2019, MONG GÌ?
Ngày 25 tháng 12, lễ Chúa Giáng Sinh, kiêng việc xác, làm việc lành. Đó là ý hướng chí thiện, chí hảo của Giáo Hội, hướng dẫn các Kitô hữu biết dùng cơ hội quý giá này để không chỉ mang niềm vui Chúa Giáng Sinh đến cho mọi người, mà còn chính là tìm cho mình được niềm vui đúng nghĩa.
Cứ như thông lệ, năm nay, một số anh chị em cũng góp nhau mua quà rồi chia nhau đi thăm một số người già cả, người bệnh tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng như những năm trước, có người đề nghị thăm và tặng quà ưu tiên cho những bệnh nhân người lương ung thư gần xa trong vùng. Thế là anh chị em đã lên kế hoạch thăm 8 người ung thư và 14 người chịu các bệnh tật khác và có hoàn cảnh khó khăn. Anh chị em đến thăm, không chỉ nói lời mừng Chúa Giáng Sinh, tặng quà, mà còn thăm hỏi, ủi an, chia sẻ tâm tình với họ. Một trong những câu hỏi mà nhóm nào cũng đặt ra đó là: “Năm 2019 sắp đến, ông/bà/anh chị ước mong gì?”
Cuối ngày, 18g00, anh chị em họp nhau lại và ăn mừng Chúa Giáng Sinh. Vẫn như mọi năm, anh chị em chia cho nhau nhiều niềm vui, nhiều ý sống, kể lại cho nhau nghe nhiều tâm tình khi đến với người. Đặc biệt, cái đáng nhớ nhất của lần thăm Giáng Sinh năm nay là đọc được những điều ước mong thật… chân tình mà cũng thật… chua chát…!
Năm 2019 sắp đến, cụ bà mong gì?
Bà cụ Hòa neo đơn bên suối trả lời: “Mong mọi người biết thương nhau. Thời này người ta ít thương nhau quá. Đi làm rẫy ngang qua đây biết bao người, mà thỉnh thoảng cũng chỉ có vài người ghé vào đây xem coi bà già này sống chết thế nào. Thương nhất là thằng Cảnh Khùng. Sao gọi nó là khùng? Hổng lẽ thỉnh thoảng nó vào đây cho bà vài trái chuối, nửa gói mì tôm mà gọi nó là khùng sao? Mấy hôm nay không thấy nó. Bà nhớ nó, không vì mấy trái chuối, vì nửa gói mì tôm, nhưng vì cứ sợ nó có bề gì. Thôi thì phú cho Trời Phật che chở cho nó…”
Anh V nói thêm: “Ước mong của bà Hòa “mọi người biết thương nhau” cứ réo vào tai anh chị em tôi trên suốt đường từ suối về phố, hơn 7 cây số”.
Năm 2019 sắp đến, anh mong gì?
Anh Tiến, ung thư yết hầu đã di căn, Bệnh Viện Ung Bướu trả về, nói:
“Mong cho có thuốc chữa bệnh ung thư. Mong cho người ta xây thêm nhiều bênh viện ung bướu. Số phận của những người ung thư nghiệt ngã quá. Không có thuốc chữa. Kết quả xét nghiệm mà K là coi như hết đời. Suy sụp. Tàn lụi. Không có cái đau đớn nào bằng biết mình sẽ chết mà không chịu chết ngay đi cho đỡ đau đớn.
Đã vậy, ai vào bệnh viện ung bướu rồi mới biết cái cảnh địa ngục trần gian là thế nào. Tại sao người ta có thể xây cất công trình nọ, công trình kia tốn ngàn ngàn tỷ, mà không thể xây một cái bệnh viện ung bướu cho nó đàng hoàng. Một thực tế quá vô lý.
Biết ung thư là sẽ chết, nhưng đến nỗi nào người ung thư lại bị xã hội này bỏ rơi, đối xử thậm tệ vậy. Chết trên chiếc giường bệnh thơm tho xinh đẹp thì ít là cũng hạnh phúc hơn phải chết trong cái xó ủm thủm kia chứ! Tôi chết chắc!
Nhưng cảm ơn trời cho tôi mang cái bệnh này để tôi biết thế nào là nỗi đau ung thư, biết thế nào là bệnh viện ung bướu, và biết thế nào là cái nhẫn tâm của xã hội hôm nay. Chưa có thuốc chữa bệnh K, thì ước gì, bệnh nhân K có một chỗ nằm cho xứng đáng với nhân phẩm. Không bao lâu nữa tôi sẽ chết, đó là chuyện của tôi, nhưng ước gì 2019 phải là năm mọc lên vài chục cái bệnh viện ung bướu rộng rãi, thoáng mát… cho đỡ tủi thân bệnh nhân K đang ngày càng tràn lan…"
Và anh Tiến khóc…
Một chị kể tiếp: “Ra khỏi nhà anh Tiến, không ai nói gì với ai, mỗi người chúng em đều đỏ hoe đôi mắt… thương quá”.
Năm 2019 sắp đến, cụ ông mong gì?
Cụ Thanh sinh 1937, 81 tuổi mà còn khá tỉnh táo, minh mẫn. Nghe nói thời còn trẻ, cụ rất chăm chỉ làm ăn, phát được nhiều rẫy, kinh tế ổn định. Tiếc là cụ có hai người con không được bình thường nên anh con trai chẳng có vợ, cô con gái cũng chẳng có chồng. Năm 1989, cả hai anh em con nhà cụ đều lần lượt qua đời vì sốt rét rừng không chữa nổi. Cụ bà buồn thương các con, mười năm sau, 1999, cũng lâm bệnh tim mạch. Tưởng ngã lòng anh hùng hảo hớn, nhưng không, cụ ông đúng là tráng sĩ, bán dần đất đai lo chữa bệnh cho cụ bà, nhưng cụ bà cũng đã ra đi năm 2003. Mười lăm năm qua, một thân một mình với cái cảnh yếu đi, già đi, cụ Thanh sống đơn giản, nhờ bà con giúp đỡ… Vậy cụ mong gtì cho năm mới này?
"Nhà tui chết nhiều rồi. Chỉ còn tui thôi. Nhưng tui chấp nhận cái chết hợp lý. Hỏi tui mong gì? Tui chỉ mong chết hợp lý.
Thưa cụ, có cái chết nào mà vô lý đâu?
Có chứ! Những năm trở lại đây có quá nhiều cái chết vô lý. Trời Phật chưa định cho mình chết mà tự mình tìm đến cái chết, không vô lý sao? Ăn nhậu đâm nhau chết. Ngoại tình, ghen tuông đâm nhau chết, lái xe ẩu tông chết người đi đường… Đói ma túy chết. Ngáo đá chết... không vô lý sao?
Nhưng cái chết vô lý nhất là: Trời Phật chưa định cho mình chết, mà những kẻ gian ác, vô tâm định cho mình chết, định luôn giờ chết, định cả cách chết… không vô lý sao?
Thưa cụ, tụi con chưa hiểu cụ muốn nói gì…
Trời ơi, không thấy sao, mấy năm gần đây, ngư dân đang đánh cá đã khá vất vả nhưng bình an, bỗng dưng biển bị xả độc, cá chết, người chết theo vì bệnh và chết theo vì không còn gì mưu sinh… Rồi dưới miền Tây nổi tiếng nước về cá về theo, phù sa nuôi cả một vùng đồng bằng màu mỡ, bỗng dưng bây giờ một lô đập thủy điện tít đâu đâu chặn hết lại, thành ra đất đai khô hạn, cạn kiệt nguồn cá… Chưa hết, lại còn những cái chết vô lý như không đội nón bảo hiểm, cãi lộn ẩu đả, ăn cắp mấy ổ bánh mì, bị bắt nằm đồn một hai đêm, bỗng dưng tự tử chết lãng nhách…
Hãy trả lại quyền sinh tử cho Ông Trời… Đừng ai ăn cướp quyền sinh tử của Ông Trời, rồi đổ thừa lung tung… Đừng như thế! Ở ác như vậy không sợ Ông Trời phạt cắm đầu sao?!?
PM. CAO HUY HOÀNG, 27.12.2018
(Ephata 829)