Truyện ngắn: Cơn bệnh ơn ban

Quang X Nguyen

CƠN BỆNH ƠN BAN

1. Ly thân

Trong Luận Ngữ, ông Khổng Khâu dạy: "Ngũ thập tri thiên mệnh", nghĩa là khi tới năm mươi tuổi, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Vậy mà tuy đã vào tuổi U70, nhưng tôi có biết được, hiểu được mệnh trời dành cho tôi thế nào đâu? Ngay như vợ tôi (người bạn đời bốn mươi năm trời má ấp vai kề, sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái một trai, tôi có thể nhớ được rõ mồn một, đếm được vanh vách mười bốn nốt ruồi nhỏ to trên tấm thân mỏng mảnh, ngọc ngà, nuột nà, mĩ miều, không tì vết, mà nàng được Chúa thương ban), một con người cụ thể, một nhân vật sờ sờ ra đó, tôi còn không hiểu biết nổi, nói chi tới thiên với mệnh?

Chả là cưới nhau về, tôi lúc nào cũng kính trọng nàng, chắp cánh cho nàng, để nàng hoàn toàn tự do.
Tôi tin tưởng vợ, không khi nào soi mói, động chạm đến quá khứ của nàng, cũng chẳng bao giờ thắc mắc nàng ở đâu, đi đâu, lúc nào, làm gì... Những tưởng như vậy, nói như Rabindranath Tagore: “Tự do em là tự do tôi”, sẽ làm cho tình yêu vợ chồng được thăng hoa, bay cao vút cao, bay xa tít xa. Nhưng tôi lầm, lầm to. Một hôm, nàng nói:
- Hai đứa mình đã là vợ chồng mấy chục năm mà sao em thấy cứ như người xa lạ, như người dưng nước lã. Anh chưa bao giờ hỏi thăm em khỏe không, thích ăn gì, mặc gì, đi đâu, bao giờ đi, bao giờ về. Anh không hề chăm sóc, lưu ý tới em bao giờ, dù chỉ một chữ một câu. Điều em cần đơn giản chỉ là một lời nói quan tâm, không cần ngọt ngào nhưng đừng giả dối, mà cũng chẳng được... Đạo Chúa cấm ly dị, thế thì chúng mình chắc phải ly thân thôi.

Trời ơi! Một gia đình bề ngoài có vẻ gương mẫu như vậy, đáng mơ ước như vậy, vợ chồng chưa hề xô xát, to tiếng với nhau bao giờ, con cái đều thành đạt, nên người, mà rạn vỡ đến vậy rồi sao?! Tôi năn nỉ:
- Em là bà quản cựu, anh là chánh trương nguyên, lại là thừa tác viên ngoại thường. Hết tình còn nghĩa. Ly thân ư? Thử hỏi cha xứ nghĩ sao? Hội đồng mục vụ nghĩ sao? Các hội đoàn, đoàn thể nghĩ sao? Tám đứa con trai gái dâu rể nghĩ sao? Lại còn phải làm gương cho mười một đứa cháu nội ngoại nữa chứ?

Nàng cắn môi:
- Ai nghĩ sao kệ họ, quan trọng là anh với em thôi. Anh bảo: “Hết tình còn nghĩa” ư? Để em xem. Nhưng anh cũng phải coi lại chính anh.

Từ hôm ấy, tôi tự nhìn lại tôi, xét mình từ trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Dù đã sáu mươi tám tuổi đầu, đau yếu rề rề, đã tăng huyết áp lại còn tiểu đường, tôi giành nấu cơm rửa bát, quét nhà, giặt đồ... Tôi chăm sóc vợ (nói, xin đừng ai cười, nhiều khi tôi còn cắt móng tay móng chân cho nàng nữa cơ), lưu tâm tới nàng từng li từng tí, từ miếng cơm hớp nước, tới nơi ăn chốn nghỉ, hỏi thăm nàng khi nào đi đâu, về đâu... Nàng vui ra mặt. Gặp mặt hay luộc điện thoại nhừ tử với bạn bè cũ thuở còn đi học, nàng khoe ầm ĩ ông chồng già đầu mà còn tuyệt vời, lý tưởng chán (!), thậm chí nàng còn nói nàng biết ơn chồng nữa cơ. Cho đến một hôm, trong bữa ăn sáng chỉ có hai vợ chồng, nàng bảo:
- Tôi chịu hết nổi rồi. Cuối đời rồi, cuộc sống không còn tính bằng năm, mà chỉ còn bằng tháng bằng ngày. Chúa ban cho còn chút thời gian nào, tôi phải sống cho ra sống, sống chứ không phải tồn tại...

Tôi mềm như bún:
- Em cũng phải tự nhìn lại vai trò làm vợ của em chứ?
Nàng cười rũ rượi:
- Chỉ có “Ơn gọi” và “chức năng” làm vợ, chứ đâu có “vai trò” làm vợ, như anh nói. Vậy ra xưa nay tôi chỉ đóng kịch, sắm vai, làm trò thôi à? Đóng kịch, sắm vai, làm trò mà những bốn đứa con ư? Dẹp. Bỏ. Tôi sẽ là tôi, chân thật với chính mình, và với mọi người như thuở còn thơ bé... Nói thật đây, nhá! Không ai trên thế gian này, kể cả cha tôi, mẹ tôi cũng không thể bắt tôi phải đi thưa về trình, đừng nói chi anh là cái thá gì mà động tí là anh hỏi làm gì, lúc nào, đi đâu, về đâu. Tôi là vợ chứ đâu phải là nô tì, là con ăn, kẻ ở của anh?! Tôi quyết rồi, ly thân thôi.

Tôi không nhịn được nữa. Nhịn là nhục. Thế nên tôi vùng lên:
- Cô muốn ly thân, hả? Được. Nhưng cô đã nhất quyết bỏ tôi mà đi thì...

Cơn giận cùng với máu nóng của tôi sôi sùng sục, bốc lên ngùn ngụt, tôi chặn đứng lối về:
- ... thì nhớ nhé, đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”, nhé!

Trưa hôm ấy, nhìn nàng kéo va li ra cửa, tôi mới nhận thấy dù đã U60 (nàng kém tuổi tôi gần một con giáp), dù đuôi mắt đã in dấu chân chim, dù con cháu đùm đề, nhưng do ăn kiêng, lại tập thể dục thường xuyên, nên nàng không bụng mỡ, không xồ xề, mà vẫn thon thả, vẫn mi nhon, vẫn xinh gái, vẫn đẹp mê hồn... Với lại còn mấy mươi năm vui buồn sướng khổ, mấy mươi năm “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe” có nhau. Tự nhiên cảm thấy áy náy, tôi xuống nước vớt vát:
- Gì thì gì, đã là vợ chồng bấy nhiêu năm trời, em bỏ đi sao đành?

Nàng chẩu mỏ:
- Đành đấy!
Tôi dùng kế hoãn binh:
- Vậy cho anh xin một lần “hôn để... ly hôn” (Ủa! Ly thân chứ!), được không?

Nàng thét lên:
- Không, không bao giờ.
Tôi kì kèo:
- Vậy xin “bắt tay để... chia tay” vậy.
Nàng thét lên to hơn, đinh tai nhức óc:
- Đã bảo không là không, không bao giờ nữa.

Nàng bước ra chỗ chiếc xe taxi Uber chờ sẵn, không một lần quay đầu nhìn lại.

* * *

2. Đầm... lạnh

Thế là đã qua đi gần một năm trời đằng đẵng vợ bỏ. Tôi hỏi, nàng không nói, tôi gọi nàng không thưa (tôi gọi điện thoại nàng không nhấc máy, nhắn tin không trả lời, chặn hết zalo, facebook, viber... ấy mà). Con cái làm ăn xa, tha phương cầu thực, một năm về nhà được một, nhiều lắm là hai ngày tết. Vậy nên quanh năm suốt tháng tôi ở nhà chỉ một mình. Tôi nhớ quá những ngày xưa thân ái. Ngày xưa, nhiều lần, mỗi mùa Giáng Sinh, nàng bảo:
- Bánh chưng ngày tết thì thường quá, nhà ta gói bánh chưng đêm vọng Giáng Sinh, vừa có quà Noel cây nhà lá vườn biếu ông bà nội ngoại, vừa để con cái nhớ đời đêm sinh nhật Chúa, canh chừng ánh lửa bập bùng luộc bánh chờ đi lễ nửa đêm, rồi chờ sáng nữa, vừa ấm sân, ấm cửa, ấm nhà, ấm tổ ấm...

Tôi nghe, cảm thấy thêm ấm lòng nên răm rắp “vâng lời” vợ. Và của đáng tội, đúng như nàng nói, ngày ấy cái gì cũng ấm, ấm thật, ấm từ trong tim ấm ra.

Thế nên từ ngày ly thân (ly thân chỉ là nói cho “oai” thôi, chứ có thủ tục giấy má gì đâu?), nàng bỏ đi (chỉ là đi làm ô-sin cho con lớn con nhỏ thôi), mái nhà này, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cái quái gì cũng lạnh, lạnh buốt lạnh giá, lạnh tái lạnh tê, lạnh tanh lạnh ngắt, không đầm ấm nữa, chỉ toàn đầm... lạnh thôi.

* * *

3. Cơn bệnh Ơn Ban

Tôi buồn, hình như cô đơn. Thèm người quá, ngày hăm bốn, mới sáng ra, tôi nói khó với vợ chồng hàng xóm, vợ bán vé số, chồng chạy xe ôm, đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo:
- Thím Năm vui lòng giúp tôi. Đêm nay, làm ơn nấu giùm nồi chè, mua ly nhựa dùng một lần, phát quà Giáng Sinh cho trẻ em trong xóm được không?

Không ngờ cả hai vợ chồng vui vẻ nhận lời:
- Phát hết trơn hết trọi cho trẻ em trong đạo ngoài đời luôn hả?
- Dạ, hẳn rồi. Nhưng tôi nhờ chú Năm chở tôi đi một vòng, thăm mấy hang đá nhà thờ đã, nhé!

Chú Năm chở tôi đi thăm một nhà thờ thuộc hàng lớn nhất, của một giáo xứ được coi là sầm uất nhất nhì vùng Cái Sắn. Trong nhà thờ, hang đá Bê Lem nghèo nàn năm xưa được tái hiện bằng một hang đá giàu có, huy hoàng không tả xiết, chứa chan ánh sáng xanh đỏ tím vàng trắng, choán hết nửa gian cung thánh bên phải; rồi những ngôi sao bốn, năm, sáu cánh; rồi những đèn; những cờ; những bảng chữ điện tử... giăng mắc khắp nơi. Ngoài sân, hang đá chung của cả giáo xứ to cao lợp bằng những tấm vải bạt rộng, sơn phết làm thành cảnh núi đồi trùng điệp. Rải rác trong sân còn bảy hang đá nữa của bảy khu. Tất cả đều được trang trí cây thông, đèn, cờ rực rỡ. Cha xứ, tôi có quen biết đôi chút, mời tôi một chai nước khoáng:
- Coi cũng bắt mắt đấy, nhưng cũng ngán... Tháng mười hai năm ngoái, nhà xứ phải trả hơn hai mươi lăm triệu tiền điện... Nghĩ tới thôi cũng chóng mặt...

Như trúng cơn gió độc, không biết có phải do nghe cha xứ nói không, tôi đột nhiên chóng mặt. Tôi thấy mình run lẩy bẩy, hoa mắt; thấy trời đất quay cuồng, cao lên, thấp xuống, nghiêng ngả, đảo điên... Gượng đứng lên không được, tôi té sấp mặt xuống đất. Tôi loáng thoáng nghe thấy cha xứ gọi xe hồng thập tự cấp cứu miễn phí của tổ từ thiện Phật Giáo Hòa Hảo...

... Tới bệnh viện, Cô y tá đo huyết áp, ông bác sỹ đặt dưới lưỡi tôi hai viên thuốc màu trắng, rồi họ bơm vài ống thuốc vào chai nước, truyền tĩnh mạch cho tôi. Chỉ có vậy thôi, tôi tỉnh lại.

Chú Năm Xe Ôm lấy điện thoại của tôi, gọi cho các con tôi:
- Ba tụi bay bị trúng gió, đang hấp hối, nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện huyện. Dzìa, dzìa gấp, dzìa hết, ngheng!

Ngay đêm lễ Giáng Sinh, hẳn là được mấy đứa con tôi báo tin, vợ tôi nhắn tin cho tôi: “Anh đã khỏe hơn chưa? Chúc anh mau lành bệnh”. Tôi trả lời vội vã, kiểu nửa tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ: “Oh! Merci vous nhiều thật nhiều”. Nàng nhắn lại: “Hình như lời cảm ơn ba rọi này không phải của anh... Nhưng một lần nữa, chúc anh mau lành bệnh”. Tôi quên tự ái vặt, chẳng biết xấu hổ là gì, nhắn tin lại: “Em về với anh nhé!”

Con bé Thúy Vũ, con gái út của tôi, cười toe toét, giống mẹ như đúc:
- Nhờ ba bị đi cấp cứu mà chúng con về đông đủ thăm nom chăm sóc ba. Ba còn được người yêu bé bỏng nhắn tin hỏi thăm...

Tôi buột miệng:
- Mẹ khỏe không?

Nó vẫn cười toe toét:
- Dạ, mẹ khờ... oe... khoe... hỏi... khỏe, ạ!

Trưa ngày lễ Giáng Sinh, tôi xin xuất viện. Bệnh viện đồng ý ngay. Năm bố con lếch thếch dìu dắt nhau về. Vừa ra tới cửa, tôi sững sờ thấy một bóng dáng thiết thân, hơi cúi đầu (tướng đi của mẫu người suy tư mà!) và dường như lưng chớm gù (do gánh nặng thời gian chăng?), cùng với tiếng cười trong veo, trong vắt như thủy tinh:
- Anh khỏe rồi hả? Đi cẩn thận! Để mẹ dìu ba cho. Các con về đầy đủ cả đó ư? Tốt! Em về thăm anh, mừng lễ với anh và...

Tôi lắp bắp:
- Và đừng đi nữa...
- ... Nếu người ta không đuổi cơ.

Gió đông bắc Nam Bộ se se lạnh. Trên cao, trời xanh ngăn ngắt. Tôi nhìn mấy đứa con, siết nhẹ tay vợ tôi, thì thầm:
- Tạ ơn Chúa Hài Đồng. Cơn đau cũng Ân Phúc, cơn bệnh cũng Ơn Ban, bu mình nhỉ?!