Năm nay, cây cộ đèn giáo xứ Bắc Tỉnh dựng lên để ăn mừng lễ Giáng Sinh được duy trì để dùng cho những ngày Tết Nguyên đán sắp tới.
Không khí Tết trong các giáo xứ thuộc giáo phận Bùi Chu đã thực sự sôi động và tại Bắc Tỉnh, khi các ông trùm, trưởng và thanh niên trong giáo xứ trưa ngày 23 Tết gọi nhau đến trang hoàng lại cây cộ đèn cao 40m trồng ngay ở giữa sân cuối nhà thờ. Trên cây đèn này, cờ lớn, cờ nhỏ, phất phới tung bay trong gió Xuân còn khá lạnh. Lá đại kỳ hai mầu vàng trắng, cờ Giáo Hội Công Giáo và cờ Việt Nam, lúc đó là cờ quẻ Ly của vua Bảo Đại là những lá cờ chính, xen vào đó là những lá cờ đuôi nheo lớn nhỏ đủ mầu sắc và đèn giấy.
Để giữ cho cây cộ đèn cao như vậy đứng vững, người ta đã dùng những dây thừng cột từ trên cao thân cộ đèn ròng xuống đất, đóng cọc cột lại, khắp xung quanh. Trên những giây này là cờ đuôi nheo nhỏ và những ngọn điện nhỏ nhấp nháy, chuyền điện từ một máy phát điện nhỏ để trong nhà thờ.
Tiếng dao thớt rổn rảng, tiếng chuyện trò cười nói ồn ào phát xuất từ năm gian bếp rộng của giáo xứ Bắc Tỉnh (cách đại thánh đường Phú Nhai khoảng hơn 1km), thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định (Bắc Việt) quê hương bản quán của gia đình người viết truyện này.
Ba năm nay được mùa liền tại vùng châu thổ sông Hồng Hà, dân chúng các ngành nghề làm ăn khá giả nên không ai bảo ai mà cùng tổ chức tết Nguyên đán khá chu đáo.
Những năm ấy tôi còn nhỏ, chỉ khoảng bảy, tám tuổi nhưng đã có trí khôn vì đã đi học được vài lớp: Đồng Ấu (Enfantin), lớp Tư (Préparatoire) và lớp Ba (cours Elémentaire) thời Pháp thuộc.
Cha xứ tại giáo xứ Bắc Tỉnh của chúng tôi lúc đó là cha Phan đình Dương, sau này khi cha đã lớn tuổi, giáo dân thường gọi ngài là cha già Dương, hay cha cố Dương vì cha có nhiều nghĩa tử thụ phong Linh Mục như LM Tuyên, Lm Quang, LM Vũ đức Khâm và nhiều LM khác tôi không biết hết, tất cả thuộc địa phận Bùi Chu. Khi tôi hơn chục tuổi đầu, lúc thầy sáu Vũ đức Khâm sắp thụ phong Linh Mục, chính tôi cũng là một nghĩa tử của cha già Dương vì thầy sáu Khâm muốn tôi đi tu, thầy lại nhà nói với mẹ tôi và kể từ đó tôi gần như thường trực trong nhà xứ chờ đi học tại trường Thử Trung Linh (mời đọc thêm: Những kỷ niệm với cha Tràng Khiết, dunglac.org).
Trước kia, mỗi khi Tết đến, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong giáo xứ đều tự nấu lấy bánh chưng để ăn Tết, biếu tặng những chỗ thân tình, nhưng sau này, do cha xứ Dương xướng xuất và đề nghị, hầu như nửa giáo xứ tham gia chương trình nuôi lợn và nấu bánh chưng chung.
Cha Dương bảo với giáo dân, nhà xứ có một cái chuồng lợn rất rộng, nhà xứ đã nuôi 5 con lợn thịt và một con lợn nái trong ba ngăn chuồng. Chỗ chuồng còn bỏ trống là hai ngăn có thể nuôi dăm con lợn thịt, cha cho giáo dân mượn chuồng mà nuôi.
Hưởng ứng lời cha xứ, thế là một đội nuôi lợn ra đời, đứng đầu là chú Hảo, em họ bố tôi, đang đảm nhiệm chức vụ chánh trương hàng xứ (như chủ tịch HĐGX bây giờ).
Phiên chợ Trung đầu năm, những người tham gia góp tiền đi chợ mua 5 con lợn giống chỉ lớn bằng cái chai bia 33 đem về rồi phân công nhau mua cám, vớt bèo, nuôi. Nhà xứ có ba cái ao lớn, thả muống và bèo, những con lợn tha hồ ăn. Bèo lục bình ở ngoài sông cũng nhiều nhưng chỉ khi hết bèo cái và rau muống mới phải dùng lục bình. Vì gạo thóc dư, cám cũng nhiều nên lợn được ăn đầy đủ, cuối năm, mỗi con nặng cả tạ, hơn tạ.
Mỗi gia đình nông dân cấy nhiều lúa tẻ nhưng nhiều người vẫn dành mấy sào cấy lúa nếp. Tết tư đến, đây mới là lúc cần nhiều lúa nếp. Mấy cô gái xay lúa rồi giã gạo; thế là gạo nếp cũng sẵn sàng.
Ngày 23 Tết, khi các người bên lương (đạo Phật) cúng ông Táo chầu trời thì mỗi gia đình tham gia gửi một người đến nhà xứ xung vào đội nấu bánh chưng.
Cũng ngày này, thầy (bố) tôi vừa từ Hà Nội về quê ăn Tết theo thông lệ mỗi năm. Ông làm ăn ở Hà Nội và Hải Phòng từ lâu, ông mở một phòng mạch Đông Y sĩ, chẩn bệnh và cho thuốc Bắc, nghề nghiệp thầy tôi đã học nhiều năm khi người Pháp bỏ thi Hương (1911) để kén người tài có học chương trình Pháp giao dịch cho tiện nên thầy tôi hụt khoá thi Hương đó, ông chuyển qua nghề thầy đồ rồi đi học y dược thuốc Bắc (từ người Tàu) để làm một đông y sĩ.
Lúc này thầy tôi đang nói chuyện với cha xứ trên phòng khách.
Gặp lại thầy tôi, cha Dương mừng lắm vì khi xưa cha Dương và thầy tôi đã có thời gian cùng học một thầy đồ. Cha cũng học khá Hán tự, chỉ không tính lều chõng đi thi như thầy tôi, mỗi khi thầy tôi từ tỉnh về, cha mời vào nhà xứ rồi cứ thế, cha và thầy tôi chuyện trò không dứt cả buổi tối. Những khi thuận tiện, cha mời thầy tôi ở lại dùng cơm với cha. Câu chuyện thường là những cái lạ cái hay ở Hà Nội, Hải Phòng; sau đó nghiêng qua Tứ thư và Ngũ kinh, những cuốn sách cha Dương và thầy tôi đã học mòn mép giấy.
Để thầy tôi trò chuyện với cha, tôi xin phép xuống nhà bếp coi xem người ta gói bánh chưng ra sao. Khoảng hơn ba chục người đang thoăn thoắt làm việc. Họ chia ra từng toán chuyên môn.
Đây là toán cắt tiết và mổ lợn, gần chục người. Trên một cái phản lớn, ba con lợn da cạo trắng nhởn đang được chú Tảng xả thịt sau khi đã cắt tiết. Từ sáng sớm đến giờ, họ đã mổ ba con và đang cắt tiết con thứ tư. Sau khi mổ, họ chia thịt thành từng phần riêng biệt. Thịt nạc mỡ lẫn lộn họ đưa cho toán gói bánh. Nhưng trước khi gói, thịt phải qua tay hai người ướp thịt. Họ dùng các thứ gia vị như thảo quả, tiêu, hành, muối, đường...ướp thịt cho thấm rồi mới trao cho những người gói.(vnfa.com)
Nhà xứ có ba cái ao nhưng cái ao gần nhà bếp lớn và sâu nhất. Năm người đang làm lòng ruột ở cầu ao. Họ ken và rửa thật sạch ruột xong giao cho bốn người làm dồi. Tim, bầu dục... sẽ chia đồng đều cho các gia đình có tham gia. Gan luộc chín xong thái mỏng đặt lên trên những đĩa tiết canh cùng với đậu phọng giã nhỏ và húng quế, ngò gai.
Đây là toán gói bánh gồm gần chục người. Họ có những cái khuôn bằng gỗ thợ mộc đã làm cùng khuôn khổ. Vì gói nhiều, họ quen tay gói thoăn thoắt rất nhanh, bà quản Bồng được tiếng là tay gói bánh nhanh nhất có nghĩa ai thi gói với bà cũng thua cái nhanh của bà. Chẳng những nhanh, tấm bánh bà gói bao giờ cũng chắc tay, thịt, gạo, đậu đều đặn.
Những phần thịt thăn được giao cho đám giã giò, làm nem; chân giò giao cho toán các chị chuyên lo về ninh mọc. Tuy gọi là chung nấu bánh chưng nhưng thực tế là có đủ mọi thứ cho ngày Tết trên mâm cỗ gia đình. Vì thế, sau một năm trắc nghiệm, năm thứ hai có nhiều người ghi tên, cha Dương phải cho lập hai đội nấu bánh chưng, một đội A và một đội B.
Đám thanh niên cỡ tuổi anh tôi được giao nhiệm vụ leo trèo hái lá sung non cho những quả nem, đào riềng và hái các thứ rau thơm để làm giả cầy, làm dồi, đánh tiết canh.
Chú Hảo, chánh trương xứ cùng với ông phó trương những ngày này thật bận. Chú phải coi tổng quát các toán. Toán nào thiếu người thì điền khuyết. Chú cũng phải bàn thảo với hai chuyên viên nấu bánh chưng đang canh nồi bánh sao cho đủ lửa, bánh rền, và sau đó ép dưới sức nặng của các tấm cánh cửa có cối đá đè lên trên để bánh chắc.
Để không mất thì giờ đi về, đội nấu bánh đang làm hôm nay có một bữa ăn trưa ngay tại đó. Gạo nhà xứ sẵn, họ nấu ba nồi cơm lớn, thức ăn dùng ngay những mỡ, thịt vụn cắt ra xào rau súp-lơ (cauliflower) hay cải bắp, nước luộc lòng đem nấu bí xanh, một món mặn là thịt kho và giưa hành. Hai vại giưa hành và giưa cải bẹ của nhà xứ lúc nào cũng đầy vì cứ ăn vơi vơi, mấy bà dòng Ba lại mua rau và hành đem vào nén tiếp.
Khoảng 5 ngày, 5 đêm bánh đã nấu xong bằng những cái nồi ba mươi hay những thùng tôle mua từ thành phố Nam Định đem về.Tôi không hỏi nhưng đoán có lẽ cả ngàn cái bánh được phân phối. Mỗi gia đình vào nhà xứ lãnh về mười cái để biếu xén và ăn Tết cùng với giò, nem. Cha Dương nói trong buổi lễ nếu cha không sắp đặt như vậy thì nhiều nhà nghèo đông con không có bánh cho con ăn vì Tết đến cái gì cũng lên giá.
Có năm cha Dương không cho nuôi lợn mà nuôi một con bê. Cuối năm, nó đã thành con bò nhỡ nhỡ. Cha không cho ăn vào dịp Tết Nguyên đán hay Lễ Giáng Sinh nhưng để đến tận lễ Phục Sinh năm kế tức khoảng tháng tư dương lịch. Mỗi gia đình có một miếng thịt bò thui để ăn mừng lễ.
Tôi ít thấy cha xứ gần gũi và thương giáo dân như cha già Dương. Thời đó, có nhiều cha cầm roi tre đi xung quanh nhà thờ, thanh niên nào không chịu vào nhà thờ đọc kinh, dâng lễ, ngồi ngoài nói chuyện là cha vụt tới tấp. Nhưng với cha già Dương thì không. Cha nhớ mặt hết và thay vì đánh cho mấy roi, cha đuổi vào nhà thờ, tan buổi lễ, cha cho gọi cha mẹ đến trách cứ phải về dạy dỗ con cái, nếu lần sau cha bắt gặp nữa thì sẽ bị phạt nặng. Cha không nói phạt nặng là thế nào nhưng các ông bố bà mẹ nghe thế phải cố sức dạy con chớ làm như thế nữa.
Cha già Dương sống rất đạm bạc. Tuy là cha xứ, cha không có gì riêng tư cả, thầy tôi nói vậy vì thầy tôi rất gần gũi với cha do cả hai đều đã được đào tạo nơi cửa Khổng sân Trình. Thầy tôi nói, trước khi đi tu, cha đã đi học chữ Nho được bốn năm và rất say mê học tập. Sau này dù đã là Linh Mục, cha vẫn đọc Tứ thư, Ngũ Kinh để học hỏi thêm. Đó chính là lý do cha hay đàm luận với thầy tôi. Mỗi khi từ Hà Nội hay Hải Phòng về quê, thế nào thầy tôi cũng đến thăm cha ngay ngày hôm sau và bao giờ quà biếu cha cũng là vài lọ trà Chính Thái. Cha và thầy tôi là hai “trà sinh” nghiện trà tàu từ thuở còn thanh niên. Có trà ngon lại có bạn văn chương là hạnh phúc với các ngài rồi.
Một sinh hoạt nữa khá vui trong giáo xứ chúng tôi dưới thời cha Dương là cha khuyến khích thanh niên luyện tập võ nghệ. Chính cha là một võ sĩ giỏi bởi công phu luyện tập. Lúc đó chưa có Nhu đạo cũng như Tae Kwan Do mà chỉ có Võ Việt Nam hay võ Bình Định, ngón võ xưa kia vua Quang Trung dùng để luyện tập binh sĩ đánh quân nhà Thanh.
Chính cha Dương là một huấn luyện viên và hai huấn luyện viên khác, chú Đạm và chú Kính, do cha đào tạo, đã tập tành cho các thanh niên lứa tuổi của anh tôi, mỗi tuần hai hoặc ba buổi tối tuỳ theo thời tiết và công việc bận, rảnh của dân nông nghiệp. Những tối mùa hè thật vui. Nếu có trăng, cha cho võ sinh tập ở sân cuối nhà thờ khi buổi chầu hoặc kinh tối đã dứt. Khi thời tiết không tốt, cha cho dạy trong hội quán. Chính nhờ cha mà sau này khi có phong trào “Khoẻ vì Nước” kiến thiết Quốc gia và phong trào “Jeunesse Agricole Catholique” (Thanh niên nông nghiệp Công giáo) đã đào tạo được nhiều lãnh đạo thanh niên mạnh mẽ tinh thần và thể lực để phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc. Cũng có những tin đồn về cha Dương như cha có thể phi thân lên nóc nhà thờ, cũng y như cha già Học ở xứ Quần Cống. Tuy nhiên cá nhân tôi chưa nhìn thấy cha phi thân như thế bao giờ. Nhưng cha biểu diễn quyền, cước, côn, roi...thì tôi đã thấy. Khi cha cởi trần, chỉ mặc một cái quần lửng có thắt lưng đen ở bụng, người ta thấy những bắp thịt chắc nịch ở ngực, bụng, cánh tay, đùi và bắp vế. Cha có thể đứng tấn, cho một thanh niên khoẻ chạy từ đàng xa đến xô cha nhưng cha vẫn đứng vững y nguyên.
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Bắc Tỉnh,những em nhỏ từ 15 tuổi trở xuống, nếu em nào chưa ghi danh học võ thì phải tập thể dục. Cha bắt học sinh trước khi vào lớp buổi sáng, các thầy giáo (lúc đó chưa có cô giáo) phải dạy thể dục cho học sinh. Tôi cũng đã học thể dục nhưng chưa kịp học võ thì phải ra Hà Nội với thầy tôi. Sau đó tôi không biết cha già Dương đổi đi giáo xứ nào, hơn nữa chiến sự Pháp Việt xẩy ra, tiếp đó là cuộc di cư vĩ đại năm 1954 với hơn 1 triệu đồng bào Bắc di cư vào miền Nam trong đó có gia đình tôi. Tôi cũng không nghe có cha Dương di cư vào miền Nam. Cha Dương với thầy tôi đồng tuế, nếu các ngài còn sống đến nay cũng đã 120 tuổi.
Cha Dương thường tổ chức thi đấu võ nghệ vào sáng ngày mồng 3 Tết, tại sân nhà thờ Bắc Tỉnh, cho hết mọi võ sinh trong vùng không kể lương giáo, muốn thi đấu.
Ngay từ 10 giờ sáng, giáo dân xứ Bắc Tỉnh cùng dân các làng xung quanh như Trà Đông, Trà Bắc, Trà Trung, Trà Đoài, Vạn Lộc, Xuân Bảng, An Cư, Phú Nhai cả nghìn người đứng chật một cái sân rộng cuối nhà thờ. Các trật tự viên đã sắp cho các khán giả đứng bên ngoài một vòng tròn vẽ bằng vôi trắng, đó là chỗ thi đấu.
Đúng giờ khai mạc, cha Dương cùng vài ba cha bạn, có khi có cả cha Chính địa phận bước vào khán đài giữa tiếng hoan hô của mọi người. Ba hồi chiêng trống nổi lên làm long trọng thêm buổi thi đấu. Sau đó là chào cờ. Cờ quốc gia Việt Nam (dưới thời vua Bảo Đại) lúc đó là cờ quẻ Ly, nền vàng, ba gạch đỏ, gạch giữa đứt, cùng với cờ Giáo hội Công Gíáo, còn quốc ca là bản” Việt Nam Minh châu trời Đông” hầu như ai cũng thuộc lòng, đồng ca với hội hát (Ca đoàn giáo xứ).
Sau đó , cha cố Dương nói mấy lời chào mừng các cha, các võ sư, võ sinh và khán giả cùng ý nghĩa buổi thi đấu võ nghệ. Cha cũng không quên khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ, năng tập luyện để trau dồi thể lực và ý lực, giúp ích cho quốc gia và gia đình cũng như chính bản thân.(hon-viet.co.uk rang Văn học)
Rồi cha và hai Huấn luyện viên của cha ra biểu diễn mấy đường quyền, cước, côn, kiếm. Sau đó là phần biểu diễn của các võ sư, huấn luyện viên các lò võ ở quanh vùng như Trà Bắc, Trà Đông v.v...Những người này cũng biểu diễn mỗi người một bài quyền và một món binh khí sở trường.
Sau đó, các võ sinh giáo xứ Bắc tỉnh và các võ sinh các xã Trà Bắc, Trà Trung và Trà Đông v.v.. cùng thể lực và trình độ, bắt thăm để đấu vòng loại. Cuối cùng chỉ chọn hai trong các võ sinh giỏi nhất về mỗi môn để lãnh giải thưởng. Đội nào có nhiều võ sinh giỏi cũng được giải thưởng toàn đội thường là một chuyến lên Nam Định du ngoạn trong ba ngày do cha Dương và các nhà giầu có, hảo tâm tặng.
Vì chỉ là sân gạch, võ sinh bị té có thể bể đầu nên phần giao đấu nghiêng về trình diễn hơn là ăn thua. Ba Giám khảo có danh tiếng chấm điểm sau đó cộng lại chia ba để tính cao thấp mỗi võ sinh.
Các phần tỉ thí gồm có đao, gậy, roi, quyền, cước. Có những màn lưỡng đao, một cô gái làng Trà Bắc múa tít hai cây đao trong tay, vòng đao bao bọc xung quanh khiến người nhìn hoa mắt; cô đi đến đâu, người dạt về phía sau tới đó. Ai cũng phải chịu là cô có thiên khiếu và luyện tập rất công phu, nhiều giờ.
Ngày mồng 4, mọi người dời đến một cái sân đất rất rộng và bằng phẳng trước mặt hội quán, cũng trong khuôn viên nhà thờ. Hôm nay thi đấu vật. Vì là sân đất ít nguy hiểm, các đấu thủ vật thả ga, thi đua nhau bằng sức trì, sức kéo và bằng mẹo vật đã được thầy truyền thụ để hạ đối phương.
Sau hai ngày thi đấu, vì đã nhận xét kỹ càng và cho thư ký ghi chú từng chi tiết, ban Giám khảo gồm ba người: cha Dương và hai võ sư Trà Bắc, Trà Đông tuyên bố các giải thưởng dành cho tất cả các võ sinh. Chính cha Dương lại có vẻ nâng đỡ và khen ngợi các đấu sinh bên ngoài giáo xứ nhiều hơn là “gà nhà” làm các người ngoài Công giáo phục cha sát đất.
Với tư cách sáng lập và Chánh chủ khảo, cha Dương công bố các giải thưởng này trong buổi Văn Nghệ mừng Xuân tối mồng 4 Tết, trước sự hiện diện của hơn bốn nghìn người tham dự, lương giáo lẫn lộn.
Phương tiện ở thôn quê lúc đó thật thiếu thốn, dàn đèn dăm bóng 60 watt chỉ trông cậy vào một máy phát điện nhỏ, chạy xăng, cha Dương đi Hà Nội mua về, mỗi khi muốn khởi động phải giật bằng một sợi giây giống như máy cắt cỏ ngày nay. Ngoài ra còn dăm chiếc đèn măng-xông (manchon) đốt bằng dầu hôi nhưng như thế ở vùng quê nghèo lúc đó đã kể là oai lắm. Thanh niên thiếu nữ giáo xứ tập luyện cả hai tháng trời về ca hát, múa nón, múa quạt và những hoạt cảnh như “Công chúa ngủ trong rừng” “Con sói và con cừu” trong truyện ngụ ngôn của LaFontaine; Thánh A-lê-xù; Thạch Sanh, Lý Thông v.v...Tôi nhớ có một năm tôi được đóng vai Hoàng tử trong hoạt cảnh “Công chúa ngủ trong rừng” hoàng tử đã đến đánh thức công chúa dậy.
Ngày mồng 1 Tết kính thờ Đức Chúa Cha, mồng 2 Đức Chúa Con và mồng 3, Đức Chúa Thánh Thần, mỗi ngày 2 lễ mà lễ nào cũng đông, nhà thờ không còn một chỗ trống. Thời đó, ba lễ này cũng là ba lễ buộc (dù không thành văn) nhưng ai nấy giữ kỹ lắm. Vả lại đi lễ ngày Tết cũng là một niềm vui. Tuổi nhỏ được mặc quần áo mới ra đường, đi lễ gặp được nhiều họ hàng và bạn bè, trong túi lại rủng rỉnh có tiền mừng tuổi, đứa trẻ nào không thích?
Sau buổi lễ thứ hai ngày mồng 1, các chức sắc và giáo dân vào mừng tuổi cha xứ và mừng tuổi lẫn nhau. Thầy tôi, vì là bạn học với cha Dương, được uỷ nhiệm thay mặt toàn giáo xứ chúc tuổi cha xứ và thầy giáo Điển, cả ông câu và tất cả mọi người.
Ca đoàn Bắc Tỉnh hát bản đồng ca chúc mừng cha xứ mà tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu:
Kìa nay Đông tàn và Xuân lại đến đoàn con chúc mừng hoan ca. Cầu mong cha già, xin Chúa thương sang năm mới lại càng ban ơn thêm cho....
Sau đó cha đãi tiệc trà hàng xứ gồm có bánh chưng, giò thủ, mứt, trà...Những câu chuyện nổ dòn cho đến cả hai giờ sau mới vãn. Mỗi buổi chiều ba ngày Tết đều có chầu Thánh Thể, giáo dân đến dự chật một nhà thờ rộng, thường phải đứng cả ngoài sân.
Giáo xứ Bắc Tỉnh của tôi cũng như những làng bên cạnh còn nhiều trò vui khác nhân dịp Xuân về nhưng phạm vi bài này có hạn, xin cống hiến bạn đọc vào dịp khác.