công trình đó, Giáo Hội không còn quản lý được nữa.
Sau năm1975, cha muốn về Qui Nhơn giúp đỡ Giáo phận Mẹ, xây dựng lại các xứ đạo từ đống tro tàn của chiến tranh. Sau khi cha Phaolô Trương Đắc Cần rời Mằng Lăng ra Sông Cầu làm cha sở, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, người bạn đồng lớp, yêu cầu cha về làm Cha sở Mằng Lăng – Phú Yên. Tại quê hương thầy giảng tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên, cha đã dày công đào tạo các chủng sinh, và nhiều linh mục phát xuất từ cái nôi thân yêu này.
Năm 1986, sau khi cha Hạt trưởng Phú Yên, Martinô Nguyễn Trọng Huấn qua đời, Đức cha Phaolô cho cha về coi sóc Giáo xứ Tuy Hoà, kiêm hạt trưởng Phú Yên.
Hơn mười lăm năm xây dựng giáo xứ, 1986 – 2002, bên cạnh việc xây dựng toà lâu đài thiêng liêng nơi lòng giáo dân, cha còn có những công trình hữu hình khác như hang đá Đức Mẹ, Nghĩa đường, tượng đài Thánh Tâm, tượng đài thánh Giuse. Đặc biệt, năm 1995, cha đã xây dựng một ngôi thánh đường khang trang, cùng với nhà xứ và nhà giáo lý gồm 3 phòng tại Giáo họ Hóc Gáo, thuộc Giáo xứ Tuy Hoà. Vào cuối đời, mặc dầu đau nặng, cha cũng kiên quyết hoàn thành công trình nhà giáo lý, gồm 2 tầng 14 phòng.
Ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê năm 2001, cha đã dâng lễ tạ ơn bát tuần với cộng đoàn giáo dân Tuy Hoà như một lời từ biệt. Sau lễ Giáng Sinh, cơn bệnh đột ngột tăng nhanh. Cha đau đớn rất nhiều. Và rồi việc gì phải đến đã đến. Khi tiếng chuông 4 giờ 30 sáng thứ năm ngày 10.01.2002, vừa rung lên cũng là tiếng chuông báo tin giờ hấp hối của cha. Sau nửa giờ trăn trở, hơi thở yếu dần, cha đã được Chúa gọi về lúc 5 giờ. Vây quanh cha trong giờ sau hết là những linh mục, giáo dân và những người thân yêu.
Vào lúc 9 giờ cùng ngày, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn – trên đường vào Sài Gòn, để đi Rôma viếng mồ Thánh Phêrô- đã có mặt tại Tuy Hoà. Đức Cha đã cùng với các linh mục và giáo dân Tuy Hoà đưa xác cha vào nhà thờ và cử hành thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho một vị mục tử suốt đời tận tuỵ vì đoàn chiên.
Sáng 11 tháng 01 năm 2002, thi hài cha được khâm liệm và ngày 12, được đưa về an táng tại nghĩa trang dành cho các linh mục tại Làng Sông, Tuy Phước, Bình Định.
VI. MỘT TẤM LÒNG CHO HỘI THÁNH
Dưới đây là phần cha Xuân Văn trả lời những câu hỏi về tâm hồn người tận hiến, do cha Bản và tôi nêu ra.
– Cha nhớ gì về thời chủng sinh của cha?
– Kỳ nghỉ anh em chúng tôi thường đến nhà nhau chơi. Phải thân nhau từ tiểu chủng viện mới quý. Nếu thiếu tiểu chủng viện, chỉ có đại chủng viện, anh em sống với nhau theo kiểu người lớn, sẽ thiếu thân mật. Khi làm chủng sinh, phải gắng sao cho có tấm lòng chung, có gì cũng chia sẻ cho nhau, đừng ích kỷ, thì khi làm linh mục sẽ thương nhau. Nhờ tình bạn khi còn là chủng sinh, khi làm linh mục rồi chúng tôi vẫn còn rủ nhau đi chơi. Cha phải biết là nhóm anh em cùng lớp của chúng tôi chơi với nhau rất thân mật, vui nhộn và linh động, và nhờ đó mà rất nhất trí. Tháng hè, anh em chúng tôi rủ nhau đi chơi, không có gì là riêng tư. Vui mà rất lành mạnh, cho nên lôi cuốn cả lớp dưới.
– Có phải đó là đặc điểm của anh em Qui Nhơn?
– Đúng. Qui Nhơn cũng học giỏi nữa. Khi học chung 7 giáo phận ở Sài Gòn, về học vấn anh em Qui Nhơn không thua ai, để khỏi nói là hơn.. Nhưng tôi thấy rõ sự đào tạo của Qui Nhơn mình còn phiến diện.
– Ý cha muốn nói thế nào?
– Cần phải có một ban giáo sư nhất trí và là một ban giáo sư thánh. Muốn có một hàng linh mục thánh, chủng viện cần có một ban giáo sư thánh. Giỏi thôi, không đủ!
– Nếu như ngày nay lại có Tiểu Chủng Viện, mình phải làm gì?
– Ngày nay, nếu được lập lại Trường Nhỏ, mình phải đào tạo khác. Phải nhấn mạnh gương sống của các bạn. Những tấm gương sống động nhất cho tôi vẫn là gương của anh em. Có những anh em rất thánh thiện, như cha Châu hay thầy Vang, anh của Đức Cha. Ông này chết khi mới thầy Tư, rất thánh thiện. Cha Placide cùng lớp với tôi cũng rất kỷ luật và thánh thiện, khi nào cũng được điểm tối đa về đạo đức và hạnh kiểm.
– Lúc nãy cha nói về tình bạn giữa anh em linh mục. Còn với những anh em đã thôi tu?
– Sự liên kết giữa những anh em đã làm linh mục và các cựu chủng sinh sẽ rất có lợi cho sinh hoạt Hội Thánh. Về điểm này, chủng viện Kontum rất tốt. Ban giáo sư Kontum đối xử với chủng sinh thân mật hơn ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Những anh em ra rồi, các cha vẫn theo dõi bằng thư từ để nâng đỡ, hướng dẫn. Ở Làng Sông không có như vậy, cho nên những người vì hoàn cảnh không tiếp tục được, dễ có mặc cảm bị đuổi. Phải làm sao để, khi hồi tục, anh em sẽ quan niệm rằng thời gian ở chủng viện là để chuẩn bị cho cuộc sống tông đồ giữa đời. Nên tổ chức liên kết anh em cựu chủng sinh theo từng lớp, vì họ có sẵn tình thân mật rồi.
– Trở lại sự thánh thiện. Xin cha cho biết kinh nghiệm bản thân cha?
– Khi còn ở Tiểu Chủng Viện, đời sống thiêng liêng của tôi cũng còn có vẻ chơi giỡn, nhưng sau khi đi giúp về, mỗi lần tĩnh tâm chịu chức nhỏ thật sốt sắng.
– Về việc tĩnh tâm?
– Tĩnh tâm thì chỉ nên quyết định một điều căn bản rồi các cái khác sẽ theo sau. Cứ tấn công vào một nết xấu, ghi chú từng ngày, sẽ rất tiến bộ. Cha nhớ chuyện ông hiền triết với hũ đậu đen và đậu trắng chớ? Câu chuyện ấy rất ích lợi cho tôi. Khi giảng tĩnh tâm chuẩn bị chịu chức, đừng nhắm tới hướng mục vụ hay kết quả của đời linh mục nhưng cần nhắm tới những đức tính tốt cho một linh mục. Nhất là phải thánh thiện. Ra làm việc, những điều đã học chẳng áp dụng mấy nhưng sự thánh thiện thì cần liên lỉ.
– Trước đó, không ai hướng dẫn cha về điều đó sao?
– Phải nói thật, trước đây chúng tôi không có được những bề trên thật cởi mở để chia sẻ kinh nghiệm. Hầu như là bị thả nổi, rồi mình liều mà bước tới.
– Khi chịu chức linh mục, cha có quyết định gì ?
– Tôi quyết tâm không kén chọn nhiệm sở, sẵn sàng đến bất cứ nơi nào. Tôi cũng chẳng theo đuổi một ý nghĩ cao xa trổi vượt nào, chỉ có một ý nghĩ thường thôi: Mình ít khả năng, được ngần nào thì phục vụ Chúa ngần ấy. Tôi cũng muốn mọi sự đều giản dị, đừng có gì sang trọng. Tôi cũng quyết tâm vâng phục, sự vâng phục giúp mình dễ giữ đức khiết tịnh.
– Xin cha nói thêm kinh nghiệm về đức khiết tịnh?
– Để giữ đức khiết tịnh, phải có việc làm luôn, và phải có những giải trí lành mạnh, phải ham đọc sách. Làm việc. Mình đã muốn làm việc thì chẳng khi nào có thể ở không.
– Nhưng nếu bị tấn công?
– Người ta bảo tôi có số đào hoa. Hồi còn làm thầy, có lúc tôi bị bốn, năm người săn đuổi. Có người rất lì lợm. Ngay giữa thời gian chiến tranh, tương lai mịt mờ, viễn tượng thụ phong linh mục quá xa vời. Thế nhưng Chúa đã ban cho tôi một ý chí mạnh để vượt qua. Thêm vào đó, nhờ nỗi khổ bị mất mẹ, và một phẫn cũng do hoàn cảnh xã hội quá khắc nghiệt khiến mình không tha thiết gì với hạnh phúc gia đình.
– Tâm tình của cha khi dâng lễ?
– Được dâng lễ, đó là điều khao khát nhất của tôi. Khi còn làm thầy, tôi đã thưa với Chúa: Xin cho con dâng lễ một lần rồi chết cũng được. Khi cha tôi chết, tôi đi xin lễ, có những linh mục thoái thác có vẻ không muốn làm, cho nên tôi ước ao được dâng lễ để cầu nguyện cho cha tôi.
– Trong đời linh mục, điều gì thường làm cha nản lòng?
– Tôi loàng xoàng nên không có gì để nản lòng.
– Trong việc mục vụ, cái gì khổ nhất?
– Dọn bài giảng! Tôi cứ muốn viết ra giấy trước mà không được. Không đủ kiên nhẫn! Mỗi năm chỉ viết được đôi lần. Cha Nguyễn Du là một trong số ít người luôn viết sẵn bài giảng. Ngài siêng viết bài giảng nên giảng hay.
– Cha có điều gì phải ân hận không?
– Về đây, tôi vẫn có một điều ân hận day dứt là ít đi thăm giáo dân. Có kẻ liệt là tôi đi ngay nhưng ngoài ra không đi thăm thường xuyên. Cũng vì thời cuộc, đi thăm sợ bị xuyên tạc, hiểu lầm, khiến mình dè dặt mãi thành thói quen. Tôi biết, siêng năng thăm giáo dân thì rất ích lợi nhưng mình chưa nhiệt tình đủ.
Cha chia sẻ điều này với tôi năm 1994. Giáo dân Tuy Hoà nói với tôi rằng, dù ít đi thăm, cha nắm rất vững tình hình các gia đình. Về sau, để buộc mình phải đi thăm hết các gia đình một lượt, cha đưa ra chương trình đến chụp hình từng gia đình. Cuối năm 2001, tất cả các gia đình đều đã được chụp hình, trưng bày ở phòng khách nhà xứ. Giáo dân cũng ghi nhận rằng lúc nào cha cũng sẵn sàng giải tội, và khi giải tội, cha khuyên bảo rất tận tình.
– Cha còn hút thuốc không?
– Tôi bỏ từ năm 1986.
– Cái nhìn hiện nay của cha về việc tông đồ?
– Tôi ước mong làm tông đồ cho giới trí thức, giúp họ đi theo hướng Tin Mừng, nhất là đào tạo cho họ có sự thánh thiện. Thiếu sự thánh thiện thì có trí thức mấy cũng chẳng làm gì. Cái nết đánh chết cái đẹp.
Theo cha, muốn thực sự hội nhập văn hoá, phải đem Tin Mừng cho giới trí thức.
– Hồi xưa, người ta truyền giáo cho các trưởng tộc, cho những người có thế lực. Ngày nay, phải truyền giáo cho giới trí thức, cho văn nghệ sĩ.
VII. SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG
Quyển Sứ Điệp Tình Thương khởi viết từ năm 1977. Ngay từ cuối năm 1975, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, giám mục Qui Nhơn, đã đề nghị cha Xuân Văn viết một bản cuộc đời Chúa Cứu Thế bằng văn vần cho trẻ em học. Cha chưa cầm bút thì một chuyến tham quan trong năm 1976 đã khiến cha xin Đức Cha cho thực hiện theo một hướng khác:
– Thưa Đức Cha, để cho trẻ em dùng thì đã có bản song thất lục bát của Đức Cha Bắc Ninh. Nay xin để con viết cho người lớn.
Cảm hứng đã đến khi cha theo đoàn tham quan của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đi thăm nhà bảo tàng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Cô hướng dẫn viên đã thuyết minh với một giọng đầy truyền cảm khiến cho có người ứa lệ. Chứng kiến cảnh ấy, cha thầm nguyện:
– Phải rồi, Chúa ơi, con cũng phải viết thế nào để người ta đọc mà khóc vì yêu mến Chúa.
Về sau, viết xong rồi, cha nhiều lần nói với tôi:
– Tiếc là mình còn thiếu lòng mến, cho nên chưa diễn tả được thật hay.… Cũng có những câu hay nhưng chưa diễn tả được sức mạnh của lời Chúa.
Tập thơ hoàn thành được cũng là nhờ hoàn cảnh. Sau kịch bản “Tử Thần” viết trong thời gian làm quản lý ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông, có thể nói là cha đã buông bút. Không phải vì cha lười nhưng vì bao nhiêu công việc dồn dập của một linh mục coi xứ cản trở. Mãi đến khi về Mằng Lăng mới thoát khỏi chuyện xây cất cơ sở, tổ chức hội đoàn và mới có được sự cô tịch tĩnh lặng. Và đó là lúc Đức Giám Mục bảo cha cầm bút lại.
– Không phải bản chất tôi lười nhưng có lẽ chứng đau gan khiến mình uể oải, nặng nề, ngại viết. Tuy nhiên, việc gì đã bắt đầu, tôi đều cố gắng làm xong, không bao giờ chịu bỏ dở. Với cái moindre effort, với chút cố gắng cần thiết thì việc gì rồi cũng xong. Tập này tôi đã bắt đầu thì cũng làm xong cho bằng được. Dù vậy, có những thời gian dường như là đêm tối, cả năm không viết được câu nào.
Đầu năm 2001, một số anh em quan tâm đến văn học nghệ thuật công giáo gặp nhau ở Sài Gòn. Để khai thông những khó khăn và bế tắc, cha Xuân Văn đã xướng xuất dự án “Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Anrê Phú Yên” và tình nguyện đảm đương việc thực hiện. Đức Giám Mục Qui Nhơn đã tán thành đề xuất của cha và có hướng đảm nhận sáng kiến ấy như một công cuộc của giáo phận. Thế nhưng rồi những điều kiện cụ thể đã không cho phép thực hiện dự án.
Cũng đầu năm 2001, đang lúc nằm điều trị ở Sài Gòn, cha bảo thầy Hoà kiếm cho cha quyển vở và cây bút. Cha muốn viết một trường thiên ca tụng Mẹ Maria theo các trang Kinh thánh. Tháng bảy, tôi về thăm, cha bảo tôi tìm cho cha quyển “Đoạn Trường Vô Thanh” của Phạm Thiên Thư để tham khảo phong cách lục bát của nhà thơ này. Lần cuối cùng tôi được trao đổi với ngài là đầu tháng 8-2001, khi ngài gọi điện cám ơn đã nhận được quyển sách. Qua đó, người cha và người thầy của tôi, ở tuổi 80, đang thiết tha mong muốn đổi mới và hoàn thiện lời thơ của mình. Cơn bệnh đã không cho phép cha hoàn thành dự tính. Cha chỉ mới nháp được hơn một ngàn câu, tới chỗ Đức Mẹ gặp được người con mười hai tuổi trong Đền Thờ.
Bây giờ thì bài thơ được tiếp nối, không phải ở trần gian nhưng trên thiên quốc.
Sài Gòn, 18-01-2002
Trăng Thập Tự