Nhân việc dựng tượng Petrus Ký ở San Jose, California, nghĩ về một bài thơ cũ

Quang X Nguyen

Ngày 5 tháng 1 năm 2019 vừa qua, tại San Jose, California, có một sự kiện: đó là lần đầu tiên tại hải ngoại, một pho tượng đồng của Petrus Trương Vĩnh Ký đã được dựng lên.

Nhân dịp này, tôi chợt nhớ tới pho tượng toàn thân bằng đồng của Petrus Ký được đúc tại Pháp và dựng lên tại trước dinh Độc Lập Sài Gòn vào năm 1927. Tượng này đã được để nguyên chỗ cũ qua những biến cố năm 1945 và sau khi Pháp rút đi. Nhưng cho đến năm 1975 thì lại được đem … cất vào một chỗ khác!

Và chính pho tượng này đã là đề tài cho một chương trong cuốn sách “Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa” của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Giáo sư Trung từng là người lên án Petrus Ký rất gắt gao trước 1975. Nhưng sau đó, ông thẳng thắn nhìn nhận là sai, và như ông cho biết, một trong những lý do chính khiến ông thay đổi ý kiến là vì ông đã nhìn ra rằng: muốn đánh giá Petrus Ký thì phải nhìn lại xem người đương thời nghĩ gì về Petrus Ký. Dưới đây là những gì ông nhìn ra, qua vụ dựng tượng Petrus Ký:


“Mặc dầu tượng Trương Vĩnh Ký do người Pháp thực hiện, giành lại sáng kiến từ tay người Việt Nam, nhưng cuối cùng có lẽ dân chúng chấp nhận Trương Vĩnh Ký có tượng dựng ở một chỗ giữa trung tâm thành phố và năm 1945, dân chúng xuống đường biểu tình giật đổ các tượng người Pháp, nhưng lại không đụng tới tượng Pétrus (sic) Ký mặc dù tượng đó ở ngay chỗ tập trung biểu tình. Tại sao? Xin dành cho những người biểu tình hồi đó, và nhất là những người lãnh đạo chính trị thời đó trả lời.”

Sau này, ông Trần Văn Giàu, một trong những người “lãnh đạo” thời đó, nhận là người ra lệnh cho những người biểu tình không được giật tượng Petrus Ký xuống vào năm 1945. Không biết đúng sai thế nào, nhưng chỉ biết rằng hình như trong thập niên 60s, ông Giàu có lấy bút danh Tô Minh Trung và viết bài đả kích Petrus Ký rất nặng nề.

Trở lại với giáo sư Nguyễn Văn Trung. Trước 1975, ông là giáo sư hướng dẫn cho hai ông Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền viết cuốn sách “Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký”, và giáo sư Trung cũng là người đề tựa cho cuốn sách đó. Đây là một cuốn sách lên án Petrus Ký vì đã làm việc cho Pháp.

Sau này, khi nhìn nhận sai lầm và viết cuốn “Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa”, Giáo sư Trung cho biết:

“Cuối cuốn sách (Cuốn sổ bình sanh) về Trương Vĩnh Ký, chúng tôi trích đăng bài thơ của Cử Tạ chế giễu Trương Vĩnh Ký:

Người Việt được Tây đúc tượng đồng

Chúa ơi, vinh dự nhất là ông

Áo dài khăn đống, Annam đặc

Kim khánh mề đay Bảo hộ phong

Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá

Búa rìu sá kể miệng non sông

Tay cầm quyển Đít-son-ne Pháp

Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không?

(1958)

Giáo sư Trung cũng không quên nhắc lại là sau khi đọc bài của Phạm Long Điền lên án Petrus Ký, học giả Vương Hồng Sển đã viết như sau: “Đọc suốt 2 bài, lấy làm tội nghiệp cho nhà học giả tiền bối miền Nam, chết được dựng tượng đồng, mà nay có trẻ nhỏ dám đến đái dưới gốc chân tượng …” (người viết nhấn mạnh).

Tôi đã cố gắng tìm nhưng không biết được nhà thơ Cử Tạ là ai! Vì tìm trên mạng thì thấy có khá nhiều nhà thơ ký tên này, qua nhiều thời kỳ. Ngay vào thời điểm đó, ở miền Nam, có ông cử Tạ Chương Phùng từng dùng bút hiệu Cử Tạ, nhưng không hiểu ông có phải là tác giả của bài thơ này hay không?

Tượng Trương Vĩnh Ký ở công viên nhìn ra nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn trước 1975. Ảnh: https://petruskymonument.wordpress.com

Điều thú vị ở đây, là vào thời điểm của cuốn “Cuốn sổ bình sanh”, hai ông tác giả Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy, cũng như người hướng dẫn là giáo sư Nguyễn Văn Trung, đã nghĩ rằng đây là bài thơ “chế giễu” Petrus Ký đúng với ý của họ, nên đã cho bài thơ vào trong sách.

Và quả là Cử Tạ, tác giả bài thơ, cũng có ý “chế giễu” thật!

Thế nhưng, nếu đọc không kỹ, hoặc đọc …. rất kỹ, thì lại thấy là phần lớn bài thơ … ca ngợi ông Petrus Ký một cách … khá đúng!

Khởi đầu, ở hai câu “đề” (câu số 1 và 2), “Người Việt được Tây đúc tượng đồng – Chúa ơi, vinh dự nhất là ông”, thì ông Petrus Ký đúng là người Việt hiếm hoi (hay duy nhất?) đã được Pháp đúc tượng đồng. Và đó là một vinh dự, vì người Pháp thời đó có coi phần lớn người Việt ra gì đâu! Vậy mà họ đã phải kêu gọi ông Petrus Ký vào dân Pháp, rồi lại đúc tượng ông, rồi lại đem tên ông đặt cho một ngôi trường lớn mới xây tại Sài Gòn. Đó là một vinh dự, không thể nói khác hơn! Rồi khi tác giả dùng chữ “Chúa ơi” với vẻ nhạo báng, thì lại cũng diễn tả không sai sự thật, rằng ông Petrus Ký là người theo đạo Thiên Chúa!

Kế đến, ở hai câu “thực” (số 3 và 4) “Áo dài khăn đống, Annam đặc – Kim khánh mề đay Bảo hộ phong”, thì quả là không sai vào đâu! Vì ông Petrus Ký suốt đời mặc áo dài khăn đóng và nhất quyết làm người Việt, dù chính phủ bảo hộ Pháp có tặng đủ thứ huân chương cao quý nhất của họ cho ông. Chẳng những vậy, ông còn cổ động việc nói và viết “tiếng Annam ròng”, để khỏi phải lệ thuộc Tây Tàu, và kêu gọi giữ gìn đạo đức Việt. Với một tư tưởng như vậy, ông đã bị không ít người Pháp nghi kỵ và ghen ghét. Nhưng, những điều đó đã không cản được việc chính phủ Pháp nhìn nhận những công trình văn hóa của ông, và tặng những “mề đay” đó cho ông.

Tiếp theo, ở hai câu “luận” (số 5 và 6), “Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá – Búa rìu sá kể miệng non sông”, mà tác giả dùng để nói lên tính khí của ông Petrus Ký, thì lại càng đúng nữa! Đó là vì ông đã quyết tâm trên con đường khai sáng dân trí người Việt, quyết tâm từ bỏ lối học từ chương cũ, để học hỏi những điều mới lạ thực dụng từ người Pháp – trong khi vẫn giữ vững đạo đức người Việt. Và ông đã tự nhận vai trò mà ông biết là rất khó khăn đó, nên ông nào có sá gì búa rìu dư luận. Do đó, nói là ông có “gan sắt đá” quả đã không sai!

Sau cùng, phải ở hai câu kết (7 và 8), “Tay cầm quyển Đít-son-ne Pháp/ Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không?”, ta mới thấy ra ý định chế giễu của tác giả Cử Tạ – với cách chơi chữ, dùng “dictionnaire” phiên âm ra tiếng Việt thành “Đít-son-ne”. Tác giả Cử Tạ đã đổi chữ c thành t, và viết hoa chữ “Đít’, để hàm ý rằng ông Petrus Ký “bợ đít” người Pháp. Sau đó, tác giả Cử Tạ cho rằng phải chi ông Petrus Ký còn sống thì chắc ông sẽ tiếc cho việc Pháp rút đi lắm.

Nhưng, một lần nữa, dù với sự cố gắng chế giễu Petrus Ký của Cử Tạ, sự thật thì ông Petrus Ký quả đã có làm đủ thứ tự điển để dạy học trò. Nên việc Cử Tạ diễn tả rằng pho tượng ông thời đó cầm cuốn Dictionnaire Pháp, cũng lại … đúng luôn!

Tóm lại, cả bài thơ nói trên, dù cho hai câu cuối có hàm ý và mục đích chế giễu Petrus Ký, tự nó lại toát ra những sự thật rất đúng về Petrus Ký.

Điều này chứng tỏ rằng tác giả bài thơ, cũng như những người chọn đăng bài thơ trong cuốn sách nhằm phê phán Petrus Ký, đã chẳng tìm được điều gì khác hơn để “chế giễu” Petrus Ký, ngoài việc cho rằng ông đã làm việc cho Tây – và chỉ bằng cách bóng gió chơi chữ là ông đã “bợ đít” Tây!

Kẻ hậu sinh là tôi, Winston Phan Đào Nguyên, nhân vụ dựng tượng Petrus Ký ở San Jose vừa qua, chợt nhớ lại bài thơ này. Qua những hiểu biết như trên về bài thơ, tôi xin được mượn ý của ông Vương Hồng Sển, để làm một bài thơ họa lại ông Cử Tạ, như sau:

Tượng Đồng Petrus Ký

Tài cao lại có Đức tương đồng

Người Việt nào ai chẳng mến ông

Bỏ chữ Hán xưa, dùng quốc ngữ

Tìm hồn Việt cũ, giữ gia phong

Tượng kia nay đứng trong trời đất

Danh nọ còn vang với núi sông

Trẻ nít chẳng phân điều phải trái

Đái vô chân tượng, hỏi: “hay không?”



Winston Phan Đào Nguyên (2019)



================================================



Người Việt được Tây đúc tượng đồng

Chúa ơi, vinh dự nhất là ông

Áo dài khăn đống, Annam đặc

Kim khánh mề đay Bảo hộ phong

Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá

Búa rìu sá kể miệng non sông

Tay cầm quyển Đít-son-ne Pháp

Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không?


Cử Tạ (1958)


Winston Phan Đào Nguyên
nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2019/01/15/nhan-viec-dung-tuong-petrus-ky-o-san-jose-california-nghi-ve-mot-bai-tho-cu/