NHỮNG THÁNG NGÀY KHÔNG THỂ NÀO QUÊN...
Biến cố 30/4/75 là một cái mốc để tôi nhớ lại mọi chuyện. Trước đó cuộc sống của gia đình tôi khá đầy đủ và phẳng lặng. Những buổi tối, ông nội tôi cùng với dăm ba người đàn ông trong làng chuyện trò quanh điếu thuốc lào ở phòng khách. Đàn bà, con gái trong gia đình thì ở dưới bếp hay đâu đó phía sau nhà dọn dẹp, may vá hoặc lo việc bếp núc. Bố mẹ tôi đều là công chức, mẹ tôi còn có nghề may nữa nên chúng tôi chẳng phải thiếu ăn. Bố mẹ tôi đã tính chuyện xa hơn, ông bà gởi những khoản tiền dư giả vào ngân hàng, đủ cho bảy anh chị em chúng tôi lớn lên sẽ có tiền ăn học.
Chỉ sau 30/4 vài ngày, bố mẹ tôi trở nên trắng tay, bố tôi thất nghiệp, mẹ tôi may mắn vẫn còn được là giáo viên ở trường tiểu học. Thấy ở Sài Gòn người ta phải đi kinh tế mới, thế là gia đình tôi từ Biên Hòa cũng đi. Bố mẹ tôi vay vàng mua đất để làm nhà, làm rẫy ở thôn quảng Biên, một nơi đất chẳng màu mỡ gì nhưng được cái cũng gần đường gần sá, thuận tiện việc học hành cho con cái. Hồi đó, cả đất nước này ai mà chẳng khổ, làm lụng vất vả vẫn không đủ miếng ăn.
Tôi mới 12 tuổi đầu đã có lúc phải vác những bó mía cao gấp rưỡi đầu mình; 13 tuổi cuốc rẫy, gánh củi ... nhưng giúp ích được cho bố mẹ thì cảm thấy tự hào và hạnh phúc lắm thay! Mẹ tôi tranh thủ những lúc không phải lên lớp dạy học để đi bán dầu gió. Ngày ngày, cái xe đạp mi ni chở mẹ tôi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, nghe đâu có chợ có tiệm là tìm tới, hy vọng kiếm thêm thu nhập. Nhà còn cái xe đạp lọc cọc hơn thì dành cho bố tôi. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, ông đạp xe từ Quảng Biên lên tới Hàng Xanh Sài Gòn (hơn 50 cây số) để làm công nhân cho hãng dầu gió Sao Vàng. Chiều thứ bảy cuối tuần, ông tranh thủ về nhà làm rẫy, làm những công việc xương xẩu mà những đứa con nhỏ của ông không làm nổi. Mỗi cuối tuần đó, bố tôi về nhà với nước da trắng hồng, sáng thứ hai ông xuất hiện ở hãng dầu gió với nước da đen sì như cây bông súng. Chu kỳ làn da ăn nắng, nhả nắng của bố tôi cứ là một tuần ! Mọi sự dần đi vào nề nép, anh chị em chúng tôi quen dần với cuộc sống ở nhà tôn vách đất, quen dần với việc học dưới bóng đèn tù mù. Phần mình, tôi cũng đã bớt sợ hãi khi cuốc phải những con giun đang trườn trong đất...
Dạo ấy, tôi là đứa được mẹ cử đi lãnh những phần lương thực và nhu yếu phẩm hàng tháng của bà ở trường. Gạo ngày càng ít đi, thay vào đó là bắp. Tôi không còn nhớ tiêu chuẩn bắp là bao nhiêu ký nữa, chỉ nhớ có đận mình đi lãnh lương thực cho mẹ, cô giáo phụ trách công đoàn chỉ vào đống bắp đã mốc xanh mốc vàng cả lên, cô bảo «Của mẹ con đó, tháng này tiêu chuẩn mỗi người chỉ có 6 lạng rưỡi gạo còn lại là bắp. Đó, con lấy đi!» Tuy không đem cân lại, song tôi cầm chắc rằng, bọn chuột đã xơi trước chúng tôi rồi! Cái khoản lương thực hẩm hiu ấy hao hụt đi khá nhiều, nhưng tôi vẫn vui vẻ mang về, vì thà rằng có vẫn còn hơn không!
Nhà tôi cũng có trồng mấy sào lúa, nhưng thiếu phân bón, lúa trồng vất vả suốt sáu tháng cũng chỉ đủ ăn cho ba tháng mà thôi. Mùa nắng, gặt lúa xong, chúng tôi trồng khoai. Những củ khoai ốm o gầy mòn vì thiếu dinh dưỡng, tuy vậy, cũng là món khoái ăn sang của cả nhà. May mà quanh nhà còn có vườn khoai mì, bữa nào không có gì ăn chúng tôi nhổ vài bụi mì cũng no chán. Đấy là những tháng ngày gian khổ nhưng hạnh phúc và đầm ấm nhất trong cuộc đời của tôi!
Năm 1978, cả nước lâm vào cơn đói nặng, nhiều gia đình ở thôn tôi phải ăn cả chuối xanh thay cơm! Đó là một năm đáng ghi nhớ đối với gia đình tôi! Không phải vì chuyện thiếu gạo, mà là chuyện mẹ tôi bắt đầu trở thành một điều dưỡng viên từ dạo ấy.
Tôi còn nhớ... Ngày thằng em út của tôi bị sốt bại liệt, bác sĩ ở bệnh viện Chợ Quán đã bó tay. Mẹ tôi ra đứng khóc lóc thảm thiết ở trước tượng Đức Mẹ đặt trong khuôn viên của bệnh viện. Bà một mực cậy trông phó thác cho Mẹ Maria. Sáng hôm sau, em trai tôi đã đứng dậy, đi lại bình thường. Bác sĩ điều trị của nó cho rằng, đó là một phép lạ. Vì theo chẩn đoán của bà ấy, đứa em tôi sẽ phải dùng nạng suốt đời, chí ít nó cũng sẽ đi cà khoèo. Mẹ tôi tin rằng chính Đức Mẹ đã thương cứu giúp con trai của bà.
Em tôi khỏe mạnh trở về nhà, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì đến lượt anh trai tôi phải nhập viện. Bác sĩ cho biết, anh tôi bị bệnh tiểu đường type I, nghĩa là phải phụ thuộc Insulin suốt đời, nhưng bệnh viện lại không có Insulin. Các thầy dòng Gioan Thiên Chúa thương tình cho anh tôi nằm lại cũng chỉ để chăm sóc cho tốt hơn ở nhà thôi, chứ không có thuốc điều trị. Rồi một ngày, mẹ tôi đưa mấy chị em tôi lên bệnh viện gặp anh như để chào vĩnh biệt. Anh trai tôi lúc ấy đã 17 tuổi, nhưng sau mấy tháng cầm cự với bệnh tật, chỉ còn thoi thóp trên giường, trông như một đứa bé. Mẹ tôi vay tiền, thuê một chuyến xe chở anh tôi đi khắp các bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Nhưng ở đâu cũng từ chối với lý do không có Insulin. Tối hôm đó, anh được đưa về nhà ông nội, cả họ hàng kéo đến thăm, gần như người ta đã nói đến chuyện mua quan tài cho anh rồi. Mẹ tôi vẫn không nản chí, con trai bà còn thở bà còn hy vọng, bà lại đưa con trai về bệnh viện Thánh Tâm, nài xin các thầy dòng Gioan Thiên Chúa giúp đỡ. Bà khuyên chị em tôi phải tích cực cầu nguyện hơn nữa: « Các con hãy cùng với mẹ cầu nguyện thì Chúa sẽ nhận lời ! Các con hãy cầu xin Đức Mẹ thương gia đình mình trong lúc này! » .
Mấy ngày sau, bác sĩ gọi mẹ tôi lên, ông nói:
- Con trai chị cần Insulin mới sống được ! Hiện nay, trong kho của bệnh viện còn sót lại mấy chai Insulin, nhưng đã quá « date » từ mấy năm rồi! Chị tính sao?
Mẹ tôi suy nghĩ một lát rồi trả lời bác sĩ :
- Bác sĩ cứ chích cho cháu, nếu ý Chúa muốn cháu sống thì Chúa sẽ cứu nó!
Nhờ mấy chai thuốc quá « date » đó mà anh tôi phục hồi dần dần. Sau đó, bố tôi gởi thư đến các hội từ thiện trên thế giới để xin giúp đỡ, bố tôi chấp nhận xin cả thuốc hết « date », và kể cả thuốc ai đang xài bỏ dở bố tôi cũng nhận nữa.
Với tình hình kinh tế đó, bố mẹ tôi rất chật vật để lo cho chúng tôi. Có lúc, ông nội tôi đã nản đến mức bảo bố tôi cho các con nghỉ học. Nhưng mẹ tôi không nghe, bà bằng mọi giá không muốn chúng tôi thất học. Hãng dầu gió của bố tôi bị quốc doanh hóa, bố tôi nghỉ việc về nhà làm rẫy, mẹ tôi cũng thôi đi bán dầu gió chuyển sang nghề làm bột mì. Ban ngày, mẹ tôi đi dạy học, mấy bố con làm rẫy, chiều về cả nhà đổ vào làm bột mì. Nghề này cũng cơ cực không kém gì làm rẫy, nhưng giúp chúng tôi đủ ăn đủ mặc. Độ chừng gần hai năm, mẹ tôi thấy làm bột mì lời lãi bấp bênh lại ảnh hưởng sức khỏe vì môi trường ô nhiễm, bà chuyển sang nghề buôn bán quần áo cũ. Mấy bố con tôi đỡ vất vả, ngược lại, mẹ tôi lại phải chạy vạy cực khổ hơn trước nhiều.
Bố mẹ tôi sáng sáng đi lễ, mọi sự lo toan ông bà đều dâng lên Chúa, những lúc ấy tôi thấy bố mẹ tôi nhìn chăm chăm vào tượng Chúa chịu nạn. Yên ổn được một thời gian, gia đình chúng tôi lại gặp sự khó. Khu vực chúng tôi đang ở và vùng đất có mảnh ruộng của gia đình tôi bị nhà nước quy hoạch, nghĩa là người ta sẽ tịch thu đất của dân để làm chuyện quốc gia đại sự. Hàng xóm bảo nhau cứ ở lì, chờ nhà nước giải quyết cho nơi ở mới. Bố mẹ tôi cho rằng nếu có được giải quyết, thì chắc cũng chỉ là vùng đất còn tệ hơn ở đây. Thế là gia đình tôi quyết định trở về. Chúng tôi chỉ rỡ được mấy tấm tôn và mấy cây đòn tay từ căn nhà đang ở. Mẹ tôi thuê một chiếc xe vận tải, chất lên đó tất cả những gì chúng tôi có, bùi ngùi về lại TP. Biên Hòa, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.
Đó là vào đầu năm 1981, gia đình tôi quay về sống chung trong ngôi nhà cũ, cùng với ông nội tôi. Phải mất một thời gian dài, chúng tôi mới ổn định được cuộc sống. Bố tôi đi làm ở Mộc Hóa, mẹ tôi vẫn buôn quần áo cũ, mấy chị em làm nghề đan lát phụ thêm với bố mẹ.
Đầu năm 1982, lại một gánh nặng nữa chồng chất lên vai bố mẹ tôi. Tôi đã tự lừa dối chính mình để không đi khám bệnh, nhưng sau mấy tháng, hình dáng tiều tụy của tôi không sao dấu nổi mọi người. Mẹ tôi đưa tôi sang bệnh viện Thánh Tâm, và ở đấy người ta chẩn đoán tôi bị tiểu đường type I, nghĩa là tôi cũng sẽ phụ thuộc suốt đời vào Insulin như anh trai mình. Vừa bước vào tuổi 17, tôi biết mình có một ngày sẽ bị mù, vì lúc đó tôi đã bị bệnh tiểu đường tấn công ngay vào mắt. Mấy tháng trời, tôi không đọc được chữ. Sau đó, nhờ điều trị tốt, tôi có thể đi học lại nhưng thị lực của tôi rất kém. Tôi may mắn hơn anh mình, vì thời điểm đó Insulin đã bớt khan hiếm hơn trước.
Những tháng ngày tôi điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, bố tôi mỗi ngày phải đạp xe đạp từ Biên Hòa lên bệnh viện, đem những đồng tiền ít ỏi lên cho mẹ tôi mua vải, rồi ông lại đạp xe về nhà. Mấy bố con xúm lại cắt, may thành quần đùi, giao cho người ta. Lúc đó, mẹ tôi đã gầy dựng nên nghề may quần áo, đi bỏ mối cho mấy bà ở chợ Biên Hòa. Chúa thương, quần áo may xấu mà bán vẫn chạy. Thu nhập có khá hơn, song mẹ tôi vẫn phải chắt bóp tiền bạc, để trả nợ số vàng đã vay ngày đi kinh tế mới. Bố mẹ tôi không những bị áp lực về mặt vật chất, ông bà còn phải chịu những áp lực về mặt tinh thần nữa. Ngay trong bà con họ hàng, đã có người hỏi thẳng tôi : « Bố mẹ mày cũng hiền lành nhân đức thế... thế sao lại lắm con bệnh tật thế?» Khi tôi quắc mắt nhìn thẳng vào mắt ông, ông đã phải cụp mi xuống với nụ cười còn đang nhếch một bên mép... Biết được chuyện này, mẹ tôi chỉ thở dài còn bố tôi thì im lặng.
Đầu năm 1991, em út tôi là đứa con thứ ba trong gia đình bước vào tuổi 17 với một bản án chung thân, nó cũng phụ thuộc vào Insulin suốt đời như anh chị nó. Có lẽ bố mẹ tôi đã quen chịu đựng, nên tin này không làm cho ông bà bị shock như trong lúc họ biết con gái mình bị bệnh. Bệnh tình của tôi bao giờ cũng làm cho bố mẹ tôi lo lắng hơn cả, đôi mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn vào cuối năm 1993. Trong những ngày đầu, khi tôi bước vào làm quen với cuộc sống mù lòa, bố tôi đã kiên nhẫn ngồi đọc cho con gái ông nghe, những cuốn sách nói về tâm linh do chính ông chọn lựa. Những cuốn sách đó đã giúp ích rất nhiều cho tôi về mặt tâm linh, giúp tôi hiểu ra thánh ý Chúa trong cuộc đời mình. Năm nay tuy đã 80 tuổi, ông lại tiếp tục ngồi đọc sách thánh cho đứa con trai lớn, người con thứ hai trong gia đình cũng vừa bị mù vào năm 2007. Ông tâm sự với tôi : «Bố không hiểu rõ lắm ý Chúa muốn ở mình điều gì, nhưng bố tin rằng Chúa luôn làm cho mình những điều tốt đẹp nhất! »
6/1/2012